Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/03/2018

Lại muốn thay đá lát ở Hà Nội

Mỹ Lan

Nâng cấp, chỉnh trang đô thị

Theo thông tin được UBND Thành phố Hà Nội đưa ra thì hạ tầng khu vực xung quanh Hồ Gươm đã xuống cấp do nhiều năm không được đầu tư toàn diện. Hiện tại, sau nhiều đợt sửa chữa, vỉa hè quanh Hồ Gươm có hơn 20 loại gạch đá lát khác nhau dẫn tới việc thiếu đồng bộ về mặt cảnh quan.

hoguom1

Người dân tập thể dục buổi sáng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, tháng 11/2000.  AP

Dự án đưa ra gồm 3 hạng mục chính : Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh Hồ Gươm ; chiếu sáng trang trí xung quanh hồ ; cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ, dự án cải tạo lần này sẽ giúp đem lại bộ mặt chỉnh trang cho toàn bộ khu vực xung quanh Hồ Gươm.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nơi có Hồ Gươm, nói về lý do phải tiến hành dự án :

"Hiện nay đường cấp thoát nước cũng như đường điện ở đây đang bị xuống cấp cần phải đầu tư cải tạo lại và nhân dịp này thì cũng cải tạo hoàn chỉnh luôn cho vật liệu bề mặt cho các đường dạo và thảm cỏ"

Theo dự kiến toàn bộ gạch bloc và ngay cả các diện tích đá xanh phía đường Đinh Tiên Hoàng được lát trong dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010 sẽ được thay bằng loại đá granite tự nhiên dày 10cm có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định.

Thông tin đưa ra cũng nói đơn vị tư vấn thiết kế là một công ty kiến trúc của Pháp và thời gian thực hiện dự án khoảng từ 5 đến 6 tháng. Thế nhưng, ông Long không cho biết tổng mức kinh phí dự kiến dành cho dự án do hiện tại, dự án vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vì sao khi ngân sách chưa được thông qua mà UBND quận Hoàn Kiếm lại đưa ra giải pháp sử dụng đá granite Bình Định, thay vì đưa ra nhiều giải pháp khác để người dân lựa chọn.

Vì sao là đá granite Bình Định ?

Khi được hỏi về lý do Hà Nội lựa chọn đưa vào sử dụng loại đá vừa nêu, ông Long đề nghị được trả lời sau bằng văn bản. Hiện chúng tôi đang chờ câu trả lời chính thức từ phía đại diện UBND quận Hoàn Kiếm.

Trước đó, theo tìm hiểu của một số đơn vị truyền thông trong nước thì đây là loại đá hiếm và có giá thành tương đối đắt đỏ, có thể lên tới hàng triệu đồng mỗi mét vuông. Bên cạnh đó, đá granite Bình Định cũng không có quá nhiều lợi thế về độ bền so với các loại đá granite của địa phương khác với giá thành rẻ hơn tương đối nhiều.

Chúng tôi cũng đã tìm cách liệc lạc nhiều lần với ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để hỏi ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên ông Hùng đã không bắt máy.

Nên hay không nên thay mới vỉa hè Hồ Gươm ?

Ông Phạm Tuấn Long cho rằng cho đến nay quá trình lấy ý kiến người dân ghi nhận sự ủng hộ của phần lớn bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, một số người dân tại khu vực phố cổ quanh Hồ Hoàn Kiếm mà chúng tôi có dịp tiếp xúc lại bày tỏ quan điểm trái ngược. Chị Đỗ Thuỳ Linh, phố Cửa Nam cho biết :

"Hàng ngày tôi vẫn đi qua đây tôi thấy vỉa hè vẫn còn rất đẹp, không cần thiết phải thay mới làm gì ? Việc thay mới rất là tốn kém"

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Ngọc Duyên, phố Hàng Bạc chia sẻ :

"Cô thì thấy thế là lãng phí. Bây giờ thì nó cũng đang đẹp rồi, vừa mới làm 1000 năm Thăng Long xong lại làm lại thì như thế là lãng phí. Cái đó là chủ trương của nhà nước thì mình không thể cưỡng lại được nhưng với cô là người dân ở đây thì cô không đồng tình việc vỉa hè họ đập đi đập lại, phá đi phá lại, lát đi lát lại suốt, có khi cá chết oan cũng là vì thế.

Bà Trần Thị Minh, một bác sĩ về hưu ở phố Hàng Bông lại đưa ra giả thiết chỉ nên thay mới khu vực nào bị hư hỏng nặng, để tránh việc phát tán các loại vi khuẩn gây bệnh trong không khí trong quá trình cậy và san lấp vỉa hè khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm, vốn được coi là nơi để người dân khu vực phố cổ hít thở không khí trong lành mỗi ngày.

"Tôi thấy gạch ở Hồ Gươm vẫn còn đẹp và tốt, chúng ta không nên lãng phí. Thứ hai nữa là khi mà chúng ta đào bới lên, thì cũng tạo điều kiện cho các loại vi trùng, vi khuẩn ở dưới nền đất bị phát tán ra thì cũng không có lợi cho sức khoẻ người dân. Thế nên để bao giờ nó cũ, nó hỏng ta hẵng thay còn bây giờ thì ta cứ để sử dụng thôi"

Bà Minh cũng cho rằng số tiền để đầu tư làm mới khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm có thể sử dụng vào những việc làm ý nghĩa hơn như đầu tư xây dựng những công trình hỏng hóc xuống cấp hơn mà đang phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân như các cơ sở y tế, trường học, trường mầm non…Tuy nhiên, mặc dù là dự án đưa ra nhằm lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt đưa vào quy hoạch, Hà Nội lại không công bố cách thức tiến hành khảo sát nhằm có được kết quả khách quan và chính xác nhất từ phía người dân.

Xin được nhắc lại rằng dư luận Hà Nội cũng đã từng nhiều lần ý kiến về việc chính quyền sử dụng đá tự nhiên để thay mới vỉa hè 930 tuyến phố trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, rất nhiều tuyến phố chất lượng vỉa hè đã trở nên xuống cấp nhanh chóng, sụt lún, rạn nứt, bụi bẩn khiến cho ở nhiều tuyến phố, bộ mặt đô thị nhếch nhác.

Mỹ Lan

Nguồn : RFA, 14/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)