Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

28/06/2018

Chợ Lớn và người Hoa ở đô thị Việt bị xóa tên

Nguyễn Quang Duy

Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm trên đường Cộng Hòa sát ranh hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nên lớp nào cũng có học sinh người Việt gốc Hoa.

cholon1

Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm trên đường Cộng Hòa sát ranh hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn

Lợi Nhi, Thôi Nhỏ, Ngọc Lỳ, Quốc Dân,… là tên vài người bạn cũ cùng lớp có thể đoán biết là gốc Hoa.

Còn các bạn đã có tên hoàn toàn tiếng Việt thì tôi đành chịu thua không biết ai là người gốc Hoa.

Quốc Dũng, bạn thân nhất của tôi có ông nội bà nội từ Trung Quốc sang, ba làm công chức, mẹ người Biên Hòa, nhà như mọi gia đình Việt khác. Tôi chỉ biết Dũng gốc Hoa khi đến thăm gia đình nội Dũng.

Chúng tôi không hề phân biệt gốc Bắc, gốc Nam hay gốc Hoa.

Ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1974) chúng tôi đều phản ứng giận dữ như nhau và đều mong sẽ có ngày lấy lại.

Bài viết này để bổ túc cho bài "Phục Hồi Chợ Lớn Góp Phần Phát Triển Việt Nam" (1) trên trang web BBC Tiếng Việt, và trả lời một số câu hỏi bạn đọc về người Việt gốc Hoa và Chợ Lớn.

Chợ Lớn là của người Việt

Nhà tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ thuộc Quận 3 ngay sát ranh Chợ Lớn.

Cha tôi làm thầu xây cất cho chính phủ nên từ khi còn nhỏ tôi thường được đi theo lên Chợ Lớn mua hàng.

Cha tôi nói người Hoa buôn bán lấy chữ tín làm đầu, ân cần với khách, nói sao bán vậy, giá rẻ, hàng tốt, giao tận nơi, giao đúng lúc, họ giàu nhờ vậy.

Chợ Lớn ngay cái tên đã là tiếng Việt do người Việt gọi, Hoa Kiều gọi theo, người Pháp lấy để đặt tên cho thành phố Chợ Lớn, rồi cho tỉnh Chợ Lớn.

cholon2

Vào năm 1950, nhiếp ảnh gia Carl Mydans của tạp chí Life đã thực hiện một loạt ảnh sinh động về khu vực Chợ Lớn trong chuyến đi Việt Nam của mình

Di tích cổ nhất là Đình Minh Hương ở giữa Chợ Lớn, số 380 đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, xây theo kiến trúc cổ Việt Nam vào năm 1789, trùng tu năm 1839 và 1901.

Mọi văn tự trong đình viết chữ Nôm, thờ danh tướng Việt Nam Nguyễn Hữu Cảnh và những bậc tiền bối Minh Hương có công khẩn đất lập làng.

Chợ Lớn từng thu hút nhiều sắc dân Trung Quốc nên có nhiều di tích của người Hoa, như Hội Quán, Chùa, Phố Cổ của người Quảng, người Triều Châu, người Phúc Kiến… Có những xóm chỉ sản xuất, mua bán một số mặt hàng.

Ngoài ra còn có các di tích lịch sử của người Miên, người Chàm, người Hồi giáo, người Singapore, người Mã Lai, người Pháp…

Tôi từng nhiều lần lang thang trên những khu phố Chợ Lớn. Giờ đi nhiều nơi, xem nhiều phim ảnh mới thấy thế giới không nơi nào có một thành phố đa văn hóa như Chợ Lớn.

Điều đáng lo ngại là càng ngày càng nhiều di tích lịch sử đang bị đập bỏ lấy đất xây cao ốc, mất dần vẻ đẹp cổ kính khi xưa.

Quá khứ, hiện tại và tương lai cần phát triển một cách hài hòa.

Việc bảo tồn và phục hồi các di tích lịch sử vì thế vô cùng quan trọng. Một khi đã phá bỏ sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại.

Vai trò doanh nhân

Có bạn đọc góp ý "Chợ Lớn bé chút xíu phát triển cái nỗi gì".

Chợ Lớn bé thật nhưng trước đây, Hoa kiều kiểm soát phần lớn nền kinh tế, thu mua, phân phối, xuất nhập cảng tại Đông Dương và miền Nam điều này cho thấy thực tài kinh doanh của họ.

