Thánh đường Notre Dame Paris trước ngày 15/04/2019
Linh hồn của Thánh đường Notre Dame Paris đã ra đi. Linh hồn của chàng Quasimodo tật nguyền, song có trái tim nhân hậu, trong sáng, đã xả thân cứu cô gái di gan Esmeranda trong tiểu thuyết 'Thằng Gù nhà thờ Đức bà' không còn chốn quay về dưới mái vòm 800 năm tuổi nữa rồi.
Tám thế kỷ tồn tại, trải qua những cuộc chiến tranh tôn giáo, cuộc cách mạng Pháp 1789 cướp đi đầu của Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie-Antoinette d'Autriche, Công xã Paris quật mộ các vua chúa trong các thánh đường, những ngày năm 1871 quân Phổ kéo thần công và gươm giáo kỵ binh đen ngập Paris, ngày quân phát xít duyệt binh trên quảng trường Khải Hoàn Môn đau đớn, tủi nhục năm 1940 ấy… Notre-Dame vẫn tồn tại, vẫn thơ mộng như một lời an ủi bằng sự trường tồn của mình rằng bóng tối sẽ qua đi. Vậy mà sao có ngày hôm nay, tháng Tư, ngày 15 của Thế kỷ 21 ?
Buổi tối Định mệnh gọi tên linh hồn của Paris, các bạn Pháp của tôi trở nên cuồng phẫn. Họ thét gào, phẫn uất, "Thời đại này, với những công nghệ, những 4.0, với máy bay chống cháy, với trực thăng, những ông nghị, những nhà rao giảng đạo đức… chúng mày đi đâu hết rồi mà để lửa thiêu như thế ? Sao các người có đổ tại gió, tại đường xá, người đi… Ôi, những thần linh, các ngài ở đâu trong giờ phút này ? Làm gì đây với bất hạnh khủng khiếp này ?".
Chẳng còn ai bình tĩnh nổi khi nhìn ngọn lửa réo gào, hung hãn quật đổ ngọn tháp cao 96m.
Họ như cảm nhận lại cảnh tòa Tháp Đôi tại New York bị nung chảy và sụt xuống ngày 11/9 đau thương. Mà cuối tuần là Chủ nhật Lễ Phục Sinh (Pâques) rồi, Lễ trọng nhất trong cuộc sống tâm linh của người Công giáo.
Với người Pháp, Notre Dame de Paris không thuần chỉ là một công trình kiến trúc. "Đó là trái tim Paris, nơi tình thương của Chúa trên trời chia sẻ cho thành phố", Đức cha Tổng giám mục Chánh tòa Philipe de Maistre nói.
Người ta tin rằng vào thời kỳ đầu, kỷ nguyên Kitô giáo đã tồn tại trên khu vực của nhà thờ Đức Bà hiện nay, cũng là nơi phát tích của thành phố Paris. Năm 1771, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nền móng của Thánh đường thờ thần Jupiter thời kỳ trung đại, sau đó vào Thế kỷ 4 (trước năm 452 sau CN), một ngôi nhà thờ khác thế chỗ cho phế tích này là nhà thờ St. Etienne.
Trước sự bùng nổ dân số, Paris bức thiết cần có một chốn giao lưu mới cho tín hữu. Các chuyên gia ước tính rằng dân số Paris đi qua trong một vài năm từ 25.000 cư dân vào năm 1180, bắt đầu triều đại Vua Philip II Augustus vào năm 1220, đã tăng lên thành 50.000 người, biến Paris thành thành phố Thiên Chúa giáo lớn nhất ở Châu Âu, sau Rome.
Năm 1160, những viên đá đầu tiên, trong số đó là những phiến đá của các thánh đường trước đó được gọt đẽo lại, được thu thập cho việc khởi công xây dựng Notre Dame Paris tại vị thế hiện nay, dưới sự hiện diện của Giáo hoàng Alexandre III, Vua Pháp Louis VII và Giám mục Maurice de Sully.
Tên của kiến trúc sư đầu tiên đã không được nhắc tới. Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi tiếp tục bởi Giám mục Eudes de Sully.
Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính :
1163-1182 : Xây dựng điện và hai hành lang chính diện
1182-1190 : Xây dựng hai gian cuối, các gian bên và diễn đàn
1190-1225 : Xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ
1225-1250 : Xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ
1350 : Chính thức xây dựng xong
Các xây dựng tiếp theo từ cuối Thế kỷ 13 cho tới đầu Thế kỷ 14. Tên tuổi các kiến trúc sư được ghi lại có Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.
Việc xây dựng kéo dài đến 200 năm, nên kiến trúc Notre Dame de Paris mang nhiều phong cách. Song không vì thế mà vị thế của Notre Dame bị gièm pha hay ghẻ lạnh.
Hoàng đế Pháp được biết đến nhiều nhất, cũng là người viết ra bộ Dân Luật ảnh hưởng rất nhiều tới các bộ luật dân sự trên toàn thế giới là Napoleon Bonaparte đã cử hành hôn lễ ngày 2/12/1804 tại Notre Dame de Paris.
Lễ tấn phong Hoàng đế Napoleon Bonaparte được cử hành tại Thánh đường Notre Dame de Paris ngày 2/12/1804
Napoleon cũng chỉ nối bước theo vết chân của một vị vua Pháp khác cũng lẫy lừng không kém, cũng để lại thánh tích tại Notre Dame de Paris.
