Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

12/04/2022

Hồn lá không lìa rừng

Trần Quốc Việt

Mất nước chỉ là vấn đề thời gian. Người Trung Quốc giờ hiện diện khắp nơi ở Việt Nam, đông nhất ở Đà Nẵng, nơi tôi lớn lên và sống gần nửa cuộc đời. Ngày hôm qua đứa em ruột nói : "Anh Việt ơi, người Trung Quốc giờ đầy ở Đà Nẵng". Lời nói vô tình ấy như cây kim ẩn trong lòng thỉnh thoảng bất chợt nhói lên. 

honla1

Tôi là chiếc lá lìa rừng nhưng hồn lá không lìa rừng. Cho nên hồn lá đau. Đau và đau.

Sau Đà Nẵng là Nha Trang, nơi người Trung Quốc mua nhà rất nhiều. Cuộc xâm lăng mềm không tiếng súng diễn ra khốc liệt trên nhiều phương diện từ kinh tế, môi trường, văn hóa, ngôn ngữ theo lộ trình Thành Đô. Từ việc báo Văn Nghệ đăng truyện ngắn ca ngợi Trần Ích Tắc mới đây rồi sau đấy tin về hệ thống "hai quốc gia một trạm kiểm soát" ở cửa khẩu tháng năm này sẽ đi vào hoạt động... Sau khi ném những hòn đá dò dường dư luận, bọn xâm lược ngụy trang dưới hoa lá cành 16 chữ vàng theo sát chân bọn Việt gian đưa đường chỉ lối tiến vào Việt Nam. Từ đấy mất nước chỉ là vấn đề thời gian.

Dòng người mang mặc cảm tự ti từ bao lâu nay xuống đường "đi bão" mừng chiến thắng bóng đá có biết chăng cơn bão xâm lược mềm đã làm thủng lưới tương lai Việt Nam.

Hiệp ước Thành Đô là quan tài của Việt Nam đang chờ đóng vội những chiếc đinh cuối cùng.

Hôm nay trước viễn cảnh sinh tử ấy những chiếc lá mà hồn vẫn thương nhớ rừng Việt Nam sinh thành có cảm thấy lòng mình trào dâng bao đau đớn.

Hỡi những hồn lá không lìa rừng hãy tỉnh thức. Hãy tỉnh thức để nghe những tiếng búa đang đập dồn dập vào quan tài mang tên Việt Nam.

Tôi muốn biết vì tôi là công dân chứ không phải thần dân của chế độ 

Tôi lớn lên ở Đà Nẵng. Nơi tôi thường đến và luôn luôn muốn đến ở thành phố này là Cổ Viện Chàm nằm ở cuối đường Bạch Đằng chạy dọc theo sông Hàn. Tôi đến để ngắm những bức tượng trầm mặc u buồn - vết tích của một nền văn minh vàng son. Bước đi giữa các bức tượng, nhiều tượng không còn nguyên vẹn, tôi trầm tư mặc tưởng và thấy lòng mình lắng dịu lại, nghe như thoảng đâu đây tiếng vang vọng rì rào trong gió của nền văn minh tưởng chừng như đang muốn trở mình từ quá khứ xa xăm. Rồi trên đường về nhà, tôi vừa đi vừa suy nghĩ lan man về số phận của những người Chàm ngày xưa, về những nghệ sĩ điêu khắc tài hoa ấy, và về nền văn minh của họ. Khi tạc những bức tượng đẹp và thấp thoáng bao nét trầm tư ấy, họ có chợt nghĩ rằng đất nước, nền văn minh, dân tộc họ biết đâu sẽ diệt vong và thế giới mai sau chỉ còn nhìn thấy hình ảnh của nền văn minh đã biến mất qua những bức tượng đá xám gãy vỡ và những tháp Chàm rêu phong đổ nát theo thời gian. Tôi đã muốn biết rất nhiều về nền văn minh Chàm.

