Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Con ngựa vàng mã bị từ chối 'bay' ở Việt Nam : Còn là chuyện ứng xử với di sản văn hóa ?

Đồng hành từ quầy làm thủ tục, một con ngựa vàng mã phải 'từ giã' thân chủ người Mexico ngay tại cổng lên máy bay ở sân bay Nội Bài.

vangma1

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din và con ngựa vàng mã tại sân bay Nội Bài

Trước đó hình ảnh kiến trúc sư, nghệ sĩ, blogger người Mexico ôm một con ngựa vàng mã ở sân bay Nội Bài vào rạng sáng ngày 2/8 đã khiến nhiều người thích thú và chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội.

'Không nêu lý do'

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din nói với BBC News tiếng Việt hôm nay rằng ông đã "không nhận được lý do" từ nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục.

"Họ đã không đưa lời giải thích cho tôi, nhưng tôi cũng nghĩ là có thể còn do kích cỡ hành lý xách tay quá khổ", ông Arnaud nói với BBC.

Vì quá yêu thích, ông Arnaud đã mang con ngựa vàng mã đến tận cửa lên máy bay, và cuối cùng đã phải bỏ lại theo yêu cầu của nhân viên hàng không.

"Tôi thật buồn khi phải để con ngựa ở lại vì nó rất nhẹ, và đó là một món đồ thú vị để đem về nhà. Ở Mexico, có nhiều vật phẩm tương tự về người chết", ông Arnaud cho biết.

Arnaud đã mua con ngựa vàng mã ở huyện Đông Anh, Hà Nội với giá khoảng 100.000 đồng.

"Tôi tình cờ đi qua huyện Đông Anh rồi thấy một cửa hàng địa phương bán các con ngựa này. Tôi nói chuyện một chút với người chủ tiệm, rồi bà ấy cười và bán cho tôi. Tôi thật sự thích thiết kế và cảm giác đây là một vật phẩm đặc biệt. Ban đầu tôi không biết ý nghĩa thật sự của con ngựa".

"Tôi rất đam mê sưu tầm đồ thủ công thường dùng trong cuộc sống hằng ngày và mang nét đặc trưng đối với từng quốc gia. Tôi có bộ sưu tập tất cả những vật phẩm mà tôi mang về".

Theo truyền thông Việt Nam, Trưởng phòng An ninh Hàng không sân bay Nội Bài khẳng định đồ vàng mã không phải là vật phẩm bị cấm mang lên máy bay.

"Tuy nhiên, tiếp viên hàng không có thể từ chối theo quy định của hãng".

Theo tường thuật của VTC, ông Tô Tử Hùng nói, "Con ngựa vàng mã có thể bị từ chối do kích thước hành lý xách tay lớn hơn khổ cho phép. Hoặc là do tiếp viên hàng không nhận ra đó là vật phẩm tâm linh, có thể khiến khách hàng sợ hãi hoặc không thoải mái".

vangma2

Người đi lễ chùa ở Việt Nam

Giá trị văn hóa của hàng mã

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế hôm nay bình luận với BBC News tiếng Việt về giá trị văn hóa của hàng mã :

"Từ khát vọng tương sinh Trời - Đất, nhân loại đã có tín ngưỡng phồn thực để tiếp thu ánh mặt trời, với nghi lễ hiến sinh, nhờ chất xúc tác làm tối ưu hóa sự thông linh đó là máu quý giá từ Đồng loại (hài nhi, trinh nữ, tù binh), rồi Động vật (voi - trâu - dê - gà), đến Đồ vật : Hàng mã".

Theo ông, hàng mã có tính biểu tượng, được gửi gắm trong bộ tranh cúng hay thu nhỏ các vật phẩm phản ánh thế giới nhân sinh để người sống chia sẻ cho người thân đã khuất qua phương thức hóa (đốt) và thủy (thả xuống nước), tin rằng tấm lòng của họ đã được tiếp nhận.

Ông cho biết thêm từ thời Lê - Nguyễn, hàng mã chính thức được triều đình lẫn dân gian công nhận, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là ngành nghề thủ công độc đáo, như làng tranh cúng Sình (Lại Ân), hoa giấy Thanh Tiên (trang thờ Bà, Bếp), hay hàng mã ở Bao Vinh, An Cựu (Huế)... Tùy nhu cầu người dùng, tài năng và cảm xúc của người thợ, sản phẩm được làm ra rất đa dạng, từ thô mộc tới tinh tế, mang nhiều giá trị nghệ thuật, tâm linh.

"Bản sắc văn hóa Việt Nam nhìn từ thuyết dị biệt hóa sản phẩm trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là với du khách quốc tế, sẽ có nhiều giá trị đặc trưng, thành nguồn lực tạo nên sự khác biệt, sức hấp dẫn trong trãi nghiệm, khám phá, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngũ quan đa dạng, nhất là ký ức và lưu niệm đẹp", Tiến sĩ Trần Đình Hằng đánh giá.

vangma3

Một alebrije hình con ốc sên được sáng tạo ở Mexico

Kiến trúc sư Arnaud Zein el Din cho biết ông thường sưu tầm những vật phẩm cho người chết và đi máy bay từ Mexico đến Pháp mà không gặp vấn đề gì.

Ông cho rằng có sự liên quan giữa nền văn hóa tưởng nhớ người đã khuất ở Mexico và Việt Nam.

