Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : "Áo Vàng" khiến chính phủ liên tục trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Sự lúng túng và tự mâu thuẫn của chính phủ Pháp xung quanh các biện pháp đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng là chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 20/12/2018. Chủ đề quốc tế hàng đầu là quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ rút quân sớm khỏi Syria.

aovang1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, Paris, ngày 23/03/2018. PHILIPPE WOJAZER / POOL / AFP

Tờ thiên hữa Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Chương trình "Áo Vàng" khiến hành pháp chao đảo". Tựa lớn của báo thiên tả Libération là "Những kẻ học nghề", với hình hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống Macron và thủ tướng Philippe. Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến những trục trặc liên tục trong những ngày qua của chính quyền Pháp, với cặp bài trùng Emmanuel Macron và Edouard Philippe vốn lâu nay tỏ ra rất ăn ý.

Xã luận Le Figaro với tựa đề "Giữ lời" ghi nhận : "các tuyên bố của chính phủ để đáp ứng các yêu sách của phong trào Áo Vàng là khá rõ ràng – tăng lương tối thiểu 100 euro, ngân phiếu năng lượng, thỏa luận lớn trên toàn quốc… - nhưng khâu thực thi lại trở nên vô cùng phức tạp, quá tinh xảo – có thể là như vậy - đến mức không còn ai hiểu được nữa".

Theo Le Figaro, đa số cầm quyền đã có những phản ứng khó hiểu, cần phải theo dõi "gần như hàng giờ" thì mới có thể nắm rõ những diễn biến bất ngờ, từ hủy bỏ các biện pháp được đưa ra, đến đình chỉ, rồi lại phục hồi… Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rõ ràng đến mức cho thấy có thể giữa hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống và thủ tướng, đang có những bất đồng lớn.

Bốn trục trặc

Le Figaro điểm lại bốn trục trặc chính, kể từ khi chính phủ lên tiếng đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng. Thứ nhất là tuyên bố hoãn tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng của thủ tướng, đưa ra hôm 4/12, Quốc hội đang chuẩn bị bỏ phiếu. Đúng vào thời điểm đó, phủ tổng thống ra lệnh hủy bỏ hoàn toàn dự định tăng thuế trong năm 2019. Trả lời phỏng vấn ngày hôm sau, thủ tướng Philippe tuyên bố không hề có bất đồng với tổng thống.

Trục trặc thứ hai là lời hứa tăng lương 100 euro cho tất cả những người có thu nhập tối thiểu (SMIC) của tổng thống ngay từ năm 2019, hôm 10/2019. Nếu như đây được coi là một biện pháp mạnh, gây bất ngờ, của tổng thống, để trấn an công luận, thì ngay sau đó, công luận nhận ra rằng không phải tất cả mọi người có thu nhập tối thiểu đều được hưởng, và trên thực tế, đây không phải là biện pháp mới, mà thực chất chỉ là đẩy nhanh kế hoạch tăng tiền thưởng, dự kiến rải ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.

Một trục trặc khác mà Le Figaro nhấn mạnh là chủ đề nhập cư, vốn được tổng thống Pháp tuyên bố như là một trong 5 chủ đề thảo luận quốc gia chính, thậm chí đã được đưa vào văn bản trình bày trước Hội đồng Bộ trưởng hôm 12/12. Nhưng rốt cục "di cư" không còn là một chủ đề chính nữa, mà được nhập vào chủ đề "nền dân chủ - quyền công dân". Bản thân lịch trình thảo luận cũng bị hoãn lại một tháng.

Trục trặc thứ tư vừa xảy ra hôm thứ Ba, 18/12. Phủ thủ tướng thông báo hủy bỏ hủy bỏ một phần các biện pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề "thuế carbone vì sinh thái", đã được đưa ra trong tháng 11 (như mở rộng số lượng người được hưởng ngân phiếu năng lượng, hay tăng tiền thưởng cho những ai mua xe hơi chạy điện). Bị phản đối mạnh, ít giờ sau đó, phía thủ tướng tuyên bố lại duy trì các biện pháp vừa bị tuyên bố hủy.

Những người tập tọng nghề cứu hỏa

Báo Libération ngán ngẩm than : "Bất tài, làm việc tài tử, do dự, vô chính phủ, không có nghị lực… cái thế giới mà họ gọi là mới là như vậy đấy. Người ta đã tung hê giai tầng chính trị già nua, để rồi lại cũng làm như vậy, và thậm chí tồi tệ hơn".

