Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/01/2023

Tết Quý Mão : biểu tượng Thỏ hay Mèo ?

Nguyễn Giang

Thử tìm hiểu lý do người Việt bỏ Thỏ chọn Mèo làm con giáp

Câu chuyện trong 12 con giáp ở Đông Á thì riêng Việt Nam có mèo thay cho thỏ, khác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, được nêu ra đã lâu nay.

meo1

Bưu chính Việt Nam phát hành tem năm Quý Mão với hình mèo

Nhiều bạn bè ở Anh có hỏi và tôi đã giải thích ngắn trên Facebook cá nhân.

Trong bài viết này tôi muốn tìm hiểu quá trình dịch chuyển, biến đổi của các biểu tượng tử vi như một hiện tượng văn hóa, không có tham vọng xác lập lý do chính xác của chuyện Mèo thay Thỏ.

Hướng đi là ta tìm đến những nền văn minh "cao tuổi" hơn Trung Hoa cũng đã có 12 biểu tượng của chu kỳ năm tháng cho nông lịch ra sao.

Điều được xác nhận là việc soạn lịch theo chu kỳ của Mặt Trăng đã có ở Lưỡng Hà, Babylon, ở đồng bằng sông Hằng và cả vùng Trung Mỹ, trong văn hóa Maya.

Đầu tiên xin bàn về biểu tượng, lịch số và linh vật

Không chỉ Châu Á mới dùng các con giáp trong chiêm tinh, tử vi để diễn tả thế giới tự nhiên, vũ trụ và tính cách con người.

Hy Lạp cổ đại đã đặt ra thế giới của các chòm sao (constellation) với hình tượng con vật. Tiếng Hy Lạp đã có khái niệm 'zoidiakos' tức chuỗi các con thú (cycle of animals), dùng để chỉ bầu trời sao.

Ngày nay, các bảng tử vi Phương Tây có 12 'zodiac signs', tương xứng với cung hoàng đạo của 12 tháng sinh và thể hiện bằng Kim Ngưu, Bạch Dương, Cự Giải, Song Ngư, Xử Nữ, Sư Tử, Bọ Cạp, Thiên Bình, Ma Kết, Nhân Mã, Song Ngư và Bảo Bình.

meo2

12 con giáp-hình tượng của chiêm tinh học Châu Âu

Zeus từng hóa thân thành bò mộng, nữ thần Venus của người La Mã thì đã hiện ra như Libra (Thiên Bình- cái cân), tượng trưng cho sự cân bằng, toàn vẹn.

Cả 12 biểu tượng zodiac của cổ Hy Lạp có biểu tượng Ấn Độ (Rashi) tương xứng :

Kim Ngưu-Mesha ; Bạch Dương - Vrishaba ; Cự Giải - Mithuna ; Song Ngư - Karkata ; Xử Nữ - Kanya ; Sư Tử - Simha ; Bọ Cạp -Vrishchika ; Thiên Bình - Tula ; Ma Kết - Makara ; Nhân Mã- Dhanus ; Song Ngư -Meena ; Bảo Bình - Kumbha. Tuy thế, hai bộ lịch này lại lệch nhau khá nhiều về ngày tháng.

Người Do Thái tính các tháng khác lịch thời cổ Hy Lạp nhưng có dùng nhiều biểu tượng chung : Adar là Song Ngư (Pisces -hai con cá), Nisan là Kim Ngưu (Aries)...

Văn minh Maya cũng có lịch 12 tháng trong năm, đánh dấu bằng 12 loài chim thú :

Chim ưng đỏ (Red Hawk) tương ứng với Kim Ngưu (Aries) trong lịch tử vi Châu Âu. Các con tiếp theo là Hải ly, Hươu, Gõ kiến, Cá hồi, Gấu nâu, Quạ, Rắn, Cú, Ngỗng tuyết (Snow Goose), Rái cá và cuối cùng là Sói.

Tương tự như người Maya, dân Trung Hoa thời cổ đại đã lấy 12 con giáp hoàn toàn là các loại động vật để thể hiện hàng Địa Can (Eartly Branches) của chiêm tinh học cổ đại : Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.

