Nếu ai đã từng thong dong xe ngựa ven bờ Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, chầm chập xích lô ở các phố cổ Hội An, Hà Nội, ắt hẳn sẽ không ngại ngùng bước lên xe lôi khi đến Châu Đốc, An Giang, một thành phố giáp ranh với Campuchia. Dạo quanh các con đường, nghe bác xe lôi vui vẻ trò chuyện hoặc đôi khi thấy bác khéo léo để khách có không gian riêng… nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những nụ cười hào sảng của bác phu xe ấy là cả một cuộc đời tất bật kiếm cơm bữa được bữa mất, dãi dầu sương gió nơi vùng biên.
Cuốc xe đêm - RFA
Khi xe lôi là nghề tay phải
Chia sẻ về đời xe lôi của mình, ông Nguyễn Văn Ri, một phu xe ở Châu Đốc cho hay :
"Xe lôi mua cỡ chừng khoảng 2 triệu ngoài, chạy ngoài một năm mới lấy lại được, bỏ ống ngày 20 ngàn, 30 ngàn vậy đó".
Ông Trần Thanh Xuyên, một phu xe khác chia sẻ :
"Bình quân một ngày cũng kiếm được 50 ngàn, 70 ngàn, tôi chạy xe lôi được ba chục năm, bốn chục năm rồi. Nó thấp hơn lúc trước là tại vì xe bây giờ ra nhiều hơn trước, xe ôm, xe buýt… thành ra số lượng khách có nhu cầu xe lôi bị giảm bớt".
Cũng như nhiều người khác, ông Ri và ông Xuyên xem nghề xe lôi là nghiệp kiếm cơm của mình. Với diện tích nội thị chưa tới 10 km², thành phố Châu Đốc có ngót nghét 1.000 phu xe lôi. Họ là những người đã từng kéo xe lôi một thời rồi lại bôn ba tứ xứ làm thuê, đến khi thấy rằng không còn đủ sức bôn tẩu nữa thì lại trở về quê nhà, bầu bạn cùng nghề cũ để kiếm tiền trang trải trong gia đình. Cũng có không ít người gắn với nghề xe lôi cả mấy mươi năm, từ lúc trai trẻ đến lúc sinh con đẻ cái. Những đồng thu nhập ít ỏi từ xe lôi chính là nguồn chu cấp cho con cái họ ăn học và cũng chính là nguồn sống lúc về già của họ.
Ông Nguyễn Văn Ri chia sẻ thêm :
"Như hồi xưa thì bây giờ chạy cho có hình thức thôi, con người cho khỏe khoắn thôi. Xưa chạy kiếm được trăm ngoài, bây giờ kiếm được có vài chục. Nó chuyên chở cho bạn hàng, lặt vặt vậy đó".
Ông Ri nói đùa rằng, những phu xe kinh nghiệm như ông được nhiều người ‘chọn mặt gửi vàng’ tức là giao hàng cho họ chở, từ những mặt hàng tiêu dùng như rau, cá, củ, trái… cho đến những hàng dễ vỡ như chén bát, sành sứ… và đôi khi là đón con giúp những tiểu thương bận bịu không kịp giờ đón con nhỏ ở trường về.
Nhiều phu xe lôi tâm sự mặc dù ngày đạp xe uể oải, bữa nào được thì về sớm, bữa nào ít khách thì ráng đợi, tìm mối mà đạp đến tối để kiếm thêm đôi ba đồng, nhưng được cái tối về được bà xã xoa bóp dầu cho, được thấy những đứa con nhỏ vui đùa bên nồi cơm có đủ miếng rau, miếng thịt, thế là bao nhiêu uể oải đều qua.
Ông Trần Thanh Xuyên, phu xe lôi ở Châu Đốc chia sẻ thêm :
"Thu nhập khoảng chừng bảy chục, tám chục ngàn là đủ sống, chi tiêu hằng ngày, ăn uống cũng chừng đó à, nhiều khi xe cộ hư hao phải mượn nợ để sửa chữa phương tiện để có mà chạy. Chạy từ 7 giờ đến gần 10 giờ về nghỉ trưa, trưa thì 1 giờ đến 5 giờ, 6 giờ chiều mới nghỉ, nhiều khi mà ế nữa thì mình chạy tới tối luôn".
Khi xe lôi là nghề tay trái
Khắc hẳn với những bác xe lôi kinh nghiệm suốt đời gắn với xe lôi, nhiều thanh niên ở Châu Đốc chọn xe lôi là nghề tay trái, là nghề để kiếm đôi đồng chi tiêu khi chưa tìm được việc gì khác. Họ thường bỏ ra một số vốn lớn hơn để tậu những chiếc xe lôi đẹp hơn chút nhằm nhắm tới khách đi là khách du lịch thập phương đến Châu Đốc.
Anh Nguyễn Văn Xuyên, một phu xe trẻ ở Châu Đốc chia sẻ :
"Cũng được 100, ngoài 200 (200.000 VND) cũng đủ chi tiêu trong nhà, cũng không dư dả gì đâu. Mình chạy ban đêm, ban ngày mình nghỉ. Cũng có khi chạy ngày nghỉ hai ngày, ba ngày không chừng, đi làm việc khác chứ nghề này chạy bấp bênh, nó đâu có khách gì bao nhiêu đâu".