Đó là Vua Louis IX, được phong thánh vào ngày 11/08/1297 dưới tên Thánh Louis bởi Giáo hoàng Boniface VIII, cùng sự có mặt của Vua Philip IV.
Thánh Louis (Saint Louis) đóng vai trò vĩ đại như Sa hoàng Nga Petrer le Great (1672-1725), nhưng trước đó cả bốn thế kỷ.
Một ông vua được lưu truyền về những đạo luật ngăn cản việc tra tấn, nhục hình hay trả thù trong các phiên tòa sử tại các lãnh địa của các thân vương, hay đưa nền tảng luật 'bào chữa vô tội' đối với bị can.
Những tệ nạn xã hội như tội báng bổ, đánh bạc, cho vay lãi và mại dâm đều có khung hình trừng phạt. Dân oan có quyền kháng cáo lên tận của vua, nhờ phán xử lại.
Thậm chí việc xung đột, tranh chấp đất đai, lãnh thổ giữa các quốc gia hoặc lãnh địa của các thân vương được khuyến nghị bằng Hội đồng hòa giải với lời mời các Nhà nước quân chủ khác tại Châu Âu.
Danh tiếng của Saint Louis vượt qua biên giới Pháp. Dưới triều đại của ông, một đồng tiền tệ duy nhất lưu hành trong Vương quốc và tiền thân của Nghị viện và Tòa án được thành lập, nền tảng của Đại học Sorbonne được xây dựng.
Rất ngoan đạo, nhân ái, Vua Louis đã cho xây dựng nhiều nhà thờ, tu viện và nhà tế bần, giúp đỡ dân nghèo, xây dựng Thánh Đường Sainte Chapelle vào năm 1242.
Trong tầng hầm của Notre Dame còn gìn giữ chiếc áo choàng trắng của Thánh Louis, và được coi là bảo vật quốc gia. May mắn thay, theo thông báo mới nhất thì hỏa hoạn không đụng chạm được tới thánh tích này.
Vua Louis cũng là một trong những thủ lĩnh của Cuộc Thập tự chinh thứ bảy giải phóng đất Thánh cùng với các vương hầu Robert of Artois, Alphonse of Poitiers và Charles of Anjou.
Một trong những thánh tích được St.Louis mua về năm 1239 và cũng gìn giữ tại Notre Dame de Paris trong một vòng pha lê rút chân không là chiếc vòng gai được cho là đội trên đầu Chúa Jesus ngày chịu nạn.
Chiếc 'vương miện' bện bằng rơm và cỏ gai này do các binh lính Roma nhạo báng Chúa đặt lên đầu người khi người nói mình là 'vua xứ Nazareth'. Thông báo đầu tiên ngay sau vụ hỏa hoạn là những báu vật kể trên đã được đưa về Tòa thị Chính Paris bảo quản.
St. Louis cũng đã từng đứng đây, trước Quảng trường nhà thờ này năm 1270 đọc di chiếu của mình trước khi đáp thuyền mở đầu cuộc Thập Tự chinh thứ tám. Và vĩnh viễn ra đi.
Đơn cử thêm những sự kiện quan trọng khác đã diễn ra tại đây :
- 24/04/1558, hoàng hậu, vua xứ Scotland cử hành hôn lễ với François II.
- Napoleon III cử hành hôn lễ ngày 30/01/1853.
- Ngày 26/8/1944, bản Thánh ca Magnificat cất lên tại đây trong Ngày Giải phóng Paris khỏi tay phát xít.
- Tháng 8/2008, Giáo hoàng Benoit XVI đã làm Thánh lễ tại Notre Dame.
- 15/11/2015, lễ tưởng niệm những vong hồn vụ khủng bố Paris cũng được cử hành trọng thể tại Notre Dame
Khi mới đến Paris, Notre Dame de Paris cũng là nơi tôi đón nghe những bài học tiếng Pháp đầu tiên.
Thầy Bảo, giáo sư của trường Quốc học Huế năm đó đã 95 tuổi, sau những buổi chiều dạy tôi phát âm tại nhà thầy thường khuyên tôi nên đi ra nhà thờ nghe các thánh lễ.
Buổi đầu đến đây, tôi không để ý là đổi giờ mùa đông sang mùa hè, nên đến sớm hơn một tiếng.
Tại đây tôi cũng gặp một cô gái Ba Lan cũng ở tình trạng tương tự. Cả hai cùng cười về sự vô tâm, song cũng là cái duyên thành bạn. Cô gái chia cho tôi nửa chiếc bánh croissant, chiếc bánh mang nỗi nhớ của Hoàng hậu Antoinette từ nước Áo xa xôi tới đất này, dạy dân Pháp làm. Cũng vì nhắc tới chiếc bánh croissant mà vợ vua Louis XVI bị rơi đầu, khi bà nói 'Chúng nó không có bánh mỳ thì cho ăn bánh croissant'.
Hôm nay quay lại chốn này, hồi tưởng lại những ngày đi học. Nhìn lại kè đa, nơi thời xa vắng mà hai đứa ngồi ngắm nhìn những chiếc du thuyền vui vẻ trôi trên dòng Seine.
Quasimodo, linh hồn chàng tạm trú ngụ trên những vòm cây quanh đây vậy nhé. Chữa xong Notre Dame thì về.
Không có Notre Dame, sông Seine côi cút làm sao.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại Paris, Pháp.
Nguyễn Cao Phong, BBC, 16/04/2019
******************
Chỉ quân nhà nghèo mới khóc thương di sản !
