Việt Nam Mới
Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt, VNTB, 20/08/2022
Việt Nam Mới xuất hiện ngay khi tiếp cận với Tây Phương nghĩa là từ giữa thế kỷ 19. Việc tiếp cận với Tây Phương đã trải qua nhiều giai đoạn, do đó, Việt Nam Mới cũng đã hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Dân của mỗi dân tộc để thực hiện được lý tưởng Tam Nhân : dân tộc, dân đạo, dân văn, dân trị, dân sinh, dân vực
1. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ thế kỷ 16 khi những người công giáo Bồ Đào Nha đầu tiên đến Việt Nam, nhưng phải đến đầu thế kỷ 17 các cộng đồng giáo dân công giáo Bồ Đào Nha mới được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn. Đây là những cộng đồng người Việt mới đầu tiên chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, cụ thể là của Thiên chúa giáo. Nếp sống mới theo Tây Phương bắt đầu hình thành và phát triển từ những cộng đồng công giáo này.
2. Giai đoạn thứ 2 có thể coi như bắt đầu năm 1867 khi triều đình Nguyễn cắt nhựơng Nam kỳ Lục tỉnh cho Pháp. Miền Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng toàn diện của Pháp, từ trên chính quyền đến đời sống dân chúng trong xã hội, cả trong chính trị đến kinh tế và văn hóa giáo dục.Toàn bộ hệ thống giáo dục đều hoàn toàn mới, từ tiểu học đến trung học và sau đó đến đại học. Nền văn hóa đông phương theo Hán học hoàn toàn bị thay thế bằng nền văn hóa Tây phương, cụ thể là bằng nền văn hóa Pháp, từ ngôn ngữ đến văn chương và lối sống. Trong giai đoạn này có 2 nước Việt, một nước Việt dưới quyền cai trị của triều đình Huế, vẫn sinh hoạt như từ mấy ngàn năm trước, và một nước Việt Mới tại miền Nam, dưới quyền quản lý của thực dân Pháp, với những nề nếp sinh hoạt mới theo Pháp.
3. Giai đoạn thứ 3 bắt đầu từ năm 1918 khi nhà Nguyễn, dưới sức ép của Pháp, hủy bỏ toàn bộ hệ thống khoa cử cũ có từ thời nhà Lý, từ đó, chữ Quốc ngữ thay thế chũ Hán, trở thành ngôn ngữ chính thức. Việc Hán tự không còn được sử dụng và thay thế bằng chữ quốc ngữ đã làm thay đổi toàn diện từ tư tưởng đến hành động của quần chúng, thật sự tạo ra một nước Việt Nam hoàn toàn mới, trong đó ảnh hưởng Tây phương, trước là Pháp, sau là Mỹ và Nga, thay thế ảnh hưởng Đông phương, cả Ấn Độ và Trung Hoa –dẫn đến tranh chấp bắc-nam, tư bản-cộng sản, vào giữa thế kỷ 20.
4. Giai đoạn hiện nay : Hiện nay môi trường quốc tế hậu tranh chấp tư bản-cộng sản, đang tạo ra nhu cầu và điều kiện để xây dựng một nước Việt Mới hội nhập quốc tế toàn cầu, mang tính vừa dân tộc vừa nhân loại, vừa độc lập dân tộc vừa hội nhập nhân loại. Đây là một thách đố nghiêm trọng cho Việt tộc trong thời đại mới : phải chuyển hóa đất nước thành công để vừa thích nghi và tiến bộ kịp thời đại cùng toàn thể nhân loại, vừa duy trì và phát huy được tính đặc thù Việt tộc. Cần thoát ra khỏi tranh chấp tư bản-cộng sản quốc tế, thống nhất dân tộc đồng thời hội nhập vào xu thế tiến bộ chung của toàn nhân loại. Nước Việt Mới cần có được cả 2 nội dung này, do đó, thống nhất dân tộc chưa đủ hay nói đúng hơn không thể thống nhất dân tộc nếu không sáng tạo được một đường hướng mới vừa phát huy dân tộc vừa hội nhập nhân loại. Đó là động cơ và mục đích của Lý Đông A khi ông sáng tạo chủ nghĩa Duy Dân, Thắng Nghĩa, vào đầu thập niên 1940, theo hướng vừa phát huy đặc thù tính Việt tộc mấy ngàn năm, vừa "tập đại thành đông-tây kim-cổ" toàn nhân loại, không sa vào tranh chấp quốc tế tả-hữu, tư bản-cộng sản.
