Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

06/02/2018

Tìm hiểu về chiến dịch Save Sơn Đoòng

RFA tiếng Việt

Năm 2014, ngay sau khi có thông tin một dự án xây dựng cáp treo đến hang Sơn Đoòng, nằm trong khi di tích Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, được báo chí đưa tin, một nhóm bạn trẻ đã vận động và thành lập một chiến dịch có tên là Save Son Doong (Cứu Sơn Đoòng) . Đến nay, chiến dịch này đã lan rộng, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ công chúng. Trên trang mạng xã hội, có đến hàng trăm ngàn người thích và hàng trăm ngàn người theo dõi chiến dịch này.

save1

Save Son Doong gặp gỡ sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM để tuyên truyền về bảo vệ hang Sơn Đoòng. Courtesy of FB Save Son Doong.

RFA thực hiện một cuộc trao đổi ngắn với đại diện của Save Son Doong, bạn Thiên Hương.

RFA : Thiên Hương có thể giới thiệu đôi chút về chiến dịch Save Sơn Đoòng ?

Thiên Hương : Chiến dịch Save Sơn Đoòng của bọn mình thành lập chính thức vào ngày 22/10/2014 và mục tiêu lúc đầu của bọn mình đơn giản chỉ là minh bạch hóa những thông tin liên quan đến Sơn Đoòng. Những thông tin này được chia làm hai nhóm chính. Thứ nhất là các thông tin về dự án cáp treo vào, đến gần hoặc xung quanh Sơn Đoòng. Lúc thì có thông tin thế này lúc thì thế khác nên bọn mình tổng hợp lại để bạn đọc dễ theo dõi. Thứ hai là bình dân hóa các thông tin khoa học về hang Sơn Đoòng. Tại vì đối với những người nghiên cứu về khoa học địa chất hay sinh học sẽ thấy có rất nhiều giá trị khoa học đáng quý của hang Sơn Đoòng. Tuy nhiên, nếu ngồi liệt kê ra tên những loài động thực vật trong hang theo tiếng Latin thì sẽ rất khó để bà con nhớ và cảm thấy quý hang. Cho nên một trong những nhiệm vụ của bọn mình là bình dân hóa những thông tin đó để đến với mọi người một cách dễ dàng nhất. Đó là mục tiêu ban đầu và cũng là mục tiêu chính của tụi mình.

Trong khoảng hai năm trở lại đây bọn mình làm thêm một việc nữa đó là mang vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng ra ngoài. Tức là mục tiêu chiến dịch của bọn mình là đừng đưa quá nhiều người, hay còn gọi là du lịch đại trà vào hang Sơn Đoòng, thì ngược lại bọn mình muốn mang vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng ra ngoài để mọi người có thể nhìn ngắm được. Như vậy vừa tận hưởng quyền hưởng thụ của mọi người, vừa để mọi người thấy nó đẹp thì mới quý nó và bảo vệ nó.

RFA : Các bạn thực hiện những hoạt động như thế nào trong chiến dịch này ?

Thiên Hương : Bọn mình có hai mảng là online và offline. Mảng online thì như mình đã nói, bọn mình tổng hợp bài, đăng thông tin, sử dụng các phương tiện khác nhau ví dụ như làm video clip hay làm những bản tin tổng hợp.

Còn mảng offline bọn mình làm triển lãm ảnh, chiếu phim, hội thảo, các diễn đàn tranh luận, các cuộc thi và các lớp học. Gần đây nhất bọn mình có công nghệ thực tế ảo virtual reality để bọn mình đem vẻ đẹp của Sơn Đoòng ra bên ngoài một cách sống động nhất.

RFA : Quan điểm của các bạn như thế nào về việc bảo vệ Sơn Đoòng ?

Thiên Hương : Đối với bọn mình, ngoài chuyện hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới là điều mọi người chúng ta ai cũng biết rồi, thì điều quý nhất của hang Sơn Đoòng là vẻ đẹp nguyên sinh của nó, giá trị khoa học đến từ hệ sinh thái vô cùng độc đáo, tách biệt với thế giới bên ngoài. Và để bảo vệ điều đó chúng ta không thể cho phép du lịch đại trà cũng như cho phép các công trình xây dựng lớn đến hang Sơn Đoòng. Cáp treo chỉ là một công cụ cho du lịch đại trà mà thôi và hiện tại bọn mình phản đối cáp treo. Và bất cứ hình thức nào đưa du lịch đại trà vào hang Sơn Đoòng, bọn mình đều thấy không phù hợp. Và không chỉ riêng trong lòng hang Sơn Đoòng cần được bảo vệ mà cả vùng lõi của Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung đều cần được bảo vệ.

