Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 2

Quang Nguyên

Ky 2

Những anh em lạc loài ở Miến

Sau khi cò kè mãi chúng tôi cũng được một tài xế taxi bằng lòng đưa từ Chieng Mai lên Chieng Rai chỉ với giá đáng ngạc nhiên 1800 baht, so với những người khác đòi 3000 baht.

Chúng tôi có hẹn với những người dẫn đường bên kia biên giới Miến trước lúc hải quan Miến,Thái đóng cửa 7 giờ tối.

Chạy được khoảng 1 tiếng rưỡi, bác tài xế lễ phép bảo chúng tôi sang một taxi vừa chở hai người khách Âu Châu từ Chieng Rai về. Sau khi dặn chúng tôi không trả thêm một đồng nào cho người chạy thay, ông ta chở hai người Âu Châu ngược về Chieng Mai, Chúng tôi đi tiếp Chieng Rai.

hmong1

Không thấy một Vương quốc H'Mông đâu, chỉ thấy những đứa bé trần truồng lê la đất bùn, những người thiếu thốn vật chất đủ bề

Đang ngủ gật, chúng tôi nghe tài xế bảo chạy xe liên tục từ sáng nên rất mệt, ông ta sẽ gọi một người bạn chở chúng tôi hết đoạn đường cuối, chúng tôi đồng ý. Hai xe gặp nhau giữa đường, Sau khi nghe dặn dò không phải trả thêm tiền, hai tài xế giúp chúng tôi mang đồ sang xe.

Trời sập tối, mưa như trút, hai chiếc gạt nước trên kính xe phầm phậm lia lịa vẫn khó thấy đường, chiếc xe rẽ nước như tàu thủy trên xa lộ. Chúng tôi đến sau khi cửa khẩu đóng. Ông tài xế từ chối lời chúng tôi mời ăn tối, ông bảo nhà ông cũng loanh quanh trong thành phố. Ông ta lái chầm chậm theo lề đường cho chúng tôi tìm một khách sạn rẻ tiền, nhìn bề ngoài tươm tất, vác ba lô, đội mưa chạy ù vào.

Đó là một cái hắc điếm trong chuyện Tàu. Những người tiếp tân rặc Tàu. Không ăn thịt người, nhưng nó ăn thịt chúng tôi với giá một đêm gần gấp đôi tiền phải trả cho một khách sạn tương đương ở Bangkok. Ngay sau quầy lễ tân, là cả một sự lộn xộn, nhếch nhác khác hẳn sự ngăn nắp sạch sẽ chúng tôi thấy ở mọi nơi có dịp qua trên xứ Thái. 

Khách sạn, nhà hàng này có hai phần, phần trước gồm khu tiếp tân và các bàn ăn. Bắt qua một cái cầu trên con lạch nước cuồn cuộn, đục ngầu phù sa là khu các phòng ngủ. Ông Tàu già cầm chìa khóa, chỉ chúng tôi căn phòng trong một ‘ngõ hẻm’ rồi thoắt cái biến mất. Tôi cố mãi mới mở, đẩy được cánh cửa cũ kỹ, nặng nề, kẽo kẹt. Mùi hôi mốc sộc vào mũi khiến tôi phải lùi lại, đi ra kêu thay phòng khác. Khốn nỗi, mới thoắt đó, cánh cửa trên cây cầu đã khóa chặt, ‘bell boy già Tàu’ cũng biến dạng, kêu mãi chẳng thấy ai.

