Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

29/01/2024

Tuấn Ngọc : ‘Ngày nào cũng phải học hỏi’

Nguyễn Mạnh Hà

Ngày nay mô hình nghệ sĩ đa năng nở rộ. Ca sĩ càng có nhiều kỹ năng bên cạnh giọng hát, nhất lại trẻ đẹp càng dễ được chú ý. Tuấn Ngọc thì ngoài giọng hát thượng thặng còn có biệt tài dẫn dụ khán giả bằng lời nói. Tất nhiên tuổi tác ông cũng không thiếu.

tuanngoc1

Tuấn Ngọc trình diễn tại một phòng trà ở Hà Nội trung tuần tháng 1/2024.

Nếu bây giờ cần phải nêu tên một nam ca sĩ Vpop nổi bật về giọng hát, tôi sẽ nhớ ngay đến người đàn ông 76 tuổi có phần hom hem ấy. Tôi không thiên vị cũng không hẳn hâm mộ ông. Nhưng chắc chắn tôi mến phục tinh thần làm việc đó. Vì tôi biết ở tuổi ông mà giữ được phong độ như vậy thực sự cần một kỷ luật thép.

Làm chủ sân khấu

Ở giọng hát Tuấn Ngọc, biểu cảm và kỹ thuật đã hòa làm một. Ta có thể thấy rõ ông nâng niu từng chữ một khi hát. Và luôn đặt âm thanh vào vị trí đích đáng nhất. Lối hát như đang giãi bày cùng người mình yêu ấy tỏ ra không thể đắc địa hơn trong thể hiện những bản tình ca. Tôi nghĩ ở một độ tuổi như thế với một đẳng cấp và danh tiếng đã đạt được, Tuấn Ngọc chỉ cần xuất hiện trong nước năm vài lần trên sân khấu lớn chẳng hạn. Nhưng khán giả của ông lại bị xé lẻ ở trong nước và hải ngoại. Nên có thể sẽ khó tập hợp đủ đông vào một chỗ.

Thứ nữa chính trên sân khấu phòng trà, Tuấn Ngọc mới có dịp thể hiện hết sự mẫn tiệp và hài hước của mình. Vì nơi đây cho phép ông thoải mái chủ động kiểm soát diễn tiến cùng nhịp độ chương trình. Sân khấu lớn có lớp lang, kịch bản cố định, anh buộc phải hát khi đến phần của mình... Tôi từng được xem những đêm nhạc rất tuyệt nhưng cũng có lần gây chút hụt hẫng (ít nhất với tôi) của Tuấn Ngọc trên sân khấu lớn. Có lẽ cũng vì ông không còn cách nào khác phải chạy theo kịch bản kể cả khi giọng chưa sẵn sàng.

Còn tại phòng trà thì khác. Lần đầu tiên xem Tuấn Ngọc trong không gian phòng trà, tôi không khỏi ngạc nhiên về khả năng trì hoãn và tung hứng với… cảm xúc khán giả của ông. Tôi không nghĩ một ca sĩ có thể kéo dài phần giới thiệu các bài hát lên tới 4-8 phút (tức là dài hơn cả chính bài hát) như Tuấn Ngọc.

Nhưng quả thực ông đã làm được như vậy. Ngay phần mở đầu phần xuất hiện của mình (ông chiếm nửa sau chương trình, trước đó là phần thể hiện của Thanh Hà), ông đã dành ra tới 4 phút rưỡi chỉ để nói lời cảm ơn khán giả. "Lúc nào trước khi hát tôi cũng thích cảm ơn khán giả. Vì nhiều người bạn chỉ trích tôi mỗi lần đi hát lại cảm ơn khán giả vì đấy là chuyện dĩ nhiên : Khán giả đến trả tiền, mình hát - mỗi người một việc. Nhưng tôi vẫn thấy là không có khán giả thì không có ca sĩ (khán giả vỗ tay). Ở đâu có khán giả ở đó có ca sĩ". Đây chỉ là phần mào đầu, về sau ông sẽ có bài nói riêng tiếp tục mổ xẻ luận đề này.

Kết luận cuối cùng ông đưa ra là ví quân với dân như cá với nước không chuẩn. Mà đó chính là mối quan hệ của nghệ sĩ và khán giả. Nghệ sĩ không thể sống thiếu khán giả (một ví dụ ưa thích của Tuấn Ngọc là sự ế ẩm của Van Gogh lúc sinh thời do không có người mua tranh) như cá không thể thiếu nước. Còn kể cả có thiếu Tuấn Ngọc thì khán giả vẫn chả sao.

tuanngoc2

Song ca với Thanh Hà xong, Tuấn Ngọc một mình bao sân suốt một tiếng rưỡi.

