Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

27/01/2017

Có cần thay đổi tập quán ăn Tết ?

Mặc Lâm

Trong vài năm trở lại đây nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi ngày Tết Nguyên đán để phù hợp với nhịp sống công nghiệp cũng như tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người dân và cho cả nhà nước. Ý kiến nhập hai ngày tết dương lịch và Tết Nguyên đán gây tranh cãi khắp nơi. Từ các facebooker cho tới truyền thông dòng chính.

tet1

Những chú gà trống bằng đồng để trang trí được bày bán tại Hà Nội hôm 18/1/2017. AFP photo

Tết có nguồn gốc từ đâu ?

Người bênh vực thì cho là hợp lý vì những phong tục trong ngày Tết cũng cần phải xem lại bởi quá nhiều điều mang đậm hình ảnh của Trung Quốc. Ngày Tết được nghỉ kéo dài gây lãng phí cho xã hội và ngân sách quốc gia trong khi nếu nhập hai ngày lễ làm một thì tiết kiệm thời gian, tiền bạc rất nhiều.

Phía chống lại ý tưởng này đưa ra lập luận ngày tết cổ truyền là văn hóa dân tộc cần nhiều thế kỷ để hình thành. Tết Nguyên đán không nên nhập với một ngày lễ nào khác của thế giới vì tinh hoa không thể trộn lẫn, vay mượn thậm chí ép uổng sánh vai cùng với một nền văn hóa khác.

Cả hai lý lẽ đều thuyết phục, tuy nhiên nếu nhìn lại những cái Tết vài chục năm trước so với bây giờ chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều vị thức giả lại phản ứng với cái tết cổ truyền một cách quyết liệt như vậy.

Tâm lý nhiều người hiện nay là muốn thoát Trung vì vậy nhiều nỗ lực nghiên cứu nhằm chứng minh cái Tết hiện nay của Việt Nam là không có nguồn gốc từ Trung Quốc đều được cộng đồng chia sẻ. Tuy nhiên dưới cái nhìn của một nhà sử học thì Giáo sư Lê Văn Lan không chấp nhận ý kiến này :

Vừa rồi xuất hiện trên mạng một bài viết của một ông thạc sĩ viết rằng Tết có nguồn gốc Việt Nam nhưng mà chẳng có ai tin được vì không có sức thuyết phục. Cũng có một số ý kiến trên mạng lấy làm hoan hỉ nhưng mà ngay chữ Tết nó cũng xuất phát từ tiếng Trung Quốc rồi còn gì ? Chữ Tiết. Thế rồi chọn ngày mùng 1 tháng Giêng cũng là theo lịch Trung Quốc. Từ đời Hán Trung Quốc đã thay đổi lịch sang thời Chu qua thời Xuân Thu chiến quốc rồi thời Tần, thời Hán mỗi thời đều thay đổi lịch ngày đầu năm. Đến thời Hán mới ổn định dùng ngày mùng 1 tháng Giêng làm ngày Tết Nguyên đán. Từ đấy đến giờ từ phong tục đến tên gọi đều xuất phát từ Trung Quốc cả đấy chứ.

Ý kiến quen thuộc nhất là Tết theo âm lịch vốn có nguyên nhân dân tộc Việt vốn hình thành và phát triển từ nền văn minh lúa nước. Nông nhàn là lúc nghỉ ngơi và từ đó nhu cầu vui chơi giải trí đã hình thành nên Tết Nguyên đán vào dịp cuối năm âm lịch.

Điều này đúng với thời xưa cách đây trên 40 năm bây giờ thời gian nông nhàn thực ra không còn nằm trong chu kỳ như xưa nữa. Lý do là Việt Nam ngày nay có tới 3 vụ lúa là Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Trong ba vụ ấy còn có những yếu tố khác như lượng mưa ba miền khác nhau, canh tác theo từng vùng đất cũng khác nhau đó là chưa kể có nơi làm tới ba vụ rưỡi một năm nên không thể cùng ăn chung một cái Tết giống nhau khiến ngày Tết rơi vào dịp cuối năm âm lịch không còn phù hợp.

