Tôi chưa kịp ngồi xuống ghế của quán cà phê, thì một ông bạn đã hỏi :
"Anh đi đám tang chưa ?"
Tôi đáp với câu đùa giỡn một chút cho bớt cái không khí u ám :
"Dạ, ghé ăn cháu khuya rồi".
Ông bạn cười :
"Sức mấy mà anh ăn được, tôi biết quá mà. Chẳng qua anh hiểu đám khá vắng vẻ, và theo ý người ra đi thì làm đơn giản thôi nên dễ quạnh hiu, anh ghé đêm hôm cho có tình nghĩa hơn".
Nỗi cô đơn thần thánh - Ảnh minh họa
Một người nữa nói :
"Vậy là đi đám ông Thầy giáo già hen. Rồi có đi cái đám rình rang quá chừng, đám ông cán bộ gộc về hưu không vậy ?"
Dĩ nhiên tôi lắc đầu, tôi dân đen, dân oan thì đâu có chút liên hệ nào với ông cán bộ. Và nói thêm là thiệt tình thì dù có đơn giản, dù ít người viếng thôi nhưng không có cô quạnh, vẫn đầy ắp tình người ở đám ông Thầy.
Hầu hết mọi người đều xác nhận điều này. Rồi mỗi người kể một câu chuyện về ông Thầy giáo già. Tất cả đều là những câu chuyện hay, chuyện dễ thương, chuyện tốt về ông, chuyện kể tận xa xưa cho đến lúc ông lìa đời, từ thuở ông là chàng thầy giáo trẻ mới về ở xóm này. Chuyện kể tưởng chừng như không thể dứt nếu có đủ thời gian.
Trái lại, hai cái chết cùng thời điểm, cùng xóm, nhưng chẳng ai nhắc gì tới đám tang ông cán bộ cả, nhiều người cũng không đi viếng. Mặc dù đám diễn ra rất xôm tụ. Xôm tụ mang một màu sắc giả tạo, phô trương, mang màu sắc trình diễn quá mức. Bà tổ trưởng lăng xăng cùng những người từ đâu tới chẳng biết để tổ chức đám, người ra vô mặt mày nghiêm nghị, tiết kiệm lời hết mức có thể, có lẽ để chứng tỏ sự buồn đau. Vòng hoa xếp hàng hàng, xe hơi đậu dãy dãy. Người nhà của ông cán bộ hãnh diện trong hãnh tiến vô cùng…
Biết là vậy nhưng không ai nói, phê phán điều gì, một là mặc kệ, hai là ‘nghĩa cử là nghĩa tận’.
Trước đó thì khác hoàn toàn.
Hễ cứ nhắc tới cán bộ là mọi người lôi ông cán bộ ra, như thể ông ta là hình mẫu. Từ ngày ổng về xóm ông ta đâu có hỏi han chi ai, cái biệt thự của ông ta kín cổng cao tường lắm, có chăng chỉ là giao du với bà tổ trưởng. Mỗi khi bước ra khỏi nhà, cái mặt ông ta vẫn hất lên trời là chính thì lúc còn làm quan ông ta sẽ như thế nào ? Ông ta liêm khiết, không tham nhũng thì lấy đâu ra có gia sản bề thế, con cái học hành ở nước ngoài, có những công ty riêng ? Bao nhiêu năm trời cũng chẳng thấy ai tới thăm viếng gì cả, tình nghĩa cán bộ, nhân viên với nhau sẽ dứt ngay sau khi quan rời ghế ?... Hỏi cũng là đã có câu trả lời.
Ông Thầy giáo không ai nhắc gì lại nhớ hết để kể lại lúc cần kể, như một lời ai điếu, một sự kính trọng !
Suy rộng ra, tôi thấy xã hội Việt Nam hiện tại chẳng khác chi cái xóm nhỏ của mình.
Như vừa mới đây, ông Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain qua đời. Rất nhiều người dân gởi lời chia buồn, thương tiếc, mặc dù ông với Việt Nam ta là người dưng nước lã. Và cũng nhiều người viết về ông, viết về những gì ông đã làm với lời lẽ kính phục, quý mến…
Không thấy được một ông cán bộ, lãnh đạo nào được dân mến mộ hiện tại, khi nằm xuống được dân chúng quan tâm như vậy. Nếu không muốn nói toàn là bị nguyền rủa, mạt sát không thương tiếc.
Nhớ lại cách đây cũng chưa lâu, lúc ông Tổng thống Mỹ Obama sang nước ta, dân chúng đổ ra đường đón ông biết bao nhiêu mà kể. Trong khi đó ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì cô đơn, cô đơn đến nỗi có người gọi là "nỗi cô đơn thần thánh".
Như vậy đủ rõ lòng dân như thế nào !
Dân Oan
Nguồn : VNTB, 30/08/2018