Hậu duệ ‘vua Mèo’ kêu cứu việc dinh thự dòng họ bị công hữu hóa (VOA, 20/08/2018)
Con cháu một cố lãnh chúa người H’Mong, thường gọi là "vua Mèo", mới đây gửi thư kêu cứu đến thủ tướng của Việt Nam về việc dinh thự của dòng họ Vương ở tỉnh Hà Giang bị chính quyền tỉnh biến thành tài sản công. Một luật sư nổi tiếng nói với VOA rằng việc công hữu hóa như vậy là "không chấp nhận được".
Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức
Theo các báo mạng lớn trong nước, ông Vương Duy Bảo, một hậu duệ của vua Mèo, hồi cuối tháng 7 đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiếu nại việc Ủy ban Nhân dân Hà Giang vào năm 2012 đã cấp giấy chứng nhận cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Văn được nắm quyền sử dụng đất của tòa dinh thự họ Vương.
Ông Bảo là cháu nội của ông Vương Chí Sình (1886-1962), người con trai thứ hai và cũng được coi là người kế nghiệp vua Mèo Vương Chính Đức (1865-1947). Chức vua Mèo không được chính quyền của những người cộng sản Việt Nam công nhận kể từ cuối thập niên 1940, theo các tài liệu lịch sử.
Các báo nói ông Bảo viết trong thư rằng ông khẩn thiết mong thủ tướng giúp giải quyết để "trả lại quyền sử dụng mảnh đất gắn với tòa dinh thự" cho con cháu họ Vương.
Những tài liệu và các bài báo khác nhau ở Việt Nam cho thấy dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000 m2, được đưa vào sử dụng từ năm 1928, cách đây 90 năm, dưới thời ông Vương Chính Đức.
Trang Soha hôm 20/8 dẫn lời ông Vương Duy Bảo nói cán bộ địa phương đã "đưa những người họ hàng của ông ra khỏi dinh thự" vào năm 2002, với lý do là nhà chức trách tỉnh sẽ "trùng tu dinh thự làm bảo tàng".
Chỉ đến năm đó, các con cháu vua Mèo mới biết rằng từ 9 năm trước, vào năm 1993, dinh thự họ Vương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là "di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia", tuy nhiên, "gia đình không được bàn bạc, thông báo", theo lời ông Bảo, được Soha đăng lại.
Ông Bảo khẳng định trên các báo lớn, trong đó có Soha và Thanh Niên, rằng không có chuyện ông bán, tặng, hiến, hay trao đổi với ai về tòa dinh thự. "Tôi có ký văn bản nào hiến đâu", ông Vương Duy Bảo được trích lời trên Thanh Niên hôm 20/8.
Cùng ngày, Soha dẫn lời ông Bảo nói : "Gia đình chúng tôi thừa kế, đang còn sống mà lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng Văn hóa-Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài từ 2012 là chuyện hoàn toàn lạ đời".
Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải bình luận với VOA về sự việc này :
"Đất của họ cho đến khi họ đi ra khỏi khu đó để trùng tu thì vẫn là đất thuộc dòng họ đấy, tài sản trên đất vẫn thuộc dòng họ đấy. Cho nên bây giờ việc cấp sổ đỏ thực chất là quốc hữu hóa tài sản của gia đình họ, của dòng họ họ. Cho nên là không thể chấp nhận được".
Cũng về vấn đề này, trao đổi qua email với VOA, ông Bùi Trung Thủy, một người nghiên cứu luật, chỉ ra rằng nhà chức trách Hà Giang đã hiểu sai luật.
Theo ông Thủy, cơ quan cấp giấy chứng nhận đã căn cứ vào Khoản 1, Điều 54, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, quy định rằng "Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh".
Nhưng nhà nghiên cứu này viết thêm rằng cơ quan cấp giấy chứng nhận đã không hiểu rằng từ "độc lập" ở đây có nghĩa là độc lập giữa tư nhân và nhà nước, nên mới dẫn đến cái sai như vậy.
