Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

12/08/2024

Paris bên bờ hữu ngạn - 2

Nguyễn Văn Huy

Beaubourg và Les Halles (quận 1, quận 3 và quận 4)

Nếu có một nốt sai trong Tình khúc Paris tuyệt vời, đó là Beaubourg và Les Halles. Khu này - nằm trong ba quận 1, 3 và 4 - là một cái gì bất bình thường giữa thành phố Paris tráng lệ. Beaubourg theo nguyên nghĩa là "phố đẹp" và Les Halles là "vựa thực phẩm". Đã là phố đẹp thì không thể đi đôi với vựa thực phẩm, cũng như một phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ không thể ngồi giữa chợ bán thịt cá, nhưng ở trong khu Beaubourg và Les Halles này tất cả đều có thể. Les Halles ngày nay không còn vết tích gì của vựa thực phẩm và Beaubourg cũng không phải là phố đẹp như tên gọi của nó. Đây là một khu phố lạ đời, "một Woodstock giữa thành phố" !

rivedroite1

Les Halles và Beaubourg là một khu phố lạ đời, "một Woodstock giữa thành phố" !

Thời gian và đời sống thường nhật đã thay đổi hẳn dĩ vãng của một khu lao động nghèo nàn và dơ bẩn giữa thành phố Paris để trở thành một khu phố ồn ào và náo nhiệt với những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật từ sáng đến tối. Thật vậy, trong những ngày nắng ấm, giới trẻ Paris và giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới thường tới Beaubourg và Les Halles ngồi nghe những nghệ sĩ lang thang trình diễn văn nghệ hay những tay "mãi võ sơn lâm" biểu diễn ảo thuật thuộc đủ mọi quốc tịch trên các con đường lát đá dành riêng cho khách bộ hành và các vỉa hè rộng lớn,

Về lịch sử, khu Beaubourg từ thế kỷ 16 mang tên Saint Merri, sau đổi thành Beaubourg từ nửa cuối thế kỷ 18 và là nơi cư ngụ của gia nhân các bậc vua chúa và quan quyền. Sang thời Cách mạng Pháp 1789, khu này trở thành ổ phản kháng chống lại triều đình và sau đó biến thành một khu lao động dơ bẩn. Năm 1969, cố tổng thống Pháp Georges Pompidou - muốn biến Paris thành một trung tâm sáng tác nghệ thuật và văn hóa xứng đáng với tầm vóc của nước Pháp và để cạnh tranh với các thủ đô văn hóa khác trên thế giới - đã chọn khu đất cũ kỹ Beaubourg trong quận 4 để xây dựng một trung tâm văn hóa và nghệ thuật tân kỳ lớn nhất nước Pháp.

Hơn 600 dự án kiến trúc độc đáo từ khắp nơi trên thế giới gởi tới để dự thi. Sau một thời gian lưỡng lự giữa nhiều dự án hấp dẫn, chính quyền Paris quyết định chọn dự án hỗn hợp của các kiến trúc sư Renzo Piano, Gianfranco Franchini (Ý) và Richard Rogers (Anh). Nhưng (cố tổng thống) Pompidou không có cái may chứng kiến giấc mơ các mình được thành tựu khi còn sống như (cố tổng thống) François Mitterrand, người kế vị ông 7 năm sau đó khi khánh thành thư viện quốc gia với tên của mình Bibliothèque National Tolbiac-Mitterrand. Năm 1974, Pompidou qua đời sau một cơn bạo bệnh ; để tưởng nhớ công lao vị tổng thống quá cố, chính phủ Pháp đổi tên trung tâm Beaubourg thành Centre Georges Pompidou (Place Georges Pompidou, quận 4) mà dân chúng thường dưới tên thân mật là Beaubourg.

rivedroite2

Năm 1974, Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Beaubourg mang tên Centre Georges Pompidou

Công trình xây dựng kéo dài 8 năm, từ 1970 đến 1977, trong sự âm thầm và trước sự bàng quang của thiên hạ. Ngày 31/1/1977, khi (cố) tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đến cắt băng khánh thành, dân chúng Paris sửng sốt chứng kiến một công trình kiến trúc kỳ lạ, không giống với những gì mà họ đã từng thấy trước đó. Đây là một khu nhà có hình thù kỳ lạ, rộng 5.000 mét vuông, bằng kiếng và kim khí, nhìn từ xa giống một nhà máy lọc dầu vĩ đại với những sườn sắt chằng chịt, những đường ống bằng kim khí to lớn màu mè xanh đỏ vàng trắng và hệ thống cầu thang lên xuống tự động trong các đường ống trong suốt.

Về mặt kiến trúc, Centre Georges Pompidou là một cuộc cách mạng về thiết kế nội thất. Tất cả hệ thống vận chuyển, điều hòa không khí, sưởi ấm đều đưa ra bên ngoài để tăng cường diện tích bên trong. Bước vào tòa nhà người ta có cảm tưởng như bước vào một không gian ba chiều, với vòm nhà thật cao sơn màu tối được chiếu sáng bởi những bóng đèn huỳnh quang như những hành tinh lóng lánh giữa màn đêm. Những kiến trúc sư xây dựng công trình muốn thông tin cùng khách qua lại sự sống động của ngôi nhà này qua màu sắc của những đường ống. Sự chọn màu không phải tình cờ, mỗi màu tương trưng một công dụng riêng : màu xanh dương dành cho những ống thông hơi, màu xanh lục là những ống dẫn nước, màu vàng chóe cho những ống dẫn điện, màu đỏ là hệ thống thang máy, màu trắng cho hệ thống ống thông hơi và màu xám là những cột thép chống đỡ bên ngoài. Để tạo sự hài hòa với sự mới mẻ, những trang trí công cộng chung quanh cũng được xây dựng với những hình thù kỳ lạ, sơn phết đủ màu tươi chói.

Có một điều không ai ngờ là công trình kiến trúc kỳ quái năm tầng này lại thành công quá sức tưởng tượng. Khách ra vào trung tâm Beaubourg mỗi năm khoảng 8 triệu người, gấp hai lần khách lên xuống tháp Eiffel và gần bằng du khách ra vào khu giải trí EuroDisney Land (phía Đông Paris). Từ ngày khai trương 31/1/1977 đến 29/9/1997 có hơn 146 triệu lượt người vào thăm Beaubourg. Nhưng sau gần mười năm hoạt động, ngôi nhà "lọc dầu" này trở nên mệt mỏi và chính quyền Paris quyết đã định đóng cửa hai năm (từ 30/9/1997 đến 31/12/1999) để tu bổ và sơn phết lại hệ thống ống dẫn để mở cửa lại nhân dịp đầu năm 2000. Hiện nay số lượt người vào trung tâm văn hóa này khoảng 7.100 người/ngày, hay 2,6 triệu người/năm (2023).