Tre, RFA, 17/04/20149
Giời, đúng là quân thực dân. Cháy có mỗi tí cái nhà thờ già cỗi cũng khóc ầm lên. Tại vì ít di sản quá đấy mà, chứ giàu như Việt Nam di sản cả rổ thì buồn buồn đốt chơi vài cái cũng vô tư thôi chứ đáng gì mà khóc ?
Hình minh họa. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với kiến trúc hao hao Notre Dame ở Paris, Pháp, bị cháy hôm 15/04/2019 - AFP
Đây ngay ở Sài Gòn có một nhà thờ đệ của Notre Dame Paris đây, cũng được gọi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, với kiến trúc hao hao Notre Dame. Nằm giữa trái tim Sài Gòn, trong không gian đầy lá xanh và những cánh bồ câu xây tròn bay liệng. Xây bằng những viên gạch trần đỏ ong không mọc rêu mang từ Pháp qua. Gần 150 năm, qua bao binh lửa, hai ngọn tháp mũi tên vẫn kiêu hãnh vút lên trời.
Nhà thờ Đức bà Sài Gòn đẹp như thế, nên rất nhiều người Việt Nam đến đây muốn để lại dấu ấn. Họ viết, vẽ bằng bút mực, bút xóa màu trắng lên những viên gạch, họ dùng cả vật nhọn khắc thật sâu. Những góc khuất của nhà thờ (nhìn từ trên xuống, nhà thờ mang hình chiếc thánh giá), người ta đái vào thật đẫm, đến nỗi gạch không bao giờ khô nổi, chuyển màu nâu và tróc lở, rơi rụng từng mảng. Cha xứ phải quây rào sắt và dán bảng thông báo nơi tôn nghiêm, thì người ta đái luôn vào rào sắt.
Một phần bức tường Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh Photo by Tre
Đấy là nhà thờ.
Di tích quốc gia chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) được mô tả "xây dựng từ thời Mạc, đến năm 1634 được tu sửa, tạc thêm 20 pho tượng và đúc chuông, lưu giữ một phong cách kiến trúc độc đáo với những viên gạch đất nung, hòm sớ thời Mạc, trang trí các hình rồng, cua, lân, hoa cúc, rắn, ngựa long mã, rùa, hổ, chim, thỏ…". Báo chí Việt Nam viết : "Năm 2014, đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch đến kiểm tra chỉ biết thở dài. Vì giống như ở đình Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng được trùng tu trong năm ấy, những người thợ được thuê trùng tu đã dỡ ngói bằng cách dùng cuốc xẻng bổ vỡ mái ngói rồi gạt thẳng từ trên xuống".
Quang cảnh được đoàn kiểm tra nói trên tả lại là "như một đống đổ nát sau chiến tranh".
Notre Dame 855 tuổi. Chùa Sổ mới chừng… gần 2.000 tuổi thôi.
Di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội), được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên Trong cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (năm 200 - 210) hiện còn cất giữ tại chùa, có ghi rõ sự tích nàng Man Nương và Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, là nơi lưu giữ chứng tích của sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Vì vậy, chùa còn có tên gọi khác là chùa Vua, chùa Bà.
Cũng theo "Sách đồng", chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2000 năm. Chùa đã được nhiều đời vua chúa sau đó sửa chữa, tôn tạo và được gọi là Đệ nhất đại danh lam.
Các bức tượng La Hán ở Chùa Đậu (Hà Nội). Photo by Tre
Nhưng theo tác giả Trinh Nguyễn (Báo Thanh Niên), lần tu tạo mới nhất, người ta đã tô môi, sơn móng tay móng chân đỏ chót và bóng loáng cho… các bức tượng La Hán trong chùa. Tác giả Trinh Nguyễn viết : "Giáo sư Trần Lâm Biền, một chuyên gia mỹ thuật cổ, đánh giá : Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng".
Di tích quốc gia đặc biệt, đền Gióng (Hà Nội) ít nhất hơn ngàn năm tuổi. Nhưng trong lần tu bổ gần nhất, những mảng gỗ chạm khắc nghệ thuật và vì kèo từ thế kỷ 17, 18 đã bị sơn một lớp sơn đỏ rực rất dày lên toàn bộ chi tiết khiến không thể phục hồi như cũ. "Chuyên gia mỹ thuật sau giám định cho biết, nếu bóc lớp sơn này đi sẽ làm hỏng mảng chạm tốt nhất, đẹp nhất ở đây"(trích báo Thanh Niên).
Hang động đá vôi Đầu Gỗ ở Hạ Long, được tạo thành từ cách đây 2 triệu năm, di sản UNESCO, được một doanh nghiệp tổ chức hòa nhạc bên trong cho 150 người dự, thắp nhiều nến và đóng cọc thẳng vào những cột đá.
Vẫn theo báo chí Việt Nam, năm 2013, suối Khe Thẻ tại di sản thế giới, thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam) gây kinh ngạc cho giới bảo tồn vì được đổ bê tông làm kè cứng. Trưởng ban quản lý khu di tích Mỹ Sơn giải thích do mùa lũ dòng suối này chảy rất dữ, gây xói lở và sắp làm nghiêng một tháp cổ nên phải làm vậy. Lịch sử bảo tồn cho thấy trước kia người Pháp đã từng làm đập để can thiệp dòng chảy của suối Khe Thẻ nhưng không thành công, do vậy những giải pháp cực đoan này không được xem là tối ưu. tha
Cùng tuổi với Notre Dame có ngọn tháp Chăm hùng vĩ mang tên Po Klong G’Rai nằm trên đồi Trầu, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây được đánh giá là ngọn tháp đẹp nhất còn lại, là di tích đặc biệt cấp quốc gia và cho đến tận bây giờ vẫn là nơi tế lễ của cộng đồng người Chăm. Cũng như nhiều di tích khác, tháp được du khách viết, vẽ, khắc lên những viên gạch không nung hiếm có, trèo lên chụp ảnh bất chấp biển cảnh báo gây tổn thương cho tháp.
