Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế giới còn có hy vọng chặn được Kim Jong-un ?

Dù xuất bản trước khi Bình Nhưỡng phóng thêm một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản hôm thứ Sáu 15/09/2017, các tuần báo Pháp vẫn dành nhiều giấy mực để bàn luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trang nhất Le Point đăng ảnh Kim Jong-un đang tươi cười với dòng tựa "Người đang bắt chẹt cả thế giới". Cũng dành trang nhất cho lãnh tụ Bình Nhưỡng, nhưng là một bức chân dung giận dữ, thở ra những cụm khói hỏa tiễn, Le Courrier International đặt câu hỏi : "Ai có thể chận được Kim Jong-un ?"

jong1

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sau khi phóng thành công của hỏa tiễn Hwasong-12. Ảnh của KCNA ngày 16/09/2017. KCNA via Reuters

Thế giới từng tránh được chiến tranh nguyên tử trong đường tơ kẽ tóc

Hồ sơ của Le Point điểm qua năm cuộc khủng hoảng hạt nhân đã từng làm cả thế giới hoảng sợ, mà nổi tiếng nhất là vụ hỏa tiễn Cuba năm 1962. Ngày 28/10/1962, chiếc tàu ngầm B-130 của Liên Xô chạy bằng điện và diesel phải trồi lên mặt nước để sạc bình điện, trong lúc bốn chiến hạm chống ngư lôi của Mỹ đang trấn ở đường ranh phong tỏa Cuba.

Cuộc khủng hoảng đã ở vào ngày thứ 14, từ khi Washington phát hiện các địa điểm đặt tên lửa của Cuba, nhờ một máy bay do thám. Chỉ huy trưởng Choumkov được lệnh từ Moskva sẵn sàng hành động. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Cùng ngày, CIA loan báo 24 hỏa tiễn ở Cuba đang hướng về Florida. Trong chiếc tàu ngầm B-130, nhiệt độ thay đổi từ 37 lên 57°C : hệ thống máy lạnh bị hư. Choumkov quyết định cho một ngư lôi vào bệ phóng, nhưng viên hạ sĩ quan phụ trách lắp đặt "vũ khí đặc biệt" bị ngất xỉu.

Từ khi hồ sơ lưu trữ của Nga được giải mật vào năm 2001, cộng với lời chứng của các thủy thủ, người ta mới biết rằng đó là một ngư lôi mang đầu đạn nguyên tử, và chiếc B-130 thuộc về một đội tàu ngầm nguyên tử cùng với ba chiếc khác. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ 30 tàu hàng, trong đó có 4 chiếc mang theo tên lửa hạt nhân chở đến cho Cuba.

Bị truy đuổi, một tàu ngầm khác của Nga là B-59 phải nổi lên rồi nhanh chóng lặn xuống. Chỉ huy trưởng Savitski, đã kiệt sức và không liên lạc được với Moskva, cũng ra lệnh chuẩn bị phóng một ngư lôi nguyên tử. Ông ta hét lên : "Chúng ta sẽ khai hỏa, sẽ chết hết, nhưng tất cả cũng sẽ chết theo". Vài sĩ quan, trong đó có Vassili Arkhipov từng phục vụ trên chiếc K-19 mà lò phản ứng hạt nhân đã bị rò rỉ năm trước đó, can ngăn Savitski, tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử thấy rõ. Hôm sau, Khrouchtchev ra lệnh rút lui các tàu ngầm và tàu vận tải, loan báo sẽ tháo dỡ các thiết bị ở Cuba, đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ không xâm lăng đảo quốc.

Việt Nam cũng suýt phải lãnh bom nguyên tử

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã làm quên đi nhiều vụ trước đó, mà việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt đã được nêu ra. Người Mỹ đã đề cập đến trong chiến tranh Triều Tiên 1950 rồi 1953, để chống lại Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Khi thất bại thấy rõ trong trận Điện Biên Phủ, Pháp đã đề nghị đồng minh Mỹ sử dụng để tấn công Việt Minh, nhưng không được chấp nhận. Năm 1956, khi Pháp và Anh đổ bộ xuống kinh đào Suez của Ai Cập, đến lượt đồng minh Liên Xô của ông Nasser đe dọa : Moskva sở hữu bom H từ năm 1953.

Năm 1958, để cứu các đảo Kim Môn (Quemoy) và Mã Tổ (Matsu) bị Trung Hoa cộng sản dội bom, người Mỹ đưa vũ khí nguyên tử đến hỗ trợ Đài Loan, khiến Mao Trạch Đông đành phải nhượng bộ. Đến năm 1969, cuộc xung đột Nga-Trung xung quanh dòng sông Oussouri (Ô Tô Lý Giang, theo tiếng Hoa) và ở biên giới Tân Cương khiến Moskva gợi ý cho Mỹ "tiên hạ thủ vi cường", đánh vào các cơ sở hạt nhân Trung Quốc. Nixon không đồng ý và báo cho Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng dừng lại ở đó, trong một thế giới mà sau sự cố làm dựng tóc gáy ở Cuba, ai nấy đều hiểu rằng nguyên tử là bảo đảm tốt nhất để hạ nhiệt.

Kim Jong-un và giấc mơ trị vì bán đảo Triều Tiên

Thế nhưng vì sao người nối dõi của họ nhà Kim chỉ trong 6 năm qua đã cho thử hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử còn nhiều hơn người cha Kim Jong-il trong suốt 17 năm trị vì ? Thử đặt mình vào vị trí của Kim Jong-un, thông tín viên Sébastien Falletti của Le Point cho rằng, ngoài mục đích tự vệ, nhà độc tài trẻ tuổi còn mơ được ngự trị trên toàn bán đảo Triều Tiên.

"Thống chế" 34 tuổi áp dụng triệt để những gì đã tuyên bố trong bài diễn văn vào ngày 1 tháng Giêng năm nay : thêm nhiều hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) và tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Thậm chí Kim Jong-un còn chơi sang hơn : tặng ngay một quả ICBM vào đúng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Quả bom H được thử vào ngày 3/9, gây ra một trận động đất 6,3 độ Richter là món quà khác cho Washington trong dịp lễ Lao động Mỹ, đồng thời là cái tát cho Tập Cận Bình vào đúng thời điểm hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Cheong Seong Chang, chuyên gia của Viện Sejong ở Seoul nhận định : "Từ nay ông ta đã có quả bom, giờ chỉ còn việc nắm được công nghệ đạn đạo, và muốn vậy cần phải thử ICBM ít nhất hai, ba lần nữa". Trở ngại lớn nhất là giai đoạn chạm vào khí quyển, khi đầu đạn phải chịu đựng sức nóng 7.000°C và bị rung chuyển dữ dội.

Ván bài tẩy giữa Donald Trump và Kim Jong-un

Nhưng các chi tiết kỹ thuật không quan trọng mấy nữa. Kim Jong-un đã vượt được thách thức chính trị. Theo Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Jong-un đã củng cố được tính chính danh của chế độ, đóng vai người bảo vệ đất nước. Bom nguyên tử được coi là "bản sắc", ghi vào Hiến pháp 2012. Kim Jong-un còn dành cho các kỹ sư một ưu tiên hiếm hoi trong chế độ toàn trị này, đó là quyền được thất bại ! Nếu trước đây Kim Jong-il giận dữ khi không đạt mục tiêu, thì người thừa kế lại khuyến khích thử nghiệm dù không thành công, miễn là thu thập được những dữ liệu cần thiết.

Mùa Xuân Ả Rập và cái chết bi thảm của Kadhafi - lãnh đạo Libya đã chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt - được Jong-un coi là bài học, và càng muốn sau này được yên nghỉ trong quan tài kính đặt tại lăng Kumsusan như cha ông. Cheong Seong Chang cho rằng mục tiêu tối hậu của Jong-un là chinh phục để thống nhất Triều Tiên.

Chuyên gia này phân tích : "Ông ta không muốn chiến tranh với Mỹ vì không có cửa thắng, nhưng với bom nguyên tử, nhà độc tài hy vọng sẽ khiến Washington không thể can thiệp trong trường hợp hai nước Triều Tiên xung đột. Kim Jong-un biết rằng Hoa Kỳ không dám dùng đến giải pháp quân sự, thế nên cứ việc dấn tới". Một ván bài tẩy nguy hiểm, trước một tổng thống Mỹ khó đoán định.

Một đất nước Triều Tiên, hai chế độ ?

Làm thế nào ra khỏi khủng hoảng ? Ngồi vào bàn đối thoại, hay tìm cách trừ khử Kim Jong-un ? Hồ sơ của Le Courrier International giới thiệu một số giải pháp khác nhau từ Châu Á. Tại Nhật Bản, nhà triết học Tatsuru Uchida đề nghị giải pháp êm dịu "Một đất nước (Triều Tiên), hai chế độ" : thống nhất bán đảo Triều Tiên và thành lập một liên bang.

Ông Uchida lý luận, nếu xảy ra chiến tranh Mỹ-Triều, Hoa Kỳ có thể phóng các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa sang Bắc Triều Tiên. Nhưng với tầm vóc tấn công nguyên tử như thế, phóng xạ sẽ bay sang cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Liệu Mỹ có dám gánh lấy trách nhiệm đã biến bán đảo Triều Tiên, vùng Primorsky của Nga (mà thủ phủ là Vladivostok) và đông bắc Trung Quốc thành hoang mạc ? Ngay cả bạo chúa Tần Thủy Hoàng và đại đế Napoléon I cũng chẳng dám xóa sổ một đất nước 24 triệu dân trên bản đồ.

Trường hợp một hàng không mẫu hạm Bắc Triều Tiên ngược dòng sông Hudson, bắn hỏa tiễn vào Manhattan, lại là chuyện khác. Cuộc xung đột có thể chỉ giới hạn ở việc tập trung không kích vào các nhà máy nguyên tử Bắc Triều Tiên, không gây thiệt hại lớn cho dân chúng. Nhưng dù các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bệnh viện không bị hư hại, nhưng chính quyền nào sẽ quản lý ? Người Mỹ đã từng lật đổ các chế độ độc tài ở Afghanistan, Libya, Iraq, lập nên các chính quyền dân chủ, nhưng chưa bao giờ đạt được mục tiêu. Nhật Bản là thành công duy nhất, cách đây đã 72 năm. Có lẽ nên giao cho người Bắc Triều Tiên điều hành đất nước họ, nhưng có một giải pháp nhẹ nhàng hơn : "Một đất nước, hai chế độ" theo kiểu Hồng Kông.