Hoa kiều đến định cư tại Chợ Lớn là những người có óc mạo hiểm, họ sẵn sàng chấp nhận thử thách và vượt qua rủi ro để kinh doanh.

Trong khi người Việt, kể cả người Minh Hương, thường cho con đi học ra làm quan hay có cái nghề chuyên môn, thì Hoa kiều đào tạo con cái họ thành các doanh nhân.

Trẻ em đã được gia đình khuyến khích tự lập, tự gây vốn, tự đầu tư, tự làm chủ, tự nhận trách nhiệm.

Họ truyền cho con em những căn bản buôn bán từ lý thuyết đến thực hành. Bang hội đứng sau lưng khuyến khích, nâng đỡ, thúc đẩy doanh nhân trẻ tự vươn lên.

Nói vậy không có nghĩa là người Hoa không có những vụ tai tiếng do gian thương gây ra.

Tôi nhớ có vụ chim cút ở Sài Gòn đầu thập niên 1970, khi gian thương tung tin chim và trứng cút là thuốc trị được nhiều thứ bệnh, có bao nhiêu các nhà hàng người Hoa đều mua hết.

Nuôi chim cút trở thành cơn sốt từ Sài Gòn lan ra các tỉnh. Cha tôi mua chim con vừa nở đem bán kiếm chút lời. Có lúc chim con lên đến ba ngàn đồng một con trong khi tô phở ngon giá chưa tới 20 đồng.

Đến lúc giá chim bắt đầu xuống cha tôi bán hết nên có lời, còn nhiều gia đình khác bị thua lỗ nặng có người phá sản.

Sau này mới biết vụ chim cút là do gian thương Lý Long Thân tạo ra. Nghe nói ông ấy giàu lắm có cơ sở làm ăn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không ai rõ ông ấy có ở Chợ Lớn không.

Khởi đầu, ông cho đăng trên báo Hong Kong nên được nhiều người Hoa tin rồi tiếng đồn lan sang người Việt. Nhiều người Việt gốc Hoa vừa bị thua lỗ đồng thời còn bị mang tiếng xấu trong vụ này.

Nắm bắt thông tin

Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 là cuộc cách mạng bùng nổ thông tin, ai nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất sẽ là người thắng cuộc.

Ngay từ thời Pháp, Hoa kiều Chợ Lớn đã thiết lập những đường dây điện tín và điện thoại liên lạc trực tiếp với Hong Kong, Singapore và thế giới, nắm bắt thông tin kiểm soát thị trường nhanh và hiệu quả, giúp họ thành công trên thương trường.

Dự luật về an ninh mạng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua chẳng khác nào kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 hướng tới việc phát triển các ý tưởng khả thi, những lý thuyết cơ bản thành những sản phẩm công nghệ cao.

Một thể chế được dân tin tưởng sẽ thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới quay về phục vụ quốc gia.

Các doanh nhân Việt Nam ngày nay đa phần đều dựa vào nhóm lợi ích hay đều có người trong guồng máy cầm quyền đỡ đầu.

Khi có sự thay đổi nhân sự hay thể chế các doanh nhân này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khó có thể vượt qua và tồn tại.

Vì thế, Việt Nam cần sửa soạn xây dựng một tầng lớp doanh nhân mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chiến lược hiện thời cần xét lại

Sau 1989, Việt Nam đề cao chiến lược thu hút đầu tư quốc tế sử dụng nhân công rẻ đẩy mạnh xuất cảng.

Nhiều khu chế xuất được thành lập, xuất cảng gia tăng, nhưng một số mặt hàng công nghệ tiêu dùng giờ lại được nhập cảng, nhất là nhập cảng từ Trung Quốc.

Đáng quan tâm là nhiều mặt hàng nông nghiệp rau quả, trái cây cũng không thể cạnh tranh với hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Việt Nam một quốc gia đến 80 phần trăm dân chúng vẫn sống ở nông thôn mà nay phải nhập cảng nông sản phẩm.

Chúng ta cần xét lại chiến lược phát triển hiện nay và bài học từ Chợ Lớn là rất có giá trị.

Từ thời Nguyễn, cảng Sài Gòn đã được mở cho tàu bè quốc tế ra vào buôn bán thuế quan rất nhẹ. Khi ấy tàu bè từ miền Tây muốn mang nông sản lên cảng Sài Gòn xuất khẩu phải qua con rạch nhỏ.

Nhận ra con đường chiến lược này, năm 1819 vua Gia Long cho đào vét tạo thành kênh Tàu Hũ.

