Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/02/2023

Đi xem lễ hội đầu năm ở miền Bắc Việt Nam

Nguyễn Tâm Du - RFA tiếng Việt

Chùa Hương có động Bàn Tơ ?

Nguyễn Tâm Du, RFA, 01/02/2023

Tôi đọc bình luận của bác sĩ Phạm Ngọc Thắng trên trang mạng Facebook, phì cười. Cứ tưởng ông bác sĩ đáo để.

Hóa ra là thật.

lehoi1

Lễ khai hội Chùa Hương 2023 - FB Phạm Ngọc Thắng

Trong đoạn clip phát trên báo Tin tức (báo của Thông tấn xã Việt Nam) tường thuật về lễ khai Hội chùa Hương năm 2023, nhạc cảnh này có bảy cô gái mặc áo ngắn chẽn trên rốn phơi ra cả gang bụng, dưới là quần bó chặt từ hông đến đầu gối rồi xòe rộng lất phất. Quanh bụng và đầu gối đều quấn các dải tua rua vàng rung rinh. Khổ thay, dải tua rua quanh bụng lại hớt lên hình chữ V ngược ngay ở vùng… "ngã ba biên giới" khiến dù không muốn nhưng con mắt người xem cứ bị tập trung vào đó. Chiếc quần vải mỏng, may vụng và bó chặt khiến các cô – gọi theo ngôn ngữ bọn teen bây giờ là "lộ hết hàng". Chiếc mão trên đầu na ná hình con chim Lạc cộng với bộ đồ màu vàng nghệ chói không liên quan gì đến thiết kế của bộ trang phục. Đường Tăng đội mão Liên hoa (mũ đội đầu hình bảy cánh hoa sen, mỗi cánh mang hình ảnh một vị Bồ tát nên còn gọi là mão Thất Phật), mặc cà sa đứng chắp tay phía sau. Tiền cảnh lại thêm một phụ nữ xinh đẹp trong áo choàng trắng xẻ tà khoác bên ngoài một bộ đồ không rõ là áo dài hay cosplay tiên nữ. Tay nhân vật này cầm một chiếc bình cam lồ màu vàng, tay kia cầm cành dương nên đây là Phật Bà Quan Âm, hiện xuống trừ yêu quái giúp Đường Tăng thuận lợi thỉnh kinh.

Hóa ra nhạc cảnh này tả lại cảnh bảy con yêu nhền nhện trong động Bàn Tơ (*) đang lẳng lơ quyến rũ Đường Tăng.

Cách đó vài bước chân, hàng ngũ các chức sắc tôn giáo chùa Hương, các chùa lớn quanh vùng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiêm trang ngồi dự lễ. Hàng hàng hoa lan tượng trưng cho sự thanh khiết của nhà Phật nhưng được đặt ngay dưới đất, gần chân các vị.

Nhạc cảnh tiếp theo mở mắt cho chúng ta vào một level mới. Quý vị đọc bài này xong thì hẵng xem video, kẻo cười nhiều quá mắt mở không lên lại quên đọc bài viết. Tôi xin tả thực cho qúy vị xem trước :

Có một con lân, một con rồng, hai con rùa, một con phượng và một con công.

Đầu tiên con rùa đỏ nằm chầu dưới sân. Con phượng từ dưới sân đi lên, nhảy lóc cóc quanh con rùa, thỉnh thoảng giơ cánh chạm vào nó một cái. Xong, nó quạt hai cánh đi nghiêng ngả như đang bị nướng chả khắp sân rồi 1,2, 3… nhảy cẫng lên rất kỳ cục. Con rùa thì rất phấn khích, cũng nhảy chồm chồm. Điệu múa độc lạ Bình Dương này lặp lại hai lần, con phượng nhảy cẫng lên hai lần, xong đâu đấy nó cúi đầu bái trước lư hương rồi về chỗ.

Nhạc cảnh tiếp theo, con công thay thế con phượng. Rùa đỏ thay bằng rùa xanh, nhưng con rùa này không nhảy mà chỉ ra sức duỗi cổ ra rồi rút vào. Trong khi đó con công tiếp tục điệu nhảy nướng chả quanh con rùa, chạm cánh, nhảy cẫng lên hai lần, bái tổ, về chỗ.