Mở cái quạt trần duy nhất, tưởng cho bớt mùi hôi, nào ngờ các thứ mùi đang yên nghỉ trong các ngóc ngách được đánh thức, chúng thoải mái vùng lên chiếm ngự căn phòng hẹp té. Không có điện thoại gọi tiếp tân. Nhịn đói, tắm vội dưới vòi nước lạnh, rồi lăn quay trên chiếc giường cứng ngắc, drap rách, hôi hám. Tưởng mệt sẽ ngủ qua, nào ngờ mùi hôi từ chăn gối chọc vào mũi, không ngủ được. Sáng dậy thật sớm, tắm kỹ cho bớt mùi hôi bám đầy người, chúng tôi uể oải kéo vali, vác balo ra. Lúc này ‘cánh cửa tù’ bắt qua con lạch đã mở. Không thấy tiếp tân đâu, chỉ thấy một chị, mặt trát một thứ bột vàng vàng, nhoe nhoét trên hai má đang ngồi lặt rau, toe toét nhìn chúng tôi cười. Gặp người vui tính, tôi chỉ chỏ, ý hỏi thứ bột vàng bôi trên mặt là gì, chị ta bẽn lẽn cười bảo đó là rễ cây, mài ra, bôi cho trắng da. Không biết chúng tôi hiểu có đúng ‘ngôn ngử chỉ chỏ’ của nhau không, nhưng tôi không thấy cô nào da trắng lại bôi thứ này. Tiệm bán đồ làm đẹp cho qúy nương nương cũng bán mấy thứ thuốc làm trắng da.

Bù lại nỗi bực mình, mất ngủ, đói từ trưa hôm qua, chúng tôi may mắn gặp được một chiếc xe đẩy hàng rong tuyệt ngon và rẻ, chỉ 20 baht một tô bún, hoặc chan nước giống như riêu cua, hoặc trộn khô với cà ry và đủ thứ bày trên xe. Bà hàng rong khác với nhiều người, từ các bé gái nhỏ đến các bà sồn sồn bôi thứ bột vàng trên mặt. Hai chúng tôi không dại gì mà không kêu hai tô khác nhau. Ăn xong, ông thần khẩu tham ăn và cái bụng còn đói meo bảo phải gọi thêm hai tô khác nhau nữa. Mấy ngày sau trở về từ Miến Điện, dù bụng đói, chúng tôi cố kéo vali đi tìm bà này, tiếc thay không gặp.

Chúng tôi dễ dàng qua khẩu Thái, qua cầu biên giới, chợt nhớ bài hát cùng tên của Phạm Duy, nhưng trong hoàn cảnh này không hợp tí nào. Dưới cầu nước cuồn cuộn, sánh phù sa ; một nhánh con lạch rẽ về hướng hắc điếm tối qua chúng tôi lạc vào.

Hải quan Miến bảo chúng tôi nộp 1000 baht cho hai tờ Entry Permit. Họ giữ passport, dặn khi nào về thì trả lại. Vùng tiểu bang Shan, khách sạn, lái xe ôm, người bán rong, cảnh sát hải quan, ngay cả bọn ăn cướp đều chuộng tiền Thái.

Xế trưa, những người chúng tôi muốn găp mới đến. Sau khi ăn uống, chúng tôi vội vã gọi taxi ra bến xe. Chiếc taxi đi lòng vòng qua mấy con hẻm dẫn chúng tôi nơi mà thoạt đầu tôi tưởng là một cái garage sửa xe với những chiếc xe lôi đóng đầy bụi, vài chiếc xe đang sửa và chỉ có một chiếc xe 15 chỗ ngồi. Vừa yên chỗ, một người có lẽ là chủ xe đến hỏi chúng tôi đi đâu, ông bảo chúng tôi cho xem giấy tờ, rồi giẫy nẩy lên bảo chúng tôi xuống cho nhanh như đuổi hủi. Ông cho biết tờ entry permit chỉ cho phép chúng tôi đi loanh quanh trong nội ô thành phố. Xe chở chúng tôi ra khỏi thành phố sẽ bị phạt rất nặng, còn bị giam xe. Ông bảo chúng tôi phải có visa. Chúng tôi gạ trả giá cao cho vài người lái taxi, xe ôm, nhưng tất cả họ đều đòi xem giấy tờ và từ chối thẳng thừng. Lếch thếch trở lại của hải quan xin visa, họ từ chối. Nếu muốn có visa chúng tôi phải trở về Bangkok, xin tòa đại sứ Miến. Tuy vậy, nếu chúng tôi muốn du lịch ngoài thành phố, đến khắp nơi trong tiểu bang Shan, họ có thể cung cấp cho chúng tôi một người lái xe đưa đến bất cứ chỗ nào, với điều kiện là tiền xe 100 dollar một ngày, cộng với tiền xăng, tiền ăn, ngủ cho tài xế và nhất là người đi theo này có quyền ‘chĩa mũi’ vào bất cứ chuyện gì chúng tôi trao đổi với người địa phương.