Người Pháp tiếp tục nạo vét hai lần vào những năm 1887 và 1895, rồi cho nới rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922.

Hàng hóa, nông sản đặc biệt gạo lúa được chở trên các xà lan qua kênh Tàu Hũ chi phí vừa rẻ, vừa rất thuận lợi mà lại không sợ gió bão như đi đường biển.

Lúa từ khắp nơi đổ về các nhà máy xay lúa, các kho chứa dọc hai bên bờ kênh, rồi từ đó đưa lên tàu chở ra Bắc, ra Trung hay xuất cảng.

Năm 1931, ở Chợ Lớn có 75 nhà máy xay lúa, trong đó có ba nhà máy là của người Âu, số còn lại là của người Hoa ; tám trong số các nhà máy này có sản lượng mỗi ngày là 1.800 tấn.

Chợ Lớn được mệnh danh là thủ đô của lúa gạo. Thời ấy gạo miền Nam nổi tiếng thơm ngon và được thế giới ưa chộng, xuất cảng lên đến gần hai triệu tấn vào năm 1940.

Ngày nay, kênh Tàu Hũ vẫn tiếp tục vai trò chuyển vận lúa gạo từ miền Tây ra cảng Sài Gòn.

Đáng tiếc trong gần một thế kỷ con kênh bị bỏ quên, dân chiếm bờ, rác tràn ngập, nước đen kịt, ô nhiễm trầm trọng, cách đây vài năm kênh mới được nạo vét lại.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam theo kinh tế tự do và khuyếch trương công nghệ người Việt gốc Hoa trước đây chỉ giỏi về mua bán đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất công nghệ tiêu dùng.

Chỉ sau hơn 10 năm nhiều nhà máy đã được thành lập tại Biên Hòa, Thủ Đức và quanh khu Chợ Lớn. Nhiều mặt hàng công nghệ được sản xuất đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước không phải nhập cảng như trước đây.

Bang hội và quyền tự quản

Năm 1841, vua Thiệu Trị cho phép thành lập Đại Bang gồm bảy bang : Quảng Châu, Phúc Châu, Phúc kiến,Triều Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nam.

Đại Bang có nhiệm vụ ấn định giá gạo và giải quyết những tranh chấp nội bộ giữa người Hoa di cư với nhau.

Hoa kiều phải gia nhập một trong bảy bang để được cấp thẻ cư trú. Chính sách tự quản nhằm cho phép Hoa kiều tự kiểm soát Hoa kiều.

Người Minh Hương đã hội nhập vào xã hội Việt Nam, nhiều người làm quan cả văn lẫn võ được xem là người Việt không được phép sinh hoạt trong các bang hội.

Người Hoa nói chung rất trọng chữ tín, họ thường rất sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng và luôn muốn nhận trách nhiệm được cộng đồng giao phó.

Bang trưởng là người có nhiều cống hiến trong việc phát triển cộng đồng.

Thứ bậc trong mỗi bang thường khá rõ ràng, mỗi bang đều có Hội quán là nơi liên hệ với chính quyền, giúp tương trợ cộng đồng, tín ngưỡng và giáo dục.

Chùa và trường học thường được lập kế bên Hội Quán. Bang lớn còn chợ, khu phố và có nhà thương riêng.

Thời Pháp, Hội đồng thành phố Sài Gòn đầu tiên gồm một thị trưởng và 13 nghị viên với nhiệm kỳ hai năm. Bảy người được bầu và sáu được thống đốc đề cử.

Nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký và doanh nhân Trần Khánh Hòa người Hoa được Thống Đốc đề cử vào Hội Đồng đầu tiên này.

Người Pháp chọn sống ở Sài Gòn nhiều hơn ở Chợ Lớn.

Sau này nhiều người Việt và Hoa gia nhập quốc tịch Pháp nên ảnh hưởng đến hầu hết quyết định của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn.

Việt Nam hiện nay chưa có luật sinh hoạt hội đoàn nên bang hội vẫn chưa được công nhận.

Người Việt gốc Hoa đi về đâu ?

Sau 30/4/1975 hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa bỏ nước đi, sau lại bảo lãnh gia đình nên con số đã giảm từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900 nghìn năm 1989.

Theo thống kê năm 1999, tổng số người Việt gốc Hoa là 862.371 và tiếp tục giảm, và đến năm 2009, chỉ còn lại 823.071 người.

Điều gì đã xảy ra trong cộng đồng người Việt gốc Hoa ?

