Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 09 octobre 2018 23:05

Vinfast và hình ảnh quốc gia

Paris Motor Show 2018, Vinfast làm khán giả choáng váng.

David Beckham launches VinFast at the Paris Motor Show

Cô ấy, đứng trên sân khấu, rành rọt nói với cựu ngôi sao Beckham tặng anh một lá, trước cử tọa là đại diện báo chí, các kênh truyền thông toàn cầu.

Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào làm lớn đến thế. Chưa có doanh nghiệp, nhà sản xuất ô tô ngoại quốc nào làm nhanh và lạ lùng như vậy. Thông điệp được nhắc đi nhắc lại, xuyên suốt các kênh truyền thông (Việt Nam) không phải là hàng hóa, dịch vụ của mình tốt hơn và/hoặc rẻ hơn, mà là tự hào. Cách thức truyền thông của Vinfast cho thấy họ muốn nói điều đó với toàn thể "quốc dân", đồng bào, chứ không tập trung vào khách hàng tiềm năng.

Ngôn ngữ chính được Vinfast tận dụng tối đa là hình ảnh quốc gia. Quốc kỳ, tên nước, yếm, áo dài, tre nứa trong tiếng sáo trúc… (gọi chung là hình ảnh quốc gia). Trên nền cờ đỏ sao vàng, theo sau hai chiếc ô tô là Hoa hậu Việt Nam 2018, trên tay cầm hai lá cờ. Chúng không có biểu tượng Vinfast, lại là cờ đỏ. Cô ấy, đứng trên sân khấu, rành rọt nói với cựu ngôi sao Beckham tặng anh một lá, trước cử tọa là đại diện báo chí, các kênh truyền thông toàn cầu.

Chúng ta đã rất quen với hình ảnh quốc kỳ Việt Nam có mặt khắp nơi. Hồn nhiên và vô tư. Gần đây, trong một màn trình diễn nổi tiếng thế giới, hai diễn viên tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng ở Anh với tính chất cá nhân, hai anh đã gắn cờ Việt Nam trên bộ đồng phục mầu bộ đội. Video về cô gái cởi truồng quấn cờ Việt Nam cổ vũ đội U23 lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hình ảnh quốc gia không thể sử dụng tùy tiện như vậy.

Hình ảnh quốc gia, nước xuất xứ (country of origin) là một công cụ, tài nguyên giá trị, thậm chí có giá trị lớn. Doanh nghiệp sử dụng hình ảnh quốc gia sẽ làm tăng mức độ tín nhiệm của mình, bởi nó có tính chất nghiêm túc. Khách hàng, đối tác có xu hướng tin rằng doanh nghiệp đó ưu tú, đại diện cho một đất nước. Hình ảnh quốc gia là tài sản. Nó đương nhiên thuộc sở hữu toàn dân, những người đang sống. Nó còn là di sản, thành quả của cha anh dành lại cho những thế hệ mai sau.

Đã là tài nguyên, công cụ, tài sản của đất nước thì chỉ những ai, tổ chức nào đủ khả năng sử dụng, đủ khả năng làm giầu, làm đẹp hình ảnh quốc gia mới được dùng. Bất kể vì mục tiêu gì, lợi nhuận hay phi lợi nhuận, từ thiện hay giáo dục… Tuyên truyền về sự tự hào, kể cả tự hào dân tộc, cũng cần nêu lý do và bằng chứng rõ ràng. Người dân chỉ có thể tự hào khi ý thức rõ, chứng minh được quốc gia của mình có những thành tựu lớn hơn các quốc gia khác. Ví dụ, giầu đẹp hơn, an toàn hơn, tự do hơn.

