Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

06/02/2024

Tết Âm lịch có phải Tết Trung Quốc ?

Issariya Praithongayem, Alexandra Fouche

Thứ bảy ngày 10/2 là ngày Tết Âm lịch trong năm 2024. Kỳ lễ này kéo dài 15 ngày và kết thúc với Tết Nguyên tiêu.

tet1

Hoa đào được bán cạnh chợ Đồng Xuân ở Hà Nội trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Theo truyền thống Trung Quốc, mỗi năm được đại diện bởi một trong 12 con giáp. Năm 2024, chúng ta sẽ chuyển từ năm Mão sang năm Thìn.

Nhưng như vậy có nghĩa là gì ? Sau đây là mọi thứ bạn cần biết.

Tết Âm lịch và Tết Trung Quốc

Mặc dù hai tên gọi có thể được sử dụng thay thế cho nhau trong một số cộng đồng, nhưng vẫn có sự khác biệt.

Tết Âm lịch thường được gọi là Lễ hội mùa xuân (Xuân tiết) ở Trung Quốc vì nó đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu của mùa xuân. Đây là một trong bốn lễ hội truyền thống quan trọng nhất của nước này, đón mừng sự bắt đầu một năm mới theo âm lịch của Trung Quốc.

Có thể sử dụng khái niệm Tết Trung Quốc khi đề cập cụ thể đến các sự kiện đón năm mới trong đó tôn vinh truyền thống và văn hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nước Đông Á và Đông Nam Á cũng ăn mừng sự kiện này với hình thức khác nhau tùy theo văn hóa và quốc gia.

Tết Âm lịch (hay Tết Nguyên đán) là khái niệm bao quát hơn, gồm tất cả các lễ kỷ niệm đón năm mới theo lịch âm.

Ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, khái niệm Tết Nguyên đán được ưa chuộng hơn Tết Trung Quốc hoặc Lễ hội mùa xuân.

Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc phản biện rằng ngày lễ này có nguồn gốc từ lịch âm dương của Trung Quốc (dựa trên chu kỳ của Mặt trăng và Trái đất) và ảnh hưởng lịch sử của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực.

Do đó, việc lựa chọn từ ngữ có thể gây ra tranh cãi.

Tết Âm lịch được tổ chức ở đâu ?

tet2

Các món ăn trong bữa cơm ngày Tết ở Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 9/2/2018 tại Vũ Hán, Hồ Bắc

Năm nay, hơn 1,5 tỷ người trên toàn cầu sẽ đón Tết Âm lịch.

Cuộc di cư thường niên lớn nhất của con người trên thế giới cũng diễn ra trong thời điểm này, khi hàng triệu người di chuyển trước thềm năm mới để đoàn tụ với gia đình hoặc bạn bè.

Ở Việt Nam, dịp này được gọi là Tết Nguyên đán, hay gọi tắt là Tết. Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm.

Ở Bắc Hàn và Hàn Quốc, mọi người ăn mừng Seollal. Ở Mông Cổ, lễ hội có tên là Tsagaan sar, một số người tại nước này gọi nó là lễ hội Mặt Trăng Trắng.

Thông thường, vào những ngày trước Tết, các gia đình Trung Quốc thường dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Việc này nhằm mục đích quét đi những xui xẻo và chuẩn bị đón vận may vào nhà.

Người thân, bạn bè sẽ cùng nhau ăn nhiều món đặc biệt như mì, lẩu, bánh bao, bánh tổ (bánh năm mới làm từ gạo nếp) hay bánh củ cải, cá, quýt, những món đem lại may mắn trong năm mới theo truyền thống. Người ta cũng xem pháo hoa, diện quần áo tết và treo đèn lồng đỏ trong dịp này.

Vào dịp Tết Âm lịch, còn có tục lệ tặng một phong bì màu đỏ tươi có tiền bên trong (gọi là ‘hồng bao’) cho bạn bè và người thân, tượng trưng cho may mắn và những lời chúc năm mới tốt đẹp. Người Việt Nam gọi phong tục này là mừng tuổi hoặc lì xì.

Tết Âm lịch 2024 kéo dài bao lâu ?

Ngày cụ thể của dịp tết được xác định theo âm lịch. Nó rơi vào kỳ trăng non thứ hai sau Đông chí (ngày 21/12), thường là từ ngày 21/1 đến 20/2 dương lịch.

Dịp lễ thường kéo dài 15 ngày, bắt đầu vào ngày trăng non xuất hiện và kéo dài cho đến ngày trăng tròn tiếp theo.

Đối với năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố lịch nghỉ tết từ ngày 10 đến 17/2, tổng cộng 8 ngày. Ngày 30 tết tuy không nằm trong lịch nghỉ lễ chính thức nhưng các doanh nghiệp được khuyến khích sắp xếp cho nhân viên nghỉ phép có lương vào ngày này.

tet3

Không khí trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Hà Nội

Nguồn gốc của Tết Âm lịch

Tết Âm lịch được cho là có từ thế kỷ 14 trước Công nguyên, vào thời nhà Thương. Nguồn gốc của nó mang đậm màu sắc thần thoại.

Theo đó, ngày lễ này bắt nguồn từ cuộc chiến chống lại Niên thú, một quái vật trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc ("Niên" nghĩa là "năm" trong tiếng Trung).

Niên thú thường đến vào ngày đầu tiên của năm mới để quấy phá dân làng. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra Niên thú sợ tiếng động lớn, ánh sáng chói và màu đỏ.

Vì vậy, vào dịp năm mới, dân làng bắt đầu treo đèn lồng đỏ và đốt pháo để xua đuổi con vật. Từ đó, Niên thú không còn xuất hiện nữa.

Con giáp của Tết Âm lịch 2024

tet4

Đèn lồng hình rồng treo đón Tết Âm lịch 2024 tại khu phố cổ Lão Môn Đông, Nam Kinh.

Theo truyền thống Trung Quốc, mỗi năm âm lịch được đại diện bởi một trong 12 con giáp khác nhau thuộc cung hoàng đạo Trung Quốc : chuột (Tí), bò (Sửu, ở Việt Nam là trâu), hổ (Dần), thỏ (Mão, ở Việt Nam là mèo), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất) và lợn (Hợi).

Mỗi con vật được gắn với một nguyên tố trong Ngũ hành - Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các nguyên tố này có các năm riêng tương ứng và cũng lặp lại theo chu kỳ 12 năm.

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển đổi từ Năm Mão sang Năm Thìn Mộc.

Năm Thìn Mộc 60 năm mới lặp lại một lần. Gần đây nhất là năm 1964, và trước đó là năm 1904.

Người ta tin rằng người sinh năm con giáp nào thì sẽ sở hữu những đặc điểm tính cách riêng tương ứng, có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Rồng là con giáp thứ năm trong 12 con giáp Trung Quốc. Trong văn hóa Trung Quốc, nó tượng trưng cho may mắn, sự mạnh mẽ, sức khỏe và tính dương (nam).

Những người nổi tiếng sinh năm Thìn Mộc gồm có :

Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (sinh ngày 22/8/1904) ; Jack Ma, đồng sáng lập tập đoàn Alibaba, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới (10/9/1964) ; nghệ sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dali (11/5/1904) ; cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (19/6/1964).

Issariya Praithongayem

Alexandra Fouche biên tập bổ sung

Nguồn : BBC, 06/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Issariya Praithongayem, Alexandra Fouche
Read 214 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)