Xã luận Libération kết luận mỉa mai : "Sự thật là chính phủ này đang trong tình thế hoảng loạn. Họ đã làm bùng lên một đám cháy và không biết làm thế nào để dập được lửa, họ đã đổ hàng thùng nước lớn để dập lửa, để cuối cùng mới nhận ra là trong nước có cả dầu. Đây chính là số phận của những kẻ tập tọng học nghề cứu hỏa".

Từ một góc nhìn khác, Le Figaro chỉ ra sự phản ứng khác thường của các nghị sĩ thuộc đa số cầm quyền, đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước (LREM). Từ trước đến nay, các dân biểu của đảng này vốn bị chê trách là rất thụ động, chỉ làm theo các quyết định của tổng thống và chính phủ. Nhưng kể từ giờ, nhiều dân biểu của phe tổng thống, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Áo Vàng, đã tập hợp lại, để buộc chính phủ phải lắng nghe. Ba ngày sau Hồi 3 của Áo Vàng, chủ tịch nhóm dân biểu đảng LREM đã triệu tập "cuộc họp cố vấn chính trị" đầu tiên, để thảo luận về khủng hoảng.

Libération mô tả kỹ nhiều phản ứng dữ dội từ phía các dân biểu LREM chiều thứ Ba 18/12, khiến chỉ ít giờ sau phủ thủ tướng buộc phải bãi bỏ quyết định hủy bỏ một số biện pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề "thuế carbone vì sinh thái".

"Nền quân chủ cộng hòa" : Một nguyên do khiến uy tín tổng thống sụt giảm thê thảm

Cũng về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Pháp, Le Monde có bài phân tích : "Nền đệ ngũ cộng hòa không có phương tiện để đáp ứng đòi hỏi của công dân", với nhận định : "Các định chế (của đệ ngũ cộng hòa) vốn được sử dụng làm lá chắn để bảo vệ tổng thống, nhưng chính chiếc lá chắn này đã tạo ra khoảng cách giữa tổng thống với các công dân và với những người đại diện của họ".

Phương thức bầu cử và thể chế chính trị hiện tại tại Pháp, mà tác giả bài viết gọi là "nền quân chủ cộng hòa" dành cho tổng thống một uy quyền hết sức đặc biệt, gần như không phải đối mặt với quyền lực đối trọng đáng kể nào. Một khi đã được bầu lên, tổng thống yên tâm "không phải chịu trách nhiệm trước ai, trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm". Mức độ tập trung quyền lực lớn đến như vậy đã khiến người dân đặt quá nhiều niềm tin vào nhà lãnh đạo tối cao. Mặt trái của hiện tượng là một khi dân thất vọng, uy tín của tổng thống sẽ ngay lập tức sụt dốc thê thảm. Từ Sarkozy đến Hollande, và giờ đây là Macron, đều nhanh chóng bị người dân quay lưng.

Theo nhà Hiến pháp học Dominique Rousseau, đáng lẽ các định chế phải làm cầu nối giữa người dân, giữa giới chính trị với tổng thống. Nhưng đây thì ngược lại, các định chế là nơi làm tắc nghẽn.

Tắc nghẽn thì cần phải khơi thông. Đây chính là điều mà những người Áo Vàng lớn tiếng đòi hỏi. Để khơi thông tắc nghẽn, phong trào Áo Vàng muốn "trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân" (RIC), nhằm thay thế dân chủ đại diện bằng dân chủ trực tiếp. Trưng cầu không chỉ để xóa bỏ một luật, mà thậm chí còn để bãi miễn một chính trị gia dân cử.

Cải tổ cách thực thi dân chủ và quyền công dân là một trong các nội dung chính của cuộc thảo luận lớn toàn quốc mà tổng thống Pháp hứa hẹn. Le Monde đề nghị hãy theo dõi cụ thể xem chính quyền sẽ tiếp thu từ đây những gì.

Syria : Quyết định rút quân của tổng thống Trump bị lên án

Quyết đinh bất ngờ rút khỏi Syria của tổng thống Mỹ được hầu hết các báo Pháp hôm nay nói đến. Le Figaro ghi nhận quyết định rút quân nhanh chóng của tổng thống Mỹ, và vấn đề người Kurdistan bị bỏ qua.

