Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/04/2024

Phim Cảm tình viên : đóng phim xong, đi Mỹ định cư liền

BBC tiếng Việt

Johnny Huy, một người Hmong tị nạn tại Thái Lan, đảm nhận việc coi sóc nhóm diễn viên quần chúng người Việt trong phim The Sympathizer (Cảm tình viên) chia sẻ về chuyện hậu trường phim cũng như những cơ duyên giúp anh được đi Mỹ định cư.

dongphim1

Johnny Huy (phải) chụp cùng đạo diễn phim Cảm tình viên, ông Park Chan-wook

Loạt phim dài bảy tập, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đoạt giải Pulizer của nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, sẽ được phát hành vào tối 14/4 theo giờ Mỹ.

Việt Nam nằm bên ngoài bản đồ phát hành của hãng HBO vì những lý do liên quan đến chính trị.

Cũng vì lý do chính trị mà đoàn làm phim đã phải bấm máy tại Mỹ và Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023, dù trong kế hoạch sản xuất, Việt Nam từng là lựa chọn hàng đầu về địa điểm quay.

Nhưng cũng chính điều này đã mở ra cơ hội cho hơn 100 người Việt tị nạn ở Thái Lan có được một cơ hội góp mặt trong series phim Hollywood về đề tài Chiến tranh Việt Nam.

Nội dung phim xoay quanh cuộc đời thăng trầm của một điệp viên nhị trùng mang hai dòng máu Pháp-Việt, từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách của một cảm tình viên.

Johnny Huy (tức Vàng Seo Giả), người dân tộc Hmong phụ trách nhóm diễn viên quần chúng, đã tiết lộ chuyện hậu trường thú vị khi anh có cơ duyên đồng hành cùng đoàn phim trong thời gian phim quay tại Thái Lan.

dongphim2

Johnny Huy chụp cùng diễn viên chính Hoa Xuande

Từ vai quần chúng thành ‘tổng quản’

Johnny Huy là người dân tộc Hmong đã tị nạn tại Thái Lan từ tháng 2/2018 vì những hoạt động đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tháng 11/2022, Huy bất ngờ đọc được thông tin có đoàn phim đang tuyển diễn viên quần chúng cho phim Cảm tình viên trên nhóm Facebook Hội người Việt ở Thái Lan.

dongphim3

Johnny Huy chụp chung với một số diễn viên quần chúng trong phim

Với niềm đam mê phim ảnh, thường làm những video ngắn giải trí và cũng từng đóng các vai quần chúng trước đó, Huy "như vớ được vàng". Anh nhanh chóng liên lạc với bên đăng tuyển và đi thử vai.

"Tôi là người thử vai đầu tiên. Khi đó, họ cần rất nhiều người, có thoại và không thoại nên tôi đóng cả hai và họ dùng tôi làm mẫu cho các bạn người Việt khác. Sau đó, tôi cũng quen được bên phụ trách tuyển diễn viên quần chúng và họ nhờ tôi tìm người. Tôi nhận lời vì ở Bangkok cũng lâu, tôi quen cả người Kinh lẫn người Thượng, người Hmong nên việc này không quá khó", Huy cười tươi khi nhớ lại cơ duyên với bộ phim.

dongphim4

Một phân cảnh trong phim về trại cải tạo

Công việc tìm kiếm người, theo Huy, là điều anh rất thích và cũng là dịp được tiếp xúc hơn với những người đứng sau hậu trường phim Hollywood - điều mà những người đam mê phim ảnh như anh hằng khao khát.

"Trong suốt một tháng, từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2022, tôi có dịp được làm việc với một số người trong đoàn phim để lo khâu tuyển diễn viên quần chúng. Riêng tôi thì may mắn có được một vai có thoại. Nhưng đáng tiếc là sau đó, đạo diễn đã cắt phân cảnh đó nên vai của tôi không còn trong phim", anh Huy chia sẻ với vẻ tiếc nuối.

Kinh phí sản xuất phim không được đài HBO tiết lộ nhưng ông Don McKellar, đồng đạo diễn với ông Park Chan-wook, trả lời trên tờ The New York Times rằng "chắc chắn là khoản tiền lớn đối với ông".

Vai diễn bị cắt đó dù chỉ có lời thoại ngắn nhưng Huy nhận được tiền thù lao 10.000 baht (7 triệu đồng).

Thời điểm phim bấm máy tại Thái Lan vào tháng 3/2023, với nhóm diễn viên quần chúng là người tị nạn gốc Hmong, Kinh, Thượng khá đông như vậy, đoàn làm phim cần một người giúp việc quản lý, phiên dịch. Huy may mắn được giao công việc "tổng quản" này.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã từng bày tỏ sự hãnh diện khi có đến 90% vai diễn trong phim là diễn viên người Việt từ các châu lục khác nhau như Hoa Xuande, Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Phan Xine, Toan Le, Kayli Tran, Fred Nguyen Khan, Vy Le, Alan Tong…

Trên Facebook cá nhân, tài tử đoạt giải Oscar Robert Downey Jr, người đảm nhận nhiều vai phụ cùng lúc trong phim, mới đây đã chia sẻ bức ảnh chụp cùng dàn diễn viên gốc Việt.

