Tạp chí Tuyên giáo hôm 4/6/2024 có bài nêu quan điểm và giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ảnh minh họa chụp tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2023. AFP Photo
Theo bài viết này, phải coi an ninh văn hóa là phần quan trọng của an ninh quốc gia. Vì vậy, đảm bảo an ninh văn hóa cũng là đảm bảo an ninh của quốc gia ; mặt trận văn hóa cũng là một mặt trận trọng yếu của công tác an ninh…
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học sống tại Bỉ, người đã có 15 năm làm việc tại Việt Nam với mục đích giúp đất nước phát triển, hôm 5/6/2024 cho RFA biết ý kiến :
"Đây là một quan niệm xuất phát từ tinh thần toàn trị của chế độ, ở một nước mà văn hóa phải dựa trên quan điểm cực đoan và những sinh hoạt văn hóa chất chứa nhiều tuyên truyền chính trị. Họ vẫn coi văn hóa là một cái có thể liên quan đến sự sống còn của chế độ. Tôi nghĩ cái đó không làm tôi ngạc nhiên, đây là một hệ quả của một tính cách chung… Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực lớn, có thể là văn chương, văn nghệ, lịch sử, ngay cả có thể là khoa học".
Cho nên chính cái quan điểm mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho là giáo điều này, theo ông đã ngăn cản sự phát triển về văn hóa của người Việt.
Bài viết trên Tạp chí Tuyên Giáo hôm 4/6/2024 còn cho rằng, phải đảm bảo khoa học, hài hòa, chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa. Không thể quay lại thời kỳ "bế quan tỏa cảng", nhưng cũng không được phép buông lỏng, mất cảnh giác… Vì nếu buông lỏng sẽ dẫn đến sự chệch hướng, mở đường cho "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ bên trong...
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 5/6/2024 :
"Không quan trọng cái nhãn, mà quan trọng nội dung bên trong là cái gì ? Dán cái nhãn ‘phải bảo vệ di tích’ thì dễ dàng được người ta đồng ý, nhưng việc bảo vệ di tích lại bằng phá hoại di tích… thì cái đó là vấn đề. Nói là bảo vệ văn hóa cho nên có an ninh văn hóa, có những cái Cục ở Bộ Công an chuyên về văn hóa, gọi là an ninh văn hóa. Những người đó đi làm, thường thường dò xét, theo dõi văn nghệ sĩ… Có những trường hợp họ làm không phải là sai, nhưng có trường hợp là sai rõ ràng. Mà trong lịch sử Việt Nam thì biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã bị công an trừng trị, chúng ta biết cả".
Tóm lại theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, vấn đề không phải là cái nhãn an ninh văn hóa, hay bảo vệ di tích… cái nhãn không quan trọng lắm, quan trọng là đằng sau đó họ làm gì ?
Một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 5/6/2024 nhận định với RFA dưới một góc nhìn khác :
"Thứ nhất văn hóa Việt Nam hiện nay đã được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xác định là văn hóa xã hội chủ nghĩa, tức là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là một chủ nghĩa ngoại lai, như vậy văn hóa xã hội chủ nghĩa là một văn hóa ngoại lai. Tức là văn hóa không có nguồn cội của người Việt Nam, mà vay mượn ở nước ngoài. Vì vậy văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nó không học hỏi, mà nó chỉ là học đòi, vì vậy nó làm cho méo mó về nếp sống, nếp văn hóa của người Việt Nam. Đặc trưng dễ thấy nhất là hầu hết người dân đặt tiền tài và địa vị lên cao nhất. Chính nét văn hóa xã hội chủ nghĩa này đã hủy hoại cái quan trọng nhất, chính là nền tảng gia đình".
Thứ nhì, theo Nhà báo này, văn hóa Việt Nam hiện nay là một văn hóa không triết lý, chính vì vậy nó không có tính bảo tồn, mà chỉ là tính "ăn xài" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nền văn hóa của ông cha người Việt Nam để lại. Ông nói tiếp :
"Thứ ba là văn hóa Việt Nam hiện nay không tôn trọng lịch sử, mà chỉ ca ngợi một chiều. Do đó văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay không có tính trung thực. Cái thứ tư, văn hóa Việt Nam hiện nay gần như là mang nặng tính chính trị từ trong nước ra tới hải ngoại. Bằng chứng mới nhất là đôi vợ chồng nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và cô vợ là ca sĩ Ngọc Mai. Họ chỉ cần dính vô hình ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ, là bị lên án chỉ chích, gia đình của đôi nghệ sĩ này ở Việt Nam hiện nay rất lao đao…".
Nhà báo này cho rằng, việc này mang động cơ chính trị quá nặng, xét về góc độ văn hóa. Thứ năm theo ông này văn hóa Việt Nam hiện nay không có tính thiện lương phản ánh qua vấn đề tôn giáo từ vụ việc mới nhất liên quan việc hàng trăm người dân kéo theo ông Thích Minh Tuệ. Nhà báo kết luận :
"Vì vậy nói tóm lại, văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay về vật thể bị tàn phá và hủy hoại quá nặng. Còn về phi vật thể thì nó không có tính bảo tồn, mà nó mang nặng tính lai căng, đua đòi. Vì một nền văn hóa vật thể và phi vật thể như vậy cho thấy hồn cốt của văn hóa Việt Nam hiện nay bị hủy hoại gần hết, đó là một nền văn hóa mất phương hướng, tức là một nền văn hóa bật gốc, chao đảo… Như vậy cho thấy không trông mong gì vào vấn đề an ninh cho văn hóa".
Và chính vì an ninh văn hóa của ban tuyên giáo đưa ra như vậy, theo Nhà báo này, lại càng cho thấy cơ hội của văn hóa ngoại lai xâm nhập, thôn tính vào Việt Nam một cách mãnh liệt, ít nhất hơn 25 năm qua. Thực trạng đó làm cho văn hóa của Việt Nam trở nên bê bối, bừa bãi và dân tộc tính của người Việt Nam bị xói mòn.
Nguồn : RFA, 05/06/2024