Tháp Po Klong G’Rai, Phan Rang Photo by Tre
Trong lòng một ngọn tháp Chăm khác là tháp Po Sha Inư tại Bình Thuận, được xây dựng từ thế kỷ 15, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, người viết bài này có lần tận mắt chứng kiến một chiếc chiếu cũ nát cuộn tròn trong lòng tháp, cùng với đầy phân dơi.
Thôi nói túm lại, hầu như bất cứ di sản chùa chiền nhà thờ đình miếu đền quán nào của Việt Nam cũng đã và đang bị xâm phạm thô bạo. Phổ biến nhất là viết vẽ khắc chạm, đóng đinh… lên chính di sản, phổ biến nhì là trùng tu theo cách phá hoại.
Tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới. Ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và cao nguyên đá Đồng Văn), Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.
Ấy thế nhưng chẳng thấy ngôi sao MC nào nửa đêm chợt bừng giấc hoang mang khóc nghẹn cho những di sản tuyệt vời ấy cả.
Giàu mà lị ! Phong cách quý s’ tộc nó phải coi khinh mọi sự như thế chứ ai như bọn nhà nghèo Pháp mất có tí cái tháp gỗ cũ mốc meo cũng khóc ầm cả lên, lêu lêu, rõ xấu !
Tre
Nguồn : RFA, 17/04/2019
Tham khảo :
https://dulich.tuoitre.vn/van-hoa/chum-anh-muon-kieu-buc-tu-thap-co-po-klong-garai-1181397.htm
https://vtv.vn/vtv8/xot-xa-di-tich-bi-viet-ve-bay-20180507094013047.htm
https://news.zing.vn/cong-trinh-xuyen-loi-di-san-trang-an-bat-dau-bi-thao-do-post830362.html
https://nhandantv.vn/di-san-lai-ton-thuong-va-nhung-van-de-dat-ra-n79852.htm
Việt Nam có hàng ngàn hồ thủy lợi hư hỏng, không thể xả lũ (Người Việt, 01/04/2018)
Việt Nam hiện có khoảng 1.150 hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không thể xả lũ, nhiều nơi chỉ là đập đất, trong khi dự báo mùa mưa lũ năm nay "diễn biến phức tạp".
Hồ chứa Điều Gà, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có dung tích gần 1,5 triệu khối nước được xếp vào diện "lão hóa", không biết vỡ khi nào. (Hình : Nông Nghiệp Việt Nam)
Theo báo Thanh Niên, tại "Hội nghị về quản lý an toàn đập và hồ chứa thủy lợi" trước dự báo mưa lũ trong năm 2018, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội mới đây, thống kê của Tổng Cục Thủy Lợi cho biết Việt Nam hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi, phân bố tại 45 tỉnh, thành trong đó có 702 hồ chứa lớn và 5.964 hồ chứa nhỏ.
Đáng lưu ý, qua kiểm tra cho thấy Việt Nam hiện có 1.150 hồ chứa thủy lợi xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và không thể xả lũ. Đập của các công trình này chủ yếu là đập đất, đã vận hành 30 đến 40 năm và xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như nứt tràn xả lũ, thân đập bị thấm, cống lấy nước hư hỏng, xói lở… không biết vỡ khi nào.
Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương, cho biết theo nhận định trong năm 2018 mưa lũ, bão ở Việt Nam "còn diễn biến phức tạp". Dự báo sẽ có từ 12 đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khoảng 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền.
Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) từng xảy ra nứt, gây nguy cơ mất an toàn. (Hình : Nông Nghiệp Việt Nam)
"Trong năm nay dự báo có nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây sẽ là yếu tố nguy hiểm cho các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng, mất an toàn", ông khuyến cáo.
Ông Phan Thanh Hùng, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế, lo lắng cho biết khu vực miền Trung hiện nay đang có rất nhiều hồ, đập xuống cấp, vì vậy, việc dự báo tình hình mưa bão lũ đối với miền Trung rất quan trọng để đưa ra các kịch bản, chủ động phân xả lũ, ngăn lũ.
Trước tình trạng trên, ông Hoàng Văn Thắng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chỉ yêu cầu "các địa phương tập trung nguồn lực, giải pháp kỹ thuật để khắc phục tình trạng xuống cấp các hồ, lắp đặt các thiết bị quan trắc để theo dõi, cảnh báo trước mùa mưa bão và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó khi có mưa lớn. Hồ, đập nào không an toàn thì không cho tích nước", mà không đưa ra được kế hoạch thiết thực, khiến không ít các đại biểu những nơi có nhiều hồ chứa là Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bình Định, Phú Thọ… lo lắng. (Tr.N)
*********************
Việt Nam ngỡ ngàng khi Trung Quốc kiểm soát trái cây nhập cảng (Người Việt, 01/04/2018)
Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cộng sản Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên vì không biết có chuyện Trung Quốc đòi hỏi những điều kiện ngặt hơn cho trái cây nhập cảng.
