Tôi trốn khỏi Việt Nam tính đến nay cũng đã hơn 40 năm. Mãi đến gần 30 năm sau, tôi mới mon men về thăm nhà. Nói là thăm nhà, nhưng vì "sợ" đủ thứ cho nên tôi không dám công khai gặp gỡ người thân mà chỉ lang thang đi thăm thú những nơi mà trước năm 1975, vì chiến tranh tôi chưa hề được đặt chân tới. Chỉ mới gần đây thôi tôi mới bạo dạn hơn để về thăm làng cũ và gặp lại người thân trong gia đình cũng như một số người quen trong làng.
Không biết "đất nước" Việt Nam có đang chết không, nhưng rõ ràng là "nước" của hai con sông của làng tôi đã chết !
Tôi chỉ còn một bà chị già ở Việt Nam. Sau bao nhiêu năm xa cách, gặp lại chị, thấy chị vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, tôi mừng. Riêng các cháu, con của các anh chị và cô em, tôi đếm không xuể. Có những đứa, khi tôi ra đi, chỉ mới tập tễnh cắp sách đến trường và rất nhiều đứa chưa sinh ra, vậy mà nay cũng đã làm ông làm bà. Tôi vui vì thấy ai cũng có nhà có cửa, có cuộc sống ổn định. Có người có cả xe hơi. Và cũng có người không hiểu làm cách nào cũng ngoi lên làm "đại gia" trong làng !
Thăm người thân trong gia đình, tôi cũng rảo một vòng để thăm và hỏi thăm về những người bạn thời tuổi thơ và niên thiếu. Chỉ còn lại năm ba người nay đã lên hàng tiên chỉ trong làng. Phần lớn, tôi chỉ còn biết mượn lời thi sĩ Vũ Đình Liên để ngậm ngùi tưởng nhớ : "Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ".
Nhớ những người bạn thời muôn năm cũ, tôi cũng ngẩn ngơ đứng nhìn hai con sông của thời tuổi thơ. Sông Cái chạy dọc theo làng và đổ ra biển Nha Trang. Còn Sông Con thì uốn khúc xuyên qua làng để chảy vào Sông Cái. Dòng nước trong thấy đáy của hai con sông này là nơi mà con rái con là tôi đã bì bõm tập bơi, tập câu cá và học đủ thứ "kỹ năng" để sống còn trong đời sống thôn dã. Tuổi thơ đẹp như chuyện thần tiên của tôi đã gắn liền với 2 con sông đó. Vậy mà nay, đứng nhìn 2 con sông, tôi cũng muốn thốt lên : "hồn ở đâu bây giờ". Quả thật, hai con sông thân yêu của tôi cũng đã chết : người ta đã hút lấy hết xương tủy của hai con sông là sạn và cát khiến chúng chỉ còn là những dòng nước đục ngầu, dơ bẩn. Chẳng có gì buồn bã cho bằng không thấy bóng dáng của bất kỳ một đứa trẻ nào trên 2 con sông đó nữa ! Không biết "đất nước" Việt Nam có đang chết không, nhưng rõ ràng là "nước" của hai con sông của làng tôi đã chết !
Có lẽ tôi thuộc "mạng thủy" cho nên cứ thấy sông nước và biển là muốn "nhào xuống". Tôi được may mắn là lớn lên, làm việc và sống nhiều năm ở Nha Trang trước khi trốn khỏi Việt Nam. Thành ra, trong chuyến về thăm quê cũ, tôi dành nhiều thời gian để đi lại những nơi quen thuộc của thành phố biển này. Trong số những nơi quen thuộc ấy, tôi đã dừng chân rất lâu ở Hòn Chồng, nằm ở phía Bắc Nha Trang. Một lần nữa, tôi lại ngẩn ngơ đứng nhìn những đổi thay quá sức tưởng tượng của tôi. Các cao ốc làm tôi choáng ngợp đã đành, mà lạ quá, bờ biển đẹp và dòng nước trong xanh lại cũng làm tôi cảm thấy lạc lõng. Sở dĩ cái cảm giác ấy xâm chiếm tôi là bởi cái bãi biển thân yêu ngày xưa của tôi ngày nay tràn ngập một đám người "mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng sợi nhỏ" mà không ai bảo ai, tất cả đều biết đó là người Nga. Dân địa phương cho biết : trước kia, du khách đến bãi biển Nha Trang hầu hết là người Tàu từ Trung Quốc. Nay, vì Covid 19, chính sách phong tỏa của Trung Quốc đã giới hạn sự đi lại của người dân, số du khách từ quốc gia cộng sản này đến Nha Trang có phần giới hạn. Bù lại, trên bãi biển, tôi thấy người Nga còn đông hơn cả người Việt Nam. Một ông bạn già của tôi giải thích rằng trước kia bãi biển Nha Trang là điểm đến của rất đông du khách từ các nước Tây Phương, nay hễ cứ thấy người Nga là họ bỏ đi nơi khác.