Kịch bản này từng được Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đề nghị với đồng nhiệm Hàn Quốc Chun Doo Hwan năm 1980. Được đặt tên là "Cộng hòa Dân chủ Liên bang Koryo" (tức Cao Ly, tên cổ của vương quốc thế kỷ 10-14, nay là bán đảo Triều Tiên), quốc gia mới sẽ là liên bang gồm hai Nhà nước, mỗi bên giữ nguyên chế độ chính trị. Dự định không thành, vì miền Bắc đòi hỏi rút hết quân Mỹ đang đóng tại miền Nam. Đến năm 2000, Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) lại đưa ra với tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Đối với Kim Jong-un (Kim Chính Ân), giải pháp này có lẽ cũng không tệ, nếu được thoải mái ngự trị trong "vương quốc", khỏi bị stress trước nguy cơ nổi dậy, đảo chính.

Hiểm họa tiềm tàng khi Bình Nhưỡng sụp đổ

Vấn đề gây lo ngại lâu nay vẫn là tình trạng hỗn loạn một khi Bình Nhưỡng sụp đổ, sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn người chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Không chỉ người tị nạn, mà còn những mối nguy hiểm lớn hơn rình rập. Bắc Triều Tiên sở hữu một lượng lớn vũ khí, ma túy và đô la giả. "Dirty business" vốn là chính sách nhà nước, giá bán những "sản phẩm" này trên thế giới rất cao. Chế độ bị sụp, các lực lượng khác nhau sẽ tranh giành lợi ích. Kịch bản tệ hại nhất là các phe nhóm quân sự trang bị vũ khí hiện đại sẽ đi đánh thuê cho Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ. Hoặc các giới chức điều hành loại kinh doanh bẩn này sẽ phục vụ cho mafia quốc tế.

Theo một số ước tính, bộ binh Bắc Triều Tiên có khoảng 1,02 triệu lính, hải quân 60.000 và không quân 110.000 ; cộng thêm 4,7 triệu quân dự bị, 3,5 triệu Hồng vệ binh công nông, 190.000 công an. Nói cách khác, khoảng 10 triệu/24 triệu dân được huấn luyện để giết người. Cần nhắc lại ở Iraq, do Mỹ giải thể Vệ binh Cộng hòa của Saddam Hussein, các thành viên lực lượng này nay trở thành hạt nhân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daesh). Nhưng Vệ binh Cộng hòa Iraq chỉ có 70.000 quân, còn 10 triệu lính Bắc Triều Tiên thất nghiệp, liệu có tham gia các lực lượng khủng bố hay không ?

Một con người bắt nạt được cả thế giới

"Hòa hoãn chỉ dẫn đến thất bại". Đó là ý kiến của Vinh Kiếm (Rong Jian), nhà phê bình độc lập Trung Quốc, đăng trên tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) của Singapore. Ông chỉ trích sự thụ động, tính toán của Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, đã khiến cho tình hình ngày càng trầm trọng thêm.

Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo, nhưng Donald Trump thực dụng kiểu con buôn, lại bị Trung Quốc và Nga thọc gậy bánh xe, còn Hàn Quốc muốn hòa giải. Nhật và Hàn không hề muốn dùng giải pháp quân sự Bình Nhưỡng, và dù có muốn cũng không có phương tiện. Seoul rất sợ một Triều Tiên thống nhất bằng vũ lực, vì điều đó có nghĩa là kinh tế sẽ bị thụt lùi 50 năm ; còn Tokyo bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa.

Tất cả dẫn đến kết luận : cơ chế hòa dịu của quốc tế chỉ tạo nên môi trường thuận lợi cho Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Chỉ trong hơn một chục năm, Bắc Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa nguyên tử cho tất cả các nước Đông Á. Sự kiện một quốc gia nhỏ bé (đúng ra chỉ là một con người) có thể bắt chẹt các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc, là điều nhục nhã nhất trong lịch sử chính trị quốc tế và nhân loại.

Kịch bản quốc tế tuyên chiến với Bắc Triều Tiên

Thế thì phải làm thế nào bây giờ ? Nếu tiếp tục hòa hoãn, coi như công nhận tính chính danh của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử ở Đông Á, tức là nói lời vĩnh biệt với hòa bình. Theo tác giả Vinh Kiếm, nay chỉ còn cách năm nước Trung, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn thật sự liên kết lại để đối phó, và thời gian không còn nhiều nữa.

Trước tiên, Liên Hiệp Quốc cần tuyên bố chế độ Bắc Triều Tiên là vô nhân đạo nhất kể từ sau Đức quốc xã, kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết lại. Ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung phải tay trong tay để giải quyết dứt điểm hồ sơ này.

Thứ hai, lập tức ra nghị quyết trừng phạt, chấm dứt hẳn mọi quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng, tiến hành cấm vận toàn bộ, đặc biệt là dầu lửa, khoáng sản, ngũ cốc. Tạm ngưng mọi viện trợ nhân đạo, phong tỏa tất cả các kênh tiếp tế.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế mà đứng đầu là Hoa Kỳ, với sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc, tuyên bố chiến tranh với Bình Nhưỡng. Các nước liên quan huy động quân đội và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ; Trung, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn đồng thanh công khai lâm chiến, riêng Hàn Quốc cho di tản chiến thuật dân cư. Trước áp lực khủng khiếp về kinh tế lẫn quân sự, Bắc Triều Tiên sẽ phải chọn lựa, hoặc từ bỏ vũ khí hạt nhân, hoặc chấm dứt sự hiện hữu.

Vẫn còn có thể hạ gục Kim Jong-un, nhưng không thể chần chờ

Theo tờ The Wall Street Journal, "Cần phải trừ khử Kim Jong-un thôi !". Một cuộc tấn công quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng, vì Washington còn có thể gây áp lực đồng bộ lên Bình Nhưỡng trên nhiều lãnh vực : ngoại giao, thông tin, quân đội, kinh tế, tài chính, tình báo và luật quốc tế.

Về ngoại giao, Hoa Kỳ có thể tăng mạnh sức ép lên một số nước để buộc cắt đứt hoặc hạn chế mối liên hệ với Bắc Triều Tiên. Tuy chế độ Bình Nhưỡng để cao tự cung tự cấp, nhưng rất cần kết nối với thế giới bên ngoài để thu về ngoại hối, nguyên liệu và công nghệ. Về thông tin, những người đào thoát đã cung cấp không ít. Hoa Kỳ và đồng minh phải nỗ lực thêm để cổ vũ giới tinh hoa bỏ ngũ hay nổi dậy. Về quân sự, triển khai lá chắn tên lửa, vũ khí quy ước và thậm chí vũ khí nguyên tử chiến thuật nhằm răn đe.

Trên lãnh vực kinh tế, Bình Nhưỡng nhờ đến một mạng lưới thương nhân Trung Quốc để né tránh cấm vận và lập ra các đối tác thương mại hợp pháp. Trừng phạt mạng lưới này sẽ làm tổn thương nền kinh tế miền Bắc. Về tài chính, hồi tháng Sáu Washington đã trừng phạt Ngân hàng Đan Đông, nay nên nhắm đến các ngân hàng lớn hơn. Ngành tình báo dưới thời ông George W. Bush đã giúp ngăn chận Bắc Triều Tiên xuất khẩu vũ khí, cần mở rộng đối với các mặt hàng xuất khẩu khác.

Cuối cùng là luật pháp quốc tế. Năm 2014, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc định đưa vấn đề vi phạm nhân quyền tại các trại cải tạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng Trung Quốc và Nga bênh vực Bình Nhưỡng. Nếu chế độ đã sống sót sau trận đói khủng khiếp trong thập niên 90, thì năm nay, bóng ma nạn đói lại đang đe dọa vì mất mùa ngũ cốc đến 30% ; và người dân Bắc Triều Tiên nay đã biết ít nhiều đến thế giới bên ngoài, sẽ khó chấp nhận.

Tờ báo cho rằng dùng áp lực viện trợ lương thực để làm sụp đổ một chính phủ có vẻ phi đạo đức, nhưng Bắc Triều Tiên là một trường hợp đặc biệt. Viện trợ trong quá khứ là một sai lầm, đã giúp duy trì một trong những chế độ tồi tệ nhất lịch sử. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 40% dân số miền Bắc bị suy dinh dưỡng, trong khi chính quyền vẫn đổ những số tiền khổng lồ vào việc chế tạo vũ khí. Vì vậy giải pháp nhân đạo nhất chính là làm kết thúc càng nhanh càng tốt Nhà nước Bắc Triều Tiên.

The Wall Street Journal kết luận, ngoài giải pháp quân sự, Hoa Kỳ và đồng minh chưa bao giờ khai thác tất cả các khả năng khác. Washington vẫn còn có thể đánh gục Kim Jong-un, nhưng tình thế đã gấp gáp lắm rồi.

Thụy My

Published in Quốc tế
samedi, 09 septembre 2017 22:38

Khi ông Kim làm nhục ông Tập

Lần thứ nhì trong bốn tháng qua, ông Kim Jong-un đã dám làm nhục Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, lãnh tụ duy nhất trên thế giới có đủ sức mạnh và quyền lực để bóp cổ nền kinh tế của Bắc Hàn với ảnh hưởng có tiềm năng có thể dẫn đến bại vong cho chế độ Bình Nhưỡng.

khi1

Khi ông Kim làm nhục ông Tập

Ông Kim không những thực hiện vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật tuần rồi biết rằng nó sẽ làm Bắc Kinh nổi giận, ông còn làm như vậy trong khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp đón các lãnh tụ của Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi trong khối BRICS ở thành phố Hạ Môn.

Vụ thử tạo nên một cơn địa chấn đo được 6.3 độ Richter, làm rung chuyển một vùng thuộc tỉnh Cát Lâm gần biên giới với Bắc Hàn. Tối hôm Chủ Nhật, Bộ Môi Trường Trung Quốc nói họ sẽ theo dõi khu vực biên giới để xem có phóng xạ hay không.

Vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật đến chỉ chưa đầy một tuần lễ sau khi chế độ của ông Kim phóng một hỏa tiễn bay ngang qua Nhật, trong một cử chỉ tính toán để làm nhục Tokyo và gián tiếp là đồng minh Hoa Kỳ của họ. Cũng hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Donald Trump đổ thêm dầu vào lửa, ngầm ý nói là vụ thử hạt nhân này là một sự làm nhục chính là cho Trung Quốc, mà lãnh thổ bị các cơn hậu chấn thực sự làm rung chuyển. Ông Trump tweet : "Bắc Hàn là một quốc gia đạo tặc vốn đã trở thành một đe dọa và một mối bực tức cho Trung Quốc, vốn đang tìm cách giúp đỡ nhưng không có bao nhiêu thành công".

Nhưng vẫn còn chưa rõ là ngay cả một sự sỉ nhục gửi đến vào ngay trước một sự kiện quan trọng của Trung Quốc có thuyết phục được ông Tập sử dụng một trong những biện pháp hữu hiệu nhất mà cho đến nay họ chưa bao giờ sử dụng đối với Bình Nhưỡng : Chặn việc cung cấp xăng dầu vào Bắc Hàn.