Mexico nổi tiếng với lễ hội 'Ngày cho người chết' (Día de los Muertos), diễn ra vào ngày 1-2/11 hằng năm mang ý nghĩa kỷ niệm một chu trình của sự sống và cái chết.

Lễ hội có từ thời Đế quốc Aztec cách đây 2.000 năm, người dân Mexico sẽ tiến hành diễu hành trên đường phố, hóa trang khuôn mặt trông giống những sọ người, để tưởng nhớ người thân đã qua đời.

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm tại Mexico, khi các nghĩa trang được trang hoàng với hoa màu cam và ánh nến.

Gia đình tụ họp cùng nhau, ăn uống xung quanh những bia mộ của người thân. Mọi người cùng nhảy múa và ca hát, trong một không khí vui tươi nhưng cũng dạt dào cảm xúc.

Không thể không nhắc đến những alebrije đầy màu sắc trong các cuộc diễu hành.

Alebrije là những hình nộm động vật đủ mọi kích cỡ làm bằng giấy, hoặc gỗ, được trang trí sặc sỡ và được trưng bày trang trọng tại các bảo tàng văn hóa dân gian ở Mexico.

vangma4

Tiến sĩ Trần Đình Hằng đánh giá tuy con ngựa giấy là hàng mã với người Việt nhưng lại là đồ thủ công tuyệt vời với du khách nước ngoài.

"Thầy tôi từng sởn gai ốc trước bức trướng Vãng sanh cực lạc trong phòng khách một đồng nghiệp nước ngoài, với họ là tác phẩm nghệ thuật. Vấn đề hiện nay nên đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội bằng cách bổ sung chức năng cho sản phẩm, ngoài tín ngưỡng, là lưu niệm, là trang trí..., từ đó đầu tư thể hiện tài năng, sự khéo léo, quan niệm thẩm mỹ, thế giới quan và nhân sinh quan hợp lý. Tranh Sình, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ để cúng mà đã trở thành đồ lưu niệm, đồ trang trí, nghệ thuật sắp đặt".

"Khi chưa nhận diện được điều đó, cả xã hội sẽ lúng túng bởi tập quán phổ biến, thói quen... và ai cũng có lý với biện luận của mình. Nếu linh hoạt hơn, người thợ sẽ làm cho ông khách một con ngựa cứng cáp, đẹp hơn, nhỏ gọn hơn, được bọc trong một túi xách đẹp, kín đáo, thì nhân viên sân bay sẽ đồng ý ; kể cả lúc đó, họ chỉ hỗ trợ hành khách một túi vải bọc thì câu chuyện trở nên rất đẹp", ông cho biết.

Cách ứng xử với di sản văn hóa

vangma5

Bộ sưu tập của ông Arnaud Zein el Din sau chuyến đi Hà Nội ba tuần

Tiến sĩ Trần Đình Hằng nói về suy nghĩ của ông khi thấy con ngựa vàng mã bị "từ chối" bay.

"Từ tính thiêng nguyên ủy, người thợ lẫn du khách, người mua cũng luôn bảo đảm sự sạch sẽ, thận trọng xuyên suốt phù hợp : sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng đa mục đích. Nhờ vậy, sẽ không có chuyện bất nhất giữa an ninh sân bay (mời qua), nhân viên cửa máy bay (sợ điềm gở, không cho), đội vệ sinh (vứt sọt rác) khi ứng xử với chú ngựa giấy. Đó là độ chênh giữa những gì không cấm và những quy định được làm".

"Đây là một phép thử cho tính đa dạng trong phương thức ứng xử với di sản văn hóa, dù chỉ với một vật phẩm cúng tế thông thường. Một sự cởi mở trong quan niệm, phương thức bảo quản, vận hành, sử dụng... sẽ giúp xóa đi những khoảng trống, lệch lạc đáng tiếc để mọi vật phẩm, nhân danh, địa danh luôn chứa đựng một câu chuyện lịch sử văn hóa để làm tốt vai trò sứ giả văn hóa. Câu chuyện này đã góp phần nói lên được sự xâu chuỗi trong hệ thống văn hóa - hoạt động văn hóa - quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, để luôn thêm những điểm cộng, giảm thiểu những điểm trừ cho phát triển du lịch văn hóa", Tiến sĩ Trần Đình Hằng nói.

Bộ sưu tầm của kiến trúc sư Arnaud đã gây thích thú với độc giả Việt Nam. Ngoài con ngựa hàng mã, Arnaud còn 'lỉnh kỉnh' mang về Mexico, chiếu, gối tre, tẩu thuốc, ly uống bia hơi, bánh đậu xanh, cối giã…

Đây là công sức thu thập của ông trong suốt ba tuần sống tại Hà Nội.

"Tôi thích bánh đậu xanh, tôi thấy ngon và thật tinh tế, và cả bánh cốm nữa. Tôi thật sự yêu thích những vật phẩm bình thường trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, mang nét độc đáo của từng vùng miền và cả kỹ thuật chế tác nữa".

"Tôi thật sự yêu thích Hà Nội, một thành phố thú vị. Tôi đã tìm thấy một số nơi mình yêu thích và trở lại nhiều lần. Tôi yêu tất cả những quán cafe ngoài trời, nơi mọi người cùng ngồi lại với nhau".