Một số phụ nữ ngồi bán trái cây ven đường ở Hà Nội. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Hôm 28 tháng Ba, cổng thông tin của Bộ công thương có bản tin với tựa đề "Doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả sang Quảng Tây, Trung Quốc cần lưu ý".
Nội dung của bản tin không nói thông tin của họ đến từ đâu, chính thức từ cơ quan nào của Trung Quốc, mà chỉ viết rằng "Vụ thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ công thương, nhận được thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc".
Bản tin của Bộ công thương cộng sản Việt Nam viết : "Kể từ ngày 1 tháng Tư, 2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập cảng hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin 'Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu' tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm 'hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm'. Thông tin bao gồm : tên sản phẩm hoa quả ; nguồn gốc xuất xứ ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào".
Sự đòi hỏi khá kỹ thuật và rất cao này rất đột ngột và buộc phải thi hành ngay coi như đẩy trái cây của Việt Nam vào thế kẹt. Hầu như tại Việt Nam không có những công ty lớn chuyên trồng một loại trái cây hay một số loại trái cây trên diện tích lớn hàng trăm hàng ngàn mẫu đất, có thương hiệu riêng, có kỹ sư và chuyên viên kiểm soát phẩm chất. Trái cây được mua thu gom từ các nhà vườn có tính cách gia đình rồi đem xuất khẩu, không có nhãn mác hàng hóa và kiểm phẩm.
Theo báo Đất Việt, "Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tỏ ra bất ngờ trước thông tin từ ngày 1 tháng Tư hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất nguồn gốc mà Bộ công thương đưa ra".
Báo này cho rằng "điều đáng bàn là, Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị trực tiếp thực hiện - lại không hề biết gì" về thông báo nói trên.
Khi được báo này hỏi, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - tỏ ra bất ngờ nói : "Tôi không hiểu Bộ công thương lấy thông tin từ đâu, nhưng chúng tôi là cơ quan trực tiếp tham gia kiểm dịch thực vật nông sản xuất nhập khẩu chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức gì từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc. Về mặt nguyên tắc, Trung Quốc với Việt Nam đều tham gia WTO và đều thống nhất rằng, khi có bất kỳ biện pháp gì thay đổi phải thông báo cho cơ quan chính thức phía bên kia để có biện pháp và thời gian thích ứng để triển khai. Nếu một biện pháp thay đổi quan trọng như vậy sẽ bao trùm trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì một tỉnh nào".
Theo ông Trung thì "tại thời điểm này, việc thông thương giữa các cửa khẩu của hai nước vẫn diễn ra bình thường, cơ quan kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn triển khai công việc như trước".
Một số lượng lớn trái cây xuất cảng của Việt Nam là đi theo đường "tiểu ngạch", biên mậu, sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc giáp giới với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.
Hai bộ Công Thương và Nông nghiệp và phát triển nông thôn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không có phối hợp, chia sẻ thông tin ? (TN)
******************
Du khách Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh (RFA, 02/04/2018)
Gần nửa triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm lĩnh hầu như thị trường du lịch Việt Nam.
Du khách đang tham quan tại Vịnh Hạ Long. (Ảnh minh họa) - AFP
Số liệu từ Tổng cục Du lịch đưa ra và được truyền thông loan đi hôm 2/4.
Trong tháng 3, lượng du khách từ Trung Quốc dẫn đầu với hơn 450.000 lượt khách, tăng 52,6%. Lượng khách đến từ Hàn Quốc hơn 270.000 lượt, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Lượng khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc ồ ạt vào Việt Nam góp phần đưa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,2 triệu lượt, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Du Lịch, lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường du lịch Việt Nam nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ trong vấn đề visa và sự tiện lợi của những đường bay thẳng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch thì Việt Nam phải làm sao tăng được nguồn thu từ hai nhóm du khách này để họ chi tiêu nhiều hơn trong các chuyến du lịch đến Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa phải là địa điểm ưu tiên của lượng khách thượng lưu từ Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, nhiều điểm bán hàng trốn thuế, ăn chia với hướng dẫn viên và hàng thật giả lẫn lộn.
Theo Tổng cục Thống kê, ngoài hai thị trường lớn Trung Quốc và Hàn Quốc, lượng du khách đến từ Nga cùng các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ cũng tăng hơn 11% so với năm 2017.
******************
Chính quyền tỉnh Bình Định hỗ trợ ngư dân kiện công ty đóng tàu (RFA, 02/04/2018)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định hỗ trợ ngư dân khởi kiện hai công ty đóng tàu đòi bồi thường thiệt hại do tàu vỏ thép vừa đóng mới đã hư hỏng nặng.
Tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đang chờ sửa chữa. Photo courtesy of thanh nien
Nguyên đơn là ngư dân, chủ 19 tàu cá vỏ thép và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Nam Triệu (trụ sở tại Hải Phòng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (trụ sở tại Nam Định).
Chủ 14 tàu vỏ thép yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường thiệt hại hơn 36 tỷ đồng. Chủ 5 tàu vỏ thép yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường 9 tỷ đồng.
Đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giữa các bên nhưng các đơn vị đóng tàu chỉ chấp nhận hỗ trợ với số tiền rất thấp so với yêu cầu được bồi thường của các chủ tàu.
Cụ thể, Công ty Nam Triệu chỉ đồng ý hỗ trợ lương thuyền viên 30 triệu đồng/tàu ; lãi suất vay ngân hàng (1%/tháng) tính từ lúc kéo tàu lên đà sửa chữa đến khi hoàn thành ; chi phí neo, đậu 5 triệu đồng/tàu ; chi phí hỗ trợ dầu đi đến nơi sửa chữa 20 triệu đồng/tàu.
