Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/06/2018

Tranh luận về trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

RFA tiếng Việt

Trong lịch sử Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật nổi tiếng về sự uyên bác …Cho đến nay nhiều người tiếp tục nêu ra những câu thơ được cho mang tính tiên báo của ông. Tuy nhiên công tác nghiên cứu về nhân vật này vẫn còn hạn chế ; gần nhất là tranh cãi về bia chỉ dấu mộ của ông.

trangtrinh1

Nhiều tranh cãi về tấm bia chỉ dấu mộ Trạng Trình - RFA

Những tranh cãi về tấm bia chỉ dấu mộ Trạng Trình

Đầu tháng 5/2018 vừa qua, các báo lớn như VTC News, Tuổi trẻ, Người Lao động loan tải thông tin, nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã tìm thấy 2 tấm văn bia có nội dung liên quan đến mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại bờ sông Thái Bình thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào ngày 6/5.

Tuy nhiên có nhà nghiên cứu cho rằng, hai tấm văn bia đó là giả, được ngụy tạo ra với những mưu đồ, mục đích nào đó, nên yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Sinh đưa ra giải thích rằng, hai tấm văn bia đó có nét chữ viết "kiểu giun dế, nét khắc tuỳ tiện, nông choèn, khuôn chữ không thống nhất và nhất là dùng sai chữ Hán" ; "trán bia méo mó còn hoa văn trang trí xộc xệch bằng những nét khắc cẩu thả chứng tỏ người chế tác tay nghề kém".

Trong khi đó có một số nhà nghiên cứu lịch sử và Hán – Nôm cho rằng, hai tấm văn bia đó có thể là đồ thật, mang ý nghĩa chỉ dấu để có thể tìm thấy mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi chúng có thể được khắc vội, do thư sinh chân yếu tay mềm nên không được đẹp, đủ nét chữ, nhằm giữ yếu tố bí mật về địa điểm của ngôi mộ trong thời thế nhiễu loạn.

Ngày 17/5, Sở Văn hóa - Thể thao cùng Sở Thông tin và truyền thông, Công an thành phố Hải Phòng, Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Khoa học lịch sử thành phố và UBND huyện Tiên Lãng đã khảo sát, kiểm tra 2 bia đá do nhóm nghiên cứu độc lập của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh tìm thấy và ra kết luận, hoạt động nghiên cứu này là không đúng quy định, chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Khu vực nhóm Tiến sĩ Vịnh nghiên cứu cũng không thuộc quy hoạch khảo cổ của địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ với RFA Việt Ngữ về việc chính quyền Hải Phòng và huyện Tiên Lãng họp về hai tấm văn bia này, ông cho biết, cuộc họp ngày 17/5/2018 không hề có mặt của ông và Phó trưởng Công an huyện Tiên Lãng đã khuyến cáo "ai niêm phong thì mới được quyền mở, và phải có người niêm phong thì mới có bàn giao".

"Thực sự nếu đứng ở góc độ của ngành sử học hay ngành khảo cổ, thì đây là những vấn đề thuần túy khoa học. Ngay từ đầu tôi khẳng định với mọi người, nhóm của chúng tôi là nghiên cứu độc lập, chúng tôi thích nghiên cứu cái gì thì chúng tôi nghiên cứu, và chúng tôi không nhận tiền từ một quỹ nào, cũng như chúng tôi không phải chịu trách nhiệm về cách nghiên cứu của mình trước tổ chức nào. Trừ khi kết quả chúng tôi đưa ra phải có một hội đồng, một trình tự để xác minh kết quả đấy. Đây là vấn đề thuần túy học thuật".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh lý giải về việc tại sao ông lại thăm dò và tìm thấy hai tấm văn bia tại thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng rằng, người dân khu vực này và quê hương của Trạng Trình hay nhắc đến câu "Ba Đa trông sang, Ba Đồng ngoảnh lại, táng tại Ao Dương" – mà Tiến sĩ Vịnh cho rằng mang tính chất chỉ dấu.

"Nếu chúng ta nhìn lên bản đồ hành chính của Hải Phòng, thì chúng ta sẽ thấy hai địa danh cách nhau khoảng 7km, một nơi trông sang, một nơi ngoảnh lại và táng tại Ao Dương. Vậy thì rõ ràng, hiểu đơn giản nhất là nó ở giữa chẳng hạn. Thế còn "Ao Dương" là gì, thế là nhiều người cứ nhìn thấy cái ao thì gọi là "ao Dương" đấy. Tôi nghĩ rằng, trong thuật để viết thường có những mật ý".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh giải thích "Ao" trong chữ Hán là "Trì", "Dương" còn có thể hiểu là màu xanh – chữ hán là "Thanh". Vậy ghép lại là "Thanh Trì". Nhưng Thanh Trì là địa danh mới có gần đây, không phải từ thời Trạng Trình còn sống.

