Suốt cả tuần lễ của đầu tháng 10 vừa qua, trên trang nhất của tất cả những tờ báo quốc doanh đều xuất hiện một dòng chữ đỏ rất to, và rất đậm : CHÀO MỪNG 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ !
Vietnamnet hớn hở chạy tin : "Đi bất kỳ đâu trên phố trung tâm Hà Nội những ngày này, người dân đều có thể thấy hình ảnh mang ý nghĩa lịch sử về ngày giải phóng Thủ đô cách đây tròn 70 năm trên các pano, áp phích cùng cờ hoa được trang trí rực rỡ… Khoảng 10.000 người có màn tập duyệt cuối cùng các phần diễu hành, trình diễn cho ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)".
Ôi ! Tưởng chuyện gì lạ, chớ cờ quạt, bích chương, pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu (tuyên truyền) thì Hà Nội lúc nào mà không sẵn và... dư ! Hơn nữa, con số hàng chục ngàn người dân Hà Nội túa ra đường hoan hô vẫy chào đoàn quân chiến thắng (hồi bẩy mươi năm trước) là sự kiện hoàn toàn có thật – theo lời của những nhân chứng thế giá :
- Ngày 10/10/1954 đúng 10 giờ sáng, lực lượng Kháng Chiến trọng thể tiến vào Thủ Đô. Dẫn đầu là đoàn quân với những lá cờ tung bay với tiếng trống liên hồi. Những cán bộ đứng trên những chiếc xe tải vẫy tay chào đồng bào đứng đầy hai bên đường đang hô to những tiếng vui mừng, phất phất những lá cờ nhỏ (Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi 1954-1991 : Procès d’un intellectual – Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991 : Bản án cho một trí thức, bản dịch Nguyễn Quốc Vĩ).
- Lại nói về ngày 10/10 lịch sử, cho đến 10 h sáng hôm đó thì cả Hà Nội là một ngày hội lớn. Năm cửa ô Hà Nội tưng bừng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Các nghệ sĩ đem cả đàn ra kéo, các chị mặc áo dài, các bà nhà giàu tung hoa tươi lên các đoàn xe trở các đoàn quân tiến vào thành phố… (Lê Phú Khải, Lời ai điếu, Nhà xuất bản Người Việt, 2016).
Thiệt là vui hết biết luôn, và vui còn hơn Tết nữa. Niềm vui, tiếc thay, rất ngắn – theo lời của tác giả (và tác phẩm) vừa dẫn :
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc "đấu tranh giai cấp", của cải cách ruộng đất, của cải tạo tư sản, đấu tố bọn "Nhân văn Giai phẩm".
Nguyễn Khải thêm :
Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn.
Từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm "Nhân văn Giai phẩm". Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận.
Thảm vậy sao ?
Ông nhà văn (e) có hơi quá lời chăng ?
Cũng không quá (lắm) đâu !
Tác giả Nguyễn Văn Luận cũng đã từng tâm sự với nỗi buồn phiền tương tự :
Tết đầu tiên sau "tiếp quản", còn được gọi là "sau hòa bình lập lại", Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần nhầu nát, xám xịt, thái độ "ít cởi mở", từ "nông thôn" kéo về tiếp quản chiếm nhà người Hà Nội di cư. Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì những tin dồn và "chỉ thị" : ăn Tết "đơn giản, tiết kiệm". Hàng hóa hiếm dần, "hàng nội" thay cho "hàng ngoại".
Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải "cung cấp" một năm theo "từng người trong hộ". Mẹ may thêm chiếc quần "đi lao động" thì con nít cởi truồng…
Cha tôi làm chủ một hãng thầu tại Hải phòng trong khi gia đình vẫn ở Hà Nội. Khi người lính quốc gia cuối cùng rút sang bên kia bờ Bến Hải, cha tôi và gia đình kẹt lại do không hiểu gì về cộng sản và tài sản, cơ ngơi còn đó.
Đỗ Mười về tiếp thu Hải phòng nói rằng các nhà tư sản vẫn được làm ăn bình thường. Một tháng sau, cha tôi bị tịch thu tài sản. Trở về Hànội, trắng tay, cả nhà sống trong túp lều ở ngoại ô, cha tôi đi đánh giậm, vớt tôm tép trong các ao hồ, rau cháo nuôi vợ con. Đấu tố, cải tạo, chửi rủa, cha tôi ngày một tiều tụy hơn những người tiều tụy bị qui là tư sản còn lại trong thành phố. Lời trăn trối khi cha tôi khi nằm xuống là "Cha đã bị lừa, con hãy tìm đường vào miền Nam tự do".