"Tôi thấy người Việt Nam rất cởi mở và thân thiện. Tôi có một trải nghiệm thật thú vị tại Sông Hồng. Tôi đã bơi dưới sông, rồi khi tôi lên bờ, có người mời tôi uống bia, hút thuốc lào. Tôi ngồi coi mọi người chân trần chơi đánh bóng chuyền. Đây là một trải nghiệm chân thực nhất mà tôi từng có được", ông nói với BBC News tiếng Việt.

Arnaud Zein el Din cho biết thêm đã nhận hàng trăm tin nhắn trong số đó có người từ Việt Nam, đề nghị tặng ông một con ngựa vàng mã mới và ông rất cảm động về điều này.

Nguồn : BBC, 07/08/2023

Published in Văn hóa

Trái với những tấm ảnh ấn tượng về chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ với những con tầu chất đầy rau củ quả, tiểu thương ở đây đang khó nhọc kiếm sống qua ngày.

cairang1

Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Flickr/Jean-Pierre Dalbéra

Chợ nổi Cái Răng được hình thành trong giai đoạn thuộc địa Pháp, khi những con kênh rạch vẫn chằng chịt vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có rất nhiều kênh rạch nhân tạo. Mạng lưới vận chuyển hàng hóa này đang bị hệ thống đường bộ và siêu thị cạnh tranh gay gắt.

Theo AFP, hiện chỉ còn khoảng 300 tầu đang hoạt động tại chợ, so với 550 tầu vào năm 2005. Những người có tiền thì chuyển sang sống trên đất liền. Quá trình di dân này cũng gắn liền với ngành công nghiệp phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây. Từ năm 2006, số lao động trong các ngành xây dựng và công nghiệp đã tăng gấp đôi, thu hút 570.000 lao động.

Những người nghèo hơn thì vẫn ở lại trên sông. Chuyển lên đất liền sinh sống là "giấc mơ" của ông Nguyễn Văn Út, thợ sửa cân trên sông từ 30 năm nay. Ông cũng đang tính bán cà phê hay vé số giữa những con tầu trên chợ nổi.

Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách thu hút thêm du khách, cũng như người bán sỉ để duy trì hoạt động ở chợ nổi Cái Răng, được coi là "di sản quốc gia" từ năm 2016, như giải thích với AFP của bà Nguyễn Thị Huỳnh Phương, đại học Cần Thơ.

Còn với ông Lý Hùng, một người bán rau và hoa quả ở chợ nổi từ 30 năm nay, "nếu không có du lịch, chợ nổi này có nguy cơ biến mất, vì kinh doanh không phát đạt lắm". Con tầu của ông vừa được một trong số những người con thừa kế, trong khi đó hai người con cả lại ra thành phố làm việc trong các nhà máy. Bà Phương giải thích : "Con cái không muốn tiếp tục công việc cha mẹ và bán hàng ở chợ nổi, vì nghề này rất bấp bênh và rất khó để sống được trên một con tầu".

Hiện chợ nổi Cái Răng vẫn là chợ đầu mối quan trọng bán dứa (trái thơm) hay dưa hấu. Nhiều tiểu thương vẫn đến đây vào sáng sớm chọn hàng mang vào đất liền bán. Để chào hàng, các chủ thuyền buôn treo sản phẩm của mình lên "cây bẹo" dựng trên mũi thuyền.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 10/09/2017

Published in Văn hóa

Di sản văn hóa đô thị là những chủ thể không thể thiếu trong hầu hết những đô thị trên thế giới. Những nét văn hóa tồn đọng lại từ lịch sử qua sự giao tiếp của các nền văn hóa thế giới hay từ tinh hoa của nghệ thuật trên các công trình kiến trúc của người dân bản địa là di sản văn hóa quý giá cho mỗi dân tộc mà không bất cứ mục tiêu kinh tế nào có thể đánh đổi.

disan1

Chùa Giác Lâm ở Sài Gòn được xây dựng năm 1744.

Việt Nam không ngoại lệ và di sản văn hóa đô thị của Việt Nam mang dấu ấn các kiến trúc thời Pháp thuộc để lại khá đa dạng tại các thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc. Hai nơi chiếm tỷ lệ lớn và quan trọng nhất của các kiến trúc trở thành di sản văn hóa là Hà Nội và Sài Gòn lại đang phải đối diện với việc phá bỏ để phát triển kinh tế, điều mà các nhà làm chính sách không lượng trước được hậu quả về khiếm khuyết kiến thức cũng như văn hóa bị triệt tiêu, tàn phá.

Di sản đô thị Sài Gòn

Trước hiện tượng triệt phá di sản để phát triển đô thị chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, đang giảng dạy Khoa Văn hóa học, Đô thị học và Khảo cổ học trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này. Trước tiên Tiến sĩ Hậu cho biết :

Nguyễn Thị Hậu :  Di sản đô thị Sài Gòn theo tôi đấy chính là những di tích di vật còn lại được hình thành trong quá trình lịch sử và đặc biệt trong điều kiện tự nhiên xã hội rất đặc thù của vùng đất phía nam. Cho đến nay nếu nói về di sản đô thị Sài Gòn thì nó còn bao gồm các loại như các di tích vào thời Nguyễn có dấu tích của thành lũy, những đình chùa đền miếu, những ngôi nhà cổ. Một số di tích của các làng nghề từng nổi tiếng ở Sài Gòn như Xòm Lò gốm chẳng hạn. Kể cả những địa danh dân gian, địa danh của một số đơn vị hành chính mà nhà Nguyễn đã thiết lập, đặt tên. Về lễ hội thì có những lễ hội đình miếu, đó là giai đoạn thời Nguyễn.

