Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

12/08/2024

Paris bên bờ tả ngạn

Nguyễn Văn Huy

Kho tàng di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Paris đều nằm ở hai bên bờ sông Seine. Những di tích trên bờ tả ngạn phần lớn đã có từ thời Trung Cổ, được tân trang và cải tiến dần với thời gian, và tồn tại cho đến ngày nay. Có bảy khu vực chính cần được đi thăm : Quartier des Invalides và la Tour Eiffel, Quartier Saint Germain des Prés, Quartier Latin, Quartier du Luxembourg, Quartier du Jardin des Plantes, Montparnasse và Quartier chinois.

paris01

Paris bên bờ tả ngạn

Khu Invalides và Tháp Eiffel (quận 7)

Khu vực này nổi tiếng với hai kiến trúc độc đáo đối lập hẳn nhau : điện Ivalides và tháp Eiffel, với hai thảm cỏ rộng nhất Paris : Champs de Mars và Esplanade des Invalides.

Les Invalides (Avenue de Tourville) là một khu nhà rộng lớn (13 hecta) dành cho quân đội được vua Louis XIV giao cho Libéral Bruant xây dựng, từ 1671 đến 1676, để chăm sóc thương phế binh. Invalides có nghĩa là phế tật. Năm 1677 Jules Hardouin-Mansart xây một ngôi nhà thờ ở giữa các dãy nhà cho vua và thương bệnh binh cầu nguyện (nhà thờ Saint Louis des Invalides) với một nóc vòm đồ sộ hình tròn mạ vàng đẹp nhất Paris (Dôme des Invalides). Trong hai cuộc thế chiến, khu Invalides được biến thành quân y viện.

Năm 1890, 19 năm sau ngày từ trần, hài cốt Napoléon đệ I được cải táng ngay dưới nóc vòm Invalides ; mộ phần Napoléon bằng đá đỏ do điêu khắc gia Joachim Visconti thực hiện trong suốt 27 năm (xong năm 1861). Từ đó, hài cốt các tướng lãnh có công với đất nước (Sébastien Le Prestre de Vauban, Joseph Bonaparte, Foch, Lyautey) đều được mang về cải táng dưới nóc vòm này. Ngày nay khu Invalides trở thành văn phòng của tổng tư lệnh quân đội Paris và những văn phòng hưu bỗng của quân đội, với ba viện bảo tàng : bảo tàng Huân Chương Giải Phóng (1946) cất giữ những bằng khen và hình ảnh kháng chiến chống Đức, bảo tàng Địa Đồ thành phố Paris với bộ sưu tầm mô hình của vua Louis XIV và bảo tàng Quân Đội trưng bày các loại vũ khí, đặc biệt là những công trạng của Napoléon I. Cửa vào chính diện là một khu vườn cắt tỉa gọn đẹp trưng bày các khẩu đại bác đầu thế kỷ 18.

paris02

Năm 1890, 19 năm sau ngày từ trần, hài cốt Napoléon đệ I được cải táng ngay dưới nóc vòm Invalides ; mộ phần Napoléon bằng đá đỏ do điêu khắc gia Joachim Visconti thực hiện trong suốt 27 năm (xong năm 1861).

Cách đó không xa là Hôtel Matignon (57 rue de Varenne), được xây dựng năm 1721 bởi Jean Courtonne và hoàn tất bởi con gái vị hoàng tử Monaco, bà này sau đó có tên là bà nam tước de Matignon. Từ 1959 trở đi ngôi nhà này trở thành Phủ thủ tướng, nơi cư ngụ và làm việc của thủ tướng nước Pháp.

Đối diện với bờ sông và cầu Concorde là Assemblée nationale (Hạ Viện), còn gọi là Palais de Bourbon (126 rue de l'Université). Tòa nhà to lớn này được kiến trúc theo kiểu La Mã, xây năm 1722 và hoàn tất năm 1728, là nơi cư ngụ của bà bá tước de Bourbon (con gái vua Louis XIV), sau đó bị tịch thu dưới thời cách mạng để làm nơi hội họp của Conseil des Cinq cents (Hội đồng 500 đại biểu nhân dân) và cuối cùng trở thành tòa nhà quốc hội cho tới ngày nay.

Bên cạnh khu Invalides là bảo tàng Rodin (77 rue de Varenne) trưng bày các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Rodin (mất năm 1917), như Le Penseur (Người suy tư), Le Baiser (Nụ hôn), Porte de l'enfer (Cổng địa ngục). Chệch lên phía Bắc là Fontaine des Quatre Saisons (Hồ phun nước bốn mùa, 57-59 rue de Grenelle) với những tượng nổi chạm khắc tuyệt đẹp. Căn nhà Seita cách đó không xa là nơi sản xuất thuốc lá đầu tiên của Pháp (thế kỷ 15), năm 1963 trở thành Viện bảo tàng thuốc lá Seita (12 rue de Surcouf) trưng bày cách sản xuất xưa và nay, các loại thuốc lá trong năm thế kỷ qua.

Đối diện với cầu Alma là nơi dẫn xuống các đường cống ngầm (les égouts) dưới thành phố Paris (cửa vào đối diện số 93 Quai d'Orsay). Hệ thống cống rãnh của Paris có từ thế kỷ 14, được tu bổ và tân trang lại dưới thời Napoléon III do kỹ sư Eugène Belgrand thực hiện năm 1878, dài 600 km ; ngày nay tổng số đường cống ngầm là 2.100 km. Từ 1867 đã có những cuộc viếng thăm hệ thống cống ngầm bằng đường rầy và bằng ghe nhưng từ 1972 trở đi các cuộc viếng thăm đều bằng chân, tên mỗi con đường trên mặt đất đều được ghi lại ở mỗi góc hành lang (để khỏi bị lạc đường). Mỗi năm có hơn 500.000 người mua vé xuống thăm hệ thống đường cống ngầm Paris.

Tòa nhà UNESCO (7 Place de Fontenay), khánh thành năm 1958, là trụ sở của cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc tại Pháp. Đây là một kiến trúc tượng tiêu biểu của thập niên 1950 với những đường nét thẳng, không có gì đặc sắc, nhưng nội thất tòa nhà được trang trí rất đẹp với những tác phẩm nổi tiếng của Picasso, Miró và Henry Moore.

Trường quân sự, L'École militaire (1 Place Joffre), do kiến trúc sư Jacques Ange Gabriel xây dựng từ 1751 đến 1773, dưới thời vua Louis XIV, để huấn luyện 500 vị trưởng giả nghèo. Nhà trường đã bắt đầu nhận khóa sinh năm 1753, Napoléon Bonaparte tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự năm 1875.

Công viên Champs de Mars trước kia là một bãi đất trống trước trường quân sự được dùng làm nơi thao dượt. Sau cuộc cách mạng Pháp, để kỷ niệm một năm ngày chiếm nhà tù Bastille, hơn 25.000 người đã được huy động đến dọn dẹp để ăn mừng ngày 14/7/1790, thời gian sau đó trở thành sân đua ngựa. Từ 1889 trở đi, khu đất này được dùng làm nơi chứa vật liệu xây dựng tháp Eiffel. Ngày nay là một bãi cỏ lớn, quang đãng và được cắt tỉa cẩn thận để khách bộ hành có thể quan sát tháp Eiffel một cách toàn diện.

