Niềm tin vào Đức Phật từ bi
Dalai Lama, Trần Quốc Việt, 20/03/2022
Nhìn lại quá khứ, tôi hoàn toàn không hối tiếc là tôi đã theo đuổi đến cùng chính sách bất bạo động. Từ quan điểm cực kỳ quan trọng của tôn giáo chúng tôi, chính sách này là chính sách khả thi duy nhất, và tôi vẫn tin nếu nhân dân tôi đã có thể theo đuổi chính sách ấy cùng với tôi, thì tình cảnh của Tây Tạng sẽ ít ra cũng hơi tốt hơn hiện nay. Ta có thể so sánh hoàn cảnh của chúng tôi với hoàn cảnh của những người bị công an bắt oan. Bản năng của họ có thể là phải chống trả, nhưng họ không thể nào trốn thoát được ; họ phải đương đầu với quyền lực quá mạnh ; và cuối cùng họ tốt hơn là nên âm thầm chịu đựng, và đặt niềm tin của mình vào quyền lực tối cao của công lý. Nhưng ở Tây Tạng, điều ấy hoàn toàn không thể nào thực hiện được. Nhân dân tôi hoàn toàn không thể nào chấp nhận người Trung Quốc cùng ý thức hệ của họ, và không ai có thể ngăn cản được bản năng đấu tranh của nhân dân tôi.
Cho dù người Trung Quốc gây ra nhiều tội ác ở nước tôi, nhưng trong lòng mình tôi tuyệt đối không bao giờ căm thù nhân dân Trung Quốc. Tôi tin một trong những lời nguyền rủa và nguy hiểm của thời hiện tại là trách các quốc gia vì tội ác của các cá nhân. Tôi biết nhiều người Trung Quốc đáng khâm phục. Tôi đoán không ai trên đời này lại đáng yêu và văn minh bằng những người Trung Quốc cao quý nhất, nhưng cũng không ai tàn ác bằng những người Trung Quốc đốn mạt nhất. Những người Trung Quốc thuộc hạng đê tiện nhất đã gây ra những tội ác ở Tây Tạng là những người lính và các viên chức cộng sản bị băng hoại vì nghĩ họ nắm quyền sinh sát. Hầu hết những người Trung Quốc sẽ rất xấu hổ nếu họ biết về những hành động tàn ác này ; nhưng tất nhiên họ không biết. Chúng tôi không nên trả thù những kẻ đã gây ra bao tội ác với chúng tôi, hay đáp trả tội ác của họ bằng tội ác khác. Chúng tôi nên suy nghĩ sâu sắc rằng theo luật Nhân quả, họ dễ bị đầu thai vào các kiếp đời khốn khổ và hèn mọn, và bổn phận của chúng tôi đối với họ, cũng như đối với tất cả chúng sanh, là giúp họ lên được Niết bàn, thay vì để họ chìm xuống các tầng thấp hơn của sự luân hồi. Cộng sản Trung Quốc đã tồn tại mười hai năm ; nhưng tôn giáo chúng tôi đã tồn tại 2.500 năm, và chúng tôi có lời hứa của Đức Phật rằng đạo Phật sẽ tồn tại thêm một thời gian dài bằng như thế nữa trước khi một đức Phật khác hạ thế và khai mở lại đạo Phật.
Vào thời sức mạnh quân sự quá lớn này tất cả mọi người chỉ có thể sống trong hy vọng. Nếu họ may mắn có quê hương và gia đình bình an, họ hy vọng được phép gìn giữ quê hương và gia đình ấy và nhìn thấy con cái mình lớn lên hạnh phúc ; còn nếu họ mất quê hương như chúng tôi thì nhu cầu hy vọng và niềm tin của họ lại càng cao hơn. Hy vọng của tất cả mọi người, xét cho cùng, chỉ là sự bình an trong tâm hồn. Tôi đặt hy vọng vào lòng can đảm của người Tây Tạng, và vào tình yêu sự thật và công lý vẫn còn hiện diện trong tim người ; còn niềm tin tôi đặt vào Đức Phật từ bi.
Dalai Lama
Nguyên tác : "My Land and My People", Potala, New York, 1962, reedit 1983, pp 233-234. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
**********************
Đạo Phật và Dân chủ
Dalai Lama, Trần Quốc Việt dịch, 20/03/2022
1. Trong suốt hàng ngàn năm người ta đã lầm tưởng rằng chỉ có tổ chức chuyên chế sử dụng những biện pháp kỷ luật cứng rắn mới có thể trị vì được xã hội con người. Tuy nhiên, vì mong muốn tự nhiên của con người là được tự do, cho nên trong suốt chiều dài lịch sử lực lượng tự do và lực lượng trấn áp xung đột không ngừng lẫn nhau. Ngày nay rõ ràng là lực lượng nào đang thắng. Sự xuất hiện các phong trào quyền lực của nhân dân lật đổ các chế độ độc tài tả và hữu đã chứng minh hiển nhiên rằng nhân loại không thể nào chấp nhận chế độ độc đoán và cũng không thể nào hoạt động tốt được dưới chế độ ấy.
2. Tuy trong các xã hội Phật giáo không có xã hội nào phát triển được điều gì tương tự như nền dân chủ trong hệ thống chính quyền của họ, nhưng bản thân tôi lại rất khâm phục nền dân chủ thế tục. Thời Tây Tạng còn tự do, chúng tôi coi trọng sự biệt lập tự nhiên của mình, tưởng lầm rằng chúng tôi có thể duy trì được sự thanh bình yên ổn như thế mãi. Do vậy, chúng tôi không màng gì đến những thay đổi diễn ra ở thế giới bên ngoài. Chúng tôi hầu như không nhận thức khi Ấn Độ, một trong những nước láng giềng gần gủi chúng tôi nhất, sau khi giành được độc lập một cách êm ả, đã trở thành một nước dân chủ lớn nhất trên thế giới. Về sau chúng tôi mới cay đắng nhận ra rằng trên trường quốc tế hay ở trong nước tự do là điều ta nên chia xẻ và tận hưởng cùng với người khác, chứ không giữ riêng cho mình.
3. Tuy những người Tây Tạng bên ngoài Tây Tạng giờ chỉ còn là những thân phận tỵ nạn, nhưng chúng tôi vẫn có tự do thực thi các quyền của mình. Trong khi đó, dù được sống trên quê hương, các anh chị em chúng tôi ở Tây Tạng thậm chí không có cả đến quyền sống. Cho nên trong chúng tôi những ai sống lưu vong đều có trách nhiệm nghĩ đến và phác họa ra tương lai của Tây Tạng. Vì thế, trong suốt nhiều năm qua và bằng nhiều phương tiện khác nhau chúng tôi đã cố gắng đạt đến mẫu mực của nền dân chủ đích thực. Điều này được chứng minh qua sự am hiểu tường tận của tất cả người Tây Tạng lưu vong về từ “dân chủ”.
