Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/07/2023

Ý nghĩa của ngày Bốn tháng Bảy

Ronald Reagan

4/7/1981

Những người sinh ra và lớn lên ở những thành phố nhỏ miền Trung tây đặc biệt thường hay nhớ về ngày Bốn tháng Bảy.

reagan1

Cố Tổng thống Ronald Reagan và phu nhân Nancy, năm 1981

Tôi nhớ ngày này là ngày được mong chờ từ lâu gần như là ngày Giáng Sinh vậy. Người ta càng háo hức mong chờ hơn khi nhìn thấy pháo đủ các loại trưng bày trong các cửa tiệm và những quảng cáo pháo với nhiều hình ảnh sinh động màu sắc rực rỡ .

Trễ nhất là ngày 3 tháng Bảy -đôi khi sớm hơn- cha thường mang về nhà những thứ ông cảm thấy ông có thể mua nổi để thấy chúng bay lên trời rồi nổ tan thành khói lửa. Bọn trẻ chúng tôi thường đếm đi đếm lại số pháo, trưng bày các viên pháo cùng những thứ khác và đi ngủ với quyết tâm thức dậy thật sớm ngay lúc trời vừa sáng để là người đầu tiên nổ pháo vang trời báo hiệu ngày Bốn tháng Bảy cuối cùng đã đến.

Tôi e rằng chúng ta đã không nghĩ nhiều lắm về ý nghĩa của ngày này. Hơn nữa ngày này trước đây còn bị tai tiếng vì những tai nạn thương tâm do việc đốt pháo hoa bất cẩn gây ra. Còn hôm nay tôi tin chắc việc đốt pháo hoa an toàn hơn rất nhiều vì do những người chuyên môn thực hiện. Tuy nhiên ta không bao giờ quên được cảm giác hồi hộp khi thấy viên pháo đại bắn vỏ lon thiếc lên cao đến gần chục mét - đại có nghĩa là viên pháo dài gần cả tấc.

Ôn lại kỷ niệm như thế là đủ rồi. Đến khi lớn lên lúc nào đấy ta bắt đầu ý thức về ý nghĩa của ngày này, và chính sự ý thức ấy sinh thành nên lòng yêu nước. Ngày Bốn tháng Bảy là ngày sinh nhật nước ta. Lúc bé tôi đã tin, và đến hôm nay tôi lại càng tin hơn nữa, rằng ngày này là ngày sinh nhật của quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới.

Có một truyền thuyết về ngày nước ta chào đời trong căn phòng nhỏ ở Philadelphia, ngày ấy có cuộc tranh luận rất sôi nổi trong hàng giờ liền. Những người họp nhau ở đấy đều là những người đáng kính trọng nhưng bị áp bức bởi một nhà vua coi thường chính những luật lệ mà họ sẵn sàng tuân thủ. Tuy vậy, ký vào Bản Tuyên ngôn Độc lập là một hành động không thể nào tha thứ được cho nên các bức tường đều vang dội những tiếng " phản loạn, giá treo cổ, rìu của đao phủ, " và vấn đề vẫn còn hoài nghi.

Truyền thuyết kể rằng lúc ấy một người đứng lên nói. Ông ta không còn trẻ, nhưng ông gắng hết sức khẩn cầu rất tha thiết. Ông nêu ra bao mối bất bình mà đã đưa họ đến thời điểm này và cuối cùng, giọng chùng xuống, ông nói, "Họ có thể biến mỗi cây thành giá treo cổ, mỗi lỗ thành nấm mồ, nhưng lời của bản tuyên ngôn này có thể không bao giờ chết. Đối với người thợ trong nhà máy, những lời này nói về hy vọng ; đối với người nô lệ trong hầm mỏ, những lời này nói về tự do. Hãy ký vào bản tuyên ngôn này. Hãy ký cho dù lát sau cổ ta ở trong thòng lọng, vì bản tuyên ngôn này mãi mãi sẽ là sách giáo khoa của tự do, kinh thánh về các quyền của con người".

