Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

19/04/2024

Hợp tác văn hóa : Pháp giúp Việt Nam làm nổi bật di sản văn hóa

Olivier Brochet, Thùy Dương

Pháp và Việt Nam đã có 50 năm quan hệ ngoại giao và một thập kỷ quan hệ đối tác chiến lược. Về văn hóa, sự hợp tác Pháp - Việt liên quan đến nhiều lĩnh vực, như âm nhạc, nhiếp ảnh, tổ chức các sự kiện nghệ thuật…

phapviet1

Đai sứ Pháp tại Hà Nội, Olivier Brochet. Ảnh do đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cung cấp © Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội

Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội không chỉ muốn quảng bá văn hóa Pháp đến người dân Việt Nam, nhất là văn hóa đương đại, mà còn muốn giúp Việt Nam tôn cao các giá trị và di sản văn hóa của chính đất nước mình, cũng như khích lệ giới trẻ Pháp đến với đất nước Việt Nam đương đại.

Để hiểu thêm về chiến lược hợp tác văn hóa song phương và những dự án hợp tác ngay tại Việt Nam, trong đó có nhiều dự án mà các địa phương Pháp hỗ trợ đối tác Việt Nam, ngày 08/03/2024, RFI tiếng Việt đã cuộc phỏng vấn đại sứ Olivier Brochet.

**************************

RFI : Thưa đại sứ Olivier Brochet, ông có thể cho thính giả, độc giả của đài RFI tiếng Việt biết đâu là lĩnh vực văn hóa mà Pháp và Việt Nam hợp tác chặt chẽ nhất và có thể nói là mang tính chiến lược nhất ?

Olivier Brochet : Kể từ khi hai nước chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao, và đặc biệt là từ 30 năm trở lại đây, từ đầu những năm 1990, khi Pháp dốc sức và là nước phương Tây đầu tiên làm như vậy để đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, chúng tôi vẫn luôn có cùng cách tiếp cận, theo đó không chỉ đơn giản là làm cho văn hóa Pháp được biết đến ở Việt Nam mà còn là thực sự tạo ra những sự hợp tác để giúp Việt Nam làm nổi bật nền văn hóa của chính mình. Đối với chúng tôi, đây là một thách thức thiết yếu trong hợp tác văn hóa.

Tôi xin nêu vài ví dụ. Chúng tôi đang tích cực hợp tác để quảng bá di sản văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, năm ngoái, chúng tôi đã khép lại năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bằng một sự kiện đặc biệt ở Huế. Sự kiện "Hue By Night" đã thu hút hơn 10.000 khán giả và chương trình mới đây đã được phát sóng trên truyền hình Việt Nam. Tôi tin rằng đó là một thời điểm rất quan trọng và mới mẻ trong việc đề cao giá trị di sản văn hóa và năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Lễ Hội Ánh Sáng, cũng ở cố đô Huế. Chúng tôi cũng hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tôi xin lấy ví dụ về việc quy hoạch vườn quốc gia Cúc Phương.

Đường hướng hợp tác của chúng tôi là nhằm giúp Việt Nam phát triển các sự kiện mới trong lĩnh vực nghệ thuật, ví dụ điển hình là chương trình nhiếp ảnh quốc tế Hà Nội hai năm một lần (Photo Hanoi’23 – Biennale). Sự kiện nhiếp ảnh này diễn ra hồi năm ngoái và chúng tôi cũng đã bắt tay vào hợp tác với các đối tác Việt Nam để chuẩn bị cho sự kiện nhiếp ảnh năm 2025.

Tiếp theo, trong lĩnh vực âm nhạc, tất nhiên là chúng tôi có rất nhiều trao đổi. Tôi xin lưu ý là vào tháng 06 năm 2024 một nhạc trưởng của Pháp sẽ đến Việt Nam. Nhạc trưởng này sẽ chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội hỗ trợ các nhạc sĩ vốn dĩ đã là những người xuất sắc. Tôi đã có cơ hội nghe họ trình diễn nhiều lần. Họ sẽ đặc biệt tập luyện với các tiết mục âm nhạc Pháp với một nhạc trưởng người Pháp. Đây là một ví dụ điển hình về tinh thần hợp tác của chúng tôi.