Còn đô thị thời Pháp thuộc thì được quy hoạch và xây dựng bao gồm các công trình như công sở, biệt thự, dinh thự, công trình văn hóa, thương mại hay kiến trúc tôn giáo đặc biệt là hệ thống nhà máy và bến cảng nền công nghiệp phát triển sớm tại Sài Gòn. Ngoài ra còn có một di sản nữa cũng rất quan trọng đó là cảnh quan đô thị như đường phố, những thiết kế về giao thông như bùng binh hay hệ thống cây xanh, công viên...

Hệ thống này được xây dựng và tồn tại trong môi trường cảnh quan của phía Nam nên đối với Sài Gòn nó có một di sản tự nhiên rất quan trọng đó là cảnh quan sông nước thường được hình dung với hình ảnh "trên bến dưới thuyền", đây cũng là đặc trưng quan trọng tạo nên đặc trưng cho đô thị Sài Gòn.

Mặc Lâm :  Thế thì những giá trị cơ bản nhất của di sản đô thị Sài Gòn mà bà vửa nêu lên nó là gì ?

Nguyễn Thị Hậu :   Ngày nay theo đánh giá một đô thị người ta không chỉ đánh giá với góc độ nó có vai trò kinh tế hay chính trị mà cái quan trọng của một đô thị người ta thường chú ý đến những cơ bản nhất của nó. Nếu nói về giá trị đầu tiên của một vùng đất hay đô thị thì phải nói đến lịch sử cho nên khi nhìn vào hệ thống di sản đô thị Sài Gòn, chủ yếu dưới những di sản vật thể thì chúng ta có thể thấy được quá trình phát triển lịch sử của thành phố này tuy rằng nó chỉ mới hơn 300 năm xây dựng và phát triển vùng đất mà ta gọi là đô thị. Trước đó tất nhiên nó cũng có di tích của những thời kỳ sớm hơn.

Tuy chỉ mới 300 năm qua những di sản vật thể còn lại cho chúng ta thấy Sài Gòn không những là nơi luôn luôn có vai trò trung tâm ở phía Nam mà còn có vai trò trung tâm ở khu vực Đông Nam Á nữa. Đó là những vai trò trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa và trong một thời gian dài nó là trung tâm chính trị. Đấy là giá trị thứ nhất là những giá trị lịch sử.

Giá trị thứ hai là giá trị văn hóa thì phải nói là đô thị Sài Gòn thể hiện một sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn bởi vì thành phố này được xây dựng từ nhiều nguồn gốc dân cư. Từ những tộc người khác nhau nên tiếp thu được rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử thành phố Sài Gòn đều có những kiểu kiến trúc đặc trưng của giai đoạn đó nhưng nó rất hòa hợp với cảnh quan chung của cả đô thị đặc biệt rất nhiều dấu ấn công trình xây dựng dưới thời Pháp mang tính chất truyền thống của văn hóa Việt Nam chẳng hạn. Một đặc điểm nữa là thành phố Sài Gòn có rất nhiều công trình do tư nhân xây dựng là dinh thự, công trình công cộng hay là chợ, nhà thương, nó còn cho biết thêm về một tầng lớp dân cư và đặc điểm cư dân của vùng đất này là hoạt động đóng góp cho xã hội đã có từ rất sớm.

Việc bảo tồn giá trị văn hóa di sản đô thị không phải chỉ bảo tồn bản thân công trình đó mà tôi nghĩ rằng giá trị văn hóa còn quan trọng hơn bởi nó có ý nghĩa gắn kết các thế hệ và cộng đồng cư dân có nguồn gốc khác nhau đã và đang sinh sống trong vùng đất này.

disan2

Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, ảnh minh họa. AFP PHOTO

Một giá trị thứ ba mà gần đây người ta thường hay nhắc đến và cho rằng đây là giá trị trong thời đại đang phát triển rất nhanh ở thế kỷ 2 đó là giá trị biểu tượng của một vùng đất mà đối với đô thị nó cũng có những giá trị đó. Phần lớn những công trình kiến trúc tiêu biểu có niên đại 150 năm trở lại tại Sài Gòn thì nó đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, thí dụ như một số công sở tại trung tâm hay chợ Bến Thành.... Tính biểu tượng của di sản đô thị không phải chỉ là từ giá trị kiến trúc nghệ thuật mà cái quan trọng nhất là ký ức được lưu truyền qua các thế hệ cư dân Sài Gòn và cư dân miền Nam, cũng như rất nhiều du khách đã đến đây tham quan khoảng hơn 100 năm nay.

Tính biểu tượng này nó rất quan trọng nó giữ cho thành phố được số vốn lịch sử và văn hóa để cho những người nhập cư có thể hiểu biết hơn về nơi mình đến sinh sống và đồng thời đối với một đô thị thì nó là một cái vốn xã hội để tăng giá trị kinh tế trong việc khai thác di sản văn hóa cũng như các di sản văn hóa đô thị. Nói về di sản văn hóa đô thị thì người ta thường nói tới ba giá trị quan trọng như vừa trình bày.