Có người chỉ ra điểm thú vị là Robert Downey Jr đã nhường "tâm điểm" cho diễn viên chính Hoa Xuande.

Theo anh Huy, đây là bộ phim có nhiều sự góp mặt của người Việt tị nạn vì gần như 100% các diễn viên quần chúng, với khoảng độ 100 người, đều là dân tị nạn.

Cũng có một số người nhận được vai diễn với thời lượng kha khá, có khi có cả thoại.

Tiếp sau vai diễn có thoại lúc đầu là quản giáo của trại tù cải tạo (mà về sau bị cắt), Huy còn được đạo diễn giao cho một vai quần chúng có thoại khác nữa, nhưng ít đất diễn hơn.

"Tôi đóng vai một người gây gổ với một anh lính Mỹ. Bối cảnh lúc đó là trong một trại tị nạn. Sau khi Sài Gòn thất thủ thì chúng tôi chạy đến một căn cứ quân sự của Mỹ và vì không có nhà vệ sinh nên có người phóng uế lung tung. Tôi khó chịu với điều đó và la lối với anh lính Mỹ".

"Với vai quần chúng tầm một, hai phút trên phim thì tôi được trả 100 USD, nhưng quan trọng là trải nghiệm cực kỳ vui. Tôi cảm thấy rất là vinh hạnh khi được xuất hiện một chút trong một bộ phim như vậy", anh Huy tâm sự.

Đóng phim xong đi Mỹ định cư

Theo chân đoàn phim gần hai tháng, đi từ miền nam Thái Lan đến Bangkok, Johnny Huy chia sẻ anh "choáng ngợp trước quy mô khủng" của đoàn cũng như sự làm việc nghiêm túc của dàn diễn viên chính và cameo (vai quần chúng).

"Tôi có cơ hội gặp những anh chị là diễn viên nổi tiếng bay từ Việt Nam, Hoa Kỳ sang Thái Lan để đóng phim. Những người mà trước đó mình chỉ thấy trên báo đài. Như chị Kỳ Duyên, cô Kiều Chinh và đặc biệt anh diễn viên chính Hoa Xuande rất thân thiện, không hề có bệnh ngôi sao. Họ còn ăn uống với chúng tôi và đó là những trải nghiệm tôi không bao giờ quên", Huy bộc bạch.

"Phải nói quy mô, đẳng cấp của đoàn phim là rất đáng ngưỡng mộ. Tôi thấy họ thuê từ diễn viên, bối cảnh, xe cộ, máy móc phải nói là hoành tráng. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một đoàn phim mà với bối cảnh được đầu tư với hàng ngàn xe cộ như vậy. Nếu phim này được quay ở Việt Nam thì sẽ đem lại nguồn thu rất lớn nhưng đáng tiếc là lại đổ tiền cho đất nước Thái Lan".

dongphim5

Bối cảnh Việt Nam được dựng lại tại Thái Lan

Bộ phim không được chính quyền Việt Nam hoan nghênh ngay từ khi bấm máy, như cách mà họ đã đối xử với cuốn tiểu thuyết gốc.

Cả nhà văn Nguyễn Thanh Việt và đạo diễn Park Chan-wook đều nói rõ rằng The Sympathizer không ủng hộ chính quyền Bắc Việt hay chống Mỹ.

Theo nhà văn gốc Việt, một số lời lên án gay gắt trong cuốn tiểu thuyết là nhằm vào chính phủ Việt Nam, dẫn đến việc sách bị cản trở trong hành trình xuất bản ở trong nước.

Khi lên kế hoạch sản xuất, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức để bộ phim được bấm máy ở Việt Nam. Họ đã gửi hàng trăm lá thư đến cơ quan chức năng nhưng không được phép nên cuối cùng phải chọn Thái Lan để thay thế.

"Tôi cho rằng họ [chính phủ Việt Nam] không vui", Don McKellar, đồng đạo diễn với Park Chan-wook, nói với Tạp chí Time.

Johnny Huy nói với BBC rằng gần tới những ngày cuối khi hết vai của các diễn viên quần chúng thì có một người Việt Nam xuất hiện tại đoàn phim.

"Một bộ phim như vậy quay ở Thái Lan thì tôi nghĩ chính quyền Việt Nam cũng muốn biết cộng đồng người Việt làm gì, đóng phim ra sao. Một anh bạn người Thái của tôi nói có một anh người Việt sống tại Thái Lan muốn đến xem đoàn phim. Anh bạn người Thái cho tôi coi Facebook của người đó thì tôi thấy anh ta có ảnh chụp với Bộ trưởng Công an Việt Nam".

"Họ cũng không hỏi gì, chỉ giới thiệu là người Việt, thấy ở đây đóng phim nên tò mò muốn đến xem. Sau cuộc gặp mặt, tôi thấy anh này xóa hết các ảnh với ông Tô Lâm trên Facebook", anh Huy kể với BBC.

dongphim6

Một số hình ảnh ở phim trường Thái Lan

Bên cạnh niềm đam mê đóng phim, Johnny Huy còn là một nhà hoạt động tự do tôn giáo cho người Hmong.