Vẫn Điều 54 của nghị định nêu, theo ông Thủy, còn có Khoản 2 quy định rằng "Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân".
Bên cạnh đó, Khoản 3 của điều này cũng quy định rõ nếu có nhiều người đồng sở hữu vẫn cấp giấy cho cộng đồng dân cư bình thường, trong trường hợp này là cộng đồng con cháu vua Mèo Vương Chính Đức, ông Thủy phân tích.
Báo chí trong nước nói Văn phòng Chính phủ mới đây khẳng định họ đã nhận được thư của ông Vương Duy Bảo và đã gửi một công văn tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, yêu cầu 2 cơ quan này báo cáo cho một phó thủ tướng trước ngày 31/8 về tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Bảo.
Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA rằng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nên tham khảo thêm với Ủy ban Dân tộc thuộc chính phủ vì đây là "trường hợp khá nhạy cảm".
Ông Hải cũng đề xuất rằng nhà nước có thể ký một thỏa thuận với hậu duệ vua Mèo, theo đó khu dinh thự vẫn là tài sản của dòng họ Vương, có chức năng là khu di tích-bảo tàng theo các quy định của nhà nước, và được nhà nước cấp kinh phí để bảo tồn, giữ nguyên trạng.
***********************
Đi theo bác và bị cướp mất nhà (CaliToday, 21/08/2018)
Mấy ngày nay, câu chuyện ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình gởi đơn cầu cứu đến ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng cộng sản Việt Nam để cầu cứu về việc chính quyền tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của tòa dinh thự họ Vương (xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) cho Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn đã làm cho dư luận xôn xao. Không phải chỉ vì danh tiếng của chủ nhân dinh thự, mà nó còn cho thấy trong xã hội này bất kỳ ai cũng có thể bị cướp mất nhà một cách trắng trợn. Chỉ cần vài trò phù phép, căn dinh thự nơi có đến vài hộ gia đình sinh sống bỗng thuộc quyền sở hữu của… nhà nước.
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội của Vua Mèo. Ảnh : Dân Trí
Độ khoảng 10 năm trở lại đây, khi đường xá đi lại dễ dàng hơn thì nhà Vương, tức nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình được nhiều người ưa đến. Vì ngoài việc tòa dinh thự có tuổi đời gần trăm năm với kiến trúc độc đáo Pháp-Trung Quốc-H’mong, thì nơi đây còn biết đến vì chủ nhân của nó từng là người anh em kết nghĩa với Hồ Chí Minh.
Vào thời kháng Pháp, ông Vương Chí Sình, một thủ lãnh người H’mong (Mèo) trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn là người hết sức ủng hộ chính quyền của Hồ Chí Minh. Chẳng những trợ giúp về vũ khí, mà ông còn tài trợ về tiền bạc. Vì thấy có thể lợi dụng được người H’mong nghĩa khí nên Hồ Chí Minh đã kết nghĩa anh em với Vương Chí Sình nhằm đạt được mưu đồ của mình. Ông Vương còn được Hồ Chí Minh cho làm việc trong chính phủ và trở thành đại biểu Quốc hội. Ngay trước khi về hưu, ông giữ chức chủ tịch huyện Đồng Văn.