Tháp Eiffel là một kỳ quang của Paris và cả nước Pháp. Được thiết kế bởi kỹ sư Gustave Eiffel, tháp được xây dựng từ ngày 28/1/1887 và hoàn tất năm 1889 để kịp thời tham gia vào cuộc Triễn Lãm Toàn Cầu (Exposition universelle). Lúc đầu dự án này chỉ là một ý kiến điên rồ thách đố thiên nhiên, không ngờ về sau khi thực hiện xong nó trở thành một kỳ quan. Khi xây dựng tháp này, Gustave Eiffel chỉ muốn đánh dấu kỹ thuật xây dựng bằng các thanh sắt của thế kỷ 20 chứ không nghĩ đến đến tính mỹ thuật ; về sau với những cố gắng phi thường công trình này được nhìn nhận như là một trong những kỳ quan của thế giới cận đại và được dùng làm biểu tượng của Paris và nước Pháp. Để ghi công, tượng của Gustave Eiffel (1832-1923), do điêu khắc gia Antoine Bourdelle tạc năm 1923, được đặt ngay dưới chân cột.

paris03

Tháp Eiffel là một kỳ quang của Paris và cả nước Pháp.

Về kỹ thuật, đây là một tháp được xây dựng bằng những thanh sắt lớn đan xéo chằng chịt với nhau để gió có thể xuyên qua, nặng 10.000 tấn với 2,5 triệu con tán, cao 318,7 m (kể cả antenne), với 1.665 bực cấp, cứ mỗi 7 năm phải dùng 50 tấn sơn chống rỉ để sơn lại. Dưới sức nóng và gió, đầu ngọn tháp có thể bị nghiêng 18 cm. Bốn chân tháp, nằm ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, là những trụ sắt khổng lồ rộng 5 m dùng làm điểm tựa để đưa người và vật dụng lên đỉnh tháp. Tháp có ba tầng : tầng 1 cách mặt đất 57 m gồm 345 bực cấp ; tầng 2 cách mặt đất 105 m với 359 bậc cấp, được nhà hàng Jules Vernes thuê để khách có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn phong cảnh Paris ; tầng 3 cách mặt đất 276 m, chỉ có thể lên bằng thang máy, tầng này có thể chứa 800 người cùng một lúc, lúc trời quang đảng có thể nhìn xa tới 40 km. Có hai cách di chuyển lên tháp : bằng chân và bằng thang máy ; chân tháp phía Đông dành cho người lên tháp bằng chân, ba góc còn lại là bằng thang máy có từ 1899 và vẫn còn tốt. Vào mùa hè, du khách có thể phải xếp hàng chờ ít nhất hai giờ mới tới phiên được mua vé lên tháp bằng chân hay bằng thang máy, vì mỗi năm có hơn 20 triệu người lên tháp nhìn cảnh Paris.

Để mừng ngày đầu năm 2000, thị trưởng thành phố Paris có sáng kiến trang điểm tháp Eiffel bằng hệ thống đèn điện đếm lùi ngày chờ đón thiên niên kỷ mới từ đầu năm 1998, đến ngày đầu tiên của năm 2000 con số sẽ là ngày 0. Trong đêm mở đầu thềm thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba, dân chúng Paris đã chứng kiến những tràng pháo bông rực rỡ quanh tháp Eiffel. Ngày nay hệ thống đèn chiếu sáng từ tháp Eiffel được tân trang và biến đổi thường xuyên để bắt kịp đà tiến hóa về ánh sáng với kỹ thuật số (numérique).

Có một cảnh lạ là ngay cạnh Champs de Mars và tháp Eiffel là một ngôi làng Thụy Sĩ. Gọi là làng nhưng thực ra là một dãy nhà đẹp đẽ, chạy dài suốt đại lộ Suffren (quận 15), được trang trí như những ngôi nhà bên Thụy Sĩ, các lan can được trồng hoa và ngoài cửa trang hoàng các vật dụng của vùng núi Alpes (chuông đeo cổ bò, guốc gỗ...). Ngôi làng này do chính phủ Thụy Sĩ xây dựng để tham dự cuộc Triển Lãm Toàn Cầu năm 1900, giới thiệu sản phẩm của Thụy Sĩ, sau cuộc triển lãm này các căn nhà đó đươc dùng làm nơi buôn bán hàng hóa Thụy Sĩ tại Paris.

Cách đó không xa, về phía bờ sông, là một căn nhà được xây hoàn toàn bằng gạch tráng men. Năm 1901, Jules Lavirotte, một kiến trúc sư không ngừng phát kiến các kiểu nhà mới, quyết định biến căn nhà số 29 Avenue Rapp của ông Bigot thành một công trình mỹ thuật. Mặt tiền được trang trí bằng những viên gạch đủ màu với những hình tượng phụ nữ khỏa thân. Lavirotte còn trang trí mặt tiền căn nhà số 3 Square Rapp cạnh đó và khách sạn Céramic số 34 đường Wagram.

Khu Saint Germain des Prés (quận 6)

Saint Germain des Prés không có nhiều di tích lịch sử nhưng nổi tiếng với những quán cà phê, nơi tụ tập của những văn nhân nghệ sĩ, và các bảo tàng nghệ thuật. Khu này cho đến hết thời kỳ Trung Cổ là những đồng cỏ (như tên gọi của nó) dùng để chăn nuôi súc vật, thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Công giáo từ năm 555, và những buổi họp chợ trao đổi nông phẩm. Chỉ từ sau thế kỷ 17, các vua Louis XIII và XIV nới rộng sang khu vực này xây dựng nhà cửa để những nghệ nhân từ khắp Châu Âu được tuyển dụng đến xây dựng dinh thự cho triều Bourbons. Mỗi chiều tối, sau khi làm việc xong những nghệ nhân này thường vào các quán rượu giải trí và tán ngẫu. Với thời gian những thói quen này trở thành một sinh hoạt văn hóa mà không một văn nhân nghệ sĩ tên tuổi nào bỏ lỡ cơ hội. Ngày nay các quán cà phê văn nghệ sĩ phần lớn đều nằm trên đại lộ Saint Germain, quận 6 (75006 Paris), dài 3 km ; vào mùa hè các quán này bày biện bàn ghế trên lề đường để khách ngắm nhìn người bộ hành qua lại. Đường Rue du Dragon chật hẹp là nơi cư ngụ của các họa sĩ Bỉ và Victor Hugo trong thế kỷ 19.

- Quán Les Deux Magots (170 boulevard Saint Germain), nội thất được trang trí bằng hai kỷ vật dùng làm nhãn hiệu buôn tơ và vải Trung Hoa năm 1875, là nơi các nhà thơ danh tiếng đến ngâm vịnh như Verlaine, Rimbaud và Mallarmé cuối thế kỷ 19, sau đó là nơi gặp gỡ của những nghê sĩ nổi tiếng như Picasso, Saint Exupéry, Hemingway, Jean Giraudoux, trong những năm 1950 Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir đến đây viết mỗi ngày hai giờ.

- Quán cà phê Flore (172 boulevard Saint Germain), nội thất trang trí bằng những bàn ghế màu đỏ, là nơi Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, Albert Camus và Jacques Prévert thường xuyên đến trò chuyện.

- Quán Lipp (151 boulevard Saint Germain) được thành lập từ cuối thế kỷ 19 là nơi gặp gỡ của những chính trị gia và văn nghệ sĩ trong những năm 1920.

