Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/01/2024

Chuyến tầu tập kết

Tưởng Năng Tiến

Đầu năm mới, cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Xã Việt Nam (trang Viet Nam Plus) hân hoan cho biết : "Ngày 2/1/2024, tại khu vực bờ Nam sông Ông Đốc (Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954".

tapket1

Mẩu tin thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến đến bức thư Hồ Chí Minh viết bẩy mươi năm trước (vào hôm 21/9/1954) để "động viên" đám người tập kết : "Tuy đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà".

Ổng nói đại vậy thôi, chớ hổng phải vậy đâu !

Cái khoảng thời gian mà thằng chả kêu là tạm xa (thiệt ra) kéo dài gần một phần tư thế kỷ lận. Năm tháng đủ dài để khiến cho vô số những cảnh đời dang dở, nhỡ nhàng, hay lỡ làng (hoặc bẽ bàng) cùng không ít những mảnh đời tàn - lãng xẹt :

- "Gần nhà tôi có cụ Lập, hơn bảy chục tuổi, thổi clarinette dàn nhạc cung đình của Bảo Đại, cùng dàn nhạc theo cách mạng, đánh Pháp rồi tập kết ra Bắc cùng với Dương Quang Thiện, Lý Thương…

Bây giờ, tôi mau mắn mừng cụ sắp được đoàn tụ gia đình. Nhưng cụ nắm tay tôi : Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai ? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân… Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi ?" (Trần Đĩnh, Đèn Cù II, Người Việt, CA : 2014).

- "Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… Muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn" (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Phương Nam, Hà Nội : 2002).

Không phải ai đi tập kết cũng âm thầm cam chịu như cụ Lập clarinette, hay " đăm chiêu" và "đờ đẫn" như nhà văn Thanh Tịnh. Lắm kẻ đã lựa chọn một cách ứng xử khác, rõ ràng và dứt khoát hơn

- "Hơn một chục anh có thái độ quyết liệt nhất đã mang ba lô kéo nhau đứng trước thềm cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, hô to : ‘Chúng tôi xin được trở về miền Nam !’ Cơ quan tổng tư lệnh chỉ thị cho các đơn vị có người ‘vô kỷ luật’ phải lên nhận người của mình đưa về đơn vị, tổ chức học tập cho thông suốt…

Khi đến cơ quan tổng tư lệnh, chúng tôi mới được biết không phải chỉ có 10 anh lính ‘vô tổ chức’ của tiểu đoàn 209 lên ‘nằm vạ’ ở đây mà đã có hàng trăm quân nhân thuộc các đơn vị quân đội miền Nam kéo lên nằm la liệt ở đây nhiều tháng rồi (Tống Văn Công, Đến Già Mới Tỉnh, Người Việt, CA : 2016).

- "Từ Hà Nội, Vũ Anh Khanh đi vào Vĩnh Linh và rồi bơi qua sông Bến Hải… khi tới giữa sông thì công an bộ đội cộng sản phát giác… Họ bắn theo, không bằng súng, mà bằng cung tên, mũi tên có tẩm thuốc độc, nên tác giả Sông Máu không bao giờ còn được hít thở không khí tự do mà ông đã bỏ mất từ 1954, khi tập kết ra Bắc" (Viên Linh, "Bến Hải Thủy Mộ Quan của Vũ Anh Khanh", Người Việt, July 3 2013).

Có lẽ cái chết thê thảm của bạn đồng nghiệp (và đồng cảnh) khiến cho Xuân Vũ đổi ý. Thay vì vượt tuyến, ông đã trở lại miền Nam bằng cách Vượt Trường Sơn . Đến nơi, nhà văn hồi chánh và được đón tiếp long trọng chứ không phải sống dưới gầm cầu - như ông đã tự nhủ lòng : "Nỗi day dứt về quê hương và gia đình, cộng với những điều kỳ cục trong mấy năm dằng dặc trên đất Bắc làm cho tôi thấy mình đi lạc đường. Sống trong nước mình mà cứ tưởng nước ai. Do đó tôi quyết chí trốn về Nam, sống dưới gầm cầu cũng được" (Xuân Vũ, "Chuyện tục về một vùng thanh", Vanhoavn.bog – 04/1986). 

tapket2

Tất nhiên, không phải ai cũng đều may mắn như vậy. Cả một tập thể người dân bản địa chung chuyến (chuyến tầu tập kết) thì xui xẻo hơn, thấy rõ :

"Chính quyền cộng sản đã chiêu dụ khoảng từ 6 đến 7.000 người Thượng tập kết, những người này được chở từ cảng Qui Nhơn đến Hà Nội để sau đó được đi huấn luyện tại Trường các dân tộc ít người miền Nam, những thành phần ưu tú sau đó được đưa di huấn luyện tại Trường sư phạm trung ương, chỉ vài người thật xuất sắc mới được đưa sang Bắc Kinh đào tạo thêm.

Ước mơ duy nhất của các chiến sĩ gốc Tây Nguyên trong suốt 20 năm thoát ly đi tập kết, 20 năm tham gia đấu tranh giành độc lập, để thấy Tây Nguyên tự trị ngày nay tan vào mây khói" (Ya Biloh, "Việt Nam-Đất & Người : Nguyên nhân giải thể Phong trào Tây Nguyên Tự Trị", Thông Luận, 06/2005).

Nguyên cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam còn "tan vào mây khói" thì xá chi cái Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên. Câu hỏi đặt ra là sao mọi người (Kinh cũng như Thượng) lại có thể bị lừa gạt một cách dễ dàng như thế ?

Ở bên này giới tuyến người dân thiếu thông tin hay không ai nhìn ra vấn đề ? Có lẽ cả hai. Hơn chục năm sau, sau thời hạn tập kết, ở miền Nam mới xuất hiện một bài báo ngăn ngắn và chắc cũng chả mấy kẻ để tâm :

"Tập kết theo nguyên tắc : Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng ; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở.

Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam : đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng…

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.

Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954" (Võ Phiến, "Bắt trẻ đồng xanh", Tạp Chí Bách Khoa, 10/1968).

Những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954, những chàng trai ra đi rồi không có lối về, và những chiến sĩ tập kết gốc Tây Nguyên (e) không mấy người còn tại thế. Nếu còn (chắc) cũng chả mấy ai hân hoan, vui sướng hay hãnh diện khi thấy những tượng đài của chuyến tầu tập kết - kỷ niệm của bao chuyện bẽ bàng (hay phũ phàng) hoặc buồn thương và hối tiếc.

RFA đặt câu hỏi : "Có cần thiết xây tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 ?"

Hỏi gì mà lảng nhách, vậy Trời ?

Chớ không "xây" thì lấy gì ra để "cất" ?

Tưởng Năng Tiến

(26/01/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 1072 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)