4. Từ lâu tôi đã mong đợi đến ngày chúng tôi có thể nghĩ ra hệ thống chính trị phù hợp với truyền thống của chúng tôi và với những đòi hỏi cấp bách của thế giới hiện đại. Một nền dân chủ có cội rễ là bất bạo động và bình an. Chúng tôi mới đây đã khởi sự những thay đổi nhằm sẽ dân chủ hóa hơn nữa để làm cho chính quyền lưu vong của mình thêm vững chắc. Vì nhiều lý do, tôi đã quyết định tôi sẽ không lãnh đạo hay đóng vai trò gì trong chính phủ khi Tây Tạng được độc lập. Nhà lãnh đạo tương lai của chính phủ Tây Tạng phải là người được đa số nhân dân bầu lên. Sự khởi đầu như thế sẽ mang đến nhiều điều lợi ích và nhờ bước đi ban đầu như thế chúng tôi sẽ có thể trở thành một nước dân chủ thật sự và hoàn toàn. Tôi hy vọng những bước ban đầu này sẽ cho phép nhân dân Tây Tạng có tiếng nói rõ ràng trong việc quyết định tương lai của nước mình.
5. Sự dân chủ hóa của chúng tôi đã mở rộng đến những người Tây Tạng trên khắp thế giới. Tôi tin những thế hệ tương lai sẽ coi những thay đổi này thuộc về những thành tựu quan trọng nhất trong đời lưu vong của chúng tôi. Hoàn toàn giống như sự du nhập đạo Phật vào Tây Tạng đã hun đúc nên quốc gia chúng tôi, tôi tự tin rằng sự dân chủ hóa xã hội sẽ tăng thêm sinh lực cho nhân dân Tây Tạng và giúp các thể chế ban ra những quyết định quan trọng có thể phản ánh được những nhu cầu và nguyện vọng thật sự của nhân dân.
6. Tư tưởng cho rằng con người có thể sống chung tự do với nhau như những cá nhân, bình đẳng về nguyên tắc và vì thế có trách nhiệm lẫn nhau, về cơ bản là hợp với Phật tánh. Là Phật tử, những người Tây Tạng chúng tôi tôn kính nhân sinh như quà tặng quý giá nhất và tôn trọng triết học và lời dạy của đức Phật như con đường đưa đến hình thái tự do cao quý nhất. Đây là mục tiêu mọi người dù nam hay nữ đều nên đạt đến.
7. Đức Phật thấy mục đích thật sự của cuộc đời là hạnh phúc. Người cũng thấy tuy vô minh trói buộc chúng sinh trong triền miên phiền nảo và khổ lụy, nhưng trí huệ Bát nhã soi sáng con đường giải thoát. Dân chủ hiện đại được dựa trên nguyên tắc rằng tất cả mọi người cơ bản đều bình đẳng, rằng mỗi người trong chúng ta đều bình đẳng về quyền sống, tự do, và hạnh phúc. Đạo Phật cũng thừa nhận mọi người ai ai cũng đều có nhân phẩm, và tất cả những thành viên trong gia đình nhân loại đều có quyền tự do bình đẳng và bất khả xâm phạm, không chỉ về tự do chính trị, mà còn ở mức độ tự do cơ bản là thoát khỏi cảnh đói nghèo và sợ hãi. Không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ có học hay người vô học, người nước này hay nước khác, người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, người trung thành với ý thức hệ này hay ý thức hệ khác, mỗi người trong chúng ta đều vẫn chỉ là một con người như bao con người khác. Không những tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc và tìm cách tránh đau khổ, mà mỗi người trong chúng ta còn có quyền bình đẳng để mưu cầu những mục tiêu này.
8. Thể chế đức Phật sáng lập ra là Sangha hay tăng đoàn, hoạt động theo đường lối chủ yếu dân chủ. Bên trong giáo đoàn này, cho dù giai cấp xã hội hay đẳng cấp xuất thân nào chăng nữa, mọi cá nhân đều bình đẳng. Khác biệt rất nhỏ duy nhất về địa vị phụ thuộc vào tuổi thọ giới. Tự do cá nhân, thể hiện qua sự giải thoát hay giác ngộ, là trọng tâm chính của toàn thể cộng đồng và được đạt đến nhờ tu tâm qua thiền quán. Tuy nhiên, quan hệ hằng ngày với nhau diễn ra trên nền tảng của lòng quảng đại, sự tương kính, và hoà nhã. Khi theo đuổi cuộc đời xuất gia, chư tăng đã lánh xa mọi lo toan của cải. Song họ không sống hoàn toàn biệt lập. Tục lệ khất thực chỉ để cho họ ý thức sâu sắc hơn sự phụ thuộc của họ vào người khác. Trong cộng đồng này mọi quyết định đều thông qua bằng lá phiếu và mọi khác biệt đều được giải quyết qua sự đồng thuận. Như thế Sangha là mẫu mực về sự bình đẳng xã hội, cùng chia xẻ tài sản chung và quá trình dân chủ.
9. Đạo Phật về cơ bản là giáo lý thực tế. Khi bắt đầu giải quyết vấn đề đau khổ của con người, đạo phật không khẳng định chỉ có một lời giải duy nhất. Do xác định con người vốn khác biệt nhau rất nhiều về nhu cầu, bản tánh và tài năng, nên đạo Phật thừa nhận có nhiều con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Là cộng đồng tinh thần, sự gắn bó của cộng đồng bắt nguồn từ ý nghĩa hợp nhất của tình anh chị em. Đạo Phật đã trường tồn trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm tuy không có bất kỳ tổ chức lãnh đạo trung ương chính thức rõ ràng nào. Đạo Phật đã phát triễn thành nhiều hình thức đa dạng, trong khi đó, nhờ tu tập, đạo đã không ngừng hiểu mới những lời giảng dạy căn bản của đức Phật. Muôn nẻo đường đưa đến đạo này, đều do chính các cá nhân chịu trách nhiệm, rất hợp với quan điểm dân chủ.
10. Chúng ta ai ai cũng muốn tự do, nhưng con người nổi bật là nhờ ở thông minh. Là người tự do chúng ta có thể dùng sự thông minh duy nhất này để cố gắng hiểu mình và hiểu đời. Đức Phật dạy rất rõ ràng ngay cả các Phật tử không nên tiếp nhận mà không suy nghĩ lời dạy của Người, mà phải suy xét và kiểm chứng những lời dạy ấy như người thợ kim hoàn thử chất lượng của vàng. Nhưng nếu chúng ta bị ngăn cấm không được dùng đến khả năng phân biệt và óc sáng tạo của mình, thì chúng ta đánh mất đi một trong những đặc trưng cơ bản của con người. Vì thế, tự do chính trị, xã hội và văn hóa mà nền dân chủ tạo ra có giá trị và tầm quan trọng vô cùng.