Vinfast nên nói rõ bản sắc Việt là gì, giá trị đến mức nào, khi tuyên bố sản phẩm của mình có "Bản sắc Việt - Thiết kế Ý - Công nghệ Đức - Tiêu chuẩn quốc tế". Nếu đủ tự tin, chứng minh được, hãy cho thế giới thấy rằng, thiếu bản sắc Việt, thiết kế Ý và công nghệ Đức, không thể đạt chuẩn quốc tế. Như vậy chẳng cần tuyên truyền, người Việt Nam sẽ rất đỗi tự hào về thương hiệu Vinfast. Hơn thế, khi cần người dân sẽ ra sức bảo vệ và bảo vệ thành công thương hiệu đó, vì họ có niềm tin và chứng lý mạnh mẽ.

Hình ảnh Việt Nam rất cần được quản lý và hướng dẫn để tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, ít nhất là được tiếng thơm. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ai cũng có bổn phận bảo vệ hình ảnh đất nước, ít nhất hãy dùng một cách cân nhắc và tiết kiệm. Chính phủ có thể tham khảo, học hỏi từ những quốc gia đã phát triển về vấn đề này. Chẳng hạn, Ủy ban Thương mại Liên bang, Mỹ (The Federal Trade Commission), họ yêu cầu tất cả cá nhân/tổ chức bắt buộc phải tuân thủ các chuẩn mực về việc sử dụng nhãn hiệu Mỹ. Hãy hạn chế tình trạng hình ảnh quốc gia giá trị đã thấp, nay có thể còn thấp hơn.

Nguyễn Hà Hùng

Nguồn : BBC, 09/10/2018

***********************

Hai kiểu xe đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam tại triển lãm Paris (RFI, 09/10/2018)

Hai chiếc Sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 mang nhãn hiệu VinFast của Việt Nam với logo hình chữ V thu hút tò mò của khách tham quan hội chợ xe Paris mở ra từ ngày 4 đến 14/10/2018. Hai chiếc xe mẫu được lắp ráp tại Ý trong lúc chờ đợi nhà máy tại Hải Phòng đi vào hoạt động. Tập đoàn xe hơi đầu tiên của Việt Nam kỳ vọng đến mùa hè 2019 xe sẽ được bán trong nước.

vin2

Chiếc SUV Lux SA2.0 của VinFast tại hội chợ xe quốc tế Paris 2018.Thanh Hà/RFI

Gian trưng bày xe Việt Nam được đặt tại Hall 1 khu triển lãm Porte de Versailles. Hai chiếc xe bóng loáng, một đỏ và một màu xám đen đậm được chiếu cố tận tình vào ngày ra mắt báo chí 02/10/2018. Các phóng viên đặt máy thu hình, quay cận cảnh từ đường nét thiết kế của tay lái, hộp số xe đến động cơ, từ đường viền cửa xe đến pô nhả khói, đèn pha, cửa xe, gầm xe ...

Để có được hai sản phẩm đầu tay này, hãng xe Việt Nam đã mời nhiều tên tuổi trong ngành cộng tác. Trong số các đối tác của Việt Nam phải kể đến hãng BMW của Đức, đến nhà thiết kế của Ý Ital Design, Pininfarina hay nhà trang thiết bị ô tô của Pháp Faurecia...

Trong ngày đầu tiên mở cửa cho báo chí, RFI Việt Ngữ đã có dịp đến tham quan gian trưng bày xe Việt Nam và đặt câu hỏi với bà Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch tập đoàn xe VinFast, về những chiếc xe Việt Nam ra mắt công chúng Paris lần này, về nhà máy sản xuất xe hơi của Việt Nam tại Hải Phòng sắp đi vào hoạt động và về triển vọng của thị trường xe hơi trong nước.

Thanh Hà

Published in Diễn đàn
samedi, 21 juillet 2018 22:01

Ba kịch bản 'Cái ô của Putin'

Nhân loại đang lây lan một chuyện lạ. Nước Nga chỉ có một cái ô

Chính hiệu Made in Russia.

ba1

Tổng thống Putin cùng Chủ tịch Fifa và lãnh đạo hai nước Pháp và Croatia có đội tuyển tranh tài trận chung kết World Cup 2018.