RFI : Thưa Đại sứ, đâu là những ưu tiên trong năm 2024 của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về hợp tác văn hóa song phương, và đặc biệt là về phía Pháp ? Theo đại sứ, đâu là nét văn hóa Pháp đặc biệt thu hút người Việt Nam ?

Olivier Brochet : Mục tiêu của chúng tôi rõ ràng cũng là đáp ứng được phần nào sự mong đợi của công chúng Việt Nam vốn rất gắn bó với những sự kiện mà chúng tôi tổ chức trong khuôn khổ hợp tác văn hóa Pháp - Việt. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng tạo ra một chút bất ngờ, và đúng ra là nhằm hiện đại hóa hình ảnh mà mọi người có thể có về nền văn hóa Pháp, để họ có những cảm nhận về văn hóa đương đại.

Chính vì thế mà ở Hà Nội, cũng như tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác, có nhiều tác giả, nhà văn được mời đến. Tôi không thể liệt kê hết tất cả, nhưng chẳng hạn, chúng tôi mời một nữ họa sĩ truyện tranh, người đã viết một cuốn sách kể về cuộc đời của mẹ cô. Bà ấy là người đã tham gia kháng chiến trong những năm 1960-1970 tại Việt Nam. Đó là một cuốn truyện tranh rất hay, có thể nói là mang phong cách Pháp-Việt, bởi vì đó là tác phẩm của một họa sĩ truyện tranh người Pháp và một một tác giả người Việt Nam.

Chúng tôi cũng hợp tác về múa đương đại, cả về nhảy Break Dance, đặc biệt với một sự kiện được lên kế hoạch tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 tới đây. Tại sao lại là về Break Dance ? Bởi vì đó vừa là một lối thể hiện, biểu đạt thực sự rất hiện đại dành cho giới trẻ, nhưng đó cũng là vì Break Dance sẽ là một môn thi đấu tại Thế Vận Hội Olympic Paris sắp tới. Đó là một số ví dụ về các hoạt động hợp tác.

Tôi xin mời quý thính giả của đài theo dõi các chương trình của chúng tôi trên trang web của Viện Pháp tại Việt Nam. Trên trang đó, hàng ngày, hàng tuần chúng tôi đều đăng tải thông tin về các hoạt động sắp diễn ra.

RFI : Hợp tác cấp địa phương giữa hai nước Pháp và Việt Nam được xem là giữ một vai trò có thể nói là tiên phong trong hợp tác văn hóa song phương ?

Olivier Brochet : Như quý vị biết đấy, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam rõ ràng là mối quan hệ mang tính định chế, ý tôi là quan hệ giữa hai Nhà nước, và có nhiều điều được thực hiện ở cấp Nhà nước. Thế nhưng ngay từ đầu thì đã có những mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau về con người, trước hết dựa trên mong muốn của người dân ở cả hai bên là cùng nhau làm nhiều điều và một cách rất tự nhiên, thoải mái và điều này đã được thể hiện qua việc hợp tác phi tập trung (Hợp tác giữa các địa phương), bởivì từ phía Pháp, có nhiều thành phố, nhiều vùng đã muốn thiết lập các mối quan hệ như vậy với các đối tác Việt Nam. Điều này cũng giúp thường xuyên phối hợp, kết nối cộng đồng người Việt, người gốc Việt ở Pháp tham gia vào các dự án này.

Có đủ loại dự án, nhưng tôi không thể kể hết mọi dự án hợp tác cấp địa phương giữa hai nước chúng ta. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ : Cách nay ít lâu ở Huế chẳng hạn, tôi đã thấy những điều mà các thành phố của Pháp như Cergy, Poitiers, Rennes đã hợp tác với Huế, trong nhiều lĩnh vực, như trong lĩnh vực giáo dục, trong lĩnh vực văn hóa, với nhiều dự án chung.