Chợ Lớn đang bị xóa bỏ ? Người Hoa đang bị đồng hóa ? Dường như việc này không được giới chức có thẩm quyền hay giới nghiên cứu xã hội quan tâm.

Nếu đã xem người dân như nội lực thì người Việt gốc Hoa (và Chợ Lớn) chính là tiềm lực bị bỏ quên là thất bại nặng nề của thể chế hiện nay.

Xin mượn hai câu thơ Sấm Trạng Trình câu thứ 403 và 404 trong Tứ Thánh để kết thúc bài viết :

Chừng nào Chợ Lớn hết vôi,

Bắc Nam hết cá người ngồi mới yên.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 28/06/2018 

Nguyễn Quang Duy

Xem thêm : Người Hoa tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huy, Thông Luận 

****************

(1) Phục hồi Chợ Lớn góp phần phát triển Việt Nam

Nguyễn Quang Duy, BBC, 14/06/2018

Thời Pháp thuộc, Chợ Lớn từng là một đặc khu thương mại lớn nhất Đông Nam Á, một khu vực thịnh vượng nhất của người Hoa hải ngoại, nổi tiếng hơn Singapore, ngang tầm với Hong Kong và Thượng Hải.

cholon3

Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc.

Ngày nay Chợ Lớn thua xa, thua rất xa ba đặc khu kể trên. Đến cái tên Chợ Lớn cũng biến mất trên bản đồ.

Khách quan nhìn nhận sự suy thoái của Chợ Lớn là hậu quả một chuỗi những thất bại trong việc hoạch định chính sách từ thời Việt Nam Cộng hòa đến nay.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, Việt Nam đến nay vẫn chưa có một trung tâm về tài chính, công nghiệp hiện đại và thương mại được quốc tế công nhận. Thiết nghĩ, Chợ Lớn nếu được phục hồi sẽ là địa điểm thuận lợi nhất.

Nhân tranh cãi về việc thành lập ba đặc khu, xin dành chút thời gian cùng nhau suy ngẫm về quá khứ biết đâu sẽ tìm ra con đường phục hồi Chợ Lớn góp phần phát triển Việt Nam. Rất mong nhận được ý kiến bạn đọc.

Chợ Lớn xưa

Chợ Lớn vốn mang tên Chợ Sài Gòn do người Minh Hương thành lập từ năm 1778.

Người Minh Hương trung thành với nhà Minh chống lại nhà Thanh nên trốn xuống miền Nam. Họ theo chúa Nguyễn đánh Tây Sơn và có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam.

Vì thế Vua Gia Long trao cho họ nhiều đặc ân như quyền tự trị, nhẹ thuế khóa, miễn lao dịch và không phải đóng thuế thân. Các đời vua sau tiếp tục duy trì.

Nhờ thế ngay từ thời Nguyễn, Chợ Lớn đã trở thành khu thu hút Hoa kiều đến lập nghiệp làm ăn buôn bán. Với địa thế vô cùng thuận lợi cho việc xuất nhập cảng nơi này đã trở thành một đặc khu thương mại nổi tiếng trong vùng.

Người Minh Hương từ lâu đã trở thành người Việt nên không có trong số thống kê hay không được nói trong bài này. Hoa Kiều là ngoại kiều Trung Hoa. Còn người Hoa là người Việt gốc Hoa khi đã có quốc tịch Việt Nam. Hoa Kiều và người Hoa là trọng tâm bài viết.

cholon4

Chợ Lớn được biết đến như quận người Hoa

Chợ Lớn thời Pháp thuộc

Khi người Pháp chiếm nước ta, những quy chế ưu đãi được duy trì như cũ, đặc biệt là quyền tự trị của các bang. Người Pháp còn nhìn xa hơn biến Chợ Lớn thành một trung tâm thương mại mang tầm vóc quốc tế.

Ngay khi chiếm được Gia Định năm 1859, người Pháp đã cho rời Chợ Sài Gòn về khu Bến Thành để thành lập thành phố Sài Gòn làm trung tâm hành chính.

Ngày 6/6/1865, Pháp cho thành lập Thành phố Chợ Lớn như một đặc khu phát triển thương mại. Chợ Lớn do các bang trưởng người Hoa quản trị về hành chính là một khu vực giao thương tự do, thuế nhẹ, ít bị người Pháp can thiệp…

Đến ngày 20/10/1879, Pháp ra Nghị định công nhận thành phố Chợ Lớn là đô thị loại 2 ngang cấp tỉnh. Chợ Lớn khi ấy đã trở thành một trung tâm thương mại xuất nhập cảng và sản xuất công nghệ vào bậc nhất của Đông Dương.