Tuy nhiên người xưa chọn lễ tết vào dịp đầu xuân tất phải có nguyên nhân sâu xa của nó, đó là lúc ấy thời tiết đã ấm áp vì bắt đầu vào xuân, cái giá rét mùa đông đã bỏ lại phía sau cho những ấm áp tràn về. Nhà báo Bùi Văn Bồng chia sẻ lập luận này :

Tết cổ truyền dân tộc tất nhiên có pha nét của Tàu hay chất chung của Đông Á. Nhưng mà theo thời tiết bước sang mùa xuân ấm áp của dân tộc thì cái tết không bỏ được hay gộp hai cái ấy vào một được. Tháng Giêng hay tháng 1 của năm dương lịch thì còn giá rét, cây trái chưa nở hoa không có chồi có lộc gì cả vì còn giá lạnh. Theo tôi tết cổ truyển đón mùa xuân mới thì cũng tốt đẹp thôi. Tất nhiên về vấn đề giao hòa văn hóa của Trung Quốc cũng như sự chi phối phong tục tập quán hay lối sống, cúng bái tế lễ thì nó có ảnh hưởng nhau, đặc biệt là Trung Quốc đã có bao nhiêu năm xâm chiếm, đô hộ Việt Nam rồi thì nó có chi phối. Thực ra tết cổ truyền theo tôi nó vẫn là của Việt Nam từ xưa tới nay. Ảnh hưởng chi phối về mặt phong cách, tập quán thì nó phải có.

Vấn đề nghỉ quá dài ngày trong dịp Tết là một câu chuyện khác, nó dính dáng tới việc điều hành quốc gia của từng chính phủ. Nghỉ bao nhiêu ngày cũng không ảnh hưởng tới ngày Tết nó chỉ làm cho Tết buồn hơn, chán hơn và tốn kém hơn mà thôi.

Phong tục và hồn dân tộc

tet2

Bao đựng tiền lì xì được bày bán trước Tết ở Hà Nội hôm 18/1/2017. AFP photo

Tết là cái hồn của đất nước, ai đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam thì chắc phải thở hơi thở của Tết. Ra nước ngoài rồi mà đồng bào vẫn canh cánh với ngày Tết thì ý kiến bỏ hẳn ngày Tết vì tốn kém, vì nặng nề văn hóa Trung Quốc là ý kiến quá tiêu cực. Tiêu cực đến mức gần như khai tử một loại hình văn hóa quốc gia.

Thế nhưng văn hóa nào muốn tồn tại cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với thời đại. Tết Nguyên đán cũng vậy, cần điều chỉnh cho phù hợp lối sống thời Internet chiếm hữu trái đất và những điều chỉnh ấy may mắn là còn có thể thực hiện nếu xã hội cùng hành động chung với nhà nước.

Trước và dễ thấy nhất là phong tục lì xì ngày Tết, từ tượng trưng nay đã trở thành thực dụng, ma mãnh và gian dối. Những bao lì xì nặng bằng cả một tài sản đã làm cho phong tục này trở nên ê chề và trở thành hủ tục. Cần bỏ nó hay phải điều chỉnh nó ?

Có ý kiến cho là không nhất thiết phải bỏ nó vì nguyên thủy phong tục lì xì là mừng tuổi cho con cháu. Có bao chỉ 1 đồng tượng trưng thôi và ban đầu trẻ con rất phấn khởi chờ đợi được cái phong bì màu đỏ xinh xinh ấy.

Tuy nhiên thời gian qua, có cháu đặt câu hỏi với bố mẹ : cho con có một đồng không mua được gì ! Thế là các bà mẹ len lén bỏ vào bao lì xì của con ngàn này ngàn khác, yêu sách của trẻ con do đó đã hình thành yêu sách trong các cấp chính quyền và tiềm thức đút lót "lì xì" trở thành bệnh xã hội.

Hãy lì xì theo phong cách cổ điển với nội dung văn hóa của thời đại chúng ta đang sống.

