Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

03/12/2016

Apsara Champa là hình tượng điêu khắc theo không gian ba chiều có bộ đồng phục rất kín đáo

Po Dharma

Trong nền văn minh Ấn Giáo, là nữ thiên thần xuất thân từ sự khuấy động của nước sữa đại dương, thường được mô tả như những cô gái sinh đẹp tuyệt vời với những đường cong gợi cảm. Tại khu vực Đông Nam Á, những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo (Champa, Campuchia, Thái Lan, Lào, Nam Dương, v.v.) thường có các hình tượng Apsara trên đền tháp. Tháp Trà Kiệu ở miền trung Việt Nam là nơi xuất hiện nhiều nhất hình tượng Apsara Champa vào những thế kỷ thứ 10 và 11.

Apsara Champa là một nghệ thuật điêu khắc nằm trong không gian của nền văn minh Ấn Giáo. Nếu nhìn qua lăng kính của những người không chuyên về nghệ thuật điêu khắc Champa, ai cũng cho rằng Apsara là hình tượng lõa thể. Họ có lý do để đưa ra kết luận này, vì rằng tượng Apsara lúc nào cũng có bộ ngực hở hang gợi cảm. Nhưng đứng trên phương diện khoa học nghệ thuật mà phân tích, hình tượng Apsara tại vương quốc Champa không bao giờ lõa thể, vì hình tượng này lúc nào cũng có bộ trang phục kín đáo mà các nhà điêu khắc thường diễn tả qua không gian 3 chiều nằm trong khối ảo của tác phẩm.

Trước khi đi vào chi tiết của hình tượng Apsara Champa, thì người ta phải biết trước tiên thế nào nguồn gốc xuất xứ của nghệ thuật điêu khắc tại vương quốc Champa dưới thời cổ đại.

1. Điêu khắc qua không gian một chiều

Đây là cách điêu khắc nằm mặt bằng của vật liệu không có đường nét lồi lõm, mà người ta thường gọi là phù điêu. Cách điêu khắc này thường dùng trẹn các vách tường hay bệ đá, v.v.

champa1

Điêu khắc qua không gian một chiều: Tàu chiến Champa trên tháp Bayon của Campuchia

2. Điêu khắc qua không gian 3 chiều

Đây là nghệ thuật trình bày hình tượng qua những đường nét lồi lõm, tạo hứng thú thẩm mỹ và nét gợi cảm cũng như sự quyến rũ cho cả thị giác lẫn xúc giác, để người xem có thể ngắm tất cả các chi tiết nằm trên bức tượng này từ khuôn mặt, thân hình, bộ ngực, eo lưng, vị trí của cánh tay, tư thế đứng ngồi, các nữ trang, buối tóc, v.v.

Nghệ thuật điêu khắc qua không gian 3 chiều chia làm nhiều trường phái, nhưng hai trường phái đáng được nêu ra, đó là :

a. Điêu khắc qua không gian 3 chiều "lõa thể"

Điêu khắc qua không gian 3 chiều "lõa thể" là trường phái chỉ áp dụng trong nền văn minh Âu Châu mà thôi, nhất là nghệ thuật điêu khắc thời Hy Lạp-La Mã. Đây là nghệ thuật mà các nhà điêu khắc cố gắng diễn tả lại sự vật một cách hiện thực, không có đồng phục che đậy thân hình, tức là vẽ lại sự vật trong không gian tự nhiên, không thêm bớt một chi tiết nào, từ khuôn mặt, thân hình, bộ ngực, cho đến sợi tóc, lông mày của nhân vật. Điêu khắc này cũng là trường phái chủ trương sao chép hình thể con người với những nét chạm khắc tinh xảo và ẩn chứa sức sống mãnh liệt ; trình bày cái đáng quý của cơ thể dù là dương vật của người đàn ông hay âm vật của người đàn bà đi nữa ; xử lý hình khối một cách mạnh mẽ, chắc nịch làm cho con người xem có cảm xúc mạnh đối với những khối cơ rắn rỏi, chứ không đề cao nét tính đồng phục và nữ trang hay chú tâm đến yếu tố thuần phong mỹ tục trong cuộc sống con người.