Ngày 20/12/1899, Pháp cho thành lập tỉnh Chợ Lớn. Đến thập niên 1950, tỉnh Chợ Lớn có xấp xỉ 1 triệu dân, quá nửa là Hoa Kiều và đa số sinh sống chung quanh Thành phố Chợ Lớn.

Thời Đệ nhất Cộng hòa

Khi đất nước chia đôi, Hoa Kiều gần như nắm trọn việc xuất nhập cảng, sản xuất và cung cấp hàng hóa tại miền Nam.

Đáng quan tâm là Hoa kiều Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa (hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Trung Hoa đại lục, hoặc Trung Hoa Dân quốc - Đài Loan). Họ lại có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình, buôn bán với cộng đồng người Hoa ở Singapore.

Cùng lúc, Singapore là thuộc địa Anh, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số đang nổi lên đấu tranh đòi tự trị. Người Pháp đã nghĩ đến việc Hoa Kiều Chợ Lớn sẽ đòi chính thức tự trị vì thế năm 1948 đã bãi bỏ quy chế các bang trưởng .

Khi Việt Nam thu hồi độc lập ảnh hưởng của các bang trưởng tại Chợ Lớn vẫn còn rất mạnh. Thành phố Chợ Lớn vẫn tự trị và điều hành ngầm dưới quyền các bang trưởng .

Chủ trương của Thủ tướng Ngô Đình Diệm là người Hoa phải bình đẳng và chia sẻ trách nhiệm dân sự như bao công dân Việt Nam khác trong một đất nước vừa thu hồi độc lập.

Chiến lược của ông Diệm là tự do giao thương quốc tế, khuyếch trương công nghiệp và tất cả những hoạt động kinh tế phải do người Việt chủ động làm lấy.

Ngay năm 1955, ông Diệm cho nhập thành phố Chợ Lớn vào thủ đô Sài Gòn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN đổi tên Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn. Chợ Lớn chỉ còn là một khu vực nằm trong Đô thành Sài Gòn.

Theo Sắc lệnh 143/VN tỉnh Chợ Lớn hợp nhất với tỉnh Tân An thành tỉnh mới có tên là tỉnh Long An. Một khu vực nhỏ của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định. Đặc Khu Chợ Lớn xem như không còn tồn tại.

Trước đó ngày 7/12/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho ban hành Dụ số 10 qui định tất cả những ai sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều là người Việt Nam. Như vậy hầu hết con cái của Hoa kiều đều là người Việt Nam.

cholon5

Tháng 10/1955 : Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận lời chúc mừng từ Cao ủy Pháp Henri Hoppenot. Chính quyền của Tổng thống Diệm đã thay đổi luật về quốc tịch nhằm đưa người gốc Hoa thành công dân Việt Nam.

Dụ số 48 ban hành ngày 21/8/1956, quy định Hoa kiều sinh trưởng tại Việt Nam là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập quốc tịch Việt Nam. Nếu ai không chịu nhập tịch thì phải xin hồi hương về Đài Loan trước ngày 31/8/1957.

Dụ số 52 ban hành ngày 29/8/1956 qui định Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam phải mang quốc tịch Việt. Khi có quốc tịch, họ được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa phải viết bằng Việt ngữ.

Dụ số 53 ban hành ngày 6/9/1956 cấm người ngoại quốc không được làm 11 nghề. Hoa kiều có vợ Việt có thể tiếp tục kinh doanh dưới tên vợ với điều kiện phải hợp thức hóa bằng một văn kiện hộ tịch chính thức.

cholon6

Một ngôi chùa của người Hoa trong Chợ Lớn

Hoa kiều biểu tình phản đối ba Đạo dụ 48, 52 và 53 cho rằng nội dung bài Hoa, cưỡng bức không cho người Hoa quyền chọn lựa quốc tịch, trái với Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền nhất quyết không nhượng bộ tuyên bố nếu Hoa Kiều không đồng ý gia nhập quốc tịch thì hồi hương về Đài Loan.

Tòa Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc tại Sài Gòn can thiệp đề nghị Tổng thống Diệm xét lại ba Đạo dụ 48, 52 và 53. Trung Hoa Dân Quốc và Hoa kiều vận động cả Hoa Kỳ can thiệp. Nhưng đều không được ông Diệm nhượng bộ.

