Ngày này từ "gulag" thường được dùng theo nghĩa bóng, nhưng vào thời Liên Xô, gulag - tên gọi tắt của chế độ trại tù cưỡng bức lao động - thì lại quá thực. Hàng triệu người đã sống và chết ở rất nhiều "đảo" của gulag, tức những trại tù nằm rải rác trên khắp đất nước bao la này. Những trại tù khắc nghiệt nhất là những trại tù vùng Kolyma ở miền đông bắc Siberia, nơi tù nhân lao động dưới 50, 60, thậm chí 70 độ âm nhưng lại ăn không đủ để tồn tại.
Alexander Solzhenitsyn trong ngày được trả tự do năm 1953, sau 8 năm trong Gulag - ảnh Getty
Hiện thực này khác với bất kỳ những gì trí thức Phương Tây tưởng tượng, và qua đó làm sụp đổ hoàn toàn uy tín của chủ nghĩa Mác vốn đang được ưa chuộng, nhất là tại Pháp nơi ý thức hệ Mác-xít mạnh nhất, đến mức người ta chế giễu lời kể của bao người sống sót qua các trại của gulag. Tất cả những điều ấy đã thay đổi khi lịch sử đầy chi tiết về gulag của Alexander Solzhenitsyn được đưa lén ra khỏi Liên Xô. "Quần đảo ngục tù", được xuất bản cách đây 50 năm, không chỉ là sự tường thuật chi tiết được sưu tập từ những lời chứng thực của hàng trăm người, mà theo thiển ý tác phẩm cũng là một tác phẩm văn xuôi phi tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi.
Đề tặng cho "tất cả những ai đã không sống" để kể lại chuyện họ, "Quần đảo ngục tù" cho ta thấy rõ ràng con người ở tận đáy có sự tàn ác hầu như không thể nào hiểu nổi. Trong một đoạn đáng nhớ, Solzhenitsyn nghĩ rằng nếu trí thức trong các vở kịch của Chekov mà muốn biết thời thế trong vài chục năm tới sẽ như thế nào biết rằng "những người tù sẽ bị những vòng sắt siết chặt vào sọ họ ; rằng con người bị thả vào bể tắm axit ; rằng cây thông nòng súng được hơ nóng trên chiếc lò nhỏ rồi thọc vào hậu môn họ (‘đóng dấu bằng sắt nung kín đáo’) ; rằng cơ quan sinh dục nam bị đè bẹp từ từ dưới ngón chân của giày ống… thì không có vở kịch nào của Chekov được diễn trọn vẹn vì những vai chính sẽ rời bỏ sân khấu để đi đến nhà thương điên".
Những ai thừa nhận một số điều kinh hoàng này thường đổ lỗi hết cho Stalin, như thể Lenin sẽ không làm những chuyện như thế, nhưng, như Solzhenitsyn chứng minh, chính Lenin dựng nên chế độ khủng bố và chế độ lao tù gulag và còn nói rõ ràng rằng cả hai chế độ này sẽ là những đặc trưng thường xuyên của chế độ mới. Đối với những ai ở Phương Tây mà tưởng rằng chế độ trừng phạt kỳ quặc này không thể nào xảy ra ở nước họ, Solzhenitsyn dè dặt : "Than ôi, tất cả cái ác của thế kỷ hai mươi đều có thể xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới".
Sách "Quần đảo ngục tù" của Alexander Solzhenitsyn
Tại sao cái ác như thế lại có thể xảy ra ? Solzhenitsyn chỉ ra rằng rõ ràng Shakespeare và Schiller đã không thấu hiểu cái ác vì những nhân vật phản diện của họ "vẫn thừa nhận mình là những người làm điều ác, và họ biết tâm hồn họ đen tối", nhưng những kẻ gây ra tai họa lớn nhất thì lại cho mình là người tốt. Trước khi các điều tra viên có thể tra tấn những tù nhân mà họ thừa biết là vô tội, họ phải tìm ra sự biện minh cho hành động của họ. Những nhân vật phản diện của Shakespeare chỉ giết vài người "vì họ không có ý thức hệ", không có gì để so sánh với những giảng giải "mang tính khoa học" và không thể sai lầm về cuộc sống và đạo đức của chủ nghĩa Mác Lê. "Chính ý thức hệ mới ban cho kẻ làm ác sự kiên định và quyết tâm cần thiết… lý thuyết xã hội giúp làm cho hành vi của y trở nên tốt… dưới mắt của y và của bao người khác".
Solzhenitsyn hoàn toàn không bào chữa cho mình khi ông kể rằng ông có thời chấp nhận ý thức hệ của chính quyền và hành xử một cách đáng ghê tởm. "Quần đảo ngục tù" không chỉ là lịch sử, mà cũng còn là tự truyện ghi chép lại quá trình thay đổi của tác giả. Trong gulag ông gặp phải "ngã ba lớn" trong đời tù. Phải chăng ta chọn "tồn tại bằng mọi giá", kể cả làm hại những người khác ? "Từ điểm này, con đường rẽ sang phải và sang trái… Nếu ta đi sang phải - ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái - ta mất lương tâm".
Những ai chấp nhận đạo đức cộng sản đều chế giễu chính ý niệm về "lương tâm". "Phải" là bất kể điều gì có lợi cho Đảng cộng sản. Theo quan điểm này, không có những giá trị nào cao hơn, không có thiện và ác tuyệt đối, và điều duy nhất mà quan trọng trong bất kỳ hành động nào chính là kết quả của hành động ấy. Ngược lại, Solzhenitsyn khẳng định, điều quan trọng nhất không phải là kết quả mà chính là tâm hồn của ta.
Nếu ta đi sang phải - ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái - ta mất lương tâm".
Khi Solzhenitsyn đi đến kết luận này, ông cũng thừa nhận cái ác ở chính ông. Nhận thức về cuộc đời ở ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông biết tha thứ và khám phá ra ý nghĩa tình bạn chân chính. Trên hết, ông hiểu ra "tại sao con người trở nên ác và tại sao trở nên thiện. Trong men say thành công của tuổi trẻ, tôi cảm thấy mình không bao giờ sai, và vì thế tôi đã tàn ác".
Nhưng ở trong tù Solzhenitsyn dần dần nhận thức ra sự dối trá cơ bản của tư duy ý thức hệ : tư tưởng cho rằng người xấu làm điều ác, cho nên chúng ta chỉ cần loại bỏ họ. Hoàn toàn không phải như vậy. "Biên giới giữa thiện và ác không đi qua giữa các nhà nước, và cũng không đi qua giữa các giai cấp hay giữa các đảng phái chính trị - mà đi ngay qua tim của mỗi người". Sau khi thấu hiểu sự thật này, Solzhenitsyn đi đến một kết luận khác - "sự thật của tất cả các tôn giáo trên thế giới : mọi tôn giáo đều đấu tranh với cái ác ở trong con người (ở trong mỗi người)".
Kỳ diệu thay, "Quần đảo ngục tù "trở thành câu chuyện lạc quan về sự tái sinh tâm hồn. "Tôi nuôi dưỡng tâm hồn tôi ở trong tù", Solzhenitsyn kết luận, "và tôi nói không do dự rằng : ‘Nhà tù ơi, cảm ơn ngươi đã hiện diện trong đời ta !’".
Gary Saul Morson
Nguyên tác : ‘The Gulag Archipelago’ : An Epic of True Evil, The Wall Street Journal, số ra ngày 6/5/2023
Trần Quốc Việt dịch (14/05/2023)