Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhóm tình nguyện Peace Corps đầu tiên tại Việt Nam làm lễ tuyên thệ

Buổi lễ tuyên thệ của nhóm tình nguyện viên đầu tiên thuộc Chương trình Hòa Bình tại Việt Nam được tiến hành vào ngày 30/12 ở Hà Nội.

peace1

Các tình nguyện viên Peace Corps đầu tiên tại lễ tuyên thệ ở Hà Nội hôm 30/12/2022 - US Embassy in Vietnam

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết buổi lễ do tân Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình, bà Carol Spahn, chủ trì.

Theo phát biểu tại buổi lễ của bà Carol Spahn, Việt Nam là quốc gia đối tác thứ 143 của Chương trình Hòa Bình. Các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ thực hiện các trọng tâm giáo dục của hai nước Việt- Mỹ.

Chương trình giảng dạy Tiếng Anh tại Việt Nam của Chương trình Hòa Bình, chính thức được thành lập từ sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng 7/2020.

Chín tình nguyện viên của chương trình đến Việt Nam vào tháng 10 vừa qua. Họ được đào tạo mọi kỹ năng chuyên môn để cùng giảng dạy với các giáo viên Việt Nam. Thời gian công tác của mỗi tình nguyện viên là hai năm.

Chương trình Hòa Bình là cơ quan độc lập thuộc ngành hành pháp của Chính phủ Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm vận hành chương trình tình nguyện nhằm hỗ trợ chính phủ các nước sở tại trong công tác thực thi các ưu tiên phát triển. Chương trình được Tổng thống John F. Kennedy sáng lập vào năm 1961.

Từ năm 2006, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu đàm phán để đưa Chương trình đến Việt Nam. Đến ngày 24/5/2016, hai nước ký thỏa thuận cho phép Chương trình Hòa Bình vào Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam.

Nguồn : RFA, 30/12/2022

Published in Việt Nam

Tháng 6 năm 1983 tôi rời Hoa Kỳ lên đường qua Togo dạy học. Sau ba tháng huấn luyện tại chỗ, tôi và các bạn được chính thức tuyên thệ trở thành Tình nguyện viên Peace Corps, trước khi về nơi công tác nhận nhiệm sở.

Trong nhóm 20 giáo viên toán lý hóa và sư phạm, có bạn lên tận vùng Dapaong, sát biên giới phía bắc Togo với Upper Volta (bây giờ là Burkina Faso), có bạn về Tsévie cách thủ đô chừng 30 cây số. Hai bạn thân là giảng viên sư phạm Anh ngữ làm việc ngay tại thủ đô Lomé.

bvp1

Lớp học giờ lý hóa có duy nhất một nữ sinh (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Một ngày cuối tháng 9, ông giám đốc đưa tôi về thị xã Notsé của tỉnh Haho, nằm trên Route Nationale 1, cách thủ đô 100 cây số về hướng bắc. Nơi đây là nôi của văn hóa Ewe.

Trước tiên ông đưa tôi đến trình diện tỉnh trưởng, rồi gặp ông hiệu trưởng ở trường. Lần đầu tiên tôi thấy ngôi trường của mình, nằm giữa thửa đất rộng nhìn ra quốc lộ, dù tôi đã đi ngang thị xã này nhiều lần trong ba tháng qua mà không để ý.

Sau đó về nơi tôi sẽ sống. Một căn nhà gạch mái tôn với phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp, không điện nước hay nhà tiểu bên trong. Nhà nằm trong "concession" có vài nhà gạch nhà đất làm thành một khu vuông vức, nhà tiểu chung nằm ở một góc, có cây xoài giữa sân. Bên ngoài khu nhà là vườn ngô. Giếng nước công cộng cách nhà chừng hai trăm mét, ngày mở cho dân lấy nước hai lần.

bvp2

Vi hai học trò dưới cây phượng trong sân trường cấp 2 ở Notsé mùa hè 1984 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hành lý có tấm nệm giường, hai đèn dầu, vài thùng tài liệu và dụng cụ giáo khoa, hai vali, chiếc máy radio-cassette và một hộp đồ y tế cứu thương. Một xe mobylette xanh và một tủ lạnh nhỏ chạy bằng dầu đã được để sẵn trong nhà.

Xong mọi thứ ông giám đốc từ giã. Từ đây tôi phải tự lo trong cuộc sống mới.

Buổi chiều tôi mở hành lý ra sắp xếp quần áo, đồ dùng cần thiết. Sách vở, giáo án để trên bàn, sẵn sàng cho ngày mai vào lớp.

Tối đầu tiên ở Notsé tôi hơi sợ, vì đã mấy chục năm giờ đây lại sống trong cảnh đêm tối dưới ánh đèn dầu. Ký ức gợi nhớ cho tôi một vài hình ảnh xa lắm, vào đầu thập niên 1960 khi thày u mới di cư từ bắc vào nam sống ở xứ Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ lúc đó cũng chưa có điện.

Sáng hôm sau tôi đến trường. Học trò đã đi học từ tuần trước nhưng không có thày lý hóa nên các em được ông giám thị điều động ra làm cỏ quanh trường.