Do làm việc tại Hà Nội nên ông Vương có con cháu sống tại Hà Nội, có người sống ở Sài Gòn nhưng tòa dinh thự tại xã Sa Phìn vẫn có con cháu ông ở trong đó. Căn nhà gồm 3 hộ gia đình sinh sống. Tiến trình cướp tòa dinh thự được diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, được chuẩn bị kỹ lưỡng và được cái đời lãnh đạo thực hiện một cách nghiêm túc. Năm 1993, vì tòa dinh thự có kiến trúc quá độc đáo, lại là của một người anh em với Hồ Chí Minh nên nhà Vương được chính quyền cộng sản Việt Nam xếp vào di sản văn hóa quốc gia. Đến năm 2002, lấy lý do cần phải trùng tu, vì tòa nhà đã hư hại theo năm tháng, trong khi con cháu của Vương Chí Sình không còn được giàu có như cha ông mình vì lệnh cấm trồng cây anh túc (thuốc phiện), chính quyền cộng sản Việt Nam đã đuổi con cháu Vương Chí Sình ra khỏi dinh thự, cấp cho 3 hộ gia đình 500 triệu với 230m2 đất trước tòa dinh thự để xây nhà
Tòa dinh thự hay còn được gọi là Nhà Vương. Ảnh : Dân Trí
Sau khi trùng tu xong, chính quyền cho du khách đến tham quan, nhìn ngắm. Đến khoảng năm 2008-2009, chính quyền bắt đầu cho thu tiền du khách đến tham quan. Sơ khởi vé được bán với giá 10,000 đồng, rồi dần tăng lên 20,000 đồng. Con cháu của Vương Chí Sình được cho làm nhân viên bán vé. Điều độc ác là vé được bán ra nhưng chính quyền lấy sạch, không hề chia cho con cháu của Vua Mèo đồng cắc nào. Con cháu của Vua Mèo chẳng những bị đuổi ra khỏi dinh thự, còn còn phải trở thành người làm trong ngay chính dinh thự của cha ông mình xây dựng.
Khi du khách đến tham quan tòa dinh thự họ được hướng dẫn viên thuyết minh rằng, tòa nhà đã được con cháu Vương Chí Sình hiến tặng cho nhà nước.
Đến năm 2012, để hoàn tất công đoạn cướp nhà, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Hà Giang đã cấp giấy "chứng nhận quyền sử dụng đất" của tòa dinh thự cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Văn.
Trong đơn kêu cứu của mình, ông Vương Duy Bảo cho biết :
"Từ cuối năm 1978, tôi đã công tác ở Bộ Văn hóa Thông tin cho đến ngày về hưu năm 2016, nhưng khi công nhận khu dinh thự là di tích năm 1993 tôi và người nhà không hề được thông báo.
Việc tự tiện công nhân di tích cho ngôi nhà gia đình đang sinh sống nhưng không thông báo đã khiến bố tôi là vụ Vương Quỳnh Sơn khi đó nổi cáu. Bố tôi có thư gửi tới lãnh đạo đảng, Chính phủ và bộ trưởng Văn hóa thông tin"- ông Bảo nói với phóng viên.
Ngoài việc không còn được sinh sống trong dinh thự, mới đây gia đình ông Vương Duy Bảo còn được biết tòa nhà đã chuyển sang chủ sở hữu mới, đó là Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.
"Gia đình chúng tôi thừa kế, đang còn sống mà lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng văn hóa thông tin Đồng Văn quản lý từ năm 2012 là chuyện rất buồn cười và không thể chấp nhận được".
Trước những thông tin nói rằng, gia đình ông đã hiến tặng tòa dinh thự cho nhà nước, ông Vương Duy Bảo, người đại diện cho cả 3 hộ gia đình sinh sống trong tòa dinh thự nay đã bị đuổi ra ngoài khẳng định, từ trước đến nay ông chưa bao giờ ký bất cứ văn bản nào mua bán, trao đổi hay hiến tòa dinh thự này cho nhà nước
"Nếu tôi hiến cho nhà nước thì phải có bảng vàng vinh danh ghi lại hoặc giấy tờ đồng ý hiến được đóng khung treo trong khu dinh thự, nhưng thực tế nếu ai vào thăm sẽ không thấy có những thứ này mà chỉ có bảng công nhận di tích"- ông Bảo cho hay.