Trong khi rùa, công và phượng thực hiện các thủ tục xã giao hơi kỳ lạ ở sân chính Thiên Trù thì phía dưới diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa một con người và một con lân.

Tôi đọc giới thiệu về quần thể đại danh thắng Hương Sơn có đoạn "Quần thể núi non tạo ra những dáng hình kỳ thú. Dáng núi tựa hai con rồng đá tranh hòn Ngọc Ốc ở cánh đồng Đục Khê. Núi nổi trên cánh đồng nước ở gần đền Trình tạo thành hình bốn con vật (rồng, sư tử, rùa, phượng) linh thiêng trong tâm thức người Việt" nên mạnh dạn đoán nhạc cảnh nói trên là mô tả lại quá trình thu phục các linh vật. Nhưng cái con đang bị con người cầm gậy Như ý bịt vàng nhảy chồm chồm và đâm mãnh liệt ở dưới sân có phải là sư tử đâu. Nó chính hiệu là con lân bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, vì có cái sừng rõ to trên đầu.

Về phần con phượng và con công, lẽ ra đây phải là hình ảnh đẹp mắt, gây trầm trồ nhất trong nhạc cảnh. Nhưng hỡi ơi, có lẽ phượng và công chùa Hương đều bị nhiễm Covid nặng trong hai năm qua nên cả hai linh vật đều rụng trụi cả lông, mỗi con chỉ còn duy nhất ba sợi tun ngủn vừa chấm mông người đóng vai, vắt va vắt vẻo theo nhịp trống trông đến sặc cười.

Diễn phượng và công đều là đàn ông, trông dáng chắc ở tuổi trung niên và khá mập. Ba sợi lông vắt vẻo qua vai họ, phô trọn bộ đồ trắng tuyền đùng đục có nẹp đen suốt ống quần, hoàn chỉnh hình ảnh bằng đôi giày bata cũng trắng đục dưới chân. Thú thật nếu không được giới thiệu là Lễ khai hội chùa Hương 2023 thì tôi cứ tưởng một đội mai táng đang làm lễ cho một thân chủ nuôi chim chóc vừa qua đời.

Như giới thiệu, đảm trách phần văn nghệ cho lễ hội là các đội trống và đội rồng của địa phương. Nó ngô nghê, vụng về đến mức gây phản cảm.

Nên phải đặt câu hỏi tại sao một lễ hội cấp quốc gia thu hút hàng chục vạn khách du lịch (chỉ riêng ngày khai hội đã là 40.000 khách), mà không có nổi một ban tổ chức có đủ chuyên môn để thuê các nghệ sĩ xây dựng kịch bản nghệ thuật khai mạc xứng đáng ?

Các phần văn nghệ của người dân địa phương vẫn có thể tổ chức nhưng chỉ nên diễn tại các xóm, các phường, theo kiểu cây nhà lá vườn, phục vụ nội bộ cho bà con địa phương mà thôi.

Nhưng, thôi ! Chùa bây giờ có phải là nơi thiêng liêng, thánh địa tôn giáo đâu. Năm 2002, cách đây 20 năm, danh tiếng chùa Hương đã một thời bị làm nhơ nhuốc khi đám sư sãi giả mạo và sư sãi hổ mang lợi dụng dựng lên đến 42 chùa giả, động giả trên đường đến thánh địa, để lừa tiền công đức của phật tử và khách du lịch. Bây giờ chùa giả dẹp xong thì Phật pháp lại bị thương mại hóa quá nhiều để làm du lịch một cách thô vụng và xôi thịt. Nhiều người quen của tôi đang đi du xuân ở chùa Hương kể người đông đến nỗi nghẹt thở, hàng trăm mét đường lên chùa toàn người chen vai thích cánh không còn chỗ đặt chân. Sự ồn ào xô bồ đó phá hỏng toàn bộ không khí và cảnh đẹp thoát tục của Hương Sơn, vô cùng uổng phí.