125984547

Centre Pompidou là một khu nhà có hình thù kỳ lạ, rộng 5.000 mét vuông, bằng kiếng và kim khí, nhìn từ xa giống một nhà máy lọc dầu vĩ đại với những sườn sắt chằng chịt, những đường ống bằng kim khí to lớn màu mè xanh đỏ vàng trắng

Sự hấp dẫn của Beaubourg có những lý do của nó. Trước nhất là Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới, nơi trưng bày và triễn lãm đủ mọi trường phái nghệ thuật mới (art moderne), với trên 40.000 tác phẩm nghệ thuật đủ loại của hơn 4.200 nghệ sĩ nổi tiếng từ 1905 đến 1995. Thứ hai là Thư viện công cộng thông tin (BPI) khổng lồ cho hơn 1.300 lượt người vào mỗi ngày để tham khảo hơn 400.000 sách và ấn phẩm, 2.300 tạp chí và báo chí đủ loại, 20.000 vi phim và 14.000 đĩa CD và băng thu nhạc, đó là chưa kể hàng trăm máy vi tính (computer), máy đọc tài liệu trên vi phim và máy thính nhạc lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, cho cả người mù. Thứ ba là Viện nghiên cứu và liên hợp thính nhạc (IRCAM), mở cửa cho bất cứ người yêu thích âm nhạc nào muốn vào nghe. Thứ tư là Trung tâm sáng tạo công nghiệp (CCI) và Nha phát triển văn hóa (DDC) thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề và giới thiệu những sáng tác nghệ thuật mới đến hàng triệu người mỗi năm. Cuối cùng, và quan trọng nhất, là khách vào xem được tự do đi lại và không bị gò bó như những trong khuôn mẫu kiến trúc có sẵn trước đó ; khi mệt mỏi khách vào xem có thể dừng chân nghỉ mệt ở mỗi tầng lầu trong hệ thống cầu thang tự động hình ống bọc kiếng để nhìn toàn cảnh Paris bên ngoài (tháp Eiffel, nhà thờ Montmartre và La Défense) hay ngồi bệt xuống sàn nhà. Nhưng được mọi người yêu thích nhất là nụ cười và sự niềm nở của hơn 1.700 nhân viên trẻ đẹp làm việc trong khu nhà này, gần 2/3 dưới 35 tuổi. Đa số những người ra vào trung tâm Beaubourg là giới thanh niên, tuổi trung bình từ 25 đến 30 tuổi.

Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới (MNAM-Musée national d'art moderne) - tọa lạc trên lầu ba và bốn ; cửa ra vào nằm ở lầu bốn - là nơi được thăm viếng nhiều nhất. Lầu ba gồm nhiều phòng trưng bày những sáng tác cận đại với tất cả phong phú về nghệ thuật tạo hình : kiến trúc và tạo hình (design) cùng với những phòng chiếu phim video và cinéma. Lầu bốn triển lãm thường trực những tác phẩm hội họa tiêu biểu của các trường phái mới : dã thú (fauvisme) như Henri Matisse (1869-1954), hỗn hợp (dadaisme hay real made) như Marcel Duchamp (1887-1968), lập thể (cubisme) như Georges Braque (1882-1963) và Pablo Picasso (1881-1973), trừu tượng (abstraction) như Vassily Kandinsky (1866-1944), Robert Delaunay (1885-1941), Paul Klee (1879-1940), Piet Mondrian (1872-1944), siêu thực (surréalisme) như Joan Miró (1893-1983), René Magritte (1898-1967), Yves Tanguy (1900-1955) và Salvador Dalí (1904-1989), nghệ thuật dân gian (pop'art) và nhiều khuynh hướng khác ; ngoài ra lầu bốn còn có nhiều khu triển lãm các tác phẩm điêu khắc thuộc các trường phái hiện thực (réalisme) và vị lai (futurisme).

Lầu năm của trung tâm, có tên Le Belvédère (nhà ngắm cảnh) gồm nhiều Galeries trưng bày khoảng 7.300 tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh và nghệ thuật tạo nét (graphisme). Lầu hai dành cho Thư viện công cộng thông tin (BPI) Trung tâm sáng tạo công nghiệp (CCI) của viện Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới. Lầu một dành riêng cho người mù. Tầng trệt là nơi thông tin những sinh hoạt văn hóa thường nhật của trung tâm và có một khu dành cho trẻ em học hỏi nghệ thuật tạo hình. Tầng hầm dành cho Nha phát triển văn hóa (DDC) tổ chức triển lãm và hội thảo. Viện nghiên cứu và liên hợp thính nhạc (IRCAM) nằm ở ngoài trung tâm trên góc đường Saint Merri và rue Brismiche.

Đối diện với cửa ra vào Centre Pompidou là quán Café Beaubourg (100, rue Saint Martin, quận 4), nơi qui tụ của những nhân viên làm việc trong trung tâm và dân cư lân cận để ăn trưa và uống cà phê buổi chiều khi tan sở. Nét độc đáo của quán cà phê này là kiến trúc mỹ thuật của nó. Quán cà phê này do kiến trúc sư Christian de Portzamparc, người vẽ Khu âm nhạc tại La Villette (quận 19), thực hiện. Nội thất được trang trí theo khuynh hướng Art Déco (nghệ thuật trang trí) với những tủ sách dựng kín đáo ở mỗi góc tường. Từ ngày khai trương đến nay, quán này là tụ điểm của giới thanh nhân mặc khách Paris. Vào những ngày nắng ấm, khách ngồi uống cà phê đông tràn ra cả hè phố và không ai phiền hà gì cả, những thiếu nữ kiểu diễm từ khắp nơi thường đến đây uống nước để mọi người chiêm ngưỡng nét đẹp trời cho và những đoàn ca hát lang thang đến trình diễn văn nghệ ngay trước quán, không khí rất là "văn nghệ".

Phía Đông Bắc tòa nhà Beaubourg là một hồ nước nhân tạo để tưởng nhớ nhà soạn nhạc Nga, Bassin Igor Stravinsky (Rue Brismiche, quận 4). Hai nhà điêu khắc Niki de Saint Phalle và Jean Tinguely đã nắn tạo những tượng thú tiền sử lập thể di động, với tượng một con gà trống màu sắc rực rỡ dựng ở giữa hồ. Hồ này đẹp nhất vào buổi tối nhờ những ánh đèn huỳnh quang chiếu vào.

rivedroite4

Để tạo sự hài hòa với sự mới mẻ, những trang trí công cộng chung quanh cũng được xây dựng với những hình thù kỳ lạ, sơn phết đủ màu tươi chói.

Tiến lên phía Bắc một chút là "khu đồng hồ" (Quartier de l'horloge) nằm trong khu vực Rue Saint Martin, Rambuteau, Beaubourg và Grenier Saint Lazarre (quận 4). Khu này nổi tiếng nhờ chiếc đồng hồ khổng lồ mang tên "Le Défenseur du Temps" (người bảo vệ thời gian) dựng trên đường Rue Bernard de Clairvaux (quận 3), do Jacques Monastier tạc, cao 4 mét với những tượng người tự động (automate) bằng thau màu vàng sáng chói như muốn chống chọi lại không khí, đất và nước.

Cách đó không xa về phía Nam khu Beaubourg là giáo đường Saint Merri (76, rue de la Verrerie, quận 4). Saint Merri là tên gọi tắt của nhà tu Meredic. Từ thế kỷ 7 dân chúng xây một nhà nguyện nhỏ để thờ phượng nhưng đến đầu thế kỷ 8 thi thể nhà tu Meredic, đã phong thánh, được mang từ Autun (trung tâm nước Pháp) về chôn trong nhà nguyện. Sang thế kỷ 16, dân số trong khu vực gia tăng nhanh, nhà nguyện được dựng lại để trở thành một giáo đường gothic rực rỡ năm 1552, mang tên Saint Merri. Năm 1789, giáo đường Merri bị phá hoại nặng và chỉ được tu sửa lại năm 1842, do anh em dòng họ Stodtz thực hiện. Mặt tiền phía Tây của của giáo đường là những bức tượng thánh được rất công phu. Nội thất của giáo đường được trang trí rất sang trọng với những cửa kiếng màu (vitraux) rực rỡ, bục giảng bằng gỗ cũng được chạm trỗ rất tinh vi. Hiện nay giáo đường Merri là nơi gặp mặt của những người Ý làm việc trong các ngân hàng lân cận trên đường Lombards, trước kia là nơi cư ngụ của những người cho vay nặng lãi.

Đi về phía Tây, trên những con đường lát đá để giữ lại những nét của thời Trung Cổ và không xa giáo đường Saint Merri bao nhiêu là bễ nước Fontaine des Innocents (Square des Innocents). Sở dĩ có tên Innocents (vô tội) là vì nơi đây trước kia là một bãi tha ma công cộng, nơi vùi xác những người không tên tuổi (les innocents) trong những hố chôn tập thể. Để tưởng niệm những người quá cố bị vùi xác tại đây, một bễ nước đã được dựng lên trên đường Saint Denis năm 1549 ; sau khi hốt xong phần lớn hài cốt chôn tập thể này bễ nước đó bị đập bỏ và một bễ nước khác được dựng trên bãi tha ma cũ với những đường nét tuyệt mỹ, do điêu khắc gia Jean Goujon chạm theo hình vẽ của họa sĩ Pierre Lescot, bao bọc bởi những hàng cây tươi mát (ai hay sợ ma thì không nên đến khu này vào buổi tối). Ngày nay Fontaine des Innocents là nơi hẹn hò của những đôi trai gái vào khu Beaubourg giải trí.