"Cuốc xe sáng" của một bác xe lôi ở Châu Đốc. Ảnh : RFA
Theo anh Xuyên, với thu nhập đôi khi vài chục, đôi khi vài ba trăm ngàn, anh không thể dựa vào xe lôi để sống mà phải kiếm thêm thu nhập từ nhiều công việc khác. Cũng vì thế mà ban đầu anh và một số phu xe khác đạp xe lôi cả ngày nhưng sau chuyển dần nhiều về ban đêm, lúc khách du lịch đã mệt mỏi với xe cộ theo tour và muốn tự mình tận hưởng chút không khí yên bình của xứ chùa núi Châu Đốc. Mỗi năm có khoảng vài triệu lượt khách đến với xứ Bảy Núi, nhiều nhất là khách du lịch tìm đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Họ là những người thường xuyên sử dụng xe lôi, giúp các phu xe có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
Anh Xuyên chia sẻ thêm :
"Lâu lắm rồi, không biết nghề xe lôi ra từ hồi nào, nhưng cứ tính ở thị xã Châu Đốc này cả ngàn chiếc xe lôi, đủ lớp, người chạy, người bỏ giờ lấy ra chạy kiếm cơm hằng ngày thì cũng được…".
Cùng độ tuổi với anh Xuyên, nhiều phu xe trẻ khác ở Châu Đốc chia sẻ rằng họ chọn nghề xe lôi bởi xe lôi như một nét văn hóa của xứ biên giới này. Từ thuở nhỏ theo mẹ đi chợ trên những chuyến xe lôi, thi thoảng vãn cảnh chùa với bà cũng từ những chuyến xe lôi, dần dà khi lớn lên, xe lôi như có gì đó cuốn hút, ăn sâu vào máu của họ, để rồi khi thất cơ lỡ vận, họ chọn nghề xe lôi để kiếm thu nhập trong những ngày khốn khó. Và rồi khi tìm được công việc khác, họ vẫn kiên trì kéo xe vào buổi tối để thỏa cái máu ‘kéo xe’ của mình, cũng là để giữ một chân phòng khi sa cơ lỡ vận.
Cũng vì thế mà họ cảm giác rất biết ơn những khách du lịch đã đến vùng đất của họ, để có thể nhìn thấy những cảnh đẹp ở đây, để có thể cảm nhận không khí ở đây, để có thể cùng chiêm bái những công trình đa sắc tộc, tôn giáo ở xứ này và đương nhiên là để có thể giúp họ có thu nhập trong việc kéo xe lôi.
Tuy nhiên không ít trong số họ cũng thầm nguyền rủa du lịch đã mang không ít những du khách không lịch sự, coi đồng tiền của họ như vua và chà đạp lên sự nhẫn nại cũng như nhân phẩm của người lao động. Một anh phu xe tâm sự là có lần anh đã phải mất công đạp, kéo xe gần 1 giờ đồng hồ quanh các con đường ở chợ Châu Đốc chỉ để hai đôi thanh niên nam nữ ngắm cảnh, chụp hình, lên xe xuống xe trả chát rồi bảo xe cũ ngồi đau xương, yêu cầu đạp nhanh để họ được chụp hình tóc bay trong gió và rồi xuống xe chỉ trả anh một nửa số tiền thỏa thuận bởi "xe không đạt chất lượng"...
Anh xe lôi tự thấy buồn vì cảm giác mình cũng còn là thanh niên, mặc dù trạc ba mươi tuổi nhưng anh chưa có vợ con gì, mà được hai đôi nam nữ kia gọi là chú rồi lại "trác tiền" chú… có lẽ bởi da, tóc anh đã nhuốm màu mưa nắng. Nhưng đó cũng chưa phải là điều anh buồn nhất bởi anh nghĩ rằng sinh ra ở chốn nghèo khó như anh còn có lòng sỉ diện, sự tử tế thì sao những cô cậu con nhà giàu, sinh ra không lo nơi ăn chốn ở, không bận tâm chi phí học hành, được đi đây đi đó nhiều lại có lối hành xử như vậy ?
Anh nói rằng có vẻ như văn hóa chợ búa Trung Hoa đã ngấm trong không ít du khách Việt Nam khi đến vùng đất này, bởi họ cũng bốp chát, cũng ồn ào,… làm cho cái chân anh nhiều khi không muốn đạp. Tuy nhiên anh cũng có điều lấy làm mừng rằng khách Trung Quốc vẫn chưa tìm đến vùng đất này nhiều, điều đó sẽ giữ cho Châu Đốc còn chút bình yên cuối ngày.
Ngày lại ngày trôi, đôi tay cứ lái và đôi chân cứ đạp, tay quẹt mồ hôi lúc chở hàng nặng và miệng cười hồn nhiên khi giới thiệu Châu Đốc cho những du khách ngồi trên xe… những phu xe lôi vẫn miệt mài kiếm cơm nơi góc phố, con đường, khu chợ… mặc cho mưa nắng, mặc cho tuổi tác, mặc cho thu nhập lúc ít lúc nhiều… bởi đâu đó trong tâm hồn họ, lôi xe như một nghiệp dĩ của đời mình.
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA, 16/08/2018