Dạy lý hóa không phải là điều khó khăn, tuy tiếng Pháp của tôi có giọng lạ, nhưng các em chăm chú nghe, ghi chép những điều tôi viết trên bảng.

bvp3

Láng giềng là anh nông dân, ngồi ghế bên trái, và anh thợ mộc, bên phải, đang cưa gỗ giúp thiết kế học cụ thí nghiệm cho lớp vật lý (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Học sinh không có sách giáo khoa, vì thế tất cả những gì thầy viết lên bảng sẽ là tài liệu cho các em học và ôn bài khi cần. Đó là điều tôi học được qua khóa huấn luyện, nên chữ viết của tôi rõ ràng, định nghĩa hay thí dụ tôi tóm tắt hay chép từ sách được văn phòng cấp cho giáo viên. Những bài học tôi đã được học qua hai lần, ở mái trường Nguyễn Bá Tòng và những năm tại đại học Mỹ. Ở Việt Nam chỉ học qua sách vở, vào đại học Mỹ có thực tập trong phòng thí nghiệm nên tôi hiểu hơn. Những bài học về hóa hữu cơ làm tôi điên đầu nhớ để đi thi, dù ở quê nhà hay bên Mỹ.

Khi soạn bài ở nhà, hay đứng trước lớp tôi nhớ đến các thầy đã dạy mình, gần nhất là giáo sư W. Knight, giáo sư E. Segrè ở Đại học Berkeley. Lớp học ở đây lại giống như phòng ốc của trường Nguyễn Bá Tòng nơi tôi học lớp 11 và 12 nên hình ảnh của thầy, của bạn cứ phảng phất trong đầu. Thầy Nguyễn Công Trứ dậy vật lý, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa dậy hóa học, trẻ và đẹp trai ; thầy Trần Bằng Phong dạy văn, thầy Lê Phổ dạy triết, thầy Nguyễn Văn Đàng dậy vạn vật. Các thầy Bùi Khắc Tiệp, Đoàn Văn Thơm, Lưu Vân Các dạy toán. Đi học luyện thi tú tài bên trường Hàn Thuyên có thầy Lương Việt Cương với bộ râu dạy cách cho học trò giải toán lượng giác thật nhanh.

bvp4

Hướng dẫn học trò thực tập thí nghiệm vật lý (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Nhớ bạn bè thân thương từ ngôi trường trên đường Hoàng Hoa Thám cây hoa phượng, cây bông sứ tỏa hương, sắc mà tôi đã từng nhặt cánh hoa rơi ép vào trang thư gửi cho cô nữ sinh mình thích. Bạn cũ cùng lớp là Thiêm, Long, Lý, Ngọc Truyền, Ngọc Di, Thủy Tiên, Minh Châu. Dưới một lớp có Trần Thị Bính tóc búp bê, thích làm báo ; có Nguyễn Thị Thu Hương dễ thương mà tôi thích, nghe tin đã lìa trần vì đạn pháo trong những ngày cuối của cuộc chiến.

Chúng tôi xa nhau đã tám năm mà chẳng có liên lạc. Cuộc đời mỗi bạn đã qua nhiều ngả. Tôi phiêu bạt bốn phương trời, luôn nhớ về quê nhà, nhưng giờ đây trên đất Phi Châu, ở một ngôi trường tỉnh lẻ lại gợi nhớ cho tôi nhiều nhất về thuở học trò mơ mộng, phá phách nhưng cũng chăm học.

Tại trường đã có một bạn tình nguyện viên, anh Christoph từ tiểu bang Ohio qua dạy toán từ năm ngoái. Một bạn đồng hành, về nhận việc dạy toán sau tôi ít lâu rồi bỏ cuộc sau vài tháng. Quanh khu vực có mấy tình nguyện viên khác làm công tác nông nghiệp, y tế, chăn nuôi tại các làng cách quốc lộ vài chục cây số.

Trong số gần 200 học sinh, 90% nam, nhiều em đã vào tuổi đôi mươi vì học cuối năm lớp 11 nếu không đậu Tú tài I sẽ không được lên lớp 12 và cuối năm lớp 12 không đậu Tú tài II không được vào đại học, phải cố gắng học lại. Kết quả các kỳ thi theo tôi được biết là đậu chưa đến 50%. Bao lo lắng trước sau kỳ thi, như tôi từng trải, khác chăng là nam sinh ở Togo không phải lên đường nhập ngũ nếu thi rớt.

Làm cho lớp học sống động và để chứng minh những định luật khoa học, tôi đem vào lớp đồ thí nghiệm mang theo từ Mỹ như lăng kính, kính lồi, kính lõm, máy đo điện trở, cường độ, lò so, các mẫu nguyên tử để ráp thành phân tử tượng trưng cho chất hữu cơ.

bvp5

Cùng học trò đón mừng Giáng Sinh 1983 tại nhà ở Notsé (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Sau thời gian làm quen với công việc, tôi thường dành dăm phút cuối của mỗi tiết học để chia sẻ những kinh nghiệm đời sống, mẩu chuyện thời sự cũng như để học thêm về văn hóa Togo từ học trò.

Nhiều em thích tìm hiểu lịch sử, đặt những câu hỏi cho tôi thấy cuộc chiến Việt Nam đã vang dội toàn cầu. Sinh vào những năm 1963 hay 1964, nhiều em đã có ý niệm về cuộc chiến trên quê hương tôi, vì các em học lịch sử nước Pháp, với bài học Việt Nam giành được độc lập từ Pháp năm 1954 để làm gương cho các quốc gia Phi Châu, trong đó có Togo được trao trả độc lập năm 1960. Hơn nữa, Tổng thống Togo Gnassingbé Eyadéma đã từng là lính viễn chinh Pháp sang chiến đấu ở Đông Dương trong thập niên 1950. Học trò Togo nhớ rõ những sự kiện này, nay có tôi là người Việt Nam đầu tiên mà các em tiếp xúc nên có gì hấp dẫn với các em. Qua học trò của mình, tôi thấy người Togo có sự kính phục đối với dân tộc Việt Nam.

