Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/02/2017

Nhà thờ Đức Bà, đặc trưng kiến trúc Pháp giữa lòng Sài Gòn

Thu Hằng

Nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua, nổi bật với sắc đỏ tươi. Sau gần 140 năm chống chọi với nắng gió thời gian, mái ngói và một số hạng mục của công trình kiến trúc đặc sắc này bị xuống cấp một cách đáng ngại.

nhatho1

Nhà thờ chính tòa Đức Bà, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. CC/Diego Delso

Theo dự án của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trình lên UBND thành phố vào đầu tháng 12/2016, công trình biểu tượng của Sài Gòn sẽ có một đợt trùng tu mái ngói kéo dài từ năm 2017 đến 2019. Cụ thể là sẽ "gia cố, thay thế hệ thống vì kèo bằng tổ hợp thép hình, sơn bảo quản chống gỉ ; gia cố, thay thế cầu phong, li tô bằng gỗ nhóm II, chống mối mọt, sơn bảo quản ; thay thế bổ sung mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương theo nguyên trạng ; xây lại bờ mái bờ nóc, bờ chảy". Nguồn vốn để sửa chữa do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục Sài Gòn vận động từ nguồn xã hội hóa.

Tuyệt tác kiến trúc gần 140 tuổi biểu tượng của Sài Gòn

Nhìn lại 137 năm lịch sử của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, có lẽ nên bắt đầu từ nguồn gốc nhà thờ đầu tiên được dựng lên ở Sài Gòn, trên nền một ngôi chùa bỏ hoang bên bờ Kinh Lớn (Grand Canal hay Canal Charner), nơi neo đậu của những con tầu gỗ lớn của người Hoa có mái bằng lá cọ và mũi tầu được sơn những cặp mắt dữ tợn. 

Tập san hành trình, địa lý, lịch sử và khảo cổ (1), phát hành năm 1869, miêu tả : "Nhà thờ đầu tiên, với một tháp chuông bằng gỗ sơn mầu, được dựng lên ở Sài Gòn vào năm 1861 nhờ sự đóng góp của các công chức và sĩ quan đội quân viễn chinh Pháp. Nhiều khu nhà tạm được dựng lên dọc bờ kênh trở thành ngôi làng của Giám mục và cũng chính tại đây, Đức ông Lefebvre - Giám mục hiệu tòa Isauropolis và Khâm mạng tòa thánh Tây Nam Kỳ - đã trú ẩn trước khi quân Pháp chiếm được Sài Gòn".

Năm 1863, chuẩn đô đốc Bonnard cho xây một nhà thờ vững chắc hơn ở phía trên thành phố, nơi sau này trở thành địa điểm của Tòa Hòa Giải (Justice de paix, nơi ngày nay là cao ốc Sun Wah đường Nguyễn Huệ). Cách gọi "nhà thờ lớn" (cathédrale) có lẽ chỉ để nhấn mạnh đến chức năng của địa điểm thiêng liêng đó mà thôi, vì theo nhận xét của tác giả Raoul Postel trong cuốn Xứ Nam Kỳ thuộc Pháp (2), "công trình thảm thương và tồi tàn này thực ra chẳng xứng với cách gọi đó. Bề ngoài hiu quạnh của nhà thờ càng nâng vẻ lộng lẫy của nhà thờ tu viện Sainte-Enfance".

Mười năm sau, thánh đường được làm gần như hoàn toàn bằng gỗ bị mối gặm nhấm nghiêm trọng đến mức phải đóng cửa vào năm 1874 và dùng tạm đại sảnh trong dinh thự của thống đốc Nam Kỳ để hành lễ.

nhatho2

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sau khi được hoàn thiện năm 1880 và chưa có hai mái chóp. BNF/Fernand Blanchet

Nếu như trước năm 1869, nhà thờ Sài Gòn không có bất kỳ nguồn thu nhập nào trừ tiền quyên góp của giáo dân, thì trong khoảng thời gian giới quân sự nắm quyền và Giáo Hội chưa tách khỏi chính quyền, Giám mục Sài Gòn được trợ cấp khoảng 15.000 franc cùng với 5.000 franc công tác phí (Bulletin officiel de la Cochinchine, 16/05/1870) và giáo phận Nam Kỳ cũng nhận được một khoản trợ cấp cho đến năm 1880 khi chính quyền dân sự đầu tiên được hình thành tại Nam Kỳ.

Cũng trong giai đoạn chính quyền quân sự, chính phủ thuộc địa đã nhượng cho các giáo phận Nam Kỳ nhiều khu đất để xây dựng các công trình dành cho con lai, đặc biệt là nhà thờ lớn Sài Gòn. Quyết định được chuẩn đô đốc-thống đốc Duperré (1874-1877) ký ngày 27/09/1876 (Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, 1877) khi hoàn toàn tin chắc rằng Nam Kỳ đã được bình định. Ông cũng nhận thấy đã đến lúc phải khẳng định đức tin của người Pháp và rộng rãi truyền đức tin đó ở đất nước xa xôi này.