Thay vì bỏ tiền, dù rất ít vào bao lì xì, các bậc cha mẹ ông bà nên viết sẵn những câu chúc, hay lời khuyên, mơ ước của mình cho con cháu để sáng mồng một khi mở bao ra chúng tự nghiền ngẫm ý nghĩa lời chúc thay vì nhìn tờ bạc mới với những ý định thực dụng trong đầu.

Song song với lì xì, tại sao chúng ta không tập thói quen tặng quà đầu năm cho các thành viên trong gia đình vào thời khắc đáng ghi nhớ nhất trong năm đó là ngày mồng một tết ? Quà có thể là một cuốn sách hay, bộ quần áo mới, đôi giày hay một vật dụng hữu ích. Thậm chí nếu có điều kiện thì tặng một cái I-pad hay Laptop… Món quà tuy nhỏ bé về vật chất nhưng mang ý nghĩa lớn sẽ làm cho gia đình gắn bó và sum họp hơn trong ngày tết. Tây phương tặng quà trong dịp Giáng Sinh tại sao chúng ta không tặng quà cho nhau trong ngày Nguyên đán ?

Lại nữa, Tết hôm nay không còn pháo, không còn cái hương thơm quyến rũ của thuốc pháo và rộn rã tiếng đì đùng của tràng pháo chuột hay phong pháo truyền thống của cả trăm năm qua.

Nhà nước có lý khi cấm đốt pháo vì đề phòng tai nạn cháy nổ nhưng người dân cũng có quyền yêu cầu nhà nước phải... đốt pháo cho dân ăn Tết chứ ?

Thay vì tốn hàng nghìn tỷ đồng xây những tượng đài, bắn pháo hoa hay trang trí hè phố bằng những hình ảnh phản cảm, nhà nước hãy giao cho Bộ Quốc phòng sản xuất pháo và bán cho từng cơ sở chính quyền. Các UBND từ lớn tới nhỏ, các trụ sở công quyền, các tổ chức do chính phủ quản lý… trong thời điểm giao thừa những nơi đó cùng đốt pháo sẽ làm sống lại hình ảnh của hơn 30 năm về trước khi cả nước rộn ràng tiếng pháo vào thời khắc giao thừa.

Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn sản xuất và việc cung cấp, số lượng và chất lượng pháo, như vậy sẽ hạn chế tiêu cực và tai nạn do pháo.

Còn nữa, hương vị ngày Tết có lẽ không trọn vẹn nếu không có những sòng bầu cua cá cọp trên đường phố.

Người Sài Gòn và các tỉnh miền Nam không thể thiếu những sòng bầu cua đầy màu sắc trong ba ngày tết. Nhà nước hãy cùng với ban tham mưu văn hóa của mình nghĩ cách khuyến khích trong vòng kiểm soát những sòng bầu cua ấy. Vẫn chơi trong tinh thần giải trí và giới hạn tiền chơi để ngăn ngừa sát phạt. Việc vui chơi trong ngày tết cần được hướng vào mục đích giải trí thay vì ngăn cản một cách cực đoan nhưng không bao giờ thành công. Cũng vậy, trò chơi dân gian đá gà có thưởng trong ba ngày tết nếu được kiểm soát tốt từ khâu tổ chức sẽ làm cho không khí vui chơi ngày tết thêm thi vị.

Tết Nam, Tết Bắc

tet3

Một nông dân chở hoa đào bán Tết ở Hà Nội hôm 23/1/2017. AFP photo

Nhà báo đại tá Bùi Văn Bồng vốn sinh trưởng tại miền Bắc nhưng ông có cơ hội vào làm việc rất lâu tại Cần Thơ nên quan sát cách mà hai miền ăn tết cũng có khác nhau chút ít, đặc biệt là vấn đề ẩm thực, ông chia sẻ :