Thắng Nghĩa (*), sáng tạo tư tưởng của Lý Đông A, đáp ứng xu thế chung hiện nay của toàn nhân loại trong thời kỳ hậu tranh chấp tư bản-cộng sản –xu thế chấp nhận nhân loại như một thể thống nhất toàn cầu của mọi dân tộc để cùng nhau đi tìm một con đường sống chung thích hợp với Con Người, Nhân Đạo, phát huy được Nhân Tính, và phát triển được tính chủ động của Con Người — Nhân Chủ. Đó là lý tưởng Tam Nhân của Thắng Nghĩa, và con đường Lục
Dân của mỗi dân tộc để thực hiện được lý tưởng Tam Nhân : dân tộc, dân đạo, dân văn, dân trị, dân sinh, dân vực. Thắng Nghĩa Lý Đông A là sáng tạo tư tưởng cần thiết để Việt tộc có vũ khí tinh thần giúp vượt qua được tình trạng chậm tiến, mở đường tiến vào thời đại văn minh mới toàn cầu toàn nhân loại hiện nay và sắp tới.
Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt
(20/08/2022)
***************************
Giới thiệu Chủ nghĩa Duy Dân của Lý Đông A
Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt, Thắng Nghĩa, 20/06/2021
Nước Việt đã trải qua hơn 150 năm kể từ khi Pháp chiếm đóng Nam kỳ, mở đầu cho thời kỳ Pháp thuộc, cũng là thời kỳ tiêp cận Tây phương, kéo dài cho đến hôm nay.
Những đồng lúa chín vàng dọc đường vào khu Tam Cốc-Bích Động. (Ảnh : Đinh Công Hoan/Báo ảnh Việt Nam)
Người Pháp đến Việt Nam, mang theo một hệ thống văn hoá, chính trị-xã hội và kinh tế hoàn toàn mới, thay thế cho thời kỳ lệ thuộc vào nền văn hóa và chính trị-xã hội Tống Nho. Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng, trên tờ báo Tiếng Dân của ông, đã viết : "Văn hóa cũ đã qua đi mà văn hóa mới chưa thấy đến" (1). Gần hai mươi năm sau, năm 1945, Lý Đông A viết : "Văn minh cũ đã hoàn toàn diệt vong" (2). Một nền văn minh mới đã đến trên đất nước Việt, nền văn minh Tây phương, cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật làm thay đổi toàn diện bộ mặt của đất nước và đời sống của người dân Việt. Kể từ giữa thế kỷ 20, vận mệnh của dân tộc Việt ngày càng bị cuốn trôi theo các biến động chính trị-xã hội và văn hóa tư tưởng trong khu vực và trên thế giới do các siêu cường quốc Tây phương tạo ra. Gần 50 năm nay, dân tộc Việt lại đang có nguy cơ bị diệt vong trước sự xâm nhập, lũng đoạn và chiếm đóng của nước Tàu Đại Hán mới, trong khi đó chế độ độc tài đảng trị cộng sản ngày càng suy yếu, bất lực, không phản ứng lại được chính sách bành trướng của Tầu cộng.