Đối với cá nhân Hương, hang Sơn Đoòng là quan trọng nhất nhưng mục tiêu lâu dài của chiến dịch Save Sơn Đoòng không phải chỉ để bảo vệ hang Sơn Đoòng hay quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng thôi, mà còn là tạo động lực để nhiều bạn trẻ thấy được trách nhiệm xã hội của mình. Khi mình thấy một việc gì bất bình, có thể không liên quan trực tiếp đến mình, nhưng mình thấy đúng hay sai thì đều phải lên tiếng. Điều mà bọn mình sợ nhất đó là những người có thể đồng tình với bọn mình rằng hang Sơn Đoòng cần được bảo vệ, nhưng họ lại nói rằng mình có làm được gì đâu, mình thấp cổ bé họng không nên làm, hay mình có làm cũng vô ích.

RFA : Bạn vừa nói là Save Sơn Đoòng phản đối dự án xây dựng cáp treo vào hang này. Vậy bạn có thể cho biết lý do cụ thể vì sao các bạn lại phản đối không ?

Thiên Hương : Có nhiều lý do, thứ nhất vê mặt sinh học, du lịch đại trà không phù hợp để vào một hệ sinh thái tách biệt như hang Sơn Đoòng. Có rất nhiều sinh vật trong hang Sơn Đoòng qua nhiều thế hệ đã bị tiêu biến mắt rồi. Khi không có mắt, hệ thần kinh của nó trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Du lịch đại trà sẽ bắt buộc chúng ta đem đến ánh sáng. Nhiều người vô sẽ mang nhiều ánh sáng tới, nhự vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hang Sơn Đoòng.

Về mặt địa chất cũng không phù hợp. Hang Sơn Đoòng nằm trên đoạn nứt gãy Bắc Nam. Tức là mình tưởng tượng dưới mặt đất là đoạn nứt giữa hai mảng, thì những công trình xây dựng lớn như vậy có thể đem lại sự nguy hiểm cho cấu trúc của hang Sơn Đoòng. Bản thân hang Sơn Đoòng đã có hai hố sụp, tức là trần hang yếu quá đã sụp cách đây lâu rồi. Hai hố sụp đó cho ta thấy địa chất khu vực này yếu, để xây dựng cáp treo ở đây, không ai dám nói chắc chắn nhưng phải có đánh giá tác động kỹ càng hơn. Nếu không, việc xây dựng không an toàn có thể trở thành, nói hên xui, là "mồ chôn tập thể" cho rất nhiều người khách vô thăm quan, nếu có chuyện gì xảy ra với trần hang.

Về mặt du lịch, ai học về quản lý du lịch cũng hiểu mỗi vùng đất, mỗi đất nước hay cảnh vật có thế mạnh về du lịch riêng. Hang Sơn Đoòng nói riêng và quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung rất phù hợp phát triển du lịch mạo hiểm. Mà du lịch mạo hiểm lại thuộc loại du lịch "hàng hiếm" ở Việt Nam. Không ai tự nhiên lại phá đi thế mạnh của mình để thay bằng một cái khác không phải thế mạnh đó là biến du lịch mạo hiểm thành du lịch đại trà. Du lịch kiểu nhàn hạ, thụ hưởng không phù hợp với khu vực này.

Về mặt ngoại giao, bản thân quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng là một di sản thế giới. Và Việt Nam mình đã ký kết một công ước bảo vệ di sản thế giới từ năm 1987. Và khi ký công ước đó, mình chấp nhận rằng một di sản nằm trên nước Việt, thuộc thổ quyền của Việt Nam nhưng quyền quyết định những công trình xây dựng vào di sản đó mà có thể ảnh hưởng đến điều kiện của di sản đó, phải được quyết định bởi cộng đồng quốc tế, và cụ thể đại diện ở đây là tổ chức UNESCO. Trong khi đó UNESCO đã ra khuyến nghị rất nhiều lần về việc đề nghị Chính phủ Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn các dự án cáp treo trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Rất nhiều đại sứ các nước chẳng hạn như mới cách đây vài ngày đại sứ Bỉ đã lên tiếng kêu gọi phải bảo vệ hang Sơn Đoòng. Bất cứ một công trình xây dựng nào làm thay đổi cấu trúc của hang Sơn Đoòng sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

RFA : Các bạn có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới quý khán thính giả của RFA hay không ?

Thiên Hương : Hương rất mong những bạn nào nghe chương trình hôm nay, ngoài việc giúp Hương chia sẻ thông điệp bảo vệ Sơn Đoòng tới nhiều người hơn nữa, thì hãy giữ vững tư tưởng đó khi làm những chuyện khác. Khi mình thấy cái gì gặp nguy hiểm, bị ảnh hưởng, hay khi mình thấy đúng sai, có thể nó không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân nhưng nếu mình không hành động thì ai sẽ hành động và nếu mình không làm bây giờ thì đến khi nào mình mới làm ? Đó là động lực khiến cho nhóm của tụi Hương suốt ba năm vừa rồi vẫn tiếp tục với dự án này.

RFA : Chân thành cám ơn những chia sẻ của Thiên Hương.

Nguồn : RFA, 05/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 916 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)