Tịch điền năm nay vắng ‘vua’
Trường Sơn, VNTB, 29/01/2023
Năm 2009, lần đầu tiên Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Vào năm 2019, quyết định hành chính đã sáp nhập 3 xã Tiên Phong, Đọi Sơn, Châu Sơn để thành lập xã Tiên Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, hồi năm ngoái còn làm chủ tịch nước Việt Nam, dự lễ Tịch Điền Đọi Sơn 2022. Tịch điền Quý Mẹo ở Đọi Sơn không còn hoạt cảnh ông chủ tịch nước xuống ruộng đi cày nữa… (Hình : VnExpress)
Năm 2017, kỷ niệm 1030 năm ngày vua Lê Đại Hành lần đầu tiên xuống đồng thực hiện nghi lễ cày tịch điền, Việt Nam quyết định ghi danh Lễ Tịch điền Đọi Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ cày tịch điền này duy trì tới thời nhà Nguyễn, chấm dứt vào thời vua Khải Định.
Truyền thuyết "Kim ngân điền – Vàng và cơm gạo" kể rằng: Trong một buổi thiết triều, vua Lê Đại Hành ngỏ ý với bách quan đem vàng bạc trong kho chôn xuống những nơi đồng đất màu mỡ nhưng bị bỏ hoang để khuyến khích dân khai hoang.
Các quan xin vua đừng làm thế, nhà vua chỉ nghe xong rồi bàn sang chuyện khác. Buổi thiết triều kéo dài gần trọn một ngày, các quan quá đói, lúc này nhà vua mới cho dọn cơm, mỗi mâm cơm có một đĩa xôi và một đĩa vàng.
Các quan tranh nhau ăn xôi không để ý gì đến đĩa vàng. Đến đây vua mới hỏi các quan : Vàng quý hay xôi quý ? Đến lúc này, các quan mới hiểu ý sâu xa của nhà vua, theo lệnh cử người bí mật chôn vàng bạc ở những nơi cần khai hoang, rồi rao: Cày hoang mà lấy vàng thần đế, khai hoang mà lấy bạc trời cho. Dân đua nhau vỡ đất, khai hoang được vàng, được bạc, nhờ đó mà một vùng đất rộng lớn được phục hóa, nghề nông từ đó phát triển trở lại.
Để khuyến khích phát triển nghề nông và truyền đạt tư tưởng "Dĩ nông vi bản" (lấy nghề nông làm gốc), "Phi nông bất ổn" (nông nghiệp không bảo đảm, xã hội khó ổn định), đích thân vua Lê Hoàn vào mỗi dịp xuân về trực tiếp xuống ruộng dạy dân cấy lúa. Ông đã chọn miền đất ruộng dưới chân núi Đọi (hiện thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) của Hà Nam để tiến hành nghi lễ Tịch điền.
Sau lễ tế Thần Nông cầu mưa thuận gió hòa, nhà vua chân trần lội ruộng, cầm cày, quất trâu mở những luống cày đầu tiên để mở đầu một năm sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Như vậy, Lê Hoàn là ông vua đầu tiên dưới chế độ quân chủ chuyên chế tiến hành Lễ cày Tịch điền khuyến nông.
Có lẽ ở nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là người bắt đầu khởi xướng việc Chủ tịch nước khoác áo nhà nông để thực hiện nghi lễ tịch điền. Lần ấy, trình tự là sau phần khai mạc lễ hội, một cụ cao niên của xã Đọi Sơn thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng Vua Lê Đại Hành đi cày tịch điền khai xuân. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đại diện tầng lớp nông dân trong tỉnh đã thực hiện nghi lễ cày tịch điền.
Nhiệm kỳ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người ta cũng thấy ở lễ hội này Chủ tịch Trương Tấn Sang xắn quần, chân đất xuống đồng cày ruộng. Đến nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì có khác chút, quan chức cấp cao nhất xuống đồng ở lễ tịch điền là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông cũng xuống ruộng đi cày với con trâu được vẽ những vằn màu vàng. Nhiều người cho rằng con trâu này được sơn vằn vàng cho giống với con hổ của năm Nhâm Dần. Tuy nhiên, các ý kiến trái chiều khi ấy cho rằng hình ảnh như vậy không gây ấn tượng, không thật và không đúng với hình ảnh con trâu ngoài đời.
Tuy nhiên đến tịch điền Quý Mão 2023 thì không có một viên chức chính phủ nào đến tham dự.
Danh sách được ban tổ chức xướng tên cho biết, "dự lễ hội có các đồng chí : Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh ; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ; các ủy viên Ban thườn vụ Tỉnh ủy ; Thường trực hội đồng nhân dân, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh ; lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Duy Tiên, lãnh đạo xã Tiên Sơn cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương…".
Sách sử chép, người đầu tiên nối tiếp việc cày tịch điền của vua Lê Đại Hành là Lý Thái Tông : "Mậu Dần năm thứ 5 (1038), mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải (nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cày ruộng tịch điền. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế ?".
Nhà vua nói : "Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng nhà tông miếu và lấy gì để nêu gương cho thiên hạ ?". Bấy giờ nhà vua mới cày ba luống rồi thôi.