Công ty Đại Nguyên Dương hỗ trợ một số chi phí : neo đậu 5 triệu đồng/tàu ; nhiên liệu 15 triệu đồng/tàu ; thuê thuyền viên 36 triệu đồng/tàu ; thiết kế 25 triệu đồng/tàu ; lãi suất ngân hàng 1%/tháng.
Vào chiều 2/4, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định tổ chức họp bàn lần cuối, nếu hai bên vẫn không thống nhất được phương án bồi thường thì chính quyền địa phương sẽ hỗ trơ ngư dân về mặt pháp lý để ngư dân khởi kiện ra tòa.
********************
Thiếu tiền trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (VOA, 02/04/2018)
Tòa tổng giám mục Sài Gòn đang có thư kêu gọi giáo dân trong tổng giáo phận tiếp tục quyên góp để phục vụ việc trùng tu nhà thờ Đức Bà - nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận tọa lạc ngay trung tâm Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng từ hơn 135 năm trước.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang được trùng tu. (Ảnh : VnExpress)
Báo Thanh Niên trích lời Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận Sài Gòn, quản xứ nhà thờ Đức Bà, cho biết việc nhà thờ Đức Bà trùng tu kéo dài khoảng 2 năm và dự trù kinh phí là 140 tỷ đồng.
Linh mục cho biết thêm rằng trong 2 đợt quyên góp từ năm 2015 đến nay, các xứ đạo đã quyên góp được hơn 71 tỉ đồng và cần thêm một khoản tương tự để hoàn thành việc trùng tu.
Vào tháng trước, Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn phát đi thông cáo cho biết có nhóm người lừa đảo cả nam lẫn nữ, đã tạo email giả, mạo danh linh mục Hồ Văn Xuân để nhận tiền quyên góp của nhiều người.
Theo thông báo của Tòa Tổng giám mục, ngoài công ty Thép Bình Dương của Việt Nam, còn có các công ty xây dựng và kỹ thuật của Pháp, Bỉ, Đức thực hiện việc trùng tu.
Theo VNExpress hơn 27.000 viên ngói Marseille của hãng Monier (Pháp), 84.000 viên ngói vảy cá và gần 11.000 viên ngói âm dương đã về tới Việt Nam phục vụ cho việc trùng tu công trình Nhà thờ Đức Bà.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được người Pháp xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959.
Nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua, nổi bật với sắc đỏ tươi. Sau gần 140 năm chống chọi với nắng gió thời gian, mái ngói và một số hạng mục của công trình kiến trúc đặc sắc này bị xuống cấp một cách đáng ngại.
Nhà thờ chính tòa Đức Bà, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. CC/Diego Delso
Theo dự án của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trình lên UBND thành phố vào đầu tháng 12/2016, công trình biểu tượng của Sài Gòn sẽ có một đợt trùng tu mái ngói kéo dài từ năm 2017 đến 2019. Cụ thể là sẽ "gia cố, thay thế hệ thống vì kèo bằng tổ hợp thép hình, sơn bảo quản chống gỉ ; gia cố, thay thế cầu phong, li tô bằng gỗ nhóm II, chống mối mọt, sơn bảo quản ; thay thế bổ sung mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương theo nguyên trạng ; xây lại bờ mái bờ nóc, bờ chảy". Nguồn vốn để sửa chữa do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục Sài Gòn vận động từ nguồn xã hội hóa.
Tuyệt tác kiến trúc gần 140 tuổi biểu tượng của Sài Gòn
Nhìn lại 137 năm lịch sử của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, có lẽ nên bắt đầu từ nguồn gốc nhà thờ đầu tiên được dựng lên ở Sài Gòn, trên nền một ngôi chùa bỏ hoang bên bờ Kinh Lớn (Grand Canal hay Canal Charner), nơi neo đậu của những con tầu gỗ lớn của người Hoa có mái bằng lá cọ và mũi tầu được sơn những cặp mắt dữ tợn.
Tập san hành trình, địa lý, lịch sử và khảo cổ (1), phát hành năm 1869, miêu tả : "Nhà thờ đầu tiên, với một tháp chuông bằng gỗ sơn mầu, được dựng lên ở Sài Gòn vào năm 1861 nhờ sự đóng góp của các công chức và sĩ quan đội quân viễn chinh Pháp. Nhiều khu nhà tạm được dựng lên dọc bờ kênh trở thành ngôi làng của Giám mục và cũng chính tại đây, Đức ông Lefebvre - Giám mục hiệu tòa Isauropolis và Khâm mạng tòa thánh Tây Nam Kỳ - đã trú ẩn trước khi quân Pháp chiếm được Sài Gòn".
Năm 1863, chuẩn đô đốc Bonnard cho xây một nhà thờ vững chắc hơn ở phía trên thành phố, nơi sau này trở thành địa điểm của Tòa Hòa Giải (Justice de paix, nơi ngày nay là cao ốc Sun Wah đường Nguyễn Huệ). Cách gọi "nhà thờ lớn" (cathédrale) có lẽ chỉ để nhấn mạnh đến chức năng của địa điểm thiêng liêng đó mà thôi, vì theo nhận xét của tác giả Raoul Postel trong cuốn Xứ Nam Kỳ thuộc Pháp (2), "công trình thảm thương và tồi tàn này thực ra chẳng xứng với cách gọi đó. Bề ngoài hiu quạnh của nhà thờ càng nâng vẻ lộng lẫy của nhà thờ tu viện Sainte-Enfance".
