‘Studies’ từ một người Việt
Trân Văn, VOA, 04/03/2023
Tin ông Trần Hữu Dũng qua đời làm nhiều người hụt hẫng kể cả những người chưa từng gặp gỡ, trò chuyện với ông.
Giáo sư Trần Hữu Dũng trò chuyện với BBC News tiếng Việt bên lề một hội thảo tư tại Đại học Humbolt, Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, muha Hè 2015
Có nhiều người Việt là Tiến sĩ, là Giáo sư của những đại học bên ngoài Việt Nam. Không ít người khi này, khi khác đã từng bày tỏ sự trăn trở, rồi phân tích, góp ý về những vấn đề liên quan đến quá khứ, hiện tại, tương lai của Việt Nam. Ông Dũng là một trong số những người như thế nhưng dấu ấn ông tạo ra đậm hơn, sâu hơn.
"Viet Studies" không chỉ là nơi ông Dũng bày ra những thông tin, nhận định có liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai mà ông nhặt nhạnh từ khắp nơi cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Người ở ngoài dùng "Viet Studies" để xem điều gì đã, đang cũng như sẽ xảy ra tại Việt Nam và người ở bên trong dùng "Viet Studies" theo hướng ngược lại.
Ông Dũng dùng hiểu biết, kinh nghiệm của một Tiến sĩ, Giáo sư để thực hiện "Viet Studies" nhưng không như một Giáo sư, Tiến sĩ. Trần Hữu Dũng miệt mài với "Viet Studies" trong vài thập niên bằng tư cách của một người Việt từng trải. Có lẽ Trần Hữu Dũng là một trong số rất ít những người Việt trải nghiệm tất cả những khía cạnh của nhiều phía – phía bên này, phía bên kia và cả phía những người không may rơi ngay vào giữa hai bên. Có thể chính sự từng trải này khiến thông tin, nhận định được lựa chọn và bày ra trên "Viet Studies" mang nét riêng, không thể lẫn với những trang web khác cũng làm cùng loại việc như ông.
Có thể chính sự từng trải ấy của Trần Hữu Dũng khiến "Viet Studies" trở thành nơi được nhiều người Việt chọn làm chỗ ký thác tâm sự của riêng họ. Đó có thể là tâm sự về những chuyện đã qua, những suy tư về chuyện đang xảy ra hoặc dự đoán về những chuyện sắp tới – một loại diễn đàn vì không có ở Việt Nam nên phải cậy đến "Viet Studies" với niềm tin vào hiệu quả lan tỏa, tác động của trang web này. Cũng vì vậy, ngoài "studies", "Viet Studies" còn giống như một loại nhiệt kế, thể hiện "số đo" hiện tình Việt Nam cả ở bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam. Trần Hữu Dũng không còn, còn ai có thể miệt mài với loại công việc ngốn thời gian, sức lực để tạo ra, duy trì một chỗ vô vụ lợi như "Viet Studies" ?
Dường như chính Trần Hữu Dũng cũng không ngờ ông sẽ rời bỏ "cuộc chơi" cho nên trên "Viet Studies", ông chỉ thông báo : "Vì bận nhiều việc, trang này sẽ không được cập nhật thường xuyênkhoảng 1 tuần, kể từ thứ hai 27/2/23"... Còn một chuyện khác có thể "study" từ "Viet Studies" là cho dù việc ông làm tạo ra tác động rất lớn đến tri thức – nhận thức – hành xử của nhiều người, nhiều giới nhưng Trần Hữu Dũng không ngạo thị, không kể công. Trần Hữu Dũng xem những việc ông làm như một loại nghĩa vụ mà một người Việt, một trí thức cần làm cho xứ sở của mình, dân tộc của mình. Cũng vì vậy, mỗi khi việc thực hiện nghĩa vụ bị gián đoạn, ông luôn xin lỗi.
Trang Viet-studies vẫn tồn tại trong ký ức những người mến mộ nhà sáng lập
Năm ngoái, Trần Hữu Dũng đã xin lỗi một lần vì ngưng làm việc mà không thông báo. Lần này, ông cũng xin lỗi... Tuy điều đáng tiếc có vẻ ngoài mong muốn của chính ông nhưng Trần Hữu Dũng vẫn kịp làm được điều mà không phải ai cũng có thể làm khi từ biệt cuộc đời – tạ lỗi.
Giống như nhiều người khác đã nhận không ít lợi ích từ "Viet Studies" xin tạ ơn ông – Trần Hữu Dũng, một trong những người mà khi sống, ngoài việc trả nợ cơm, áo luôn cố gắng hướng đến những thứ cao hơn cơm, áo một chút. Chỉ "một chút" vì nếu cho rằng lớn hơn, có thể ông lại không thích cũng như không thích được gọi là Giáo sư – Tiến sĩ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/03/2023
*************************
Giáo sư Trần Hữu Dũng, người đứng trước Vạn Lý Hỏa Thành
Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, 01/03/2023
Nếu có người hỏi tôi rằng ai gây ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trong nước Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là giáo sư Trần Hữu Dũng, ở Dayton, Ohio, Hoa Kỳ.
Giáo sư Trần Hữu Dũng trong lần thăm Bảo tàng Công đoàn Đoàn Kết ở Gdansk, Ba Lan năm 2018
Không phải ông có ảnh hưởng từ lý thuyết, hay tư tưởng của ông, ông cũng không phải là một nhà cách mạng, mà là do con thuyền tri thức mà ông gây dựng, trang Viet-Studies. Miệt mài mấy mươi năm không nghỉ, trang Viet-Studies chuyên chở bao nhiêu tri thức nhân loại đến với giới trí thức Việt Nam, già lẫn trẻ, khao khát đằng sau… bức màn tre.