Có nhiều bình luận sự kiện này với nhiều khía cạnh. Có người so sánh với hình ảnh Thủ tướng Việt Nam khi trao bằng khen trong một sự kiện trước. Đây là bài học cho những người đang chủ ý hay vô thức xây dựng thương hiệu quốc gia, dù được giao nhiệm vụ hay không, quan chức và người dân. Vụ dùng tiền âm phủ trả người nước ngoài tuần này cũng ảnh hưởng hình ảnh dân tộc đấy. Bài viết này coi đó như một trường hợp điển hình cần tham khảo (case-study).

Giá trị một đất nước là phép cộng nhiều yếu tố, tôn giáo, con người, thể chế, chính phủ, thể thao, văn hóa, di sản, phát minh, công nghệ, đầu tư… Một trong những cách tốt nhất làm hình ảnh đất nước mình tồi tệ là bỏ mặc, không quan tâm bạn bè, rồi phát tán hành động đó khắp thế giới. Nếu nước Nga quên cả tổng thống các nước, thì họ có thể quên những thứ khác. Với sự kiện "cái ô của Putin", có lẽ chưa khi nào hình ảnh nước Nga được khắp hành tinh chú ý đến vậy, vì khả năng và mức độ chăm sóc bạn bè đặc biệt của họ.

Chăm sóc và được chăm sóc tốt nhất luôn là giá trị quan trọng nhất của một thương hiệu, bao gồm cả nhãn hiệu, hình ảnh quốc gia. Nếu không phản bác được nguyên tắc nền tảng này, chúng ta thử phân tích ba kịch bản về "cái ô của Putin" dưới đây, để hiểu thêm về cách nghĩ, cách đánh giá, đòi hỏi của thế giới. Người Việt Nam tuy nói nhiều về kỷ nguyên 4.0, nhưng mang trong mình đặc điểm nôm na mách qué, đại khái, xuề xòa, tưởng nhỏ, bỏ qua.

Cả ba kịch bản đều có chung điều kiện và hoàn cảnh như nhau, tức là sự kiện đã xảy ra, nằm ở tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế và chỉ có một cái ô cho nhiều người. Cả ba chỉ là giải pháp tình thế.

Kịch bản thứ nhất

Dùng cái ô đó che cho Putin, như những gì đã diễn ra, các vị khách đều phải đầu trần, chịu mưa, ướt từ đầu đến chân. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc bạn bè, bất bình đẳng, định vị trịch thượng, quá đề cao cá nhân Putin, không tôn trọng bạn bè, tổ chức, dịch vụ yếu kém, thu hút các kênh truyền thông, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh nước Nga. Không có ưu điểm.

Kịch bản thứ hai

Cất cái ô của Putin, không dùng, tất cả mọi người cùng ướt. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc, tổ chức, dịch vụ yếu kém, thu hút truyền thông, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh nước Nga. Ưu điểm, không định vị trịch thượng, không quá đề cao cá nhân Putin, không bất bình đẳng.

Kịch bản thứ ba

Nhường ô cho khách, ô cho Putin được mang ra sau cùng. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc kịp thời, tổ chức, dịch vụ yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh dân tộc. Ưu điểm, đề cao nước Nga, Putin là người ướt nhiều nhất, nhưng mạnh mẽ, phù hợp với hình ảnh cá nhân phong trần mà ông thường khoe, thu hút truyền thông, có thể đảo ngược tình thế và được yêu mến.

Trong ba kịch bản vừa nêu, kịch bản thứ ba ít nhược điểm hơn cả. Người Nga đã chọn phương án nhiều nhược điểm nhất. Dù người xem nhận thấy có thêm một số cái ô nhỏ hơn xuất hiện sau đó, nhưng có thể đó là do nhân viên của chính phủ các nước khác tự lo liệu ( ?). Nước Nga đã đầu tư nhiều nhất cho một kỳ World Cup, đến 15 tỷ Đô La, họ chuẩn bị nhiều năm trời, mời gọi bạn bè và phương tiện truyền thông khắp năm châu, chắc chắn không phải để thưởng thức vở diễn đáng tiếc đó.