Hơn 70 năm trước Lý Đông A đã cảnh báo về nguy cơ Hán hóa mới này. Ông đã tiên liệu rằng, sau đệ nhị thế chiến, Anh Mỹ sẽ phải đối đầu với kẻ địch mới là Nga, và sau Nga sẽ là Tầu (3). Riêng với nước Việt, ông thấy rõ Tầu không bao giờ từ bỏ ý đồ đặt nước ta làm mục tiêu đồng hóa. Lý Đông A đã khằng định Tàu sẽ là địch nhân cuối cùng mà nước ta phải đối diện và giải quyết mới có thể phục hưng được (4). Những gì đang xẩy ra tại Việt Nam, trong khu vực biển Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương chứng thực viễn kiến này của ông hơn 70 năm trước. Giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam là điều cần thiết nhưng chưa đủ và không thể tách rời khỏi mục tiêu hóa giải mọi âm mưu Hán hóa của Tầu cộng.
Nhưng vấn đề của nước Việt mới trong thời đại toàn cầu hiện nay cũng không phải chỉ là thoát Trung mà là thoát khỏi mọi chi phối của tất cả các luồng văn hóa ngoại lai, phục hưng và phát triển được như một quốc gia vừa thật sự độc lập, phát huy được bản sắc văn hóa Việt, vừa hội nhập được vào giòng tiến hóa chung của toàn nhân loại. Không độc lập được về mặt văn hóa thì độc lập chính trị không có nền tảng vững bền. Lý Đông A có một nhận định sáng suốt: trong suốt dòng lịch sử, dân tộc ta luôn kiên cường bảo vệ thành công độc lập chính tri của mình chống lại mọi mưu toan chiếm đóng của ngoại bang, nhưng vẫn chưa có được sự sáng tạo văn hóa để có được độc lập thật sự, thoát ra khỏi sự chi phối của văn hóa ngoại bang, cả Tầu và Âu-Mỹ (5).
Với vị trí địa chính trị là nơi giao lưu quốc tế, dân tộc ta có thể tiếp thu mọi nền văn hóa lớn của cả Đông và Tây phương. Nhưng những tranh chấp ảnh hưởng quốc tế giữa các cường quốc cũng đã và đang gây chia rẽ và tranh chấp trong nội bộ dân tộc. Dân tộc ta cần đãi lọc được các nền văn hóa Đông-Tây, tiếp thu các ưu điểm, loại bỏ những nhược điểm, để sáng tạo ra một nền văn hóa tổng hợp được tinh hoa văn hóa nhân loại cùng với tinh hoa văn hóa Việt. Để từ đó có một nền tảng tư tưởng và một đường hướng chính trị-xã hội vững chắc vừa Việt vừa nhân loại để thống nhất dân tộc và xây dựng được một nước Việt mới hưng thịnh trong thời đại toàn cầu. Hơn 70 năm trước, Lý Đông A đã đề xuất hệ tư tưởng tổng hợp này, tổng hợp từ đạo học đông phương đến triết học và khoa học tây phương, mà ông gọi là "tâp đại thành đông-tây kim-cổ". Có thể nói ông là người Việt duy nhất, ngay từ giữa thế kỷ 20, đã suy nghĩ và đưa ra một giải pháp tổng hợp toàn diện đông-tây, từ lịch sử, văn hóa đến kinh tế và chính trị để giải quyết tận cỗi gốc vấn đề tồn vong của dân tộc. Hiện nay, trong thế kỷ 21, là thời đại toàn cầu nên tầm nhìn tổng hợp của Lý Đông A rất thích hợp.
Lý Đông A sinh ra năm 1920 (6). Lúc nhỏ gia đình gửi vào một ngôi chùa để học chữ quốc ngữ, chữ Hán, Dịch học và Phật học. Khoảng 14, 15 tuổi, ông được một nhà cách mạng đưa vào Huế hầu cận cụ Phan Bội Châu để được cụ trao truyền những hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động. Cụ Phan đã đề ra chủ trương "cứu quốc tồn chủng" và khi Lý Đông A hỏi về hai chủ nghĩa duy tâm và duy vật, đã trả lời "dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân". Từ gợi ý này Lý Đông A bắt đầu việc sáng tạo ra chủ nghĩa Duy Dân.
