Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/08/2023

Cách ứng xử với di sản văn hóa của Việt Nam

BBC tiếng Việt

Con ngựa vàng mã bị từ chối 'bay' ở Việt Nam : Còn là chuyện ứng xử với di sản văn hóa ?

Đồng hành từ quầy làm thủ tục, một con ngựa vàng mã phải 'từ giã' thân chủ người Mexico ngay tại cổng lên máy bay ở sân bay Nội Bài.

vangma1

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din và con ngựa vàng mã tại sân bay Nội Bài

Trước đó hình ảnh kiến trúc sư, nghệ sĩ, blogger người Mexico ôm một con ngựa vàng mã ở sân bay Nội Bài vào rạng sáng ngày 2/8 đã khiến nhiều người thích thú và chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội.

'Không nêu lý do'

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din nói với BBC News tiếng Việt hôm nay rằng ông đã "không nhận được lý do" từ nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục.

"Họ đã không đưa lời giải thích cho tôi, nhưng tôi cũng nghĩ là có thể còn do kích cỡ hành lý xách tay quá khổ", ông Arnaud nói với BBC.

Vì quá yêu thích, ông Arnaud đã mang con ngựa vàng mã đến tận cửa lên máy bay, và cuối cùng đã phải bỏ lại theo yêu cầu của nhân viên hàng không.

"Tôi thật buồn khi phải để con ngựa ở lại vì nó rất nhẹ, và đó là một món đồ thú vị để đem về nhà. Ở Mexico, có nhiều vật phẩm tương tự về người chết", ông Arnaud cho biết.

Arnaud đã mua con ngựa vàng mã ở huyện Đông Anh, Hà Nội với giá khoảng 100.000 đồng.

"Tôi tình cờ đi qua huyện Đông Anh rồi thấy một cửa hàng địa phương bán các con ngựa này. Tôi nói chuyện một chút với người chủ tiệm, rồi bà ấy cười và bán cho tôi. Tôi thật sự thích thiết kế và cảm giác đây là một vật phẩm đặc biệt. Ban đầu tôi không biết ý nghĩa thật sự của con ngựa".

"Tôi rất đam mê sưu tầm đồ thủ công thường dùng trong cuộc sống hằng ngày và mang nét đặc trưng đối với từng quốc gia. Tôi có bộ sưu tập tất cả những vật phẩm mà tôi mang về".

Theo truyền thông Việt Nam, Trưởng phòng An ninh Hàng không sân bay Nội Bài khẳng định đồ vàng mã không phải là vật phẩm bị cấm mang lên máy bay.

"Tuy nhiên, tiếp viên hàng không có thể từ chối theo quy định của hãng".

Theo tường thuật của VTC, ông Tô Tử Hùng nói, "Con ngựa vàng mã có thể bị từ chối do kích thước hành lý xách tay lớn hơn khổ cho phép. Hoặc là do tiếp viên hàng không nhận ra đó là vật phẩm tâm linh, có thể khiến khách hàng sợ hãi hoặc không thoải mái".

vangma2

Người đi lễ chùa ở Việt Nam

Giá trị văn hóa của hàng mã

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế hôm nay bình luận với BBC News tiếng Việt về giá trị văn hóa của hàng mã :

"Từ khát vọng tương sinh Trời - Đất, nhân loại đã có tín ngưỡng phồn thực để tiếp thu ánh mặt trời, với nghi lễ hiến sinh, nhờ chất xúc tác làm tối ưu hóa sự thông linh đó là máu quý giá từ Đồng loại (hài nhi, trinh nữ, tù binh), rồi Động vật (voi - trâu - dê - gà), đến Đồ vật : Hàng mã".

Theo ông, hàng mã có tính biểu tượng, được gửi gắm trong bộ tranh cúng hay thu nhỏ các vật phẩm phản ánh thế giới nhân sinh để người sống chia sẻ cho người thân đã khuất qua phương thức hóa (đốt) và thủy (thả xuống nước), tin rằng tấm lòng của họ đã được tiếp nhận.

Ông cho biết thêm từ thời Lê - Nguyễn, hàng mã chính thức được triều đình lẫn dân gian công nhận, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là ngành nghề thủ công độc đáo, như làng tranh cúng Sình (Lại Ân), hoa giấy Thanh Tiên (trang thờ Bà, Bếp), hay hàng mã ở Bao Vinh, An Cựu (Huế)... Tùy nhu cầu người dùng, tài năng và cảm xúc của người thợ, sản phẩm được làm ra rất đa dạng, từ thô mộc tới tinh tế, mang nhiều giá trị nghệ thuật, tâm linh.

"Bản sắc văn hóa Việt Nam nhìn từ thuyết dị biệt hóa sản phẩm trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là với du khách quốc tế, sẽ có nhiều giá trị đặc trưng, thành nguồn lực tạo nên sự khác biệt, sức hấp dẫn trong trãi nghiệm, khám phá, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngũ quan đa dạng, nhất là ký ức và lưu niệm đẹp", Tiến sĩ Trần Đình Hằng đánh giá.

vangma3

Một alebrije hình con ốc sên được sáng tạo ở Mexico

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din cho biết ông thường sưu tầm những vật phẩm cho người chết và đi máy bay từ Mexico đến Pháp mà không gặp vấn đề gì.

Ông cho rằng có sự liên quan giữa nền văn hóa tưởng nhớ người đã khuất ở Mexico và Việt Nam.

Mexico nổi tiếng với lễ hội 'Ngày cho người chết' (Día de los Muertos), diễn ra vào ngày 1-2/11 hằng năm mang ý nghĩa kỷ niệm một chu trình của sự sống và cái chết.