Những con đường chật hẹp lát đá quanh Fontaine des Innocents, có từ thời Trung Cổ. Rue Saint Honoré là con đường chở các tử tội dưới thời Cách mạng Pháp 1789 lên máy chém (guillotine) và trẻ con thường chạy theo xe để cù lét chân những thân xác cụt đầu khi được đem về quăng xác xuống hồ chôn tập thể ; ngày nay là con đường rẫy các quán ăn và cửa tiệm. Rue de la Ferronnerie chứng kiến vua Henri IV bị Ravaillac ám sát năm 1610, trước căn nhà số 11. Rue Saint Denis cũng là con đường chở những tử tội tới Montfaucon để treo cổ từ thời Trung Cổ và cũng là con đường được các vua Pháp dùng để tiến vào Paris sau khi làm lễ đăng quang từ Reims trở về. Mỗi lần như thế dân chúng hai bên đường rót rượu suốt ngày đêm, ngày nay con đường này vẫn tiếp tục sống trong cảnh trụy lạc với nhiều ổ mãi dâm và các tiệm chiếu phim hay buôn bán dụng cụ tình dục. Số 51 rue de Montmorency (quận 3) là một trong hai ngôi nhà xưa cổ nhất Paris (cái thứ hai số 3 rue Volta, quận 4), được nhà văn Nicolas Flamel xây năm 1407 để giúp người nghèo.

Cạnh những con đường vừa nói trên, nơi này trước kia được gọi là Les Halles, cái "bao tử của thành phố Paris" (theo cách gọi của nhà văn Emile Zola). Nhận thấy dân số Paris ngày càng gia tăng và việc cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn thành phố chưa được hoàn hảo, năm 1183 vua Philippe Auguste (1180-1223) chọn khu vực Les Halles ngày nay để xây dựng một khu chợ lớn nhằm cung cấp thực phẩm cho dân chúng Paris và cũng để kiểm soát số dân cư sinh sống nơi đây. Ngay giữa chợ là một bục cao, nơi dân chúng có quyền ném bùng đất, rác thối vào mặt những tay buôn gian bán lận, trộm cắp, chủ chứa gái và những người xúc phạm đến Thượng đế bị bắt đem tới đây ; lệ này chỉ bị bỏ vào thời Cách mạng Pháp.

Cũng nên biết là không khí sinh hoạt tại Les Halles từ cuối thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18 rất là xô bồ, các tay giang hồ tứ chiến từ khắp nơi về đây quậy phá giữa mùi hôi thối nồng nặc từ những xác người sình rữa ở nghĩa địa Les Innocents bốc ra. Nghĩa địa này không có mộ phần, nó là một bài tha ma thì đúng hơn. Khi chết, xác người xấu số được thân nhân mang đến ném xuống một hố sâu hơn chục mét rồi bỏ đi, không lấp đất lại, làm mồi cho chuột bọ và quạ đen hay chờ xác một người khác phủ lấp lên. Mùi hôi thối từ những tử thi rữa nát này bốc ra bao trùm cả khu vực và tình trạng này kéo dài trong 7 thế kỷ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, mà không ai phiền hà gì cả. Với thời gian xương cốt những người chết trồi cao hơn mặt đất 2 mét và đất đai chung quanh bị mục rữa làm sập nhiều căn nhà. Năm 1780, không thể để tình trạng xô bồ và hôi thối tại nơi này kéo dài mãi, vua Louis XVI ra lệnh hốt hết hài cốt những người chết trong khu vực này đem chôn nơi khác. Công tác vận chuyển hài cốt rất là cực nhọc, những người tù khổ sai được đưa đến đây hốt hơn 6 triệu bộ hài cốt từ các hố chôn tập thể này. Theo số liệu thống kê thời đó, trong ba năm liền, các tù nhân khổ sai đã đẩy trên 12.000 chuyến xe bò ban ngày, 3.500 xe ban đêm và hơn một ngàn chuyến xe chở xương cốt vụn vứt vào các hầm đá bỏ hoang tại Montrouge, Montparnasse và Montsouris. Năm 1860, trong chương trình đại tu thành phố Paris do Haussmann thực hiện, người ta hốt thêm hàng trăm ngàn bộ cốt khác, chở trên 800 xe bò trong 15 tháng, mang về chôn trong hầm đá tại Issoire (ngày nay là đường Tombe Issoire, quận 14) vì các hầm đá khác đã đầy cốt người. Không ngờ "thế giới người chết" nằm sâu dưới lòng đất 20 mét này trở thành một trong những nơi đáng viếng thăm của Paris, với tên gọi "Les catacombes" (Place Denfert Rochereau, quận 14), rộng 11.000 mét vuông.

Công tác dọn dẹp sạch sẽ khu Les Innocents bị đình chỉ dưới thời Cách mạng Pháp, sinh hoạt của khu Les Halles trở lại y như cũ, nghĩa là rất xô bồ. Dưới thời Napoléon I (1799-1821), việc buôn bán tại khu Les Halles có phần nề nếp hơn, Paris trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất Châu Âu. Năm 1851 hoàng đế Napoléon III giao kiến trúc sư Victor Baltard xây những ngôi nhà lồng bằng sắt tại Les Halles để che mưa che nắng, không ngờ ngôi chợ lồng này được khắp nơi trên thế giới bắt chước, kể cả tại Việt Nam thời đó (chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, v.v.), với gọi là Pavillon Baltard. Nhưng diện tích khu chợ Les Halles trở nên chật hẹp trong khi nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng. Các kho trữ hàng đều ngập ứ, nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên, vựa rượu được dời ra Jussieu, sau ra bến Bercy năm 1860. Tình trạng hỗn độn tại Les Halles kéo dài cho tới năm 1962, và chấm dứt hẳn năm 1969, khi chính phủ Pháp quyết định dời khu Les Halles về Rungis (tỉnh Val de Marne, 94), cạnh phi trường Orly (cách Paris 5 cây số về phía Nam). Từ sau ngày đó, vết tích của khu buôn bán sỉ thực phẩm bị xóa hẳn để trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa mới, Le Forum des Halles, gọi tắt là Les Halles, năm 1979.

Le Forum des Halles (quận 1) là một trung tâm sinh hoạt văn hóa nằm sâu dưới lòng đất giữa thành phố lớn nhất thế giới, gồm năm tầng (khu thương mại chiếm ba tầng, mỗi tầng rộng 7 hecta, và đường xe điện ngầm Châtelet-Les Halles chiếm hai tầng cuối). Về kiến trúc, Le Forum des Halles là một dãy nhà bằng kiếng (như để giữ kỷ niệm về ngôi chợ của Baltard) rất tân kỳ, hình vòng hoa với những hành lang thông thương với nhau nằm sâu dưới lòng đất được rọi sáng bằng áng sáng thiên nhiên từ một sân trong (patio), dùng làm nơi trình diễn văn nghệ. Dọc các hành lang là những cửa tiệm buôn bán áo quần thời trang, sách báo, băng dĩa nhạc, công ty du lịch, rạp chiếu bóng, quán cà phê và fast-food. Những nghệ sĩ trẻ thường tổ chức triển lãm hội họa và điêu khắc trong Pavillon des Arts và thơ nhạc trong Maison de la Poésie.