Mấy ngày qua hình ảnh những người Việt Nam cầm bảng ghi dòng chữ "Tôi muốn biết" cứ hiện ra trong lòng tôi và khiến tôi liên tưởng đến những tượng Chàm ở Đà Nẵng. "Tôi muốn biết" là tiếng kêu vang lên của những người Việt Nam không muốn số phận của quê hương và tương lai con cháu mình phải bị biến mất như số phận của dân tộc và văn minh Chàm. Bối cảnh lịch sử khác nhau nhưng số phận chung cuộc là như nhau giữa người Chàm và người Việt nếu chúng ta không hành động. Khởi đầu của hành động ấy là muôn vàn tiếng kêu "tôi muốn biết" và kết thúc phải là cuộc cách mạng sinh tồn nếu chế độ tiếp tục nhắm mắt bịt tai trước biển âm thanh và hình ảnh dâng trào "tôi muốn biết" ấy.

Phong trào "Tôi muốn biết" đã chạm vào điểm nhạy cảm nhất trong lương tri của đa số người Việt trong và ngoài nước. Đó là mật ước Thành Đô. Nó như là vết thương không bao giờ lành trong tâm tưởng chúng ta. Bao nhiêu ngờ vực trỗi dậy như muôn vàn hạt muối chà xát không ngừng vào vết thương lòng ấy. Họ đã bán đứng Việt Nam như thế nào ? Tương lai của tổ quốc và của con cái chúng ta ra sao ? Ngày nào mật ước Thành Đô chưa được tiết lộ là ngày ấy chúng ta phải sống dở chết dở phần hồn với biết bao nhiêu câu hỏi và ngờ vực trong đầu. Chúng ta chết không thể nào nhắm mắt được chừng nào mật ước Thành Đô không được bạch hóa cho nhân dân Việt Nam biết.

truongducduy1

Buổi gặp gỡ giữa Lý Bằng, Giang Trạch Dân, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng tại Thành Đô

Nhà báo kỳ cựu Nayan Chanda phỏng vấn Thủ tướng cộng sản Đỗ Mười trong Dinh Độc Lập tại Sài Gòn vào ngày 11 tháng 2, 1991. Đỗ Mười cùng với Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng là những người dự hội nghị Thành Đô từ ngày 3-4 tháng 9, 1990. Nayan Chanda đã hỏi Đỗ Mười liên tiếp hai lần về các thỏa thuận và hiệp ước trong hội nghị thượng đỉnh Thành Đô nhưng Đỗ Mười chỉ trả lời rất chung chung về quan hệ hai nước Việt Trung ¹. Bức màn bí mật về mật ước Thành Đô ngay từ đầu đã như tấm vải liệm rủ xuống số phận và tương lai của cả một dân tộc !

Nhà báo Nayan Chanda mới đây đã viết bài bàn về chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Trong bài viết ấy ông đề cập đến hình thức xâm lăng mới tên "lăng trì" của Trung Quốc đối với các nước lân bang tức "giết chết qua tùng xẻo hàng ngàn lần". ² Một quốc gia sẽ biến mất một cách đau đớn cực kỳ sau quá trình lăng trì chậm kéo dài hàng chục năm. Việt Nam đã chính thức bắt đầu chịu cảnh lăng trì kể từ ngày mật ước Thành Đô được ký kết.

Nhà cầm quyền chắc chắn không cho nhân dân biết về mật ước Thành Đô. Nhưng chúng ta hãy thực thi quyền sinh tồn của người Việt Nam. Chúng ta phải biết tất cả về mật ước Thành Đô. Hàng triệu người Việt Nam hãy cất lên tiếng nói "tôi muốn biết" để nâng cao ý thức của tất cả mọi người về mối hiểm nguy như ngọn giáo treo lơ lửng trên đầu của dân tộc. Nếu cần thiết chúng ta sẵn sàng trả giá cho điều chúng ta muốn biết bằng một cách mạng khởi đi từ lòng yêu nước.

Tôi muốn biết vì tôi là công dân chứ không phải thần dân của chế độ. Tôi muốn biết vì tôi là người Việt Nam ! Mẹ Việt Nam ơi ! Chúng con ở bên Mẹ để bảo vệ Mẹ không bị cảnh lăng trì.

Trần Quốc Việt

Chú thích :

(1) Meet Chanda, The Asian Wall Street Journal Weekly, 2/11/1991, trang 29

(2) Nayan Chanda, China's Long Range Salami Tactics In East Asia, NPQ, Spring 2014

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt
Read 651 times
More in this category: « Nhật nhật tân ! Thư luận »

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)