- Quán Le Procope (13 rue de l'Ancienne Comédie, mặt đường hiện nay vẫn còn lát đá, gồ ghề và chật hẹp như thời Trung Cổ) khai trương năm 1686 bởi một người Ý gốc Sicile, Francesco Procopio dei Coltelli, để đón tiếp những kịch tác gia Châu Âu đến trình diễn tại Paris cho giới hoàng gia, sau đó trở thành nơi gặp gỡ của nhân vật lớn như Benjamin Franklin, Voltaire, Napoléon Bonaparte ; được trùng tu lại năm 1989 quán này tiếp tục là nơi gặp gỡ của những nhân vật tên tuổi.

Ngoài ra còn hàng trăm quán cà phê khác cũng nổi tiếng không kém như Le Levantin (có từ năm 1643) giữa đường Saint Jacques và Petit Pont, quán Le Café d'Orsay có từ đầu thế kỷ 19, Le Café Voltaire nơi Ernest Hemingway thường đến, La Rotonde và Le Dôme nơi Lénine và Trotsky bàn chuyện thay đổi nước Nga, v.v... Cũng nên biết Lenin và Trotsky thường xuyên la cà khắp các quán rượu ở tả ngạn sông Seine trong suốt thời kỳ lưu vong.

Nhà hát Odéon Théâtre de l'Europe (1 Place Paul Claudel), xây năm 1779 và do cặp nghệ sĩ Marie-Joseph Peyre và Charles de Wailly thành lập năm 1782 dưới tên Comédie Française, là nơi trình diễn những vỡ kịch tân cổ điển của thời đó, năm 1792 đoàn kịch hoàng gia dời về đây và đổi tên thành nhà hát Odéon năm 1797. Bị cháy năm 1807, nhà hát này được Jean François Chalgrin xây lại như cũ và trình diễn ca kịch cho tới ngày nay. Tháng 5/1968, nhà hát này là nơi tụ tập của những sinh viên nổi loạn chống lại chính phủ của tổng thống de Gaulle.

Nhà ga Orsay là một dãy nhà đồ sộ được khánh thành ngày 14/7/1900 để đón tiếp khách đi xe ngựa, năm 1978 được biến thành Musée d'Orsay (2 rue de Bellechasse) trưng bày các tác phẩm danh tiếng của các trường phái hội họa và điêu khắc của Pháp. Nổi tiếng là bức tượng Quatres parties du monde của Carpeaux, tạc từ 1867 đến 1872 mới xong, bằng đồng đỏ với bốn người khỏa thân (hai nam và hai nữ) tượng trương cho bốn châu năng quả địa cầu với những đường kinh tuyến và vĩ tuyến.

paris04

Bức tượng Quatres parties du monde của Carpeaux, tạc từ 1867 đến 1872 mới xong, bằng đồng đỏ với bốn người khỏa thân (hai nam và hai nữ) tượng trương cho bốn châu nâng quả địa cầu với những đường kinh tuyến và vĩ tuyến.

Ngày 29/12/1857, họa sĩ Eugène Delacroix, thủ lãnh trường phái lãng mạn và là người tiên phong trong trường phái dã thú (fauvisme), dọn đến căn nhà số 6 rue Fustenberg và từ trần tại đây ngày 13/8/1863. Căn nhà này được biến thành viện bảo tàng Delacroix năm 1952 trưng bày tất cả tác phẩm của người họa sĩ quá cố.

Bảo tàng Légion d'honneur et d'ordres de chevalerie, xây dựng năm 1782, sau nhiều thăng trầm được Napoléon dùng làm bảo tàng năm 1802 trưng bày những phần thưởng danh dự nhất cho những có công với nước Pháp.

Căn nhà số 11 Quai de Conti, hoàn tất năm 1777, được vua Charles X biến thành Viện bảo tàng Tiền Tệ năm 1827, trưng bày các loại tiền đúc và tiền giấy cùng những loại huy chương danh giá nhất nước Pháp. Cũng trên Quai Conti số 23 là Institut de France, xây dựng năm 1691, làm một trong năm Hàn lâm viện của Pháp chứa đựng những tài liệu và văn kiện quan trọng của Pháp.

Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ Thuật (École nationale supérieure des Beaux Arts, 14 rue Bonaparte), được thành lập 1884, là nơi đào tạo những nghệ sĩ danh tiếng của Pháp và Châu êu.

Những ai thích sưu tầm sách báo cổ thì nên đi dọc Quai Voltaire, từ số 15 đến 25, để vào tìm báu vật mơ ước của mình. Con đường này cũng là nơi cư ngụ của những nghệ sĩ danh tiếng như Voltaire, Montherlant, Charles Beaudelaire, Richard Wagner, Jean Sibélius, Oscar Wilde, Corot, James Pradier...

Khu Latin (quận 5)

Latin ở đây có nghĩa là học thức chứ không phải là tiếng La Tinh. Năm 1118, sau khi bị đưổi khỏi tu viện Notre Dame, tu sĩ triết gia Abélard dẫn theo ba ngàn học trò lên đồi Sainte Geneviève dạy học. Từ đó đến nay, khu này tiếp tục giữ mãi truyền thống giáo dục với nhiều trường danh tiếng, trong đó có trường Sorbonne nơi xuất thân của những nhân vật chính trị và triết gia nổi tiếng của Pháp. Nổi bật nhất là nhà văn miếu Le Panthéon, nơi gìn giữ thi hài những văn nhân, triết gia, bác học danh tiếng nhất của nước Pháp. Buổi tối, nhất là dịp cuối tuần, khu Latin là nơi sinh viên học sinh, thanh niên thiếu nữ tụ tập vui chơi, xem phim, nghe nhạc và ăn uống trong hàng trăm quán ăn đủ mọi hương vị từ Âu sang Á và Địa Trung Hải.

paris05

Khu Latin ngày nay là nơi sinh viên học sinh, thanh niên thiếu nữ tụ tập vui chơi với hàng trăm quán ăn đủ mọi hương vị từ Âu sang Á và Địa Trung Hải.

Đường Saint Jacques, một trong những con đường chính của khu Latin, là con đường đầu tiên được xây dựng từ thời La Mã cách đây gần 2.000 năm, chạy từ Đảo Thị Trấn sang bờ tả ngạn. Nhiều di tích thời gallo-romain còn lưu lại dọc hai bên đường Saint Jacques, ngày nay là những trường đại học và trung học nổi danh như đại học Luật Paris I, Paris 2, Y khoa, Collège de France, các trường trung học Henri IV, Louis Le Grand, với các tiệm sách và nhà xuất bản lớn nhỏ.

Khu Latin còn được biết tới như là khu nổi loạn của các phong trào sinh viên và trí thức ; các cuộc xuống đường chống đối của sinh viên học sinh đều bắt đầu tại đây, quanh quảng trường Saint Michel. François Villon có lẽ là ông tổ của các phong trào chống đối của sinh viên học sinh tại Sorbonne từ thế kỷ 15. Ngày nay khu Latin gần như được trưởng giả hóa với những cửa hàng sang trọng và các nhà hàng lớn nhưng không ai quên đây là nơi xuất các cuộc bạo động của giới thanh niên, sinh viên như phong trào vô sản La Commune de Paris năm 1871 với 50.000 người bị giết, bị bắt và đi tù ; phong trào sinh viên học sinh năm 1968 dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền De Gaulle...

Đại học La Sorbonne (4 rue des Ecoles) lúc đầu là một trường thần học do Robert de Sorbon, một tu sĩ dòng Saint Louis, thành lập năm 1258 dành cho sinh viên nghèo. Một năm sau, trường này trở thành phân khoa thần học thuộc viện đại học Paris. Năm 1626, Richelieu, hiệu trưởng Sorbonne, sửa sang và mở rộng thêm để đón tiếp nhiều sinh viên vào học hơn và xây trong khuôn viên một giáo đường ; từ đó đến nay là trường đào tạo những nhà tư tưởng lớn nhất của Pháp.