Học trò cũng như nhiều người dân gặp tôi cứ thắc mắc làm sao tôi có thể là một công dân Hoa Kỳ. Họ chỉ hiểu rằng người Việt là dân tộc đã đánh bại người Pháp và người Mỹ, thế thì tại sao tôi là người Việt lại qua Mỹ, chạy theo một kẻ bại trận. Với nhiều người dân, họ hiểu nước Mỹ chỉ có người da trắng và da đen, còn tôi là "un petit Chinois" chứ không thể là người Mỹ.

Tôi kể cho các em nghe về hành trình vượt biển tìm tự do của tôi, cũng như bao nhiêu người Việt khác. Được định cư tại Hoa Kỳ, theo học đại học rồi sau khi tốt nghiệp qua đây làm việc. Đó là những điều khó tin đối với các em, ngay cả với những giảng viên tôi gặp trong thời gian huấn luyện.

bvp10

Lycée de Notsé 1984

Trường ốc của Lycée de Notsé là một bin-đinh ba tầng, mỗi tầng có 4 phòng học, trông còn mới vì là dự án viện trợ của chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, xây cách đây chưa đến mười năm để giúp Togo mở rộng giáo dục phổ thông. Trước đó học sinh cấp 3 trong tỉnh phải đi học xa nhà, lên Atakpamé hay về thủ đô Lomé. Học sinh của trường hiện nay cũng có những em từ làng mạc cách Notsé vài chục cây số ra đây ở trọ để đi học.

Tôi dạy các lớp Seconde, Première và Terminale, các ban C toán lý hóa và ban D vạn vật lý hóa, theo chương trình giáo dục Pháp.

Thiếu các dụng cụ thí nghiệm vật lý, tôi xin được ngân khoản vài trăm đôla từ hội Les Amis du Togo ở Mỹ để tạo dựng lên. Dựa theo tài liệu UNESCO, dùng vật liệu tại chỗ, cùng với ít dụng cụ mang theo từ Mỹ, với sự góp sức của anh thợ mộc láng giềng giúp cưa, cắt, tôi thiết kế một phòng thí nghiệm nhỏ, hoàn toàn dùng pin đèn. Qua đó học trò được thực tập đo lực hút của quả đất, chuyển động, quán tính hay các đặc tính của quang phổ, khúc xạ, hội tụ ánh sáng và về từ trường, lực ma sát v.v.

Những học sinh cần giúp hay ôn bài ngoài giờ ở lớp, tôi mở rộng cửa nhà đón các em vì trong nhà có sách giáo khoa, có bảng và phấn cho các em học nhóm.

bvp6

Học sinh trình diễn văn nghệ trong tuần lễ văn hóa (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Chúng tôi chia sẻ, thảo luận nhiều thứ. Bàn về thể thao, tôi kể cho các em nghe về môn bóng bầu dục ở Mỹ làm mọi người lăn lóc cười. Theo hiểu biết và sự tương quan trong tiếng Pháp, môn football đáng lý là bóng đá, dùng cẳng. Cầu thủ Mỹ lại dùng đầu và vai để húc nhau, còn tay ôm bóng mà chạy, vì thế làm các em cười. Nên tiếng Pháp gọi đó là "football americaine". Chiếc áo sơ mi 49Ers tôi mặc cũng là đề tài về tìm vàng ở California để tôi kể chuyện lịch sử Hoa Kỳ có người Á Châu trong đó.

Các em kể cho tôi nghe truyện cổ của văn hóa Phi Châu, như việc thờ vật tổ của từng thôn xóm. Có chỗ lấy của quý đàn ông và đàn bà làm vật tổ. Để kính nhớ tổ tiên có phong tục trước khi uống phải đổ một chút xuống đất.

Về những ngày lễ nghỉ, 24 Janvier (24/1) ghi dấu ngày Tổng thống Gnassingbé bị mưu sát, máy bay rớt mà ông thoát chết. Một tuần sau, 2 Fevrier (2/2), ông vinh quang trở về thủ đô lại cũng là ngày lễ nghỉ. Vào tháng Ba có Semaine Culturelle với học sinh tham gia diễn hành, trình diễn văn nghệ.

Láng giềng của tôi là nông dân, thợ mộc, là công chức. Anh thợ mộc làm việc quanh sân nhà. Anh nông dân sáng sớm vác rựa ra đồng cho đến chiều. Năm 1984 hạn hán khiến ruộng ngô quanh nhà khô cháy, nông dân hàng xóm mất mùa ngô năm đó. Nhiều đêm nghe tiếng máy của đoàn xe tải chạy trên quốc lộ chở thực phẩm lên mạn bắc để cứu trợ các nước gần vùng sa mạc Sahara đang bị chết đói. Ca khúc "We Are the World" ra đời năm đó.

bvp7

Ăn nhậu với láng giềng một ngày cuối tuần (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Người dân Togo rất thích nhạc và nhảy múa. Chiếc radio-cassette bạn tặng khi rời Mỹ đã trở thành đồ vật thân thiết với tôi và hàng xóm vì qua nó họ được nghe trực tiếp truyền thanh các trận tranh tài bóng đá quốc tế, môn thể thao ưa chuộng nhất. Thềm xi măng trước nhà trở thành nơi hội họp trao đổi văn hóa và cũng là chỗ ngủ của hàng xóm hay học trò vào những đêm trời oi bức.

Tôi trở nên người bạn thân của hàng xóm. Họ nói với tôi rằng bất cứ người ngoại quốc nào đến Togo làm việc đều có nhiều thứ thuốc và biết chữa bệnh. Khi bị nhức đầu, nóng lạnh sổ mũi hay bị ngứa vì sâu bọ cắn họ đều hỏi tôi xin thuốc chữa. Ai nóng đầu hoặc sổ mũi tôi cho hai viên Aspirin, còn bị ngứa tôi cho cồn thoa lên. Điều tôi thấy lạ là ít người bị sốt rét, nghe nói từ nhỏ họ có ăn một thứ lá cây có chất chống sốt rét. Cả thị xã Notsé với 5 nghìn dân nhưng không có bác sĩ, chỉ có một trạm y tế với y tá.

