Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

19/06/2023

Đà Lạt và người Đà Lạt đã không còn như xưa

Nicolas Leymonerie

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Đà Lạt là từ một chuyến du lịch ngắn ngày tới thành phố này. Cảnh tượng lần đầu phải lòng Đà Lạt, tôi vẫn nhớ như in, đó là những ngọn đồi diễm lệ bao quanh núi Lang Biang. Vị trí tôi từng đứng ngắm những ngọn đồi ấy cũng là nơi Alexandre Yersin phát hiện ra vẻ đẹp của Lang Biang cách đây cả thế kỷ.

dalat1

Cảnh tượng lần đầu phải lòng Đà Lạt, tôi vẫn nhớ như in, đó là những ngọn đồi diễm lệ bao quanh núi Lang Biang.

Ngày ấy, những tháp chuông nhà thờ, từng ngôi nhà xinh đẹp, nhịp sống đô thị vùng cao nguyên rộn ràng… khiến tôi mường tượng đến quê hương của mình ở Pháp, thị trấn Limousin yên bình. Trong thoáng chốc, tôi nhận ra rằng Đà Lạt thanh bình là định mệnh mà đời mình phải gắn bó lấy.

Trước khi quyết định dọn đến Đà Lạt, tôi đã có 3 năm ở Paris (Pháp). Năm 2006, tôi định cư ở Việt Nam và sống tại Hà Nội. Đà Lạt trong tôi là một "tiểu Paris" mến thương.

Bên cạnh sự đồng bộ về kiến trúc độc đáo, thành phố trên cao nguyên còn sở hữu khí hậu ôn hòa. Đà Lạt in dấu ấn kiến trúc Pháp nhưng mang hồn riêng, khiến một người Pháp xa quê cảm thấy Đà Lạt tuyệt vời hơn hẳn đất nước Châu Âu phát triển kia.

Tôi cảm nhận được điều tuyệt vời ấy qua sự tôn trọng truyền thống của người Việt, lòng hiếu khách, sự khiêm tốn, văn hóa và ẩm thực độc đáo. Đà Lạt mang hơi thở kiến trúc Pháp, bởi vậy thành phố có biệt danh là "tiểu Paris". Đà Lạt của những ngày xưa sở hữu hàng nghìn biệt thự Pháp cổ, xen kẽ với những công trình hiện đại. Thành phố sương mang hơi hướm tổng hòa kiến trúc của những vùng đất ở Pháp như Brittany, Normandy, Savoy, Provence, the Basque Country và cả Paris.

Đã 8 năm trôi qua kể từ những ngày đầu gia đình tôi dọn đến Đà Lạt sinh sống. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi chưa một lần trở về Pháp. Đà Lạt đem đến cho tôi cuộc sống mới. Ngôn ngữ tôi sử dụng hàng ngày là tiếng Việt. Tôi dạy người Việt tiếng Pháp và tôi sống cuộc sống của người Việt. Do đó, tôi có thể nhìn nhận về Việt Nam từ 2 góc độ, một mặt là góc nhìn của công dân Việt, mặt khác là người ngoại quốc sinh sống tại đất nước này.

Kể từ năm 2011, tôi đã bắt đầu nhận thấy những sự đổi thay dần xuất hiện ở Đà Lạt. Nổi bật nhất là việc công viên Lâm Viên bị thay thể bởi siêu thị, sự biến mất của khu trung tâm hành chính cũ và những dãy nhà nhỏ xinh xắn trên đoạn đường Ánh Sáng bị dỡ bỏ.

dalat2

Hầu hết mọi người đều lo sợ rằng thành phố Đà Lạt sẽ mất đi linh hồn. Ảnh minh họa : Nạn xây cất vô trật tự quanh trung tâm thành phố Đà Lạt

Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ sự gia tăng lượng khách du lịch mỗi năm… Việc du lịch phát triển phần nào cải thiện mức thu nhập trung bình và chất lượng sống của người dân thành phố.

Đổi lại sự phát triển về mặt kinh tế, Đà Lạt mất dần những giá trị ban đầu. Khách du lịch đến thành phố tăng liên tục mỗi năm, các loại hình lưu trú nở rộ từ homestay đến khách sạn. Du lịch đại chúng dẫn đến ô nhiễm môi trường, các địa điểm công cộng bị phá hủy, an ninh trật tự không đảm bảo, nhu cầu về không gian để xây mới các địa điểm lưu trú đe dọa khu vực tự nhiên và di sản. Đà Lạt đứng trước nguy cơ mất đi toàn bộ sự hấp dẫn nguyên bản.

Thành phố sương cần thiết phải bảo toàn được sức hút vốn có, để thu hút thị trường khách quốc tế chất lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore… Tôi từng thăm hỏi ý kiến nhiều người về Đà Lạt của tương lai, hầu hết mọi người đều lo sợ rằng thành phố sẽ mất đi linh hồn. Vấn đề đặt ra là cần phải hiểu được linh hồn của Đà Lạt là gì và gồm những gì ?

Đà Lạt từ lâu được mặc định với sự lãng mạn. Người ta gọi nơi đây bằng những cái tên mỹ miều như thành phố tình yêu, thành phố mờ sương hay thành phố ngàn hoa… Những người yêu nhau thường chọn Đà Lạt làm điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ trăng mật.

Đà Lạt lãng mạn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Rừng thông, đồng hoa đua sắc, những căn biệt thự yên bình trên cao nguyên, thiếu nữ mơ màng bên hồ… là những hình ảnh mà thành phố sương khiến người ta xao xuyến.

dalat3

Đà Lạt lãng mạn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho thành phố.