Năm 1957, cảnh sát tại Sài Gòn bắt giữ nhiều Hoa kiều, tịch thu thẻ căn cước Đài Loan và tự động cấp cho họ thẻ căn cước Việt Nam, bất kể ý muốn của họ. Nhiều địa phương khác cũng có hành động tương tự.

Vài ngày sau khi ba đạo dụ trên bắt đầu có hiệu lực, Hoa kiều ồ ạt đến các ngân hàng rút hết tiền ký thác đồng thời tìm cách chuyển ngân ra ngoại quốc.

Đồng bạc Việt Nam trên thị trường chứng khoán Hong Kong liên tiếp bị mất giá từ 35 đồng đổi 1 Mỹ kim năm 1956 tăng lên đến 90 đồng năm 1957, và trên thị trường chợ đen lên đến 105 đồng.

Nhiều cơ sở, xí nghiệp thương mại của Hoa Kiều đóng cửa, hay dời về Đài Loan, Hong Kong, Singapore hay những quốc gia Đông Nam Á.

Thương gia buôn bán thịt và vải chống đối mạnh nhất, những người bán thịt đóng cửa tiệm và chuyển sang nghề làm thịt nguội, những người bán vải tích trữ vải để sau đó tuôn ra bán trên thị trường chợ đen.

Người Hoa trong vùng Đông Nam Á, nhất là Singapore và Hong Kong, làm áp lực với chính quyền Việt Nam bằng cách tẩy chay hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Hong Kong từ chối mua 40.000 tấn gạo đã ký hợp đồng trước đó. Số gạo này được chở qua Singapore và cũng bị từ chối mua.

Toàn bộ sinh hoạt kinh tế của Hoa kiều ngừng hoạt động. Kinh tế miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Nền kinh tế không hoàn toàn sụp đổ phần nhờ những người miền Bắc di cư có vốn và kinh nghiệm đã nhanh chóng thay thế Hoa kiều. Phần khác nhờ mùa màng thuận lợi, nông nghiệp phát triển mạnh và khi ấy du kích quân Cộng Sản gần như chưa xuất hiện.

Cơ hội làm ăn tại Việt Nam không còn thuận lợi đa số doanh nhân Hoa Kiều rời Việt Nam. Những Hoa Kiều còn lại, đa số là giới bình dân lao động, ít vốn, hay đã an cư lạc nghiệp nhiều đời tại Việt Nam.

Theo số liệu của Nha thống kê Sài Gòn, trong năm 1955 có 620.858 Hoa kiều trên toàn lãnh thổ, năm 1958 chỉ còn 123.638 người. Con số khác biệt là 497.220 người, trong số này có gần 235.000 người đã xin nhập tịch, những người còn lại chưa quyết định còn chờ sự can thiệp của Đài Loan.

Theo báo cáo của tòa Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc tại Sài Gòn, cho đến ngày 19/7/1957 đã có 52.144 người xin hồi hương.

Những năm đầu Đệ nhất Cộng hòa là thời kỳ vàng son của người Việt thì lại là thời kỳ tăm tối của đa số người Hoa. Cuối cùng những người Hoa còn ở lại đều xin vào quốc tịch, trở thành người Việt gốc Hoa.

Có 2 lý do chính sách quốc tịch gặp khó khăn. Thứ nhất, Hoa kiều chưa tin vào chính sách quốc gia và chưa chuẩn bị tinh thần để sống dưới sự quản trị của người Việt. Thật ra chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hoa kiều muốn tách Chợ Lớn khỏi Việt Nam. Và thứ hai là họ không muốn thi hành lệnh tổng động viên hay đi quân dịch.

Khi trở thành công dân Việt Nam, người Hoa được phép kinh doanh trở lại. Người Hoa nhận ra chính sách tự do thương mại và khuyếch trương kỹ nghệ có lợi cho họ. Nhiều cơ sở kỹ nghệ lớn được thành lập đóng góp gia tăng tổng sản lượng quốc gia và đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nền kinh tế miền Nam cất cánh trở lại. Chính phủ và giới lãnh đạo người Hoa ngày càng hiểu nhau hơn càng gắn bó vì lợi ích chung cả cộng đồng dân tộc, trong đó có người Việt gốc Hoa.

Ngày 2/11/1963 khi bị phe quân nhân đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã vào Chợ Lớn tá túc trong nhà ông Mã Tuyên, một thương gia Việt gốc Triều Châu. Ông là Tổng bang trưởng của 10 bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn. Sau đó được ông đưa vào nhà thờ Cha Tam để lánh nạn.