Bảo tàng hình người bằng sáp (Musée Grévin, lầu 1, Le Forum des Halles), là một chi nhánh của Musée Grévin trên Boulevard Montmartre từ năm 1882, bảo tàng nhỏ này trưng bày 20 hoạt cảnh ba chiều với những văn nhân nghệ sĩ tên tuổi của Pháp thời La Belle Epoque (1871-1913), như văn hào Victor Hugo trước Nhà Thờ Đức Bà, họa sĩ Toulouse Lautrec trong một quán nhạc tại Montmartre, Jules Vernes trong lòng đất, Gustave Eiffel dưới chân tháp, v.v...

Khu vườn Jardin d'enfants des Halles (Forum des Halles, 105, rue Rambuteau, quận 1) là một không gian riêng biệt dành cho trẻ em từ 7 đến 11 tuổi. Tại đây các em có thể thám hiểm một cách bạo dạng mà không sợ nguy hiểm 7 thế giới khác nhau được tạo dựng theo những chuyện cổ tích nổi tiếng.

La vidéothèque de Paris (2 rue Grande Galerie du Forum, quận 1) là trung tâm chiếu phim vidéo về văn hóa lớn nhất nước Pháp, đặc biệt là về thành phố Paris. Từ 1995, trung tâm này mở thêm dịch vụ Cyberport thu hút rất đông giới trẻ vào sinh hoạt. Cạnh trung tâm này là một thư viện băng từ (CD), với hơn 40 máy đọc 30.000 CD, 5.000 băng vidéo và 7.000 sách âm nhạc, và một hồ bơi, nơi trình diễn những thân hình kiều diễm nhất Paris.

Musée de la Poupée (Impasse Berthaud, quận 3) được thành lập năm 1994 là bảo tàng trưng bày các bộ sưu tầm, xếp theo chủ đề, về búp bê của Pháp từ 1850 đến 1950 trong 36 tủ kính và các búp bê khác của thế giới trong 24 tủ kính, tổng cộng hơn 200 búp bê bằng đất nung (porcelaine).

Giáo đường Saint Eustache (Place du Jour, quận 1) là một trong nhiều ngôi giáo đường đẹp nhất Paris kiểu gothic trong thời Phục Hưng. Giáo đường này có năm nóc cao song song với tiền diện. Những cửa kiếng màu được cấu tạo theo tranh của họa sĩ Philippe de Champaigne. Ngôi giáo đường này đã được nhiều nhân vật lịch sử Pháp đến dự lễ : bà công tước de Pompadour và hồng y Richelieu chịu phép rửa tội, vua Luois XIV chịu phép bao đồng, v.v... Trước ngôi giáo đường cổ kính này là một tác phẩm điêu khắc lạ đời hình một đầu người tròn trịa to lớn cạnh một bàn tay khổng lồ do điêu khắc gia Henri de Miller thực hiện.

Cạnh ngôi giáo đường là quán Le Bistrot d'Eustache (37 rue Berger, quận 1), một quán cà phê tiêu biểu của thập niên 1930. Mỗi chiều chủ nhật khách vào chật cả quán để nghe những nhạc sĩ trình diễn các điệu jazz cổ điển nổi tiếng. Tối thứ năm là các buổi trình diễn các điệu nhạc nhạc jazz mới. Những ngày khác là những buổi trình diễn nhạc rượu (piano-bar). Thức ăn đặc sản tại đây có tiếng là ngon.

Giáo đường Saint Germain l'Auxerrois (2 Place du Louvre, quận 1), được xây dựng từ thế kỷ 12 và tu sửa vào thế kỷ 15, đã là nơi các vua Pháp dòng họ Valois đến dự thánh lễ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Đây là một công trình kiến trúc gothic rực rỡ kết hợp với vô số tượng hình và tác phẩm điêu khắc trên gỗ kiểu phục hưng. Giáo đường này nổi tiếng với nóc chuông kiểu La Mã, nơi phát hiệu lệnh thảm sát 3.000 tín đồ Tin Lành trong đêm 24-8-1572 (đêm Saint Barthelémy). Thời Cách mạng Pháp, giáo đường này bị đóng cửa năm 1793 và được dùng làm nơi chứa rơm. Bị hư hại nặng, giáo đường này chỉ được phục hồi vào cuối thế kỷ 19.

Tháp La tour Saint Jacques (Square de la Tour Saint Jacques, quận 4) là vết tích duy nhất còn sót lại của giáo đường gothic Saint Jacques de Compostelle, được xây dựng năm 1523, bị đập phá trong thời Cách mạng Pháp vì tình nghi có ma thuật. Thật vậy, tại nơi đây năm 1382 nhà hóa học Nicolas Flamel đã biến thủy ngân thành bạc làm nhiều người bị mê hoặc làm theo, nhà bác học Blaise Pascal (1623-1662) đã thử nghiệm áp suất không khí và sức từ trường ngay trong giáo đường, ngày nay tượng của ông được dựng ở tầng trệt của tháp để tưởng nhớ. Thời gian sau, tháp chuông cao ráo này được một người sản xuất vũ khí thuê, ông ta đúc đầu đạn bằng chì từ trên tháp cao đổ xuống đất để tạo những khối tròn, gây kinh hoàng cho khách bộ hành qua lại. Quyền sử dụng tháp bị thu lại và được biến thành đài quan sát thủy văn và tồn tại cho tới ngày nay. Tháp chuông này sau đó được tu bổ, Nữ hoàng Anh khi sang Pháp năm 1854 đã đến viếng thăm tháp chuông này, do đó con đường nơi tọa lạc La Tour Saint Jacques mang tên Avenue Victoria.

Căn nhà số 20, rue Etienne Marcel (quận 2) có một huyền sử độc đáo. Trong cuộc nội chiến giành ngôi vua giữa phe Armagnac và Bourguignon, bá tước Bourgogne, Jean Sans Peur (1371-1419), liên hiệp với quân Anh đánh phe Armagnac do bá tước d'Orléans cầm đầu. Tuy có biệt dang là "không sợ, nhưng ông này là người "rất nhát" : lo sợ cuộc chiến kéo dài bất lợi cho mình, Jean Sans Peur cho thủ hạ ám sát bá tước d'Orléans năm 1408, rồi sợ bà góa phụ Duc d'Orléans báo thù, ông cho xây một ngôi nhà cao 27 mét và ngủ ở lầu bốn đề phòng bị ám sát, muốn lên tới phòng ngủ phải leo 140 bậc cấp, thời gian đủ để hộ vệ báo động và đối phó, nhưng cuối cùng ông cũng bị ám sát năm 1419.

La Bourse du Commerce (2 rue de Viarmes, quận 1) là một kiến trúc hình tròn với mái nhà hình vòm được xây dựng lên cho hoàng hậu Catherine de Médicis (1519-1589), vợ vua Henri II. Vào thế kỷ 18, ngôi nhà này bị phá bỏ để biến thành kho lúa cho khu Les Halles. Năm 1889 kho lúa bị dời đi nơi khác để được tân trang lại thành một ngôi nhà vòm to lớn, được trang trí rực rỡ kiểu tân cổ điển với những cột trụ và tượng hình La Mã, làm nơi trao đổi tín dụng và tiền bạc giữa các tay buôn trong khu Les Halles. Ngôi nhà này ngày nay là nơi trao đổi ngoại thương và là văn phòng của Phòng thương mại và kỹ nghệ thành phố Paris.