Cũng như đe dọa của ông Trump sẽ đổ "máu lửa và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng được mọi người coi là không có thực chất vì tiềm năng tàn phá cho Nam Hàn và Nhật của một cuộc phản công của Bắc Hàn. Bắc Kinh thực sự cũng bị giới hạn như vậy trong cách hành xử vì lo sợ một cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn có thể xảy ra vì sự sụp đổ kinh tế và chính trị của Bắc Hàn.

Một nhân vật thân cận với các nhà làm kế hoạch ngoại giao cho Bắc Kinh giải thích : "Cái vụ thử hạt nhân này là một trong những điều rất ít có thể dẫn đến một sự cắt đứt cung cấp nhiên liệu, nhưng chúng tôi vẫn còn ngần ngại làm vậy. Theo cách nhìn của Bình Nhưỡng, cả ông Trump lẫn ông Tập đều là cọp giấy".

Ông Michael Kovrig của tổ chức International Crisis Group đồng ý.

Ông nói : "Trung Quốc coi cấm vận là một hình phạt cho hành vi xấu chứ không phải là phương tiện hữu hiệu để đạt giải giới". Ông Kovrig đang ở chính vùng biên giới thuộc tỉnh Cát Lâm hôm Chủ Nhật và thấy đất rung chuyển sau vụ thử hạt nhân. Nhưng ông nói : "Tôi không tin là Trung Quốc sẽ cắt đứt việc cung cấp xăng dầu, vì như vậy có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế của Bắc Hàn và trả thù".

Cũng phải xin thêm là cuộc họp của ông Tập tuần này với các lãnh tụ khối BRICS là cuộc họp quốc tế quan trọng thứ nhì mà ông chủ trì năm nay. Biến cố ngoại giao quan trọng nhất của ông – một diễn đàn hôm Tháng Năm cho sáng kiến "Con đường lụa mới" nhằm tăng cường các liên hệ hạ tầng cơ sở ở vùng lục địa Âu Á và Phi Châu – cũng bị Bình Nhưỡng qua mặt khi họ thử thành công một hỏa tiễn tầm trung có khả năng bắn trúng đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và là nơi có căn cứ của các phi cơ ném bom tàng hình có thể chở đầu đạn hạt nhân đến tấn công Bắc Hàn.

Hôm tối Chủ Nhật, phần chính của bản tin trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn trước với cuộc họp thượng đỉnh BRICS và để dành hơn một nửa thời lượng cho cuộc họp này, trong khi chỉ nhắc đến vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn trong một mẩu tin ngắn ở cuối chương trình.

Trong khi không nhắc đích danh Bắc Hàn ở Hạ Môn hôm Chủ Nhật, ông Tập nói "khủng bố, đột nhập tin tặc và ‘những đe dọa khác’ đã là một bóng đen che phủ địa cầu".

Giáo Sư Thời Ân Hoàng, chuyên gia về bang giao quốc tế ở viện đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, tin là sự liên tiếp khiêu khích này là bằng cớ "quyết chí và tự tin" của lãnh tụ trẻ tuổi ở Bắc Hàn. Giáo sư nói : "Kim Jong-un không lo ngại về điều mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể làm. Những lệnh cấm vận ngày càng rộng và khắc nghiệt của Liên Hiệp Quốc có thể đau đớn, nhưng ông cũng biết là ông đang tiến tới đạt được mục tiêu của mình là có được một hỏa tiễn hạt nhân hoạt động tốt". Ông nói thêm : "Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Trung Quốc có những nhượng bộ lớn về Bắc Hàn hết lần này sang lần khác. Trung Quốc không còn bao nhiêu cách để đối phó với Bắc Hàn nữa".

Đối với ông Tập, sự nhức đầu và bực bội này là điều ông phải thường xuyên chịu đựng vì ông Kim là một người đặc biệt khó chịu và bản thân ông không có cảm tình với lãnh tụ trẻ của nước láng giềng này.

Trong khi các lãnh tụ Trung Quốc thường xuyên tỏ vẻ khinh thường với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn trong những cuộc nói chuyện riêng tư, tuần rồi, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc tiết lộ là chính Chủ tịch nước của quốc gia này cũng không ưa gì ông Kim.

Ông Max Baucus, người làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh cho đến khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền, nói với chương trình Today của đài phát thanh số 4 của hệ thống BBC là ông Tập Cận Bình ghét cay ghét đắng ông Kim Jong-un, nhưng sẵn sàng dung túng nhà độc tài này vì sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Ông Baucus bảo ông Tập "kinh sợ bất ổn ở bán đảo Triều Tiên".

Ông kể lại : "Cái thành ngữ chửi rủa tệ nhất mà tôi từng được nghe Chủ tịch Tập Cận Bình dùng là để tả ông Kim Jong-un. Ông ấy không thích cái người đó tí nào cả". Nhưng ông thêm : "Trung Quốc tôn thờ ổn định. Họ sẵn sàng dung túng sự bất định về chương trình hỏa tiễn của ông Kim ngày nào mà bán đảo Triều Tiên còn ổn định về kinh tế và chính trị. Họ không muốn một cuộc khủng hoảng mà kết quả là dân tỵ nạn đổ qua biên giới vào Trung Quốc. Họ chắc chắn không muốn giải pháp mà theo đó Hoa Kỳ và Nam Hàn có thêm ảnh hưởng ở bán đảo này, và bởi vì, trông kìa, Hoa Kỳ căn bản đã vào đến ngay cửa sau của Trung Quốc".

Bởi thế, ông Tập sẵn sàng để cho "tên nhóc mập ú" đó làm nhục mình.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 09/09/2017

Published in Diễn đàn

Bom hạt nhân và kinh tế : Hai ưu tiên của Kim Jong-un

Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục thu hút chú ý . Tựa trang nhất Le Monde : "Cộng đồng quốc tế bất lực trước thách thức hạt nhân Kim Jong-un". Les Echos : "Đối diện với Bắc Triều Tiên, các đại cường mỗi người một phách". Le Figaro phân tích phản ứng nước đôi của Trung Quốc.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và vợ, bà Ri Sol-ju, tại buổi khai trương khu giải trí Rungna, Bình Nhưỡng, 25/7/2012. Reuters/KCNA/Files

Libération ghi nhận đòi hỏi phát triển vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc để tự vệ. La Croix có bài về Bắc Triều Tiên như "một thế lực hạt nhân mới" và cách đối phó. Trước hết xin giới thiệu bài "Bom và kinh tế, hai ưu tiên của Kim Jong-un" của Le Monde.

Nhà báo Philippe Pons mở đầu bài viết với nhận định : Không thiếu những bình phẩm, như "kẻ bệnh hoạn" hay "cậu nhỏ mũm mĩm ấm đầu", đã được dành cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, lâu nay. Có thể thấy người ta đã "đánh giá thấp" nhân vật 33 tuổi này, nếu so sánh với thực tế hiện nay là Bắc Triều Tiên đang trở thành một cường quốc nguyên tử mới, thách thức không chỉ Hoa Kỳ, mà cả Trung Quốc.

Bài viết điểm lại con đường chính trị của Kim Jong-un, vốn chỉ được coi là một kẻ "thiếu kinh nghiệm", khi được chỉ định kế tục người cha quá cố tiếp nối quyền lãnh đạo, hồi 2011, cho đến chỗ thâu tóm toàn bộ quyền lực.

Kim Jong-un tỏ ra "quyết đoán hơn" những gì người ta từng dự đoán, với việc thanh trừng hàng loạt những ai không trung thành (trong đó phải kể đến người chú dượng Jang Song-taek, vốn được coi là quân sư số một). Lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên giao phó công việc cho một nhóm cận thần trạc tuổi 40 và một số người thuộc thế hệ cũ, nhưng tự bản thân nắm quyền quyết định.

Trong lĩnh vực hạt nhân, chủ trương của lãnh đạo Bình Nhưỡng là tiếp nối quan điểm của các thế hệ trước : Đó là nỗ lực làm chủ vũ khí hạt nhân, "để một ngày nào đó, có thể thương lượng với Hoa Kỳ trên thế mạnh, nhằm giải quyết toàn diện vấn đề Triều Tiên", vốn vẫn trong tình trạng đình chiến, nhờ một thỏa thuận ngưng bắn cách nay 64 năm.

Khăng khăng về hạt nhân, nhưng mềm dẻo về kinh tế

Nhà báo Pháp nhấn mạnh là : "Từ chối mọi nhân nhượng trong vấn đề hạt nhân, Kim Jong-un lại tỏ ra mềm dẻo trong lĩnh vực ý thức hệ". Kim Jong-un đã lấy bớt của quân đội một phần quyền lực kinh tế, vốn được giao phó rộng rãi dưới thời Kim Jong-il, tập trung quyền nhiều hơn cho đảng, và dành cho một nhóm những người điều hành trực tiếp, mà "đa số là các nhà kỹ trị", có nhiều thẩm quyền quyết định độc lập trong lĩnh vực kinh tế.

Thành phố Bình Nhưỡng, với nhiều đại lộ mới, nhà chọc trời, công viên giải trí, cửa hàng, thậm chí cả tình trạng giao thông tắc nghẽn, cho thấy "sự chuyển đổi kinh tế và xã hội, dưới sự chỉ huy của chế độ, là không thể đảo ngược". Cải cách đã cho phép ra đời một khu vực kinh tế hỗn hợp công – tư, với một số nhóm xã hội mới, như các nhà doanh nghiệp, nhà buôn, người môi giới, có liên hệ với "giới cầm quyền truyền thống", thông qua các thành phần được hưởng "bổng lộc".

Theo tác giả, tình thế của Bắc Triều Tiên hiện tại là rất mong manh như đi bên bờ vực thẳm (nguyên văn : "sur la corde raide"). Chế độ Bình Nhưỡng đang đối mặt với một nguy cơ khủng hoảng lương thực, do nạn hạn hán mùa hè vừa qua, và việc quốc tế gia tăng trừng phạt, khiến khả năng cất cánh kinh tế có thể bị triệt tiêu. Philippon Pons đặt câu hỏi : "Liệu chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt… được duy trì từ nửa thế kỷ nay trong não trạng bị bao vây thường trực, và sự bảo đảm của chế độ - nhờ vũ khí hạt nhân răn đe – là dân chúng sẽ không bao giờ phải nếm trải những đau khổ do chiến tranh…, (các sức mạnh tinh thần đó – người viết) có đủ để một lần nữa huy động người Bắc Triều Tiên" đối mặt với các thách thức mới ?

Mỹ và Trung Quốc : Hai thế lực nắm chìa khóa

Trở lại với tình hình hiện tại của cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, bài xã luận của Le Monde "Bình Nhưỡng khiêu khích Bắc Kinh và Washington" nhận xét : "Chỉ có một mặt trận thống nhất Trung-Mỹ mới có thể, nếu không cản trở được Bình Nhưỡng trang bị vũ khí hạt nhân, thì ít nhất cũng ngăn chặn được các hệ quả mang tính đảo lộn. Hai ông Trump và Tập là những người có trách nhiệm chính" trong vấn đề này.