Sau khi từ Huế về lại Hà Nội, Lý Đông A được giới thiệu gặp một số nhà trí thức và có cơ hội vào đọc sách tại Thư viện Quốc gia, và thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ. Sau đó ông lên núi Yên Tử tu dưỡng một thời gian, tĩnh tọa để tập trung suy nghiệm về chủ nghĩa Duy Dân. Trong tài liệu của ông có tên Giới Thiệu, có câu mở đầu "Ta sơ thảo bộ chủ nghĩa này năm 1937, tu chỉnh và hoàn tất nó ở xứ người". Khi Việt Nam Quang Phục Hội, được Nhật Bản yểm trợ, thành lập chiến khu để chống Pháp, Lý Đông A tham gia, nhưng rồi Pháp-Nhật thỏa hiệp với nhau, Nhật ngưng yểm trợ, Pháp đánh tan chiến khu này, Lý Đông A phải chạy sang Tầu tị nạn. Tại đây ông gặp Nguyễn Tường Tam, thuyết phục Nguyễn Tường Tam chấp nhận chủ nghĩa Duy Dân. Nguyễn Tường Tam và các nhà cách mạng quốc gia tại Hoa Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản đều ký tên vào bản Ký Trình – Cống hiến yêu cầu thư (7) do Nguyễn Tường Tam soạn thảo, đồng ý lấy chủ nghĩa Duy Dân để thống nhất phe quốc gia. Do đó bản Ký Trình đã có chữ ký của các ông Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và Lý Đông A. Sau đó Lý Đông A đem bản Ký Trình này về Hà Nội giao cho ông Nguyễn Tường Long để tìm ông Trương Tử Anh ký tên, nhưng lúc đó ông Trương Tử Anh không xuất hiện được vì đang bị Việt Minh tìm giết nên cử một cán bộ ký thay. Bản Ký Trình, với 5 chữ ký này, sau đó được ông Nguyễn Tường Long trao cho bí thư của ông là ông Như Phong Lê Văn Tiến cất giữ. Đến tháng 4 năm 1975, ông Nguyễn Tường Thiết, con trai trưởng của ông Nguyễn Tường Tam, được ông Như Phong trao cho bản Ký Trình này khi di tản qua Mỹ. Hiện nay bản Ký Trình được để trên bàn thờ ông Nguyễn Tường Tam tại nhà ông Nguyễn Tường Thiết.
Năm 1943 ông Lý Đông A thành lập đảng Duy Dân để hoạt động. Nhưng lúc đó Việt Minh đã thành lập chiến khu và hoạt động mạnh, tìm bắt giết những nhà lãnh đạo quốc gia, Lý Đông A chắc thấy rõ khó có thể hoạt động an toàn được nên ông đã tập trung vào việc biên soạn bộ tài liệu gọi là "Việt Duy Dân Quốc Sách Thảo Án Toàn Pho", mà ông viết từ 1942 đến 1945. Khi Việt Minh lên cầm quyền ông đã giải tán đảng để bảo tồn lực lượng, và trước khi ẩn tích, đã chỉ thị cho các cán bộ đảng viên Duy Dân tập trung nghiên cứu và phổ biến chủ nghĩa Duy Dân.
Các đảng viên Duy Dân thời kỳ 1940 và những người thuộc các thế hệ sau đã vượt bao nguy hiểm, nối tiếp nhau bảo tồn những tác phẩm này. Hiện nay hầu hết các tác phẩm trong di sản văn hóa vô giá này đã được sưu tập và phổ biến công khai qua ấn bản điện tử trên trang nhà Thắng Nghĩa Lý Đông A (8) để bất cứ người Việt nào quan tâm đến tiền đồ dân tộc đều có thể tiếp cận và nghiên cứu nếu muốn mưu cầu kiến thiết một nước Việt mới trong thời đại mới.