Nhưng nơi được đông đảo dân chúng, nhất là khách du lịch ngoại quốc, ra vào là khu thương mại La Samaritaine (19 rue de la Monnaie, quận 1). Đây là một trong hai khu thương mại sang trọng vừa xưa vừa lớn nhất Paris (cửa hàng kia là Au Bon Marché, 5 rue de Babylone, quận 7, bên bờ tả ngạn), do ông bà Ernest Cognacq và Louise Jay tạo dựng năm 1900. Cửa hàng gồm chín tầng, mỗi tầng bày bán áo quần thời trang, mỹ phẩm sang trọng và vật dụng thường nhật. Sau một thời gian hoạt động hai vợ chồng Cognacq-Jay quyết định thay đổi hình thức cửa hàng. Từ 1926 đến 1928, mặt tiền của cửa hàng được tân trang lại theo trường phái Art Déco. Nội thất cũng được tái tạo lại với những dãy hành lang bằng sắt được trang trí theo nghệ thuật mới. Lầu chín là quán giải khát, chỉ mở cửa từ tháng 4 đến tháng 10 mỗi năm để đón khách, thiết kế trên một sân thượng rộng rãi có thể nhìn khắp Paris. Các lầu khác là những cửa hàng bày bán những vật dụng cho sinh hoạt thường nhật hay mỹ phẩm, nữ trang sang trọng. Hai ông bà Cognacq-Jay còn là sở hữu chủ bảo tàng tác phẩm và đồ vật hoàng gia thế kỷ 18 (Musée Cognacq-Jay, Hôtel Donon, 8 rue Elzévir, quận 3) và được tặng cho thành phố Paris năm 1929 để cho quần chúng vào xem. Sau 16 năm tân trang và cải tiến nội thất, La Samaritaine đã mở cửa lại năm 2021 và trở thành một khu thương mại sang trọng nhất Paris.

Marc Lavoine - Paris [1991]

 

Khu Tuileries (quận 1)

Nếu phải chọn một khu vực nào sang trọng và phong phú nhất Paris để đi dạo, đó phải là khu Tuileries. Sự vẻ vang này không phải tự nhiên mà có, đó là một cố gắng phi thường của tất cả những người yêu mến vùng đất này và đã biến nó thành một nơi đáng quí. Tuileries có nghĩa là lò gạch, xưởng làm ngói. Khi địa danh Paris bắt đầu phát triển dưới thời La Mã cách đây gần hai ngàn năm, dân chúng thường chèo thuyền sang hữu ngạn sông Seine đào bùn đúc gạch ngói và nung khô rồi chở sang bờ tả ngạn dựng nhà, danh xưng Tuileries có từ thời đó và tồn tại cho tới ngày nay. Khi phong trào đào bùn làm gạch chấm dứt vào đầu thế kỷ thứ 6, khu này trở thành bải rác công cộng khổng lồ. Năm 1564, hoàng hậu Catherine de Médecis, người Ý vợ nhà vua quá cố Henri II (1547-1559), mua lại bải rác này để biến thành một khu dạo mát dọc hữu ngạn sông Seine với những luốn cây thẳng tắp và thảm cỏ xanh rộng, tên Jardin des Tuileries nảy sinh từ đó. Một thế kỷ sau, năm 1664, kiến trúc sư André Le Nôtre được vua Louis XIV giao thiết kế lại khu vườn kiểu Pháp, rộng 6 hecta, với một lối đi rộng lớn giữa những luống cỏ cắt tỉa tuyệt đẹp với những hình hoa Lys, biểu tượng của hoàng gia Pháp, và bốn hồ nước nhân tạo (một hình tròn và một hình tám góc ở hai đầu lối đi chính và hai hồ nước nhỏ ở hai góc phải và trái giáp bảo tàng Louvre), chung quanh bao bọc bởi một tường thành dài cao năm thước.

Vườn Tuileries (Jardin des Tuileries, Place de La Concorde, quận 1), trở thành nơi dạo mát của giới quí tộc và trưởng giả Paris từ thế kỷ 17 đến thời Cách mạng Pháp 1789. Thời gian sau đó, khu vườn này trở thành nơi tập hợp của quần chúng ủng hộ phe cách mạng và cũng là nơi các nhà cách mạng lên án giai cấp phong kiến. Những lúc không có diễn văn chính trị khu vườn biến thành khu dạo mát của giới bình dân và phường bán dạo, buổi tối là nơi làm việc của giới buôn dâm, nét đài các của khu vườn ngày xưa nhường chỗ cho sự tầm thường phi văn hóa. Sang thời Phục Hưng (Renaissance) các vua Pháp đã trả lại khu vườn này không gian yên tịnh của nó, diện tích khu vườn được nới rộng thêm, hàng ngàn cây xanh được trồng, hàng trăm bức tượng và tác phẩm điêu khắc thế kỷ 18 và 19 được dựng lên đây đó để làm đẹp mắt khách bộ hành.

Phía đầu khu vườn là quảng trường La Concorde (quận 8) với một bia đá Ai Cập hình khối bằng đá hoa cương màu hồng, cao 15 mét, nặng 230 tấn.

Trái với những đồn đoán cho rằng hoàng đế Napoléon hạng nhất đã cướp bia đá này như một chiến lợi phẩm mang về Pháp dựng tại Quảng trường La Concorde. Sự thực là năm 1830 phó vương Ai Cập tên Mehemet Ali, để tạ ơn tình hữu nghị giữa Pháp và Ai Cập, đã tặng cho vua Charles X của Pháp hai bia đá dựng trước khu di tích Louxor. Để đáp lại, năm 1935 vua Louis Philippe đệ nhất tặng cho phó vương Mehemet một đồng hồ bằng đồng lớn ngày nay vẫn còn được treo trên Thành cổ Cairo. Trong thực tế chỉ bia đá bên phải của đền Louxor được tháo gỡ năm 1835 và chuyển về Pháp năm 1836. Còn bia đá thứ hai, nhưng ngay khi vừa đắc cử tổng thống Pháp, ngày 26/09/1981 tân (cố) Tổng thống François Mitterrand đã nhân danh nước Pháp từ chối nhận bia đá thứ hai và chính thức giao lại chủ quyền cho Ai Cập.

Trở về Quảng trường La Concorde, dưới chân tượng đài là một khối đá khổng lồ cao 4 mét mang từ vùng Bretagne dùng làm bục nâng với những chữ tượng hình khắc bốn góc chung quanh giải thích cách chuyên chở tượng đài về đến Paris.

Concorde có lẽ là một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới. Lúc khởi đầu, Concorde là một khu vườn kiểu Pháp (có nhiều luống cỏ cắt tỉa cẩn thận), do kiến trúc sư Jacques Ange Gabriel thiết kế từ 1753 đến 1763, tượng nhà vua do Edme Bouchardon và Jean Baptiste Pigalle tạc được dựng ngay giữa quảng trường mang tên Louis XV. Năm 1792 phe cách mạng đổi tên thành Quảng trường Cách Mạng và là nơi đặt máy chém đầu vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, Danton, Robespierre và hơn 1.100 người khác. Năm 1795, nơi này đổi tên thành Quảng trường Hòa hợp (Concorde) và tượng Les Chevaux de Marly do điêu khắc gia Guillaume Coustou tạc được dựng lên để xóa tan những vết tích gớm ghiếc của thời cách mạng.

Khi vua Louis XVIII lên cầm quyền lại năm 1814, quảng trường đổi lại thành Quảng trường Louis XV năm 1814, Louis XVI năm 1823 và Hiến chương năm 1830, sau cùng vua Louis Philippe (1830-1848) trả lại tên cũ với tên Concorde. Năm 1836, kiến trúc sư Hittorff dựng thêm 8 bức tượng lớn tượng trưng 8 thành phố của Pháp và hai bễ nước bao quanh. Quảng trường Concorde ngày nay là nơi dựng khán đài kết thúc cuộc duyệt binh nhân dịp lễ quốc khánh 14/7 mỗi năm.

Ở hai đầu phía Tây của khu vườn Tuileries là Musée de l'Orangerie (bên tả) và Galerie nationale du Jeu de Paume (bên hữu). Bảo tàng Orangerie là nơi trưng bày các tác phẩm hội họa thuộc các trường phái ấn tượng (impressionnisme) như Claude Monet, Pierre Auguste Renoir ; biểu tượng (expressionnisme) như Amadeo Modigliani ; lập thể (cubisme) như Paul Cézanne, Pablo Picasso ; dã thú (fauvisme) như Henri Matisse... Phòng triển lãm quốc gia Jeu de Paume được thành lập năm 1851 dưới thời Napoléon III, lúc đầu là nơi hội họp của những dân biểu bất phục tùng uy quyền quân chủ sau đổi thành bảo tàng đầu thế kỷ 20. Từ 1947 bảo tàng này trưng bày một bộ sưu tầm tranh ấn tưởng nổi tiếng, sau đó chuyển về bảo tàng Orsay năm 1986. Ngày nay bảo tàng Jeu de Paume chỉ trưng bày các tác phẩm hội họa cận đại. Giữa hai bảo tàng này là một sân rộng, nơi dựng lên một bánh xe khổng lồ cao hơn 60 mét để đưa người lên không trung ngắm cảnh trong vài phút. Đây cũng là nơi trưng bày các gian hàng hội chợ quanh năm với những trò chơi giải trí.