Trong khi đó, bài "Mỹ đòi 'các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất' tại Liên Hiệp Quốc" của Le Figaro ghi nhận khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong lúc "Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng phải lùi bước lập tức, Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm, vốn gần với lập trường của Bắc Triều Tiên", đó là cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên, đều cần nhân nhượng, Hoa Kỳ phải ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, điều mà Washington không chấp nhận. Quan điểm của Mỹ được các đồng minh Anh, Pháp, Nhật và Hàn Quốc ủng hộ.

Tuy nhiên, Le Figaro nhận xét : việc Bình Nhưỡng gia tăng nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân, và các tuyên bố đe dọa mang lại ấn tượng Bắc Triều Tiên đang muốn "chiến tranh bằng mọi giá", theo đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Đối diện với các lên án đồng loạt của quốc tế, tình trạng của Trung Quốc hiện nay có thể nói như "đi trên dây".

Đồng minh duy nhất mà Bắc Kinh có thể nương tựa là Nga, vốn bác bỏ việc sử dụng sức mạnh. Tuy nhiên, theo Le Figaro, tuy "Moskva khẩn thiết kêu gọi mở thương lượng với chế độ Stalin duy nhất còn lại của hành tinh, nhưng lại không thực sự đứng ra đảm nhiệm vai trò trung gian… giữa một bên là Bắc Triều Tiên và bên kia là phương Tây, hiện đã gần hết kiên nhẫn".

Trung Quốc "đi dây" được đến khi nào ?

Thế đi dây của Trung Quốc thể hiện rõ qua tình trạng buôn bán bê trễ ở khu vực biên giới với Bắc Triều Tiên, được Le Figaro mô tả qua bài phóng sự tả về "các chợ ma" đường biên. Sau các quyết định cấm vận nhập khẩu quặng than, sắt và chì, đặc biệt là cấm nhập hải sản từ Bắc Triều Tiên, mà Bắc Kinh chấp nhận thi hành theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, đời sống của hàng trăm nghìn dân cư biên giới Trung Quốc lao đao.

Tại thị trấn Hunchun, hàng chục nghìn doanh nhân đã xuống đường biểu tình, một "phản ứng vô cùng hiếm hoi" trong giới chủ Trung Quốc. Theo các nhân chứng tại chỗ, đây là "lần đầu tiên" Trung Quốc áp dụng một trừng phạt nghiêm ngặt đến như vậy, đối với buôn bán qua biên giới. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ trước các phản ứng của cư dân địa phương.

Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : Liệu Bắc Kinh có thể tuân thủ các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc đến khi nào ? Theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, trường Harvard Kennedy School, vùng biên giới đông bắc Trung Quốc là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người Hoa gốc Triều Tiên, một cuộc khủng hoảng bùng lên tại đây là rất bất lợi cho ông Tập Cận Bình, hiện đang chuẩn bị cho cuộc Đại hội mang tính chiến lược vào tháng 10.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi là Trung Quốc cần "cấm vận dầu lửa" đối với Bắc Triều Tiên, mới có cơ may thực sự buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng. Lập trường nước đôi của Trung Quốc rõ ràng ngày càng trở nên mỏng manh hơn, trước áp lực quốc tế đòi hỏi trừng phạt mạnh tay hơn.

Hàn Quốc : Bình Nhưỡng đã "vượt lằn ranh đỏ"

Về phía bán đảo Triều Tiên, tại Hàn Quốc, theo Libération, không khí căng thẳng dâng cao khiến phe chủ chiến ngày càng có cớ để lên tiếng buộc tổng thống Moon Jae-in từ bỏ "chính sách hòa bình".

Theo Libération, hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đối với Hàn Quốc, đây chính là "lằn ranh đỏ" mà Bắc Triều Tiên không được phép vượt qua, như tuyên bố của tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5/2017.

Miền Bắc thử bom, chứng khoán miền Nam không giảm

Về chính trị, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động làm ăn tại Hàn Quốc dường như vẫn diễn ra bình thường. Theo Les Echos, bất chấp các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, chứng khoán Hàn Quốc, kể từ đầu năm đến nay vẫn tăng 15%.

Bài "Chứng khoán Seoul kháng cự lại các vụ thử hạt nhân Bắc Hàn" nhấn mạnh đến nguyên do sâu xa của xu thế bình ổn này là do kinh tế châu Á nói chung hoạt động tốt, và tình hình Hàn Quốc được cải thiện nhiều sau khi tổng thống Moon Jae-in đắc cử tháng 5/2017, với chính sách tích cực như giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, tăng lương tối thiểu, hay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tình trạng tuyệt vọng của người Rohingyas ở Miến Điện

Trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên bao trùm thời sự quốc tế, Libération chú ý đến làn sóng tị nạn của người Rohingya ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, tràn sang Bangladesh, do sợ bị tàn sát. Theo Liên Hiệp Quốc, trong vòng 10 ngày gần đây, đã có gần 90.000 người tị nạn.

Theo các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại Rakhine, tình trạng nhân đạo ở đây là thê thảm, toàn bộ các trợ giúp thực phẩm đã bị đình chỉ kể từ khi xung đột bùng nổ, ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 250.000 cư dân. Một số tổ chức phi chính phủ cho biết đã phải rời bỏ các trạm y tế địa phương, khiến các bệnh nhân Sida và ung bướu bị bỏ mặc.

Tình hình tại vùng biên giới Miến Điện, Bangladesh rất căng thẳng. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền lên án "chính sách reo rắc hoảng sợ một cách có hệ thống" của chính quyền Miến Điện đối với cộng đồng Rohingya. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện, của "thủ tướng nắm quyền thực sự" Aung San Suu Kyi (giải Nobel Hòa bình và nguyên lãnh đạo dân chủ đối lập), thậm chí còn cáo buộc các nhân viên nhân đạo Liên Hiệp Quốc hỗ trợ khủng bố tại một địa phương.

Libération nhấn mạnh đến một nghịch lý tại quốc gia Đông Nam Á này. Đó là kể từ cuộc chuyển đổi sang dân chủ, khởi đầu từ năm 2011. Việc mở cửa tại đất nước này gắn liền với tiến trình tự do hóa xã hội, nhưng đồng thời các xu thế dân tộc chủ nghĩa, kỳ thị chủng tộc có điều kiện trỗi dậy mạnh mẽ. Trong đất nước Miến Điện mới này, người Rohingya "không được khoan dung".

Trang nhất các báo

Về trang nhất của các nhật báo Pháp, trong lúc Le Monde tập trung vào cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro chú ý đến vấn đề nhập cư bất hợp pháp với tựa lớn : "Nước Pháp muốn tạo điều kiện cho việc trục xuất dễ dàng hơn người nhập cư lậu", và cho biết bộ trưởng nội vụ đã hứa hẹn sẽ có phương tiện và một cải cách về pháp lý. Tờ báo thiên hữu hoan nghênh chủ trương này, đồng thời nêu con số năm 2016, chỉ có 13.000 trong số 91.000 người nhập cư lậu bị giữ, là đã rời khỏi lãnh thổ.

Libération thì chú ý đến chủ đề "Làm thế nào Morocco có thể có gián điệp tại Pháp". Phóng sự của Libération nói về một sĩ quan cảnh sát biên giới đường không tại sân bay Orly, ngoại ô Paris, bị nghi ngờ chuyển giao bất hợp pháp cho một nhân viên Maroc, các tài liệu mật của cảnh sát Pháp, đặc biệt là về những người nằm trong danh sách "S", tức bị coi là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Tờ báo kinh tế Les Echos, về phần mình, phấn khởi với việc hãng hàng không Air France-KLM bước sang giai đoạn "phục sinh", với việc tuyệt đại đa số cổ đông chấp nhận cho hai công ty tham gia cổ phần, là Delta và ChinaEastern (mỗi công ty với số vốn không vượt quá 10%). Vấn đề mà Air France-KLM phải khắc phục là khoảng cách cạnh tranh về giá cả. Việc hãng cho ra đời công ty bay giá rẻ JOON mới đây là với mục tiêu này. Tuy nhiên, vấn đề chính của hãng hiện nay là gánh nặng thuế.

Báo La Croix chú ý đến tình trạng người dân bang Texas, Hoa Kỳ, vất vả khắc phục thảm họa do siêu bão Harvey, trước hết là nạn ô nhiễm. "Trả giá đắt nhất" là các cư dân ở những khu khố nghèo của thành phố Houston, các khu nhà giá rẻ của họ được xây tại những vùng dễ bị ngập lụt. Le Monde dẫn lại thông tin từ thống đốc Texas, thiệt hại ước tính từ 150 đến 180 tỉ đô la, gấp khoảng 20 lần so với số tiền mà tổng thống Trump vừa đề nghị Quốc Hội thông qua, để tái thiết.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Hội Đồng Bảo An lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên (RFI, 30/08/2017)

Hôm 29/08/2017, sau 3 giờ thảo luận, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố "cực lực lên án" vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.

bachan1

Hội Đồng Bảo An họp ngày 29/08/2017, lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên. Reuters/Andrew Kelly

Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành "nghiêm chỉnh và đầy đủ" các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố rằng "mọi phương án đang nằm trên bàn". Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hiệp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :

"Trong Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga thường có lập trường khác với những quốc gia thành viên khác. Nhưng hiện giờ, các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân diễn ra ngày càng thường xuyên của Bắc Triều Tiên khiến toàn bộ các thành viên Hội Đồng đều chống Bình Nhưỡng.

Việc tên lửa Bắc Triều Tiên được bắn ngày 29/08 bay ngang qua không phận Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2009, đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tuy đại sứ Mỹ tại New York cho rằng Bình Nhưỡng đã đi quá xa và phải làm một cái gì đó để ngăn chận, nhưng Liên Hiệp Quốc thật sự không có nhiều phương án.

Các biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua từ đầu tháng 8 nhắm vào xuất khẩu than, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng mất đi nhiều tỷ đôla thu nhập.

Bắc Kinh và Matxcơva đã chấp nhận những biện pháp trừng phạt đó sau những cuộc thương lượng gay go. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc là vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên.

Tuy vậy, Hội Đồng Bảo An đã đạt được mục tiêu qua bản tuyên bố lên án Bình Nhưỡng một cách cứng rắn và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho bán đảo Triều Tiên."

Vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẽ thảo luận với các thành viên khác của Hội Đồng về "một phản ứng" trước vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với nhau là sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An ban hành các biện phạt trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng

Thanh Phương

************************

Bắc Hàn tuyên bố sẽ phóng thêm tên lửa, sau khi bị Liên Hiệp Quốc lên án (VOA, 31/08/2017)

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 30/8 lên án vic Bc Triu Tiên phóng tên la đn đo ngang qua Nht Bn, và yêu cu Bình Nhưỡng đình ch chương trình vũ khí ca h, tuy nhiên không đưa ra li đe da nào s áp đt các lnh trng pht mi.

bachan2

Lãnh tụ Kim Jong-un giám sát một cuộc thử tên lửa tầm trung của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triu Tiên cho hay v phóng một tên lửa đn đo tm trung (IRBM) hôm th Ba 29/8 là nhm tr đũa các cuc tp trn quân s M-Hàn Quc, đng thi nói rng đây được xem là bước đi đu tiên trong hành đng quân s Thái Bình Dương đ "bao vây" đo Guam, lãnh th ca Hoa Kỳ.

Hãng tin KCNA của Bc Triu Tiên hôm 30/8 tường thut rng đây là ln đu tiên lãnh t Kim Jong-un h lnh phóng tên la t th thô Bình Nhưỡng và tuyên b s phóng thêm tên la vào Thái Bình Dương khi cn thiết.

KCNA dẫn li ông Kim Jong-un nói :

"Vụ phóng th tên la đạn đo va ri như trong mt cuc chiến tranh thc s, là bước đu tiên trong chiến dch quân s ca Quân đi Nhân dân Triu Tiên (KPA) Thái Bình Dương, đây là mt bước đu có ý nghĩa đ vây hãm đo Guam".

Bắc Triu Tiên trong tháng này dọa bn bn tên lửa v vùng bin gn đo Guam, hòn đo có s hin din quân s đáng k ca M, sau khi Tng thng Donald Trump nói Bc Triu Tiên s phi đi mt vi "la thnh n", nếu Bc Triu Tiên đe dọa Hoa Kỳ.

Về phn mình, Cơ quan Phòng th tên la thuc Bộ quốc phòng Hoa Kỳ loan báo đã thực hin thành công mt v phóng th nghim tên la chn phi đn "phc tp" Hawaii vào sáng sm th Tư 30/8, đánh chn được mc tiêu là mt phi đn đn đo tm trung.

Hội đng Bo an Liên Hiệp Quốc gm 15 thành viên nói "điu quan trng thiết yếu" là Bc Triu Tiên phi có hành đng c th, tc thì, đ gim căng thng, đng thi kêu gi tt c các nước thành viên Hi đng Bo an phi thc hin các lnh trng pht ca Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, bản tuyên b do M son tho và được các thành viên nht trí đồng thun không đe da s áp đt thêm các các bin pháp chế tài mi đi vi Bc Triu Tiên.

*************************

Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ thử thêm nhiều tên lửa (RFI, 30/08/2017)

Bất chấp cộng đồng lên án vụ bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, ngày 30/08/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định đó mới chỉ là hành động "mở màn" cho những vụ thử tên lửa khác.

bachan3

Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 30/08/2017. Reuters

Tuyên bố của ông Kim Jong-un được hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đăng tải, theo đó "sẽ có nhiều vụ bắn thử tên lửa đạn đạo trong tương lai với mục tiêu là Thái Bình Dương". Vẫn theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vụ bắn thử sáng sớm thứ Ba 29/08 (giờ địa phương) mới chỉ là "lời tiên triệu quan trọng để kiềm chế Guam" và "mở màn" cho hàng loạt biện pháp chống lại các cuộc tập trận giữa quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng, trong ấn bản ngày 30/08, đã đăng khoảng 20 bức ảnh vụ bắn thử tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, trong đó có một bức cho thấy Kim Jong-un đang cười sảng khoái, xung quanh là đội ngũ cố vấn, với một tấm bản đồ Tây Bắc Thái Bình Dương đặt trên bàn.

Một tấm hình khác cho thấy lãnh đạo của Bắc Triều Tiên đang quan sát tên lửa được bắn từ Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa này đã bay được 2.700 km, đạt độ cao tối đa khoảng 550 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Mỹ và Hàn Quốc bổ nhiệm các đại sứ mới

Ngày 30/08, Hàn Quốc cùng lúc bổ nhiệm ba nhà ngoại giao kỳ cựu làm đại sứ tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thông cáo của phủ tổng thống Hàn Quốc, được Reuters trích dẫn, ông Cho Yoon Je, một nhà ngoại giao kiêm cố vấn kinh tế cho tổng thống Moon Jae In, được cử làm đại sứ tại Mỹ. Ngoài ra, luật gia Noh Young-Min làm đại sứ tại Trung Quốc và chuyên gia về chính sách đối ngoại Lee Su Hoon làm đại sứ ở Nhật Bản.

Phía Mỹ cũng tuyên bố ngày 29/08 bổ nhiệm ông Victor Cha làm tân đại sứ tại Hàn Quốc. Từng là giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Cha còn là trợ lý trưởng đoàn Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán đa phương với Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này dưới thời tổng thống George W. Bush.

Nhật báo Washington Post ngày 29/08, trích một số nguồn tin ẩn danh, cho biết Nhà Trắng cũng đang cân nhắc bổ nhiệm đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, làm đại sứ Mỹ tại Úc. Đô đốc Harris có kinh nghiệm trong các hồ sơ về Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và có quan hệ chặt chẽ với Úc.

Thu Hằng

***********************

Làm thế nào ngăn chặn hỏa tiễn Bắc Triều Tiên ? (RFI, 29/08/2017)

Sáng ngày 29/08/2017 một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đã bay ngang qua lãnh thổ Nhật, khiến hàng triệu người dân miền bắc nước Nhật được báo động. Trước đó hai tuần, Bình Nhưỡng cũng đã đe dọa bắn bốn hỏa tiễn đạn đạo sang đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương.

bachan4

Sĩ quan Mỹ cùng với các đồng nghiệp Nhật ở căn cứ không quân Yokota tại Fussa, Nhật Bản, ngày 29/08/2017. Reuters/Issei Kato

Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, hỏa tiễn bay qua nước Nhật sáng nay là một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, đạt độ cao 550 km và bay được 2.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Trong quá khứ, Tokyo từng khẳng định sẽ bắn hạ từ trên không tất cả các tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đe dọa lãnh thổ nước Nhật.

Tuy nhiên, hôm nay quân đội Nhật vẫn án binh bất động. Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera giải thích, do hỏa tiễn bay qua không phận Hokkaido trong hai phút, được ước tính không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Năm ngoái, khi Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn vào vùng kinh tế đặc quyền trên biển của Nhật, Tokyo cũng chỉ phản đối suông.

Còn tại đảo Guam, nơi Bắc Triều Tiên khẳng định chỉ cần 18 phút để tên lửa Hwasong-12 vượt 3.300 km đến nơi, cấp độ cảnh báo vẫn ở mức bình thường.

Hoa Kỳ và đồng minh có cách gì để đối phó với các tên lửa của Bắc Triều Tiên, được phóng đi liên tục trong thời gian gần đây ?

Theo New York Times, Mỹ và Nhật có thể để yên cho các hỏa tiễn Bắc Triều Tiên rơi xuống biển một cách vô hại. Nhưng trong trường hợp chúng có nguy cơ rơi xuống mặt đất, thì chỉ có thể tấn công phá hủy vào giai đoạn cuối.

Hỏa tiễn Hwasong-12 có tầm bắn trên 3.700 km, và một khi đã ở trên không gian được một phút, có vận tốc nhanh gấp nhiều lần âm thanh. Thế nên một hỏa tiễn bắn chận đuổi theo phía sau ít có hy vọng phá hủy được chúng. Còn hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense, tạm dịch "Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối") có thể sử dụng radar để dò theo đường bay của hỏa tiễn, nhưng không được chế tạo để tấn công trên không.

Đã có lúc Không quân Mỹ chi ra nhiều tỉ đô la để lắp đặt hệ thống laser trên phi cơ Boeing 747 nhằm phá hủy hỏa tiễn đạn đạo của địch lúc vừa phóng đi. Tuy hệ thống này hiệu quả nhưng quá tốn kém, và đòi hỏi chiếc phi cơ phải bay gần lãnh thổ địch, nên kế hoạch đã bị hủy bỏ.

Còn trong lúc hỏa tiễn đang bay thì sao ? Một khi lên đến bầu khí quyển, đây là lúc khó tiêu diệt nhất, vì chúng có thể tung hỏa mù để đánh lạc hướng. Nhưng phá hủy được hỏa tiễn địch trong thời điểm này rất có lợi vì giữ lại những mảnh vụn lớn và làm chúng phát nổ ở xa các mục tiêu.

Cả Nhật và Mỹ đều sở hữu các tàu chiến trang bị hỏa tiễn SM-3, được chế tạo để chống hỏa tiễn đạn đạo. Tuy nhiên nếu Bình Nhưỡng nhắm vào đảo Guam, thì hỏa tiễn Hwasong-12 trong giai đoạn này ở quá xa Biển Nhật Bản, nơi có nhiều chiến hạm trang bị SM-3. Vì vậy rất khó ngăn chận, trừ phi di chuyển các tàu chiến này đến gần Guam.

Hệ thống chống các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa nhắm vào đất Mỹ, mang tên Ground-Based Midcourse Defense (tạm dịch "Hệ thống phòng vệ tên lửa trên mặt đất") hiện đặt ở Alaska và California, thì không thể ngăn trở một hỏa tiễn đang bay trên Nam Thái Bình Dương.

Chỉ còn lại giai đoạn cuối, vốn nguy hiểm nhất : hỏa tiễn rơi xuống mục tiêu. Khác với tên lửa Pershing II của Mỹ hiện không còn được sử dụng, khi đang bay hỏa tiễn Hwasong-12 không thể thay đổi đích nhắm, nên về lý thuyết rất dễ bị bắn hạ.

Hỏa tiễn SM-3 có thể ra tay trong giai đoạn này. Hải quân Hoa Kỳ không công bố vị trí chính xác các chiến hạm của mình, nhưng nhiều khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống SM-3 vẫn thường hiện diện ở Tây Thái Bình Dương, còn phía Nhật thì không rõ.

Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, được bố trí thường xuyên tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, cũng có thể bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên trong lúc đang rơi xuống. Khi thử nghiệm hồi tháng Bảy mới đây, THAAD đã phá hủy được một hỏa tiễn tương tự như Hwasong-12. Bên cạnh đó, căn cứ này còn được trang bị hệ thống lá chắn tên lửa tầm ngắn Patriot - loại hiện đại nhất là Patriot PAC-3 – có thể phá hủy các hỏa tiễn đạn đạo bay chậm hơn.

Vấn đề còn lại, theo New York Times, là có nên tiêu diệt chúng hay không ? Dùng tên lửa để chống tên lửa, cũng như dùng một viên đạn để bắn vào một viên đạn khác, và chỉ riêng việc thử nghiệm cũng đã rất tốn kém. Lợi ích tất nhiên là tự vệ được trước hỏa tiễn địch - mà trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất đã chứng tỏ sức mạnh hủy diệt.