Nói xong, ông kiệt sức lui xuống. Lời nói hùng biện đầy xúc động của ông đã khích lệ lòng người. Năm mươi sáu vị đại biểu vội vàng bước đến ký vào bản tuyên ngôn mà theo tiền định sẽ là tác phẩm bất tử của con người. Khi họ quay sang để cảm ơn ông về bài diễn thuyết đúng lúc của ông thì họ không còn thấy ông nữa, và họ cũng không biết ông là ai hay bằng cách nào mà ông đã đi qua được những cánh cửa đã khóa và có người đứng gác để vào và ra khỏi phòng họp.

Truyền thuyết là như vậy, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng năm mươi sáu người, một nhóm người độc đáo đến độ từ đấy đến nay chúng ta chưa từng bao giờ thấy những ai giống như họ, đã đánh cược cả sinh mạng, tài sản và danh dự cao quý của họ.

Họ là những hạng người như thế nào ? Hai mươi bốn người là luật sư và luật gia, mười một người là thương gia và tiểu thương, và chín người là nông dân. Họ đều là những người giàu có, học cao hiểu rộng và lại ăn nói từ tốn; họ không phải là đám đông ô hợp dơ dáy. Họ có cuộc sống bình an nhưng họ coi trọng tự do hơn. Người ta đã không kể đầy đủ về chuyện đời của họ.

John Hart phải xa cách người vợ đang lâm bệnh nặng. Hơn một năm trời, ông sống trong rừng và trong hang rồi ông trở về nhà mới hay vợ đã mất, con cái biệt tăm, tài sản bị phá hủy. Ông qua đời vì kiệt sức và đau buồn.

Carter Braxton ở tiểu bang Virginia mất tất cả tàu bè, phải bán nhà trả nợ, và chết trong cảnh nghèo khổ. Đó cũng là số phận chung cho Ellery, Clymer, Hall, Walton, Gwinnett, Rutledge, Morris, Livingston, và Middleton. 

Còn Nelson đích thân thúc giục Washington cứ  bắn vào nhà ông và phá hủy nhà khi nhà ông trở thành tổng hành dinh của Tướng Cornwallis. Nelson chết trong cảnh phá sản.

Nhưng họ đã sinh thành nên một quốc gia mà đã mở rộng giữa đôi bờ đại dương chói sáng. Năm triệu nông trại, làng mạc thanh bình, những thành phố không bao giờ ngủ, ba triệu dặm vuông rừng, ruộng đồng, núi và sa mạc, hai trăm hai mươi bảy triệu người có tổ tiên thuộc mọi dòng máu trên thế giới.

Tuy nhiên trong những năm gần đây tôi càng nghĩ về ngày nay không chỉ là ngày sinh nhật bình thường của một quốc gia. Ngày này cũng kỷ niệm cuộc cách mạng triết học đích thực duy nhất trong toàn bộ lịch sử.

Đã có nhiều cuộc cách mạng trước và sau cuộc cách mạng của chúng ta. Nhưng những cuộc cách mạng ấy chỉ thay đổi bộ luật này bằng bộ luật khác. Cuộc cách mạng của chúng ta là cuộc cách mạng đã thay đổi chính khái niệm về chính quyền.

Chúng ta hãy để cho ngày Bốn tháng Bảy luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng chính ở đây tại nơi này người ta đã xác quyết rằng con người sinh ra với những quyền Thiên phú nào đấy; rằng chính quyền chỉ là sự tiện lợi do nhân dân tạo ra và quản lý, chính quyền ấy tự thân nó không có quyền lực nào ngoại trừ những quyền lực do nhân dân tự nguyện ban cho.

Chúng ta đôi khi quên sự thật cao cả ấy, nhưng chúng ta không bao giờ được quên.

Chúc mừng ngày Bốn tháng Bảy.

Ronald Reagan 

Tổng thống Hoa Kỳ 

Nguyên tác : What July Fourth Means to Me, Parade Magazine, June 1981

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ronald Reagan, Trần Quốc Việt
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)