Học trò cũng thích tìm hiểu về sinh hoạt dân chủ Mỹ. Thời sinh viên tôi cũng xuống đường, biểu tình hoan hô đả đảo và đó là những gì lạ lắm đối với sinh viên học sinh ở đây. Tôi cho các em xem hình ảnh hoạt động sinh viên, trong đó có sinh viên Việt Nam. Nhiều em hỏi tôi chi tiết về du học, trợ cấp tài chánh theo học đại học Mỹ. Nghe kể, lớp trước ở trường đã có em được du học Trung Quốc, Pháp.

Các em chọn cho tôi một tên Phi Châu, là Yaovi. Togo có tục lệ đặt tên con theo ngày sinh, tôi sinh vào ngày thứ Năm trong tuần là tên Yao, nhưng vì đã có một thầy trong trường sinh cùng ngày, vì thế tôi là Yaovi, người nhỏ tuổi hơn. Chọn tên để mình hòa nhập với người bản xứ, chứ trong lớp các em vẫn phải lễ phép gọi "Monsieur Bui." Học sinh không lễ phép hay nghịch phá sẽ bị thầy giám thị phạt khẻ tay trước sân trường ngay sau lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai.

Về Notsé một thời gian ngắn thì tôi thích ăn fou-fou với sauce de gombo, nhớt như canh rau đay mồng tơi, vì buổi trưa không biết nấu gì nên thường ghé vào một quán gần nhà, ăn thử vài lần rồi thích. Sốt có thể nấu với thịt gà, thịt dê hay cá khô. Bữa tối tôi tự nấu cơm hay couscous, thường ăn với cà chua, cà rốt, thỉnh thoảng có rau, xào chín mọi thứ để bảo đảm vệ sinh. Chợ của thị xã tuần họp một lần vào thứ Năm, có thịt bò, thịt dê. Bà chị từ Mỹ gửi cho ít tôm khô để nấu canh hay rim mặn với cà chua.

bvp9

Món fou-fou với sauce de gombo, nhớt như canh rau đay mồng tơi

Có dịp về thủ đô thăm bạn, tôi làm các món chả giò, tôm chiên mà mọi người đều thích. Siêu thị ở Lomé có bán nước mắm, giá đắt, một chai 375 ml gần 2 đôla.

Hai năm dạy học ở Togo tương đối bình yên, ngoại trừ vài biến cố gây quan ngại. Cuối năm 1983 khi Hoa Kỳ đem quân vào Grenada và căn cứ Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Beirut bị nổ bom làm chết mấy trăm lính, tòa đại sứ đã triệu tập tình nguyện viên về thủ đô để được thông báo tình hình và các biện pháp liên quan đến an ninh bản thân.

Chúng tôi mất hai bạn đồng hành. Một anh chết vì tai nạn xe. Jennifer bị giết tại nhà vì một người địa phương trả thù vụ ăn cắp đồ của chị. Cái chết của chị tuy là một trường hợp đơn lẻ những làm chúng tôi lo sợ. Tổng thống Togo đã lên tiếng trấn an và bảo đảm an toàn cho các tình nguyện viên.

Để biết tin tức Mỹ và thế giới, buổi tối tôi nghe đài BBC, VOA, đài Quân đội Hoa Kỳ và nghe được cả Đài tiếng nói Việt Nam qua làn sóng ngắn. Tôi còn nhớ mãi giọng của Tổng Bí thư Lê Duẩn hay Phó Thủ tướng Tố Hữu, khi đó là lãnh đạo kinh tế với vụ đổi tiền. Đó là những kỷ niệm khó quên vì lần đầu tiên tôi biết giọng nói của các lãnh đạo Hà Nội.

Thông tin, giải trí có tuần báo Newsweek từ văn phòng gửi đến, thường trễ vài tuần ; cónguyệt báo Độc Lập từ Đức. Vài sách mới mua ở Togo hay mang theo từ Mỹ, có "Nói với tuổi 20" của Thích Nhất Hạnh là quà tặng từ bạn.

Có băng nhạc Lê Văn Khoa điều khiển dàn hòa tấu, thích nhất Lý ngựa ô, Trống cơm và Hòn vọng phu ; băng nhạc "Như cánh vạc bay" do trung tâm Khánh Ly phát hành với những tình khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn. Nhạc địa phương nghe từ sóng phát thanh L’Afrique Nunméro 1 trên ra-đi-ô.

Nhớ bạn ở Berkeley, ở Mỹ tôi mong thư và cuối tuần tôi viết bưu thiếp, viết thư kể chuyện xứ lạ ; hay lần giở những trang lưu bút với nhiều hình ảnh, kỷ niệm. Thỉnh thoảng tôi viết bài kể chuyện Phi Châu gửi cho báo Việt ngữ ở Mỹ, Đức.

Tôi rời Notsé sau hai niên học. Đồ đạc trong nhà đem cho láng giềng và học trò.

bvp8

Mùa hè có phượng nở ở thủ đô Lomé (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Tôi cũng trồng trong sân trường hàng phượng vỹ, anh bạn dạy toán trồng hàng xoài, vì trồng cây xanh ở những vùng đất sa mạc là cần thiết cho thiên nhiên. Hạt phượng do anh Nguyễn Vũ tặng. Anh là người Pháp gốc Việt đang làm cố vấn nông nghiệp cho chính phủ Togo. Tôi mong hàng cây sẽ sống sót nắng hạn Phi Châu, để khi có dịp trở lại sẽ thấy phượng nở rộ nơi sân trường.