Tới đây lại phải nhắc đến chùa Phúc Khánh (Hà Nội), ngôi chùa nổi tiếng nhiều năm qua với thành tích kinh doanh bán lá số và dâng sao giải hạn vào đầu năm âm lịch. Năm nào cũng vậy, báo chí Việt Nam chụp được vô số ảnh hàng ngàn người ngồi vòng trong vòng ngoài chùa, chen chúc kín cả đoạn đường cạnh đó để làm lễ giải hạn cầu an khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.

lehoi2

Người đi lễ Chùa Hương đốt vàng (minh họa). AFP

Chùa Phúc Khánh hoạt động rất bài bản, có biểu giá cụ thể cho từng yêu cầu giải hạn sao xấu hay cầu an. Thiếu một đồng cũng không được. Năm 2019, có một phật tử muốn giải hạn toàn gia đình trọn gói giá 450.000 đ, nhưng móc hết ví chỉ còn 400.000 đ, nên bị chùa từ chối.

Từ nhiều năm trước, hoạt động kinh doanh chính này của chùa Phúc Khánh đã bị chính các chức sắc tôn giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định là mê tín dị đoan và phê phán. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, nói trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt hay ngày tháng đẹp, xấu trong năm. "Nếu các chùa vừa tụng kinh vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất kiếm tiền"- ông nói.

Thế nhưng ai nói mặc ai, tháng Giêng hàng năm sư sãi chùa Phúc Khánh vẫn đếm tiền mệt nghỉ, cúng sao giải hạn thật đều tay. Tuy nhiên, nói cho công bằng, không riêng chùa Phúc Khánh mà ở Hà Nội có cả một… tập đoàn chùa nhận làm lễ dâng sao giải hạn, xin sớ xem vận số năm mới các thứ. Biểu giá mỗi lần xem là 150.000 đ-500.000 đ, rẻ hơn chùa Phúc Khánh từng hoạt động của mỗi cá nhân đều phải trả 150.000 đ.

Thế nhưng càng rực rỡ xa hoa, màu mè choáng lộn, hoặc cái tâm tham hiện lên bừng bừng trong mắt thì Phật càng xa. Chùa giả không thể có Phật, nhưng chùa bị đem ra bán sỉ bán lẻ dưới những chiêu bài giả Phật thì càng làm Phật nổi giận mà thôi.

Ít nhất, những địa phương nơi có thắng cảnh, linh địa cần tách bạch mỹ tục vãn cảnh chùa sau Tết với những hoạt động mang tính giải trí mua vui bình thường khác như múa hát, trò chơi dân gian, ẩm thực đường phố… Tuy cảnh chùa đẹp đẽ là trọng tâm thu hút khách du lịch nhưng chính vì thế càng phải tỉnh táo, chớ bóc ngắn cắn dài. Trước mắt điều dễ làm nhất là hạn chế số du khách đến chùa trong cùng một thời điểm để bảo đảm được "thương hiệu" núi non xuất trần thanh tĩnh, vẻ đẹp thơ mộng hài hòa của thiên nhiên Hương Sơn đặng còn… kiếm tiền dài lâu.

Nguyễn Tâm Du

Nguồn : RFA, 01/02/2023

Tham khảo :

(*) Động Bàn Tơ : từ tác phẩm Tây Du Ký của Trung Quốc nơi có ổ yêu tinh nhền nhện nhả tơ trói Đường Tăng để ăn thịt

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-doi-mua-vuot-gio-di-hoi-chua-huong-20230127133725383.htm

https://vneconomy.vn/khai-hoi-chua-huong-2023-cau-noi-giua-qua-khu-va-tuong-lai.htm

https://tienphong.vn/mung-2-tet-to-dinh-phuc-khanh-dong-nghit-nguoi-dan-di-le-cau-may-post1505112.tpo

https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn

https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn

https://www.google.com/search?q=khai+m%E1%BA%A1c+l%E1%BB%85+h%E1%BB%99i+ch%C3%B9a+h%C6%B0%C6%A1ng&rlz=1C1CHBF_enVN1024VN1024&sxsrf=AJOqlzWz6B_zL4uISPKn2glxTIQBDs2aoA:1675049921757&source=lnms&tbm=vid&sa=X&ved=2ahUKEwia0sScr-78AhVq7zgGHWGbC6wQ_AUoAnoECAEQBA&biw=1145&bih=874&dpr=1.5#fpstate=ive&vld=cid:b73a288e,vid:vzpwl_fYxAE

***************************

Lễ Hội đầu năm, hô hào hạn chế vẫn không hiệu quả ?