Nếu Nhật Bản và Hoa Kỳ bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể coi đây là hành động khiêu khích, dẫn đến đáp trả về quân sự. Còn nếu thất bại trong việc bắn chặn, sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Theo chuyên gia Laura Grego của chương trình an ninh toàn cầu thuộc Union of Concerned Scientists, khả năng thất bại cũng có thể xảy ra, vì các hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong điều kiện hoàn toàn giống trên thực tế.

Thụy My

Published in Châu Á

Mục tiêu ngoại giao của tên lửa Bắc Triều Tiên (RFI, 06/07/2017)

Ngày 04/07/2017, lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-14 có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Sự kiện đã làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Bắc Triều Tiên từ giờ không chỉ có trong tay vũ khí răn đe thực sự mà còn tạo được thế cho các cuộc thương lượng với cộng đồng quốc tế, một mục tiêu khác đằng sau những hành động quân sự.

tenlua1

Tên lửa xuyên lục địa Hwasong -14 được Bắc Triều Tiên bắn đi ngày 04/07/2017. Ảnh do KCNA cung cấp. Reuters

Liên tục bắn thử tên lửa, đến 6 lần trong 2 tháng, nhưng đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ, mồng 4 tháng 7, vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa có tầm bắn 7000 km vươn tới tận Alaska mang lại cho Bình Nhưỡng một thành công khác về mặt chính trị nhiều hơn về sức mạnh răn đe quân sự.

Chuyên gia Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại Đại học Dongguk- Seoul nhận định, chương trình phiêu lưu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lấy lý do bị đẩy vào chân tường bởi mối đe dọa của gần 30 nghìn quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là một cái cớ để Bắc Triều Tiên đi tìm một thế mạnh "trong các cuộc mặc cả ngoại giao với phần còn lại của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Hàn Quốc".

Bắc Triều Tiên luôn khẳng định không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân nếu như Washington không từ bỏ "chính sách thù địch" nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận thấy việc chọn thời điểm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào đúng ngày lễ Quốc Khánh Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là một thông điệp gửi tới Washington rằng Bắc Triều Tiên đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ.

Trước đó trong cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington tuần trước, ông Moon Jae-in đã tỏ thiện chí đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và Hàn Quốc muốn là chủ trì các cuộc thương lượng với miền Bắc. Nhưng Bắc Triều Tiên cho thấy họ mới là người áp đặt các cuộc đàm phán.

Phần đông các chuyên gia đều có chung nhận định, cuối cùng rồi Washington cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác là đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh đó, Bắc Triều Tiên vẫn luôn chuẩn bị một vị thế cho mình khi ngồi vào đàm phán.

Từ nhiều thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên đã ít nhiều thành công trong việc mặc cả với cộng đồng quốc tế qua các hành động khiêu khích kiểu như lần này. Chuyên gia Cho Ham Bum, thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên khẳng định, vụ bắn thử tên lửa đạn đạo lần này là "một tiết mục mới trong trò đi dây được tính toán kỹ lưỡng" của Bình Nhưỡng.

Dù khoe khoang đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hành trình bay của đầu đạn không đi quá xa vùng biển Nhật Bản, tránh bay qua lãnh thổ của đồng minh Châu Á chủ chốt của Mỹ. Các hành động của Bắc Triều Tiên cũng có thể hiểu như là một sự đáp trả những tuyên bố cứng rắn chứa đựng không ít hăm doạ quân sự của chính quyền Trump đối với chế độ KIm Jong Un.

Sự kiện phóng tên lửa đạn đạo lần này dù gì cũng đã thay đổi đáng kể các cách tiếp cận ngoại giao của quốc tế đối với quốc gia khép kín này và chính quyền Donald Trump thì ít nhiều phải chịu áp lực buộc họ phải phản ứng.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố "hết kiên nhẫn chiến lược" và không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố.

Đến giờ Washington chỉ còn giải pháp là tiếp tục hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực mạnh hơn với người láng giềng khó bảo. Trong khi đó Trung Quốc đáp lại là đã làm hết sức mình.

Cần phải hiểu rằng mặc dù có khó chịu với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy chế độ này bị sụp đổ để rồi có một đường biên giới chung với một đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với cả chục ngàn quân Mỹ và hệ thống khí tài chiến tranh đồ sộ ở sát bên cạnh.

Chuyên gia John Nilsson Wright, thuộc văn phòng tư vấn chính trị tại Luân Đôn, khẳng định, cuối cùng Bình Nhưỡng đã tích góp được chút vốn liếng ngoại giao trên những chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này đã được thấy rõ ở nhiều kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ còn xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 07 - 08/07/2017 khi mà Hoa Kỳ luôn đề nghị hành động mạnh còn Nga và Trung Quốc thì khuyên can kiềm chế.

Anh Vũ

*********************

Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản ứng sau vụ phóng tên lửa mới của Bắc Hàn (RFA, 05/07/2017)

Mỹ và Nam Hàn cho phóng tên lửa vào ngày 05/07/17 đáp lại việc Bắc Hàn tiến hành phóng thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 4 tháng 7.

myhan1

Hoa Kỳ và Hàn Quốc phóng hỏa tiễn, ảnh chụp ngày 5 tháng 7/2017- AFP

Trong khi quốc tế lên án động thái phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Bắc Hàn hôm 4/7, chưa đầy 24 giờ sau, quân đội Nam Hàn và Hoa Kỳ đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào khu vực biển Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên.

Tổng Tham mưu Quân đội Hàn Quốc nói rằng việc phóng tên lửa do Seoul và Washington thực hiện nhằm mục đích thể hiện khả năng tấn công chính xác vào trụ sở của địch trong trường hợp khẩn cấp.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In, người ủng hộ biện pháp đàm phán với Bắc Triều Tiên lên tiếng rằng sự khiêu khích nghiêm trọng của Bình Nhưỡng đòi hỏi phải có hành động khác.

Vị chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Tướng Vincent Brooks nói cần phải tự kiềm chế, đây là một sự lựa chọn để không xảy ra chiến tranh.

*********************

Mỹ-Hàn tập trận tên lửa đáp lại vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của BTT (RFI, 05/07/2017)

myhan2

Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha (người thứ hai) thăm một đơn vị hỗn hợp Mỹ - Hàn, cùng với tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Thomas Vandal (đi đầu), Uijeongbu, Hàn Quốc, 25/06/2017 - REUTERS/Chung Sung-Jun/Pool

Theo hãng tin Yonhap, hôm nay, 05/07/2017, quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bắn các tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận, với kịch bản là một cuộc tấn công vào Bắc Triều Tiên. Cuộc thao dược này nhằm đáp lại vụ bắn thử tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên hôm qua. Bình Nhưỡng hôm nay khẳng định là tên lửa này có mang "một đầu đạn hạt nhân rất lớn". Phía Hoa Kỳ xác nhận đây đúng là một tên lửa liên lục địa.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình về phản ứng của Seoul và Washington :

"Vụ bắn thử thành công tên lửa liên lục địa là một "món quà" tặng cho những "tên Mỹ khốn kiếp" nhân ngày Quốc khánh của chúng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đã tuyên bố như trên. Quyết định khiêu khích tới cùng, ông hứa sẽ có những "món quà" khác trong tương lai.

Trong phản ứng đầu tiên, quân đội Hàn Quốc và Mỹ sáng nay đã bắn các tên lửa đạn đạo "với độ chính xác rất cao" ở vùng bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Nhưng hành động biểu dương sức mạnh này chắc là sẽ không làm nhụt chí Bình Nhưỡng.

Washington cũng đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều người kêu gọi ban hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bắc Triều Tiên, ví dụ như trừng phạt những ngân hàng và những công ty giao thương với Bình Nhưỡng.

Trên thực tế, cả Hoa Kỳ và các đồng minh đều không có phương án nào khác. Mở một cuộc tấn công ngăn ngừa thì có nguy cơ gây nên một cuộc chiến tranh. Thay đổi chế độ, như yêu cầu của một số người, thì rất khó mà làm được. Về giải pháp ngoại giao, kể từ nay rõ ràng là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hóa. Ngay cả việc tạm đình chỉ chương trình tên lửa đạn đạo cũng ngày càng khó mà xảy ra".

Mỹ xác nhận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên thuộc loại "tầm xa"

Trong cuộc họp ngay sau vụ bắn thử hôm qua, Lầu Năm Góc đã nói đấy chỉ là hỏa tiễn tầm trung, nhưng sau đó ngay trong ngày đã xác nhận rằng hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm "thành công" đúng là loại tầm xa. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng xác nhận và nói đến "mối đe dọa gia tăng".

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Capomaccio, cho biết chi tiết :

"Thông cáo đầu tiên của Lầu Năm Góc, sáng hôm qua, nói đến một hỏa tiễn tầm trung được Bắc Triều Tiên thử nghiệm thành công. Hỏa tiễn đã bay trong thời gian 37 phút trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Nhưng đánh giá của các chuyên gia đã thay đổi trong ngày. Theo phân tích đường đạn đạo thì đó là một hỏa tiễn tầm xa chứ không phải tầm trung.

Đây là bằng chứng tiến bộ của Bắc Triều Tiên… cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận. Loại hỏa tiễn này có thể bắn tới Alaska, tức là lãnh thổ Mỹ.

"Tất cả các giải pháp đều đặt trên bàn". Từ nhiều tuần qua, Lầu Năm Góc đã nói đi nói lại như thế… Nhưng vấn đề không đơn giản. Rõ ràng Trung Quốc, mà ông Trump muốn dựa vào, đã không thể, hay không muốn, gây sức ép hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

Washington chỉ còn có cách đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Triều Tiên và nhất là những ngân hàng Trung Quốc giao dịch với quốc gia này.

Cuối cùng còn lại biện pháp quân sự, mà Lầu Năm Góc gọi là giải pháp cuối cùng. Hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng là điều hoàn toàn không thể tiến hành".

Đề xuất dùng THAAD bắn tên lửa Bắc Triều Tiên

Nhìn chung các đối sách mà Mỹ và quốc tế áp dụng nhằm ngăn cản tiến trình trang bị tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều thất bại. Trong bối cảnh đó, một chuyên gia Pháp đã gợi đến một biện pháp táo bạo, nhưng có thể có hiệu quả, đó là dùng hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc để bắn rơi tên lửa Bắc Triều Tiên trong lần thử nghiệm tới đây.

Trả lời Ban Pháp Ngữ RFI, chuyên gia Mathieu Duchatel phân tích :

"Bắc Triều Tiên đang có những bước tiến nhanh chóng và đang càng lúc càng chứng tỏ được là những lời nói của họ rất đáng tin. Các biện pháp trừng phạt, áp lực ngoại giao, đối thoại, đều thất bại, và tôi cho rằng sẽ đến lúc mà Hoa Kỳ phải tính đến vấn đề sử dụng võ lực.