Năm ngày sau ông Mã Tuyên bị bắt giam ba năm. Tài sản ông bị tịch thu và đem bán đấu giá nhưng người Hoa mua lại được trong cuộc đấu giá và trả lại cho gia đình ông.

Sau 30/4/1975, ông hai lần bị bắt giam, lần đầu bốn tháng, lần sau bốn năm tù. Nhà cửa và tài sản của ông bị tịch thu.

Năm 1983, ông và gia đình chính thức rời Việt Nam đi định cư tại Đài Bắc, Đài Loan. Đến tháng 2 năm 1992 thì ông cùng một phần gia đình về lại Chợ Lớn và qua đời tại đây tháng 9/1994. Ông được chôn tại nghĩa trang Triều Châu ở Biên Hoà.

cholon7

Một cửa tiệm bán thuốc đông y trong Chợ Lớn

Sau thời Đệ nhất Cộng hòa

Người Hoa bắt đầu đầu tư trở lại. Khu kỹ nghệ Biên Hòa tràn ngập các đại công ty kỹ nghệ tân tiến do người Hoa thành lập với sự giúp vốn và kỹ thuật của người Hoa Đông Nam Á, đặc biệt là Đài Loan. Người Hoa mở ngân hàng và làm chủ phần lớn các hãng bảo hiểm tại miền Nam.

Nhiều hãng xưởng được xây dựng quanh khu vực Chợ Lớn. Nhiều công ty đúc, cán sắt và lắp rắp nông cơ tầm vóc nhỏ hơn, kiểu gia đình, hoạt động rất náo nhiệt quanh khu vực Chợ Lớn.

Đời sống của cộng đồng người Hoa trở nên sung túc. Nhiều khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu giải trí được mở ra. Chợ Lớn dần dần hồi phục.

Với sự tham chiến của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh năm 1965, người Hoa nhanh chóng đầu tư vào các khu vực chiến tranh như cung cấp vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nơi giải trí.

Khi chiến tranh gia tăng, người Hoa nhận thầu cung cấp cho quân đội Hoa kỳ rồi ký hợp đồng với Hoa kiều Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Thái Lan sản xuất đáp ứng nhu cầu quân đội. Đóng góp không ít cho sự phát triển của các nước này.

Có đến 80 tỷ phú người Việt gốc Hoa, đa số đứng đầu hay độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh nào đó nên được gọi là "vua" như vua gạo, vua xăng dầu, vua nông cụ, vua bột mì…

Chủ nhân người Việt gốc Hoa thường chăm lo đời sống công nhân một cách tận tình và chu đáo. Bởi thế trước năm 1975 không hề có biểu tình hay đình công đòi quyền lợi xảy ra như ngày nay.

Qui chế bang hội tuy không được chính thức thừa nhận nhưng những bang hội người Hoa được tự do hoạt động. Các trường tư thục Hoa ngữ được mở lại.

Báo chí Hoa ngữ hoạt động tự do, có 11 nhật báo và 5 tuần báo, với số lượng phát hành khá cao và rất nhiều sạp báo nơi đông người Hoa cư ngụ. Chính quyền còn dành cho mỗi bang chương trình phát thanh riêng.

Nhiều viện đại học và trường kinh doanh với vốn đầu tư chính từ người Hoa đã được thành lập, đào tạo nhiều chuyên viên trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị. Người Hoa còn gửi con em đi du học trong các ngành kinh tế, kế toán, ngân hàng, kinh doanh và quản trị.

Mặc dù chiến tranh đang leo thang người Hoa vẫn xuất tiền thành lập doanh nghiệp lớn ngay trong nước, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, thay vì cất gửi vào các ngân hàng ngoại quốc hay chuyển ra nước ngoài.

Dân số cộng đồng người Hoa tăng nhanh từ 620.858 người năm 1956 lên 2,2 triệu năm 1972. Rất đông Hoa kiều đã đến từ Hong Kong và Đài Loan.

Mặt tiêu cực, người Hoa bị mang tiếng là trốn lính, làm lính kiểng, lính hậu cần… Tuy nhiên, cũng có không ít thanh niên đã gia nhập quân đội, anh dũng chiến đấu và nhiều người đã hy sinh để bảo vệ miền Nam tự do.

Một số thương gia bị cho là đóng thuế hay buôn bán với cộng sản. Sau 1975 mới rõ tỷ lệ này không nhiều vì người Hoa thường sinh hoạt trong vùng có an ninh và rất e ngại bị chính quyền phát hiện. Nếu có, chẳng qua họ bị cộng sản cưỡng bách cộng tác.