Lý Đông A gọi hệ thống tư tưởng của ông là "tập đại thành đông-tây kim cổ", với ý nghĩa là tập hợp những khám phá của nhân loại Đông-Tây, kim cổ, hòa quyện vào tính chất đặc thù Việt để trở thành một tổng hợp tư tưởng mới, phù hợp vừa với tính đặc thù Việt vừa với xu thế chung của toàn nhân loại. Nước Việt ta hiện đang trong giai đoạn phân rẽ nội bộ vì chịu ảnh hưởng của tất cả những luồng tư tưởng và các mô hình kiến thiết xã hội khác nhau trên thế giới. Giống như vào thế kỷ thứ 9, sau khi thoát khỏi sự đô hộ của Tầu, đất nước chúng ta cũng phải mất cả thế kỷ phân tang chia rẽ, dẫn đến "thập nhị sứ quân". Chỉ sau khi tổng hợp được những trào lưu tư tưởng lúc đó đến từ Ấn Độ và Trung Hoa, và phục hồi lại được tinh hoa Việt Tiên-Rồng, từ đầu thế kỷ 11 tổ tiên chúng ta mới mở ra được nước Đại Việt với hai triều đại hưng thịnh Lý Trần.
Giờ đây, giữa thế kỷ 20, Lý Đông A cũng sáng tạo ra một hệ tư tưởng tổng hợp mới mà ông tin rằng sẽ giúp mở ra thời kỳ hưng thịnh mới cho dân tộc bắt đầu từ thế kỷ 21 mà ông gọi là thời kỳ Đại Việt 2000. Chỉ khác là trong bối cảnh của thời đại toàn cầu hiện nay, tổng hợp tư tưởng mới không chỉ gồm Tam giáo Đông phương mà cả nền triết học và khoa học tiến bộ Tây phương, trong đó những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và của các cuộc cách mạng công nghiệp phải trở thành một bộ phận quan trọng trong đường lối cũng như kế hoạch kiến thiết. Do đó Lý Đông A đã đề ra nguyên tắc : 3 ngành đạo học, khoa học và sử học phải thống nhất trong nền học thuật mới của nước Việt.
Lý Đông A cũng đưa ra một tầm nhìn dân tộc mới, tầm nhìn Việt 2000, đặt sự phát triển của dân tộc Việt trong bối cảnh một thời đại toàn nhân loại và một thế giới toàn cầu. Ông cho rằng dân tộc Việt, cũng như mọi dân tộc, không còn có thể phát triển hoàn toàn cô lập ra ngoài bối cảnh chung của khu vực và của thế giới. Dù mỗi dân tộc mỗi khác nhau, nhưng đều thuộc chung một nhân loại. Do đó khi các dân tộc Tây phương và Đông phương gặp nhau, để tránh mâu thuẫn dân tộc dẫn đến tranh chấp ảnh hưởng giữa các cường quốc, các dân tộc phải nhận chân được những giá trị phổ quát chung cho toàn nhân loại, cho mọi dân tộc, vượt trên những khác biệt dân tộc. Đồng thời cũng phải công nhận vị trí đặc thù của mỗi dân tộc, để mỗi dân tộc phát huy được những sắc thái văn hóa riêng biệt làm phong phú thêm nền văn hóa chung của toàn nhân loại.
Do đó, Lý Đông A đưa ra quan điểm nhất nguyên về nhân loại và đa nguyên về dân tộc, "đa nguyên trong nhất nguyên" (ngày nay ASEAN cũng chấp nhận nguyên tắc này : "unity in diversity"). Tất cả các dân tộc, dù khác nhau, đều phải cùng nhau thực hiện được lý tưởng nhất nguyên chung của toàn nhân loại mà Lý Đông A gọi là lý tưởng Tam Nhân : nhân bản, nhân tính và nhân chủ. Nhưng mỗi dân tộc thực hiện lý tưởng này qua 6 khía cạnh khác nhau, phù hợp nhân chủng, lịch sử, văn hóa và xã hội của dân tộc mình. Đó là chính sách Lục Dân : dân tộc, dân văn, dân đạo, dân trị, dân sinh và dân vực. Ông chủ trương mỗi dân tộc thực hiện lý tưởng Tam Nhân thông qua chính sách Lục Dân, để vừa phù hợp với các tính đặc thù của dân tộc mình, vừa cùng xây dựng một cương thường chung cho toàn nhân loại, mà ông gọi là Duy Nhân Cương Thường, là tên một tài liệu do ông biên soạn (9).