Khi đặt chân đến Togo mùa hè hai năm trước, nhìn phượng đỏ trên con đường dẫn vào Université du Bénin và trên phố gần nơi dạy thực tập, lòng tôi bồi hồi nhớ đến "Hoa học trò" của Xuân Diệu được thầy Trương Quang Gia cho học sinh lớp Đệ Ngũ trường Thánh Tâm làm bình giảng.

Đó là ký ức tuổi học trò, là trải nghiệm của một thày giáo Mỹ gốc Việt đã chia sẻ những kỷ niệm và truyền đạt kiến thức cho học trò Togo, Phi Châu.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2021 Buivanphu, 31/05/2021

Published in Văn hóa
vendredi, 21 mai 2021 18:51

Mùa hè và phượng vỹ ở Togo

Ngày còn là sinh viên Đại học U.C. Berkeley, trưa thứ Sáu nắng đẹp anh em trong ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam thường đem bàn, ghế ra ngồi ngoài Sproul Plaza để quảng bá sinh hoạt, tạo cơ hội cho các bạn ghé thăm nhau, chia sẻ buồn vui hay tán dóc sau một tuần học hành căng thẳng.

bvp0

Đại học U.C. Berkeley giờ nghỉ giữa hai buổi học

Những buổi trưa như thế, tôi đi loanh quanh dưới hàng cây xanh rợp bóng mát, chụp vài pô hình, ghé vào bàn của các hội đoàn sinh viên khác xem có những hoạt động gì.

Vài chục hội sinh viên mang nhiều sắc thái, như các hội sinh viên Taiwan, Hong Kong, Philippines, Hàn quốc, Nhật là cùng gốc Á Châu, còn có hội sinh viên Do Thái, sinh viên Iran. Theo ngành nghề có hội sinh viên dự bị y khoa (Pre-Med), sinh viên khoa thương mại, kỹ sư. Quan điểm chính trị có hội sinh viên cộng hoà, dân chủ, có bàn xin chữ ký phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào El Salvador, vào Iran.

Vào mùa xuân có bàn của các công ti tài chính thương mại tuyển người, nhiều công ti máy tính đang cần kỹ sư sắp ra trường.

Peace Corps

Có bàn đề tên Peace Corps. Tôi ghé tìm hiểu và được biết tổ chức này tuyển sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đi giúp các nước kém phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Một điều kiện cần có là tình nguyện viên phải là công dân Mỹ.

buivanphu1

Lúc đó tôi vẫn còn là thường trú nhân. Hè năm 1982 tôi tuyên thệ nhập tịch và trở thành công dân Hoa Kỳ. Tháng 10 tôi điền đơn xin gia nhập Peace Corps.

Sau thời gian hoàn tất thủ tục với giấy giới thiệu của các giáo sư, bạn bè, từ những nơi đã làm việc cùng hồ sơ an ninh từ ty cảnh sát, đầu năm 1983 tôi nhận được thư Peace Corps báo tin tôi sẽ được gửi qua Togo dạy học.

Peace Corps được Tổng thống John F. Kennedy khai sinh vào năm 1961. Câu nói của vị tổng thống trẻ tuổi : "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy t hỏi, bạn đã làm được gì cho tổ quốc chưa" là những thúc đẩy cho tôi có lý tưởng phục vụ quốc gia, nhân loại từ thời niên thiếu ở quê nhà. Hơn nữa là một người tị nạn đã được Hoa Kỳ nhận cho định cư, tôi biết ơn xứ sở này và muốn đáp đền, đóng góp cho đất nước đã cho tôi được sống trong tự do, dân chủ.

Một chi tiết về liên hệ sớm nhất giữa Peace Corps và Đại học U.C. Berkeley là khi toán tình nguyện viên đầu tiên được gửi ra nước ngoài, trước khi đến Ghana, Phi Châu mùa hè năm 1961 thì các buổi hướng dẫn đã được tổ chức tại đây.

Trước khi rời Hoa Kỳ, tôi ghé vùng thủ đô chào những người thân quen, rồi đến Philadelphia tham gia chương trình hướng dẫn kéo dài một tuần.

Đoàn chúng tôi gồm tất cả 45 người đến từ Iowa, California, Florida, Minnesota, Massachussetts, Kentucky, Hawaii, Texas, Indiana… đa số trong lứa tuổi 20, vừa tốt nghiệp đại học, có bạn từ Ivy League. Có bạn trong lứa tuổi 30 và dăm người ở tuổi 60, có bạn đã có nhiều kinh nghiệm dạy học.

Các buổi huấn luyện đều nhằm thử sức xem chúng tôi có đủ khả năng và can đảm sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với đời sống Mỹ. Chúng tôi bàn về tình bạn, những người thân sẽ bỏ lại, những bạn mới sẽ gặp. Làm sao để làm việc và thích ứng với hoàn cảnh mới. Làm sao tìm được những niềm vui, trò giải trí ở một nơi không tivi, rạp hát, không điện nước hay tiện nghi vật chất.

Chúng tôi viết kịch bản ngắn và diễn theo một chủ đề. Đang giảng bài, có học trò nói thày viết sai chính tả, ông hiệu trưởng tình cờ đi ngang lớp nghe thấy, bắt em đó lên đứng trước lớp phạt cho mấy roi tre vào tay, trong trường hợp đó, là thầy giáo của lớp bạn sẽ phản ứng ra sao. Hay khi có học trò muốn giúp mình trong việc quét nhà, giặt giũ thì phải làm sao. Trò chơi văn hóa alfafa làm tôi và nhiều bạn nhức đầu tìm câu giải đáp.