Nhà thờ mới được chuyển về vị trí trung tâm, ở đầu phố Catinat (nay là Đồng Khởi). Cục công binh giao các khu đất (nay là quảng trường số 1 Công Xã Paris, quận 1, trước đây còn là quảng trường Pigneaux de Béhaine), lúc đó nằm dưới sự quản lý của quân đội, cho chính quyền địa phương. Đổi lại, cơ quan dân sự này hoàn toàn chịu trách nhiệm về nhà thờ mới, cũng như mọi việc bảo dưỡng trùng tu trong tương lai.

Ngày 07/10/1877, trước sự chứng kiến của thống đốc Nam Kỳ và toàn bộ chính quyền Pháp tại Sài Gòn, Đức ông Colombert, Giám mục hiệu tòa Samosate, đã ban phước cho viên đá đầu tiên của công trình mang tính thiêng liêng với giáo dân. Sau hai năm rưỡi xây dựng, với tổng chi phí 2.500.000 franc, thánh đường do kiến trúc sư Bourard thiết kế được hoàn thiện ngày 11/04/1880 và được cung hiến lên Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và thánh François-Xavier.

Tập san của Hội Thừa Sai Paris số ra tháng 07-08/1918 (3) miêu tả nhà thờ Sài Gòn được xây theo kiến trúc Roman, dài 93 mét, rộng 35 mét, cao 57,3 mét. Hầu hết nguyên vật liệu, đặc biệt là gạch ngói đỏ, được chuyển từ Pháp sang. Hai tháp chuông có sáu quả chuông nặng tổng cộng 25.850 kg.

Dự án ban đầu chỉ có hai tòa tháp chuông cao 36,60 mét. Đến năm 1895, hai mái chóp với Thập tự giá biểu tượng cho sự cứu rỗi cao 21 mét được dựng thêm để che tháp chuông. Theo tuần san Le Génie civil số ra ngày 02/05/1896, hai mái chóp được làm bằng sắt, do kỹ sư André Michelin thiết kế, có hình kim tự tháp tám góc, lần lượt được gắn trực tiếp bằng phương pháp tính khung côngxon trên mỗi tháp chuông. Khung mái được lợp bằng loại thép gân và có một cầu thang sắt gắn vào thành tường dẫn lên nóc. Trên nóc là hai cây thập tự cao 3,10 mét được làm bằng tôn và đinh tán. Toàn bộ công trình được thợ thuyền địa phương thực hiện dưới sự giám sát của một đốc công Châu Âu.

nhatho3

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ảnh chụp năm 1895. BNF/André Salles

Bên trong công trình kiến trúc quy mô và đặc sắc được dát vàng rất thẩm mỹ. Phía trên hành lang gác trong nhà thờ là loạt cửa sổ bằng kính nhiều mầu ghép lại do xưởng Lorin de Chartres thực hiện. Mỗi tác phẩm trên cửa kính tái hiện đoàn rước các thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đến chào mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chủ nhân của nhà thờ.

Bàn thờ chính được làm bằng đá cẩm thạch quý hiếm và được trang trí thêm ba bức phù điêu tuyệt đẹp được sáu thiên thần nâng đỡ, trong tay cầm những dụng cụ khổ nạn trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Lối đi bên trong nhà thờ làm theo hình thập tự, được lát bằng gạch ghép mảnh nghệ thuật và ở mỗi đầu là một bàn thờ của các nhà nguyện. Xung quanh chính điện là các nhà nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh (Sainte-Vierge), Thánh Tâm (Sacré-Coeur), thánh Joseph, thánh Paul và thánh François-Xavier. Tất cả đều được trang trí bằng những bức tranh kính nhiều mầu ghép lại tượng trưng cho mỗi vị thánh của nhà nguyện.

Ngoài ra còn phải kể đến 20 chiếc đèn chùm được gia công một cách tinh vi. Từ tháng 10/1913, cha Eugène Soullard cho lắp hàng nghìn bóng điện vào những chiếc đèn chùm và xung quanh các cột chính trong nhà thờ khiến các buổi lễ trở nên lung linh hơn trong ánh sáng hiện đại này. Đặc biệt là vào những buổi Thánh Lễ và lễ rửa tội cho trẻ nhỏ, giáo đường đẹp một cách huyền diệu với các sắc mầu và đồ trang trí.