Bảo tồn hời hợt

Mặc Lâm :  Đới với việc bảo tồn những công trình kiến trúc, lịch sử trong vài năm vừa qua cho thấy là chính phủ rất hời hợt thậm chí trong một số trường hợp các di sản văn hóa đô thị đã bị đập bỏ để thay vào đó những công trình họ gọi là phát triển kinh tế đô thị. Cụ thể nhất người dân đang lo ngại là chính quyền thành phố sẽ đập bỏ bùng binh chợ Bến Thành Tiến sĩ có những ý kiến gì trước việc làm này thưa bà ?

Nguyễn Thị Hậu :   Có thể nói trong khoảng mươi năm trở lại đây dưới góc độ nghề nghiệp thì tôi có cảm giác càng ngày càng có nhiều tiêu cực đối với việc bảo tồn các di sản kiến trúc đúng như anh nhận xét. Về mặt khách quan thì chúng ta phải nhận thấy rằng thành phố có nhu cầu hiện đại hóa và tăng cường cơ sở hạ tầng để phục vụ cho một thành phố hiện nay đã hơn 10 triệu dân và ngoài ra còn có rất nhiều người vãng lai nữa.

Với một mục tiêu dân sinh như vậy nhưng để phục vụ cho mục tiêu đó rất nhiều di sản và cảnh quan đô thị đã bị thay đổi, thậm chí bị phá hủy, rất đáng buồn là khu trung tâm thành phố. Dưới góc độ là người làm công tác bảo tồn thì tôi rất đau xót. Thật sự nếu nói đến khu vực trung tâm, khu vực lõi của đô thị thì khu vực từ đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và như anh vừa nhắc là Bùng binh chợ Bến Thành thì có thể nói ngay bản thân tôi ở Sài Gòn thì khoảng một hai năm nếu ai đi qua đấy và chú ý một chút thì thấy có sự thay đổi, còn nếu như người đã đi xa khi quay trở lại thì kể như là ngày nay đã thay đổi quá lớn, không còn sự khác biệt nào cho người ta nhận biết đây là Sài Gòn của những năm trước khi người ta sinh sống ở đây nữa.

Những công trình tên tuổi trên dưới cả trăm năm phải nói là rất quen thuộc với du khách thí dụ như Thương xa Tax, Bùng binh Nguyễn Huệ hay những dãy nhà xưa trên đường Đồng Khởi, khu Eden hay vườn hoa Chi Lăng... hiện nay đã không còn nữa và sắp tới đây là Bùng binh chợ Bến Thành.

Đây là một trong những cách xử lý mà theo tôi chính quyền đã không cẩn trọng trong việc xử lý các di sản đô thị có lẽ do sức ép nhiều mặt tôi sẽ nói sau cái lý do này, nhưng rõ ràng việc xử lý không khéo léo cân đối trong những công trình hiện đại đối với việc bảo tồn các di sản đô thị đã để lại một lổ hỗng rất lớn về lịch sử thành phố mà có lẽ không bao giờ bù đắp lại nỗi.

Mặc Lâm :  Ngoài lý do phát triển kinh tế, theo Tiến sĩ còn những yếu tố nào tác động đến thực trạng này ?

Nguyễn Thị Hậu :   Theo tôi ngắn gọn là như thế này. Theo quan sát của tôi khoảng 5 năm gần đây điều đầu tiên phải thừa nhận đó là chính quyền và rất nhiều nhà chuyên môn chưa đánh giá đúng giá trị di sản văn hóa đô thị Sài Gòn. Chưa đánh giá đúng thứ nhất là việc nghiên cứu giá trị di sản đô thị chúng ta làm rất chậm và trong giới nghiên cứu cũng có quan niệm là đối với những thành phố nào có tuổi đời lâu năm, có một quá trình lịch sử trải qua nhiều triều đại chẳng hạn, thì mới có thể gọi là có di sản, còn thành phố Sài Gòn thì chỉ bắt đầu từ thời Nguyễn sau này là thời Pháp thuộc và Mỹ... có lẽ người ta cho rằng đấy là những công trình có tính hiện đại, nó không có giá trị gì chăng ? cho nên việc nghiên cứu đối với các công trình ở đây thật chậm, không có đủ thời gian tạo ra được công trình để mà tuyên truyền cho mọi người nhận biết được điều này. Bản thân chính quyền hay là nhà quản lý họ cũng không biết hoặc biết nhưng rất ít về di sản đô thị nên họ không quan tâm, đấy là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai ngay từ quy hoạch đô thị thì chỉ đến những quy hoạch gần đây mới có đưa vấn đề về bảo tồn di sản vào trong quy hoạch đô thị nhưng thật ra nó chỉ ở tầm vĩ mô thôi chứ bắt dầu quy hoạch cụ thể ở từng khu vực hay từng quận huyện nào đấy thì hầu như việc bảo tồn di sản đều bị lướt qua do sức ép của người này người khác cho nên thực sự là chuyện đưa vấn đề bảo tồn vào quy hoạch đô thị là không thực hiện được.