Cái ô to của Putin che cho ông ta, còn nước Nga thì ướt lướt thướt.

Nguyễn Hà Hùng

Nguồn BBC, 21/07/2018

Published in Diễn đàn

Di chuyển tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên đất nước xinh đẹp này, nhiều người nhịn thở vì mùi hôi thối. Nhịn là một phản xạ tự nhiên, khi sợ, khi không thể làm khác.

tucung1

Phố phường Hà Nội

Sống nhịn là một phương châm cản trở sự phát triển xã hội Việt Nam. Thật nguy hiểm khi cả cộng đồng mặc kệ rác rưởi ung dung phát tán mầm bệnh đến giống nòi và kiên trì tô điểm bộ mặt dân tộc. "Một điều nhịn, chín điều lành" là một triết lý khiếm khuyết. Rất dễ nhận thấy điều đó, khi xét đến yếu tố nghĩa vụ công dân, hay chỉ số hữu ích cho cộng đồng. Càng áp dụng nó rộng rãi, càng nhiều người thực hành, càng tồn tại lâu, càng bộc lộ hư hỏng.

tucung2

Thể dục nhịp điệu buổi sáng bên Hồ Gươm

'Càng nhịn càng tốt'

Điểm yếu cơ bản của triết lý nêu trên là nhấn mạnh lợi ích bản thân và gia đình. Nó không đề cập, không khuyến khích trách nhiệm, bổn phận cá nhân đối với cộng đồng, ứng xử theo luật pháp. "Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu", tục ngữ Việt Nam. Đọc Khúc ca trăm chữ nhẫn, (Bách nhẫn ngâm, một kinh điển nhường nhịn, xuất bản tại Việt Nam từ thế kỷ 19 bằng chữ nôm), đối tượng hưởng lợi từ thái độ và hành vi nhẫn nhịn cũng là cá nhân, gia đình người thực hành, rộng nhất chỉ là bạn bè của họ. Vì được cổ xúy, nhiều người tin càng nhịn càng tốt.

Một xã hội nhịn, mọi người sống theo phương châm bưng mắt (nhẫn mục), bịt tai (nhẫn nhĩ), không lên tiếng (nhẫn khẩu), đấu tranh với ngang trái thì bất công tồn tại công khai. Nó không bị đe dọa, không đối mặt nguy cơ bị loại bỏ. Không lên tiếng thì không biết khi nào không gian sống của chúng ta sạch sẽ, tránh sao được "Việt Nam có số lượng bệnh nhân ung thư nhiều nhất thế giới". Nếu không có điều kiện trải nghiệm phố phường Hà Nội, xin đọc bài "Sáng nay, nhiều tuyến đường ở Hà Nội bỗng dưng bốc mùi thối khủng khiếp khiến người đi đường kinh hãi" đăng trên trang điện tử thuộc Thế giới di sản, hay bài "Rác thối xộc vào mũi, nín thở đi trên đường Hà Nội" trên Vietnamnet và nhiều bài khác.

Người Việt đã nhịn rất lâu. Từ thời bao cấp, nhịn đói, nhịn khát đã đành, ở nhà nhịn ỉa, đi học nhịn đái, yêu cũng nhịn. Vì không có chỗ, không chịu nổi chuồng xí xú uế. Nhịn lâu quá, kiên định "không chịu phát triển". Bo bo lo giữ mình và gia đình, bỏ mặc cộng đồng. Người Việt chỉ quét nhà mình, vứt rác dọc đường, nên phố bốc mùi thành chuyện nhỏ, chuyện của người khác. "Khi nào họ đổ rác vào nhà mình hẵng hay". Vì con người thờ ơ, quan niệm và lối sống vị kỷ, những điều vô lý nghiễm nhiên tồn tại, thu phí bò ăn cỏ, vịt ra đồng. Đường ống nước sạch (nước ăn) vỡ đến hơn 20 lần cũng ngó lơ, chừng nào vỡ ống nhà mình hãy nói. Đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng ư ? Mới chỉ là dự thảo thôi. Cứ từ từ.