Buổi tối trước ngày từ giã Hoa Kỳ, tôi và Rick cùng Liz là cặp vợ chồng mới quen rủ nhau đi ăn cơm tối ở tiệm Vinh Hoa mà tôi tìm được địa chỉ trong cuốn niên giám điện thoại khu vực. Với tôi có lẽ đây là lần cuối được thưởng thức món ăn Việt, vì không trông mong tìm thấy hương vị quê nhà nơi đất Phi Châu trong hai năm tới.

Trưa ngày 16/6/1983 chúng tôi lên đường. Việc khởi hành bằng xe buýt ra phi trường phải đình hoãn ít lâu vì một bạn không có mặt trên xe. David còn bận bịu nói chuyện điện thoại với cô nhân tình mà anh để lại. Anh nói chúng tôi cứ đi trướcsẽ gặp lại ngoài phi trường.

Peace Corps Togo

Trong đoàn có Gregg và Jennifer thông thạo tiếng Pháp nên được chỉ định làm hướng dẫn viên cho chúng tôi từ đây cho đến khi máy bay đáp xuống Togo.

Máy bay cất cánh rời phi trường Philadelphia lúc 12 giờ trưa. Sau các trạm dừng và chuyển máy bay ở New York, Pháp, Thụy Sĩ và Ivory Coast, phi cơ của hãng Air Afrique đáp xuống phi trường Thủ đô Lomé, Togo xế chiều ngày 17/6.

Trời bỗng dưng mưa lớn. Từ cửa sổ phi cơ tôi không thấy gì ngoài hàng chữ Tokoine Aeroport bằng điện mầu xanh lá cây nổi bật trên nền trời xẫm. Phi đạo vắng ngắt. Xa xa chỉ thấy một máy bay khác nơi đuôi có hàng chữ KLM.

Trời tạnh mưa. Vừa ra khỏi cửa phi cơ thì một luồng hơi nóng và ẩm thổi vào người. Nó đem đến cho tôi chút hương thơm quen thuộc của mùa mưa ở Việt Nam.

BuiVanPhu01

Buổi hướng dẫn đầu tiên cho đoàn tình nguyện viên vừa đến Togo (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu02

Một sạp bán hàng trước cửa khách sạn nơi đoàn dừng chân (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu03

Mùa hè ở Togo cũng cũng phượng đỏ nở hoa (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Không như các phi cảng ở Mỹ, hành khách lên xuống máy bay theo thang dẫn từ cửa phi cơ vào đến bên trong, ở đây chúng tôi xuống thang máy bay, lên xe buýt để được đưa vào sảnh.

Thủ đô Lomé nằm ở ven biển và có những nét giống Biên Hòa hay thành phố Tijuana của Mexico ở sát biên giới California mà tôi đã qua chơi vài lần. Những con đường tráng nhựa nhưng thiếu đèn lưu thông, xe máy và người qua lại không theo một hướng nhất định nào.

Xe buýt đưa chúng tôi về khách sạn Le Prince nằm trên một con đường đất đỏ nhiều chỗ ngập nước, trong một khu cư dân.

Togo là một giải đất nhỏ gần đường xích đạo, nằm ép giữa Ghana và Bénin ở phía tây của Phi Châu. Vùng đất này trước là thuộc địa của Đức, Anh rồi Pháp và mới được trao trả độc lập năm 1960. Dân số khoảng 3 triệu người da đen và gồm nhiều sắc dân trong đó người Kabiyes, Ewes là chính. Dân Togo nói nhiều thổ ngữ khác nhau và dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. Đa số thờ vật tổ và cũng có nhiều người theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa.

BuiVanPhu04

Xe đò trên xa lộ nối liền nam bắc Togo (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu05

Fou-fou là thức ăn hàng ngày của người dân Togo, như người Việt ăn cơm (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu06

Cảnh một làng quê Togo (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Ngày đầu ở Togo, ra đường gặp đám trẻ nhỏ gọi chúng tôi "yovo, yovo" có nghĩa là những người da trắng. Đó là một từ của tiếng Ewe mà chúng tôi mau chóng học được.

Cảnh vật, không khí ở Togo làm tôi hồi tưởng về quê nhà, từ khí hậu nóng ẩm, con đường đất ngập nước sau cơn mưa, những cây phượng đang nở hoa đỏ ; những cây đu đủ, cây na xanh lá nhiều trái. Bên đường có bắp ngô nướng trên bếp than cạnh những sạp hàng ; trong chợ có bán mãng cầu, na. Những hình ảnh, những cây trái mà tôi đã không còn thấy từ ngày rời quê hương ra đi tị nạn ở Mỹ.

Ở Lomé vài ngày để hoàn tất các thủ tục y tế và giấy tờ cần thiết, sau đó đoàn được chia theo nhóm công tác và được đưa về các nơi để qua chương trình huấn luyện "total immersion".

Nhóm toán, lý hóa và sư phạm về thành phố cao nguyên Aktapamé, cách Lomé 160 cây số về hướng bắc. Đây là nhóm đông nhất với 20 tình nguyện viên, 16 sẽ dạy toán, lý hóa và 4 làm giảng viên sư phạm Anh ngữ.

Trên đường đi, xe chạy qua những làng mạc cho tôi cảm giác như đang về vùng thôn quê nước Việt. Khi qua một thị xã bên đường có phượng đỏ lại khiến lòng bồi hồi nhớ thuở học sinh. Những điều tôi học được trong hai tuần qua về hệ thống giáo dục Togo thì lúc này các em học sinh lớp 11 và 12 đang lo ôn bài cho các kỳ thi tú tài nhiều cam go. Như tôi đã trải qua vào mùa hè một thập niên trước khi còn ở quê nhà.

