Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/01/2023

Thanh Sói - Một bộ phim hời hợt

Nguyễn Ngọc Già

Trong các bộ phim hành động, khán giả khá thích thú với hình ảnh phụ nữ "tả xung hữu đột", len lỏi vào tận sào huyệt địch thủ, rồi đối mặt với những tên đàn ông vạm vỡ để quật ngã bằng tay không và hạ gục nhanh gọn bằng võ khí. Dĩ nhiên, dù đó là phim Hollywood hay Hong Kong sản xuất.

thanhsoi1

Bom tấn hành động "Thanh Sói" vốn được kỳ vọng tạo bùng nổ điện ảnh Việt cuối năm. Ảnh : Studio68.

Kể từ vai diễn mang tên Thúy - trong bộ phim Dòng Máu Anh Hùng (phát hành năm 2007) - đóng cặp cùng nam tài tử Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân - một cái tên nổi lên và thật sự gây chú ý trong hình tượng "đả nữ". Vào lúc bấy giờ, phải công tâm nhìn nhận, những cú ra đòn nhanh gọn - chắc chắn - có lực của Ngô Thanh Vân đã làm khán giả sửng sốt, trong sự cảm phục về một nữ tài tử điện ảnh người Việt Nam đã làm tròn vai diễn "đánh đấm" ngoạn mục mà trước cô, chưa có một nữ tài tử nào làm được như vậy. Thậm chí, nói không ngoa, những cú ra đòn của Ngô Thanh Vân tỏ ra đẹp hơn - dũng mãnh hơn, so với một số nam tài tử (không phải con nhà võ) chuyên đóng vai "hành động". Võ thuật cũng là nghệ thuật - Hình ảnh "đả nữ" của Ngô Thanh Vân đã hòa quyện được cả hai lãnh vực này.

Sau bộ phim Dòng Máu Anh Hùng, Ngô Thanh Vân tiếp tục xuất hiện trong vai "đả nữ" với Bẫy Rồng, Lửa Phật và mới hơn là Hai Phượng - bộ phim phát hành năm 2019 - do Lê Văn Kiệt làm đạo diễn, đạt tính thương mại rất cao với doanh thu tại Việt Nam hơn 120 tỷ đồng và hơn 5 triệu USD ở các thị trường nước ngoài.

Ở phim Hai Phượng, ngoài những màn võ thuật tròn vai, diễn xuất của Ngô Thanh Vân không có gì đặc sắc, với một kịch bản tầm tầm hạng trung, mô phỏng theo các kịch bản "xã hội đen" của Hong Kong từ thập niên 80 thế kỷ trước. Đó là lý do, khiến tôi quyết định không xem, nếu Ngô Thanh Vân tiếp tục xuất hiện trong hình ảnh "đả nữ", vốn thành công và được công nhận như vậy.

Khi Thanh Sói - Cúc Dại Trong Đêm ra rạp, song song với bộ phim Avatar phần 2, dư luận cho là quá bất lợi cho nó, tôi vẫn quyết định chọn đi xem, vì bộ phim được giới thiệu do chính Ngô Thanh Vân làm đạo diễn. Xem để coi tay nghề đạo diễn của Ngô Thanh Vân - vốn là "dân tay ngang" - có thành công như cô đã từng là "tài tử đả nữ tay ngang".

thanhsoi2

Thanh Sói của Ngô Thanh Vân có nguy cơ trở thành "bom xịt". Ảnh : Studio 68.

Những kỹ xảo điện ảnh trong Thanh Sói không có gì mới lạ, dù được giới thiệu mời chuyên gia Hollywood tham gia. Đặc biệt kỹ xảo tỏ ra thô vụng, chính là màn rượt đuổi của nữ tài tử Tóc Tiên (trong vai Thanh) và Đồng Ánh Quỳnh (trong vai Bi) vượt thoát trước sự săn đuổi quyết liệt của giới giang hồ đàn em của Hải Chó Điên - lộ rõ hình ảnh giả tạo, khi chiếc xe gắn máy bị nổ tung nhưng nhà cửa trong con hẻm nhỏ xíu không hề suy suyển chút nào.

Bộ phim mang đến cho khán giả hình ảnh bạo lực ê hề - máu me tèm lem là điều có thật. Những gót nhọn của giày cao gót phụ nữ kết liễu mạng sống kẻ thù ngay yết hầu cũng không có gì mới lạ về ý tưởng. Những hình ảnh làm tình giữa Long Bồ Đà (Song Luân thủ vai) và Hồng (Rima Thanh Vy thủ vai) dù nhằm chuyển tải thông điệp yêu mãnh liệt và có phần hoang dã, tỏ ra phù hợp tâm lý nhân vật với môi trường sống đầy "sẹo hận thù" trong tâm trí nhưng cũng không đẩy được cảm xúc nhân vật thật hơn với diễn xuất gượng gạo. Nhân vật phản diện quan trọng nhứt - Hải Chó Điên (Thuận Nguyễn thủ vai) diễn "như kịch" chứ không phải "như phim".