"Có nhiều fan của tôi cãi nhau với tôi luôn : Anh không biết anh làm cho cuộc đời em hạnh phúc hơn, tiếng hát anh này kia kia nọ… Nhưng không có khán giả là tôi câm luôn. Thành ra tiện đây một lần nữa tôi cảm ơn quý vị đến đây thăm tôi và Thanh Hà… Rồi, thôi quý vị không yêu cầu gì thì tôi đi về". Tất nhiên là ông đùa. Nhưng cũng khiến khán giả thoáng chút hụt hẫng như kiểu miếng ăn đến miệng lại bị rụt lại.

Tôi dùng ví dụ hơi thô như vậy vì cứ từ mình mà suy ra thì hẳn mọi người dù vui cười với lời ông nói nhưng cũng khá sốt ruột vì ai cũng chuẩn bị tinh thần đến đây để nghe "ông hoàng nhạc tình" hát. Chưa kể những bài được khán giả yêu cầu (dù đã nghe đến thuộc làu đi rồi) ông chỉ hát một lần, tức là không có dạo giữa hát lại nữa. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Bạn tôi - một người thích xem Tuấn Ngọc hát phòng trà hơn nhà hát - thì lại kể : "Mấy lần chị xem thì hát rất nhiều. Đến mức khán giả phải bảo nhau thôi tha cho cụ"…

Theo tôi được biết thì đêm tôi có mặt, ông bị mệt. Cũng chả trách vì miền Bắc đang vào thời điểm chuẩn mưa rầm gió bấc. Ông lại chạy từ Ninh Binh về kịp tập sô Hà Nội. Nhưng lý do ông đưa ra trên sân khấu là do phòng trà chiều hôm trước có cuộc hội họp gì đó lố giờ nên thời gian để ca sĩ tập dượt với ban nhạc hơi ít. Ông tập đầu nhưng không nỡ để người sau phải đợi và lo ban nhạc mệt nên ráng tập cho nhanh.

"Tôi bị cái tính hay nghĩ đến người khác, không là tôi sướng lắm ! Tôi sẽ hát theo yêu cầu nhiều hơn vì bài vở tập không có bao nhiêu. Thành ra quý vị thông cảm. Nghe không hay không phải lỗi của tôi. Chỉ vì lòng tốt của tôi thôi", rồi ông quay ra cười với nhạc công. "Ban nhạc đồng ý hôm qua mình tập ẩu đúng không ?! Chứ tôi không bao giờ nói khoác".

Tình khúc thứ nhất - nhạc Vũ Thành An - thơ Nguyễn Đình Toàn – tiếng hát Tuấn Ngọc

Cũng nội dung đó nhưng tới giữa chương trình, ông lại diễn đạt khác : "Nay tôi sẽ nói nhiều hơn là hát vì không tập bao nhiêu. Mặc dù nói chuyện không phải hay ho gì lắm. Nhưng mình cứ thành thật là tốt rồi ! Tôi sẽ hát những bài tập ban nhạc xong, khi chúng tôi hết vốn thì chúng tôi sẽ nhận lời yêu cầu… Quý vị có cần về sớm không (nhiều tiếng ‘không’ cất lên trong khán phòng). Biết ngay câu trả lời !" Thế là một lần nữa ông lại thành công trong việc nuôi tâm trạng thấp thỏm - sợ đêm vui chóng tàn trong khán giả.

Mặc dù ông hát ít nhưng đã hát thì nét như đĩa, trừ một bài có chỗ quên lời là Rong rêu (Nguyễn Tâm). Có lẽ vì trước đó ông mải đùa đây là "bài hát đau lưng" (do có câu "chỉ vì yêu em nên anh vất vả") thành ra hơi thiếu tập trung khi hát chăng ?! Ngay từ đầu một vài khán giả đã hô hoán Riêng một góc trời với Niệm khúc cuối nhưng ông nói : "Mới gặp nhau đã Riêng một góc trời. Từ từ rồi Riêng một góc trời với nhau đúng không ?!" Rồi mở màn bằng Ru đời đi nhé chứ cũng không phải Phôi pha như mọi người đoán.

