Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/01/2018

Hai học giả nói về 'chân dung Quang Trung'

BBC tiếng Việt

Hai học giả nước ngoài, một từ Malaysia, một từ Mỹ nói với BBC về tranh cãi quanh tính chân thực của 'bức chân dung vua Quang Trung' nêu ra ở Việt Nam gần đây.

quangtrung1

Vua Quang Trung được xem là anh hùng dân tộc ở Việt Nam

Trong mấy tuần trước, ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính được dẫn thuật khẳng định tính chân thực của "chân dung vua Càn Long đã ra lệnh cho hoạ gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ".

Bài viết của ông Duy Chính đã khá lâu nhưng chỉ gây ồn ào sau bài tường thuật của báo Tuổi Trẻ ngày 31/12/2017.

'Chưa thuyết phục'

Bình luận với BBC, Tiến sĩ Ku Boon Dar, nghiên cứu về nhà Tây Sơn ở Universiti Sains Malaysia (USM), nói ông không cảm thấy được thuyết phục.

Tiến sĩ Ku Boon Dar dẫn lại các nguồn lịch sử từng mô tả vua Quang Trung (1753 - 1792) là người "có giọng nói vang to, tóc quăn, da dày, mắt sáng".

"Ông ấy được mô tả là khỏe tới mức có thể nâng cả tấn lúa trên vai".

Bài viết của ông Nguyễn Duy Chính dựa vào một công bố của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trên mạng.

Theo ông Đức, "một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh)".

Tuy tác giả Trần Quang Đức dè dặt không khẳng định nhưng ông Duy Chính "tin tưởng" đây chính là một trong ba bức chân dung được vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 "khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ".

Nhiều người phản ứng sau tin này, vì cho rằng nhân vật trong tranh có "tướng mạo tiểu nhân".

Cũng cần nói thêm rằng nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, trong các sách đã in tại Việt Nam, cho rằng người cầm đầu phái đoàn sang Trung Hoa năm 1790 chính là vua Quang Trung, tuy các nguồn sử Việt trước đây đều nói đó chỉ là "giả vương".

Ví dụ, Hoàng Lê nhất thông chí cho rằng giả vương tên là Nguyễn Quang Thực. Còn Đại Nam chính biên liệt truyện nói người đó tên là Phạm Công Trị.

quangtrung2

Hình vẽ 'vua Quang Trung' từ tư liệu của Trung Quốc, ảnh do ông Trần Quang Đức công bố

Bình luận với BBC, Tiến sĩ Ku Boon Dar cho rằng giả vương là Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An.

"Vì thế, tôi cũng nghi ngờ liệu bức hình này có phải vẽ Quang Trung không", ông nói khi được BBC Tiếng Việt gửi cho xem tấm hình trên.

Tiến sĩ Ku Boon Dar giải thích thêm rằng trong thế kỷ 19, Trung Quốc "thường vẽ chân dung người nước ngoài không chính xác".

Ông chỉ ra rằng Quang Trung trước đó đã thắng đạo quân nhà Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

"Nhiều bức chân dung chỉ nhằm khẳng định cảm giác tự tin của họ, khẳng định cảm giác mình đứng cao hơn ở Đông Á".

Chân dung Càn Long ?

Trong khi đó, trên blog của mình, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội, chuyên ngành Hán Nôm, phản bác bài viết của ông Nguyễn Duy Chính.

Chỉ vào bức tranh "đen trắng nhòe nhoẹt này", tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói ông Nguyễn Duy Chính đã "bỏ qua, không dịch và lý giải tiêu đề của bức tranh".

Theo ông Diện, bức tranh có tiêu đề chữ Hán, và ông dịch ra là : "Bài thơ Ngự chế để ban cho An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đến bệ kiến tại Tị Thử Sơn trang".

Từ đó, ông Diện nói : "Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung".

"Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung (giả - hoặc thật) đưa về nước treo".

Về điểm này, BBC hỏi thêm ý kiến của ông Joshua Herr vừa hoàn tất luận văn tiến sĩ năm 2017 về quan hệ Việt - Trung thế kỷ 17 - 18 tại Đại học California, Los Angeles (UCLA).

Ông Joshua Herr tỏ ra nghi ngờ đây là chân dung vua Càn Long.

"Bức hình này trông không giống hình nào còn sót lại về vua Càn Long".

Theo ông, đây là chân dung một người còn trẻ hoặc trung niên, còn vua Càn Long khi đó đã 80.

"Những biểu chương và bộ quần áo của người trong hình không phải của một hoàng đế Mãn Thanh".

Ông Joshua Herr cũng đồng ý với các nguồn sử Việt trước đây, nghi ngờ không phải Quang Trung đích thân đến Bắc Kinh năm 1790.

"Trong các nguồn sử Trung Quốc, họ ghi chính Nguyễn Huệ - Quang Trung đến Bắc Kinh mừng thọ vua Càn Long".

"Nhưng các hồ sơ Việt Nam nói rằng Nguyễn Huệ chỉ gửi giả vương".

Ông Joshua Herr kết luận :

"Dù bức tranh này có phải là vẽ ông vua Việt Nam hay không, thì vẫn còn tranh luận liệu người ngồi đó là Nguyễn Huệ hay chỉ là người giả".

Tranh cãi mới nhất cho thấy mặc dù triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, bản thân Quang Trung chỉ ở ngôi 5 năm, qua đời ở tuổi 40, Quang Trung tiếp tục là chủ đề hấp dẫn, và cũng nhiều bí ẩn, cho giới sử học.

Nguồn : BBC, 08/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 833 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)