11. Không có hệ thống chính quyền nào hoàn thiện, nhưng dân chủ lại gần gủi nhất với bản chất cơ bản của con người. Dân chủ cũng là nền tảng trên đấy con người có thể dựng lên cấu trúc chính trị công bằng và tự do trên phạm vi toàn cầu. Cho nên vì quyền lợi của tất cả chúng ta những ai trong chúng ta đang hưởng dân chủ nên tích cực ủng hộ quyền được hưởng dân chủ như thế của tất cả mọi người.
12. Mặc dù chủ nghĩa cộng sản theo đuổi nhiều lý tưởng cao quý, trong đó có sự xả thân quên mình, nhưng nỗ lực của tầng lớp cầm quyền cao nhất để áp đặt quan điểm của họ đã gây ra bao thảm khốc. Những chính quyền này đã tìm đủ mọi cách nhằm kiểm soát xã hội và xúi dục nhân dân của họ làm việc vì lợi ích chung. Ban đầu tổ chức theo đường lối cứng rắn có thể cần thiết để đánh bại được các chế độ áp bức cũ. Tuy nhiên một khi mục tiêu ấy đã đạt được, sự cứng rắn như thế lại đóng góp rất ít vào công cuộc xây dựng xã hội thật sự hợp tác. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại hoàn toàn vì nó dựa vào vũ lực để cổ vũ cho niềm tin của mình. Cuối cùng, bản chất con người không thể nào chịu đựng mãi đau khổ do chủ nghĩa này gây ra.
13. Vũ lực tàn bạo, dù có được áp dụng mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, vẫn không bao giờ có thể dập tắt nổi niềm mơ ước tự do căn bản ở con người. Hàng trăm ngàn người xuống đường ở các thành phố Đông Âu đã minh chứng điều này. Họ chỉ thể hiện nhu cầu tự do và dân chủ của con người. Những đòi hỏi của họ chẳng có liên quan gì đến ý thức hệ mới nào ; họ chỉ muốn bày tỏ niềm ao ước tự do chân thành của mình. Không như các chế độ cộng sản tưởng rằng ngưòi ta chỉ cần có cơm ăn, áo mặc, và nơi ở, là đủ. Bản chất sâu xa hơn trong con người còn đòi hỏi chúng ta phải thở được khí trời tự do quý giá.
14. Các cuộc cách mạng ôn hoà ở Liên Xô và Đông Âu cũ đã cho chúng ta nhiều bài học lớn. Một bài học về giá trị của sự thật. Người ta không ai thích bị bắt nạt, bị lường gạt hay bị lừa dối dù bởi cá nhân hay chế độ. Những hành động như thế đi ngược lại tinh thần cơ bản của con người. Vì vậy, những ai thực hành sự gian dối và dùng đến vũ lực có thể đạt được thành công đáng kể ngắn hạn, nhưng rồi cuối cùng họ nhất định sẽ bị lật đổ.
15. Sự thật là người bảo đảm tốt nhất và là nền tảng thật sự của tự do và dân chủ. Không quan trọng là ta yếu hay ta mạnh hay sự nghiệp ta đeo đuổi có ít hay nhiều người theo, sự thật vẫn luôn luôn thắng. Mới đây, nhiều phong trào tự do thành công đều dựa trên sự bày tỏ chân thật những tâm tư căn bản nhất của con người. Đây là một sự nhắc nhở quý giá rằng chính sự thật vẫn hiện đang thiếu trầm trọng trong đa phần cuộc sống chính trị của chúng ta. Nhất là trong sự hành xử trong các quan hệ quốc tế chúng ta lại càng rất ít tôn trọng sự thật. Tất yếu, các nước yếu hơn bị các nước mạnh hơn nhào nặn và lấn áp, tựa như những thành phần yếu thế trong đa số các xã hội chịu đau khổ dưới tay của thành phần giàu có hơn và quyền thế hơn. Trong quá khứ, sự bày tỏ sự thật đơn thuần thường bị bỏ qua vì xem là không thực tế, nhưng những năm vừa qua này đã chứng minh sự thật là một sức mạnh vô cùng lớn trong tâm hồn con người và, từ đấy, tạo ra sức mạnh vô cùng lớn quyết định dòng chảy của lịch sử.
16. Khi chúng ta đến gần cuối thế kỷ hai mươi, chúng ta nhận ra rằng thế giới ngày càng thu nhỏ lại và mọi người trên thế giới càng nép lại bên nhau như trong cùng một cộng đồng. Chúng ta cũng tự đến gần nhau hơn qua những vấn đề nghiêm trọng chúng ta cùng đối diện : bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên, và khủng hoảng môi trường mà đe doạ đến chính nền tảng tồn tại trên hành tinh nhỏ bé chúng ta cùng chung sống này. Tôi tin để đương đầu với thử thách ấy, con người sẽ phải hình thành ý thức trách nhiệm phổ quát lớn lao hơn. Mỗi người trong chúng ta phải học để nổ lực không chỉ riêng cho bản thân, gia đình, quốc gia mình, nhưng cũng vì cho lợi ích chung của tất cả nhân loại. Trách nhiệm phổ quát là nhân tố thật sự rất quan trọng cho sự tồn vong của con người. Trách nhiệm ấy là nền tảng tốt nhất cho nền hoà bình thế giới, sự xử dụng bình đẳng tài nguyên, và bảo vệ tốt môi trường.
17. Nhu cầu hợp tác cấp thiết này chỉ tăng thêm sức mạnh cho nhân loại, bởi lẽ nhu cầu ấy giúp chúng ta thừa nhận rằng nền tảng vững bền nhất cho nền trật tự thế giới mới không phải đơn thuần là các liên minh chính trị và kinh tế rộng mở hơn, mà chính là sự thực hành đích thực tình thương yêu và lòng từ bi ở từng cá nhân. Những phẩm hạnh này là suối nguồn hạnh phúc cao quý nhất của con người, và nhu cầu thương yêu và từ bi ấy chính là cốt lõi đời người chúng ta. Thực hành lòng từ bi thực ra không phải là sự biểu hiện lý tưởng không tưởng, nhưng là cách hữu hiệu nhất để theo đuổi quyền lợi tốt nhất cho người khác và cho mình. Dù là cá nhân hay quốc gia, chúng ta càng phụ thuộc vào người khác bao nhiêu thì vì quyền lợi tốt nhất của chính mình chúng ta càng nên tạo ra hạnh phúc cho họ.
