Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/02/2023

Cúng sao giải hạn là mê tín ?

Hiền Vương

"Việc cúng dâng sao giải hạn "chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản Phật giáo, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ"- Thượng tọa Thích Nhật Từ (chùa Giác Ngộ).

meytin1

Tối 29/1 (mùng 8 tháng Giêng) chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) giải hạn sao La Hầu, ngay từ 16g nhiều người đến ghi sổ và xí chỗ trước

Thượng tọa Thích Nhật Từ khá nặng lời quy kết : "Nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật".

Cung kính thần linh là sai trái ?

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài.

Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.

"Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.

Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc nhân văn, nhân đạo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.

Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi", Thượng tọa Thích Nhật Từ diễn giải trong nhiều Pháp thoại trên kênh Đạo Phật Ngày Nay do ông là chủ.

Tín ngưỡng dân gian

Cá nhân người viết cho rằng những phê phán, đả kích như trích dẫn ở trên của vị thượng tọa chủ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM), là hành vi mang dấu hiệu vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì "Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng".

Như vậy việc "cúng sao giải hạn dịp đầu năm", nói như nhìn nhận của Thượng tọa Thích Nhật Từ, "là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão", điều đó cho thấy theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, những lễ nghi tín ngưỡng này được luật pháp bảo hộ.

Việc phê phán, đả kích nhân danh Phật giáo của Thượng tọa Thích Nhật Từ, nếu suy diễn rộng ra, có thể đứng trước cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 116 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau :

"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm :

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội ;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội ;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".

Tam giáo đồng nguyên : tôn giáo nội sinh Trung Hoa ?

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, xưa nay, tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh vào tuổi từng người tốt, xấu. Trong đó có 9 sao : Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch chiếu mệnh.

Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo được dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa. Tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh.

Và từ cách hiểu trên, căn cứ vào Điều 24 của Hiến pháp 2013 : "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật", cho thấy việc lên án, đả kích tập tục "cúng sao giải hạn đầu năm", nếu không giữ được sự tiết chế, sẽ bước sang lằn ranh của vi phạm pháp luật.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 02/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Vương
Read 339 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)