Cái bãi biển thân yêu ngày xưa của tôi ngày nay tràn ngập một đám người "mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng sợi nhỏ" mà không ai bảo ai, tất cả đều biết đó là người Nga.
Những người Nga mà tôi thấy trên bãi biển Hòn Chồng hầu hết là những cặp vợ chồng trẻ có một hai đứa con còn nhỏ. Không biết có phải do bất đồng ngôn ngữ không, phần lớn đều tỏ ra lạnh lùng, xa lạ. Thời "Mỹ Ngụy", trẻ con Việt Nam thường chạy theo sau đuôi những người lính Mỹ để "hello", "ok salem", nay tôi chẳng thấy có đứa trẻ nào tỏ ra thân thiện với người Nga. Tôi không hiểu tại sao người Nga tỏ ra lạnh lùng, mà người Việt cũng chẳng niềm nở hay thân thiện đối với họ.
Phản ứng đầu tiên của tôi trước cảnh người Nga tràn ngập bãi biển thân yêu của tôi là phẫn nộ. Không hiểu sao với tôi Nga lúc nào cũng đồng nghĩa với "cộng sản". Nhưng theo dõi tin tức về thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Nam Dương là Bali, tôi lại thấy cảm thông hơn với những người Nga đang có mặt trên bãi biển Nha Trang của tôi. Bali chưa bao giờ có đông du khách Nga cho bằng ngày nay. Họ tìm đến Bali vì họ trốn chạy cuộc chiến tranh xâm lược tại Ukraine của nhà độc tài Vladimir Putin. Dù chỉ tạm bợ, nhưng họ chiếm lấy công ăn việc làm của người Nam Dương cho nên bị người dân địa phương tẩy chay (1). Họ có mặt tại Nha Trang vì họ cũng đã bỏ phiếu bằng chân như tôi đối với chế độ độc tài của Putin. Tôi không biết họ làm gì để sinh sống. Xuất phát từ một nước Nga đang bị phá sản vì tham vọng đế quốc của nga hoàng Putin, những cặp vợ chồng trẻ bỏ nước ra đi chắc chắn không phải là những người giàu có. Chắc họ cũng phải bương chải để độ nhựt qua ngày. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người đàn ông Nga đứng buôn thúng bán bưng giữa một ngã tư gần bờ biển.
Sự hiện diện của đông đảo người Nga trên bãi biển Nha Trang không thể không làm tôi liên tưởng đến một người Nga tên là Lenin hiện đang được chế độ cộng sản Việt Nam sùng bái như một ông thánh sống. Cái chủ nghĩa do ông khai sáng đã chết ngay trên quê hương của ông và đã bị Nghị Viện Châu Âu quăng vào sọt rác, nhưng vẫn tiếp tục được tuyên xưng như một tín điều ở Việt Nam. Tượng của ông đã bị giựt sập tại hầu hết các nơi trên thế giới, nhưng vẫn đứng ngạo nghể giữa thủ đô của Việt Nam. Dĩ nhiên, bên cạnh ông lúc nào cũng có người học trò trung kiên của ông là Hồ Chí Minh. Dưới bóng của Lenin, tượng đài của Hồ Chí Minh vẫn chiếu sáng trên mọi ngõ ngách của đất nước Việt Nam. Bóng của ông phủ lấp mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Ngay cả trong một số chùa chiền, ông cũng chễm chệ ngồi ngang hàng hay ngay cả trên Đức Phật.
Một người Nga tên là Lenin hiện đang được chế độ cộng sản Việt Nam sùng bái như một ông thánh sống.