Giáo sư Trần Hữu Dũng qua đời vào sáng ngày 28/2/2023, tại Hoa Kỳ.
Giống như nhiều trí thức cùng thế hệ, Trần Hữu Dũng cũng đứng giữa hai làn nước, dù không nhiều bi kịch như người bạn thân thiết của ông là giáo sư Ngô Vĩnh Long (qua đời trước giáo sư Dũng vài tháng). Cha ông là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tham gia cách mạng cộng sản và được đặt tên cho một con đường vùng Gò Vấp, Sài Gòn. Giáo sư Dũng cũng chịu tiếng là… thân cộng với những chỉ trích từ một số người chống cộng hăng hái tại hải ngoại.
Nhưng theo tôi nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam sợ ông giáo sư "thân cộng" đó hơn là những nhà chống cộng kia.
Hôm 24/2, Giáo sư Trần Hữu Dũng đăng hình tiễn biệt nhà văn, nhà thơ và dịch giả Dương Tường mà hôm nay 1/3, ông cũng ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè
Trang Viet-Studies của ông cung cấp cho người Việt trong nước những bài phân tích từ đủ mọi khuynh hướng của báo chí thế giới, từ những loại khó đọc như The Economics đến những tờ rất nhanh nhạy tin tức toàn cầu, như Washington Post, New York Times. Có những website phải trả tiền mới đọc được thì giáo sư Dũng lấy bài rồi chuyển ra dạng PDF cho độc giả khao khát kiến thức mà ít tiền ở Việt Nam.
Trang Viet-Studies cũng là một cái cửa mở cho giới sĩ phu trong nước, hay giới khoa bảng người Việt ở nước ngoài nhưng vẫn canh cánh lo âu những bề bộn trong nước : Nguyễn Quang Dy, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Khoa, Trần Văn Chánh, Nguyễn Minh Nhị, Nguyễn Ngọc Tư… với những bài phân tích, hay bình luận đầy tính phản biện.
Cái cửa mở đó là nơi mà giới học giả nước ngoài quan tâm tới Việt Nam, có người đọc được tiếng Việt, qua đó mà nhìn vào bên trong Việt Nam : Carl Thayer, David Brown...
Dĩ nhiên kiến thức và tư duy phản biện là những vũ khí ghê gớm nhất, mạnh mẽ nhất, và thế là "người ta"… sợ !
Trang Viet-Studies liên tục bị… tường lửa, mà có lần giáo sư Dũng nói với tôi là cũng dữ dằn không kém Vạn lý hỏa thành của những người cộng sản Trung Quốc. Chủ nhân Viet-Studies có lúc cũng bị làm khó làm dễ chuyện đi về Việt Nam. Lúc người ta tổ chức vinh danh cho cha ông là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người ta không thèm mời ông con trai… phản động.
Tôi bắt đầu quen biết giáo sư Dũng từ những năm RFA của tôi, và quan hệ của chúng tôi kéo dài mãi đến những ngày trước khi ông ra đi.
Dĩ nhiên chúng tôi trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đến tình trạng bế tắc của nó mà có lần ông nói với tôi là ông… chịu hết nổi rồi. Với cả chục năm chọn lọc tin tức, phổ biến kiến thức về Việt Nam, ông có những quan hệ rất thú vị và bất ngờ trong giới báo chí.
Có lần ông cho tôi biết chuyện một đại gia Việt Nam định blackmail (đe nẹt) một nhà báo nước ngoài, dọa sẽ tiết lộ ra anh ta là gay, không ngờ anh nhà báo đã không sợ mà còn ra tay trước tiết lộ rằng đại gia nọ định mướn anh làm… bồi bút. Lần khác ông cho tôi biết chuyện một nhà báo khác, rất cẩu thả, gắn chữ vào nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Người chủ trương trang mạng Viet-studies.info, Giáo sư Trần Hữu Dũng, chia sẻ với BBC về 'hậu trường, bếp núc' của trang điểm tin tức năm 2015
Ngày 12/10/2022, một người bạn chung của chúng tôi là giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời, anh Trần Hữu Dũng nhập viện vì bệnh tim. Tuy nhiên anh không công khai ra công chúng, mà chỉ tuyên bố Viet-Studies tạm nghỉ vài ngày. Cách nay mấy hôm, Viet-Studies thông báo lần nữa là tạm ngưng.
Lần này thì nó có thể ngưng mãi mãi.
Nếu ai đó tiếp tục chèo con thuyền Viet-Studies của giáo sư Dũng, thì ắt cũng khó mà có được những tiếng cười sảng khoái mỗi buổi sáng hàng ngày với những cái như là… Cách mạng 4.0 (?), Số hóa (của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng)…
Giáo sư Trần Hữu Dũng ra đi làm tôi nhớ lại công cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản, khi các trí thức Nhật cố công dịch toàn bộ trước tác của Tây phương ra tiếng Nhật. Nhưng các samurai Nhật Bản mấy thế kỷ trước làm việc có bang có hội, có Minh Trị Thiên Hoàng đứng sau lưng. Giáo sư Dũng thì đứng trước… Vạn lý hỏa thành !
Liệu có phải ông là người cuối cùng ? Con thuyền trí thức Việt, Viet-Studies, liệu có là… con thuyền không bến ?
Joaquin Nguyễn Hòa
Nguồn : VOA, 01/03/2023
Tác giả là một nhà báo từ San Jose, California, Hoa Kỳ.