Năm 1902, tượng Đức ông Pigneaux de Béhaine (tiếng Việt là Bá Đa Lộc), Giám mục hiệu tòa Adran, được dựng lên giữa khu vực trồng hoa tô điểm cho quảng trường trước cửa nhà thờ lớn. Tác phẩm của nhà điêu khắc Lormier thể hiện Cha Cả tay trái nâng bàn tay của hoàng tử Cảnh (con trưởng của vua Gia Long), còn tay phải giương bản Hiệp ước Versailles ký ngày 21/11/1787 với chính phủ Pháp. Đức ông Lucien Mossard, quản lý nhà thờ từ năm 1898, cùng với đông đảo tu sĩ đã tổ chức một buổi lễ long trọng để ban phép lành cho công trình trên trước sự chứng kiến của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, thống đốc Nam Kỳ Henri de Lamothe, các đô đốc Pottier và Bayle, cùng với toàn bộ công chức dân sự và quân sự cũng như giới thân hào Nam Kỳ.

nhatho4

Tan lễ ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ảnh chụp khoảng sau năm 1880.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn… người yêu kẻ ghét…

Trong vòng 10 năm, từ 1908 đến 1918, số lượng giáo dân ở Sài Gòn không thay đổi với khoảng 5.530 người, trong đó có 4.000 người Châu Âu, 800 người Ấn Độ, 700 người An Nam và khoảng 30 người Hoa. Số lượng giáo dân Châu Âu có xu hướng giảm do đợt tổng động viên năm 1914.

Giờ tan lễ sáng Chủ Nhật hay những dịp lễ trọng đại là cảnh tượng độc đáo khiến người qua đường phải tò mò chiêm ngưỡng, theo nhận xét của một cuốn hướng dẫn du lịch dành cho người mới đến thuộc địa xuất bản năm 1906 (4) : "Những bộ cánh quý phái tươi trẻ của các Quý bà, Quý cô phương Tây xen lẫn với những bộ cánh đầy mầu sắc của phụ nữ Ấn Độ cùng với những chiếc váy mầu sậm của phụ nữ An Nam hay những bộ vét trắng của cánh đàn ông".

nhatho5

Nhà thờ Notre Dame de Saigon và Place Pigneau de Béhaine, hình chụp từ đường Catinat. Ảnh : madeinsaigon.vn

Vẫn theo cuốn hướng dẫn du lịch, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là niềm tự hào của người dân công giáo địa phương. Thế nhưng, tác giả Arthur Delteil, trong cuốn Một năm lưu lại Nam Kỳ : Hướng dẫn cho du khách ở Sài Gòn (5), lại tỏ ra không có chút thiện cảm nào với công trình kiến trúc này. Ông viết :

"Nhà thờ hướng ra phố Catinat không có chút vẻ nào là một công trình xinh đẹp. Được xây bằng gạch, toàn bộ khối đồ sộ đó nằm trên nền móng bằng đá hoa cương khiến người ta liên tưởng đến những chiếc bánh ngọt béo ngậy được gọi một cách dân dã là "bánh pa-tê". Công trình kiêu kỳ và xấu xí này đã tiêu tốn vài triệu franc của nhà nước. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ có hình chữ nhật dài, hai đầu là hai tháp chuông hình vuông và một chiếc cổng. Bên trong, gian giữa rộng và nóng, không khí không tuần hoàn được, cứ như đang xuyên qua một nốt phồng rộp trên da vậy.

Thay vì xây một giáo đường nhẹ nhàng, lịch lãm, có hành lang đúp để không khí có thể tràn vào thì người ta xây một khối to uỳnh, thiếu thẩm mỹ, không có phong cách và quá rộng so với số giáo dân ít ỏi thường đi lễ. Người ta muốn đánh vào trí tưởng tượng của người dân bản xứ bằng sự hoành tráng và áp đặt một công trình tôn giáo thờ Chúa trời. Tôi không biết liệu họ làm được như thế không, nhưng theo tôi, nhà thờ này là một thất bại".

Thu Hằng

Nguồn : RFI tiếng Việt, 17/02/2017

Ghi chú :

(1) V. A. Malte Brun (chủ biên), Annales des Voyages, de la géographie, de l’histoire et de l’archéologie, Paris : Challamel Aîné, 1869, T. 1.

(2) Raoul Postel, La Cochinchine française, Paris : A. Degorce-Cadot, 1883.

(3) Missions étrangères de Paris, Annales des Missions étrangères de Paris, 1918/07-1918/08.

(4) Saigon-Souvenir, petit guide saigonnais à l’usage des passagers des débutants dans la colonie, Saigon : Coudurier et Montégout, 1906.

(5) Arthur Delteil, Un an de séjour en Cochinchine : guide du voyageur à Saïgon, Paris : Challamel aîné, 1887.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 1270 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)