Năm 1530, vua François I, theo lời yêu cầu của nhà nhân văn học Guillaume Budé, thành lập Collège royal de France nhằm tránh né chính sách giáo dục của viện đại học Paris, được coi là quá giáo điều và bất dung, để giảng dạy miễn phí quần chúng nghèo. Với thời gian trường này trở thành trường đào tạo những nhân vật chính trị lớn của Pháp dưới tên Collège de France (11 Place Marcelin-Berthelot), được vào giảng trường này là những nhân vật tên tuổi thuộc Viện Hàn Lâm Pháp.

Đền Panthéon (Place du Panthéon) được vua Louis XV đặt viên đá đầu tiên năm 1764 và hoàn tất năm 1790. Đây là một công trình khổng lồ, xây dựng trên đồi Sainte Geneviève, pha trộn các yếu tố kiến trúc Gothic, Hy Lạp và La Mã, với nóc nhà hình vòm cao 83 mét, sân thượng rộng rãi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Paris, phía trên cổng chính là những hình tượng chạm trổ công phu tôn vinh văn học với 22 cột chống. Bên trong nền nhà lát cẩm thạch, nhiều hành lang dài rộng với những cột chống vàng óng trang trí bởi những tượng nhân vật được lưu giữ hài cốt. Đền Panthéon hiện lưu giữ hài cốt của 72 nhà tư tưởng và bác học có nhiều công trạng nhất đối với nước Pháp như Victor Hugo, Emile Zola, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Diderot, Pierre và Marie Curie, André Malraux, v.v... Hài cốt đầu tiên được đưa vào Panthéon là của nhà tư tưởng Mirabeau, sau đó bị Robespierre thời cách mạng Pháp năm 1789 vứt bỏ và thay thế bởi hài cốt nhà báo Marat, nhưng hài cốt của ông này sau đó cũng bị cách mạng vứt bỏ xuống cống.

Musée de Cluny (6 Place Paul-Painlevé) bảo tồn và trưng bày nhiều di tích và báu vật có từ thời La Mã và Trung Cổ, trong đó quí giá nhất là những cuốn sách viết tay được trang hoàng tuyệt mỹ, những tấm thảm dệt từ thế kỷ 15, cánh hoa hồng Bâle bằng vàng do điêu khắc gia Minucchio da Sienna tặng giáo hoàng Jean XXII năm 1330. Trong sân bảo tàng Cluny còn lưu vết những phòng tắm hơi (thermes) mà nóc nhà và các tượng thần bằng đất nung gần như còn nguyên vẹn từ thời La Mã.

Bảo tàng của Nha cảnh sát (1 bis rue des Carmes) trưng bày các loại vũ khí, vật dụng giết người của những tội phạm và tù nhân nổi tiếng.

Giáo đường Saint Lulien Le Pauvre (1 rue Saint Lulien le Pauvre) là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Paris, được xây từ năm 1165 và trở thành văn phòng của viện đại học Paris, bị đóng cửa năm 1524 vì sinh viên nổi loạn, được hoạt động lại từ thế kỷ 17 và trở thành nhà nguyện của giới Công Giáo chính thống (orthodoxe bizantin) năm 1889.

Giáo đường gothic Saint Séverin (1 rue des Prêtres Saint Séverin) được xây dựng đầu thế kỷ 13, hoàn tất vào thế kỷ 16 và được tu sửa lại trong thế kỷ 17.

Đại lộ Saint Michel được xây dựng năm 1869 trên những di tích cổ có từ thời La Mã, ngày nay là con đường của những tiệm sách, nhà xuất bản và các tiệm bán áo quần sang trọng.

Quán cà phê Cluny (20 boulevard Saint Germain) là nơi tụ tập của những nhà văn và nhà tư tưởng lớn của Pháp.

Khu Luxembourg (quận 5 và 6)

Không một người Parisien nào không ao ước có căn nhà bên cạnh khu vườn Luxembourg, đây là một khu yên tịnh, mát mẽ và lãng mạn được xây dựng trên vết tích của một lâu đài, lâu đài Vauvert.

Lâu đài Vauvert được xây dựng trong hai thế kỷ 11 và 12 nhưng quá xấu đến nỗi vua Philippe Auguste không muốn kết nạp vào lãnh địa của mình (Paris). Tin đồn lâu đài Vauvert có ma lan rộng khắp nơi chỉ các tu sĩ Công giáo mới dám vào đó sinh sống và thành lập tu viện. Tu viện bị phá hủy dưới thời Cách mạng Pháp 1789 và đất đai quanh tu viện bị tịch thu để biến thành một khu vườn lớn quanh lâu đài của hoàng hậu Marie de Médicis (1573-1642), trong thời cách mạng trở thành nơi giam giữ những người chống đối cho đến cuối thế kỷ 18.

Thượng viện Pháp (Sénat) trước kia là một lâu đài được vua Henri IV giao cho kiến trúc sư Salomon de Brosse vẽ kiểu và xây dựng riêng cho vợ là hoàng hậu Marie de Médicis, người Ý, do đó cấu trúc của lâu đài mang nặng ảnh hưởng Ý, chung quanh có nhiều hồ chứa nước nhỏ nằm giữa các đường mòn rợp bóng mát. Vua Louis XIV (1643-1715) chọn lâu đài này dùng làm nơi nuôi dưỡng con cái vì sự yên tịnh của nó. Trong thời cách mạng, lâu đài này bị tịch thu và biến thành một trong những nhà giam lớn nhất Paris thời đó ; trong những năm 1795-1999 trở thành nơi hội họp của chính phủ ; trong đệ nhị thế chiến là văn phòng tổng tham mưu không lực (Luftwaffe) Đức và từ 1958 trở đi chính quyền de Gaulle chọn làm Thượng viện Pháp (15 rue de Vaugirard, quận 6).

Quanh Thượng viện là vườn Luxembourg (dọc đại lộ Saint Michel), khu vườn được đông người lui tới nhất tại Paris. Người ta đến đây có lẽ để chiêm ngắm những bức tượng điêu khắc đẹp nhất Paris và để tìm sự yên tĩnh đối với người già. Vào mùa nóng, trẻ con vào đây đùa giỡn quanh bễ nước lớn hình bát giác và xem kịch guignol (hình nộm), sinh viên các đại học kế cận tạc vào nghỉ ngơi giữa trưa. Vườn Luxembourg còn là nơi hành hương của những những người yêu nhau lãng mạn hóa cuộc tình.

Nhưng Luxembourg chỉ thật sự đẹp vào mùa thu. Dưới ánh nắng vàng vọt cuối ngày, lá vàng rơi rớt trên khắp lối đi, nhiều như những lời tình tự rót vào tai người yêu. Những đôi tình nhân vào đây quấn quít bên nhau như muốn kéo dài những giây phút thần tiên trong một không gian thơ mộng. Vườn Luxembourg là thiên đàng của những người yêu nhau và là những trang nhật ký đẹp nhất của những chuyện tình.

Nhưng cuộc tình nào cũng có hồi phải tan, đó là nỗi oan khiên của đời người.

paris06

Vườn Luxembourg đẹp và lãng mạn nhất vào mùa thu.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, khi về lại Việt Nam, không ngừng tưởng nhớ "người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ" :

Mùa thu Paris trời buốt ra đi

Hẹn em quán nhỏ, hẹn em quán nhỏ

Rượu rưng rưng ly đỏ tràn chề

Mùa thu đêm mưa phố cũ hè xưa

Công viên lá đổ, công viên lá đổ

Chờ mong em gắng khổ từng giờ !