Cũng xin nói rõ là trong những dự án hợp tác cấp địa phương này, thường thì không đơn giản chỉ là về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Những chương trình hợp tác này mang đến những điều rất cụ thể và rất hữu ích. Tôi xin nêu ví dụ ngay tại Hà Nội về sự hợp tác với vùng Ile-de-France (tức là thủ đô Paris và vùng phụ cận). Quan hệ hợp tác này thì đã có từ rất lâu rồi và có rất nhiều. Và hiện tại thì đang có dự án chung mang tên "Moov’Hanoi". Đây là dự án để phát triển kế hoạch giao thông bền vững ở Hà Nội, dĩ nhiên là với sự phát triển của các tuyến tàu điện, nhưng tất cả đều phải xoay quanh việc cải thiện giao thông công cộng.

Một ví dụ khác : Cách nay vài ngày, tôi đã đến Quy Nhơn, miền nam Việt Nam. Tôi đã đi tham quan những dự án rất cụ thể do Cơ quan quản lý nước Rhin-Meuse ở miền đông nước Pháp, thực hiện. Đó là những dự án liên quan đến làm sạch nước và là những dự án rất cụ thể. Và tôi cũng đã đến thăm những trường học mà các khu nhà vệ sinh đã được cải tạo lại hoàn toàn nhờ sự hợp tác ở cấp địa phương với nhau, để bảo đảm tiện nghi cho các em và nhân viên của các trường.

RFI : Theo đại sứ, những điểm mạnh nào trong quan hệ Pháp - Việt đã tạo thuận lợi cho hợp tác văn hóa giữa hai nước ? Và những trở ngại ?

Olivier Brochet : Điểm mạnh, dĩ nhiên là ở chỗ giữa hai nước chúng ta đã chia sẻ một giai đoạn lịch sử chung, với những thời điểm bi thảm, nhưng lịch sử đã khiến chúng ta có sự thấu hiểu lẫn nhau về nhiều chủ đề. Tôi đã có thể nhận ra điều đó từ khi tôi nhậm chức ở Việt Nam. Có những cơ sở để chúng ta hiểu nhau hơn và tôi tin rằng đó là một lợi thế.

Lợi thế thứ hai, điểm mạnh thứ hai đối với chúng tôi là tất cả những việc chúng ta đã làm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Và đặc biệt là từ 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra được một sự tin tưởng lẫn nhau thực sự, giữa hai dân tộc và giữa giới lãnh đạo của hai nước. Và sự tin tưởng đạt được đã khiến đôi bên có mong muốn chung là thực sự củng cố, tăng cường quan hệ đối tác Pháp - Việt. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc trao đổi giữa tổng thống Pháp với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái, theo đó, tổng thống Pháp đã yêu cầu chúng tôi tiến hành hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, tất nhiên là trong đó có lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi hiện giờ đang ở đúng tâm điểm mong muốn tiếp tục cuộc phiêu lưu đặc biệt trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.

cản, tôi tin rằng có rào cản về khoảng cách địa lý. Chắc chắn đây là một khó khăn. Mỗi trao đổi, mỗi dự án hợp tác đều cần có sự quyết tâm của cả đôi bên để có thể tìm ra các phương tiện để phát triển các mối quan hệ. Hiện nay thì đã có các công cụ khác cho phép chúng tôi làm việc với nhau dễ dàng hơn, kể cả từ xa. Chúng ta cần tận dụng điều này.

Tiếp theo là về ngôn ngữ, chắc chắn đó cũng có thể là một rào cản tiềm tàng. Vì thế, tất cả những gì có thể được thực hiện để phát triển việc sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam đều sẽ là hữu ích. Và cũng vì thế mà chúng tôi đã khích lệ giới trẻ Pháp học tiếng Việt.

Xin nói để quý vị biết là về phía chúng tôi, điều đại sứ quán chúng tôi muốn và chúng tôi đang khởi động dự án này, là tái thúc đẩy các nghiên cứu sinh trẻ của Pháp hay các sinh viên Pháp quan tâm hơn đến Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kinh tế… từ đó khiến ngày càng có thêm nhiều thanh niên Pháp đến Việt Nam để thực sự hiểu hơn về Việt Nam đương đại.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, đã tham gia chương trình !

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 19/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Olivier Brochet, Thùy Dương
Read 775 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)