18. Dù nền văn minh trong thế kỷ này đã tiến rất nhanh, tôi vẫn tin nguyên nhân trực tiếp nhất của vấn đề nan giải hiện nay là chúng ta đã quá nhấn mạnh chủ yếu vào sự phát triễn vật chất. Chúng ta quá bận tâm đến sự mưu cầu vật chất đến độ ngay cả không biết rằng chúng ta đã không khích lệ nhu cầu căn bản nhất ở con người tức thương yêu, nhân ái, hợp tác và tương trợ. Nếu chúng ta không biết ai hay không cảm thấy gắn bó với nhóm hay cá nhân cụ thể nào, chúng ta đâu quan tâm đến nhu cầu của họ. Tuy nhiên sự phát triễn của xã hội loài người là hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ lẫn nhau giữa mọi người. Một khi chúng ta mất đi lòng nhân cơ bản vốn là nền tảng ấy của mình, thì ích lợi gì khi chỉ mưu cầu sự tiến bộ vật chất ?
19. Trong hoàn cảnh hiện nay, không ai có thể trông mong người khác sẽ giải quyết vấn đề thay cho mình. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm góp phần hướng dẫn đại gia đình toàn cầu của chúng ta đi theo chiều hướng đúng và chúng ta phải gánh vác trách nhiệm ấy. Điều chúng ta nhắm đến chính là sự nghiệp chung của cả xã hội. Nếu xã hội nói chung thịnh đạt, thì tự nhiên mỗi cá nhân hay tập thể trong xã hội đều có lợi. Còn nếu xã hội nói chung suy sụp, thì chúng ta còn biết mong vào đâu để đấu tranh và đòi hỏi các quyền của mình ?
20. Riêng tôi, tôi thật sự tin cá nhân có thể có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Là nhà sư Phật giáo, tôi cố gắng phát tâm từ bi của mình -không chỉ từ quan điểm tôn giáo, mà cũng từ quan điểm nhân đạo. Nhằm khuyến khích mình hướng đến thái độ vị tha này, đôi khi tôi thấy hữu ích khi hình dung mình, một cá nhân đứng riêng lẻ ở một bên, còn phía bên kia là cả một đám đông vô cùng lớn gồm tất cả những người khác . Rồi tôi tự hỏi : “Quyền lợi của ai quan trọng hơn ?” Đối với tôi câu trả lời rất rõ ràng là, dù tôi cảm thấy mình quan trọng thế nào chăng nữa, tôi vẫn chỉ là một, còn họ là đa số.
Washington, D.C., tháng Tư 1993
Dalai Lama
Nguyên tác : Bouddhism and Democracy, dalailama.com, 04/1993
Trần Quốc Việt dịch, 20/03/2022
****************************
Chưa bằng một phần mười của một hạt bụi dưới chân Đức Phật
Ernst Benz, Trần Quốc Việt dịch, 20/03/2022
Lời người dịch : Trong tác phẩm tựa đề "Phật giáo hay Cộng sản", Giáo sư người Đức Ernst Benz bàn về sự phục hưng Phật giáo vào cuối thập niên 1950 và nỗ lực của Phật giáo ở một số nước Châu Á nhằm chống lại sự thâm nhập của cộng sản. Bài dịch sau bàn về sự phê phán quyết liệt chủ nghĩa cộng sản của giới Phật giáo ở các nước như Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh. (TQV)
*********************
Cho dù vậy, chúng ta vẫn có thể nói rằng sự hồi sinh của Phật giáo tại hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều được xem như là hình thức bảo vệ chống lại chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ duy vật cộng sản. Nhờ truyền miệng và nhờ tài liệu rộng rãi những Phật tử ở Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan đang cố gắng làm cho dân chúng miễn dịch vi trùng cộng sản. Chẳng hạn như tiến sĩ Suriyabhongse Pisuthiapataya, người phát ngôn nổi tiếng của Phật giáo Thái, đã viết tiểu luận nhan đề Cộng sản đang gõ cửa- Hãy coi chừng !
Rõ ràng, tiểu luận này có nhiều khẩu hiệu rất đơn giản hóa. "Đạo Phật là tôn giáo duy nhất có thể chống lại được thử thách của chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít và chứng minh sự giả dối của ý thức hệ cộng sản". Tiểu luận tập trung tấn công vào nền tảng duy vật của chủ nghĩa cộng sản, quan điểm cho rằng những quy luật vật chất và tự nhiên chi phối thế giới, cho rằng con người là "nô lệ của môi trường" và hoàn toàn bị hoàn cảnh thế giới bên ngoài định đoạt. Lý thuyết đấu tranh giai cấp, tiểu luận chỉ rõ, đặc biệt là không hợp với đạo đức nhà Phật. Phật tử không thể nào chấp nhận hận thù giai cấp và tán thành phương tiện tàn ác nhất nhằm đạt đến sự thống trị của giai cấp vô sản. Hơn nữa, chủ nghĩa cộng sản đã thề tiêu diệt tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo. Nếu các nước cộng sản đành phải chấp nhận tôn giáo thì đấy chỉ là chiến thuật tạm thời mà họ sẽ theo đuổi chỉ chừng nào tôn giáo phục tùng những lời dạy của ý thức hệ cộng sản.
Lập luận tiếp theo là, ngược lại, giáo lý Phật giáo dạy rằng con người quyết định số phận của mình (Nhân quả). Được phú cho tự do ý muốn, con người có thể học để chế ngự tham, sân, si. Thế giới con người không phải bị chi phối bởi những quy luật vật chất và tự nhiên, mà được chi phối bởi luật đạo đức Nhân quả bất biến và sự tái sinh vốn tuân theo nguyên tắc nền tảng là thiện nghiệp có kết quả thiện còn ác nghiệp có hậu quả ác. Cuộc đời chúng ta không giới hạn chỉ ở kiếp hiện tại này, nhưng chỉ là một kiếp trong chuỗi dài nhiều kiếp tái diễn mà là kết quả của những thiện nghiệp và ác nghiệp từ bao kiếp trước. Mục tiêu của cuộc đời chúng ta không phải là thỏa mãn nhu cầu vật chất, mà là gột rửa tâm tham dục ; chỉ có điều ấy mới đưa đến hạnh phúc và an lạc và giải thoát ra mọi khổ đau. Phật giáo đáp trả lời kêu gọi hận thù giai cấp, cách mạng và xâm chiếm thế giới của cộng sản bằng những lời dạy bảo về nhân từ, thân ái, từ bi và bao dung. Đạo Phật bắt đầu hoán cải cái ác của cuộc đời không phải bằng biện pháp bên ngoài, mà bằng cách làm cho tâm thanh tịnh ; đấy là tiên đề cho tất cả các cuộc cải cách xã hội. Phương thức bao dung ôn hòa và thiện ý, chứ không phải hận thù và bạo lực cách mạng, phải được sử dụng để cải thiện hoàn cảnh xã hội.