Mùa thu âm thầm bên Vườn Lục Xâm

Ngồi quen ghế đá, ngồi quen ghế đá

Không em ôi buốt giá từ tâm...

Mùa Thu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng (1958), nhạc Phạm Duy, tiếng hát Hà Thanh

Nhạc sĩ quá cố Phạm Trọng Cầu cũng không thua, anh đau khổ nhắc lại vết thương lòng khi mất dấu người tình :

Ngày em đi

Nghe chơi vơi não nề

Qua vườn Luxembourg

Sương rơi trên phố mờ

Buồn này ai có mua...

Em ra đi mùa thu (1960), thơ và nhạc Phạm Trọng Cầu, tiếng hát Sĩ Phú

Jardin des Plantes (quận 5)

Gọi là Jardin des Plantes (Vườn Cây) vì khoảng cây xanh trong khu vực này chiếm một diện tích khá đáng kể bên tả ngạn sông Seine. Nhưng đặc tính nổi bậc của khu này là sự yên tịnh với những di tích cổ thời La Mã (gallo-romain) được tái tạo lại và viện bảo tàng thiên nhiên.

Năm 1626, vua Louis XIII nẩy sáng kiến lập một khu vườn cạnh lâu đài của mình vừa dùng để dạo mát vừa trồng cây thuốc. Hai vị y sĩ hoàng gia, Jean Héroard và Guy de la Brosse, được giao trách nhiệm xây dựng Jardin royal des plantes médicinales (vườn thượng uyển cây thuốc) trong phố Saint Victor, lúc đó rất ít cư dân. Vị vua kế tiếp, Louis XIV (1643-1715) tiếp tục nuôi dưỡng cây cối trong vườn và cho xây thêm một bệnh viện ở khu vực kế bên. Với thời gian, năm 1640, những gia đình trưởng giả đến dựng nhà quanh khu vườn, trước để có cơ hội tiếp xúc với hoàng tộc sau để được chữa bệnh khi cần. Nhưng số người nghèo làm việc trong một xưởng sản xuất muối diêm (kali nitrat hay salpêtre) gần đó bị bệnh quá đông nên năm 1654 nhà vua đổi thành "bệnh viện đa khoa chữa trị người nghèo", từ đó có tên là Hôpital de la Salpêtrière (47, boulevard de l'Hôpital, quận 13) và giao cho Libéral Bruant tân trang lại bệnh viện với một ngôi thánh đường hình chữ thập Hy Lạp và một nóc chuông mười cạnh do giáo sĩ Bossuet quản lý.

Từ 1739 đến 1788, bá tước Buffon, tên thật là Georges Louis Leclerc, mở rộng thêm diện tích khu vườn với 12 ngành nghiên cứu sự tiến hóa của vạn vật, đặc biệt là thuyết tiến hóa của Darwin. Nhưng sang thời cách mạng Pháp (1789), Henri Bernadin de Saint Pierre biến khu này thành khu giam giữ các thú lạ tịch thu tại điện Versailles và các đoàn nhảy múa sơn lâm và tồn tại cho tới năm 1870. Năm 1793, các đệ tử của Buffon đổi tên khu vườn thành Muséum national d'histoire naturelle năm 1793 và xây thêm một khu nuôi dưỡng côn trùng (cửa vào ở số 57 rue Cuvier). Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật này được phân chia thành bốn lãnh vực khác nhau : cổ sinh vật học với gần một triệu hóa thạch ; giải phẫu học đối chiếu từ lúc phát sinh các loài động vật có xương sống đến ngày nay ; cổ thực vật học ghi lại các loại thảo mộc xuất hiện cách đây hai tỷ năm ; và khoáng vật học trưng bày các loại đá quí và lạ mà loài người biết được.

Năm 1870 Paris bị quân Đức chiếm đóng, nạn đói thúc đẩy dân chúng tràn vào khu vườn này bắt hết các súc vật ăn thịt . Phải chờ tới năm 1889 vườn bách thú mới được xây dựng lại với một khu hành lang rộng lớn trưng bày các loài thú hiếm bằng rơm hay các bộ xương được tái tạo lại. Năm 1994 hành lang này biến thành Grande galerie de l'Evolution, Đại Hành Lang Tiến Hóa thuộc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật (số 2 rue Buffon), trưng bày nhiều bộ xương các động vật đã biến mất như khủng long hay những động vật đang bị đe dọa biến mất như cá voi, một số chim và thú rừng.

grandegallerie

Grande galerie de l'Evolution, Đại Hành Lang Tiến Hóa thuộc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Vạn Vật 

Năm 1938 người ta trồng thêm nhiều loại thảo mộc hiếm miền núi và ôn đới (2.000 loại cây khác nhau) mang từ khắp nơi về, trong đó có một cây đại tùng có tuổi thọ trên 450 năm mang từ Lebanon vầo trồng năm 1630, và xây một nhà kiến trong khuôn viên khu vườn trồng các loại cây nhiệt đới với hơn 2.600 loại.

Nhu cầu mở rộng khu vườn từ đầu thế kỷ thứ 18 đòi hỏi một nguồn nhân lực quan trọng ; quần chúng từ khắp nơi được tuyển vào đây làm việc và họ thành lập một khu xóm bình dân nằm đối diện với khu vườn, gọi là xóm Mouffetard, trong thực tế xóm này nằm giữa hai đường Mouffetard và Monge.

Đường Mouffetard có từ thời La Mã, đó là một đoạn đường nối liền Lutèce (Paris) với Roma (La Mã), nhà cửa hai bên đường thời đó được dùng làm nơi giam giữ nô lệ và giác đấu gốc Châu Phi, và tiếp tục tồn tại trong thời Trung Cổ. Mặt đường lát đá hoa cương chạy từ đồi Sainte Geneviève xuống khu chợ trời xưa nhất Paris, ngày nay do thương nhân bán lẻ hoa quả và tạp hóa gốc Maghrebin (Bắc Phi) nắm giữ. Năm 1671 hoàng hậu Marie de Médicis cho xây một bễ nước ở giữa con đường, Fontaine du Pot de fer, để dân chúng lấy nước nấu ăn. Đầu đường Mouffetard là Place de la Contrescarpe, nơi qui tụ những người ăn không ngồi rồi trong các quán cà phê bình dân tán ngẫu. Cuối đường là một giáo đường xưa được xây cất giữa thế kỷ 15 và hoàn tất năm 1655, mang tên Chapelle Saint Médard (141 rue Mouffetard) ; giáo đường này được kiến trúc sư Petit Radel tu bổ và nới rộng năm 1784 bằng cách nâng các cột chống chính ở giữa để có một nóc chuông cao hơn.

Đường Monge không có gì đặc biệt, đây là một khu phố dành cho người lao động và buôn bán. Những người Việt đầu tiên đến Pháp từ đầu thế kỷ 20 cho tới 1954 đa số đều đã một lần cư ngụ tại đây trước khi dọn sang nơi khác ; chính quyền Hà Nội cũng sở hữu một khu nhà dành cho sinh viên từ Việt Nam đến Paris du học. Giữa đường Monge và Geoffroy Saint Hilaire là một khu phố sang trọng dành cho các gia đình khá giả vì rất yên tịnh.