Bên cạnh đó, còn một câu mang tính chỉ dấu nữa là "Kinh Lương, Chùa Đót còn sót một ngôi, Mộ táng thiên lôi anh hùng cái thế" – liên quan đến huyện Tiên Lãng. Mặt khác, các địa danh này trên bản đồ tạo thành một hình tròn thái cực với sông Thái Bình là đường chia và điểm chính giữa là nơi tìm thấy hai tấm bia. Do đó, mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng – quê ngoại và là nơi con trai út của Trạng Trình sống.

Trước những quan điểm cho rằng hai tấm văn bia là đồ giả, được ngụy tạo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, đó là điều dễ hiểu, vì trước đó đã có những sự việc dàn dựng ra di chỉ với mộ giả và thẻ tre giả. Tiến sĩ Vịnh khẳng định, ông chưa đưa ra nhận xét gì về 2 hiện vật đó, việc tìm thấy mới chỉ là sự bắt đầu.

"Thứ nhất là, sẽ phải coi đây là một bằng chứng chỉ dẫn. Nhưng phải được thông qua các bước cụ thể như sau. Thứ nhất là xác định niên đại, có đúng thời Mạc không, có phải được tạo ra cách đây 432 năm không. Thứ hai, đây là bản thật hay bản giả, nhỡ đâu nó là ngụy tạo thì sao ? Nhỡ đâu người ta ấn xuống đấy rồi người ta thuê chúng tôi tạo một sự kiện thì sao ? Sau thẩm định tối thiểu ấy là phục chế văn bản, xử lý văn bản".

Cho đến nay, hai tấm văn bia vẫn đang được niêm phong, lưu giữ tại UBND huyện Tiên Lãng. Chính quyền Tp. Hải Phòng không đồng ý tiếp tục nghiên cứu 2 bia đá này vì cho đó là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc ; đồng thời, đề nghị UBND huyện Tiên Lãng không đồng ý tiếp nhận việc thăm dò, khảo cổ trên địa bàn khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về di sản.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những đóng góp trong lịch sử

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà tư vấn chiến lược chính trị, có tầm nhìn dự báo xa rộng, phân ba được các thế lực chính trị thời đó thành thế "chân vạc" để yên ổn đất nước. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm được cả ba thế lực chính trị khi đó là Chúa Nguyễn Hoàng, Chúa Trịnh và nhà Mạc kính trọng

"Ví dụ như Trạng Trình khuyên Phùng Khắc Khoan đi theo nhà Lê. Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng đi vào trong Nam để lập cơ ngơi riêng, và khuyên các chúa Trịnh không được lật đổ nhà Lê mà nên cộng tác để xây dựng chính quyền mà theo tôi là rất mới : một anh thực hiện, một anh chỉ làm tính chất cầm chịch, thậm chí không đường hướng nữa mà giữ lấy nhân tâm".

Trong lĩnh vực giáo dục – văn hóa, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở trường, đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước.

"Khi là trí sĩ, cụ mở trường dạy học, mà người ta nói rằng, thời điểm đông có cả ngàn học sinh. Chúng ta biết, thời điểm đó mà có cả ngàn học sinh thì là đông lắm. Chính vì mở trường như vậy, cho nên trong số học trò của cụ có rất nhiều người thành đạt, nổi tiếng, thành tiến sĩ, trạng nguyên, và thành tướng quân".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh đưa thêm đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong việc sử dụng và phổ biến chữ Nôm với tập thơ Nôm mang tính giáo huấn, bao biếm.

"Về phần giáo huấn, liên quan đến đạo lý làm người, răn đe thế tục. Rất là khó có được những câu thơ nêu lên được, về mặt văn học có nét đặc trưng, xây dựng, khắc họa được những nhân vật cơ hội, dáng điệu rõ nét. Chính vì rõ nét như vậy nên giá trị bao biếm rất mạnh. Thí dụ như là "Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi" ; hay là khi có tiền thì hơ hải mừng, còn khi không có thì ngoảnh mặt đi".

Cho đến nay, khi đất nước có những sự kiện, biến cố, người dân lại nhớ đến "Sấm Trạng Trình" – là những vần thơ dự đoán thời cuộc. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh và Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, khó xác định được đâu là bản Sấm "xịn" và đâu là bản Sấm "hậu Trạng Trình" – tức là những dị bản sau khi Cụ Trạng Trình đã mất.

RFI tiếng Việt, 14/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 819 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)