Câu hỏi đặt ra là sao có quá nhiều người "bị lừa" đến thế trong khi đã có hằng triệu người đã vội vã, hối hả, hốt hoảng và ùn ùn bỏ của chạy lấy người ngay trước mặt mình :
- Những cuộc tháo chạy trong những hoàn cảnh thật cảm động và đau lòng, bởi vì Việt Minh đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Geneva trong cố gắng chống lại Hiệp định ấy. Mới đầu họ còn thuyết phục khuyến dụ, sau đó dùng sức mạnh và nhiều người đã bị thương vì mảnh đạn của cộng sản. Người ta đã thấy hàng ngàn dân cả làng ùn ùn kéo nhau ra biển, đi tắt qua cánh đồng ruộng, tránh đi trên đường lộ bị kiểm soát bởi Việt Minh, rồi kết những bè mảng sơ sài đi ra biển với rất nhiều hiểm nghèo và chẳng có gì chắc chắn là sẽ được cứu vớt.
Hàng trăm người di cư đã chết trên biển. Người ta làm sao có bao giờ có thể tưởng tượng ra cảnh tượng gây ấn tượng như thế vào ngày 6/11 vừa qua, khi một đám đông gồm 2000 người tị nạn trên một cồn cát ở cửa Trà Lý chờ được các tầu các nước bạn đến vớt đi (Tran Nam Bac, "Le drame des réfugiés catholiques vietnamiens", Agenzia. Internzionale Fides, n°12, 22 Janvier 1955. Bản dịch của Nguyễn Văn Lục).
- Việc di cư ấy nói cho cùng chỉ là sự kéo dài tình trạng trốn chạy cộng sản mà không phải đợi đến Hiệp định Geneva, 1954. Ngay từ đầu thập niên 1950, phong trào tỵ nạn cộng sản đã thành hình dưới hình thức "phong trào nhập thành", hay nói nôm na là phong trào "dinh tê". Đã có bao nhiêu người tìm mọi cách dời bỏ khu "an toàn Phát Diệm", thoát đi bằng đường biển, từ cửa Cồn Thoi, ra Hải Phòng vào những năm sau 1950 ?
Và đã có bao nhiêu người có tiền bạc của cải đã chạy trốn vào Nam khi mà Hiệp định Geneva chưa thành hình ? Không phải theo Tây, cũng chẳng theo Mỹ, không theo Nhật, không theo Tầu cũng chẳng vì theo Thiên Chúa giáo mà người ta chọn đứng về phía này, phía nọ. Tất cả đều là những chọn lựa bất đắc dĩ chỉ vì không thể sống chung với người cộng sản được. Cộng sản trước đây và cộng sản bây giờ cũng vậy (Nguyễn Văn Lục, "Nhìn lại cuộc di cư 1954 – 1955 II", Đàn Chim Việt Online – 09/12/2023).
Lời khẳng định của Giáo sư Nguyễn Văn Lục, không dưng, khiến tôi nhớ đến mẫu thân – một người Việt Nam quê mùa và thất học. Nói nào ngay thì bà cũng biết đọc biết viết (sơ sơ) nhưng tôi chưa thấy mẹ cầm cây bút lần nào và có lẽ cũng không bao giờ đọc sách báo gì ráo trọi, ngoài vài ba cuốn kinh (Phật) đã rách bìa long gáy từ lâu.
Vậy chớ khi mà tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, thạc sĩ Trần Đức Thảo, kỹ sư Võ Quí Hân, giáo sư Trần Đại Nghĩa… lật đật vội vàng rời nước Pháp để về Việt Nam để phục vụ cho cuộc Cách Mạng Vô Sản Việt Nam (theo lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh) thì bà cuống cuồng bồng bế mấy đứa con thơ bỏ chạy một mạch vô Nam. May mắn là gia đình chúng tôi chạy thoát. Tuy không thoát luôn nhưng cũng được khá lâu : 1954 – 1975.
Hơn hai chục năm trời. Khoảng thời gian đủ dài để tôi được sống hết cả tuổi thơ và tuổi trẻ trong một vùng đất tương đối an bình, phú túc. Mẹ tôi hoàn toàn không có khái niệm chi về học vấn, học đường, hay giáo dục. Vốn chữ nghĩa lại vô cùng giới hạn nên bà rất kiệm lời.
Suốt đời bà chỉ biết "giáo huấn" các con bằng đôi câu ngăn ngắn, giản dị và vô cùng dễ hiểu :
- Đừng bao giờ tin bọn cộng sản, và chớ khi nào dây dưa gì với chúng nó nghe chưa.
- Dạ mẹ !
Tôi luôn "dạ" ngọt như đường cát (mát như đường phèn) nên chắc hẳn là mẹ hiền phải hết sức hài lòng, và an tâm, ngay cả khi đã bước qua bên kia thế giới.
Khi âm dương chưa cách trở – có lần – từ bên này bờ đại dương xa thẳm, tôi đã đọc cho bà nghe đôi câu thơ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện :
Thế lực đỏ phải đồng tâm đập nát
Ðể nó hoành hành, họa lớn sẽ lan nhanh
Đó là lần duy nhất trong đời mà tôi nghe mẹ cười, qua điện thoại. Sao tự nhiên mà nhớ cái tiếng cười (khanh khách) của má quá, má ơi !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 20/10/2024