Năm 2017, cháu ruột của anh tử vong sau năm ngày làm việc tại một đồn công an ở tỉnh Đắk Lắk. Theo anh Huy, thi thể cháu anh đầy vết bầm nhưng công an khi đó nói là cháu anh tự tử.

"Gia đình tôi làm đơn kiện từ trung ương đến địa phương nhưng không được giải quyết mà còn bị đe dọa nhiều lần. Sau đó tôi đến Philippines, Thái Lan tham gia một số hội nghị về tự do tôn giáo và lên tiếng về trường hợp của cháu tôi. Khi về thì tôi bị công an sách nhiễu và tôi cùng một số thành viên phải chạy sang Thái Lan tị nạn vào năm 2018. Từ đó, tôi quyết định dấn thân vào việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bằng cách thành lập Hmong Human Rights Coalition (Liên minh Nhân quyền Người Hmong), vì Việt Nam ngày càng đàn áp tôn giáo, đặc biệt là những người Hmong cải đạo sang Tin Lành".

Tháng 12/2022, Johnny Huy được Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc về Người tị nạn phỏng vấn tái định cư.

"Khi tham gia bộ phim, tôi vô tình phát hiện người làm thông dịch viên cho hồ sơ của tôi ở Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là người có liên quan đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và chính quyền Việt Nam nên tôi thấy nó ảnh hưởng đến an nguy của tôi và gia đình. Người này cũng là người dẫn nhóm sứ quán Việt Nam thăm cộng đồng người Thượng, người Hmong tị nạn tại Thái Lan. Sau đó, tôi đã lập các bằng chứng, nhờ cựu Đại sứ Mỹ tại Timor-Leste là ông Grover Joseph Rees nêu vấn đề với Liên Hiệp Quốc vào khoảng tháng 6/2023".

dongphim7

Gia đình Johnny Huy đi Mỹ định cư vào tháng 2/2024

"Tới tháng 9/2023, tôi được phỏng vấn tái định cư với Đại sứ quán Mỹ và cũng nêu quan ngại về sự an toàn của mình cũng như cộng đồng người Hmong tại Thái Lan. Tới tháng 2/2024, cả gia đình tôi được sang Mỹ định cư. Theo nhiều người nhận xét thì đây là một quá trình khá nhanh, không rõ có sự thúc đẩy hồ sơ nào không nhưng tới nay, chúng tôi không nhận được phản hồi nào từ Liên Hiệp Quốc".

Hiện giờ, Huy cùng gia đình đã an toàn tại Mỹ và khi kể về kỷ niệm đi với đoàn phim Cảm tình viên, Huy nói rằng gia đình anh chắc chắn sẽ mua gói HBO để được coi toàn bộ bảy tập phim.

"Đây là bộ phim mang cho tôi nhiều cảm xúc, cơ duyên và những kỳ ngộ hiếm hoi trong đời", Huy chia sẻ.

Nguồn : BBC, 15/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 989 times

1 comment

  • Comment Link Bùi Quang Lưu samedi, 27 avril 2024 11:48 posted by Bùi Quang Lưu

    Tôi chưa xem phim nhưng đã đọc bản dịch tiếng Việt của tiểu thuyết này. Chưa nói đến chuyện hay dở nhưng tôi thấy một điều không đúng sự thật là chuyện vợ con những người bị tù cải tạo phải hối lộ tiền vàng và thậm chí cả tình dục mới được vào thăm chồng, cha mình!
    Cũng như nhiều người miền Nam, tôi cũng có rất nhiều bà con họ hàng, người quen đi tù cải tạo mà đâu thấy ai nói gì về chuyện đó?
    Hiện đang có rất nhiều gia đình có người bị tù cải tạo rồi đi HO sống tại Mỹ, có ai dám xác nhận là có chuyện đó không?
    Thêm nữa là chuyện tra tấn, tôi cũng nghi ngờ chuyện này lắm. Tôi đã đọc hết hồi ký THÉP ĐEN của điệp viên Đặng Chí Bình, trong đó tuyệt nhiên không thấy nói gì về chuyện tra tấn.
    Có thể thông cảm vì tác giả Thanh Viet Nguyen không biết đọc tiếng Việt nên ông ta kê ra danh mục tra cứu về các trại tù cải tạo, thấy có 3 tác phẩm của tác giả người VN nhưng viết bằng tiếng Anh. Giá mà tác giả biết tiếng Việt thì nên tra cứu hồi ký của chính những người tù cải tạo thí dụ như MỘT KHOẢNH VNCH NỐI DÀI của Tạ Chí Đại Trường, HỒI KÝ CẢI TẠO của nhà văn Duyên Anh, HỒI KÝ CẢI TẠO của đại tá Nguyễn Huy Hùng thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị VNCH và nhất là hồi ký THÉP ĐEN của điệp viên Đặng Chí Bình.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)