Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/09/2018

Kiến trúc sư Việt Nam không cần ý tưởng của phương Tây

Mel Schenck

‘Miền Nam Việt Nam là một trung tâm của kiến trúc hiện đại thế giới’.

Đó là nhận định trong cuốn sách Kiến trúc Hiện đại Việt Nam sắp được phát hành của ông Mel Schenck, kiến trúc sư người Mỹ đang sống và làm việc tại Việt Nam và nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Nam An có buổi trò chuyện với ông Mel Schenck về lĩnh vực này.

kts1

Một góc đường Nguyễn Tùng Châu tại Sài Gòn vào năm 1972 (nay là Lê Thị Riêng, Quận 1.) - Courtesy of Mel Schenck

Nam An : Trong phần giới thiệu trên trang Facebook của quyển sách sắp phát hành, ông nói rằng Kiến trúc Hiện Đại Việt Nam độc đáo và đặc biệt. Điều gì khiến ông nghĩ vậy ?

Mel Schenck : Tôi từng sống ở Sài Gòn vào năm 1971 - 1972 và làm việc với các nhà thầu xây dựng Việt Nam khi mới tốt nghiệp kiến trúc ở Mỹ. Lúc đó, cả đời tôi có lẽ chỉ thấy ba hoặc bốn công trình kiến trúc hiện đại ở Mỹ. Rồi tôi đến Việt Nam, đi dạo trên đường Nguyễn Trãi (nơi căn chung cư tôi ở lúc đó) và thấy tất cả các dãy nhà phố, các cửa hàng ở đây đều là kiến trúc hiện đại. Tôi sửng sốt và nghĩ rằng mình đang ở thiên đường. Tôi đi dạo trong thành phố và nhận ra tất cả những công trình lớn được xây dựng tại đây vào những năm 50, 60, 70 đều theo phong cách hiện đại và là những công trình chất lượng cao. Trên thế giới chỉ có ba hoặc bốn quốc gia mà văn hóa khích lệ cho chủ nghĩa Kiến trúc Hiện đại gồm Israel, Brazil, một phần của Ấn Độ (cụ thể là New Deli) và Việt Nam. Việt Nam vượt qua các quốc gia đó về chất lượng và số lượng các công trình theo chủ nghĩa này. Điều đó khiến cho Kiến trúc Hiện đại Việt Nam rất độc đáo và khác biệt.

Nam An : Vai trò của các kiến trúc sư Việt Nam lúc đó thế nào thưa ông ?

Mel Schenck : Điều đã xảy ra là các kiến trúc sư Pháp theo trường phái Tân Cổ điển không bao giờ chuyển sang Hiện đại. Trong khi đó các kiến trúc sư Việt Nam được học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội lại đi theo trường phái Hiện đại. Một phần là vì giảng viên trường này tốt nghiệp ở Châu Âu đã bắt đầu biết tới Chủ nghĩa Hiện đại và dạy các sinh viên trường phái này. Do đó tất cả các sinh viên ra trường đều theo Chủ nghĩa Hiện đại và tất cả các công trình kiến trúc hiện đại ở Việt Nam lúc ấy đều được thiết kế bởi người Việt Nam.

Nam An : Vậy còn kiến trúc cổ truyền Việt Nam thì như thế nào ? Có những đặc điểm cổ truyền nào được gìn giữ trong những công trình hiện đại không ?

kts2

Ông Mel Schenck tại Sài Gòn năm 1972. Courtesy of Mel Schenck

Mel Schenck : Điều đó là chắc chắn. Tôi nói chuyện với các kiến trúc sư Việt Nam và họ đều có những cảm nhận rất hay về lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Họ hiểu những nguyên lý này. Những gì mà các kiến trúc sư Việt Nam tìm kiếm trong khoảng thời gian mà tôi gọi là Thời Kỳ Vàng Son của Kiến trúc Hiện đại Việt Nam khoảng từ 1945 – 1975, và ngay cả hiện nay là làm sao thể hiện chất Việt Nam. Họ đã nhìn vào các đặc điểm kiến trúc cổ trong quá khứ để tìm nguồn cảm hứng. Một ví dụ là các ngôi Đình, một dạng hội trường cộng đồng ở Việt Nam, đều có hàng hiên ở phía trước, thì chính hàng hiên đã trở thành một chi tiết trong Kiến trúc Hiện đại Việt Nam nhưng được biến đổi theo nhiều cách khác nhau như ban công hay ‘cấu trúc tường hai lớp.’ Ý tưởng hàng hiên ở Đình đã được áp dụng để cách nhiệt và tránh nắng cho mặt tường ở trong công trình.

Nam An : Nhiều công trình cổ ở Việt Nam hiện nay đã và đang bị phá hủy. Theo ông, chúng ta nên làm gì để bảo tồn những giá trị kiến trúc đó ?