Người miền Nam gốc cũng từ ngoài Bắc vào khai phá đất hoang trong đó rồi dựng lên vùng đất miền Nam cho nên vẫn mang hương sắc phong tục tập quán sinh hoạt của Việt Nam nói chung cũng giống như người Bắc thôi chỉ có khác là ở trong Nam tổ chức Tết không sôi động rầm rộ như ở ngoài Bắc. Người ta chú ý vấn đề mua sắm các thứ rồi cúng bái ông bà tổ tiên nhưng cơ bản là đi chơi thăm hỏi nhau và du xuân cái nét này của Nam bộ nó rõ nét hơn. Ngoài Bắc thì quần tụ lại giòng tộc, họ hàng với nhau rồi cúng ông bà tổ tiên rồi cũng có chơi xuân du lịch sau Tết. Trong Nam thì trong ngày Tết thì nắng ấm hơn và từ trước nay người ta ít chú ý về ẩm thực nhiều thứ như ở ngoài Bắc. Người ta thăm hỏi nhau du xuân nhiều hơn.

Ăn uống trong ba ngày Tết là chủ đề không thể thiếu và có lẽ quan trọng nhất vì người Việt quan niệm thức ăn nói lên sự no đủ và do đó cố hết sức chứng tỏ rằng gia đình mình không thua kém người khác trong ba ngày tết.

Từ trước tết, những người phụ nữ trong gia đình đã vật vã với biết bao món ăn cho suốt một tuần lễ để cả nhà ăn tết. Và thực tế cho thấy có mấy gia đình ăn hết những gì đã nấu ?

Chúng ta hãy sáng tạo cho một cách ăn tết khác, vừa tiết kiệm tiền bạc, thúc đẩy kinh tế địa phương và nhất là đảm bảo cho người mẹ, người vợ trong gia đình có thời gian đón tết như mọi thành viên khác.

Dĩ nhiên sẽ có những ngại ngần khi thay đổi một thói quen từ hàng trăm năm, nhưng văn hóa không thay đổi sẽ là một nền văn hóa thiếu sức sống và cái chết của nó sẽ được báo trước. Nấu cho gia đình cả 360 ngày rồi tại sao không được nghỉ ngơi trong 5 ngày còn lại của một năm vất vả ?

Hãy cổ vũ những gian hàng ăn uống do các doanh nghiệp tham gia trong ba ngày Tết để họ kiếm lợi nhuận một cách lành mạnh còn hơn kiếm danh tiếng bằng những chiếc bánh tét dài hàng trăm thước một cách vô bổ. Tại các nước phương Tây, lễ hội là cơ hội để bán thức ăn cho khách và họ luôn thành công trong các hội chợ lớn nhỏ trong suốt năm

Tết và cộng đồng là hai yếu tố không thể tách rời. Hãy tạo lập những khu vực vui chơi giải trí mang tính văn hóa ngày Tết, chứ không phải như những festival như hiện nay làm cho người dân chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc.

Một gian nhà chung cho mọi người tại mỗi địa phương trong đó nhắm tới các trò chơi cổ truyền mang bản sắc dân tộc sẽ giúp cho giới trẻ không trôi theo nhịp chảy của trò chơi điện tử mà quên cái hồn cốt của đất nước. Từ trai gái đánh đu cho tới những khu vực trình bày âm nhạc dân gian của địa phương. Khuyến khích người dân mặc các loại trang phục tuyền thống để dạo chơi trong đó. Trẻ em có thể vui đùa với những trò chơi dân dã như thảy đáo, đánh khăn, u mọi, bịt mắt bắt dê... mà hôm nay đã mất dần trong dân chúng. Một hội chợ Tết như thế không thi vị và đáng nhớ hay sao ?

Trong một bài viết ngắn không thể trình bày hết mọi ý tưởng về một cái Tết mà văn hóa dân tộc được gìn giữ thay vì chạy theo sự hào nhoáng xa xỉ khiến nếp gấp giàu nghèo trong xã hội ngày một nhàu nát hơn, Chính phủ phải giao trách nhiệm cho Bộ Văn Hóa như đúng cái tên nó có. Người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp sức để mỗi ngày Tết Việt Nam hoa sẽ nở nhiều hơn, pháo sẽ giòn giã hơn và ánh mắt mỗi con người trong đó sẽ bừng lên sức sống thay vì nháo nhào chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài mà quên hai mất chữ Nguyên đán thiêng liêng.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 27/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mặc Lâm
Read 1008 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)