Điều đặc biệt là Lý Thái Tông là vua Lý đầu tiên và cũng là vua Lý thực hiện cày tịch điền nhiều lần nhất. Lần đầu tiên ông cày tịch điền ở Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1032); tháng 2 năm Mậu Dần (1038) vua lại đi cày tịch điền ở Bố Hải Khẩu (nay thuộc thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042) ông cày tịch điền tại Khả Lãm (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Quý Mão 2023, tịch điền vắng ‘vua’, không rõ là báo điềm gì…
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 29/01/2023
***************************
Viện cớ lễ Tịch Điền với ‘quy mô nhỏ’ để không mời Võ Thị Ánh Xuân
N.H.K, Người Việt, 27/01/2023
Năm nay, sau khi Việt Nam không còn chủ tịch nước vì ông Nguyễn Xuân Phúc bị hạ bệ, tỉnh Hà Nam chủ trương tổ chức lễ hội Tịch Điền “ở cấp địa phương nên quy mô không lớn.” Chính vì vậy, bà Võ Thị Ánh Xuân, quyền chủ tịch nước, cũng không được mời dự.
Báo Dân Việt hôm 27 Tháng Giêng dẫn lời ông Ngô Văn Liên, chủ tịch thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cho biết thay đổi như vậy về công tác chuẩn bị cho lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn 2023.Ông Nguyễn Trung Đắc bên con trâu có cặp sừng đẹp được chọn tham gia lễ Tịch Điền. (Hình: Dân Việt)
Theo thông lệ, đương kim chủ tịch nước sẽ chủ trì lễ Tịch Điền Đọi Sơn diễn ra vào Mùng Bảy Tết hằng năm như một hoạt động mang tính biểu tượng.
Hồi năm ngoái, khi còn làm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, được nhìn thấy mặc áo nâu, diễn cảnh cày ruộng cùng trâu tại lễ Tịch Điền Đọi Sơn 2022.
Phát ngôn của ông Ngô Văn Liên ngầm xác nhận rằng lễ Tịch Điền năm nay không có bất kỳ giới chức nào của nhà nước tham gia, đồng nghĩa với việc bà Võ Thị Ánh Xuân không được mời dự.
Trước sự kiện này, việc bà Xuân bị ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, giành chúc Tết người dân vào đêm Giao Thừa trên đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) gây tranh cãi về vị trí “hữu danh vô thực” của bà Xuân.
Theo báo Dân Việt, do vắng lãnh đạo nhà nước, nhân vật chính của lễ Tịch Điền Đọi Sơn 2023 là 20 “lão” trâu tốt, khỏe và có cặp sừng đẹp được tuyển chọn cho màn cày ruộng diễn ra vào sáng Mùng Bảy Tết (28 Tháng Giêng).
Sự kiện này bao gồm lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đón linh vị Vua Lê Đại Hành từ đình Đọi Tam về và lễ rước kiệu linh vị Vua Lê từ trên chùa Đọi xuống chân núi. Tại đây hai đoàn hợp nhất rước kiệu về sân Tịch Điền làm lễ.
Tiếp đó, sau màn đánh trống, múa rồng mừng hội, bô lão đọc văn trình và dâng hương, nghi thức cày tịch điền diễn ra.
Các báo ở Việt Nam dẫn giai thoại cho hay, vào mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên Vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng. Năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hằng năm vào đầu Xuân, nhà vua đều ra đồng cày ruộng, làm lễ Tịch Điền để cầu được mùa cho nông dân. Các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày Tịch Điền với các hình thức khác nhau.
Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, đương kim chủ tịch nước Việt Nam đều tham dự sự kiện với mục đích chính là tuyên truyền về chuyện lãnh đạo “gần dân” và quan tâm đến nông dân. (N.H.K) [qd]
********************
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân không dự Lễ hội Tịch điền
RFA, 28/01/2023
Lễ hội Tịch Điền ở Đọi Sơn, Hà Nam vào sáng 28/1 đã diễn ra mà không có mặt của quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Chỉ có một cụ ông 70 tuổi, đeo mặt nạ, mặc áo long bào vào vai vua Lê Đại Hành để kéo cày cùng trâu.
Lễ hội Tịch điền diễn ra hôm 28/1/2023 ở Hà Nam - Nhân Dân
Trước đó, ngày 25/1, lãnh đạo thị xã Duy Tiên nói với báo Dân Việt rằng : "năm nay Hà Nam chủ trương Lễ hội Tịch điền làm ở mức độ cấp địa phương nên quy mô không lớn.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị chu đáo để đón nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương được chúng tôi làm bài bản".
Lễ hội Tịch Điền cầu cho mùa màng bội thu trong năm mới được tái phục hoạt từ năm 2009, và một năm sau lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ.
Các đời Chủ tịch nước sau đó cũng tham dự lễ hội này như : Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên, chỉ trước Tết Quý mão vài ngày, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã đột ngột từ chức với lý do là người chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Sau đó, Quốc hội Việt Nam thông báo bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó chủ tịch nước - sẽ đảm nhận quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch mới
Việc ông Phúc thôi chức Chủ tịch nước ngay trước Tết làm dấy lên những đồn đoán về ai sẽ người đọc chúc Tết và dự Lễ hội Tịch điền mà theo thông lệ hàng năm là do Chủ tịch nước đảm nhận. Liệu bà quyền Chủ tịch nước sẽ thực hiện các nghĩa vụ này theo quy định hay không ?
Tuy nhiên, bài chúc Tết Nguyên Đán ngày đầu năm Quý Mão năm nay đã do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thực hiện.
Nguồn : RFA, 28/01/2023