Lễ hội có từ thời Đế quốc Aztec cách đây 2.000 năm, người dân Mexico sẽ tiến hành diễu hành trên đường phố, hóa trang khuôn mặt trông giống những sọ người, để tưởng nhớ người thân đã qua đời.

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm tại Mexico, khi các nghĩa trang được trang hoàng với hoa màu cam và ánh nến.

Gia đình tụ họp cùng nhau, ăn uống xung quanh những bia mộ của người thân. Mọi người cùng nhảy múa và ca hát, trong một không khí vui tươi nhưng cũng dạt dào cảm xúc.

Không thể không nhắc đến những alebrije đầy màu sắc trong các cuộc diễu hành.

Alebrije là những hình nộm động vật đủ mọi kích cỡ làm bằng giấy, hoặc gỗ, được trang trí sặc sỡ và được trưng bày trang trọng tại các bảo tàng văn hóa dân gian ở Mexico.

vangma4

Tiến sĩ Trần Đình Hằng đánh giá tuy con ngựa giấy là hàng mã với người Việt nhưng lại là đồ thủ công tuyệt vời với du khách nước ngoài.

"Thầy tôi từng sởn gai ốc trước bức trướng Vãng sanh cực lạc trong phòng khách một đồng nghiệp nước ngoài, với họ là tác phẩm nghệ thuật. Vấn đề hiện nay nên đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội bằng cách bổ sung chức năng cho sản phẩm, ngoài tín ngưỡng, là lưu niệm, là trang trí..., từ đó đầu tư thể hiện tài năng, sự khéo léo, quan niệm thẩm mỹ, thế giới quan và nhân sinh quan hợp lý. Tranh Sình, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ để cúng mà đã trở thành đồ lưu niệm, đồ trang trí, nghệ thuật sắp đặt".

"Khi chưa nhận diện được điều đó, cả xã hội sẽ lúng túng bởi tập quán phổ biến, thói quen... và ai cũng có lý với biện luận của mình. Nếu linh hoạt hơn, người thợ sẽ làm cho ông khách một con ngựa cứng cáp, đẹp hơn, nhỏ gọn hơn, được bọc trong một túi xách đẹp, kín đáo, thì nhân viên sân bay sẽ đồng ý ; kể cả lúc đó, họ chỉ hỗ trợ hành khách một túi vải bọc thì câu chuyện trở nên rất đẹp", ông cho biết.

Cách ứng xử với di sản văn hóa

vangma5

Bộ sưu tập của ông Arnaud Zein el Din sau chuyến đi Hà Nội ba tuần

Tiến sĩ Trần Đình Hằng nói về suy nghĩ của ông khi thấy con ngựa vàng mã bị "từ chối" bay.

"Từ tính thiêng nguyên ủy, người thợ lẫn du khách, người mua cũng luôn bảo đảm sự sạch sẽ, thận trọng xuyên suốt phù hợp : sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng đa mục đích. Nhờ vậy, sẽ không có chuyện bất nhất giữa an ninh sân bay (mời qua), nhân viên cửa máy bay (sợ điềm gở, không cho), đội vệ sinh (vứt sọt rác) khi ứng xử với chú ngựa giấy. Đó là độ chênh giữa những gì không cấm và những quy định được làm".

"Đây là một phép thử cho tính đa dạng trong phương thức ứng xử với di sản văn hóa, dù chỉ với một vật phẩm cúng tế thông thường. Một sự cởi mở trong quan niệm, phương thức bảo quản, vận hành, sử dụng... sẽ giúp xóa đi những khoảng trống, lệch lạc đáng tiếc để mọi vật phẩm, nhân danh, địa danh luôn chứa đựng một câu chuyện lịch sử văn hóa để làm tốt vai trò sứ giả văn hóa. Câu chuyện này đã góp phần nói lên được sự xâu chuỗi trong hệ thống văn hóa - hoạt động văn hóa - quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, để luôn thêm những điểm cộng, giảm thiểu những điểm trừ cho phát triển du lịch văn hóa", Tiến sĩ Trần Đình Hằng nói.

Bộ sưu tầm của kiến trúc sư Arnaud đã gây thích thú với độc giả Việt Nam. Ngoài con ngựa hàng mã, Arnaud còn 'lỉnh kỉnh' mang về Mexico, chiếu, gối tre, tẩu thuốc, ly uống bia hơi, bánh đậu xanh, cối giã…

Đây là công sức thu thập của ông trong suốt ba tuần sống tại Hà Nội.

"Tôi thích bánh đậu xanh, tôi thấy ngon và thật tinh tế, và cả bánh cốm nữa. Tôi thật sự yêu thích những vật phẩm bình thường trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, mang nét độc đáo của từng vùng miền và cả kỹ thuật chế tác nữa".

"Tôi thật sự yêu thích Hà Nội, một thành phố thú vị. Tôi đã tìm thấy một số nơi mình yêu thích và trở lại nhiều lần. Tôi yêu tất cả những quán cafe ngoài trời, nơi mọi người cùng ngồi lại với nhau".

"Tôi thấy người Việt Nam rất cởi mở và thân thiện. Tôi có một trải nghiệm thật thú vị tại Sông Hồng. Tôi đã bơi dưới sông, rồi khi tôi lên bờ, có người mời tôi uống bia, hút thuốc lào. Tôi ngồi coi mọi người chân trần chơi đánh bóng chuyền. Đây là một trải nghiệm chân thực nhất mà tôi từng có được", ông nói với BBC News tiếng Việt.

Arnaud Zein el Din cho biết thêm đã nhận hàng trăm tin nhắn trong số đó có người từ Việt Nam, đề nghị tặng ông một con ngựa vàng mã mới và ông rất cảm động về điều này.

Nguồn : BBC, 07/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 12169 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)