Không ngừng nghỉ

Tôi cảm giác ở phòng trà, nghệ sĩ thường phải có một cuộc đấu tranh ngầm với khán giả. Đành rằng ca sĩ phải có bài hit thì mới được phòng trà mời, nhưng với trường hợp độ hot của bài hát kéo dài vài thập niên như Tuấn Ngọc thì cứ hát đi hát lại mãi chả phải là một sự nhàm chán sao.

Chẳng hạn Niệm khúc cuối và Tình khúc thứ nhất được Tuấn Ngọc đem lên sân khấu cùng thời điểm (khi ông ngoài 40) nhưng người ta cứ nhắc bài của Ngô Thụy Miên mãi dù Vũ Thành An/Nguyễn Đình Toàn cũng rất hay. Cho nên Tuấn Ngọc phải dùng chiêu nói là "bài đó khó lắm không biết ban nhạc có đánh được không", rồi : "Tình khúc thứ nhất lâu lắm tôi không hát, không bao giờ hát thì đúng hơn, chỉ hát trong băng đĩa thôi. Mình hát 'Rung một góc giường' với nhau rồi đi về…". Nhưng ít phút sau "Tình vui theo gió mây trôi…" đã đĩnh đạc cất lên.

tuanngoc3

Một nghệ sĩ dù hoài niệm đến đâu vẫn muốn khoe với khán giả những tác phẩm, những sáng tạo mới của mình chứ. Những người cứ muốn bắt ca sĩ hát bài cũ không phải đa số nhưng lại hay hét to. Nhất là trong không gian nhỏ hẹp của phòng trà, ca sĩ không thể nào cứ lờ đi được. Mấy lần đầu Tuấn Ngọc coi như không nghe thấy, nhưng sau thì ông quay ra cười với khán giả. "Quý vị thấy có y như trong quán phở không", ông giả làm tiếng khách gọi món. "Một tái chín ! Nhiều hành !"

Tuấn Ngọc có nhiều cách lái khán giả về với những bài tương đối mới mà ông đang tâm đắc. Bằng cách đùa như với Rong rêu - "đã đau lưng lại còn hết tiền" (do đoạn tiếp theo là "Chỉ vì yêu em nên anh mất cả"). Hoặc khen bài hát rồi kể chi tiết về hoàn cảnh sáng tác như với Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ). Với bài đã thành thương hiệu như Riêng một góc trời thì ông lại hơi dìm một chút. Ông nói : "Năm 1974 là lần phát hành đầu tiên cuốn băng gồm 17 bài hay nhất của anh Ngô Thụy Miên. Lúc đó tôi thấy có thể những tinh túy của anh đã đặt vào 17 bài đó. Ngay như bài Riêng một góc trời cũng không có bằng 17 bài đó - rất tự nhiên giống tác phẩm nghệ thuật không bị ép hay vá víu... Cũng như Em đến thăm anh một chiều mưa viết chỉ trong một buổi chiều, câu nào cũng đẹp".

Mấy năm trước trong một dịp phỏng vấn, tôi hỏi ông có thử sáng tác không. Tuấn Ngọc đáp : "Sáng tác là một khiếu khác. Giỏi nhạc chưa chắc đã sáng tác được. Giống như tiến sĩ về văn chương chưa chắc đã viết được cuốn tiểu thuyết hay. Muốn sáng tác phải có đam mê. Tôi thích hòa âm hơn. Mặc dù khi hòa âm, tôi cũng phải tự viết những đoạn nhạc dạo. Nhiều CD tôi hát là tôi hòa âm. Ví dụ bài Về đây nghe em hay Phôi pha tôi tự làm hết".

Nhưng có thể hiểu kể cả hòa âm cũng kiểu như một thú chơi để ông củng cố thêm cho việc hát. Chẳng hạn với kiến thức của mình, ông có thể đòi hỏi nhiều hơn từ ban nhạc hoặc hướng dẫn để họ chơi tốt hơn. Mới đây khi tôi thắc mắc sao ông không tiếp tục ôm ghi-ta lên sân khấu, ông trả lời : "Bây giờ tôi chỉ chú trọng về hát thôi". Và cho biết thêm : "Ngoài giờ thể dục nếu có thể, ngày nào cũng phải học hỏi, nghiên cứu về hát". Chắc chắn đó là cách duy nhất để hát như nuốt đĩa còn khán giả thì như nuốt từng lời mình rồi... Vì thực sự nếu ca sĩ mà không hát hay thì nói hay cách mấy cũng chả ai nghe.

Nguyễn Mạnh Hà (Hà Nội).

Nguồn : BBC, 29/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Mạnh Hà
Read 242 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)