Xa hơn về phía Đông là quảng trường Carrousel. Năm 1806 hoàng đế Napoléon I cho khởi công xây dựng Đài chiến thắng Carrousel (Arc de triomphe du Carrousel, Place du Carousel, quận 1) để ghi lại những công trạng của mình trên chiến trường Ý. Đây là một công trình kiến trúc kiểu La Mã, hoàn tất năm 1808, dựng trên tám cột bằng đá cẩm thạch trắng và hồng, bốn góc đài chạm trỗ những chiến công của Napoléon năm 1805 với tượng những người lính trong Đại quân Pháp (Grande Armée) và sau này nhiều tượng khác được thêm vào dưới thời Phục Hưng (Restauration). Trên đỉnh đài là tượng hoàng đế Napoléon đứng trên cổ xe do bốn con ngựa Saint Marc bằng đồng đen kéo. Bốn con ngựa này do điêu khắc gia Bosio tạc lại từ bản chính (bị Napoléon tịch thu từ Ý mang về năm 1805) trả lại cho thành phố Venise năm 1815.

Tiến về phía Tây là bảo tàng lớn nhất thế giới, Musée du Louvre (Quai du Louvre và rue de Ravoli, quận 1). Bảo tàng này trước kia là triều đình của các vua Pháp, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, và không ngừng lớn rộng theo thời gian. Nhìn từ trên không, bảo tàng Louvre có hình chữ A khổng lồ. Lúc đầu, năm 1190, vua Philippe Auguste (1180-1223) cho xây tại nơi một pháo đài kiên cố đề phòng hải tặc Viking vào cướp phá. Năm 1360, vua Charles V biến pháo đài này thành cung điện nhà vua, Palais du Louvre. Các dòng vua sau nới rộng thêm để tổ chức triều chính, vua François I (1515-1547), Henri II (1547-1559) và vợ là hoàng hậu Catherine de Médicis cho xây thêm dãy nhà thật lớn dọc bờ sông Seine và dừng lại với Pavillon Flore, gọi là Palais des Tuileries (Aile Denon), do các kiến trúc sư Pierre Lescot, Louis Métezeau và Jacques II Androuet du Cerceau thực hiện. Về sau, các vua Henri IV (1589-1610), Louis XIII (1610-1643) và Louis XIV (1643-1715) nối liền Palais du Louvre quanh một sân vuông, La Cour Carrée, với Palais des Tuileries, tất cả các công trình mới này do các kiến trúc sư Jacques Le Mercier, Louis Le Vau và Claude Perrault phụ trách. Đến thời vua Louis XIV, triều đình dời về Versailles năm 1682, điện Louvre được dùng làm nơi lưu trữ văn khố và sau đó trở thành viện bảo tàng nghệ thuật trung ương năm 1793 bởi quyết định của quốc hội cách mạng.

Khi vừa lên ngôi, Napoléon I (1804-1815) chọn Louvre làm nơi cư ngụ và lập triều đình, đồ vật trưng bày tại đây không ngừng tăng thêm sau mỗi chiến thắng của ông. Để tăng thêm diện tích cung điện, Napoléon I cho xây một dãy nhà rộng lớn song song với Rue de Rivoli dùng làm nơi hội họp của ban tham mưu, với nhiều tượng tướng lãnh nổi tiếng dựng ở các thành tường, công trình này do hai kiến trúc sư Pierre François Léonard Fontaine và Charles Percier thực hiện. Tượng Napoléon I, đứng trên bốn con ngựa bằng đồng đen mang về từ (Venise (Ý), được dựng trên đỉnh đài chiến thắng, do kiến trúc sư Percier vẽ kiểu, giữa quảng trường Carrousel trong một khu vườn được cắt tỉa theo kiểu Anh, Jardin du Carrousel. Các vua Louis XVIII, Charles X và Louis Philippe về sau xây thêm một dãy nhà nhỏ nối dài từ Cour Carré ra. Đến thời Napoléon III (1852-1870) công trình nối liền Palais des Tuileries với điện Louvre hoàn tất với nhiều dãy nhà thật lớn nối liền Cour Carrée ra tới hai ngôi nhà lớn ở cuối, Pavillon de Marsan và Pavillon de Flore, tất cả các công trình xây dựng mới đều dưới quyền điều khiển của kiến trúc sư Hector Lefuel.

Năm 1871, phong trào quần chúng từ Montmartre tràn xuống chiếm trung tâm thành phố Paris và đốt Palais des Tuileries phản đối triều đình Pháp bị thất trận (trước quân Phổ) và thành lập một phong trào tả phái mang tên (la) Commune. Để đề cao chiến công của mình, phong trào xây dựng một con thật trống trải, gọi là Đường Khải Hoàng (Voie triomphale) từ điện Tuileries ra tới rừng Boulogne. Nhà cửa và cây cối hai bên đường đều bị san bằng để tôn vinh sự chiến thắng của giới bình dân nhưng bị thủ tướng Thiers nhanh chóng dẹp tan ngay sau đó. Phải chờ tới đầu thế kỷ 20, chính quyền Paris mới đủ tài chánh xây dựng lại điện Tuileries, Louvre và nhiều dinh thự và nhà cửa khác, tu sửa lại Jardins des Tuileries và Carrousel và tăng diện tích lên thành 24 hecta. Những gì còn lại ngày nay là do cố gắng phi thường của người Pháp hàn gắn lại những đổ vỡ do phong trào Commune gây ra.

Sau khi chế độ đệ tam cộng hòa được thiết lập năm 1870, điện Louvre mới thực thụ biến thành viện bảo tàng lưu giữ những đồ vật của hoàng triều Pháp và những di tích cổ từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1989, cố tổng thống Pháp François Mitterrand (1981-1995) khánh thành bảo tàng Le Grand Louvre sau 8 năm tân trang và mở rộng, từ 1981 đến 1989.

rivedroite5

Viện bảo tàng Louvre hiện nay - Ảnh minh họa

Le Grand Louvre là một thành phố ngầm rộng lớn trên 100.000 mét vuông diện tích triễn lãm, trong đó có 30.000 mét vuông trong các dãy nhà phân bổ trên ba tầng lầu, số còn lại ở ngay dưới mặt đất (gọi là tầng trệt). Ngoài ra còn có bốn tầng ngầm (sous-sol) nằm dưới "tầng trệt" của viện bảo tàng dùng làm bãi đậu xe và nơi lưu trữ các báu vật cần được sửa chữa hay chưa được trưng bày, trong đó có nhiều phòng dành riêng cho giới nghiên cứu cổ vật đến thực nghiệm. Cửa ra vào đặt giữa sân Cour Napoléon hình một kim tự tháp bằng kiếng thật lớn với hai kim tự tháp nhỏ (như tại Gizeh bên Ai Cập) bao quanh bởi các hồ nước, do kiến trúc sư Đài Loan Ieoh Ming-Pei thực hiện. Mục đích của các kim tự tháp này là vừa để thay đổi cảnh quang vừa để soi sáng đại sảnh đường ở dưới đất bằng ánh sáng thiên nhiên.