Từ đó Lý Đông A cũng đưa ra một tầm nhìn thế giới mới, bác bỏ quan điểm thế giới đại đồng của Mác, vừa không tưởng, vừa là chiêu bài của một siêu cường quốc dùng để thống trị toàn thể các dân tộc. Ông đưa ra mô hình đại đồng mới với ba cấp độ: tiểu đại đồng trong xã hội tại mỗi quốc gia, trung đại đồng cho các quốc gia trong từng khu vực, và đại đại đồng cho toàn thế giới, giữa các khu vực với nhau. Ông tin rằng mô hình hợp tác liên kết này vừa giúp các dân tộc cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để phát triển, vừa giảm thiểu khả năng xuất hiện những siêu cường quốc với ý đồ cầm nắm vận mệnh các dân tộc và khuynh loát toàn thế giới. Ông cho rằng đây là con đường phát triển tất nhiên của thế giới và của nhân loại, sau khi loài người đã vượt khỏi thời kỳ sinh hoạt vùng miền, đông tây, và tiến vào thời kỳ toàn cầu, toàn nhân loại. Từ đó, hơn 70 năm trước ông đã tiên liệu rằng các quốc gia trong từng khu vực trên thế giới sẽ kết hợp lại thành các tổ chức khu vực để "cùng sống, giúp tiến và liên phòng".
Riêng trong khu vực Đông Nam Á, ông đề nghị thành lập một liên bang mà ông đặt tên là "Cộng Hòa Liên Bang Đại Nam Hải", coi biển Đông là vùng biển chung của các quốc gia Đông Nam Á. Ngay sau thế chiến thứ hai, viễn kiến này của Lý Đông A đã được thực hiện. Khối Âu Châu (EU) đã ra đời, và năm 1967 khối Đông Nam Á (ASEAN) đã được thành lập. Nhiều tổ chức khu vực khác cũng đang ra đời tại Nam Á, Trung Đông, Phi châu, Nam Mỹ… Đồng thời Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ chế quốc tế cũng đã ra đời và luôn được cải tiến nhằm vừa thúc đẩy phát triển, vừa giữ vững sự ổn định cho toàn nhân loại. Về đướng hướng kiến thiết xã hội, phát huy đời sống của con người, Lý Đông A dự kiến sẽ xuất hiện 4 xu thế thời đại.
Về văn hóa đó làxu thế nhân văn phục hoạt, mà ngày nay giới học thuật thế giới gọi là neo-humanism. Về kinh tế đó là nền kinh tế tư bản xã hội hóa, mà ngày nay giới kinh tế học gọi là socialized capitalism hay social market economy (10). Về chính trị ông cho rằng nền dân chủ đại diện bị tiền bạc và đảng tranh chi phối, sẽ phải được canh cải để tiến đến một nền dân chủ cao hơn, trong đó người dân thật sự làm chủ được vận mệnh của quốc gia và của chính họ. Ngày nay xã hội dân sự (civil society) với các tổ chức dân sự (NGOs) đang phát triển mạnh, đồng thời đang có cuộc vận động cho nền dân chủ tham gia (participatory democracy) (11). Xu thế thứ tư là sự ra đời các tổ chức khu vực. Tất cả 4 xu thế này đều đang xẩy ra, và sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh.
