Lần thứ nhì trong bốn tháng qua, ông Kim Jong-un đã dám làm nhục Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, lãnh tụ duy nhất trên thế giới có đủ sức mạnh và quyền lực để bóp cổ nền kinh tế của Bắc Hàn với ảnh hưởng có tiềm năng có thể dẫn đến bại vong cho chế độ Bình Nhưỡng.
Khi ông Kim làm nhục ông Tập
Ông Kim không những thực hiện vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật tuần rồi biết rằng nó sẽ làm Bắc Kinh nổi giận, ông còn làm như vậy trong khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp đón các lãnh tụ của Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi trong khối BRICS ở thành phố Hạ Môn.
Vụ thử tạo nên một cơn địa chấn đo được 6.3 độ Richter, làm rung chuyển một vùng thuộc tỉnh Cát Lâm gần biên giới với Bắc Hàn. Tối hôm Chủ Nhật, Bộ Môi Trường Trung Quốc nói họ sẽ theo dõi khu vực biên giới để xem có phóng xạ hay không.
Vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật đến chỉ chưa đầy một tuần lễ sau khi chế độ của ông Kim phóng một hỏa tiễn bay ngang qua Nhật, trong một cử chỉ tính toán để làm nhục Tokyo và gián tiếp là đồng minh Hoa Kỳ của họ. Cũng hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Donald Trump đổ thêm dầu vào lửa, ngầm ý nói là vụ thử hạt nhân này là một sự làm nhục chính là cho Trung Quốc, mà lãnh thổ bị các cơn hậu chấn thực sự làm rung chuyển. Ông Trump tweet : "Bắc Hàn là một quốc gia đạo tặc vốn đã trở thành một đe dọa và một mối bực tức cho Trung Quốc, vốn đang tìm cách giúp đỡ nhưng không có bao nhiêu thành công".
Nhưng vẫn còn chưa rõ là ngay cả một sự sỉ nhục gửi đến vào ngay trước một sự kiện quan trọng của Trung Quốc có thuyết phục được ông Tập sử dụng một trong những biện pháp hữu hiệu nhất mà cho đến nay họ chưa bao giờ sử dụng đối với Bình Nhưỡng : Chặn việc cung cấp xăng dầu vào Bắc Hàn.
Cũng như đe dọa của ông Trump sẽ đổ "máu lửa và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng được mọi người coi là không có thực chất vì tiềm năng tàn phá cho Nam Hàn và Nhật của một cuộc phản công của Bắc Hàn. Bắc Kinh thực sự cũng bị giới hạn như vậy trong cách hành xử vì lo sợ một cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn có thể xảy ra vì sự sụp đổ kinh tế và chính trị của Bắc Hàn.
Một nhân vật thân cận với các nhà làm kế hoạch ngoại giao cho Bắc Kinh giải thích : "Cái vụ thử hạt nhân này là một trong những điều rất ít có thể dẫn đến một sự cắt đứt cung cấp nhiên liệu, nhưng chúng tôi vẫn còn ngần ngại làm vậy. Theo cách nhìn của Bình Nhưỡng, cả ông Trump lẫn ông Tập đều là cọp giấy".
Ông Michael Kovrig của tổ chức International Crisis Group đồng ý.
Ông nói : "Trung Quốc coi cấm vận là một hình phạt cho hành vi xấu chứ không phải là phương tiện hữu hiệu để đạt giải giới". Ông Kovrig đang ở chính vùng biên giới thuộc tỉnh Cát Lâm hôm Chủ Nhật và thấy đất rung chuyển sau vụ thử hạt nhân. Nhưng ông nói : "Tôi không tin là Trung Quốc sẽ cắt đứt việc cung cấp xăng dầu, vì như vậy có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế của Bắc Hàn và trả thù".