Phía trên khu xóm giàu nghèo lẫn lộn này (cạnh khu Latin) là một đấu trường thời La Mã, Arène de Lutèce (rue de Navarre), được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên với 15.000 chỗ ngồi và 35 hàng ghế. Ngày nay chỉ còn còn lưu lại vết tích những hàng ghế đá, chuồng thú dữ và phòng nghỉ ngơi của người giác đấu bên cạnh nhà cửa của dân chúng. Đấu trường này bị tàn phá trong thế kỷ 3 do nhu cầu cần đá xây thành quanh Đảo Thị Trấn chống lại các cuộc tấn công của quân Celt đến từ phương Bắc. Đấu trường này sau đó biến thành nơi chôn cất nạn nhân trong các cuộc chiến và rơi vào quên lãng, nó chỉ được khám phá lại khi nhu cầu xây dựng nhà cửa gia tăng. Năm 1869 đang lúc đào xới làm móng xây dựng nhà trên đường Monge người ta khám phá ra nhiều hầm mộ chôn cất người chết và di tích giác đấu trường, chính quyền thành phố liền đình chỉ mọi công tác xây dựng nhưng vẫn chưa biết phải làm gì. Phải đợi đến năm 1883 khi văn hào Victor Hugo khởi xướng chương trình phục sinh di tích, công tác này kéo dài trong 25 và chỉ chấm dứt vào năm 1918.

Đầu đường Geoffroy Saint Hilaire có một bễ nước, Fontaine de Cuvier, được xây dựng năm 1840 gắn chìm vào một bức tường ; đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ với hình một phụ nữ khỏa thân ngồi cạnh con sư tử và nhiều thú dữ khác của Châu Phi do điêu khắc gia Jean-Jacques Feuchère sáng tác. Cuối đường là một thánh đường Hồi Giáo : Institut musulman de la grande Mosquée de Paris (Place du Puits de l'Ermite) được xây dựng từ 1922 đến 1926, do các kiến trúc sư Heubès, Fournez và Matouf thực hiện, với một tháp cao 33 m. Trước thánh đường là một dãy nhà dùng làm nơi tiếp khách thập phương gồm một quán trà và một nhà hàng ả rập. Phòng đọc kinh được trang hoàng rất công phu với những mô-típ hình học trên các cột chống, vách tường và trần nhà. Sâu vào phía trong gồm có phòng đọc sách, phòng giảng giáo lý và nhiều phòng tắm hơi (hammam), tất cả nằm chung quanh một sân vuông ở giữa.

Dọc tả ngạn sông Seine là một tòa nhà đồ sộ, với lối kiến trúc tân kỳ do kiến trúc sư Jean Nouvel vẽ kiểu, là Institut du monde arabe (cổng chính ở số 1, rue des Fossés Saint Bernard). Viện Thế Giới ả Rập này do 20 quốc gia nói tiếng ả rập xây dựng năm 1980 nhằm trưng bày và trao đổi văn hóa với phương Tây. Viện có ba không gian khác nhau gồm chín tầng : một thư viện với hàng ngàn tác phẩm, một bảo tàng viện trưng bày nét độc đáo của các nền văn minh ả rập từ thế kỷ 7 đến ngày nay và một khu thính thị rộng lớn để nghe và nhìn những nền văn hóa ả rập khác nhau trên bờ Địa Trung Hải. Nội thất tòa nhà được rọi sáng bởi những 1.600 tấm kim loại độc đáo, mỗi tấm là một công trình kỹ thuật độc đáo với một con mắt lớn và 21 con mắt nhỏ bằng kim loại tự động mở và khép tùy theo luồng ánh sáng mặt trời nhận được. Mặt phía Nam là lối kiến trúc cổ kiểu moucharabieh (các bao lơn được bao phủ bởi một vòng rào bằng gỗ để che ánh sáng và những đôi mắt tò mò từ bên ngoài).

Kế bên là Viện đại học Jussieu gồm hai trường : Paris VI và VII. Đại học Paris VI nổi tiếng với các phân khoa nghiên cứu và khoa học thực nghiệm, và đại học Paris VII giảng dạy về ngôn ngữ, các nền văn minh Châu Á và con người (tác giả bài viết này cũng từng giảng dạu ở Đại học này trong những năm 1990 về môn Đông Nam Á học, những sắc tộc bản địa). Khuôn viên của viện đại học này rất rộng (10.000 m2) với những ngôi nhà hình các hạt nhân nguyên tử nối liền với nhau ; ở giữa viện là một tòa nhà cao chọc trời với hàng trăm lớp học. Sinh viên theo học tại đây đang phản đối về chất amiant dùng để cách nhiêt có thể gây bệnh ung thư. Đại học Paris VI có một khu vực dành riêng (lầu 25) để triển lãm bộ sưu tầm gồm 700 viên đá quí khác nhau được thu thập từ khắp nơi trên thế giới.

Xưởng dệt hoàng gia tọa lạc tại số 42 avenue des Gobelins, quận 13, là xưởng dệt lâu đời nhất còn tồn tại ở Paris. Được Jean Gobelin thành lập từ năm 1440, xưởng dệt được vua Henri IV tân trang lại năm 1601 và dưới thời vua Louis XIV là trung tâm sản xuất thảm treo tường và sàn nhà của hoàng gia, nhất là tại điện Versailles. Năm 1937 xưởng này sát nhập vào Viện tài sản quốc gia và mở cho công chung vào xem.

Xa hơn về phía Đông Nam là thư viện quốc gia, Bibliothèque National de France - Tolbiac (Quai François Mauriac, quận 13), hay Bibliothèque Tolbiac - François Mitterrand. Đây là một công trình kiến trúc tân kỳ, do kiến trúc sư Dominique Perrault vẽ kiểu, nổi bật trên tả ngạn sông Seine với bốn cao ốc hình quyển sách mở ở bốn hướng dùng để chứa sách và hai phòng đọc gồm 1.600 chỗ ngồi nhìn ra vườn cây nhân tạo dưới mặt đất. Cũng nên biết hệ thống thư viện quốc gia Pháp tàng trữ trên 13 triệu sách và ấn phẩm, 250.000 sách viết tay, 350.000 tựa báo, khoảng 12 triệu tranh in tay, hình ảnh và bích chương, hơn 80O.000 bản đồ đủ loại, hai triệu nhạc phẩm, một triệu băng dĩa, hàng chục triệu băng video và CDrom, 500.000 loại tiền và huy chương... phân bổ trong bốn địa điểm : Richelieu (quận 1), Tolbiac - François Mitterrand (quận 13), Arsenal và Musée de l'Opéra (quận 9). Thư viện François Mitterrand, xây dựng năm 1989 và khánh thành năm 1995, chứa 10 triệu ấn phẩm (trong đó 200.000 thuộc loại hiếm có và 800.000 có thể tham khảo tại chỗ), 76.000 vi phim, 950.000 vi phiếu, trên 100.000 tác phẩm đánh số và trên một triệu băng, dĩa âm thành và hình ảnh đủ loại.

paris07

Tthư viện quốc gia, Bibliothèque National de France - Tolbiac (Quai François Mauriac, quận 13), hay Bibliothèque Tolbiac - François Mitterrand.

