Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

21/12/2017

Những từ ngữ lạ tai trong ngôn ngữ của Đảng cộng sản Việt Nam

Kính Hòa

Khi đưa tin về vụ thăng cấp không đúng cho bà Quỳnh Anh, từ một nhân viên tạp vụ thành trưởng phòng, của ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Đảng cộng sản nói rằng đó là một sự nâng đỡ không trong sáng.

VIETNAM-POLITICS-VCP-CONGRESS

Ông Trương Tấn Sang (trái), ông Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và ông Nguyễn Phú Trọng (phải), tại Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016.  AFP

Trong khi đó việc khai trừ đảng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, một giám đốc sở tại Quảng Nam, lại được gọi là xóa tên ra khỏi danh danh sách đảng viên.

Dó chỉ là hai ví dụ trong việc dùng từ ngữ của Đảng cộng sản mà nhiều người cho là lạ tai từ trước đến nay.

Tại sao lại phải dùng thêm những từ rất lạ để chỉ những khái niệm bình thường ?

Nhà báo Võ Văn Tạo hiện sống ở Nha Trang nói với chúng tôi rằng chuyện cơ quan tuyên truyền của Đảng dùng những cụm từ như là nâng đỡ không trong sáng, hay xóa tên khỏi danh sách đảng viên, không phải là mới, mà cách tạo thêm từ ngữ như vậy đã có từ lâu dưới sự cai trị của Đảng cộng sản. Ông Tạo cho rằng nguyên nhân của việc đó là do những người cộng sản có thói quen biến tất cả mọi thứ trở nên mang tính chính trị. Ông kể câu chuyện của chính bản thân ông:

"Những năm 74 đến 79, chúng tôi học Đại học ngoại thương ở Hà Nội, anh chị sinh viên nao làm bài kiểm tra mà lỡ viết đồng tiền của Chính phủ Việt Nam lạm phát thì chắc chắn bị điểm không hoặc một điểm. Cái từ lạm phát chỉ dùng cho các nước tư bản hoặc phe đối địch thôi. Còn nếu muốn nói đến Việt Nam thì phải nói là đồng tiền mất giá, hay giảm sức mua, mà bản chất y như nhau".

Một lý do khác được ông Nguyễn Gia Kiểng, người đứng đầu một tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại, đưa ra là Đảng cộng sản dùng tự lạ tai như vậy để giảm nhẹ lỗi lầm của đảng viên, hay những sai lầm của đảng.

Ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội,  cũng đồng ý với ông Kiểng về điều này, ông nói với chúng tôi :

"Có lúc thì dùng những mỹ từ để chỉ những chuyện ngược lại với cả thế giới, tức là rất dở hơi, rồi có lúc phải nghĩ ra cái từ cho nó nhẹ bớt đi, để cho nó không xấu mặt đảng viên của người ta, không lẽ lại nói là ông đảng ủy của tỉnh này, ông phó chủ tịch của tỉnh này, ông đảng viên một thời oai phong lẫm liệt và gương mẫu, mà bây giờ lại dùng những từ rất là thô tục, thì nó không hay, thành ra phải là… nâng đỡ không trong sáng, thế thôi".

Một ví dụ được đưa ra về những điều mà Đảng cộng sản làm không giống các nước khác là cụm từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giới chỉ trích các chính sách của Đảng cộng sản hay đưa ra cụm từ này làm ví dụ cho một điều rất mâu thuẫn là một mặt Đảng cộng sản muốn có nền kinh tế cạnh tranh của thị trường tự do, mặt khác lại muốn cố gắng giữ các công ty quốc doanh với những ưu đãi không mang tính thị trường.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có một cách giải thích khá đặc biệt đối với cụm từ xóa tên ra khỏi danh sách đảng viên, ông nói với chúng tôi :

"Tôi nghĩ là họ có những cái chuyện mà nói ra theo ngôn ngữ thông thường thì nó thô bỉ hoặc là rất xấu, thành ra phải nói một cách khác. Riêng có cái cụm từ xóa tên khỏi danh sách đảng viên, thì họ đã sử dụng mười năm nay rồi, thay cho cái danh từ khai trừ. Chữ khai trừ nó có tác dụng tạo ra cho người đó thành thù địch, thành ra làm như thế thì tạo nhiều thù địch quá, cho nên nói là xóa tên khỏi danh sách".