champa2

Điêu khắc qua không gian 3 chiều lõa thể: Trường phái Hy Lạp-La Mã

b. Điêu khắc qua không gian 3 chiều nhưng "không lõa thể"

Cũng như các quốc gia theo nền văn minh Ấn Giáo tại khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Nam Dương, v.v.) ngành điêu khắc Champa thường dựa vào nghệ thuật của không gian 3 chiều, nhưng pho tượng được sáng tạo tại vương quốc Champa không bao giờ trần truồng lõa thể như một số người thường hiểu lầm. Đây là một nghệ thuật vô cùng khó khăn trong trường phái không gian 3 chiều, đòi hỏi các nhà điêu khắc phải tìm ra giải pháp làm sao vừa trình bày pho tượng vô cùng quyến rủ, gợi cảm và hiện thực, nhưng lúc nào cũng tôn trọng bản sắc của thuần phong mỹ tục, tức là không cho phép thân hình của bức tượng mang ý nghĩa "trần truồng lõa thể".

Để giải quyết vấn đề nan giải này, các nhà điêu khắc thuộc nền văn minh Ấn Giáo trong đó Champa thường áp dụng phương pháp không gian 3 chiều, nhưng hình tượng điêu khắc chia thành hai phần rõ rệt, đó là khối thực và khối ảo.

- Khối thực

Khối thực của hình tượng Champa là khối hình cụ thể, có thể nhìn thấy, sờ và nắm được. Khối thực thường mang tính nhô nổi, mật độ hình cao, tạo cảm giác đầy chặt, có đường bao quanh hoặc đường ranh giới.

champa3

Điêu khắc Champa qua không gian 3 chiều : khối thực của hình tượng

- Khối ảo

Khối ảo của hình tượng Champa có tính lùi sau, là những khoảng không bên trong của tác phẩm. Khối ảo không có hình dạng cụ thể, mà do trí tưởng tượng của con người tạo ra, dựa vào một bề mặt hay một yếu tố nào đó có sẵn từ những mảnh lồi lõm rất là kín đáo nằm trên bản thân của bức tượng, được sắp xếp và bố cục theo nhịp điệu, khiến người xem cảm nhận diện được ý nghĩa của hình tượng không đi ngược lại với bản sắc văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Nhằm sáng tác các tác phẩm theo không gian 3 chiều "không lõa thể", các nhà điêu khắc Champa thường cố gắng diễn tả hình tượng con người với nét đẹp hoàn hảo từ kích thước và tỉ lệ cho đến chiều sâu của luật xa gần của phối cảnh. Khi nhìn bức tượng điêu khắc, dù từ gốc độ nào đi nữa, thì mọi thứ rất hài hòa và cân đối, tính toán rất kỹ càng đến từ gốc cạnh.

Trong đại đa số tác phẩm điêu khắc Champa, hình thể con người đều mang tính phồn thực, thường có phần đầy đà, tràn trề sinh lực. Nếu là nam tính, hình tượng phải là nhân vật mạnh khỏe và hùng khí, từ khuôn mặt, cách nhìn cho đến tư thế của thân hình. Nếu là nữ tính, hình tượng phải là nhân vật duyên dáng, mỹ miều, có thân hình lã lướt đậm đà và bộ ngực mang một sức sống hồn nhiên và hơi thở của khát vọng.

Tuy nhiên những tác phẩm nghệ thuật Champa thường bị bó hẹp trong không gian của tôn giáo và bản sắc dân tộc. Các bức tượng và phù điêu đều là tác phẩm có mục tiêu diễn tả văn hóa thần linh và phô trương nền văn minh của tôn giáo và bản sắc của dân tộc. Chính vì nguyên nhân đó, nghệ thuật điêu khắc Champa phải nằm trong không gian 3 chiều có bộ đồng phục, nữ trang, vương niệm chưa nói đến những chi tiết khác liên quan đến kiểu cách dây lưng, dây choàng, v.v, phũ nhòa trên trang phục của tác phẩm nhằm chứng minh cho sự khác biệt trong bộ đồng phục giữa giai cấp nằm trong xã hội.

