Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/05/2018

Thành phố Hồ Chí Minh : Dinh Thượng Thơ sẽ bị đập vì 'không là di tích' ?

BBC tiếng Việt

Một kiến trúc sư bình luận với BBC rằng nếu lấy lý do Dinh Thượng Thơ "không nằm trong danh sách di tích" để phá bỏ thì cách quản lý di sản của Thành phố Hồ Chí Minh" đang có vấn đề khá nghiêm trọng".

dinh1

Phần mái ngói từ hướng chính diện Nhà thờ Đức Bà nhìn ra thuộc về Dinh Thượng Thơ cũ

Bình luận này được đưa ra khi có sự tranh cãi và so sánh cách ứng xử với di sản giữa chính quyền Sài Gòn và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, trước đề xuất phá tòa nhà từng là Dinh Thượng Thơ để mở rộng và nâng cấp trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố.

Tòa nhà hơn 150 năm tuổi này nằm ở địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, mà người Sài Gòn vẫn quen gọi là Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông và Sở Công thương.

Ông Võ Văn Hoan, người phát ngôn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được truyền thông Việt Nam hôm 2/5 dẫn lời phát biểu tại cuộc họp báo : "Tòa nhà [Dinh Thượng Thơ] trông bên ngoài bề thế như vậy nhưng đã cũ kỹ lắm rồi, nhiều chỗ phải chống dột, cần phải nâng cấp, cải tạo lại để phục vụ tốt cho công việc. Có phương án nói rằng tòa nhà Sở Thông tin và truyền thông phải di dời kiểu thần đèn vào khu vực trung tâm đường Lý Tự Trọng, rồi từ đó xây dựng thêm. Nhưng khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích".

"Chúng tôi nhận thức rằng việc nâng cấp sửa chữa trụ sở này rất nhạy cảm. Nên chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến khác nhau để xử lý cho hài hòa".

'Vấn đề khá nghiêm trọng'

Hôm 3/5, Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chủ tịch Công ty Tư vấn thiết kế Ngô Viết, nói với BBC : "Nếu như việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh là lý do chính để phá bỏ tòa nhà lịch sử này như giải trình, thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, và có thể cũng là của nhiều đô thị có di sản trên cả nước nữa, đang có vấn đề khá nghiêm trọng".

"Vì hiện nay nhiều công trình di sản quan trọng khác như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… và nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này, và do đó có thể cũng sẽ là lý do để bị phá bỏ một ngày nào đó".

Cũng trong hôm 3/5, ông Cù Mai Công, một người dân sinh ra ở Sài Gòn và là tác giả sáu tập sách Saigon By Night, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt : "Vì Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến của người dân về đề xuất với Dinh Thượng Thơ nên tôi quyết định lên tiếng".

"Về chuyện Dinh Thượng Thơ 'không là di tích', theo tôi được biết, năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh lập một danh sách 108 di tích cần bảo tồn. Cần nói rõ : Đây là danh sách không hoàn chỉnh và 1996 thành phố đã yêu cầu làm hoàn chỉnh nhưng đến nay 22 năm sau vẫn chưa có".

"Và đây là là khoảng trống, khoảng hở "chết người" khi hàng loạt nhà, dinh thự xưa bị phá bỏ mà "không phạm luật".

"Dinh Thượng Thơ là một trường hợp mới nhất, là tòa nhà xưa thứ ba của Sài Gòn : xây dựng 1864 (tức đã 154 năm chứ không phải như một số thông tin cho nó 130 năm, 128 năm tuổi) sau Tu viện Thánh Phaolô (góc Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng) và Bến Nhà Rồng xây trước đó 2-4 năm".

"Xin nói thêm : Ngay Tu viện Thánh Phaolô cũng không nằm trong danh sách này vì nó thuộc quản lý của Tòa Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh".

dinh2

Nhà thờ Đức Bà cũng "không có tên trong danh sách di tích bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh"

'Mâu thuẫn'

So sánh cách chính quyền thời Sài Gòn và thời nay ứng xử với những ngôi nhà trên trăm tuổi, ông Công nói : "Khu Sài Gòn ban đầu chỉ là khu vực quận 1 trước 1975, rộng 3km2. Sau 1975 thì nhập thêm khu Cầu Muối, Nguyễn Cư Trinh... vô. Và hầu như 100% các tòa nhà xưa nhất của Sài Gòn nằm ở khu vực này".