Câu chuyện dùng từ khác lạ, hoặc ám chỉ, để nói về các quan hệ bạn hay thù trong đảng được bàn đến nhiều nhất sau một lần họp Hội nghị trung ương đảng. Khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng, vẫn còn được một số đông trong đảng ủng hộ, nên dự định kỷ luật ông của các đối thủ chính trị đã không thành công. Kết thúc hội nghị đó, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch nước, đã đề cập đến việc không kỷ luật được đồng chí X, mà nhiều người cho là hàm ý chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Một lý do khác mà ông Nguyễn Quang A đưa ra để giải thích tại sao Đảng cộng sản lại đưa ra nhiều từ lạ tai là bản tính đảng không thành thật trong những hành động của mình. Trong một vụ người dân bị nhân viên công an hành hung, thì hành động tấn công của nhân viên công an được gọi là gạt tay quá mạnh. Trong vụ bắt giữ luật gia bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, thì người ta lại nghe thấy cụm từ bao cao su đã qua sử dụng, để chỉ một tang vật.

Tác động của cách dùng từ của Đảng

Chúng tôi hỏi ý kiến của một cư dân tại Sài Gòn không mấy quan tâm đến những chuyện chính trị về cách dùng từ trong ngôn ngữ báo chí và hành chính của Đảng cộng sản. Chị Đỗ Ngọc cho biết :

"Nó rất rất rất là không bình thường, khi dùng từ chỗ công cộng mà dùng như vậy khiến cho người ta suy nghĩ lệch lạc hẳn một vấn đề, nó nhạy cảm hóa vấn đề, làm cho người ta thấy rất là kỳ cục".

Điều mà chị Đỗ Ngọc cho là kỳ cục cũng chính là điều mà ông Nguyễn Quang A rất lo lắng, ông lo cho sự thay đổi không tốt của ngôn ngữ Việt Nam, và lo cho cả sự suy nghĩ của người Việt Nam :

"Nó làm ô nhiễm ngôn ngữ Việt Nam, và khi người ta quen đi rồi, bởi vì vài chục năm mà liên tục nghe những từ ô nhiễm như thế thì bản thân cái tư duy, cái đầu óc của những con người, của cả 90 triệu người mà hàng ngày phải nghe ra rả những từ ấy, thì họ tưởng đấy là rất bình thường. Điều đó làm nên một sự méo mó về tư duy của người Việt Nam".

Ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng các khái niệm trong suy nghĩ của người Việt Nam sẽ bị biến dạng, và khi phải bàn đến những chuyện đó người Việt Nam sẽ rất là bối rối. Ông lấy ví dụ cụm từ xã hội hóa được đưa ra để chỉ những thay đổi trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong những năm gần đây, theo đó người Việt Nam bây giờ phải trả tiền cho những dịch vụ y tế và giáo dục, trong khi đó, theo ông khái niệm xã hội hóa là một chuyện hoàn tòan khác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng có suy nghĩ lạc quan hơn :

"Bản thân ngôn ngữ Việt Nam cũng không thay đổi bao nhiêu, bởi vì những chữ đó người Việt Nam hiểu cả, một bộ phận không nhỏ tức là một bộ phận khá lớn, hay là rất lớn, người dân cũng hiểu ngay. Đối với người dân thì nó càng chứng tỏ sự bối rối, khi mình đi kiếm cách chạy tội thì mình lại phơi cái tội của mình ra".

Cụm từ một bộ phận không nhỏ mà ông Kiểng nói tới là cụm từ hay được các cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản đưa ra để chỉ các cán bộ nhà nước, đảng viên cộng sản tham nhũng hay mất đạo đức.

Ông Võ Văn Tạo cũng có quan điểm khá tương đồng với ông Kiểng. Ông nói về cái cách mà Đảng cộng sản muốn người dân nghe thấy những câu chuyện của mình sẽ có tác dụng ngược lại với ý muốn của họ :

"Họ tưởng họ khôn ngoan, nhưng khi mà đưa ra dân chúng thì hầu hết người ta cười. Càng làm như thế là càng mất uy tín, người ta cười, người ta biết ngay là nó có chuyện gì không trong sáng trong chuyện này".

Riêng chị Đỗ Ngọc thì nói rằng một trong những lý do lớn làm cho chị không quan tâm đến những thông tin về chính sách mà Đảng cộng sản đưa ra, là khi đọc những thông tin đó, với những từ ngữ lạ tai, mà chị gọi là kỳ cục, người ta không hiểu người viết muốn diễn tả điều gì, và do đó không hiểu Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn gì.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 20/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 893 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)