Cái thứ ba nữa quá trình xây dựng thành phố quá chậm trong việc đặt ra ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình xây dựng của mình. Nó bị những làn sóng về bất động sản và các yếu tố khác kéo đi. Hai nữa khi người có ý thức được thì những di sản tốt đẹp nhất của chúng ta ở trung tâm không còn nguyên vẹn và gần đây tôi nhận ra một nguyên nhân nữa mà sâu xa nó nằm ở quan điểm, ở một định hướng nào đấy đó là Sài Gòn với bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh, nó luôn được nhấn mạnh về vai trò kinh tế, đầu tầu kinh tế hay là vai trò kinh tế quan trọng nhất trong cả nước... Thế thì nếu như luôn luôn chỉ nhìn dưới góc độ đấy là thành phố phải phát triển về kinh tế thì tất yếu các vấn đề về văn hóa trong đó có di sản đô thị phải hy sinh cho nhiệm vụ kinh tế.

Có lẽ ngay từ quan điểm nhìn nhận vai trò của Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh thì tôi nghĩ rằng cũng nên nhìn nhận lại.

Mặc Lâm :  Chúng tôi được biết Tiến sĩ từng có những nghiên cứu về văn hóa đô thị tại nhiều nước, liệu với cơ sở hạ tầng cũng như kỹ thuật hiện nay thì chính quyền có áp dụng được kinh nghiệm gì của các nước trong việc bảo tồn tôn tạo những di sản văn hóa để áp dụng vào thành phố Sài Gòn  trong lúc này ?

Nguyễn Thị Hậu :   Trong quá trình nghiên cứu của tôi về việc bảo tồn di sản đô thị thì cũng có đi tham quan học hỏi một vài nước đặc biệt là Pháp là nơi đã sản sinh ra đô thị Sài Gòn cũng như một số đô thị tại Việt Nam. Điều đầu tiên tôi thấy rằng quá trình xây dựng hiện đại hóa của họ thí dụ như làm Metro hay những con đường giao thông thậm chí xây dựng những khu đô thị mới thì điều đầu tiên tôi nhận thấy là họ cũng từ xuất phát điểm như chúng ta, thậm chí lạc hậu hơn, thế nhưng vì sao họ có thể bảo tồn di sản được thì trước tiên do họ có chính sách coi trọng văn hóa di sản và đặt vấn đề ưu tiên bảo tồn, ưu tiên bảo vệ di sản trong quá trình hiện đại hóa.

Gần như những khu trung tâm của thành phố họ không biến đổi hay biến động ở trên mặt đất. Họ vẫn làm đường và ga tàu điện ngầm nhưng bên trên mặt đất thì họ vẫn phục dựng nguyên vẹn cảnh quan không biến chúng thành một quảng trường mênh mông, cũng không chặt cây để xây dựng những công trình ngầm. Tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh nếu quan tâm tới vần đề này thì sẽ có biện pháp để giữ nguyên hay có phương án phục dựng phục hồi các di sản trên mặt đất chứ không đến nỗi như theo tôi nhận xét, gần như giải tỏa trắng trên mặt đất để mà làm những công trình ngầm đó là cái thứ nhất mà tôi nghĩ thành phố có thể học tập được kinh nghiệm của nước ngoài.

Thứ hai nữa trong khi quy hoạch các công trình cổ thì luôn luôn hạt nhân ở trung tâm đề mà xây dựng cảnh quan của một khu vực thì công trình cổ phải được ưu tiên bảo tồn và lấy nó làm hạt nhân để mà phát triển. Trong đề nghị thứ nhất là giúp cho nó có khu vực cảnh quan lịch sử, cái thứ hai những công trình này tồn tại thì nó sẽ nuôi dưỡng lịch sử càng ngày càng dày dặn hơn. Điều quan trọng thứ ba có thể nói việc tìm hiểu về giá trị và hiểu biết những kiến thức về di sản phải được đưa vào nội dung giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền cho nhân dân, tuyên truyền cho du khách và đặc biệt đưa đến gần công chúng bằng cách tất cả các di sản luôn luôn được mở cửa cho công chúng vào xem.

Ngay cả những công sở người ta làm việc quanh năm nhưng người ta vẫn sắp xếp mở cửa cho công chúng xem để họ thấy rằng đấy thực sự là di sản mà người ta được thừa hưởng thật sự chứ không phải của mình vì vậy có giữ hay không cũng chẳng có lợi gì trong ấy cả !

Mặc Lâm :  Xin cám ơn Tiến sĩ.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn : RFA, 04/03/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 28 février 2017 13:23

Hủy hoại di sản là tội ác

Hơn 20 năm trước, khi lần đầu tiên ra đất Bắc quê cha đất tổ, tôi đã háo hức và bồi hồi khi chuyến tàu lửa xuyên Việt bắt đầu tiến vào Hà Nội, những địa danh quen thuộc trong sử sách lần lượt hiện ra trước mắt, tiếng nhân viên trên tàu lửa thông báo đã đến ga Ngọc Hồi, Hà Hồi rồi đến gò Đống Đa… mang lại bao xúc cảm đến rưng rưng.

