Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

11/04/2024

Có nên tái hiện một Hà Nội ngàn năm văn hiến ?

RFA tiếng Việt

Lãnh đạo Chính phủ và cả lãnh đạo thủ đô Hà Nội đều mong muốn đưa Hà Nội trở thành trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng ; tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến…thế nhưng các chuyên gia và người dân thủ đô cho rằng, điều đó là viển vông.

hanoi1

Hà Nội năm 1939 - AFP

Tầm nhìn của lãnh đạo

Mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030 trong quy hoạch thủ đô Hà Nội được ông Dương Đức Tuấn – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông báo hôm 9/4 là "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới ; là trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới ; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.

Cũng trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn sẽ tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm của ông với RFA :

"Đồng bằng sông Hồng khác hẳn miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. "Trên bến dưới thuyền" là do Trịnh Hoài Đức viết trong quyển "Gia Định Thành Thông Chí" miêu tả cuộc sống, thương mại của Nam kỳ lục tỉnh trước năm 1820. Nếu chỉ đạo mà không biết rõ văn hóa, khoa học như thế thì chỉ đạo cái gì ?

Nhìn lại 14 năm trước, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã có rất nhiều kế hoạch được xem là hoành tráng về văn hóa, về kinh tế. Nhưng 14 năm qua, ngót nghét ba nhiệm kỳ Ban chấp hành trung ương đảng, gần tròn ba nhiệm kỳ của Quốc hội, đã làm được những gì trong kế hoạch đề ra này ? Bây giờ lại tiếp tục đề ra kế hoạch tái hiện Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn kết với không gian văn hóa, kinh tế đồng bằng sông Hồng. Phải dựa trên tiêu chí nào, dựa trên những thành quả nào đã đạt được từ năm 2010 đến nay để đưa mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, chứ không phải nói cho có nói !"

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc lập quy hoạch phải trên cơ sở đánh giá chính xác thực trạng thành phố về nhiều mặt như tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải, tỷ lệ cây xanh, mặt nước không đạt yêu cầu. Ngoài ra, về chỉnh trang đô thị, Hà Nội cần khắc phục tình trạng cơ quan hành chính nằm lẫn trong khu dân cư, thương mại, dịch vụ ; cần tạo sự kết nối giữa nông thôn và đô thị.

Một số người mà RFA trò chuyện, cho rằng, để tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến cần nhiều yếu tố, trong đó có vật chất, có văn hóa và hồn cốt của người Hà Nội. Và đây là điều không thể tái hiện. Nhà thơ Hoàng Hưng, một người Hà Nội, nói với RFA suy nghĩ của ông về mong muốn tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến :

"Gọi là tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến thì nó lớn quá. Các kinh đô của Thăng Long xưa bị đập phá quá nhiều lần rồi. Triều này lên lại đập những cái của triều đại trước. Còn lại có bao nhiêu đâu. Nghìn năm văn hiến thì cái truyền thông văn hóa là quan trọng. Làm cách nào mà khôi phục được khi điều quan trọng nhất là cư dân. Văn hiến hình thành qua bao nhiêu thế kỷ nếp sống của người Hà Nội, nhưng sau 1954 thì công-nông-binh họ về tiếp quản. Điều này cơ bản thay đổi nếp sống của người Hà Nội. Đến đợt thứ hai là thập niên 80, thời kỳ đổi mới, một lớp người nữa tràn về thành phố.

Theo tôi, không thể tái hiện một Hà Nội ngàn năm văn hiến thì bản thân xã hội cũng thay đổi quá nhiều rồi. Có lẽ nói chính xác là phải xây dựng một Hà Nội văn minh của thời đại mới. Phải tạo ra một tầng lớp tinh hoa, tinh tuyển của xã hội. Xây dựng một nếp sống mới của thời đại mới chứ không thể tái hiện Hà Nội như xưa được".

Người dân tự vận động

Ông Vũ Minh Trí, một người dân Hà Nội nhận định về việc tái hiện một Hà Nội nghìn năm văn hiến :

"Mọi việc luôn vận động, phát triển chứ không đứng yên một chỗ. Nói tái hiện Hà Nội nghìn năm văn hiến là điều hết sức viển vông, và thậm chí tôi nghĩ, trong một số trường hợp nó còn có tính chất vụ lợi. Cũng có thể vì nhu cầu tiêu tiền, giải ngân mà người ta phải vẽ ra những dự án. Tôi nghĩ rằng để tái hiện lại Hà Nội nghìn năm văn hiến thì trước hết họ phải nêu ra được cái nghìn năm văn hiến đấy nó gồm những giá trị về mặt vật thể và phi vật thể gì thì mới có thể tái hiện được, mà phi vật thể là điều rất khó.

Trong cuộc sống, mọi thứ luôn xuất hiện thay thế cái cũ. Không nên lưu giữ những thứ mà bây giờ chẳng ai cần, chẳng ai xem. Thế cho nên tôi nghĩ rằng, bản thân mỗi người nên cố gắng duy trì nét văn hóa, văn minh của bản thân mình, gia đình mình sao cho phù hợp với đời sống hiện đại thì những giá trị cũ còn tính thuyết phục sẽ được giữ gìn. Không trông đợi vào chính quyền hay vào ai khác".

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tái tạo một Hà Nội nghìn năm văn hiến, về mặt vật thể, những công trình xưa không thể tạo dựng khi không đủ dữ liệu, tốn kém, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Có những khu phố cổ không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay mà cứ duy trì thì cũng khổ cho dân, nên chăng chỉ tái hiện những căn nhà mẫu để lưu giữ một thời kỳ nào đó. Điều này có thể thấy qua sự kiện 78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký tên trên lá đơn xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước, hồi tháng 5 năm 2023.

Cùng với đó, một số công trình được lên kế hoạch tái tạo bị người dân cho là chỉ gây tốn kém chứ không mang lại lợi ích gì. Chẳng hạn như kế hoạch chi 1.480 tỷ đồng cho dựng lại hệ thống thủy văn thời An Dương Vương quanh khu vực Cổ Loa và 1.800 tỷ đồng để phục dựng điện Kính Thiên. Dự án này được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học lên tiếng cho rằng không thể phục dựng vì ‘không biết mặt mũi điện Kính Thiên thời Lý Trần ra sao !’

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từng nói với RFA rằng, tuyên ngôn lúc đầu của chủ nghĩa cộng sản là đoạn tuyệt một cách triệt để với các giá trị truyền thống. Họ cho rằng trước khi có cộng sản thì con người không phải là con người. Vì thế cho nên họ đốt tất cả mọi truyền thống. Ông dẫn lại mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ :

Bài ca tháng Mười

Thuở Anh chưa ra đời

Trái đất còn nức nở

Nhân loại chửa thành người

Đêm ngàn năm man rợ.

...

Từ khi Anh đứng dậy

Trái đất bắt đầu cười

Và loài người, từ đấy

Ca bài ca Tháng Mười !"

Nguồn : RFA, 11/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)