Mel Schenck : Việt Nam đang nằm trong quỹ đạo chung của tất cả các quốc gia trên thế giới đã từng trải qua, xét về mặt kiến trúc. Điều trước tiên phải nói là ý thức về di sản kiến trúc của người dân chứ không phải chỉ giới kiến trúc sư và lãnh đạo. Người dân phải có những tổ chức. Ở San Francisco, có một tổ chức gọi là Di Sản rất có quyền lực trong vai trò bảo tồn kiến trúc. Điều này cũng đã xảy ra tương tự ở Việt Nam. Một nhóm trên mạng xã hội Facebook thành lập Đài Quan Sát Di Sản Sài Gòn (Saigon Heritage Observatory) đã tổ chức một chiến dịch phản đối chính quyền thành phố về việc phá hủy Dinh Thượng Thư đằng sau Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Những người Việt Nam này đã thu thập được hơn 6000 chữ ký và đưa lên cho chính quyền để xem xét lại việc phá hủy tòa nhà và chính quyền đã chấp thuận yêu cầu của họ. Người dân ở đây cũng đã có sức ảnh hưởng. Việc tiếp theo là phải lập danh sách các công trình cổ để có phương án bảo vệ thì hiện nay vẫn chưa được thực hiện.

kts3

Kiến trúc hiện đại của Việt Nam phức tạp hơn kiến trúc hiện đại quốc tế vì sử dụng cả hình thức lẫn chức năng - Courtesy of Mel Schenck

Nam An : Vậy kiến trúc ở những khu dân cư mới phát triển ở Việt Nam thì ông thấy thế nào ?

Mel Schenck : Những nhà phát triển đang sử dụng nhiều chiến lược khác nhau ở đây. Chiến lược thứ nhất là họ thiết kế phương án phát triển một hoặc một vài mẫu nhà ở. Nói chung là theo hướng các công trình căn hộ cao tầng cho mục đích thương mại. Vì các nhà phát triển này thường đến từ phía Bắc nên phong cách kiến trúc thường theo Tân cổ điển hoặc ‘kiểu Pháp’ theo như cách gọi của người phía Bắc. Theo ý kiến của tôi thì trường phái này rất tệ.

Chiến lược thứ hai chiếm khoảng 2/3 tỷ lệ hiện nay là họ sẽ chia và bán đất nền. Các mảnh đất được chia rộng từ 4-5m, dài 15-20m, và được xem là tiêu chuẩn đất ở thành phố tại Việt Nam. Điều đáng nói ở đây là người dân xây nhà theo phong cách hiện đại hầu như mọi lúc. Có lẽ khoảng 80% các công trình này là kiến trúc hiện đại. Văn hóa Việt Nam khích lệ cho chủ nghĩa kiến trúc này.

Nam An : Ông có biết những kiến trúc sư trẻ đoạt giải quốc tế người Việt nào không ? Ông có thường xuyên làm việc với họ ?

Mel Schenck : Có một hoặc hai người tôi nói chuyện thường xuyên mỗi tuần. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi nói chuyện với họ. Cuốn sách tiếp theo của tôi sẽ về kiến trúc đương đại Việt Nam và sẽ phỏng vấn những kiến trúc sư có tiếng này để biết thêm những gì mà họ đang làm cho kiến trúc đương đại Việt Nam.

Nam An : Ông có thể chia sẻ thêm về quyển sách Kiến trúc Hiện đại Việt Nam sắp phát hành vào năm sau ?

Mel Schenck : Tôi nói với các sinh viên Việt Nam rằng Việt Nam là trung tâm của Kiến trúc Hiện đại Thế giới, thì họ nói rằng ‘Không thể nào ! Kiến trúc ở đây bình thường thôi !’ Đương nhiên là đối với họ thì đó là điều bình thường vì họ lớn lên ở đây. Họ thấy mỗi ngày, một số sinh viên còn chưa ra tới Hà Nội. Các sinh viên nói là Kiến trúc Hiện đại ở đây thua Singapore, Kuala Lumpur, và cho rằng những công trình hiện đại hay nhất ở Nhật Bản. Theo tôi, điều này có thể đúng hoặc không, nhưng dĩ nhiên những bậc thầy Kiến trúc Hiện đại đến từ Nhật Bản. Nhưng khi bạn đến Nhật Bản thì bạn sẽ thấy văn hóa ở đây không kích lệ cho Chủ nghĩa Kiến trúc Hiện đại ở các ngôi nhà ở. Tôi xem nhà ở là thước đo để đánh giá tính khích lệ chủ nghĩa này. Các ngôi nhà ở Nhật được pha trộn giữa phong cách cổ truyền và mục tiêu tiện lợi. Chúng trông có vẻ hiện đại nhưng không phải theo Chủ nghĩa Hiện đại. Điều cốt lõi là văn hóa Nhật không khích lệ Chủ nghĩa Kiến trúc Hiện đại như tại Việt Nam. Quyển sách này dành cho các sinh viên để hiểu về giá trị kiến trúc của chính đất nước họ. Đối tượng thứ hai là độc giả quốc tế bởi vì Việt Nam là trung tâm Kiến trúc Hiện đại của thế giới nhưng chưa được thừa nhận.

Nam An : Ông có đề xuất nào để Việt Nam có thể làm rõ được những đặc điểm kiến trúc của mình không ?

Mel Schenck : Những gì đang xảy ra ở Việt Nam là tất cả những công trình cao tầng ở trung tâm được thiết kế theo kiểu quốc tế với những khối thép, kính. Những tòa nhà này đều được thiết kế bởi kiến trúc sư ngoại quốc, những người theo tôi là không phù hợp. Kiến trúc sư Việt Nam biết và không cần bất kỳ ý tưởng nào từ phương Tây. Họ đang vững bước trên con đường trở thành những người đi đầu trong kiến trúc thời đại thông tin dành cho nhà ở.

Nam An : Cảm ơn ông đã thành thời gian.

Nam An thực hiện

Nguồn : RFA, 14/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)