Lý Đông A có những viễn kiến này vì khi lập thuyết ông đặt tiền đề tư tưởng của ông trên Con Người toàn diện, chứ không chỉ trên khía cạnh vật chất, như Mác, hay trên khía cạnh tinh thần như các học thuyết duy tâm đông-tây, thiếu sót, thiên lệch và tạo mâu thuẫn. Dựa trên lịch trình tiến hóa của chính lòai người, qua nguyên thủy sử học và nhân loại học, ông nghiên cứu và khám phá ra những nguyên lý và quy luật của đời sống loài người. Ông cho rằng loài người thành người như ngày nay là nhờ biết tu chỉnh tự nhiên, không chỉ sống thuần theo tự nhiên như các loài động vật khác mà biết luôn điều chỉnh môi trường sống thiên nhiên và tổ chức xã hội để phát triển cuộc sống của loài người. Ông gọi đó là nguyên lý "tri hành đồng tiến", khác với quan điểm "tri hành hợp nhất" của Vương Dương Minh ở mối hỗ tương luôn sinh động giữa tri và hành, biết đến đâu làm đến đó, làm đến đâu lại biết thêm đến đó, cứ thế mà loài người tiến lên từ chỗ ăn lông ở lỗ đến hôm nay, và sẽ tiếp tục tiến hóa thêm nữa. Con người dù ở đâu, trong quan hệ với tự nhiên và trong xã hội, cũng vừa luôn sáng tạo cái mới, vừa tu chỉnh cái cũ với một động lực và mục đích là thực hiện được đời sống Người, phù hợp với nhân tính, xa rời lối sống động vật, ngày càng tiến lên, để làm chủ được đời sống toàn diện của con người. Đây là động lưc bền bỉ trong đời sống mỗi cá nhân cũng như toàn thể xã hội, dù đông hay tây phương, dù trước kia hay bây giờ và mai sau.
Ông tin chắc chắn rằng nhân loại trong thế kỷ 21 sẽ tiếp nối những tiến bộ đã đạt được, tu sửa những sai lầm để hoàn thiện thêm đời sống của con người theo hướng xây dựng nền văn minh mới, mà ông gọi là văn minh nhân chủ. Loài người sẽ phát triển quân bình toàn diện trên cả 3 mặt : ý thức, kinh tế và nhân chủng để chủ động được cuộc sống của mình, để luôn sống có ý thức và với ý thức luôn hướng thượng, vượt trên các loài sinh vật khác. Vì có ý thức nên về mặt kinh tế, con người dù cũng có nhu cầu sinh tồn, ăn, ở…như các loài sinh vật, nhưng càng tiến hơn càng phải theo quy luật của loài người, cùng tồn tại, cùng sống, giúp tiến qua nền kinh tế bình sản. Về nhân chủng cũng thế, càng tiến hơn, con người càng biết tôn trọng nhân phẩm trong quan hệ xã hội và quan hệ nam nữ, bồi dưỡng tâm thân để giữ được sự trong lành cho nhân chủng, xây dựng nền cương thường nhân loại, Duy nhân cương thường. Nhờ đó con người hôm nay khác xa với con người cách đây vài ngàn năm, vài trăm ngàn năm trước, cả về thân thể lẫn tinh thần.
Thế kỷ 21 đang đứng trước những thử thách to lớn mới, đe dọa đời sống nhân bản của nhân loại. Nhưng từ hơn 70 năm trước Lý Đông A đã tin tưởng rằng với khả năng tự chủ động, tự điều chỉnh của mình, loài người sẽ vượt qua những thử thách này, vận dụng được những tiến bộ mới để xây dựng được nền văn minh nhân chủ. Những lối sống phi nhân bản, phản nhân tính và mất nhân chủ sẽ bị đào thải.