tucung3

'Tắm tiên' bãi sông Hồng

Cho rằng, "nếu không nhịn, làm sao giữ được hòa khí ?", ý kiến này đặt không khí bình lặng, ổn định lên trên, không kể đúng - sai. Theo lẽ đó, người chăn vịt cứ nhẹ nhàng nộp phí, cán bộ cứ nhẹ nhàng thu tiền của dân, người chứng kiến cứ nhẹ nhàng "hết sức bình tĩnh", bố mẹ cứ nhẹ nhàng mất ngủ, hàng xóm cứ nhẹ nhàng "chuyện nhỏ", người đọc cứ nhẹ nhàng lướt sang tin khác, vợ cứ nhẹ nhàng thức đêm kiếm việc làm thêm, con cái cứ nhẹ nhàng "học tăng cường" năm này qua năm khác. Cái sai cứ nhẹ nhàng sống khỏe, sống lâu, rút kinh nghiệm sâu sắc.

"Nếu không nhịn, để cảm xúc chi phối làm đầu óc tăm tối, không phân biệt được phải - trái, phạm sai lầm". Quan điểm này cũng không đầy đủ. Thay vì nêu ý kiến của mình đứng về phía nào, bảo vệ lẽ phải hoặc lên án cái xấu, nó vẫn chú trọng quản lý cảm xúc bản thân, làm họ thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, thậm chí nhu nhược. Nó làm cho người thực hành tin rằng, việc khống chế cảm xúc của mình là quan trọng nhất, thậm chí là nhiệm vụ duy nhất. Nó biến cái sai của người thành cái sai của mình. Khi ống nước ăn vỡ, ngay từ lần đầu, phải bày tỏ ngay lập tức, ngăn chặn tái diễn, chứ không chờ vỡ hết lần này đến lần khác.

Chúng ta đã sống gần hết thập niên thứ hai thế kỷ 21, đang nhiệt liệt biểu dương tinh thần cách mạng công nghệ 4.0, nhiều thành phố lớn là đầu tàu cả nước, chúng ta không thể để tình trạng nhà nhà trồng rau, người người nuôi lợn, tự cung tự cấp cho mình do thực phẩm nhiễm độc tràn lan. Nhẫn nhịn bỏ qua mọi thứ biến con người trở nên vô cảm, "nhẫn tâm" để cái bất hợp lý, cái ác trong xã hội thành chuyện đương nhiên. "Một nhịn, chín lành" chỉ phù hợp phần nào trong không gian hẹp, cách sống này không tạo xung lực để xã hội phát triển. Người trưởng thành là người có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường sống. Xã hội văn minh là nơi con người sống theo luật và đặt luật pháp trên tất cả.

Nguyễn Hà Hùng (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 29/04/2018

Published in Văn hóa

Yêu và được yêu là cung bậc tình cảm cao nhất. Tiếng Việt không có chữ tương đương. Khi yêu, con người có xu hướng dâng hiến tất cả, sẵn sàng hy sinh mọi thứ.

yeu1

Người dân nay dựa nhiều vào mạng xã hội và internet để tìm kiếm thông tin và bàn luận.

Cũng là yêu, nhưng yêu người và yêu nước khác nhau. Phải chăng, yêu người thì loài người trở nên tình hơn, nhất là khi được âu yếm, trong khi yêu nước tỉnh hơn ?

Tổ quốc, nói cho cùng là một thực thể trừu tượng, không có khả năng bày tỏ cảm xúc yêu đương. Trải qua hàng trăm năm từ khi có văn tự, người Việt gọi người mình yêu là người tình, mà không gọi tổ quốc yêu thương của mình là nước tình.