RFA, 30/01/2023

Cứ mỗi năm vào dịp sau Tết Nguyên Đán, người dân lại tham gia rất nhiều lễ hội, nhiều công ty du lịch còn tổ chức nhiều tour du lịch kết hợp tham gia lễ hội, hay cúng bái tại một số chùa. Tuy nhiên, tình trạng người dân tham dự quá đông do mê tín dị đoan đã tạo ra một luồng ý kiến cho rằng nên thay đổi, hạn chế tập tục này.

lehoi3

Ảnh minh họa chụp tại một chùa ở Hà Nội dịp Tết trước đây. AFP Photo

Lãnh đạo đảng nhà nước nhiều năm qua đều hô hào tiết kiệm hạn chế lễ hội, đến nay hiệu quả ra sao ?

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết, đưa ra nhận định hôm 30/1 :

"Một mặt là sự kích thích của những lễ hội này gắn với du lịch, rồi du lịch là gắn với tâm linh, thành ra nó gần như đang trở thành một phong trào huy động đông đảo quần chúng tham gia. Mà nghiên cứu thì lại chưa đến nơi đến chốn, nên nó trở thành xô bồ và hiện nay chưa có cách nào để có thể có định hướng cho nó tốt hơn. Người ta thấy có lợi ích từ du lịch và thấy tâm linh được nhiều người theo đuổi, nên họ gắn vào cái đấy. Các lễ hội đều gắn với tâm linh, du lịch nên nó phát triển không thể nào hạn chế".

Theo ông Mai, lãnh đạo hô hào chung chung thì dễ, mà không có chính sách cụ thể để định hướng nên lễ hội có thể trở thành một thứ gì đó dung tục. Ông Mai nói tiếp :

"Những người lãnh đạo họ dễ hô hào lắm, vì nó đơn giản, ai nói chẳng được, cái đó nhàm và vì thế nói được chứ không làm được, không làm được cái gì đến nơi đến chốn cho tử tế. Giới nghiên cứu cũng bị sa vào lợi ích vật chất, nên cũng không định hướng được dư luận xã hội cho cho tử tế. Chỉ hô hào người ta đi vào những yếu tố có thể nói là thấp, đó là vấn đề hiện nay. Bộ văn hóa thì rất là nhiều phong trào, nhưng chả đâu vào đâu cả, nó cũng không định hướng được. Đấy là cái gọi là mạt vận của văn hóa Việt hiện nay, đây là vấn đề đáng lo chứ không phải vui mừng gì".

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục cần phải được bảo tồn. Thế nhưng, thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới các lễ hội do mê tín dị đoan, cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn hôm 30/1, nhận định :

"Vấn đề tâm linh đối với dân tộc Việt Nam không phải là mới đây, mà có truyền thống hàng ngàn năm. Nhưng trước đây phật giáo Việt Nam tu theo đúng phương châm của đạo pháp, chứ không phải hướng quần chúng, tín đồ đi vào mê tín dị đoan như hiện nay. Hiện nay một số chùa chiền ở miền Bắc lợi dụng lòng tin của người dân, của tín đồ trước những khó khăn của cuộc sống, có những bế tắc trong đời sống gia đình… rồi tạo ra bói toán, cầu cúng, cúng sao giải hạn… hướng con người vào vòng mê muội. Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam hàng ngàn năm, chúng ta thấy không có hiện tượng này, mà chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây, vấn đề đó phải phê phán rất nặng".

Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, cái lỗi đưa quần chúng vào vòng tâm linh mê muội, thì trách nhiệm của nhà nước cũng phải có phần. Ông Phúc nói tiếp :

"Mới đây chúng ta thấy rõ, đảng và nhà nước vừa tổ chức một ‘Hội thảo về Chân giá trị của người Việt trong đời sống hiện đại như thế nào ?’… Nhưng nhìn lại thực tế cuộc sống hiện nay, vừa ăn Tết xong thì bắt đầu một thời kỳ lễ hội, một thời kỳ mê muội ở bất cứ một cấp độ nào cũng có thể diễn ra. Vấn đề đó chẳng những không giải quyết được nhu cầu cuộc sống thực của con người, mà nó làm cho con người tiếp tục sống giả và lúc nào cũng hướng về thần linh để cầu cúng, cầu mong để mình có cuộc sống tốt hơn. Trong cuộc sống không ai giúp mình, mình phải tự giúp mình… trước khi trời giúp thì mình phải tự giúp mình".

lehoi4

Ảnh minh họa : Một hoạt động ở Lễ hội Tết. AFP Photo.