Như vậy, Phật giáo "không hợp với chủ nghĩa cộng sản về mọi phương diện". Lý thuyết cộng sản và cách sống cộng sản "hoàn toàn trái ngược với tất cả mọi nguyên tắc đạo đức, với công lý phổ quát và những quy luật tự nhiên phổ quát". Chủ nghĩa cộng sản là " hình thức khủng bố chính trị, con đường hạ thấp con người xuống kiếp đời hèn mọn nhất và tước đoạt của họ toàn bộ nhân phẩm".
Tiểu luận Phật giáo trong Thế giới dân chủ, do Hội Phật giáo Thái Lan xuất bản ở Bangkok, cũng đưa ra lập luận tương tự. Hội này, dưới sự bảo trợ trực tiếp của đức vua Thái, là tổ chức tôn giáo và văn hóa cao nhất trong nước. Các hội viên bao gồm những nhà lãnh đạo trong các giới chính trị, học giả, và kỹ nghệ.
Tiểu luận này trước tiên bàn về nhân cách của chính Đức Phật. Từ đấy tiểu luận nhắc nhở độc giả rằng Đức Phật lúc truyền bá Phật pháp đã không sử dụng tuyên truyền hay ép buộc, mà chỉ dùng đến phương pháp thuyết phục bằng luận chứng hợp lý và lời giảng dạy nhẹ nhàng cho những ai tự nguyện tìm đến với Đức Phật. Thông điệp của Đức Phật hướng đến người nghèo lẫn người giàu, đến người yếu lẫn người mạnh, đến người hành khất lẫn bậc vương giả. Đức Phật muốn đưa tất cả mọi người ra khỏi cảnh giới vật chất và trần tục để đến mục tiêu tâm linh, nhưng Đức Phật không kết tội giàu sang tự nó là xấu, hay quyền lực cố hữu là ác. Tiểu luận chỉ ra con đường của Đức Phật là con đường cải cách xã hội qua giáo dục và giác ngộ, không phải qua bạo lực lật đổ thể chế hiện hữu. Như vậy, điều ấy chứng tỏ tấm gương của Đức Phật và giáo lý Phật giáo là sự phản bác tất cả những lời kêu gọi đấu tranh giai cấp.
Tiểu luận lập luận tiếp theo rằng chủ nghĩa cộng sản coi cá nhân chỉ là viên chức trong tổ chức xã hội. Trái lại, Phật giáo hoàn toàn nhấn mạnh vào sự thừa nhận nhân cách cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Về phương diện này, Phật giáo và Công giáo gần như gặp nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt tồn tại ở chân lý rằng giáo lý Nhân quả của Phật giáo coi trách nhiệm đạo đức không chỉ giới hạn trong cuộc đời hiện nay của chúng ta ; phẩm hạnh đạo đức của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến những cuộc tái sinh của chúng ta. Hơn nữa giáo lý Nhân quả khẳng định tự do, mà cá nhân không được ban cho trong xã hội cộng sản.
Tiểu luận vừa được đề cập đến chỉ là một trường hợp trong chiến dịch lớn lao của Thái Lan nhằm chứng minh sự xung khắc giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. Ở Tích Lan, nơi không có biên giới chung với các nước cộng sản láng giềng, người ta không cảm nhận sâu sắc nhu cầu cho loại tuyên truyền chống cộng mà chỉ trích rất nghiêm khắc. Thay vì thế, chúng ta thấy trong Cuộc nổi loạn trong Chùa của Vijayavardhana một sự đối chiếu lịch sử sâu sắc hơn với tư tưởng cộng sản. Là người chỉ trích sắc sảo lịch sử Châu Âu, bao gồm lịch sử cách mạng Nga, Vijayavardhana phân biệt cẩn thận giữa chủ nghĩa cộng sản lý tưởng và hiện thực chính trị của chủ nghĩa cộng sản tại Nga và Trung Quốc. Ông cho rằng chủ nghĩa cộng sản dưới hình thức đặc trưng thể hiện ở hai nước này chứng minh vực thẳm ngăn cách không thể nào vượt qua được giữa cộng sản và Phật giáo ; vì những gì chủ nghĩa cộng sản đưa đến là "quân sự hóa lao động và cưỡng bách nhà nước". Cưỡng bách nhà nước mà là cơ sở của sự thành công bên ngoài của chủ nghĩa cộng sản tại những nước này thực ra chính là nền tảng xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản lý tưởng. "Người ta sẽ không bao giờ tìm ra được bất kỳ cách gì để xui khiến con người hiến thân cho hạnh phúc bị áp đặt. Mọi hình thức cưỡng bức đều đáng ghét, đã luôn luôn đều đáng ghét, và sẽ luôn luôn đều đáng ghét, chừng nào con người là con người-họ thích hỗn loạn nhân tính hơn trật tự vô nhân tính".
Vijayavardhana không đồng ý với khái niệm nhà nước Mác-xít. "Theo lý thuyết Mác-xít, nhà nước là cơ quan tối cao có quyền năng vô hạn, và tự do cá nhân phải bị hy sinh cho cơ quan tối cao có quyền năng vô hạn này". Đàn áp tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí và hội họp là hoàn toàn đi ngược lại khái niệm về con người của Phật giáo.
Ông cũng thấy rằng việc sử dụng cố ý hận thù làm vũ khí trong cuộc đấu tranh chính trị là sự cách biệt dễ thấy nhất giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. "Sức mạnh năng động của học thuyết Mác bắt nguồn từ hận thù. Hận thù là phản ứng tự nhiên, nhưng điều Mác đã làm là nâng hận thù lên thành một nguyên tắc rất bao trùm và là nguồn gốc của mọi tiến bộ".
Hận thù khơi dậy những bản năng thấp hèn nhất của con người. "Hận thù đã mang lại hy vọng về sự đảo ngược lớn lao qua đó giới bị áp bức có thể bắt đầu hưởng hạnh phúc, quyền lực, và -sung sướng nhất-trả thù".
Ngược lại, lý tưởng Phật giáo cao nhất là "A-La-Hán- giới bao gồm tất cả" (All-encompassing Arahat-world). Phật giáo, với tình thương yêu, nhân từ và thiện cảm của mình dành cho tất cả chúng sanh, không chấp nhận khái niệm đấu tranh giai cấp, khái niệm cách mạng và chuyên chính vô sản Mác-xít. Phật giáo không chấp nhận chuyên chính của giai cấp này đối với giai cấp khác. Từ quan điểm đạo đức Phật giáo, mục đích phải là hài hòa nhu cầu của những giai cấp khác nhau và hoạt động hướng tới việc san bằng những bất bình đẳng giữa các giai cấp. Về mặt chính trị điều này có nghĩa là "phương pháp tiến hóa-phương pháp dân chủ : thảo luận, hợp tác, đồng thuận".