Đường xe điện ngầm số 14, Météor, vừa được khánh thành năm 1998, nối liền khu vực hữu ngạn, từ bến Madeleine, tới Bibliothèque François Mitterrand. Đây là một trong hai đường xe điện ngầm mới đưa vào sử dụng hoàn toàn tự động (không người lái). Cách thức trang trí trong hẹ thống đường xe điện ngầm mới này rất là lộng lẫy, khách không bao giờ nhàm chán khi chờ đón xe, mỗi 10 phút, vì hai bên vách được chiếu sáng làm nổi bật những tác phẩm điêu khắc cận đại trưng bày trong các khung kiếng hay trên trần.

Montparnasse (quận 14 và 15)

Montparnasse ngày nay đã là một tên quen thuộc đối với dân Parisien. Theo truyện thần thoại Hy Lạp, Parnasse (núi đá vôi, cao 2.457 m, cạnh thành phố Delphes tại Hy Lạp) là một trong nhiều nơi cư ngụ của thần Apollon (con của Zeus và Léto) và các nàng thơ (muses). Apollon là thần ánh sáng, nghệ thuật và bói toán, được thờ tại Delphes. Ví khu vực này với núi Parnasse (Montparnasse), những người đặt tên muốn xác nhận đây là một khu văn thơ và nghệ thuật.

Vào lúc thành lập thành phố Paris, đồi Montparnasse là nơi khái thác đá vôi xây dựng thành phố Paris, về sau được dùng làm nơi quan sát thiên văn vì sự trống trải của nó và nơi chôn cất người chết trong các hầm đá. Vào cuối thế kỷ 18, do nhu cầu dân số gia tăng, thành phố Paris mở rộng sang khu này, các nghĩa địa nhỏ được hốt cốt đi để xây dựng nhà cửa và nhà ga xe lửa. Do sinh sau đẻ muốn, khu Montparnasse không có những di tích lừng lẫy, nhưng bù lại đây là nơi dành riêng cho tao nhân mặc khách, giới yêu văn thơ, âm nhạc và nghệ thuật từ thời Hoàng Kim (Belle Epoque).

Di tích lâu đời nhất tại đây là đài quan sát thiên văn Observatoire de Paris (61, avenue de l'Observatoire, quận 14), được xây dựng năm 1667 theo lệnh vua Louis XIV để thiết lập bản đồ mặt trăng năm 1679. Không ngờ sau đó, đài thiên văn này trở thành nơi hội họp của những nhà thiên văn từ khắp thế giới đến trao đổi kiến thức. Chính tại nơi đây nhà thiên văn Urbain Le Verrier đã khám phá sao Neptune năm 1846, bởi phương pháp toán học.

Năm 1786, khi nhu cầu xây dựng nhà cửa phát triển, chính quyền Paris ra lệnh di dời các bộ hài cốt trong nghĩa trang Cimetière des Innocents (quận 1) có từ hơn ngàn năm trước về chôn trong các hầm đá quanh ba ngọn đồi (Montparnasse, Montrouge va Montsouris). Số hài cốt đào tìm trong nghĩa địa quá nhiều khiến công tác di dời hài cốt này kéo dài 15 tháng, sau đó người ta quyết định xây một nhà mồ lưu giữ các bộ hài cốt dưới đồi Montparnasse : Les Catacombes (1, Place Denfert Rochereau, quận 14), rộng 11.000 m2, hiện lưu giữ trên sáu triệu xương cốt. Những người không sợ ma có thể viếng thăm nghĩa địa ngầm này mỗi ngày, trừ những nghỉ ngày lễ, từ 9 đến 11 giờ và từ 14 đến 16 giờ, để nhìn xương cốt và sọ người chết từ hơn một ngàn năm qua.

Nghĩa địa là một nơi ảm đạm và buồn bã nhưng Le Cimetière du Montparnasse (3 boulevard Edgar Quinet, quận 14) là một "thắng cảnh" vì mỗi năm nơi này tiếp đón trên 500.000 du khách, chỉ thua nghĩa trang Père Lachaise đôi chút vì diện tích nhỏ hơn. Những nhân vật lớn, văn hào và nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp phần lớn đều chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đây là một vài ngôi mộ cần đến thăm vì nét độc đáo của nó : gia đình thống chế Pétain (riêng ông Pétain được chôn trên đảo Yeu ngoài khơi Đại tây Dương), nhà văn Guy de Maupassant (mất năm 1893), viên sĩ quan gốc Do Thái Alfred Dreyfus, nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi (người tạc bức tượng Nữ Thần Tự Do ở New York năm 1886), André Citroen (người sáng lập hãng xe mang tên ông năm 1919), Charles Pigeon (nhà phát minh và kỹ nghệ gia thời đại Hoàng Kim), nhà điêu khắc Brancusi, nhà văn Charles Augustin Sainte Beuve, nhà dương cầm Camille Saint Saens, nhạc sĩ Serge Gainsbourg, vợ chồng triết gia Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nữ tài tử Mỹ Jean Seberg, nhà thơ Charles Beaudelaire, nhà nhiếp ảnh Mỹ Man Ray, nhà thơ Tristan Tzara, nhà điêu khắc Henri Laurens, nhà văn Samuel Beckett, v.v... Du khách sẽ tìm thấy nơi yên sự yên tịnh và nên đứng vài phút trước mỗi ngôi mộ để nhìn những tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị. Ở giữa nghĩa trang là bức tượng bằng đồng Le Génie du sommeil éternel (thiên thần của giấc ngủ ngàn thu), bên cạnh đó là một tháp tròn, vết tích của một cối xay gió còn sót lại từ thế kỷ 14.

paris08

Mộ gia đình Charles Pigeon được chọn là một trong những ngôi mộ đẹp nhất trong Nghĩa trang Montparnasse

Trở về thế giới người sống, Montparnasse là nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ trong các hàng quán, tương tự như khu Saint Germain des Prés nhưng đặc biệt là của giới điêu khắc, hội họa, kịch tác và triết gia. Các nhà văn nhà thơ Apollinaire, Max Jacob, Henry Miller đều đã một lần cư ngụ trong khu này. Xưởng làm việc của các họa sĩ Picasso, Modigliani, Miró, Max Ernst, Giacometti, Kandinski và nhiếp ảnh gia Eugène Atget nằm dọc con đường Campagne Première (quận 14). Rạp ca kịch Théâtre de Montparnasse (31, rue de la Gaité, quận 14) hiện nay vẫn giữ nguyên những trang trí có từ thời Hoàng Kim (Belle Epoque).

Khung cảng sang trọng và ấm cúng của nhà hàng La Coupole (102, boulevard du Montparnasse, quận 14) là nơi gặp gỡ của các triết gia Georges Simenon, Jean Paul Sartre, Joséphine Baker, nhà điện ảnh Roman Polanski... Căn phòng rộng lớn chính giữa trưng bày trên 39 tác phẩm của của các họa sĩ nổi tiếng như Chagall, Brancusi, v.v... Ngược lại, khung cảnh bình dân của quán rượu La Closerie des Lilas (71, boulevard du Montparnasse, quận 14) là nơi hội họp của những nhà văn, nhà thơ Verlaine, André Breton, Strinberg, Hemingway... Lénine và Trotsky thường hay la cà ở quán cà phê Le Dôme để bàn chuyện lật đổ Nga Hoàng Nicolas II.

Khu Montparnasse có ba bảo tàng viện nổi tiếng. Musée Zadkine (199 bis, rue d'Assas, quận 6) trưng bày 300 tác phẩm của điêu khắc gia người Nga Ossip Zadkine sáng tác từ 1928 đến 1967. Musée Antoine Bourdelle (16, rue Antoine Bourdelle, quận 15) trưng bày trên 900 tác phẩm của điêu khắc gia Antoine Bourdelle, người phụ tác của điêu khắc gia Rodin, từ 1884 đến 1949. Musée de la Poste (34, boulevard de Vaugirard, quận 15) gồm 15 phòng giới thiệu lịch sử ngành bưu điện và các bộ sưu tầm tem thư của Pháp.