Phải chăng yêu nước là một trạng thái cảm xúc cao cả và mạnh mẽ, nhưng có phần lý trí lạnh lùng hơn ?

Từ chuyện bán điện thoại

Khi lòng ái quốc dâng tràn, ai cũng sẵn sàng cao cả. Không chỉ có thi sỹ, các doanh nhân biết rõ điều này và họ không bỏ lỡ. Gần đây nhất, Bphone ra đời phiên bản mới, tổng giám đốc BKAV đã hùng hồn thổi lửa yêu vào lòng khách hàng. Dường như ông ta còn muốn các lãnh đạo quốc gia này tin, ngoài sự xuất xắc, ông ấy đang say đắm.

Thông điệp rất rõ ràng, hàng Việt Nam chất lượng bán kèm tự hào dân tộc ? Thật tuyệt, không phải ai cũng có thể đứng đằng sau tinh thần yêu nước mà hô hoán. Hỡi đồng bào, thứ này là hàng Việt Nam do người Việt làm cho người Việt tự hào nước Việt rồng tiên... Tin tức về thất bại của Bphone phiên bản đầu phủ khắp các trang báo.

Rút kinh nghiệm, tâm huyết hai năm, chính thức phân phối vào ngày 19/8 hừng hực khí thế, phiên bản mới ra đời với bao nhiêu là chất. Nhưng không biết chất gì. "Chất" nhất là phiên bản vàng thì không dành cho người Việt. Muốn yêu nước Việt, dân Việt phải sang Dubai.

Còn nhiều băn khoăn nữa về cái điện thoại này nhưng không nằm trong phạm vi bài viết. Không khó nhận ra rằng Bphone sẽ còn chật vật, nan giải.

Đến chuyện huy động vàng

yeu2

Chính phủ Việt Nam mới đây tỏ ý muốn huy động vàng trong dân.

Cũng là yêu nước, cũng vàng, nhưng khác. Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng huy động được vàng của dân. Báo chí đăng tải nhiều bài về việc này, nhưng dân không rõ.

Huy động là một từ hiếm, dân không dùng. Trong quan hệ giữa người dân với nhau, dù rất thân thiết, khi cần tiền (vàng), người bình thường không nói : "Yêu quí ơi, tớ huy động tiền (vàng) của cậu nhé". Như vậy khó hiểu, người nghe không biết đó là thỉnh cầu hay mệnh lệnh. Chính phủ sẽ vay, xin vàng hay còn kịch bản khác ?

Trong quá khứ, 1945, chính phủ Việt Nam đã từng nhận được nhiều vàng của dân. Chính phủ đương nhiệm cũng muốn thế và đang có "phương án". Rất có thể, tinh thần yêu nước sẽ được... huy động. Bởi vì, vàng là thứ khi không có tiền mua, có thể đổi bằng tình yêu. Khi được yêu, có thể xin vàng nhiều lần chăng ?

Dẫu sao, đây cũng là dịp chính phủ đương nhiệm biết họ có còn được dân yêu. Họ đang gặp thách thức bởi nạn tham nhũng, lãng phí, thua lỗ, nợ công, môi trường ô nhiễm... Tình trạng nghèo đói, lạc hậu, bất an làm người dân bức xúc, đỉnh điểm là vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả gần đây. Dân cũng nhận thức được, tổ quốc và chính phủ là hai khái niệm không giống nhau.

Nhưng, biết đâu điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Chính phủ Việt Nam sẽ lập kỷ lục là một chính phủ hiện đại nhiều lần nhất xin được vàng của dân. Một minh chứng hùng hồn về tinh thần bách chiến bách thắng không phải là không tưởng ?

Chắc chắn, sau 72 năm, vàng vẫn là vàng, tình yêu có thể đổi thay.

Nguyễn Hà Hùng (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 01/09/2017

Published in Diễn đàn