Thái độ của những người lãnh đạo của Phật giáo Miến Điện có vẻ hơi khác. Miến Điện giáp giới trực tiếp với Cộng hòa nhân dân Trung Quốc. Mãi cho tới gần đây, tàn quân của Tưởng Giới Thạch vẫn hoạt động chống lại những toán cộng sản trong lãnh thổ Miến Điện. Nước này rất dễ bị cộng sản thâm nhập. Vì thế, đối với Miến Điện cuộc kháng cự có tổ chức nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản cấp bách hơn rất nhiều so với Tích Lan vốn là nước không cảm thấy bị Trung Cộng đe dọa trực tiếp. Ở Miến Điện, Phật giáo có tổ chức, tuy ủng hộ chủ nghĩa xã hội và lý tưởng nhà nước phúc lợi, nhưng đều đồng lòng chống lại ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản. U Nu, trước hết, rất minh bạch về lập trường của chính quyền ông trong vấn đề này. Trong nhiều bài diễn văn của mình ông tố cáo chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù chính của Phật giáo.
Vì vậy, một trong những lý do thành lập Tổ chức Trung ương Phật giáo cho Liên bang Miến Điện là nhằm chống lại sự thâm nhập của chủ nghĩa duy vật cộng sản vào Miến Điện. U Nu cũng nói như vậy trong bài diễn văn ông đọc trước Nghị viện vào ngày 3 tháng Mười, 1950, trong đó ông bàn đến dự luật thành lập tổ chức trung ương này. "Hội đồng Phật giáo lần thứ Sáu có nhiệm vụ đưa những nhà truyền giáo Phật giáo ra nước ngoài, như những nước khác đã phái những nhà truyền giáo của họ đến đây", ông nói. "Một nhiệm vụ khác nữa là phải đấu tranh chống lại âm mưu của những kẻ mà mục đích của họ là phá hoại nền tảng chân chính của tôn giáo của chúng ta. Cách thức của họ khó hiểu ; ý định của họ chắc chắn là độc ác. Tuyên truyền xuất phát từ vài trung tâm qua đó nghi ngờ tính toàn trí của Đức Phật và lại còn đem điều ấy ra chế giễu. Tồi tệ hơn thế nữa : nhiều kẻ còn quá đáng đến mức khẳng định rằng Đức Phật có địa vị nhỏ hơn Karl Marx. Một trong những nhiệm vụ của tổ chức Phật giáo này là sẽ đấu tranh chống lại những thách thức như thế trên bình diện trí thức. Chúng ta cần phải xóa tan ngay mọi nghi ngờ về sự toàn trí có thật của Đức Phật. Chúng ta phải có thể giải thích sự toàn trí thực sự là gì. Khi người cộng sản tuyên bố rằng Karl Marx có trí tuệ vĩ đại, chúng ta không có lý do gì tranh cãi với họ. Nhưng khi họ xâm phạm vào địa hạt của chúng ta và chế giễu Đức Phật, người mà tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ và tôn kính, và khi họ mặt dày mày dạn nói rằng Marx uyên bác hơn Đức Phật thì bổn phận của chúng ta là phải khiển trách họ. Bổn phận của chúng ta là phải đáp lại bằng những lời lẽ rõ ràng rằng kiến thức hay trí tuệ mà có thể được gán cho Karl Marx thì chưa bằng một phần mười của một hạt bụi dưới chân Đức Phật vĩ đại của chúng ta. Khi trình trước Nghị viện dự luật này, chúng tôi hoàn toàn không có ý định hạ thấp các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo hay thờ cúng tổ tiên. Chúng tôi quyết định hành động chỉ vì mong muốn đấu tranh chống lại những thế lực phản tôn giáo đang ngóc đầu dậy khắp nơi".
Chính thái độ này cũng ảnh hưởng tới hoạt động của trụ sở Hội Truyền giáo Phật giáo Thế giới ở Rangoon. Người sáng lập và đứng đầu Hội Truyền giáo này là nhà sư Phật giáo Anagarika (Người xuất gia) P. Sugatananda. Đây là pháp danh của Francis Story, một người Mỹ theo đạo Phật. Ông đã viết tiểu luận, Phật giáo đáp lại thách thức Mác-xít, trong đó ông chứng minh rằng Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản xung khắc không thể nào hòa hợp được cả về bản chất lẫn ứng dụng thực tế. Luận điểm này cũng được trình bày trong một số bài viết của cơ quan chính của Hội Truyền giáo Phật giáo Thế giới, tờ Ánh sáng Phật pháp.
Những nhà lãnh đạo Miến Điện thường xuyên tố cáo chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù chính của Phật giáo Miến Điện. Chẳng hạn, nhà sư và triết gia U Kelatha, viết trong tạp chí Người Miến Điện (31 tháng Bảy, 1949), khẳng định chủ nghĩa Mác luôn luôn là một nguy cơ đối với Phật giáo vì nền tảng duy vật khiến chủ nghĩa Mác khinh miệt giáo lý chính của Phật giáo, tức là mục đích của tồn tại là thắng được vô thường. Báo chí Phật giáo Miến Điện thường xuyên trở lại chủ đề là chủ nghĩa duy vật từ Phương Tây, đặc biệt dưới hình thức chủ nghĩa Mác, chịu trách nhiệm về sự thờ ơ và thậm chí cả ác cảm đối với Phật giáo mà thể hiện rõ ràng trong thế hệ trẻ người Miến Điện.
Chúng tôi có thể nêu ra vô số trường hợp về thái độ này trong giới Phật giáo Miến Điện. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến bài diễn văn nổi tiếng mà U Chan Htoon đọc trước Hội nghị Hội Tự do Tôn giáo lần thứ Mười sáu được tổ chức ở Chicago vào năm 1958. Ông tuyên bố : "Và ở đây tôi muốn chỉ ra rằng, do bối cảnh thế giới quan trọng hiện nay, Phật giáo rõ ràng hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa duy vật. Vì trong khi chủ nghĩa duy vật khẳng định rằng ý thức chỉ là sản phẩm phụ của vật chất, triết học Phật giáo chứng minh rõ ràng rằng chính ý thức có trước sự hình thành vật chất và hình thành chúng theo bản chất và khuynh hướng của ý thức. Tôi muốn điều này là phải rất rõ ràng, vì câu trả lời Phật giáo cho những sai lầm duy vật trong thời đại chúng ta chính là ở đấy".
Luận điểm này cũng được những nhà sư Phật giáo đưa ra trong các bài giảng pháp. U Narada, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Miến Điện - ông trước đây là tu sĩ Công giáo người Ý- đã tổ chức một nhóm gồm tám mươi nhà sư Phật giáo (con số này từ đấy đã tăng lên 500) đi khắp mọi vùng miền ở Miến Điện để giảng pháp và thuyết pháp nhằm cố gắng củng cố Phật giáo chống lại sự thâm nhập của chủ nghĩa Bôn sê vích. Nhóm này cũng giảng về sự bao dung Phật giáo với các tôn giáo không phải Phật giáo ở Miến Điện và kêu gọi tất cả các tôn giáo gia nhập vào mặt trận chung để chống lại chủ nghĩa duy vật Bôn sê vich.