Vấn đề là dùng sức mạnh đánh cụ thể vào cái gì ? Đối với Bình Nhưỡng, họ đang càng lúc càng chạy theo logic là phải tăng cường các công cụ răn đe hạt nhân để đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bị "chặt đầu". Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là chế độ bị triệt tiêu, chứ không phải là các đầu đạn hạt nhân hay tên lửa, vì phá hủy những thứ đó là điều không thể làm được.

Đối với Mỹ, tuy nhiên còn một giải pháp nữa, dù nhiều rủi ro, nhưng không thể loại trừ trong trung hạn : Đó là nhân một cuộc thử nghiệm tên lửa sắp tới của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sử dụng hệ thống chống tên lửa đạn đạo THAAD của họ để đánh chặn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên trên không trung.

Điều đó cho phép Mỹ bắn đi thông điệp là hệ thống lá chắn chống tên lửa mạnh hơn các hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên".

Thanh Phương, Trọng Nghĩa, Mai Vân

Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế bất chấp những lời cảnh cáo mạnh mẽ của Donald Trump. Các cuộc bắn thử tên lửa nối tiếp nhau và mọi người đang chờ đợi một cuộc thử nghiệm nguyên tử mới, được thông báo là "cận kề". Kim Jong-un không có vẻ gì muốn dừng lại.

nhat3

Thae Young-ho, cựu nhân viên ngoại giao Bắc Triều TiênRFI/Frédéric Ojardias

Thae Young-ho, một cán bộ ngoại giao từng là nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, vào năm ngoái đã đào thoát sang Hàn Quốc, cảnh báo về thực tế tình hình. Ông Thae Young-ho là một trong những nhân vật cao cấp nhất Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn.

Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, đã gặp được ông Thae Young-ho trong những điều kiện không khác gì một chuyện trinh thám gián điệp : hẹn được vào giờ phút chót, phỏng vấn trong một phòng khách sạn, với sự hiện diện của cận vệ và dưới sự bảo vệ nghiêm mật của mật vụ Hàn Quốc.

Thae Young-ho nói lên suy nghĩ của ông về viễn ảnh chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

"Kim Jong-un không hề điên !"

Thae Young-ho : Đối với Kim Jong-un, chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa là cách duy nhất đảm bảo sự tồn tại của chế độ và "triều đại" của ông ta, cho nên ông ta kiên quyết thực hiện chương trình này, cho đến khi nào triển khai được những đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn có thể sử dụng được trên chiến trường.

Bắc Triều Tiên sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để phi hạt nhân hóa. Tất cả mọi thỏa thuận tạm thời, mọi thỏa hiệp, đối với Bắc Triều Tiên chỉ là một phương cách để được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân.
Một số người nghĩ là Kim Jong-un là một kẻ điên rồ, nhưng điều đó không đúng, Kim Jong-un không hề điên !

Kinh nghiệm Đông Âu : Để dân lật đổ chế độ

RFI : Nếu Bắc Triều Tiên từ chối, không phi hạt nhân hóa và nếu đối thoại không hữu ích gì, thì khủng hoảng có thể giải quyết ra sao ?

Thae Young-ho : Vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết khi loại bỏ chế độ Kim Jong-un. Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Điều này rất rõ.

Giải pháp quân sự thì không thể vì quá mạo hiểm. Giải pháp hòa bình thì sẽ là giải pháp nào ? Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ việc các chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu.

Thời Xô Viết, người Đông Âu biết là ở phía Tây, người ta hưởng tự do, dân chủ, được một nhà nước chăm sóc, bảo bọc… Chúng ta phải cần gieo rắc loại thông tin như thế ở bên trong Bắc Triều Tiên, bằng cách này hay khác, bằng nhiều cách.

Bây giờ tại Bắc Triều Tiên, phim ảnh, phim truyện Hàn Quốc, nội dung văn hóa Hàn Quốc đang thâm nhập đời sống hàng ngày người Bắc Triều Tiên (nhờ chợ đen). Qua các phim ảnh này, người Bắc Triều Tiên biết được xã hội Hàn Quốc tự do và trù phú.

Khi người Bắc Triều Tiên được có đầy đủ thông tin và hiểu biết khá rõ ràng, họ có thể nổi dậy, lật đổ chế độ. Tôi rất tin tưởng vào khả năng này.

Dân Bắc Triều Tiên hiện đã có dấu hiệu phản kháng

RFI : Nhưng ở Đông Âu, ngay từ thời Cộng Sản, đã có những cơ cấu mà các hành động phản kháng có thể dựa vào, còn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn không có… ?

Thae Young-ho : Trong thời gian gần đây, nếu đi trên đường phố Bắc Triều Tiên, thì ta thấy có nhiều người bán hàng bày bán những thứ không được chính phủ cho phép. Họ không bỏ chạy khi cảnh sát đến, ngược lại họ còn gây sự với lực lượng an ninh.

Đó là những điều mà chỉ một vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi. Bây giờ ở miền Bắc, người ta bắt đầu kháng cự để có thể tồn tại.

Tầng lớp quyền chức sợ bị dân trả thù

RFI : Ông từng thuộc tầng lớp có chức có quyền ở Bình Nhưỡng. Theo ý ông, quan điểm của tầng lớp này đối với khả năng chế độ thay đổi là như thế nào ?

Thae Young-ho : Sau nhiều năm hành quyết các cán bộ cao cấp, tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa, các tầng lớp lãnh đạo tại Bình Nhưỡng hoàn toàn nhận thức được thực tế là Bắc Triều Tiên sẽ không trở thành thịnh vượng nếu cứ theo chế độ hiện hành.

Nhưng họ phải đối mặt với tình trạng khó xử. Bởi vì họ đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Kim Jong-un bị loại bỏ, và chế độ bị thay đổi. Các tầng lớp này biết rất rõ rằng phần lớn dân chúng đã bị hiếp đáp và khai thác trong suốt 70 năm. Và họ sợ bị người dân trả thù.

Không một chế độ bạo tàn nào có thể sống mãi

RFI : Theo ông, chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay có thể đứng vững được trong bao lâu nữa ?

Thae Young-ho : Tôi không tin rằng tình hình chia cắt hiện thời của bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài được lâu. Người dân ở miền Bắc hiện nay rất ý thức về sự thịnh vượng ở miền Nam.

Ngay chính ông Kim Jong-un cũng tự biết rằng chế độ hiện tại đang trong cơn khủng hoảng. Chính vì lý do đó mà ông ta đã đi đến hành động giết cả người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của mình ! Bởi vì Kim Jong-un nghĩ rằng chú của ông ta có thể là một mối đe dọa đối với chế độ của ông ta trong tương lai.

Tôi không tin là một chế độ hay một xã hội nào đó có thể tồn tại vô hạn định bằng cách gieo rắc kinh hoàng khủng bố.

(Bài phỏng vấn Thae Young-ho, cựu nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, Anh Quốc, do thông tín viên RFI Frédéric Ojardias thực hiện tại Seoul.)

Published in Châu Á

Tại sao Kim Jong-un tự cho phép "lộng hành" ? (RFI, 03/03/2017)

jongun1

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thăm đơn vị 966 của quân đội Nhân Dân Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 01/03/2017. KCNA/via REUTERS

Cuộc điều tra vụ ám sát Kim Jong-nam vẫn được cảnh sát Malaysia tiếp tục với tình tiết mới là khởi tố hai nữ nghi phạm người Indonesia và Việt Nam. Bình Nhưỡng không hợp tác và chỉ khẳng định nạn nhân là một công dân Bắc Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao với tên Kim Chol. Còn Hàn Quốc, Malaysia và Hoa Kỳ đều khẳng định đó là người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Vụ ám sát xảy ra ngay giữa sân bay quốc tế Kuala Lumpur đông hành khách qua lại, khiến không ít người đặt câu hỏi lớn : Tại sao nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên tự cho mình quyền làm mọi việc ?

Theo một bài báo được đăng trên tờ Dongfang Ribao (Đông Phương Nhật Báo) phát hành tại Hồng Kông và được Courrier International trích dịch ngày 23/02/2017, lý do chính là sự "nương tay" của cả Bắc Kinh và Washington.

Kim Jong-un thách thức cả thế giới khi cho người ra tay ám sát anh trai ngay giữa thanh thiên bạch nhật và trước bàn dân thiên hạ. Trong khi giới chuyên gia còn đang tìm cách phân tích động cơ, lý do chọn thời điểm và địa điểm hành động để Bình Nhưỡng loại bớt một mối đe dọa, chắc Kim Jong-un đang cười đắc thắng "Các người làm gì được ta ?"

Trung Quốc dung túng Bắc Triều Tiên để thách thức Hoa Kỳ

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc không đề cập nhiều đến tình tiết vụ ám sát và tiến trình điều tra. Tại sao ? Vì chính tại Bắc Kinh và Macao là nơi Kim Jong-nam chọn để "ở ẩn". Tuy nhiên, tất cả đều đồng loạt nhấn mạnh đến việc nạn nhân là một người ủng hộ chính sách đổi mới và mở cửa, giống người chú Jang Song-thaek (từng là nhân vật số hai của chế độ trước khi bị xử tử năm 2013). Kim Jong-nam là một quân át chủ bài của Trung Quốc trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành cải cách. Thế nhưng, với vụ sát hại tại Malaysia ngày 13/02/2017, chẳng còn ai dám hỏi người nào có thể đứng ra bảo vệ được Kim Jong-nam.

Từ hơn một nửa thế kỷ nay, ngành ngoại giao Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn nhưng vẫn tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát tình hình chính trị nội bộ của các nước đồng minh. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ cho rằng đó là chính sách tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của nước khác, nhưng lịch sử chứng minh rằng trên thực tế, hoặc ngành ngoại giao Trung Quốc bị trì trệ, hoặc chơi hai mặt. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, trong vòng 30 năm gần đây, còn được thúc đẩy bởi sự phát triển tâm lý Sô-vanh nước lớn và xu thế luật rừng.

Phải nói là Trung Quốc "gây hấn" với hầu hết các nước láng giềng : để miền bắc Miến Điện rơi vào cuộc chiến du kích ở vùng biên giới, nuôi tham vọng ngày càng lớn với quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản quốc hữu hóa và gọi là Senkaku, gay gắt chỉ trích Tokyo không thừa nhận vụ thảm sát Nam Kinh và khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Chỉ có mỗi chuyện gây sức ép với Bắc Triều Tiên hoặc thay đổi nước này là làm cho Trung Quốc phải "câm nín" về các thành tích của mình.