Theo ghi nhận của báo chí do nhà nước quản lý, cho đến ngày 30 tháng 1 năm 2023, không có tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận xét :

"Nhà nước nói lễ hội không chen lấn thì biết thế thôi, nhưng thú thật là tôi hoài nghi, bởi vì không thể nay chen lấn, mai không chen lấn được, trừ khi là đám đông ít lại. Chứ còn ý thức của người dân, sự quản lý của nhà nước không thể một sớm một chiều từ bên này lật qua bên kia được đâu, nó phải có từng bước, nó có thể hạn chế ít lại, chứ còn nói không có chen lấn xô đẩy, thì xin lỗi mình cũng hơi nghi ngờ".

Theo truyền thông nhà nước hôm 30/1/2023, sau Tết 2023, hàng trăm nghìn người đã đến những ngôi chùa ở miền Bắc ngày đầu xuân, nhiều người có những trải nghiệm tồi tệ, nhưng vẫn chấp nhận.

Theo báo VnExpress, chỉ riêng hôm 27/1/2023 tức Mùng 6 Tết, có đến hơn 40.000 người tham dự Lễ khai hội Chùa Hương. Nhiều người phải đi ghe vào Động Hương Tích từ tối hôm trước để tránh cảnh xếp hàng cả ngày trời cực khổ cùng biển người. Theo bài báo, Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương Sơn mở cửa đón khách từ 30 tháng Chạp, tính đến ngày khai hội, lượng khách đã đạt khoảng 150.000 người.

Một người không muốn nêu tên vì lý do an toàn sống tại Hà Nội, cho biết thực tế khi đi chùa đầu năm :

"Dòng người thì đông, không thể đông hơn được nữa, thêm một người nữa thì không biết đứng vào đâu. Mình đứng gần đến động chính (Chùa Hương), mình phải mất 45 phút mới đến được chỗ xếp hàng đi cáp treo, phải có người ra mới có người vào, như là biển người luôn".

Trước đây, vào năm 2017, những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt mất trật tự như vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, hay vụ giành giật ấn tại lễ hội Đền Trần, cướp lộc thánh tại chùa Hương…

Nguồn : RFA, 30/01/2023

***********************

Lễ hội Tịch điền thời xã hội chủ nghĩa !

RFA, 30/01/2023

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn sáng mùng 7 Tết với người kéo cày mang mặt nạ nhà vua, thay cho hình ảnh chủ tịch nước mấy năm qua, gây nhiều bình luận trên mạng xã hội. Một số người cho rằng, việc đeo mặt nạ phản ánh tính hình thức, dối trá trong xã hội. 

lehoi6

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn sáng mùng 7 Tết với người kéo cày mang mặt nạ nhà vua

Ông Ngọc Tân, nói với RFA quan điểm của ông, với tư cách một nông dân :

"Với tư cách là một nông dân, tôi không đồng ý chuyện đó. Bởi vì bản chất của người nông dân vốn chân chất, thật thà. Có sao làm vậy, nghĩ sao nói vậy chứ không bao giờ ném đá giấu tay như vậy. Tôi không biết dụng ý của ban tổ chức là gì, nhưng mang mặt nạ thì theo tôi, nó là một hình thức ‘ném đá giấu tay’".

Theo sử sách, vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền khai mở một mùa vụ mới với mong ước mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đất nước phồn thịnh. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam được sử sách ghi nhận. Đến thời nhà Lý, lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa Xuân. Theo nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày.

Ông Liêu Thái, người tự nhận mình là một nông dân, nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Tôi thấy lễ tịch điền năm nay tạm đúng với bản chất của nó nhưng vì người ta đã quen với cái giả nhiều quá rồi. Lộng giả thành chân thành ra người ta làm vậy. Họ quên rằng thời đại bây giờ không có vua. Ông tổng bí thư hay chủ tịch nước cũng không phải là vua. Nếu xem họ là vua thì nên lui về thời phong kiến mà sống vì quá lạc hậu, không thể tiến bộ được. Chắc chắn một điều như vậy".