Trước việc bị cướp tòa dinh thự một cách ngang nhiên, ông vào tháng 6/2018, ông Vương Duy Bảo đã viết đơn cầu cứu gởi đến ông Nguyễn Xuân Phúc. Vào tháng 8/2018, từ Chính phủ cộng sản Việt Nam đã có văn bản yêu cầu chính quyền tỉnh Hà Giang phải giải quyết sự vụ cho ông Vương Duy Bảo.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên-Môi trường khẳng định, việc cấp giấy "quyền sử dụng đất" cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là làm đúng theo quy định pháp luật.
Người quan sát
********************
Cháu nội Vua Mèo bị chính quyền Hà Giang cướp tòa dinh thự (Người Việt, 20/08/2018)
Cháu nội Vua Mèo đề nghị thủ tướng cộng sản Việt Nam giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của gia đình bị chính quyền địa phương cướp đoạt.
Dinh thự vua Mèo, nơi khách du lịch ưa thích. (Hình : VnExpress)
Truyền thông Việt Nam loan tin, ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng cộng sản Việt Nam ngày 16 Tháng Tám có văn bản yêu cầu Ủy Ban tỉnh Hà Giang, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch phúc trình "tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn" và báo cáo thủ tướng trước 31 Tháng Tám.
Theo báo VNExpress, ngày 21 Tháng Bảy, ông Bảo có đơn gửi thủ tướng cộng sản Việt Nam tố cáo về việc cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" cho tòa dinh thự họ Vương.
Trong đơn, ông Bảo nhắc lại năm 1945, ông Hồ Chí Minh kết làm anh em với Vua Mèo Vương Chí Sình (Vương Chí Thành).
Tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là "Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993". Tuy nhiên, đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết đến quyết định này, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để "trùng tu làm bảo tàng".
Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương gửi đơn đến lãnh đạo nhà đảng, chính phủ và bộ trưởng Văn Hóa thời kỳ đó phản ánh khiếu nại.
Khu phòng làm việc và tiếp khách trong dinh thự vua Mèo. (Hình : VnExpress)
Sau đó, Bộ Văn Hóa kết luận : "Quyết định công nhận di tích của bộ không quốc hữu hóa dinh thự, không tước quyền sở hữu của những người trong gia đình họ Vương".
Thế nhưng mới đây, gia đình ông Bảo tình cờ biết tin Ủy Ban tỉnh Hà Giang đã cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" ngôi dinh thự cho Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Đồng Văn "sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012".
Theo ông Bảo, thông tin này khiến họ hàng trong gia đình họ Vương rất bất bình, tức giận. "Để tránh sự việc dẫn đến những diễn biến xấu, tôi đại diện chủ sở hữu họ Vương người H’mông khẩn thiết mong thủ tướng giúp giải quyết sự việc trên để trả lại quyền sử dụng mảnh đất, gắn với tòa dinh thự đã hơn 100 năm nay của họ Vương người H’mông chúng tôi", ông Bảo viết trong thư.
Tháng Sáu, 2018, ông Bảo có đơn gửi bà Đặng Thị Bích Liên, thứ trưởng Văn Hóa "đề nghị làm rõ việc cấp ‘Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất’ và tài sản trên đất đối với khu di tích dinh thự họ Vương" và mong được biết rõ sự thật.
Bộ Văn Hóa chuyển đơn này đến tỉnh Hà Giang và Sở Tài Nguyên-Môi Trường đề nghị có văn bản trả lời. Ngay sau đó, Sở Tài Nguyên-Môi Trường xác nhận "Khu dinh thự họ Vương đã được cấp ‘Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất’ cho Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Đồng Văn".
"Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn Hóa Thông Tin là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật", văn bản của Sở Tài Nguyên-Môi Trường Hà Giang khẳng định.
Nói với báo chí, ông Vương Duy Bảo khẳng định, việc tỉnh Hà Giang tước đoạt chủ quyền tòa dinh thự họ Vương là bất hợp lý và sai luật. "Giấy chủ quyền dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay", ông Bảo bất bình nói. (Tr.N)