Bực bội, chúng tôi đi tìm khách sạn và gọi về Hoa Kỳ. Chúng tôi có một vài người bạn, những người này chỉ cách cho chúng tôi đến được chỗ chúng tôi muốn.

Chúng tôi đã đến được chỗ chúng tôi muốn an toàn, nhưng không kém phần khó nhọc (*).

Chúng tôi đã đến với những người H'Mông lữ hành, Exodus, trốn tránh người Ai Cập thời hiện đại. Họ ở đâu đó trong vùng phía bắc tiểu bang Shan, giáp ranh biên giới Miến, Trung, Lào. Chúng tôi đã nghe họ khóc, nghe họ kể chuyện. Chúng tôi đã ăn chung một tô cơm, chấm chung một bát muối ớt, ngủ bên cạnh họ trên nền đất bazan lổn nhổn đá và dứt tay với họ ra đi, bất lực nhìn cuộc sống của họ trôi dạt không biết sẽ về đâu để bảo vệ niềm tin họ mới chấp nhận, nhưng đã cắm rễ rất sâu trong lòng họ.

Chẳng thấy dấu vết Vương quốc H'Mông mà nhà nước Việt Nam gán cho họ đâu nơi 54 gia đình chúng tôi găp, và khoảng 600 trăm gia đình chúng tôi được biết, nhóm 5, nhóm 7, trong cả hai vùng giao tranh giữa Liên Bang Miến và Miến Điện Mới, tiểu bang Shan, nơi không xa biên giới Trung Quốc, Thái, Lào. Chúng tôi chỉ thấy một đời sống nhọc nhằn, vô định của những người chân đất để bảo vệ niềm tin của họ. Họ sống trong âu lo, sợ hãi, trôi nổi như những bầy kiến tổ bị lụt nước tôi thường chăm chú nhìn theo hồi còn bé, chúng bám lấy nhau từng đàn, từng dề. Bầy kiến trong cơn mưa lũ bám chặt lấy nhau, ôm chặt lấy trứng, mặc dòng nước cuốn đi, cố gắng bảo vệ sự sống còn và tương lai của cộng đồng. Tương lai và lẽ sống của cộng đồng H'Mông theo đạo Tin Lành chính là đức tin của họ.

Chúng tôi chỉ thấy những người thật thà, chân phương, nhút nhát như nai, như thỏ mà đối với chính quyền Việt Nam họ là người đang âm mưu thành lập một Vương quốc H'Mông nhằm xóa bỏ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với chính phủ Miến, họ là những người nhập cư bất hợp pháp. Sự thật, họ là những người đang trốn tránh tận sâu trong rừng rú hẻo lánh để tìm nơi có thể được tự do thờ phượng và thực thi lòng tin của họ với đấng Cứu Thế, Chúa Giê-Su, mà ở Việt Nam bị gán là một thứ tà giáo cần phải loại bỏ.

Mỉa mai thay, những nơi họ đến, có tự do tôn giáo, nhưng không có đất cho họ dựng nên chỉ một nơi thờ phượng nho nhỏ ngoài căn nhà của họ. Đất đai không thuộc về họ. Ngay cả khi có người nằm xuống, xác phải cho trôi sông, hoặc bị đốt, tro trải trong rừng. Họ bị ruồng bắt bởi cả 3 chính quyền, Việt Nam, chính quyền Liên bang Miến và chính quyền Miến Điện Mới.

Cuộc sống của họ không ngớt bị đe dọa. Để có thể yên thân trong vùng Miến Điện Mới, một người đàn ông trong gia đình phải đi lính, suốt đời và không lương. Gia đình phải di chuyển theo đơn vị của người lính này.

Điều kiện để gia đình ở lại trong vùng đất của chính quyền Liên Bang cũng gần giống vậy, chỉ khác người đi lính phải sống trong quân đội đến 50 tuổi.

