Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

23/03/2023

Tù nhân địa lý & Tù nhân chính trị

Tưởng Năng Tiến

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe giới giáo chức Việt Nam phàn nàn về cái bệnh lười đọc của dân tộc này :

- Cô giáo Thảo Dân : "Nhiều người không có thói quen đọc sách, hoặc đã từng có, nhưng nhiều năm về sau thì bỏ, hay nói đổ đi rằng, không có thời gian…".

- Thầy giáo Thái Hạo : "Các quan lại càng không đọc sách. Sách là thứ xa xỉ bậc nhất. Nghĩa là, đất nước đang được lãnh đạo bởi những người không đọc sách. Và nó sẽ đi về đâu thì chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được".

tunhan1

Những lời than phiền thượng dẫn hay khiến tôi nhớ đến câu chuyện thú vị về G.S Lý Chánh Trung, sau khi ông được mời tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất – tại Hà Nội – hôm 2 tháng 9 năm 1975 :

"Ra Bắc, gặp một cô lái đò, cô hỏi : có phải là giáo sư Lý Chánh Trung không ? Đúng là tôi. Trước 1975, cháu có đọc nhiều bài viết của chú, cháu thích lắm. Ở Hà nội, cả một phái đoàn đông đảo như thế. Có một thanh niên hô to : Ai là Lý Chánh Trung cho biết. Là tôi đây. Cũng bài bản như cô lái đò : tôi có đọc… Lý Chánh Trung tấm tắc đưa ra nhận xét : ‘Trình độ văn hóa ngoài Bắc cao. Chiến tranh như thế mà một cô lái đò cũng tìm đọc Lý Chánh Trung ở trong Nam" (Miền Đất Lạnh  – Nguyễn văn Lục, ĐCV).

Nửa thế kỷ sau, sau khi "chiến tranh như thế" chấm dứt, non sông thống nhất (Nam/Bắc hòa lời ca) độ vênh của "trình độ văn hóa" Bắc/Nam đã được cào bằng – theo như thông tin cập nhật của báo chí nước nhà :

- Tuổi Trẻ : "Mỗi người Việt đọc 1,2 quyển sách một năm".

- Vietnamnet : "Người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/năm".

- Petro Times : "Nhìn ra thế giới, ở một số quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn/năm. Các nước trong khu vực như Singapore trung bình là 14 cuốn/năm, Malaysia là 10 cuốn/năm…".

Dào ôi ! Ngóng "nhìn ra thế giới" làm chi (cho chúng nó khi) cứ trông vào con số lợi tức vô cùng khiêm tốn của đại đa số người Việt, và cuộc sống lam lũ "từ tay đến miệng" của họ, gần cả thế kỷ qua (làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ, làm tăng ca chiều, làm tăng ca cuối tuần) thì biết ngay là dân tộc này chả mấy ai còn thời giờ cùng tâm trí cho đời sống tinh thần cả.

Đã thế, thế giới chắc không đâu có những "nhà xuất bản chính trị quốc gia" hay "nhà xuất bản công an" (chuyên cung cấp giấy gói cho quý bà đồng nát, hay quý cô bán xôi, hoặc bán bánh mì) với vô số tác phẩm "định hướng" để ngu dân hơn là khai sáng. Phúc đức mà trung bình mỗi người dân Việt chỉ đọc nửa cuốn sách hàng năm thôi, chứ nếu ai cũng đọc hàng chục "tác phẩm" của nxb Sự Thật thì toàn dân (không chừng) đã "tẩu hỏa nhập ma" hết trơn rồi.

tunhan2

Thế nào là "tẩu hỏa nhập ma" ?

Kể cũng khó giải thích tường tận bằng đôi câu nhưng muốn rõ thì chỉ cần nghe các ông Hoàng Chí Bảo, Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu, Trần Nhật Quang (hay bất cứ một đồng chí lãnh đạo cấp cao nào) nói chuyện vài ba phút là biết ngay thôi.

May mà những người như thế cũng không quá nhiều, và may hơn nữa là tình trạng này đang có xu hướng đổi thay. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ Tịch Hội Xuất Bản Việt Nam cho biết : "Trong tổng số 60 nhà xuất bản, có những đơn vị thua lỗ nhưng khu vực tư nhân lại kinh doanh khá tốt. Họ ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, phát hành. Sự năng động, nhạy bén của họ đã góp phần cho sự phát triển của ngành xuất bản".