Để biện bạch cho lập trường ủng hộ chế độ của Kim Jong-un, xã hội Trung Quốc từng đưa ra rất nhiều luận điểm, trong đó phải nhấn mạnh đến "tình đoàn kết không gì lay chuyển được trước một mối nguy hiểm chung" song dường như "bảo bối" này không còn hiệu nghiệm, hay thuyết cùng nằm trong "khối xã hội chủ nghĩa". Ngoài ra cũng có nhiều luận điểm mới xuất hiện, như "Trung Quốc chẳng được lợi lộc gì nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất", nếu vậy thì phải chăng có điều gì đó hơi mất thể diện đối với một quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới, và đang cố vươn lên hàng đầu như Trung Quốc, lại phải lo ngại sự cạnh tranh của nước láng giềng nhỏ bé hơn. Đương nhiên, Trung Quốc phải tìm cách bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng tại sao Bắc Kinh cứ khăng khăng bảo vệ di sản mà Hoa Kỳ và Liên Xô để lại từ sau Thế Chiến II ?

Cũng có người nói rằng sức mạnh bá chủ của Trung Quốc càng hùng hậu nếu có thêm mộtkẻ "coi trời bằng vung" đứng ra thách thức Hoa Kỳ. Thế nhưng, thách thức của kẻ này (cụ thể là các cuộc thử nghiệm hạt nhân) có vẻ như là một thủ đoạn nhắm tới Hoa Kỳ, nhưng lại đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên tự do hành động vì toan tính của các cường quốc

Trên thực tế, nếu như một nhà lãnh đạo độc tài như Kim Jong-un tự cho mình thách thức mọi điều hay lẽ phải của nhân loại, các quy tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế và quyền lực của Liên Hiệp Quốc, đó là nhờ vào những quan điểm trái ngược của các cường quốc. Chắc chắn sẽ có người hỏi tại sao Hoa Kỳ không trừ khử luôn Kim Jong-un như đã từng làm với Saddam Hussein và Muammar Kadhafi ? Nhưng nên nhớ là vào những thời điểm đó, Hoa Kỳ đã viện vào lý do chiến tranh ở Irak và cuộc nổi dậy ở Libya để can thiệp.

Một lý do quan trọng hơn là dù Hoa Kỳ có tức giận vì nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân bị vi phạm, nhưng trên thực tế, mối đe dọa vũ khí nguyên tử ở những phần còn lại của thế giới hoàn toàn có thể kiểm soát được. Chắc chắn Mỹ nằm trong tầm bắn của vài chục quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng "Chú Sam" có các phương tiện kỹ thuật để phòng ngừa. Vì vậy, mối đe dọa hạt nhân hay những lời đe dọa khủng bố của Bắc Triều Tiên nhắm vào Mỹ chỉ mang tính tượng trưng mà thôi.

Nếu đúng như vậy, bản thân Kim Jong-un, chế độ toàn trị của Bắc Kinh và những hành động khiêu khích ở bên ngoài không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc nội Mỹ và trật tự ở vùng Đông Bắc Á. Thực vậy, với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên không đáng sợ bằng Trung Quốc và động thái của Bình Nhưỡng đang gây bất lợi cho Bắc Kinh. Đây mới chính là điều Washington tính toán và cũng là lý do giải thích tại sao thái độ "bao dung" của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên không khiến Hoa Kỳ phẫn nộ.

Dù tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều ý tưởng đặc biệt đang làm xáo trộn xã hội Mỹ trong những ngày đầu của nhiệm kỳ, nhưng hồ sơ Bắc Triều Tiên không nằm trong danh sách ưu tiên cần giải quyết của ông chủ Nhà Trắng. Điều này có thể hiểu là có rất ít khả năng Hoa Kỳ dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết triệt để mối đe dọa hạt nhân này.

Điểm cuối cùng, nếu Kim Jong-un vẫn có thể hành động một cách ngông cuồng và bắt người dân Bắc Triều Tiên chịu khổ cực, không phải vì ông ta là một thiên tài, mà do các nước khác để nhà lãnh đạo độc tài đó cơ hội hành động. Chừng nào còn đất diễu võ giương oai, Kim Jong-un còn hả hê thể hiện.

RFI tiếng Việt

***********************

Liên Hiệp Quốc phanh phui mạng lưới buôn lậu quốc tế của Bắc Triều Tiên (RFI, 03/03/2017)

jongun2

Nhiều mặt hàng phương Tây được bán tại một khách sạn dành cho người nước ngoài ở Bình Nhưỡng. Ảnh minh họa ngày 08/10/2015. REUTERS/Damir Sagolj

Theo báo chí Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc sắp công bố một bản báo cáo về các mạng lưới buôn lậu quốc tế, giúp chế độ Bình Nhưỡng có nguồn tài chính, để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, bất chấp các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, nhờ sự đồng lõa của một số quốc gia. Mặc dù không bị lên án đích danh, nhưng vai trò của Trung Quốc - đồng minh chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng - bị phơi bày.

Hãng tin Hoa Kỳ CBS News ngày 02/03/2017 cho biết cụ thể đã có được trong tay bản báo cáo 105 trang, dự kiến sẽ được công bố trong một tuần nữa. Báo cáo của nhóm chuyên gia, thuộc Tiểu ban trừng phạt 1718 (tên của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc), cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên đã lập ra cả một hệ thống các cơ sở tài chính rất phức tạp với tên và địa chỉ giả, để vận chuyển vũ khí, tiền bạc và vàng. Báo cáo kết luận : Để vô hiệu hóa các lệnh cấm ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước.

Bắc Kinh cố ngăn báo cáo

Theo hãng thông tấn CNN, báo cáo do Hội Đồng Bảo An đặt làm, lẽ ra đã được công bố từ ngày 22/02. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn việc phổ biến bản báo cáo này.

Thông tín viên Marie Bourreau từ New York cho biết thêm :

"Bắc Kinh đặc biệt không muốn bản báo cáo này được công bố và tìm mọi cách ngăn chặn. Bởi nhận định của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đang đặt Trung Quốc trước một áp lực rất lớn. 

Nếu như Bình Nhưỡng có thể tiếp tục buôn bán được với quốc tế và đầu tư cho các vụ thử hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, một phần chủ yếu là nhờ hậu thuẫn ngầm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã dung túng nhiều cơ sở thương mại trung gian và nhiều tổ chức bình phong của Bắc Triều Tiên. 

Từ các phương tiện quân sự bán cho Eritrea, Mozambique hay Cộng Hòa Dân Chủ Congo, đến tượng đồng các lãnh đạo Châu Phi, hay quặng sắt xuất khẩu…, danh sách "thượng vàng hạ cám" trong báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên không những đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, mà còn tìm cách lách các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, để tiếp tục đưa hàng ra ngoài. 

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc xuất hiện vào thời điểm rất bất lợi cho Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh vừa tỏ thiện chí, hồi giữa tháng Hai vừa qua, với quyết định tạm ngừng nhập than từ Bắc Triều Tiên, để phản ứng lại việc Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa một lần nữa. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo vào năm 2016. Như vậy, Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường, buộc phải có hành động kiên quyết để ngăn chặn tham vọng của chế độ Bắc Triều Tiên".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Vụ sát hại anh của Kim Jong-un : Cảnh sát Malaysia bắt một người Bắc Triều Tiên (RFI, 18/02/2017)

kim1

Tin về cái chết của Kim Jong-nam trên báo chí Malaysia ngày 18/02/2017. Reuters

Hôm 18/02/2017, cảnh sát Malaysia thông báo vừa bắt giữ một người đàn ông Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ sát hại Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un.

Người bị bắt giữ tối hôm qua có mang giấy tờ cấp cho người lao động nước ngoài ở Malaysia, nhờ vậy cảnh sát biết được danh tính của ông ta là Ri Jong Chol, 46 tuổi. Như vậy là cho tới nay tổng cộng đã có 4 người, trong đó có một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Doan Thi Huong, bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ ám sát ông Kim Jong-nam hôm thứ hai vừa qua tại sân bay Kuala Lumpur, mà theo Seoul là do các điệp viên Bắc Triều Tiên tiến hành.

Các chuyên viên Malaysia hôm nay đã phân tích các mẫu lấy từ cơ thể của nạn nhân để xác định xem chất độc nào đã được phun lên người của ông ở sân bay Kuala Lumpur. Mặc dù phía Bình Nhưỡng không đồng ý, nhưng các bác sĩ pháp y của Malaysia đã tiến hành mỗ khám nghiệm tử thi của nạn nhân.

Vụ này đang gây căng thẳng quan hệ giữa Malaysia với Bắc Triều Tiên. Tối qua, ngay trước nhà xác nơi đang đặt thi hài của ông Kim Jong-nam, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Malaysia Kang Chol đã tuyên bố nước ông sẽ bác bỏ các kết quả khám nghiệm tử thi, đồng thời cho biết đã yêu cầu cảnh sát Malaysia trao trả thi hài ông Kim Jong-nam, nhưng phía Malaysia vẫn từ chối.

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của phía Bình Nhưỡng kể từ vụ ám sát anh của lãnh đạo Kim Jong-un, tuy nhiên đại sứ Bắc Triều Tiên đã không xác nhận nạn nhân đúng là Kim Jong-nam, cũng như không nói gì về hoàn cảnh xảy ra cái chết của ông.

Lãnh đạo cảnh sát bang Selangor hôm qua cho biết là cho tới nay không có thân nhân nào đến xác nhận danh tính hoặc xin trao trả thi hài người quá cố và họ cần một mẫu ADN của một người trong gia đình để xác định danh tính của nạn nhân.

Một trong hai nữ nghi phạm bị bắt giữ trong vụ này là một cô gái Indonesia 25 tuổi. Theo lời lãnh đạo cảnh sát Indonesia, những người lạ mặt đã nói với cô này là muốn cô tham gia một trò chơi truyền hình theo kiểu "giấu camera", nên nhờ cô phun một chất lỏng vô hại vào người nạn nhân. Cô đã không ngờ là mình tham gia vào một vụ ám sát.

Thanh Phương

********************

Nghi phạm người Bắc Triều tiên bị bắt (RFA, 18/02/2017)

Malaysia bắt giữ nghi phạm người Bắc Triều tiên có liên can đến cái chết của Kim Jong-nam.

kim2

Kim Jong-nam là con trai cả của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát Malaysia cho biết ông Ri Jong-chol, sinh năm 1970 bị bắt vào tối hôm qua do tình nghi có liên hệ với các nghi phạm khác trong cái chết của Kim Jong-nam

Hai nghi phạm nữ, một một người Indonesia và một mang hộ chiếu Việt Nam đã bị bắt giữ trước đó, trong khi một người đàn ông Malaysia cũng đang bị giam giữ.

Kim Jong-nam là con trai cả của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il, đã lên tiếng công khai chống lại triều đại của em trai mình là Kim Jong-un.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc báo cáo với các nhà lập pháp ở Seoul rằng Kim Jong-nam đang sống với người vợ thứ hai của ông tại Macau thuộc lãnh thổ Trung Quốc dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của tình báo Bắc Kinh

Ông Kim có mặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong khi chờ được chuyển sang một chuyến bay khác đến Macau thì bị giết.

Published in Châu Á
Trang 7 đến 7