Bối cảnh Thanh Sói được giới thiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh vào thập niên 90 của thế kỷ 20 nhưng khung cảnh - ngoại cảnh - trang phục, đặc biệt phân cảnh sinh hoạt và đánh đấm diễn ra tại các quán bar, vũ trường, tỏ ra không tương thích. Bởi nó phảng phất hình ảnh Sài Gòn trước 1975, pha trộn với phim "xã hội đen" Hong Kong của thập niên 60 thế kỷ trước. Kèm theo đó, lời thoại của các nhân vật không thuộc về thời hiện tại, những năm 20 của thế kỷ 21.

Bộ phim Thanh Sói yếu nhứt vẫn là kịch bản. Một kịch bản quá cũ kỹ với nhiều điểm mờ không được lý giải cặn kẽ. Dù ngay từ đầu giới thiệu bộ phim là hư cấu để tránh "đụng chạm" đến bất kỳ cá nhân - tổ chức nào. Bất kỳ bộ phim nào cũng đều là hư cấu, ngay cả những bộ phim được gọi là "dựa trên một câu chuyện có thật" - bởi đó chỉ là một chiêu thức để PR cho bộ phim.

thanhsoi3

Hành động mãn nhãn, kịch bản chưa đủ hấp dẫn trở thành điểm trừ của Thanh Sói. Ảnh : Studio 68.

Nhân vật dì Lin, do chính Ngô Thanh Vân thủ vai - dù là vai phụ, xuất hiện ít nhưng nó là sợi dây liên kết toàn bộ câu chuyện, với các nhân vật của cả hai phía. Với vai dì Lin, Ngô Thanh Vân không tạo ra được bản lãnh của "bà trùm" cần phải có. Thay vào đó, dì Lin chỉ nung nấu trả thù Hải Chó Điên bằng mọi giá và thu phục ba cô gái có đời sống bất hạnh (Bi - Thanh - Hồng). Điều này càng khó lý giải câu chuyện lờ mờ về chồng dì Lin chết vì nguyên nhân gì. Trước khi kết liễu Hải Chó Điên, bằng phát đạn vô đầu, dì Lin đã nghiến răng nói : Mày giết chồng tao thì thôi cũng được. Còn con tao, nó nhỏ quá mà, nó có tội tình gì mà mày giết ?! Rõ ràng, việc lợi dụng ba cô gái vô tội bằng cách giả vờ cưu mang và dạy võ, trở nên khó thuyết phục khán giả, bởi tâm lý nhân vật thay đổi quá nhanh, khi dì Lin và Bi đấu tay đôi quyết trận sống mái. Người đàn bà thương con da diết bỗng nhiên biến mất đột ngột. Đây là cách xây dựng và thay đổi tâm lý thật vô lý với cả hơn chục năm trường đằng đẵng của dì Lin.

Chi tiết cuối cùng của Thanh Sói đã phá hỏng gần như nhân vật dì Lin : Sau trận đấu tay đôi không khoan nhượng với Bi, dì Lin bị đánh tả tơi và thua cuộc. Phân cảnh bỗng dừng đột ngột và dì Lin khoan thai bước đến chiếc sofa ngồi xuống, chấm một điếu xì-gà cuối cùng và... chết cứng ngay tại đó. Có lẽ, Ngô Thanh Vân muốn chuyển thông điệp, dì Lin đã mãn nguyện sau khi trả thù cho chồng con. Tuy nhiên, điều khiến khán giả bật cười bởi : Đánh đấm tả tơi mà veston dì Lin vẫn ngay ngắn ; tóc tai - mắt môi - son phấn vẫn nguyên vẹn và ngồi chết... thanh thản.

Có những tiểu tiết rất nhỏ như nói trên, đã phá hỏng cả bộ phim - vốn nội dung quá mỏng và nhợt nhạt về phần cốt truyện. Cũng như trong Hai Phượng, với bộ đồ bà ba mỏng manh, sau nửa ngày trời rong ruổi từ dưới quê lên đến Sài Gòn, rồi tả xung hữu đột - đánh đấm ngợp trời mà bộ đồ bà ba đó vẫn... nguyên vẹn.

So sánh với phim Hollywood là điều vô lý về kỹ xảo, diễn xuất nhưng nội dung bộ phim và các chi tiết nhỏ vô lý đến ngớ ngẩn như nói trên, không lẽ đạo diễn - tài tử Việt Nam không thể chú ý hơn chăng ? Đó chính là sự tự hủy hoại công sức của cả đoàn làm phim, đứng đầu là đạo diễn Ngô Thanh Vân. Đó lại chính là sự coi thường khán giả - những người nuôi nấng cho các nhà làm phim có thể sống và làm nghề. Hãy tử tế và nghiêm túc hơn cho các bộ phim Việt Nam - không chỉ đạo diễn - nữ tài tử - Ngô Thanh Vân.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 02/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)