Có lẽ vì nhờ vậy nên đã có những ấn phẩm giá trị đã được phát hành, nhất là sách dịch từ tác giả nước ngoài. Xin đan cử một trường hợp tiêu biểu : Tim Marshall và đôi ba tác phẩm của ông :

- Tại sao chúng ta sống trong thời đại của những bức tường  (Why We’re Living an Age of Walls) dịch giả Trần Trọng Hải Minh, Nhà xuất bản Dân Trí, 2021.

- Quyền lực của địa lý  (The Power Of Geography) dịch giả Hường Hà, Nhà xuất bản Phụ Nữ : 2022

- Những tù nhân của địa lý  (Prisoner Of Geography) dịch giả Phan Linh Lan, Nhà xuất bản Thế Giới, 2022

Công ty Nhã Nam trân trọng giới thiệu : "Tim Marshall, sinh năm 1959, là ký giả người Anh có hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại. Ngoài vai trò ký giả và biên tập viên, Marshall còn là nhà bình luận khách mời về các sự kiện thế giới cho BBC, Sky News. Ông viết sáu cuốn sách, đều là sách bán chạy. Trong đó nổi tiếng nhất là Prisoners of Geography, được liệt vào danh sách New York Times Seller, đã được xuất bản ở Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan".

tungan0

Thảo nào mà Những tù nhân của địa lý  đã được nhiều vị thức giả tìm đọc, và nhiệt tình viết lời giới thiệu :

- Đặng Tiến Thiều : "Địa chính trị đặc biệt hiệu quả khi được nhìn ở tầm vĩ mô, tức là các quan hệ quốc tế : mỗi quốc gia có những quân bài địa lý riêng, và vị thế của mỗi đất nước sẽ được ấn định theo cách nó chơi những quân bài ấy như thế nào".

- Trần Anh Minh : "Đối với Tim Marshall, địa lý không chỉ là thứ giúp chúng ta nhận biết vị trí thế giới, mà nó ảnh hưởng trực tiếp tới cách các quốc gia sử dụng chiến lược chính trị của họ".

- Hạ Anh  (TCLK) : "Tuy nhiên, dưới con mắt của Tim Marshal ông cho thấy dù thế nào chúng ra vẫn là những tù nhân của địa lý".

- Nguyễn Nhật Minh Khôi : "Dĩ nhiên, trong rất nhiều các quốc gia, có những tù nhân muốn thoát gông xiềng, thì cũng có những gã hưởng lợi trời cho từ vị trí địa lý".

Nhận xét thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bình luận khác, của nhà văn Tạ Duy Anh, về một tác phẩm khác (Quyền lực của địa lý ) của Tim Marsahll :

"Đọc cuốn sách, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ucraina, trong tình cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đang vô cùng gay gắt và trong điều kiện cay nghiệt của biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ tự có những suy ngẫm hữu ích về lựa chọn nào cho tương lai của con cháu mình, về niềm may mắn được tổ tiên để lại cho một mảnh đất xinh đẹp, trù phú, có đủ cả núi cao, biển rộng làm phên giậu, có những cánh đồng phì nhiêu đẹp đẽ để canh tác dễ dàng…".

Thế hiện nay ai "là kẻ hưởng lợi trời cho từ vị trí địa lý may mắn được tổ tiên để lại" này, và họ đã làm gì với "một mảnh đất xinh đẹp, trù phú, có đủ cả núi cao, biển rộng làm phên giậu, có những cánh đồng phì nhiêu đẹp đẽ …" ?

Câu trả lời có thể tìm được qua đôi ba mẩu tin đọc được trên báo chí :

- Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu cả chục nghìn tấn đũa tre, tăm tre từ Trung Quốc

- Việt Nam nhập khẩu hàng tỷ USD muối dù nhiều tiềm năng phát triển

Ủa ! Sao kỳ vậy Trời ?

Sao "một cường quốc tre" như Việt Nam mà phải nhập khẩu cả chục nghìn tấn đũa tre, tăm tre từ Trung Quốc ? Sao "mấy ngàn cây số biển xanh mà sao thiếu muối cho canh hàng ngày" ?

Dân Việt không phải là tù nhân của địa lý. Họ được thừa hưởng cả một giang sơn xinh tươi, phong phú và giầu đẹp cơ mà. Rõ ràng : họ là những tù nhân chính trị bị giam hãm trong một chế độ lười biếng, ngu tối, tham lam, thối nát, và hèn nhát nên những kẻ nắm quyền không chỉ "hưởng lợi trời cho" bằng cách bán sạch tài nguyên (cùng nhân lực) để ăn mà còn sang nhượng cả lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo để đổi lấy quyền lợi cùng sự an thân.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 441 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)