Ernst Benz
Nguyên tác tiếng Đức, bản dịch tiếng Anh của Richard và Clara Winston, "Buddhism or Communism : Which holds the Future of Asia ?", nhà xuất bản Doubleday & Company, New York, 1965, trang 217-224. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch, 20/03/2022
**********************
Ngụy biện về Phật giáo đấu tranh
Thomas J. Dodd, Trần Quốc Việt dịch
Lời người dịch : Thượng nghị sĩ Thomas J. Dodd (1907-1971) là chính khách Mỹ rất nổi tiếng. Trong bài diễn văn nổi tiếng tựa đề "Việt Nam và Chính sách Biệt lập mới" vào ngày 23 tháng Hai. 1965 ông kêu gọi Hoa Kỳ nên tham chiến tích cực hơn ở Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và giúp đỡ nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do ở miền Nam Việt Nam. Đây là bài diễn văn thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn này ông chỉ ra những ngụy biện về cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt trong đó có ngụy biện về cái gọi là phong trào Phật giáo đấu tranh ở các các thành phố ở miền Nam.
Tưởng cũng nên nhắc rằng ông là công tố viên chính của Hoa Kỳ ở tòa án Nuremberg nhằm kết tội và xét xử các tội phạm Đức Quốc Xã. Chính từ kinh nghiệm này ông nhận thức rất rõ ràng mối hiểm nguy và tác hại của chủ nghĩa cộng sản-bạn đường của chủ nghĩa Quốc Xã, và về sau nhận thức sâu sắc về cái gọi là "phong trào Phật giáo đấu tranh" đưa đến cái chết bi thảm của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu cách đây 55 năm, và từ đấy đưa đến cái chết của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và mở đường cho tất cả bao đau thương, khổ nạn và thảm cảnh và tang tóc cho cá nhân và dân tộc Việt Nam dưới chế độ cộng sản. (TQV)
***********************
Tranh biếm của Gib Crockett trên báo Washington Star ngày 27/01/1965. Tựa đề tiếng Anh là "It worked in Troy" (Mưu kế này đã thành công ở thành Troy).
Ngày 23 tháng Hai, 1965
Bây giờ tôi muốn thảo luận về tình hình Phật giáo, mà trong vài năm qua chúng ta đã nghe nói đến rất nhiều.
Do cái gọi là phong trào Phật giáo đấu tranh nên câu chuyện bịa đặt về đàn áp Phật giáo và câu chuyện bịa đặt tương tự là Phật tử chống lại Chính quyền đã trở thành những yếu tố chính trị quan trọng ở Việt Nam. Vì thế điều quan trọng là chúng ta nên tìm cách hiểu bản chất của phong trào này, động cơ của những người lãnh đạo phong trào, và mức độ ảnh hưởng thật sự phong trào có với người Việt.
Thật sự chẳng đáng tranh luận về chủ đề Việt Nam và chính sách của chúng ta ở đấy mà không hiểu cái gọi là vấn đề Phật giáo. Đã có nhiều cuộc nói chuyện vô trách nhiệm về vấn đề này, nhưng cho đến nay có rất ít thông tin không thể phủ nhận và dựa trên sự thật.
Đặc trưng của phong trào đưa đến sự lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm là tố cáo ông đã đàn áp Phật giáo tàn bạo ; và, để phản đối cái gọi là sự đàn áp này, như thường lệ một vài nhà sư đã thực hiện những cuộc tự thiêu ghê sợ.
Hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới thấy tràn ngập các tin tức chứng thực lời tố cáo rằng ông Diệm đang đàn áp Phật giáo. Có một vài phóng viên giàu kinh nghiệm có danh tiếng trong cả nước đã nghi ngờ sự xác thật của những tin tức này. Nhưng tiếng nói của họ bị đắm chìm dưới biết bao lời cáo buộc và tố cáo liên tục xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn của chúng ta, và càng khiến người ta tin tưởng hơn khi các sở thông tin chính thức của chúng ta lặp lại.
Theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định gởi phái đoàn đi tìm hiểu sự thật đến Nam Việt Nam để điều tra tình hình. Tôi thấy điều này hiếm khi được đề cập đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề Phật giáo, nhưng thật sự Liên Hiệp Quốc đã gởi phái đoàn đến đấy.
Trong khi phái đoàn vẫn còn ở trong nước, Tổng thống Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, bị lật đổ và sát hại.
Phái đoàn quyết định không cần thiết phải công bố chính thức kết quả tìm thấy do ông Diệm đã bị lật đổ. Tôi tin điều ấy thật là vô cùng đáng tiếc. Nhưng bản tóm tắt những lời khai của nhân chứng mà phái đoàn ghi chép ở Việt Nam rõ ràng đều hướng đến kết luận là sự đàn áp Phật giáo hoặc là không có hay là bị phóng đại lên rất nhiều và cuộc biến động Phật giáo cơ bản là chính trị. Đây là chủ yếu những gì tôi được bảo trong cuộc trò chuyện riêng với Đại sứ FernandoVolio Jiminez của Costa Rica, người mà đã trình một kiến nghị kêu gọi thành lập phái đoàn Liên Hiệp Quốc và cũng là một thành viên trong phái đoàn.
Tôi đi đến New York để gặp Đại sứ Volio. Tôi nói, "Thưa ông Đại sứ, tôi biết ông đã là thành viên trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam. Tôi muốn hỏi ông sự thật là như thế nào". Đại sứ Volio đã cung cấp cho tôi sự thật như sự thật tôi cung cấp cho quý vị ở đây.
Đại sứ Pinto, của Dahomey, một thành viên khác trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc, cũng đã nói công khai những lời như vậy.
Toàn bộ câu chuyện bi kịch chứng tỏ rằng thế giới tự do đã bị biến thành nạn nhân của trò lừa bịp tuyên truyền cực kỳ lớn khiến cho chính quyền hợp pháp của Tổng thống Diệm bị tiêu diệt và gây ra tình hình hỗn loạn mà tất yếu vô tình tiếp tay cho cộng sản.
Nếu các vị Thượng nghị sĩ chưa có thời gian đọc bản báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu sự thật thì tôi thúc giục họ nên đọc vì nó giúp cho họ hiểu được bản chất của những hoạt động hiện nay của giới Phật giáo đấu tranh. Tôi đang chuẩn bị cho gởi bản báo cáo đến từng vị Thượng nghị sĩ, và tôi hy vọng tất cả các vị Thượng nghị sĩ sẽ đọc bản báo cáo, vì từ nó họ sẽ biết được rất nhiều điều về tình hình Phật giáo hiện nay.