Về nước Việt và dân tộc Việt, Lý Đông A cho rằng thời kỳ suy thoái của dân tộc sắp chấm dứt, và từ thế kỷ 21 trở đi, dân tộc Việt sẽ phục hưng. Nhưng để phục hưng được, dân tộc Việt cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các siêu cường, nhất là siêu cường Đại Hán mới. Để làm được việc này, người Việt cần nhận chân được nguồn gốc và lịch sử phát triển của dân tộc Việt từ cả hàng ngàn năm trước, đã khác biệt với dân tộc Hán. Trải qua cả mấy ngàn năm tiến hóa, quốc gia Việt đã thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Hán, mở rộng đất nước ra khỏi vùng sông Hồng, tiến vào thời kỳ quốc tế, hội nhập và tiếp thu thêm các chất liệu văn hóa, kinh tế và chính trị mới từ toàn thể nhân loại.
Trước hết về tinh thần và văn hóa, chúng ta cần lấy lại được niềm tự tin dân tộc để vừa thâu hóa quốc tế, vừa sáng tạo dân tộc. Ông cho rằng dân tộc ta cần thực hiện một cuộc phản tỉnh toàn dân mà ông gọi là cuộc cách mạng đáy tầng, cho mỗi người Việt và cho toàn thể mọi người Việt, cuộc cách mạng về ý thức, về văn hóa, về giáo dục. Lý Đông A cho rằng "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị", chính trị là "thiết kế và chấp hành dân sinh", là xây dựng đời sống an sinh, công bằng và hòa ái cho toàn dân, mà kinh tế là công cụ cho việc xây dựng đó. Phục hưng dân tộc phải khởi đi từ phục hưng ý thức Việt trong lòng mỗi người Việt, thoát khỏi niềm mặc cảm tự ti dân tộc, thoát khỏi tinh thần lệ thuộc vào ngoại bang, đã bị tập nhiễm kể từ khi tiếp cận Tây phương gần 200 năm trước đây.
Các điều kiện thời đại và nhân loại đang rộng mở để giúp chúng ta phục hưng nếu dân tộc ta lấy lại niềm tự tin dân tộc, phục hoạt lại sức sống mãnh liệt của người dân Việt. Từ đầu thập niên 1940, Lý Đông A đã cung cấp cho dân tộc nền triết học Thắng Nghĩa như một hệ thống tư tưởng "tập đại thành đông tây kim cổ" làm vũ khí tinh thần cho dân tộc "Vạn thắng" trong thời đại nhân loại toàn cầu –thắng chia rẽ trong nội bộ và thắng mọi đồng hóa từ bên ngoài, đồng thời hội nhập vào dòng tiến hóa chung của toàn nhân loại. Lý Đông A tin chắc rằng, nếu lấy lại được niềm tự tin dân tộc, thế hệ thanh niên Việt 2000, trong thời đại toàn cầu, sẽ thực hiện được công cuộc Vạn thắng mới này để phục hưng và xây dựng được nước Đại Việt mới trong thế kỷ 21.
Nhiên Hòa
(20/6/2021)
Nguồn : Tạp Chí Triết Học
________________________________
Ghi chú :
(1) Tiếng Dân, 12/10/2017, tr. 1.
(2) Lý Đông A, Vấn Đề Việt Nam, 1945, tr.5.
(3) "Đại địch hiện nay là Đức, Ý, Nhật ; đại địch tương lai là Nga ; đại địch giả định cho tương lai nữa là Tàu " (Xuân Thu, tr.72-73)
- "Lập trường 50 trở đi phải là lập trường chung của các dân tộc nhỏ yếu Ðại Nam Hải… Vì lúc bấy giờ Thái Bình dương sẽ là một nước có một vận mệnh chung… Tầu trên nguyên tắc đã đứng ra làm công địch của Thái Bình Dương rồi, bất tất luận nhiều". (Chu Tri Lục 3, CL 2, Đối Quốc tế, 1943, tr.32)
(4) "Huống chi Nhật, Pháp chỉ là quân địch trước mắt chớp qua và quá độ, Tàu mới là quân địch sau cùng, tức là kẻ có thể quyết định diệt vong được mình"(Chu Tri Lục 3, tr. 29)
(5) Tuyên Ngôn của Duy Dân Học Xã
(6) Chi tiết về lý lịch Lý Đông A
(7) Ký Trình