Theo chương trình huấn luyện, mỗi ngày chúng tôi có 7 giờ để học tiếng Pháp, văn hóa Togo và sư phạm. Ăn uống chung như ở trong ký túc xá. Chỗ ngủ là căn phòng lớn chia ra thành những khuông nhỏ 2 mét bề ngang, 4 mét bề dài, trong có giường và mùng ngăn muỗi.

Mới đến Togo vài tuần thì tôi bị bệnh. Người mệt mỏi và sốt. Nghi ngờ sốt rét vì khi trời tối xuống, ngồi ôn bài là muỗi bu quanh, vo ve bên tai, trên đầu nên tôi dùng tay đập muỗi liên tục. Lạ là các bạn khác ngồi quanh không bị muỗi cắn. Bạn đùa bảo tôi chưa ăn bơ uống sữa đủ, tôi cũng giỡn chơi nói chắc là muỗi thích nước mắm hơn.

Tôi đã uống thuốc theo căn dặn của bác sĩ, một tuần trước khi rời Hoa Kỳ và từ khi sang đây mỗi sáng Chủ Nhật đều uống chloroquine. Người phụ trách huấn luyện quyết định đưa tôi về thủ đô để chữa trị.

Sau khi thử máu và nước tiểu, bác sĩ riêng của Peace Corps xác nhận tôi bị sốt rét. Ông nói tôi là người lớn lên ở Việt Nam đúng ra không bị sốt rét nữa, nhưng tôi vẫn bị và ông không hiểu vì sao. Một chục viên ký ninh là khỏi, nhưng phản ứng của thuốc đã làm tôi ói mửa, mờ mắt, chóng mặt mấy ngày liền trước khi hết bệnh.

Vài tuần lễ đầu tinh thần có lúc xuống thấp vì bị bệnh như tôi hay có mấy bạn bị tiêu chảy liên tục. Vài bạn đã xin về lại Hoa Kỳ, hai bạn lớn tuổi cảm thấy học một ngôn ngữ mới quá khó khăn, một bạn trẻ từ Hawaii thấy không hợp với đời sống mới. Hai chữ E.T. (Early Termination) trở thành ngôn từ không đẹp và làm chúng tôi lo lắng vì không biết có vượt qua được khó khăn, thử thách trong giai đoạn huấn luyện hay không.

Học Pháp văn trong lớp với một thầy và chỉ có 2 hay 3 học trò nên phải tập nói liên tục. Tôi gặp trở ngại phát âm lẫn lộn Anh, Phápdùng mạo tự "le, la, les" không đúng. Cái nhà là "la maison" mà cứ nói "le maison" thì không ai hiểu tôi muốn nói gì, vì thế văn phòng cho tôi thêm một giờ trong ngày học riêng với một thầy để luyện phát âm và dùng mạo từ.

Có những buổi học chúng tôi được ra ngoài thực tập ở chợ, hàng quán, tiệm sách, được đi thăm giới chức làng xã, xem những sinh hoạt múa ca của dân địa phương.

Cuối tuần không có ăn chung, văn phòng cấp tiền "walk around" cho chúng tôi ra ngoài tìm hàng quán, chọn mua thức ăn để có cơ hội giao tiếp với người dân và hiểu hơn đời sống địa phương. Món fou-fou còn xa lạ nên không thử, nhưng có cơm ăn với sauce gombo, nhớt như canh rau đay mùng tơi, hay gà nấu bơ đậu phộng (peanut butter). Chúng tôi thích nhâm nhi bia BB với gà hay bò nướng than, ngon tuyệt.

BuiVanPhu07

Giảng viên tiếng Pháp (bên trái), tác giả và hai bạn tình nguyện viên (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Sans titre

Nhóm tình nguyện viên toán lý hóa, sư phạm và các giảng viên trong thời gian huấn luyện ở Atakpamé (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Người dân ở đây tính tình vui vẻ, thích nhún nhẩy theo điệu nhạc và rất thân thiện, cởi mở. Riêng với tôi, khi thấy mình thay gọi "yovo, yovo" họ lại nói "ni hao, ni hao". Nếu gặp trẻ nhỏ là các em vung tay lên như múa võ. Thật là ngạc nhiên khi nhận ra nét văn hóa Á Châu mà người dân Togo biết lại là tiếng chào và bài quyền múa võ.

Mỗi ngày, sau giờ học chúng tôi chơi bóng chuyền. Cơm tối xong dành thời giờ ôn bài. Thỉnh thoảng rủ nhau ra bistro uống bia, nghe nhạc.

Đầu tháng 8 về lại Thủ đô Lomé để dạy thực tập trong các lớp do bộ giáo dục tổ chức tại Collège Protestant. Trong bốn tuần, buổi sáng mỗi tình nguyện viên lên lớp dạy một tiết.

Dù mới học tiếng Pháp, tôi cũng đã nói được và đủ từ vựng khoa học để thực tập giảng bài. Nội dung vật lý không có gì khó khăn, chỉ cần cố gắng dùng ngôn ngữ mới. Khi vừa đến Mỹ tôi đã làm tutor (dạy kèm) toán mấy năm, đó cũng là cách giúp mình học một ngoại ngữ nhanh, khi mà chuyên môn mình biết rành.

Buổi chiều có giảng viên sư phạm là cựu tình nguyện viên và giới chức giáo dục góp ý giúp cải tiến cách giảng dạy cho từng người.

Cuối tuần tôi và mấy bạn hay đạp xe vào trung tâm thành phố, đi qua con đường mà hôm mới tới mấy cây phượng đang nở rộ, nay chỉ còn lác đác vài bông hoa đỏ.

