Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

10/03/2023

Hát không đúng lời, Tuấn Ngọc lãnh búa rìu dư luận

Trần Quí Thường - N.H.K.

Việt Nam không được buồn vào mùa thu !

Trần Quí Thường, VNTB, 10/03/2023

Liệu sau này có sửa "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" thành "Hai mươi năm kháng chiến từng ngày" ?

tuanngoc1

Dư luận đang xôn xao câu chuyện danh ca hải ngoại Tuấn Ngọc hát "Việt Nam buồn lắm em ơi" thành "chiều nay buồn lắm em ơi" (nhạc phẩm Tình bơ vơ của nhạc sĩ Lam Phương). Đoạn nhạc được Tuấn Ngọc hát vào ngày 31/12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh tại chương trình Mây SaiGon Live Stage. Ca sĩ này cũng hát "trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi" tại Chương trình Mây Đà Nẵng vào ngày 19/2/2023.

Vì sao Việt Nam không được buồn vào mùa thu ?

15 năm trước, ca khúc Tình bơ vơ được cấp phép vào tháng 4/2008 nhưng chỉ sau một tháng, tháng 5/2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi. Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết ca khúc này bị rút phép vì cụm từ "trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi". Tuy nhiên sau đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng có tiết lộ là đã mất thêm 8 năm để xin được giấy phép trình diễn ca khúc này.

Dư luận cho rằng cụm từ này nhạy cảm vì mùa thu là mùa cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh làm cách mạng cướp chính quyền của thủ tướng Trần Trọng Kim. Có thể từ đó, đảng cộng sản, không cho phép Việt Nam được buồn vào mùa thu. Nhưng thực tế có buồn hay không là cảm nhận của từng người. 

Tuy nhiên, nếu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được cấp phép biểu diễn nhạc phẩm này, thì không có lý do gì Tuấn Ngọc không hát được. Một số facebookers cho rằng có thể nhà nước cộng sản Việt Nam không cấm hát, nhưng khi nghệ sĩ muốn trình diễn thì lại không được. Còn nhớ năm ngoái, liveshow của danh ca Khánh Ly bị huỷ vào giờ chót do cơ quan chức năng cắt điện, vụ việc cho thấy nhà cầm quyền cộng sản không cấm trên văn bản, mà họ sẽ phá trên thực tế. Có lẽ Tuấn Ngọc hiểu điều này nên đã chọn cách thoả hiệp để có thể được biểu diễn lâu dài tại Việt Nam.

Tình Bơ Vơ – tiếng hát Hà Thanh Xuân - Nhạc và lời Lam Phương (ASIA 75)

 Những bài hát trước 1975 sẽ ra sao ?

Rất nhiều ca khúc trước 1975 bị đảng cộng sản cho rằng nhạy cảm và nhà chức trách đã cho các trang mạng lề đảng liên tục viết bài chỉ trích, giật dây cho lực lượng dư luận viên tuyên truyền sai sự thật về bối cảnh trong bài hát. Gần đây nhất, nhà cầm quyền chỉ trích lời bài hát "Gia tài của mẹ" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác là không đúng chủ trương của đảng. Họ cho rằng việc dùng từ "nội chiến" trong câu "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" sai quan điểm, họ tuyên truyền rằng đó là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước chứ không phải nội chiến "Quốc – Cộng".

Cơ quan quản lý văn hoá nghệ thuật của đảng cộng sản đã từng yêu cầu đổi lời nhiều bài hát để được cấp phép trình diễn. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cũng đã chấp nhận. Thậm chí, một người dùng facebook bình luận rằng : "Nói về sửa lời thì nhiều lắm anh ơi, karaoke trên YouTube quá trời bài sửa lời, không biết vô tình hay hữu ý, từ Những đóm mắt hỏa châu, Thành phố buồn, Chiều Tây Đô… qua tới Về quê ngoại".

Khi mà bài hát Câu chuyện đầu năm, lời gốc là "đón xuân nơi trận tiền" phải sửa thành "đón xuân trên mọi miền". Thì liệu một ngày họ có đổi "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" thành "Hai mươi năm kháng chiến từng ngày" ? Hay là "Trời vào thu, Việt Nam (mừng) quá em ơi" ? Có bạn trẻ nói vui rằng rồi cũng có lúc câu hát "bao năm giải phóng như thế này phải không anh" trong bài Chiều Tây Đô có bị đổi thành "bao năm giải toả như thế này phải không anh" để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Một viễn cảnh hãi hùng cho những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian.

Có thể nói mỗi bài hát là tâm huyết, là nơi tác giả đặt tình cảm, tâm sự của mình, là một tác phẩm nghệ thuật lưu danh người nhạc sĩ trong lòng khán thính giả. Thiết nghĩ người ca sĩ muốn chỉnh sửa lời bài hát thì cần phải xin phép tác giả, được sự đồng ý của tác giả. Nhất là những ca sĩ thành danh nhờ vào những tác phẩm để đời của người nhạc sĩ.

Việc khán giả và dư luận phản ứng gay gắt trước hành động đổi lời tuỳ tiện là vô cùng cần thiết để bảo vệ nét đẹp của một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian. Phản ứng đó cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người đã và đang có ý định thoả hiệp với cường quyền vì những lợi ích cá nhân thấp kém. Hãy nhớ rằng không có cơ quan kiểm duyệt nào hơn được sự kiểm duyệt của giới mộ điệu, của người  dân.