Nhập ngũ, cầm súng giết người để được ở yên, trái với lời dậy yêu thương kẻ thù và sự hòa bình của Chúa mà họ mới tìm được. Họ chỉ biết trốn chạy. Thân phận vô tổ quốc nổi trôi nơi lưu đầy còn tệ mạt hơn những người Bohemian Âu châu. Họ nghi ngờ người lạ mặt, nhất là nghi ngờ bất cứ người Kinh nào. Với họ, những người H'Mông tin Lành đang phải trốn chạy chính quyền Việt Nam, người Kinh là bộ mặt của sự đe dọa, sự bắt bớ, trừng phạt, bắt bỏ niềm tin tôn giáo họ vừa mở mắt nhìn thấy. ‘Người Kinh’ gán ghép, vu khống họ vào tội "thiết lập vùng an toàn dọc theo các biên giới Lào, Trung, Việt, Miến trong chiến lược lập một Vương quốc H'Mông", gieo vào các chính quyền quốc gia có chung biên giới với Việt Nam, ngay cả Miến Điện, sự nghi ngờ, săn lùng, xua đuổi họ. Chính những ‘người Kinh’ có chức, có quyền, có dùi cui, có còng số 8, có súng đạn đã làm hoen ố hình ảnh của tất cả các người Kinh khác. Những ‘người-Kinh-bắt-đạo’ là nguyên cớ của sự nghi kỵ, chia rẽ Kinh-Thượng, chia rẽ dân tộc.

Không thấy dấu vết của một Vương quốc H'Mông nhằm xóa bỏ nhà nước Việt Nam đâu, chỉ thấy một nhóm người tan tác. Già làng, trưởng bản của họ cũng thất lạc nơi nao. Sống ở bản làng xưa, truyền thống tôn trọng, tuân theo già làng, trưởng bản của họ khiến họ giờ như con chim mất định hướng, con rắn mất đầu. Chúng tôi ngồi nghe họ than thở, bây giờ chẳng biết nghe ai, theo ai, giờ mỗi người một ý, mỗi người một đường. Không ai trong họ có thể dám nói chuyện với chính quyền địa phương, và nói cho dân thuận lòng. Mỗi lần bị ruồng bắt, mạnh người nào người nấy bồng bế con, cõng cha mẹ già trốn. Như đám bèo, tụ rồi tan, tan rồi tụ. Chỉ giờ cầu nguyện là lúc nối kết với nhau. Họ cầu xin Chúa cho có một mục sư hay chí ít một thày giảng đạo đến với họ để nghe dậy bảo, nhưng họa chăng có phép lạ.

Không thấy một Vương quốc H'Mông đâu, chỉ thấy những đứa bé trần truồng lê la đất bùn, những người thiếu thốn vật chất đủ bề. Chưa khai khẩn được nương, phần lớn họ làm công cho chủ đồn điền trồng chuối gần đó nếu không thể đi hơn 50 cây số đường rừng sang trồng chuối bên Trung Quốc.

Không thấy một vương quốc H'Mông nào, nhưng thực tế sờ sờ trước mắt, cuộc sống của họ đang trong tay những ông vua Trung Quốc to, nhỏ. Kẻ là đầu nậu trung gian, kẻ là chủ đồn điền trồng chuối.

Chúng tôi bỏ lại cộng đồng dân cư người H'Mông đang trốn tránh chính quyền Miến Điện và Việt Nam để về xuôi. Bỏ lại họ với những vấn đề của họ mà chúng tôi chỉ biết bó tay cúi đầu thở dài, bất lực, bỏ lại họ với cái tội chết bị kết án bởi chính quyền Việt Nam : "[…]âm mưu, hoạt động nằm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. [...] là mũi nhọn, ngòi nổ tiến công để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập "Nhà nước- Vương quốc" trong vùng dân tộc thiểu số, tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 13/09/2018

(*) Xem thêm :

1. https://www.youtube.com/watch?v=h5PeGvENBVI&t=623s

2. https://www.youtube.com/watch?v=Tx7a3ynmGwg&t=457s

3. https://www.youtube.com/watch?v=6KIII06k6vs&t=31s

4. https://www.youtube.com/watch?v=MCIJtW87bVo

5. https://www.youtube.com/watch?v=dDSz7EBJkRg

http://www.vietnamthoibao.org/2018/09/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac.html

http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac.html

http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-ky-su-mien-ien-i-tim-anh-em-lac_11.html

Quay lại trang chủ
Read 1087 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)