Cái hồn của Đà Lạt nằm còn nằm ở lịch sử hay những điều xưa cũ nơi đây. Nét xưa của thành phố trên cao nguyên hiện hữu trong những quán cà phê lâu đời, trường học, khu chợ, rạp chiếu phim cũ…

Vết tích của thành phố cổ yêu kiều in dấu qua bóng dáng của dinh thự Bảo Đại, biệt thự của Hoàng hậu Nam Phương, nhà ga xe lửa Đà Lạt – Phan Rang, trường trung học Yersin, khu Hòa Bình… Phần hồn làm nên Đà Lạt ấy từng xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh Việt ăn khách Tháng năm rực rỡ. Ở đó, Đà Lạt chính hiệu hiện lên chân thực qua từng ngóc ngách.

Tôi đã có cơ hội tham khảo các dự án quy hoạch đô thị của Đà Lạt trong tương lai và với tư cách một công dân sinh sống trong thành phố. Tôi muốn đưa ra quan điểm của mình để đóng góp phần nào cho việc phát triển và gìn giữ hình ảnh Đà Lạt.

Trên tất cả, điều quan trọng với tôi không chỉ là đưa ra những ý tưởng trong việc quy hoạch trung Đà Lạt, mà là toàn bộ khu vực phía bắc của tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm Đà Lạt hiện nay nên được coi là Đà Lạt cũ. Khu vực ngoại thành, đoạn giữa thác Prenn và sân bay Liên Khương nên được coi là Đà Lạt mới.

Đối với Đà Lạt cũ, điều quan trọng là giữ gìn linh hồn của thành phố, duy trì diện mạo tổng thể và cải thiện chất lượng cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu tương lai nhưng vẫn giữ được giá trị lâu đời, Đà Lạt cần lưu ý những điểm dưới đây :

– Duy trì lối kiến trúc với diện mạo cổ điển, nội thất hiện đại. Phong cách kiến trúc nên dựa trên các nguyên tắc truyền thống và tự nhiên như mái nhà rộng tránh mưa, nắng, nét cổ điển nhấn vào các chi tiết như cột nhà, mái vòm, hoa văn…

– Độ cao của các tòa nhà cần được hạn chế, tạo không gian thoáng, làm nổi bật nét đẹp thiên nhiên của Đà Lạt. Ngoài ra, thành phố nên có những con đường dành cho người đi bộ, xây dựng cảnh quan đô thị gần gũi hiền hòa bởi những quán cà phê, quầy hàng nhỏ… Đà Lạt cũ chắc chắn không nên bị biến thành một siêu đô thị hiện đại.

– Cố gắng giữ lại nhiều nhất có thể những công trình biểu tượng của thành phố. Nếu Đà Lạt là một gia đình, những công trình biểu tượng gắn bó chẳng khác gì thành viên trong nhà, mỗi thành viên đều mang trong mình kỷ niệm riêng. Những ngôi nhà cũ là một phần truyền thống, một phần linh hồn của thành phố sương.

– Cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng trong việc quy hoạch Đà Lạt. Chính quyền địa phương có thể cho xây dựng những bãi đỗ xe ngầm nhằm tạo không gian thông thoáng cho mặt đất, dành chỗ xây dựng những con đường cho xe đạp, cho người đi bộ. Mở rộng những con đường lớn ở ngoại ô để giảm thiểu lưu lượng giao thông trong khu vực trung tâm.

– Không nên xâm lấn không gian tự nhiên và công viên trong thành phố, cải tạo lại đường phố bằng việc nhân giống thêm những hàng hoa biểu tượng Đà Lạt như phượng tím hay mai anh đào. Đồng thời, phát triển những trang trại hữu cơ trồng các loại rau củ, hoa quả chất lượng, cải thiện chất lượng nguồn thực phẩm cho người dân địa phương.

– Hạn chế các tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố như khách sạn, siêu thị hay trung tâm mua sắm. Để bảo tồn Đà Lạt cũ, một điều quan trọng nữa là giảm thiểu sự tập trung của những khu dân cư tại khu vực trung tâm.

Mặt khác, với Đà Lạt mới, các giá trị di sản không lớn, đô thị nên được đầu tư phát triển tại đây. Đà Lạt mới nên mang phong cách những của đô thị lớn gồm khu dân cư hiện đại, trung thương mại, trung tâm triển lãm và hội nghị, khu công nghiệp công nghệ cao, các tòa cao ốc… Phong cách kiến trúc sẽ được xây mới hoàn toàn và hướng đến tương lai nhiều hơn.

Phong cách kiến trúc, chất lượng cuộc sống của cư dân và di sản là những yếu tố hàng đầu làm nên hình ảnh Đà Lạt. Sự đồng thuận về ý kiến của người dân trong việc xây dựng kế hoạch phát triển Đà Lạt sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa thành phố trở thành điểm đến giàu bản sắc mà hiện đại.

Nicolas Leymonerie

Nguồn : VNTB, 19/06/2023

Nicolas Leymonerie là người Pháp, bắt đầu sang Việt Nam từ năm 2006, hiện sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Ông là người đồng tổ chức một hội thảo về di sản và tương lai Đà Lạt với Đại học Yersin và Học viện Kiến trúc Pháp – Việt Nam, quản lý trung tâm Pháp ngữ Antenne ở Đà Lạt và La Maison de la Francophonie (Biệt thự Pháp cổ trong khu nghỉ dưỡng CADASA Đà Lạt).

Đọc thêm :

Nguyễn Văn Huy, Đà Lạt - 120 năm sau nhìn lại, Thông Luận, 01/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nicolas Leymonerie
Read 626 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)