Vào thăm bảo tàng phải có thì giờ và phải có bản đồ chỉ dẫn trên tay nếu không sẽ bị lạc vì quá rộng lớn. Cuộc viếng thăm nhanh nhất phải mất 4 giờ và cuộc viếng thăm trung bình đầy đủ nhất là hai ngày. Những dãy nhà thuộc Palais des Tuileries cũ được đặt tên lại như sau : dãy nhà bao quanh Cour Carré là Aile Sully trên Rue du Louvre, dãy phía hữu là Aile Richelieu trên Rue de Rivoli và dãy nhà phía tả là Aile Denon trên Quai du Louvre, dọc sông Seine. Bảo tàng được chia thành 7 phân bộ (département) :

1. Cổ vật Đông phương (trong đó có nghệ thuật hồi giáo) ;

2. Cổ vật Ai Cập ;

3. Cổ vật Hy Lạp, Etrusques và La Mã ;

4. Tác phẩm hội họa ;

5. Tác phẩm điêu khắc ;

6. Vật dụng mỹ thuật ;

7. Nghệ thuật tạo nét (graphisme).

Ngoài ra còn có một phòng trưng bày các vật dụng thời Trung Cổ tìm thấy ngay dưới điện Louvre. Mỗi phân bộ có một màu sắc riêng để dễ phân biệt : các phòng trưng bày báu vật cổ có màu xanh dương, tác phẩm hội họa màu xanh lục, tác phẩm điêu khắc màu vàng, mỹ nghệ màu hồng và màu xám là các lối ra vào. Tất cả những báu vật trên được trưng bày trong 10 khu vực (arrondissements) : khu vực 1, 2, 3 tại Aile Richelieu ; khu vực 4, 5, 6, 7 trên Aile Sully và khu vực 8, 9, 10 trên Aile Denon. Cuộc viếng thăm phải đi từ Aile Richelieu qua Aile Sully và chấm dứt ở Aile Denon.

Aile Richelieu còn là nơi trưng bày các bộ sưu tầm về thời trang và nghệ thuật trang trí trong hai bảo tàng viện, có thể nói thiên đàng mơ ước của phần lớn phụ nữ đúng nghĩa :

1. Musée de la mode et du textile (Palais du Louvre, 107 rue de Rivoli, quận 1) được thành lập năm 1986 để trưng bày các kiểu áo quần thời trang sang trọng nhất từ thời Trung Cổ đến nay của các nhà vẽ kiểu nổi tiếng của Pháp, với hơn 80.000 bộ áo quần và vải sợi đủ kiểu. Số y phục trưng bày được luân phiên thay đổi để giữ gìn phẩm chất và tạo sự hấp dẫn.

2. Musée des arts décoratifs (Palais du Louvre, 107 rue de Rivoli, quận 1), gồm 100 phòng trên 5 tầng lầu, trưng bày các kiểu vật dụng trang trí từ thời Trung Cổ đến ngày nay, đặc biệt là các kiểu vật dụng dưới thời các vua Louis XIV, XV và XVI, như tủ bàn, tranh vẽ, các vật dụng trang trí phòng ốc... ; ngoài ra còn có nhiều gian phòng trưng bày nữ trang, đồ trang sức riêng của phụ nữ, đặc biệt là gian phòng trang sức của bà Jeanne Lanvin (hiệu mỹ phẩm Lanvin ngày nay) trong những năm 1918-1939 được tái tạo lại. Bảo tàng nghệ thuật trang trí còn trưng bày các loại đồ chơi cổ và những kiểu bàn ghế do các nghệ sĩ và kiến trúc sư cận đại sáng tác.

Rivoli là tên một địa danh tại Ý, nơi Napoléon đánh thắng quân Áo năm 1797. Để ghi nhớ chiến thắng này, năm 1800 Napoléon I lập một con đường dài đi từ khu Les Marais tới Place de la Concorde, dưới tên gọi Rue de Rivoli (quận 1), dùng làm nơi cư ngụ của gia đình các sĩ quan theo ông đánh giặc. Nhưng năm 1815 Napoléon bị thua trận, các khu nhà trên đường Rivoli được cho thuê hay bán lại để mở tiệm buôn bán.

Giữa Le Grand Louvre và Jardin des Tuileries trên đường Rivoli là Place des Pyramides (quận 1), nơi tượng Jean d'Arc mạ vàng cưỡi ngựa, do Daniel Frémiet tạc năm 1874 để nhắc lại sự tích vị nữa anh hùng này bị quân Anh bắn trọng thương ngay cửa Saint Honoré gần đó. Pyramides cũng là tên một chiến thắng của Napoléon I trên đất Ai Cập năm 1802. Quảng trường này là nơi hành hương hàng năm của Mặt Trận Quốc Gia (nay đổi tên thành Tập Hợp Quốc Gia), một tổ chức cực hữu của Pháp, vào mỗi dịp 1 tháng 5 (lễ Lao động).

Những ai thích sưu tầm đồ cổ thì phải ghé Le Louvre des Antiquaires (2 Place du Palais Royal, quận 1). Khu nhà này có cùng thời với điện Louvre ngày xưa nhưng được hai kiến trúc sư Charles Percier và Pierre-François Fontaine tân trang lại dưới thời Napoléon I để làm nơi cư ngụ của gia đình các tướng lãnh. Trong thập niên 1970, các phòng ốc trong khu nhà này được tân trang lại để trở thành 250 gian hàng bán đồ cổ sang trọng nhất Paris, phân bổ trên ba tầng. Nhiều người sẽ lầm vì tưởng rằng giá đồ cổ tại đây đắt hơn những nơi khác, thực tế đã ngược lại. Người mua đồ cổ tại đây được bảo đảm về tính xác thực (authenticité) của đồ vật (có chứng chỉ bảm đảm) và giá của nó là giá thị trường quốc tế, có trên catalogue, do đó giá tại đây đôi khi còn rẻ hơn những cửa hàng ngoài khu vực. Ngày nay khu này đã được dời về Saint Ouen (bắc Paris).

Cách khu nhà bán đồ cổ độ mươi thước bên tay phải là cung điện hoàng gia, Palais Royal (Place du Palais royal, quận 1). Khu nhà này do hồng y Richelieu xây dựng lên vào đầu thế kỷ 17 (và chết tại đây năm 1642), dùng làm nơi nuôi dưỡng và giáo dục con cháu vương tộc Bourbon, dòng họ Orléans. Suốt thời son trẻ vua Louis XIV (vua mặt trời, 1643-1715) sống trong khu nhà này, sau đó nhường cho em trai của ông năm 1692, sau này là vua Louis XV (1714-1774). Khu nhà Palais Royal không ngường lớn rộng và làm đẹp thêm dưới thời Louis XV và con của ông ta là Philippe d'Orléans, để tổ chức các buổi tiếp tân và dạ vũ linh đình trong suốt thế kỷ 18. Với thời gian, khu nhà này trở thành nơi truy hoang, trác táng của giới hoàng gia và là một trong những ngòi nổ của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Dưới thời Napoléon I, khu nhà này trở thành trung tâm giải trí sang trọng của các sĩ quan cao cấp. Sau khi Napoléon I bị truất phế năm 1815, khu nhà này được trả lại cho con cháu dòng họ Orléans. Vua Louis Philippe (1830-1848) cho đập phá tất cả các sòng bạc và hồng lâu để trả lại sự trang nghiêm của tổ tiên ông. Palais Royal bị phong trào tả phái La Commune đốt phá năm 1871 và chỉ được phục hồi lại năm 1875 để đón nhận Hội đồng quốc gia (Conseil d'Etat) và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Để tạo lại sự hấp dẫn của Palais Royal, nhà tạo hình Daniel Buren được chính phủ Pháp mời thiết kế lại sân trong của khu nhà năm 1980, với những cột trụ cao thấp không đồng đều màu trắng đen, gọi là Colonnes de Buren. Muốn vào thăm phải đi qua một cổng phụ bên phải vì cổng chính là Conseil d'Etat. Vượt qua sân cột này là một khu vườn xanh mát giữa các khu nhà sầm uất.