Thiên Can (Heavenly Stems), gồm 10 biểu tượng Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, kết hợp với 12 Địa Chi được dùng để tính chu kỳ 60 năm, theo âm lịch.

Tuy thế, ta cần nhận thấy trong Hán tự, hàng Địa Chi dùng các chữ khác để tính lịch, ví dụ Quý Mão là 癸卯, không có ch Mèo hay Th gì đây.

Có thể hiểu việc dùng 12 con vật để thể hiện hàng Địa Chi xảy đến sau khi lịch số đã hình thành, và việc này chịu tác động của văn hóa bản địa, đưa tới khác biệt vùng miền, khu vực văn hóa.

Ví dụ Hợi ở Trung Quốc và Việt Nam là con heo (pig), nhưng ở Nhật là con lợn rừng (boar).

meo3

Thần Ganesha trong thần thoại Ấn Độ có mình người, đầu voi

Hàn Quốc dùng Bạch Ngưu (bò trắng) cho Sửu, Trung Quốc dùng Hoàng Ngưu (bò vàng).

Còn Sửu với người Việt lại là con trâu thân thuộc (Thủy Ngưu-Water Buffalo) gắn bó với đồng ruộng lúa nước của họ.

Các con thú trên tuy thế vẫn là một loài, còn sự khác biệt Mèo-Thỏ trong 12 con giáp Việt Nam và vùng Đông Bắc Á mới là lạ và rất rõ rệt.

Thỏ thành Mèo khi tới vùng đất của người Việt ?

Các trang về lịch sử tử vi Trung Quốc cho rằng 12 con giáp xuất hiện lần đầu vào thời Xuân thu Chiến Quốc (thế kỷ 5 trước Công lịch), và được chế độ phong kiến tập quyền chuẩn hóa thời nhà Hán (206 trước Công lịch-9 Công lịch).

Tuy các tài liệu về chiêm tinh và lịch số cổ Trung Hoa không nhắc đến Việt Nam nhưng nếu căn cứ vào sử liệu thì cuộc xâm lăng của Mã Viện đã tiêu diệt chính quyền Trưng nữ Vương năm Quý Mão (43 Công lịch, ba năm sau cuộc khởi nghĩa năm 40), xóa các luật lệ Việt cổ, áp đặt luật Hán.

Đây có thể là thời điểm hệ thống lịch cùng các con giáp Trung Hoa vào vùng nay là Bắc Việt Nam.

Việc Trâu thay Bò, Mèo thay Thỏ trong 12 con giáp có thể đã xảy ra trong thời kỳ Bắc Thuộc.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng âm 'Mao' trong một số phương ngữ Trung Quốc đồng âm với 'Mao' - trong t 'dã miêu', có hai nghĩa, th rng và mèo hoang.

Việc chuyển hóa "thỏ thành mèo" ở vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không quá lạ nếu ta chấp nhận là người di dân gốc từng vùng Nam Trung Quốc (Bách Việt) đã dùng từ chung chỉ hai loài thú này.

Một số báo Việt Nam trích nguồn nước ngoài cho rằng người Việt Nam đọc nhầm 'Mão Thố Niên"-mao-tu-nian (thỏ) trong Trung văn nên đã lấy con mèo thay thỏ trong 12 con giáp.

Cách giải thích này khá vô lý vì ngoài việc xác định rõ con mèo... là con mèo, và lấy trâu thay cho bò, người ta còn có hình vẽ rõ ràng về mèo, trâu trong các con giáp Việt, cho thấy đây là việc có chủ ý.

meo4

Điều chắc chắn là trong văn hóa dân gian Việt Nam, mèo xuất hiện nhiều, trong khi thỏ, con vật bản địa của văn hóa thảo nguyên và tundra đầy băng tuyết thường chỉ xuất hiện cùng thần thoại Trung Hoa, để chỉ Mặt Trăng : Ngọc Thỏ, Hằng Nga.

Các con giáp đều có gốc Ấn Độ ?

Thế nhưng cần xem xét một giả thuyết nữa là các con giáp Trung Quốc cũng có gốc ngoại.