Người Hoa bị mang tiếng là đầu cơ tích trữ, thâu tóm thị trường, làm tăng giá hàng một cách giả tạo, hay hối lộ, đút lót cho các viên chức chính quyền. Chẳng qua vì thời chiến nên luật pháp còn lỏng lẻo tạo ra những hiện tượng này.

Nói chung thời Việt Nam Cộng hòa kinh tế tự do, ít hay gần như không bị đánh thuế, người Việt không cạnh tranh trên thương trường, văn hóa không mấy khác biệt, người Việt vốn không kỳ thị xem người Hoa như anh em một nhà,… người Việt gốc Hoa thực sự muốn hội nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đất lành chim đậu.

Sau 30/4/1975

Cùng chung số phận với người miền Nam, người Việt gốc Hoa gánh chịu những chính sách kỳ thị như phân chia thành phần giai cấp, thành phần xã hội.

Tại Chợ Lớn một số người treo cờ Trung Quốc đào thêm mối nghi ngờ là cớ để nhà cầm quyền nhận xét có người Hoa trong "đạo quân thứ 5" và người Hoa sẽ tiếp tay với Trung Quốc khi có chiến tranh…

Sài Gòn đổi tên. Chợ Lớn cùng chung số phận. Cả Sài Gòn và Chợ Lớn hoàn toàn biến mất trên bản đồ địa chính.

Nhiều đợt đánh tư sản liên tục xảy ra. Đợt đánh tư sản năm 1978 hầu hết các nhà mặt đường là cửa hàng buôn bán nên nằm trong diện bị đánh. Nhiều gia đình bị bắt đi kinh tế mới. Nhiều người phải bỏ nước ra đi. Nhà cửa họ bị tịch thu cấp cho cán bộ miền Bắc vào.

Người Hoa chỉ còn sống trong các hẻm nhỏ nhưng họ không bỏ Chợ Lớn. Trong số họ chắc không ít người vẫn ước mơ một ngày Chợ Lớn được phục hồi như xưa.

Trong số một triệu người bỏ nước ra đi trên một nửa là người Việt gốc Hoa. Đa số họ xem người Việt là người đồng hương. Có người dù cả cha lẫn mẹ người Trung Hoa, nhưng lại nhận là người Việt.

Người Việt và người Việt gốc Hoa sống quần tụ bên nhau. Nhiều khu vực mang tên Little Sài Gòn nhưng hầu hết thương gia là người Việt gốc Hoa.

Chưa bao giờ nghe nói đến Little Chợ Lớn ở hải ngoại nhưng trong thâm tâm nhiều người Việt gốc Hoa vẫn ước mong một ngày Chợ Lớn sẽ phục hồi.

cholon8

Một cửa hàng bán rượu, bia và đồ uống trong Chợ Lớn

Về mặt kinh tế, Việt Nam đã thay đổi khá nhiều nhưng vai trò của người Việt gốc Hoa gần như còn rất khiêm nhượng. Chợ Lớn chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam. Chưa ai công khai bàn đến việc phục hồi Chợ Lớn để phát huy tiềm năng nội lực của người Việt gốc Hoa trong và ngoài nước.

Ngày 9/3/2018, Việt Nam, Singapore và 9 quốc gia khác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định là gỡ bỏ mọi rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Singapore một thành viên khác ký hiệp định từ lâu đã là một trung tâm tài chính và thương mại nổi tiếng. Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và ở Singapore có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình và buôn bán hàng trăm năm nay. Chính quyền Singapore rất thân thiện với Việt Nam.

Nhiều người Việt đã và đang học tập, sinh sống và làm việc tại Singapore. Khu vực chung quanh Chợ Lớn khá thuận lợi để các nước đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghiệp hiện đại… cơ hội rất lớn cho việc phục hồi Chợ Lớn.

Thế giới đang bước vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần một trung tâm vừa để tiếp công nghiệp hiện đại vừa là trung tâm tài chính và thương mại được quốc tế công nhận. Rất mong sự sáng suốt của tầng lớp cầm quyền biến giấc mơ phục hồi Chợ Lớn của không ít người thành hiện thực.

Nguyễn Quang Duy

Tác giả Nguyễn Quang Duy là Chủ nhiệm kiêm chủ bút Cộng Hòa Thời Báo, hiện ông sống tại Melbourne, Australia.

Quay lại trang chủ
Read 869 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)