Do không có di tích xưa, Montparnasse được biết đến với hai kiến trúc mới : một nhà chọc trời và một nhà ga tân kỳ. Nếu so với các nhà chọc trời tại New York hay Chicago, La tour Montparnasse (Place Raoul Dautry, quận 14) sẽ không thấm vào đây, nhưng tại Châu Âu đây là công trình cách mạng vì người Pháp êsợê ở trên lầu cao. La tour Montparnasse được hoàng thành năm 1973, cao 200 m, dựng trên 56 cột bê tông chôn dưới mặt đất 62 m, 56 tầng với một sân thượng có thế quan sát xa tới 10 cây số bằng mắt trần. Nhà ga Montparnasse được tân trang lại để đón nhận những đoàn xe lửa tốc hành TGV Atlantique đời thứ II (màu xanh dương, tốc độ trung bình 350 km/giờ) đưa khách từ vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp, vào Paris. Vòm nhà ga do nhà trang trí Victor Vasarely trang hoàng một cách tranh nhã và tân kỳ.

Viện Pasteur (25, rue du docteur Roux, quận 15) được xây dựng từ 1887 đến 1889 bởi bác sĩ Louis Pasteur, người đã phát minh ra cách khữ trùng sữa và thuốc chích ngừa các bệnh dại, bệnh than. Ngày nay viện nay là trung tâm nghiên cứu nổi tiếng nhất thế giới về các loại bệnh khó trị như AIDS. Trong viện này có một bảo tàng lưu trữ căn phòng thử nghiệm và phòng ngủ của bác sĩ Pasteur, thi hài của ông cùng bác sĩ Roux, người phát minh ra ênước biển (sérum), được chôn trong ngôi giáo đường trong viện.

Công viên André Citroen (Quai André Citroen, quận 5) nằm trên tả ngạn sông Seine về phía Tây, cạnh hai công viên Les Invalides và Champs de Mars, là nơi dạo mát của dân Parisien vào những ngày đẹp trời. Công viên này được các nhà dựng cảnh Alain Provost và Gilles Clément và các kiến trúc sư Patrick Berger, Jean Paul Viguier, François Jodry vẽ kiểu và tạo dựng một cách mỹ thuật để khách bộ hành không nhằm chán vì cảnh vật thay đổi liên tục theo từng bước chân và mặt nước.

Công viên Montsouris (Boulevard Jordan, quận 14) được cảnh trí gia Adolphe Alphand xây dựng theo kiểu Anh Quốc, từ 1865 đến 1878, với những cây cổ thụ và thảm cỏ chạy thoai thoải xuống một hồ nước_.

Ngoài ra phải kể thêm Cité universitaire (19-21, boulevard Jordan, quận 14) là nơi cư ngụ của hơn 5.000 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến Paris học tập. Khu đại học này, được xây dựng trong thập niên 1929, gồm 37 cư xá tượng trưng 37 lối kiến trúc khác nhau trên thế giới.

Quartier chinois (quận 13)

Người Pháp có một khuyết điểm lớn là không thể nào phân biệt ai là người Hoa, người Việt, người Lào hay người Kampuchea ; họ gọi chung những người xuất thân từ Đông Nam Á là Tàu (Chinois). Paris có hai nơi tập trung đông đảo hàng quán của người Đông Nam Á : quận 13 và quận 10. Vì là nơi tập trung đông nhất người gốc Châu Á, quận 13 có tên là Quartier chinois.

Người Việt và người Hoa đã có mặt tại Pháp từ lâu đời, từ đầu thế kỷ 20, nhưng chỉ thực sự đông đảo kể từ sau 1975. Tại Paris, cho đến trước thập niên 1960, cộng đồng người Hoa tập trung vào các khu Les Marais (quận 4) vào Belleville (quận 10) và cộng đồng người việt tại Maubert (quận 5), nhưng từ thập niên 1970 trở đi quận 13 trở thành nơi hội tụ đông đảo của làn sóng người đến từ Đông Nam Á (Việt, Hoa, Lào và Khmer). Ngoài ra cộng đồng người Hoa và Việt cũng có mặt tại các quận 9, 11 và 18.

paris09

Một góc Phố Tàu Paris 13 - Ảnh minh họa

Sự hiện diện của người Châu Á tại quận 13 này cũng rất tình cờ. Chương trình chỉnh trang thành phố Paris trong thập niên 1960 buộc phần lớn người Châu Á sinh trú tại khu vực trung tâm (Belleville, Marais và Maubert Mutualité) ra khỏi những khu nhà cũ nát để tái định cư ở vùng ngoại ô. Cùng lúc đó, tại quận 13, chính quyền Paris vừa xây xong những căn nhà chọc trời để cho thuê, nay là khu Olympiades, nhưng bị người Pháp tẩy chay vì không quen ở nhà cao tầng, người Châu Á mới được vào thuê. Cho đến cuối thập niên 1970, do làn sóng người Đông Dương tị nạn nhập cư ồ ạt vào Paris, khu Olympiades này rất được chiếu cố : ở phía Nam, trên cao và cạnh sông Seine, ba yếu tố địa lý này phù hợp với niềm tin về địa linh của người Việt và Hoa. Từ đó xuất hiện cộng đồng người Châu Á tại quận 13, sinh sống bằng nghề thương mại, đông nhất và lớn nhất đối với Châu Âu chứ nếu so với các Chinatown tại Hoa Kỳ, các khu này chẳng thấm vào đâu về sự sang trọng và đồ sộ.

Sinh hoạt thương mại chính tập trung vào ngành ăn uống (44,1%), kế đến là các các sinh hoạt buôn bán xuất nhập cảng và tạp hóa (37,4%), ngành dịch vụ (18,5%), trong đó cộng đồng người Hoa nói tiếng Triều Châu từ Kampuchea chiếm phần áp đảo. Nổi bật nhất là hai siêu thị hàng Châu Á : Tang Frères (7 cửa tiệm trong Ile de France, trong đó 4 tại Marne La Vallée, phía Đông Paris) và Paris Store (4 cửa tiệm, trong đó 3 tiệm ở Marne La Vallée).

Phần lớn các sinh hoạt thương mại của người Châu Á tại Paris tập trung quanh hai tục giao thông chính : Avenue d'Ivry và Avenue de Choisy. Trên một vài đại lộ khác (Avenue d'Italie, Boulevard Vincent Auriol, rue Tolbiac...), các cửa tiệm ăn uống Việt và Hoa đông ngang nhau. Như tại Đông Nam Á, các cửa tiệm của người Hoa nằm ở mặt tiền hay các nơi thuận lợi cạnh các trục giao thông lớn, còn các tiệm của người Việt, Khmer và Lào lùi vào các đường nhỏ hay trong hẻm. Đi dạo trong Khu Tàu quận 13 không khác gì đi dạo tại Chợ Lớn, ở đâu cũng thấy những cửa hiệu viết chữ Hán thật lớn, bên cạnh đó là những cửa hiệu viết chữ Việt thật nhỏ.

Những dịp lễ lớn, Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu, sinh hoạt văn hóa hay những cuộc biểu diễn múa lân ngoài đường của người Trung Hoa gây nhiều chú ý nhất.

Nguyễn Văn Huy

(02/08/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)