Trần Quí Thường

Nguồn : VNTB, 10/03/2023

******************************

Về hát ở Sài Gòn, Tuấn Ngọc sửa lời ‘Tình Bơ Vơ’ của Lam Phương

N.H.K., Người Việt, 09/03/2023

Một ngày sau khi bị công luận chỉ trích vụ ca sĩ Tuấn Ngọc sửa lời ca khúc "Tình Bơ Vơ" trong chương trình diễn ra ở Sài Gòn, trang YouTube Mây Saigon Live Stage (Mây Lang Thang Sài Gòn) hôm 9/3 đã gỡ bỏ video clip tiết mục này.

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương có câu hát vốn được nhiều thế hệ khán giả thuộc lòng : "…Trời vào Thu Việt Nam buồn lắm em ơi. Mây tím đang dâng cao vời. Mà tình thương chưa lên ngôi…".

tuanngoc2

Ca sĩ Tuấn Ngọc trong tiết mục "Tình Bơ Vơ" trên sân khấu Mây Lang Thang Sài Gòn. (Hình : Chụp qua màn hình)

Tuy vậy, trong đoạn clip được nhiều người chia sẻ trên Facebook và YouTube, ca sĩ Tuấn Ngọc hát: "…Trời vào Thu chiều nay buồn lắm em ơi," tức hai chữ "chiều nay" được ông hát thay cho "Việt Nam".

Theo nhiều khán giả, việc ca sĩ Tuấn Ngọc sửa lời ca khúc là cố ý, vì trong đoạn clip, ông vừa hát vừa chăm chú nhìn bản nhạc được đặt trên sân khấu để tránh quên lời.

Hiện chưa rõ ca sĩ Tuấn Ngọc có chịu sức ép của Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch ở Sài Gòn để sửa lời, hay do chính ông và Mây Lang Thang Sài Gòn "tự sửa" để tránh rầy rà với cơ quan quản lý văn hóa.

Ở Việt Nam, theo tuyên truyền của nhà cầm quyền, "mùa Thu" trong ca khúc, thi ca, nghiễm nhiên được hiểu là "mùa Thu cách mạng". Nhất là "mùa Thu Việt Nam" thì không thể nào "buồn lắm em ơi".

Đáng nói, trong một video clip khác do khán giả Linhie Vũ đăng trên YouTube, Tuấn Ngọc cũng hát "…Trời vào Thu chiều nay buồn lắm em ơi" khi song ca bài "Tình Bơ Vơ" cùng ca sĩ Uyên Linh trên sân khấu Mây Đà Nẵng hồi nửa tháng trước.

"Tình Bơ Vơ" là một trong những bài nhạc tình của Lam Phương, được sáng tác trước năm 1975.

Trong chương trình "Music Box" của trung tâm Thúy Nga phát trên YouTube hồi năm ngoái, ca sĩ Bằng Kiều cho hay : "Bài hát này [Tình Bơ Vơ] được nhạc sĩ Lam Phương dành cho cô Bạch Yến, khi cô Bạch Yến ra nước ngoài. Xưa chú theo đuổi cô rất lâu, nhưng cô chưa đồng ý. Cô chỉ coi chú là người bạn. Lúc đó, chú theo cô nhưng cô lại thường xuyên đi Mỹ biểu diễn. Khi cô về nước, chú mừng quá, chú tưởng cô sẽ ở lại, ai ngờ cô về được mấy tháng, cô lại đi tiếp. Thế là chú viết bài này".

Theo Facebooker Bui An, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ từng mất tám năm trời mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép cho tiết mục "Tình Bơ Vơ" trong liveshow của anh cũng vì câu "Trời vào Thu Việt Nam buồn lắm em ơi".

Không chỉ "Tình Bơ Vơ" mà các ca khúc khác về mùa Thu cũng bị cơ quan quản lý văn hóa ở Việt Nam làm khó dễ.

tuanngoc3

Nhạc phẩm "Tình Bơ Vơ" của Lam Phương được sáng tác trước năm 1975. (Hình : Tài liệu)

Liên quan vụ ca khúc "Nhớ Mùa Thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ bị coi là "nhạy cảm," báo VOV hồi năm 2017 dẫn lời nhạc sĩ Đoàn Bổng ở Hà Nội : "Khi tôi còn công tác tại đài Truyền Hình Việt Nam (VTV), có cô đạo diễn mỗi khi nghe thấy ca khúc ‘Nhớ Mùa Thu Hà Nội’ là lại nhảy dựng lên".

"Ca khúc [này] có những ca từ ‘nhạy cảm’ : "…Hà Nội mùa Thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời Thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi’. Mùa Thu Hà Nội tượng trưng cho mùa Thu cách mạng. Vậy nói mùa Thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?," ông Đoàn Bổng nói.

Ông Đoàn Bổng khẳng định ca khúc "Nhớ Mùa Thu Hà Nội" "có những ca từ mâu thuẫn" và nói thêm rằng: "Có những ca khúc không viết thẳng nội dung chống phá nhà nước, nhưng lại viết bóng gió, cũng cần xem xét lại". 

(N.H.K)

Nguồn : Người Việt, 09/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quí Thường, N.H.K.
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)