Khu vườn đó là Jardins du Palais Royal do Desgots, người làm vườn của vua do Richelieu điều động đến đây làm việc. Khu vườn này trước kia là nơi các hoàng tử và công chúa đùa giỡn với gia nhân. Khu vườn được phối trí rất đẹp với những lối đi thơ mộng giữa những hàng cây và thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận, ở giữa là một bễ phun nước chạm trỗ tinh vi và một vài bức tượng. Trong thời cách mạng, nơi này thành nơi tụ tập của gái mại dâm nên sau khi được giao trả lại, vua Louis Philippe xây thêm ba dãy nhà nhiều tầng quanh khu vườn (trên hai con đường Rue de Valois và Rue de Montpensier) để cho mướn vì hoàng gia lúc đó rất thiếu tiền, trong đó có nhà hàng Grand Véfour và gian hàng chạm khắc của Guillaumont. Những người thuê mướn tại đây ngày nay vẫn tiếp tục trả tiền nhà cho dòng họ Orléans, các nhà văn quá cố Cocteau và Colette đã từng mướn nhà tại đây.

Kế cận Palais Royal là nhà hát Le Théâtre Français (2 rue de Richelieu, quận 1). Ngôi nhà này được xây dựng năm 1786 để đón những đoàn hát nổi tiếng về phục vụ cho hoàng gia và giới quí tộc thời đó. Từ năm 1799 ngôi nhà này là trụ sở của đoàn ca kịch Comédie Française, do vua Louis XIV thành lập năm 1680 và dưới thời Napoléon I đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ năm 1812. Những kịch phẩm lớn nổi tiếng của Molière, Voltaire... đều được trình diễn trong nhà hát này. Thời La Commune (1871), tòa nhà bị đập phá gần hết, năm 1900 được tu sửa lại và tồn tại cho tới ngày nay. Trần nhà do họa sĩ Albert Besnard trang trí và càng nổi bật khi ánh đèn của sân khấu rọi lên. Tượng và chân dung trên đá cẩm thạch của những kịch tác gia nổi tiếng của Pháp được trưng bày dọc các hành lang trong nhà hát. Tượng của Molière được dựng nơi cuối đường Rue de Richelieu để nhớ lại nơi cư ngụ của nhà kịch tác gia nổi tiếng này của Pháp.

Giáo đường Saint Roch (296, rue Saint Honoré, quận 1), do Jacques Le Mercier vẽ kiểu, được vua Louis XIV đặt viên đá đầu tiên năm 1653 và hoàn tất năm 1690. Vào thế kỷ 18, ngôi giáo đường này được kiến trúc sư Jules Hardouin Mansat nối rộng thêm, dài 126 mét (gần bằng thánh đường Notre Dame de Paris), với nóc nhà hình vòm trên đền thờ nữ vương Maria, nóc vòm là một bức tranh khổng lồ về tích Đức Mẹ lên trời do Jean Baptiste Pierre vẽ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật và tranh vẽ các sự tích của đạo công giáo trong các thế kỷ 18 và 19 được mang về từ các tu viện bị bỏ phế treo dọc các vách tường.

Vendôme là tên một quảng trường mười góc (Place Vendôme, quận 1), do kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart thực hiện từ 1686 đến 1699, để dựng tượng vua Louis XIV cưỡi ngựa cao 7 mét (tổng cộng là 17 mét vì bục đá nâng bức tượng cao 10 mét). Đây là một quảng trường bị thay tên đổi họ nhiều nhất nước Pháp. Ngay sau khi vừa khánh thành, quảng trường này đổi tên thành Place des Conquêtes (chinh phục), rồi Place Louis Le Grand (tức vua Louis XIV). Tượng nhà vua bị đập phá năm 1792 dưới thời Cách mạng Pháp và quảng trường đổi tên thành Place des Piques (Quảng trường Lá bài đen) từ 1793 đến 1799. Năm 1806 Napoléon I cho xây một trụ cột cao 43,5 mét (móng cột sâu 9 mét, vị chi là 52,5 mét) bằng đồng, lấy từ các nòng súng thần công của quân Nga và Áo bại trận mang về nấu chảy ra, do hai kiến trúc sư Jacques Gondoin và Jean Baptiste Lepère thực hiện, các hình chạm nổi chung quanh cột là kể lại những chiến công của Napoléon là công lao của điêu khắc gia Etienne Bergeret. Trên đỉnh cột là tượng Napoléon I bằng đồng, do Antoine Denis Chaudet tạc, ăn mặc như César kiểu La Mã. Tượng này bị phe bảo hoàng phủ cờ trắng, rồi cờ hoàng gia và cuối cùng bị phong trào tả phái La Commune hạ bệ hủy hoại năm 1871, rồi (bản sao) được dựng lại năm 1873 và tồn tại cho tới ngày nay. Nhà cửa quanh Place Vendôme tiêu biểu cho khuynh hướng kiến trúc cuối thời vua Louis XIV, nghĩa là rộng lớn và sang trọng. Năm 1699 Louis XIV bán các khu đất quanh quảng trường cho những người giàu có để xây nhà. Ngày nay, chung quanh quảng trường Vendôme tập trung những hàng hiệu nổi tiếng : kim hoàng (Chaumet, Cartier...), áo lông thú, áo quần thời trang, đồ mỹ phẩm, khách sạn (khách sạn César Ritz, nơi công nương Diana ăn tối trước khi bị tử nạn), những ngân hàng sang trọng nhất thế giới.

La Banque de France (39 Place Croix des Petits Champs, quận 1) là ngân hàng nhà nước đầu tiên của Pháp được thành lập năm 1800 dưới thời Napoléon I, trước đó là Hôtel de Toulouse do François Mansart xây dựng đầu thế kỷ 18. Ngôi nhà này có một đại sảnh dài 50 mét, Galerie dorée, được trang hoàng rất lộng lẫy với những bức tranh trên trần nhà rất rực rỡ. Ngôi nhà này được bán lại cho con vua Louis XIV và bà de Montespan, comte (bá tước) de Toulouse năm 1713. Dưới thời Cách mạng Pháp, căn nhà này bị trưng dụng để làm nhà in quốc gia, sau đó là trụ sở của Ngân hàng hàng quốc gia Pháp năm 1800 và chính thức sở hữu chủ căn nhà này năm 1811.

Quảng trường những chiến thắng (Place des Victoires, quận 2), được kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart xây dựng năm 1685, để tôn vinh những chiến thắng của vua Louis XIV bằng một tượng bằng đồng ở giữa quảng trường. Tượng vua Louis XIV bị quân cách mạng hạ bệ và nấu chảy để đúc súng năm 1792, gần một phần tư thế kỷ sau tượng này được dựng lại (1822) và tồn tại cho tới ngày nay. Chung quanh quảng trường là những cửa hàng áo quần thời trang sang trọng (Kenzo, Cacharel, Mugler...).

Bảo tàng mỹ nghệ Musée Bouilhet Christophe (9 rue Royale, quận 8) được thành lập từ đầu thế kỷ 19 bởi Charles Christophe, thợ kim hoàng của vua Louis Philippe và Napoléon III. Ngày nay căn nhà này là nơi trưng bày những vật dụng trang trí bằng vàng và bạc của Pháp từ 150 năm trở lại đây.

Khu Tuileries thật ra còn rất nhiều nơi đáng đến xem nhưng còn tùy thì giờ của khách lãm du tại thủ đô ánh sáng này. Nhiều nơi như Galerie Véro Dodat (2 rue du Bouloi, quận 1), Galerie Vivienne (4 rue de Beaujolais, quận 1), Galerie Colbert (Passage des Petits Frères, quận 1), Passage Choiseul, Square Louvois, Rue de la Paix, v.v. rất đáng được vào xem hay đi ngang qua để thấy sự phong phú của "La Mecque" dành riêng cho những người yêu mến nghệ thuật hay những kiến trúc của một thời vàng son còn ẩn tàng chưa kịp phơi ra ánh sáng.

Nguyễn Văn Huy

(06/08/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 387 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)