Những năm sau này, hình ảnh các ông cựu chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày, hay Nguyễn Xuân Phúc lội ruộng kéo cày được báo chí nhà nước loan tải như những hình ảnh đẹp. Trong khi đó, một số người lại cho rằng, hình ảnh này không phù hợp. Ông Liêu Thái nói với RFA quan điểm của ông :

"Lễ hội tịch điền nó gồm phần lễ và phần hội. Nó là hình thức sân khấu hóa tái hiện hình ảnh vua ngày xưa khai cày đầu năm. Nhiều năm trước họ làm với mục đích thu hút khách du lịch. Không biết từ đâu lãnh đạo lại ‘nhảy vô’ với vai trò ông vua như vậy.

Việc một vị lãnh đạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa đứng ở vai trò của một ông vua ngày trước để khai mở lễ tịch điền, cày những đường cày đầu tiên của đất nước nó không hợp lý. Bởi thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại xã hội chủ nghĩa, dù muốn hay không. Nó không phải thời phong kiến trung ương tập quyền mà ông vua thật sự phải bước ra khai hội".

Mùa Xuân năm 2017, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trần Đại Quang về cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) dự lễ Tịch điền. Ông Quang phát biểu tại buổi lễ rằng, lễ Tịch điền là một hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Hà Nam đổi mới, phát triển để đồng bào trong nước, du khách quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài biết đến các sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch của Hà Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đến mùa Xuân năm 2022, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức xuống đồng, cày ruộng đầu năm trong lễ hội Tịch điền trong bộ quần áo nâu. Ông Phúc nêu rõ : "Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa".

Hình ảnh con trâu vẽ vằn vện như con cọp với người cầm cày là Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng bị dư luận cho là giả dối và hình thức, không thích hợp với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp nhiều năm qua.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói về căn bệnh giả dối trong xã hội : "Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ : Tốt để làm gì ? Sạch để làm gì ? Quên mình để làm gì ? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì ? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không ? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít ?".

lehoi5

Hình ảnh người nông dân và con trâu trên một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội. AFP

Một nhà báo không muốn nêu tên nói với RFA quan điểm của ông khi để lãnh đạo khai lễ Tịch điền :

"Theo tôi, lễ tịch điền mà có lãnh đạo như chủ tịch nước xen vô như vậy là có mục đích điều hướng tâm thức của người dân. Họ muốn cho dân nghĩ rằng vẫn đang sống trong thời đại có vua. Vua là người đang cày những đường cày đầu tiên.

Khi lãnh đạo kéo những đường cày đầu tiên nó gieo rắc ý thức phục tùng của thần dân trước các nhà lãnh đạo của thời hiện đại. Nó có yếu tố chính trị trong đó. Nó làm cho người dân sống ở thế kỷ 21 vẫn mang cái tâm thức của thế kỷ 20, thậm chí thế kỷ 19. Vẫn sống theo cách phục tùng của một thần dân trước một ông vua.

Với hình ảnh một chủ tịch nước đi cày trong lễ tịch điền nó mang hình ảnh một ông vua. Nó nửa thật nửa giả rất nguy hiểm. Nó là cái trò ngu dân một cách rất tinh tế".

Lễ hội Tịch điền được bắt đầu trở lại từ năm 2009. Một năm sau, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết đã mặc áo nông dân, cầm cày thực hiện nghi lễ. Sau đó nữa là ông Trương Tấn sang, cũng với vai trò Chủ tịch nước đã cầm cày theo trâu xới những vết cày đầu tiên để khai mạc lễ hội. Trong bài diễn văn, ông Sang đã tôn vinh ý nghĩa của lễ hội và mong muốn UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần này trong các kế hoạch kinh tế du lịch của tỉnh.

Riêng năm nay, do chỉ vài ngày trước Tết, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã đột ngột từ chức. Bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó chủ tịch nước được Quốc hội thông báo sẽ đảm nhận quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch mới.

Người thay ông Phúc đọc lời chúc Tết đầu năm là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Người kéo cày trong lễ Tịch điền được nói là một cụ ông 70 tuổi. Cụ này đeo mặt nạ, mặc áo long bào vào vai vua Lê Đại Hành.

Nguồn : RFA, 30/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tâm Du, RFA tiếng Việt
Read 370 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)