Cũng phải xin thêm là cuộc họp của ông Tập tuần này với các lãnh tụ khối BRICS là cuộc họp quốc tế quan trọng thứ nhì mà ông chủ trì năm nay. Biến cố ngoại giao quan trọng nhất của ông – một diễn đàn hôm Tháng Năm cho sáng kiến "Con đường lụa mới" nhằm tăng cường các liên hệ hạ tầng cơ sở ở vùng lục địa Âu Á và Phi Châu – cũng bị Bình Nhưỡng qua mặt khi họ thử thành công một hỏa tiễn tầm trung có khả năng bắn trúng đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và là nơi có căn cứ của các phi cơ ném bom tàng hình có thể chở đầu đạn hạt nhân đến tấn công Bắc Hàn.
Hôm tối Chủ Nhật, phần chính của bản tin trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn trước với cuộc họp thượng đỉnh BRICS và để dành hơn một nửa thời lượng cho cuộc họp này, trong khi chỉ nhắc đến vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn trong một mẩu tin ngắn ở cuối chương trình.
Trong khi không nhắc đích danh Bắc Hàn ở Hạ Môn hôm Chủ Nhật, ông Tập nói "khủng bố, đột nhập tin tặc và ‘những đe dọa khác’ đã là một bóng đen che phủ địa cầu".
Giáo Sư Thời Ân Hoàng, chuyên gia về bang giao quốc tế ở viện đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, tin là sự liên tiếp khiêu khích này là bằng cớ "quyết chí và tự tin" của lãnh tụ trẻ tuổi ở Bắc Hàn. Giáo sư nói : "Kim Jong-un không lo ngại về điều mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể làm. Những lệnh cấm vận ngày càng rộng và khắc nghiệt của Liên Hiệp Quốc có thể đau đớn, nhưng ông cũng biết là ông đang tiến tới đạt được mục tiêu của mình là có được một hỏa tiễn hạt nhân hoạt động tốt". Ông nói thêm : "Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Trung Quốc có những nhượng bộ lớn về Bắc Hàn hết lần này sang lần khác. Trung Quốc không còn bao nhiêu cách để đối phó với Bắc Hàn nữa".
Đối với ông Tập, sự nhức đầu và bực bội này là điều ông phải thường xuyên chịu đựng vì ông Kim là một người đặc biệt khó chịu và bản thân ông không có cảm tình với lãnh tụ trẻ của nước láng giềng này.
Trong khi các lãnh tụ Trung Quốc thường xuyên tỏ vẻ khinh thường với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn trong những cuộc nói chuyện riêng tư, tuần rồi, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc tiết lộ là chính Chủ tịch nước của quốc gia này cũng không ưa gì ông Kim.
Ông Max Baucus, người làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh cho đến khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền, nói với chương trình Today của đài phát thanh số 4 của hệ thống BBC là ông Tập Cận Bình ghét cay ghét đắng ông Kim Jong-un, nhưng sẵn sàng dung túng nhà độc tài này vì sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Ông Baucus bảo ông Tập "kinh sợ bất ổn ở bán đảo Triều Tiên".
Ông kể lại : "Cái thành ngữ chửi rủa tệ nhất mà tôi từng được nghe Chủ tịch Tập Cận Bình dùng là để tả ông Kim Jong-un. Ông ấy không thích cái người đó tí nào cả". Nhưng ông thêm : "Trung Quốc tôn thờ ổn định. Họ sẵn sàng dung túng sự bất định về chương trình hỏa tiễn của ông Kim ngày nào mà bán đảo Triều Tiên còn ổn định về kinh tế và chính trị. Họ không muốn một cuộc khủng hoảng mà kết quả là dân tỵ nạn đổ qua biên giới vào Trung Quốc. Họ chắc chắn không muốn giải pháp mà theo đó Hoa Kỳ và Nam Hàn có thêm ảnh hưởng ở bán đảo này, và bởi vì, trông kìa, Hoa Kỳ căn bản đã vào đến ngay cửa sau của Trung Quốc".
Bởi thế, ông Tập sẵn sàng để cho "tên nhóc mập ú" đó làm nhục mình.