Muốn diễn tả một tác phẩm nghệ thuật "không lõa thể", các nhà điêu khắc Champa thường dựa vào khối ảo nằm trong không gian 3 chiều bằng cách nêu ra đường nét nằm trên cái cổ hay cùm tay của tác phẩm nhằm chứng minh rằng hình tượng này có mặc một bộ đồng phục nếu có 1 đường gạch hay 2 bộ đồng phục chồng lên nhau (nếu có 2 đường gạch). Chính vì thế, Những hình tượng vũ nữ Apsara hay những tác phẩm điêu khắc khác của Champa không bao giờ có thân hình trần truồng lõa thể, mặc dù có bộ ngực nhôi ra nằm trong không gian của khối thực.

Ngành điêu khắc Champa có một xu hướng nghệ thuật riêng biệt, đó là trình bày tác phẩm qua không gian 3 chiều có khối thực và khối ảo. Kể từ đó, người ta phải nhìn vào khối thực và khối ảo trước khi đưa ra kết luận rằng tác phẩm điêu khắc này là hiện tượng lõa thể hay không lõa thể.

champa40

Nữ thần Tara Champa có 2 đường gạch trên cổ ám chỉ nữ thần này mặc hai bộ đồng phục

champa4

Công chúa Champa có 1 đường gạch trên cổ ám chỉ tượng này mặc một bộ đồng phục

champa50

Apsara Champa có 1 đường gạch trên cổ ám chỉ vũ nữ này mặc một bộ đồng phục

champa5

Shiva Champa có 2 đường gạch trên cổ ám chỉ tượng này mặc hai bộ đồng phục

Tóm lại, không có một hình tượng điêu khắc Apsara tại vương quốc Champa có thân hình lõa thể như một số người hiểu lầm. Và nếu độc giả muốn biết thế nào vũ điệu Apsara của vương quốc Champa trong những thời kỳ hưng thịnh, thì đây là câu hỏi mà không ai có thể đưa ra câu trả lời. Vì rằng Apsara là vũ điệu trong cung đình Champa thời trước, nhưng dân tộc Chăm hôm nay, từ giới chức sắc, bô lão và trí thức Chăm, không còn biết thế nào là nội dung, phong cách, tiết tấu và trang phục của vũ điệu Apsara nữa.

Dựa vào đường nét của hình tượng Apsara Champa, các nhà nghiên cứu chuyên về nghệ thuật thường đưa ra giả thuyết rằng vũ điệu Apsara Champa thời trước rất gần gủi với vũ điệu Apsara của dân tộc Bali (Nam Dương) từ tiết tấu của màng vũ cho đến đồng phục và nữ trang, hơn là vũ điệu Apsara của dân tộc Campuchia, Thái Lan hay Lào.

Nếu hôm nay một số tồ chức hội đoàn Chăm trong và ngoài nước thường đứng ra trình diễn màng vũ mang tên là Apsara trên sân khấu kịch trường, là vì họ chỉ sao y bản chánh điệu múa Apsara phi văn hóa do đạo diễn người Kinh là Đặng Hùng chế biến nhằm chê bai thuần phong mỹ tục trần truồng của dân tộc Chăm dưới thời Champa cổ đại mà thôi. Đối với chúng tôi, đây là màng vũ ngoại lai, khiêu dâm lõa thể, không liên hệ gì đến di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm.

***********************

Phụ Lục

champa6

Hình tượng Apsara Campuchia trên đền tháp. Nhìn qua khối ảo, hình tượng này có bộ đồng phục chứ không phải trần truồng lõa thể

champa7

Đoàn vũ Apsara Campuchia hôm nay có bộ đồng phục lộng lẫy nhưng rất kín đáo

champa8

Apsara Champa do Đặng Hùng sáng chế. Đây là màng vũ ngoại lai, khiêu dâm lõa thể không liên hệ gì đến di sản nghệ thuật của dân tộc Chăm

 

Po Dharma

Nguồn : Champa.info, 03/12/2012

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Po Dharma
Read 1433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)