Mười năm sau, thánh đường được làm gần như hoàn toàn bằng gỗ bị mối gặm nhấm nghiêm trọng đến mức phải đóng cửa vào năm 1874 và dùng tạm đại sảnh trong dinh thự của thống đốc Nam Kỳ để hành lễ.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sau khi được hoàn thiện năm 1880 và chưa có hai mái chóp. BNF/Fernand Blanchet
Nếu như trước năm 1869, nhà thờ Sài Gòn không có bất kỳ nguồn thu nhập nào trừ tiền quyên góp của giáo dân, thì trong khoảng thời gian giới quân sự nắm quyền và Giáo Hội chưa tách khỏi chính quyền, Giám mục Sài Gòn được trợ cấp khoảng 15.000 franc cùng với 5.000 franc công tác phí (Bulletin officiel de la Cochinchine, 16/05/1870) và giáo phận Nam Kỳ cũng nhận được một khoản trợ cấp cho đến năm 1880 khi chính quyền dân sự đầu tiên được hình thành tại Nam Kỳ.
Cũng trong giai đoạn chính quyền quân sự, chính phủ thuộc địa đã nhượng cho các giáo phận Nam Kỳ nhiều khu đất để xây dựng các công trình dành cho con lai, đặc biệt là nhà thờ lớn Sài Gòn. Quyết định được chuẩn đô đốc-thống đốc Duperré (1874-1877) ký ngày 27/09/1876 (Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, 1877) khi hoàn toàn tin chắc rằng Nam Kỳ đã được bình định. Ông cũng nhận thấy đã đến lúc phải khẳng định đức tin của người Pháp và rộng rãi truyền đức tin đó ở đất nước xa xôi này.
Nhà thờ mới được chuyển về vị trí trung tâm, ở đầu phố Catinat (nay là Đồng Khởi). Cục công binh giao các khu đất (nay là quảng trường số 1 Công Xã Paris, quận 1, trước đây còn là quảng trường Pigneaux de Béhaine), lúc đó nằm dưới sự quản lý của quân đội, cho chính quyền địa phương. Đổi lại, cơ quan dân sự này hoàn toàn chịu trách nhiệm về nhà thờ mới, cũng như mọi việc bảo dưỡng trùng tu trong tương lai.
Ngày 07/10/1877, trước sự chứng kiến của thống đốc Nam Kỳ và toàn bộ chính quyền Pháp tại Sài Gòn, Đức ông Colombert, Giám mục hiệu tòa Samosate, đã ban phước cho viên đá đầu tiên của công trình mang tính thiêng liêng với giáo dân. Sau hai năm rưỡi xây dựng, với tổng chi phí 2.500.000 franc, thánh đường do kiến trúc sư Bourard thiết kế được hoàn thiện ngày 11/04/1880 và được cung hiến lên Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và thánh François-Xavier.
Tập san của Hội Thừa Sai Paris số ra tháng 07-08/1918 (3) miêu tả nhà thờ Sài Gòn được xây theo kiến trúc Roman, dài 93 mét, rộng 35 mét, cao 57,3 mét. Hầu hết nguyên vật liệu, đặc biệt là gạch ngói đỏ, được chuyển từ Pháp sang. Hai tháp chuông có sáu quả chuông nặng tổng cộng 25.850 kg.
Dự án ban đầu chỉ có hai tòa tháp chuông cao 36,60 mét. Đến năm 1895, hai mái chóp với Thập tự giá biểu tượng cho sự cứu rỗi cao 21 mét được dựng thêm để che tháp chuông. Theo tuần san Le Génie civil số ra ngày 02/05/1896, hai mái chóp được làm bằng sắt, do kỹ sư André Michelin thiết kế, có hình kim tự tháp tám góc, lần lượt được gắn trực tiếp bằng phương pháp tính khung côngxon trên mỗi tháp chuông. Khung mái được lợp bằng loại thép gân và có một cầu thang sắt gắn vào thành tường dẫn lên nóc. Trên nóc là hai cây thập tự cao 3,10 mét được làm bằng tôn và đinh tán. Toàn bộ công trình được thợ thuyền địa phương thực hiện dưới sự giám sát của một đốc công Châu Âu.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ảnh chụp năm 1895. BNF/André Salles
Bên trong công trình kiến trúc quy mô và đặc sắc được dát vàng rất thẩm mỹ. Phía trên hành lang gác trong nhà thờ là loạt cửa sổ bằng kính nhiều mầu ghép lại do xưởng Lorin de Chartres thực hiện. Mỗi tác phẩm trên cửa kính tái hiện đoàn rước các thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước đến chào mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chủ nhân của nhà thờ.
Bàn thờ chính được làm bằng đá cẩm thạch quý hiếm và được trang trí thêm ba bức phù điêu tuyệt đẹp được sáu thiên thần nâng đỡ, trong tay cầm những dụng cụ khổ nạn trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Lối đi bên trong nhà thờ làm theo hình thập tự, được lát bằng gạch ghép mảnh nghệ thuật và ở mỗi đầu là một bàn thờ của các nhà nguyện. Xung quanh chính điện là các nhà nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh (Sainte-Vierge), Thánh Tâm (Sacré-Coeur), thánh Joseph, thánh Paul và thánh François-Xavier. Tất cả đều được trang trí bằng những bức tranh kính nhiều mầu ghép lại tượng trưng cho mỗi vị thánh của nhà nguyện.