"Chính quyền Pháp lúc đó đã coi đây là khu vực trung tâm hành chính và các tòa nhà chức năng ; tạo thành khối liên kết hoàn chỉnh, không chỉ liên kết các tòa nhà, dinh thự chức năng (Dinh Thượng Thơ, Tòa Đô sảnh (Hotel de ville), Thị sảnh, trước 1975 gọi là tòa Đô chánh - Tòa án, Bệnh viện...) mà còn liên kết kiến trúc toàn khu vực quận 1, khá hoàn chỉnh".

"Và đó là lý do trước 1975, theo như tôi biết, Chính quyền Sài Gòn quan niệm : việc xây các công trình, đường phố mới không được đụng tới dinh thự, đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc".

"Mục đích của họ là không chỉ bảo tồn di tích, công trình lịch sử - văn hóa mà còn bảo đảm kinh thành Sài Gòn không trở nên chen chúc".

Theo ông Công, thực tế họ [Chính quyền Sài Gòn] đã thực hiện đúng điều này : Cả khu vực quận 1 chỉ phá hủy và xây dựng mới hai công trình : Khám lớn để xây Thư viện quốc gia (Nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp) và Dinh Norodom - Dinh Độc Lập.

Ngoài Dinh Độc Lập buộc phải xây mới vì bị ném bom không thể phục hồi trong cuộc đảo chính 1962 thì nhà tù Khám Lớn ngay giữa Sài Gòn, lại là một hình ảnh đàn áp của Thực dân Pháp rõ ràng không nên để tồn tại.

Thư viện mới xây này, nhìn ở góc một tòa nhà rõ ràng rất đẹp, vừa dân tộc vừa hiện đại. Nhưng rõ ràng nó vẫn chưa hài hòa lắm với cảnh quan xung quanh. Và đó là cũng là lý do chính quyền Sài Gòn không đụng tới cảnh quan xưa ; hài hòa với các con đường chỉ 6-8-10m.

dinh3

Đề xuất phá bỏ Dinh Thượng Thơ là để xây dựng trụ sở mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Công nhấn mạnh : "Phá vỡ cảnh quan này, không chỉ là di tích văn hóa, mà còn là phá vỡ tổng thể kiến trúc khu vực. Tệ hơn, khiến giao thông rối loạn thêm vì thực tế, khu vực này hiện đã kẹt xe liên tục. Bây giờ, bảy đơn vị hành chính cấp thành phố với 1.700 người làm việc, chưa kể thường xuyên có hàng ngàn người dân, công chức các quận huyện, ban ngành các quận huyện liên hệ công việc thì dù có phân luồng theo dự tính của Thành phố Hồ Chí Minh thì tình hình như thế nào chắc ai cũng rõ".

Ông cũng nói thêm : "Việc phá tòa nhà Dinh Thượng Thơ để xây trung tâm hành chính gom các ban ngành lại không chỉ mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử mà còn mâu thuẫn với việc giải quyết vấn nạn kẹt xe với thực trạng tạo nên kẹt xe ; mâu thuẫn với bảo tồn bảo tàng di tích".

Đề cập về chuyện bảo tồn Dinh Thượng Thơ có phải là việc tốn kém nên chính quyền phải tìm cách khác, ông Công nói : "Tôi thấy như trong chuyện trùng tu Nhà thờ Đức Bà, khả năng hạn chế của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn phải quyên góp trong giáo dân còn làm được, với vật tư chọn lọc, sang tới nơi sản xuất là Pháp để mua nguyên vật liệu thì lẽ nào Thành phố Hồ Chí Minh lại không có tiền. Vấn đề là cái nhìn của thành phố với di tích thôi".

Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông bày tỏ hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh "lắng nghe thật sự với tinh thần cầu thị những ý kiến về việc có nên phá bỏ Dinh Thượng Thơ".

Theo truyền thông Việt Nam, ý tưởng xây dựng trụ sở mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "được công ty Gensler, Mỹ, thiết kế". Toàn bộ ý tưởng về trụ sở mới này đã được trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Thành phố nhằm "lấy ý kiến của người dân" trong tháng 4/2018.

Nguồn : BBC, 03/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 761 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)