Ngay chiều đó tôi đã kịp đến Hồ Gươm. Hồ Gươm hay hồ Hoàn kiếm với truyền thuyết thần Kim Quy trả gươm cho vua Lê từng in sâu trong tâm khảm và đầy vẻ huyền hoặc của thế giới cổ tích hiện ra trước mắt thật đẹp đẽ long lanh… Nhưng tôi đã khựng lại, hệt như người đang ăn một món ngon bỗng cắn phải xác một con gián, đó là ngôi Tháp Rùa cổ kính nay bị mặc một lớp vôi trắng bệch, chưa hết, trên đỉnh ngọn tháp người ta gắn lên một ngôi sao to, chớp đèn đỏ (!). Dĩ nhiên là mọi bồi hồi xúc động đều tụt mất, những ngày sau, dù có lên cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn giữa hồ, tôi vẫn cố không đưa mắt sang ngọn Tháp Rùa phía bên kia.

uv5

Văn Miếu Quốc Tử Giám mới tinh sau đợt trùng tu

Tôi chắc rằng những ai yêu mến vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội, bất kể là cư dân tại chỗ hay khách phương xa đều có chung một cảm giác giống tôi và có lẽ trong bụng ai cũng thầm "chửi cha" cái đứa ngu dốt đã phá hoại di tích bằng một cách hết sức vô văn hóa như thế. Bây giờ thì Tháp Rùa không còn kệch cỡm như dạo ấy, nhưng tôi vẫn e ngại, bởi biết đâu một ngày đẹp giời nào đấy người ta sẽ ốp gạch men hiệu American Standard cho toàn bộ ngôi tháp ? Chẳng phải người ta vừa cho "trùng tu" bằng cách trám xi măng, quét sơn lên các bức tường hoa, các cổng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đấy sao ? (nên nhớ Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, có lịch sử gần 1.000 năm và được UNESCO công nhận là di tích lịch sử văn hóa) ; Chẳng phải người ta đã sơn màu vàng chóe lên bia Chiến Sĩ Trận Vong (còn gọi là Bia Quốc Học) ở cố đô Huế đó sao ? Những dấu vết thời gian, những trầm mặc qua nhiều thời đại lịch sử bỗng bị xóa sạch và tô trét màu mè hệt như như sân khấu một gánh hát rong và thực hiện ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt bàn dân thiên hạ !

Buồn thay, những ví dụ như trên rất nhiều, ở khắp nơi và càng ngày càng trầm trọng hơn. Tôi còn được biết, sắp tới đây dự án tàu điện Metro Hà Nội sẽ đi sát cạnh Văn Miếu (chỉ cách mươi thước), một nhà ga Văn Miếu nhộn nhịp người, âm thanh náo loạn ầm ĩ trong tương lai có thể phá hủy cả "dấu xe xe ngựa hồn thu thảo" lẫn nền đất, chân móng Văn Miếu… cây hoa đại mà cụ Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du) trồng trong sân Văn Miếu liệu có còn ? Cái dự án Metro ấy cũng đe dọa sẽ xóa luôn nhiều đền thờ miếu mạo như miếu Đông Cô, đền Tú Uyên tại xóm Bích Câu (trong truyền thuyết Bích Câu Kỳ Ngộ)… Có thể tôi quá hoài cổ, nhưng thử xem ngay tại các thành phố cổ của Mỹ hay Tây Âu người ta đã nâng niu di tích lịch sử, văn hóa ra sao. Tôi không thể tưởng tượng nổi rồi đây thế hệ con cháu muốn tìm về nguồn cội, muốn tận mắt thấy công trình xưa sẽ tìm ở đâu hay chỉ còn biết xem nó qua màn hình computer.

Đó là những công trình gắn liền với văn hóa và lịch sử, còn những danh thắng, những cảnh quan thiên nhiên dường như còn bị hủy hoại nặng nề hơn. Cách đây vài năm khi lái xe gắn máy từ Hội An ra Đà Nẵng, ghé vào Ngũ Hành Sơn nằm sát con đường ven biển phẳng phiu, tôi ngỡ ngàng khi thấy một "công trình thang máy" bóng loáng, cao sừng sững với hai cabin rộn rịp đưa người từ chân núi, vụt một phát đến ngay tận sân ngôi chùa cổ trên đỉnh ngọn Thủy Sơn. Dĩ nhiên là khách lãng du vẫn có thể nhẩn nha lên núi viếng chùa Tam Thai và Linh Ứng theo hai con đường bậc đá mà ngày xưa vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Nhưng tránh sao khỏi bị cái "hộp thang máy" tíu tít, bận rộn đó chen lấn vào, đâm xọc vào tầm mắt giữa cảnh sơn thủy hữu tình ?

uv6

Bia Chiến sĩ Trận Vong bị cạo lớp vữa và sơn màu vàng rực

Nhân đây tôi cũng tả sơ về danh thắng Ngũ Hành Sơn : Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 cây số về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn mang vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm sáu ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 cây số vuông, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất. Núi cao 106 m, có ba ngọn ở ba tầng giống như ba ngôi sao (Tam Thai). Đây cũng là nơi có nhiều hang động, chùa nhất.

Sử sách ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất. Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng. Ngọn cao nhất 106 m ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai, gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham. Ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai, gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn. Ngũ Hành Sơn còn là nơi tụ hội nhiều thợ giỏi chuyên tạc tượng Phật từ đá Non Nước, tôi thấy một số ngôi chùa ở Hoa Kỳ cũng thỉnh tượng Phật từ nơi đây về thờ phụng.