Sở dĩ sự hiện diện của người Nga tại thành phố biển Nha Trang của tôi làm tôi liên tưởng đến Lenin để rồi không thoát khỏi nỗi ám ảnh của người đã và đang được Việt Nam tôn thờ như một vị thánh sống là bởi vì trong những ngày về thăm quê hương, ở đâu tôi cũng cảm thấy như bị ngộp thở vì thứ chủ nghĩa đồi bại mà người đó đã cóp nhặt và áp đặt lên đất nước tôi. Cũng như nhà thơ Trần Dần của thời nhân văn giai phẩm, ở đâu tôi cũng "chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ", đi đâu tôi cũng thấy đất nước bị nhuộm bằng màu máu của "búa liềm" và "cờ đỏ sao vàng". Dưới bóng của Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản được ông nhào nặn và áp đặt lên toàn cõi Miền Nam Việt Nam, như kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập và lãnh đạo Phong trào "Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên" thường nói, người cộng sản hiện diện tại Miền Nam cho đến nay vẫn là một "lực lượng chiếm đóng" hơn là một chế độ dân chủ. Dưới là cờ "búa liềm" và "cờ đỏ sao vàng" là chiếc thòng lọng "331" được tròng vào cổ bất cứ ai "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam." Việc mới đây kỹ sư Nguyễn Lân Thắng bị chiếc thòng lọng "331" siết cổ là một điển hình. Hành vi chống phá chế độ của ông có thể chỉ là một cái cớ. Tội tày đình của ông chính là "xúc phạm" Bác Hồ, "vị cha già kính yêu của dân tộc".
Dưới bóng của Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản được ông nhào nặn và áp đặt lên toàn cõi Miền Nam Việt Nam
Lạ thật, nhiều nhà trí thức hay bất đồng chính kiến trong nước hiện nay, dù có phê phán hay lên án chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài, vẫn một mực tôn vinh Hồ Chí Minh. Ngay cả một nhà văn nổi tiếng là bà Dương Thu Hương, người vừa mới được trao tặng giải thưởng cao quý của Pháp là Cino del Luca, cho dù, nói theo ngôn ngữ của bà, muốn "ỉa" vào mặt giới lãnh đạo cộng sản hiện nay, vẫn cứ tôn sùng Hồ Chí Minh. Trong một bài "suy ngẫm về đất nước và Hồ Chí Minh" được đăng trên đài BBC ngày 1 tháng Ba năm 2009, bà đã tuyên xưng : "Tôi thấy ông thật sự là một người vĩ đại... Nếu dân tộc Việt Nam đủ trưởng thành để nhận thức được điều đó thì họ sẽ hãnh diện vì đã có ông, Hồ Chí Minh" (2). Tôi không biết bà nghĩ gì về chiến dịch Cải cách ruộng đất, những cuộc truy lùng thời Nhân văn - Giai phẩm và nhứt là cuộc chiến "thần thánh" do chính ông phát động khiến cho hàng chục triệu người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc bị mang ra sát tế trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa. Nếu "dân tộc Việt Nam đủ trưởng thành để nhận thức được điều đó", nghĩa là công khai nhìn nhận con người dối trá và độc ác của Hồ Chí Minh, cũng như các nước trong khối Đông Âu đã từng làm đối với Lenin và các lãnh tụ cộng sản khác hồi cuối năm 1989, thì mới mong Việt Nam thực sự có dân chủ.
Với tôi, sau 48 năm xâm chiếm Miền Nam, những người cộng sản cai trị đất nước dưới ngọn đuốc dẫn đường của Hồ Chí Minh chẳng khác nào các cai tù. Cho đến nay, cả nước vẫn tiếp tục là một nhà tù. Tất cả mọi cánh cửa lớn đều khép kín. Từ ngày gọi là mở cửa và đổi mới, một vài cánh cửa sổ được mở ra để dân chúng được hít thở. Bị giam dưới tầng đáy địa ngục, được hít thở một chút không khí từ bên ngoài, đã có lúc rất nhiều người Việt Nam tự nhận mình là một trong những dân tộc "hạnh phúc" nhứt trên thế giới. Khi một chút không khí từ bên ngoài thổi vào một vài cánh cửa sổ của nhà tù, nó cũng mang vào không biết bao nhiêu luồng khí độc. Tôi cảm nhận được điều đó khi trao đổi với các cháu của tôi. Một cô cháu suốt ngày ôm cái điện thoại cầm tay để tỏ ra "ngang tầm thời đại" đã nguyền rủa Tổng thống Joe Biden không tiếc lời. Tôi hỏi tại sao, cháu tôi nói : vì ông ta "Dân Chủ". Một người cháu khác ở Đà Lạt khoe không bao giờ đi chích ngừa Covid và cho biết đã thủ sẵn trong nhà rất nhiều thuốc ký ninh. Cháu tôi cho biết lý do : cựu Tổng thống Trump đã bị nhiễm Covid, ông đã được chữa lành chỉ nhờ uống thuốc chống sốt rét !