Sự thật đầu tiên cần phải được xác định để đánh giá phong trào Phật giáo đấu tranh là người theo đạo Phật không chiếm đến 80 hay 85 phần trăm dân số, như đã được công bố rộng rãi vào lúc khủng hoảng Phật giáo. Theo cư sĩ Mai Thọ Truyền, một trong những học giả uyên bác nhất về Phật giáo Việt Nam, Phật tử người Việt ước chừng có 4 triệu người, hay độ 30 phần trăm dân số.
Điểm thứ hai cần phải xác định là những người Phật giáo đấu tranh chỉ là một phần rất nhỏ của toàn bộ dân số Phật giáo. Hàng triệu nông dân theo đạo Phật, đại đa số họ, không tán thành những hành động đấu tranh chính trị và những âm mưu lật đổ chính quyền của giới Phật giáo đấu tranh ở Sài Gòn. Hành động của họ, thực ra, hoàn toàn đi ngược lại truyền thống hòa bình của Phật giáo.
Ta hoài nghi chuyện những người Phật giáo đấu tranh đã có thể huy động đến 50.000 người ủng hộ tích cực trong các cuộc biểu tình họ đã tổ chức ở Sài Gòn và Huế và các thành phố khác. Nhưng vì quyền lực chính trị tập trung ở thành phố cho nên hàng chục ngàn người Phật giáo đấu tranh, qua những tiếng hô to của họ và qua những cuộc biểu tình liên tục của họ cùng với sự tuyên truyền khéo léo của họ, đã tạo ra cảm tưởng rằng họ đang nói thay cho nhân dân ở các thành phố và nói thay cho nhân dân Việt Nam.
Những người Phật giáo đấu tranh muốn gì ? Trước khi lật đổ Tổng thống Diệm Thích Trí Quang nói thật với Marguerite Higgins : "Chúng tôi không thể nào điều đình với miền Bắc cho tới khi chúng tôi loại trừ được Diệm và Nhu".
Bằng chứng rõ ràng là Thích Trí Quang và một số kẻ tranh đấu khác của ông vẫn đang nhất định thỏa thuận với miền Bắc. Thật vậy, chỉ mới thứ Sáu vừa qua, Quang kêu gọi Mỹ thương lượng với Hồ Chí Minh.
Nếu có lý do để tin rằng Thích Trí Quang là một người trung lập, thì càng có nhiều lý do để sợ rằng nhiều thành viên khác của phong trào đối lập Phật giáo công khai thân cộng hay sợ rằng họ đã trở thành công cụ thâm nhập khá sâu rộng của cộng sản mà được biết tồn tại trong giới tu sĩ Phật giáo ở tại nhiều nước ở Châu Á.
Không ngạc nhiên khi có sự xâm nhập như thế vì không có gì cản trở nó.
Người muốn trở thành nhà sư Phật giáo không cần phải học đạo để chuẩn bị bản thân cho hoằng pháp, họ cũng không cần phải thọ giới, họ cũng không cần phát nguyện.
Họ chỉ cạo đầu và mặc áo cà sa và vào tịnh xá- rồi họ mau chóng trở thành bậc cao tăng.
Khi họ muốn hoàn tục, họ cởi áo ra và lìa xa nó ; nếu họ muốn trở lại, họ mặc lại áo cà sa và đi tu trở lại. Chỉ có thế thôi.
Tôi không muốn chỉ trích thủ tục này trên cơ sở tôn giáo.
Đạo Phật là một trong những tôn giáo vĩ đại của nhân loại và ta có thể bàn nhiều đến sự sắp đặt giúp mỗi người có khuynh hướng tôn giáo sống ít nhất một phần đời của mình theo giới tu hành tự nguyện đặc trưng của đạo Phật.
Nhưng, tiếc thay, đây là thủ tục mở toang cánh cửa ra cho cộng sản xâm nhập.
Tôi nhớ khi chúng tôi đào sâu vào hồ sơ của Quốc xã Đức ở Nuremberg, chúng tôi thấy Hitler đang xem xét chương trình xâm nhập vào các nhà thờ bằng cách xúi giục những người trẻ vào các chủng viện, để y có thể tùy ý xử dụng họ sau này.
Đầu tiên khi tôi bắt đầu nghe về tình hình Phật giáo, tôi chợt nghĩ rất có thể là có sự xâm nhập tôn giáo tương tự đang diễn ra.
Những người Phật giáo đấu tranh đã lợi dụng ảnh hưởng và uy tín mà họ có được từ việc lật đổ Tổng thống Diệm cho mục đích quan trọng nhất là phải làm cho chính quyền ổn định không thể nào tồn tại : theo cách hiểu này, cho dù ý định của những người lãnh đạo của họ là gì chăng nữa thì họ cũng đang phục vụ cho tham vọng của Việt cộng cộng sản.
Họ đã tổ chức những cuộc biểu tình, khiêu kích những cuộc bạo động, châm ngòi cho bao phẫn nộ bằng những cuộc tự thiêu và tuyệt thực tạo ra được nhiều sự chú ý, và không ngừng chỉ trích và tuyên truyền dồn dập chống lại chính quyền. Họ đã lật đổ chính phủ của Nguyễn Khánh. Rồi họ lật đổ tiếp chính phủ của Trần Văn Hương lên thay chính phủ của Nguyễn Khánh. Và họ dường như quyết tâm làm cho bất kỳ chính phủ nào lên nắm quyền cũng không làm được gì cả.
Tất nhiên thật khó đối phó với một âm mưu chính trí ngụy trang dưới lớp áo tôn giáo. Dù sao đi nữa, đây là vấn đề cho Chính quyền Việt Nam chứ không phải cho Chính quyền chúng ta. Nhưng vấn đề này sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều cho chính quyền Việt Nam nếu như những sự thật về Phật giáo ở Việt Nam được cung cấp cho nhân dân Mỹ và nếu họ có thể được giúp đỡ để hiểu rằng giới Phật giáo đấu tranh thật sự hầu như không đại diện cho ai, những hoạt động chính trị của họ thật sự rất nham hiểm, và họ đã gây ra biết bao nhiêu chuyện để phá hoại công cuộc đấu tranh chống cộng sản.
Không có chính phủ ổn định nào có thể được lập nên ở Việt Nam nếu không có sự tham gia và ủng hộ của giới lãnh đạo Phật giáo có trách nhiệm. Nhưng giới lãnh đạo Phật giáo có trách nhiệm này không thể nào được tìm thấy trong một số ít những nhà sư có lai lịch bất minh là những kẻ đã và đang dẫn dắt phong trào Phật giáo đấu tranh ở các thành phố Việt Nam vào con đường sai lầm.
Đã đến lúc phải nói thẳng về vấn đề này.
Thomas J. Dodd
Nguyên tác : "Vietnam and the New Isolationism", diễn văn của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Thomas J. Dodd đọc trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 23/02/1965, trang 3354 và 3355
Trần Quốc Việt dịch, 20/03/2022