Ngoài ra còn phải kể đến 20 chiếc đèn chùm được gia công một cách tinh vi. Từ tháng 10/1913, cha Eugène Soullard cho lắp hàng nghìn bóng điện vào những chiếc đèn chùm và xung quanh các cột chính trong nhà thờ khiến các buổi lễ trở nên lung linh hơn trong ánh sáng hiện đại này. Đặc biệt là vào những buổi Thánh Lễ và lễ rửa tội cho trẻ nhỏ, giáo đường đẹp một cách huyền diệu với các sắc mầu và đồ trang trí.
Năm 1902, tượng Đức ông Pigneaux de Béhaine (tiếng Việt là Bá Đa Lộc), Giám mục hiệu tòa Adran, được dựng lên giữa khu vực trồng hoa tô điểm cho quảng trường trước cửa nhà thờ lớn. Tác phẩm của nhà điêu khắc Lormier thể hiện Cha Cả tay trái nâng bàn tay của hoàng tử Cảnh (con trưởng của vua Gia Long), còn tay phải giương bản Hiệp ước Versailles ký ngày 21/11/1787 với chính phủ Pháp. Đức ông Lucien Mossard, quản lý nhà thờ từ năm 1898, cùng với đông đảo tu sĩ đã tổ chức một buổi lễ long trọng để ban phép lành cho công trình trên trước sự chứng kiến của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, thống đốc Nam Kỳ Henri de Lamothe, các đô đốc Pottier và Bayle, cùng với toàn bộ công chức dân sự và quân sự cũng như giới thân hào Nam Kỳ.
Tan lễ ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ảnh chụp khoảng sau năm 1880.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn… người yêu kẻ ghét…
Trong vòng 10 năm, từ 1908 đến 1918, số lượng giáo dân ở Sài Gòn không thay đổi với khoảng 5.530 người, trong đó có 4.000 người Châu Âu, 800 người Ấn Độ, 700 người An Nam và khoảng 30 người Hoa. Số lượng giáo dân Châu Âu có xu hướng giảm do đợt tổng động viên năm 1914.
Giờ tan lễ sáng Chủ Nhật hay những dịp lễ trọng đại là cảnh tượng độc đáo khiến người qua đường phải tò mò chiêm ngưỡng, theo nhận xét của một cuốn hướng dẫn du lịch dành cho người mới đến thuộc địa xuất bản năm 1906 (4) : "Những bộ cánh quý phái tươi trẻ của các Quý bà, Quý cô phương Tây xen lẫn với những bộ cánh đầy mầu sắc của phụ nữ Ấn Độ cùng với những chiếc váy mầu sậm của phụ nữ An Nam hay những bộ vét trắng của cánh đàn ông".
Nhà thờ Notre Dame de Saigon và Place Pigneau de Béhaine, hình chụp từ đường Catinat. Ảnh : madeinsaigon.vn
Vẫn theo cuốn hướng dẫn du lịch, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là niềm tự hào của người dân công giáo địa phương. Thế nhưng, tác giả Arthur Delteil, trong cuốn Một năm lưu lại Nam Kỳ : Hướng dẫn cho du khách ở Sài Gòn (5), lại tỏ ra không có chút thiện cảm nào với công trình kiến trúc này. Ông viết :
"Nhà thờ hướng ra phố Catinat không có chút vẻ nào là một công trình xinh đẹp. Được xây bằng gạch, toàn bộ khối đồ sộ đó nằm trên nền móng bằng đá hoa cương khiến người ta liên tưởng đến những chiếc bánh ngọt béo ngậy được gọi một cách dân dã là "bánh pa-tê". Công trình kiêu kỳ và xấu xí này đã tiêu tốn vài triệu franc của nhà nước. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ có hình chữ nhật dài, hai đầu là hai tháp chuông hình vuông và một chiếc cổng. Bên trong, gian giữa rộng và nóng, không khí không tuần hoàn được, cứ như đang xuyên qua một nốt phồng rộp trên da vậy.
Thay vì xây một giáo đường nhẹ nhàng, lịch lãm, có hành lang đúp để không khí có thể tràn vào thì người ta xây một khối to uỳnh, thiếu thẩm mỹ, không có phong cách và quá rộng so với số giáo dân ít ỏi thường đi lễ. Người ta muốn đánh vào trí tưởng tượng của người dân bản xứ bằng sự hoành tráng và áp đặt một công trình tôn giáo thờ Chúa trời. Tôi không biết liệu họ làm được như thế không, nhưng theo tôi, nhà thờ này là một thất bại".
Thu Hằng
Nguồn : RFI tiếng Việt, 17/02/2017
Ghi chú :
(1) V. A. Malte Brun (chủ biên), Annales des Voyages, de la géographie, de l’histoire et de l’archéologie, Paris : Challamel Aîné, 1869, T. 1.
(2) Raoul Postel, La Cochinchine française, Paris : A. Degorce-Cadot, 1883.
(3) Missions étrangères de Paris, Annales des Missions étrangères de Paris, 1918/07-1918/08.
(4) Saigon-Souvenir, petit guide saigonnais à l’usage des passagers des débutants dans la colonie, Saigon : Coudurier et Montégout, 1906.
(5) Arthur Delteil, Un an de séjour en Cochinchine : guide du voyageur à Saïgon, Paris : Challamel aîné, 1887.