Cách Ngũ Hành Sơn không xa lắm là đỉnh Bạch Mã, cũng giống như khu Bà Nà, Bạch Mã là nơi từ ngày xưa Pháp đã cho xây một số biệt thự để nghỉ ngơi. Bạch Mã còn là Vườn Quốc gia có rừng nguyên sinh và để bảo tồn một số loại thú quý hiếm. Nhiều năm nay, Bà Nà đã bị nhượng cho một công ty du lịch khai thác, làm cáp treo, bán vé cho thường dân muốn đến thưởng ngoạn. Bạch Mã cũng bị "bán" cho công ty du lịch, rồi sẽ có cáp treo, rồi sẽ bán vé… như người ta đã từng làm với cáp treo ngáng biển ở Hòn Tằm – Nha Trang cho Vinpearl, cáp treo lên chùa Bà Đen – Tây Ninh, chùaTuyền Lâm- Đà Lạt hay dị hợm nhất là cáp treo lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Việt Nam ở Lào Cai. Tôi vừa ký tên vào trang mạng Petition change.org để phản đối dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, một hang động kỳ vỹ và thuộc hạng đẹp nhất thế giới ở tỉnh Quảng Bình.

uv7

Cáp treo đưa lên đỉnh Fansipan

Những phương tiện tối tân thời hiện đại dường như đã làm người dân lười biếng dần, người ta không muốn mất thời giờ nhẩn nha trèo núi vãn cảnh chùa, không muốn thảnh thơi từ tốn ngồi trên sườn núi, phóng tầm mắt xa xa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước. Người ta mua vé thang máy, cáp treo và sẽ vụt một phát đến nơi cần đến, chụp hình selfie chứng tỏ đã đến nơi và chui vào cabin tụt xuống… để còn đi nơi khác. Các công ty du lịch rất thích điều đó, họ sẽ đáp ứng ngay, không cần biết để xây dựng và vận hành những thứ cáp treo ấy sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi sinh ra sao. Vả lại, như lệ thường thấy, mỗi dự án mở ra đều mang lại khoản tư túi hậu hĩnh cho các quan chức sở tại. Thế nên quan chức tỉnh thành nào cũng đua nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong tỉnh mình. Họ viện cớ phát triển du lịch "ngành công nghiệp không khói" để làm giàu, nhưng người dân không được dự phần. Một cảnh quan trước khi có dự án nhân dân tha hồ đến chơi miễn phí, nhưng khi hoàn thành thì dân chúng buộc phải xùy tiền nếu muốn đến.

Một thực tế hiển nhiên đang xảy ra khắp nước là di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đang bị băm vằm, bị hủy hoại hoặc làm mất giá trị. Một phần rất lớn do kẻ khai thác, một phần nữa do thái độ văn hóa của người dân. Người dân chưa học được cách tôn trọng môi trường, tôn trọng thiên nhiên, người ta thản nhiên xả rác, thản nhiên vặt hoa nơi công cộng. Đến các di tích dễ thấy nhất là những hàng chữ ghi chằng chịt tên người, rồi gạch xóa lung tung, chưa kể những câu chửi thề tục tĩu… dày đặc trên các bức tường, các gốc cây.

uv8

Lên chùa ở Ngũ Hành Sơn bằng thang máy

Ai yêu mến Sài Gòn với các kiến trúc từ thời Pháp sẽ cảm thấy đau lòng khi quan sát nhà thờ Đức Bà, bên ngoài bức tường bằng gạch đỏ (nhập cảng từ Pháp, xây dựng cách đây 140 năm) của nhà thờ dày kín tên người, nhiều chỗ gạch bị mục, lở loét vết đục phá. Bên cạnh đó, mái nhà thờ đang hư hỏng nặng, nhiều chỗ ngói vỡ phải che tạm bằng các mảnh tôn sơn màu nâu, chóp tháp chuông vốn lợp bằng đá xám bị vỡ, phải thay bằng tôn kẽm, nay lớp tôn kẽm ấy cũng phải vá víu… Nhưng muốn sửa sang ngôi nhà thờ vốn tiêu biểu cho Sài Gòn thật không dễ, ngoài tốn rất nhiều công của còn phải được nhiều ban bệ của thành phố duyệt xét, cho phép. Chưa biết đến bao giờ nhà thờ Đức Bà mới trở lại được như xưa.

Nếu thế giới lên án Nhà nước Hồi Giáo (IS) là tội ác chiến tranh vì hành vi phá hủy các di tích văn hóa loài người tại thành cổ Niniveh, tại Nimrud, tại Hatra, Mosul ở Iraq, hủy diệt di chỉ khảo cổ tại Palmyra ở Syria thì hành động của các du khách Trung Quốc khi khắc tên mình lên tường ngôi đền cổ vài ngàn năm tuổi ở Luxor – Ai Cập ; khi du khách Việt Nam băm vằm, khắc chữ trên Tháp Bút, Tháp Hòa Phong ở Hà Nội cũng có thể gọi là tội ác văn hóa. Mà lạ thay việc ấy cứ tiếp diễn.

Không khó nhận ra rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của quê hương đã bị hủy hoại nột cách cố ý, tôi nghĩ người Việt chúng ta, dù đang sinh sống khắp nơi trên thế giới hay còn trong nước đều có chung một cội nguồn cần gìn giữ, một quê hương để đau đáu nhớ về và cần chia sẻ chung một nỗi lo cho vận mệnh đất nước. Chẳng phải căn cước của chúng ta chính là dòng máu Việt chảy suốt chiều dài lịch sử ngàn năm hay sao ?

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ, Nam Cali, tháng 02/2017

Published in Diễn đàn