Không ít biểu tượng tưởng là thuần tuý cổ Trung Hoa và từ đó sang Việt Nam (trục Bắc-Nam) thực ra đã Trung Quốc theo tuyến Tây-Đông, và có gốc từ các nền văn minh cổ hơn.

Ví dụ, nghiên cứu của Basiri Faranak mô tả kỹ quá trình sư tử có cánh của thần thoại Ba Tư vào Trung Hoa thời Hán và trở thành biểu tượng được tôn thờ, (xem thêm : Iconology of the Winged Lion in Iran & China). Sư tử vốn không là thú bản địa ở Trung Quốc cũng "tới Trung Hoa" bằng đường Phật giáo.

Tương tự, con rồng là quái thú thần thoại, được Trung Hoa sáng chế từ cá sấu của vùng sông nước Đông Nam Á, rắn thần naga của Nam Á, con hươu có sừng của vùng đồng cỏ.

meo5

Hình thỏ của năm Mão ở Trung Quốc

Các sách báo Trung Quốc có nhắc đến tác phẩm của một giáo sư ĐH Tân Cương (Li Shinhui) cho rằng thực ra lịch 12 con giáp của Trung Quốc là sản phẩm từ văn minh Babylon, qua cải biên của Ấn Độ rồi tới Trung Hoa qua con đường Tơ lụa trên bộ.

Một số chương của Kinh Vệ Đà và chiêm tinh học Ấn Độ (Vedic astrology) được cho là đã xuất hiện 10 nghìn năm trước Công nguyên.

Toàn bộ hệ thống chiêm tinh và lịch số này phát triển qua nhiều thế kỷ và có chịu ảnh hưởng từ Ai Cập, vùng Lưỡng Hà và văn minh Ba Tư cổ đại.

Trong Kinh Vệ Đà, Mặt Trời được thể hiện bằng hổ, hươu và bồ câu. Mặt Trăng là cá, thỏ, loài sơn dương, chim hạc và chim trĩ. Sao Hỏa biểu hiện qua cừu, gà trống, khỉ và ác điểu...Sao Kim hiện thân bằng bò và vẹt, Sao Thổ là voi, quạ. Sao Thủy được vẽ ra bằng con đại bàng của thần Vishnu, nhưng đôi khi là linh vật Garuda hoặc mèo...Sao Mộc là thiên nga hoặc ngựa....

Ấn Độ cổ đại có hai tinh tú-thần linh Rahu và Ketu, chỉ nhật thực và nguyệt thực trong tích Rahu nuốt Mặt Trăng.

Thiên văn học nay xác định đây không phải là hai hành tinh mà là hai giao điểm của Mặt Trăng và Mặt Trời trên đường giao tuyến mặt phẳng của bạch đạo và hoàng đạo : North and South Lunar Nodes.

Các vật chủ của Rahu và Ketu trên trần thế gồm cú, sói, rắn và các loài côn trùng.

meo6

Đồ họa La Hầu, đình So, Việt Nam trong tác phẩm nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế

Khi vào Trung Quốc, Rahu được phiên âm là La Hầu, Ketu thành (sao) Kế Đô trong Hán tự.

Chừng 27 con chim, thú của Ấn Độ khi sang Trung Quốc còn lại 12 con giáp và người Hoa cho Rồng để thể hiện Thìn.

Cũng không thể loại trừ việc du nhập chiêm tinh học Ấn Độ cùng các linh vật đi qua con đường Tơ lụa trên biển, ghé bến Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi mới tới Quảng Châu, như cách Phật giáo đợt một từ phía Nam đi lên phía Bắc.

Kết luận, mèo thay cho thỏ là câu chuyện rất đặc trưng Việt Nam mà vẫn nằm trong dòng văn hóa cổ đại chung của nhân loại một thời.

Chú miu thân quen không chỉ chiếm vị trí thứ tư trong 12 con giáp mà còn là dấu tích của một quá trình giao lưu, du nhập, biến đổi các biểu tượng cổ xưa ở quê hương của tộc Việt.

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 22/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Giang
Read 424 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)