Gần đây, trong những lần gặp gỡ và trao đổi với người thân và bạn bè, tôi "sợ" tình cảm bị sứt mẻ đến nỗi không bao giờ dám chủ động nhắc đến tên ông Trump. Vậy mà họ cứ tự động đưa ông vào câu chuyện. Hầu hết là khen ngợi và ngay cả tôn vinh ông như rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ. Một người em họ của bà xã tôi, hiện đang làm chủ một công ty trang trí nội thất có lẽ lớn nhứt ở Vũng Tàu, mặc dù không tán thành tư cách của ông Trump, vẫn ca tụng ông về nghệ thuật "kinh bang tế thế" của ông. Tôi không ngạc nhiên về sự sùng bái mà nhiều người Việt Nam trong nước dành cho ông Trump.
Ở thành phố Bảo Lộc, một buổi chiều không biết làm gì, tôi chui vào một nhà sách được xem là lớn nhứt trong thành phố. Dĩ nhiên, cơ sở văn hóa nào ở Việt Nam cũng đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước cộng sản. Đập vào mắt tôi nhiều nhứt là hầu như tác phẩm nào của ông Trump cũng đều được dịch sang tiếng Việt và được trưng bày ở nơi dễ bắt mắt nhứt. Trong số những cuốn sách của ông trùm bất động sản này, có cả những cuốn viết về Trường Đại học Trump (về nghệ thuật tiếp thị 101, làm thế nào để sử dụng những ý tưởng có công hiệu nhứt trong tiếp thị !). Không biết những người sùng bái ông Trump ở Việt Nam có bao giờ biết rằng Đại học Trump chỉ là một thứ đại học ma chuyên lường gạt những người nhẹ tin và sau khi mánh lới của ông đã bị phanh phui ông đã bị phạt phải đền trả đến 25 triệu Mỹ kim không ?
Nếu sự dối trá của ông có đầu độc được nhiều người Việt Nam, trong đó có rất đông những người thân quen của tôi, là bởi vì nhà nước cộng sản Việt Nam đã cố tình hé mở những cánh cửa sổ của nhà tù để cho những luồng gió độc hại của dối trá và các thuyết âm mưu thổi vào mà thôi.
Nhà nước cộng sản Việt Nam đã cố tình hé mở những cánh cửa sổ của nhà tù để cho những luồng gió độc hại của dối trá và các thuyết âm mưu thổi vào mà thôi.
Việt Nam đã biến thành một nhà tù từ 48 năm qua. Tôi may mắn được trốn thoát khỏi nhà tù đó. Tôi vẫn tiếp tục xem tư cách tỵ nạn của tôi là một thứ vốn quý giá nhứt trong cuộc đời của tôi. Hàng năm, cứ đến tháng Tư, tôi luôn ý thức về tư cách ấy. Tôi vượt thoát ra khỏi nhà tù cộng sản là để chống lại dối trá, độc ác và vô cảm vốn là bộ mặt thật của người đã rước chủ nghĩa cộng sản vào cày xéo đất nước tôi và hiện là linh hồn của chế độ cộng sản.
Tư cách tỵ nạn luôn nhắc nhở tôi rằng trong cuộc đời không có gì quý hơn là sống cho Sự Thật và những giá trị nhân bản gắn liền với sự thật. Đối lại câu nói dối trá và sáo rỗng của Hồ Chí Minh là "Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do" như tôi đã thấy trong nhà tù cộng sản Việt Nam từ 48 năm qua, tôi chỉ muốn bắt chước giáo sư và nhà văn Nguyễn Thanh Việt khi kết thúc quyển tiểu thuyết "The Sympathizer" (kẻ nằm vùng) nổi tiếng của ông : "Không có gì mới thật sự là quý hơn độc lập tự do".
Khi xuống tàu vượt biên, trên người tôi chỉ còn lại một chiếc quần đùi. Quả thật, tôi "không có gì hết", nhưng đó cũng chính là lúc tôi cảm nhận được điều quý giá và ý nghĩa nhứt trong cuộc đời : đó là chống lại Dối Trá, Độc Ác, Vô Cảm và sống chết cho Sự Thật.
Chu Văn
(12/05/2023)
Chú thích :
1. "They don’t respest us": Backlash in Bali as Russians flee war.