Thời gian dạy thực tập, chiều chiều ghé bistro gần trường thấy có sứ quán Trung Quốc trong khu vực. Một hôm đi ngang qua, bên trong có ba bốn nhân viên đang ngồi chồm hổm trên sàn nhà lựa thư. Tìm hiểu quan hệ ngoại giao, ở Lomé có sứ quán Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Liên bang Xô-Viết, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Togo là một quốc gia trong khối phi liên kết. Chuyện "ni hao" và múa võ tôi cho là do từ phim ảnh Hồng Kông, không phải ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ở đây.

Qua đầu tháng 9 chương trình huấn luyện cho các nhóm hoàn tất. Giữa tháng chúng tôi chính thức tuyên thệ trở thành tình nguyện viên Peace Corps trong một buổi lễ có sự tham dự của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và đại diện chính quyền Togo.

BuiVanPhu09

Tin trên báo La Nouvelle Marche ngày 16/9/1983 về lễ tuyên thệ của các tình nguyện viên Peace Corps (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu10

Quán bán thức ăn Việt ở thủ đô Lomé, Togo (Ảnh : Bùi Văn Phú)

BuiVanPhu11

Ở Togo có các trái cây quen thuộc với người Việt (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Khi đặt chân đến Togo ba tháng trước đoàn chúng tôi có 45 người. Lúc tuyên thệ còn 31, nhiều bạn đã bỏ cuộc vì thấy công tác có quá nhiều khó khăn.

Chúng tôi sẽ về phục vụ tại các tỉnh, làng mạc xa xôi từ nam chí bắc đất nước Togo. Chính phủ Togo lo chỗ ở. Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp phương tiện di chuyển, có thể là xe 100 máy phân khối, xe Mobylette hay xe đạp tuỳ theo phải di chuyển bao xa từ nhà đến nơi làm việc và mỗi tháng được trợ cấp một số tiền để lo thực phẩm, tiêu vặt, tương đương với lương của người đồng nhiệm địa phương.

Về nơi công tác mỗi tình nguyện viên tự lo liệu, hòa mình vào công việc và đời sống mới với nhiều bỡ ngỡ, nhiều điều để học hỏi.

Nơi xứ lạ, có một điều ngạc nhiên cho tôi là ba tháng trước khi vừa xuống máy bay, ông giám đốc Peace Corps ra đón đoàn, gặp tôi ông cho biết ở đây có người Việt và quán ăn Việt. Ông đã xem hồ sơ lí lịch và biết tôi gốc Việt, nên muốn đem đến cho tôi niềm vui để đỡ nhớ quê hương nguồn cội vì dù gì tôi cũng lớn lên ở Việt Nam và mới sống ở Mỹ có tám năm.

Tôi nghe cũng mừng nhưng không để ý nhiều vì sau bữa cơm Việt ở Philadelphia lòng đã thầm nhủ sẽ không còn thấy nét văn hóa Việt trong hai năm tới, ngoài vài quyển sách, băng cát-sét nhạc Việt tôi mang theo.

Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, theo sự giới thiệu của giám đốc Peace Corps, tôi tới chào xã giao ông giám đốc ngân hàng Pháp, có vợ người Việt và được ông mời ghé nhà chơi. Đó là gia đình gốc Việt đầu tiên ở Lomé tôi gặp.

Trước khi về tỉnh nhận nhiệm sở, tôi và vài bạn đồng hành, cũng có Rick và Liz đã cùng tôi ăn tối ở Philadelphia, tìm ăn cơm Việt ở Lomé. Từ thông tin ông giám đốc cho, chúng tôi đến quán 4eme Zone mà tôi gọi là Quán Vùng Bốn, nằm trên Boulevard Circulaire.

Một thiếu nữ Pháp trông dễ thương mang ra tờ thực đơn. Nhìn qua tôi thấy có mấy món nước như phở, bún và nhiều món xào. Tôi thích phở giá tương đối rẻ, vừa bụng và lại món quốc hồn quốc tuý. Đồ xào tôi e ngại sẽ pha nấu kiểu Tầu. Mấy bạn hỏi ý kiến, tôi đề nghị phở và mọi người đồng ý.

Cô tiếp viên bưng phở ra, bốn tô phở chỉ thấy bánh trắng điểm mấy lát thịt bò, không hành ngò xanh xanh, không ớt đỏ, không rau thơm, giá sống khi tôi hỏi xin. Phở mà không chút hương vị phở. Phải nói phở ở Togo nhạt nhẽo nhất mà tôi đã được nếm. Hỏi chuyện và được biết chủ nhà hàng người Li-băng, đầu bếp người Togo. Ăn thử một lần cho biết, chắc chắn tôi sẽ không trở lại quán này.

Các tình nguyện viên lần lượt được đưa về nhiệm sở. Tôi phải học thêm Pháp ngữ hai tuần vì thi FSI theo tiêu chuẩn của bộ ngoại giao tôi mới đạt điểm 2+, trong khi cần điểm 3.

Sau đó ông giám đốc đưa về thị xã Notsé nhận công tác. Bên đường Route d’Atakpamé mấy cây phượng không còn hoa đỏ như lúc tôi mới đến mà giờ đang xanh lá xum xuê, dấu hiệu hè đã qua để vào niên học mới.

Tôi đã trải qua một mùa hè cam go, thử thách lẫn nhiều điều thích thú nơi miền đất mới. Ngày mai tôi sẽ là thầy dạy lý hóa, cầm phấn, đứng trước bảng đen giảng bài cho học trò nơi xứ lạ.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2021 Buivanphu, 21/05/2021

Published in Văn hóa