Theo Le Figaro, quyết định triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria đã được ứng cử viên tổng thống Trump đưa ra trong tranh cử. Giờ đây Donald Trump không còn lắng nghe giới tướng lĩnh thân cận, những người đã từng khuyên ông không nên rút quân chừng nào chưa chiến thắng Daesh hoàn toàn, ông Donald Trump tin tưởng là tổng lĩnh Nhà nước Hồi giáo đã bị tiêu diệt. Le Figaro nhấn mạnh là tổng thống Trump giờ đây chỉ lắng nghe "bản năng của mình", cho dù lực lượng Nhà nước Hồi giáo vẫn còn bám trụ được ở một số vùng đất nhỏ hẹp tại Syria.

Theo Le Figaro hiện chưa ra lý do cụ thể nào đã khiến tổng thống Mỹ bất ngờ quyết định rút 2.000 quân thuộc lực lượng đặc nhiệm, hiện đang hỗ trợ lực lượng Dân Chủ Kurdistan Syria chống Daesh, tại miền đông bắc nước này. Các tướng lĩnh Hoa Kỳ sợ là người Kurdistan bị phản bội, bởi với quyết định rút quân Mỹ, lực lượng Kurdistan sẽ phải đối mặt trực tiếp với đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi một số lực lượng Kurdistan tại Syria là khủng bố, và cáo buộc họ hỗ trợ phong trào Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ vừa tỏ ý sẽ mua thêm nhiều tên lửa Patriot của Mỹ với tổng trị giá 3,5 tỉ đô la.

Libération dẫn lời của ông Charles Lister, giám đốc Chương trình chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, của Viện Trung Đông ở Washington, phản ứng ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ. Theo vị chuyên gia này, thì quyết định rút quân nói trên là "thiển cận và ngây thơ". Đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như đối với các đối thủ của Mỹ, quyết định rút quân này hoàn toàn không phải là hệ quả của một chiến thắng trước lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà đơn giản chỉ là một sự triệt thoái quân sự. Và trên bình diện địa chính trị, đây là một kịch bản mơ ước đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Nga cũng như chế độ Assad, tất cả đều được hưởng lợi từ quyết định của Trump.

Về phần mình, báo Les Echos chỉ rõ quyết định rút quân của tổng thống Mỹ là kết quả của một "thỏa thuận" có đi có lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với nguyên thủ Thổ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố dự định sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Kurdistan tại miền bắc Syria, cho dù lực lượng này chống Daesh, với hậu thuẫn của Mỹ.

Liên Âu chuẩn bị đối phó với Brexit không thỏa thuận

Le Figaro cho hay, Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 19/12, thông báo đã chuẩn bị 14 biện pháp đối phó với kịch bản Anh Quốc rời Liên Âu không thỏa thuận, trong bối cảnh Quốc hội Anh đang phân hóa cao độ trong vấn đề này. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker dự báo, nếu xảy ra, đây sẽ là một thảm họa. Các biện pháp của Ủy Ban Châu Âu bao gồm hàng loạt lĩnh vực như tài chính, giao thông, thuế quan, chính sách khí hậu và di trú.

Facebook : Một quyết định đe dọa tự do ngôn luận toàn cầu

Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Monde có bài "Khi Facebook áp đặt luật pháp của mình lên 2 tỉ dân mạng". Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hôm 15/12 thông báo sẽ thành lập một lực lượng 30.000 người có trách nhiệm loại trừ khỏi mạng xã hội này các nội dung gây tranh luận mạnh. Chính thông báo này đã gây lo ngại lớn. Le Monde nêu quan điểm của luật sư Benoit Huet, theo đó, loại "tòa án" mà Facebook đang tìm cách lập ra trên mạng xã hội này, để kiểm duyệt nội dung, có thể có một tác động lớn đến quyền tự do ngôn luận trên thế giới mạng nói chung.

Châu Âu lao vào cuộc đua ắc quy xe hơi điện

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài đáng chú ý : "Cuộc chiến xe hơi chạy điện : Châu Âu dấn thân vào cuộc chạy đua marathon toàn cầu về ắc quy".

Maros Sefcovic, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, vừa khởi sự chương trình đầu tư lớn, được mệnh danh là "kế hoạch Airbus về ắc quy xe hơi" (đầu tư có thể lên tới 250 tỉ euro, từ nay đến 2025). Dự án của Châu Âu mang tên chính thức "Liên Minh Ắc Quy Châu Âu", có trụ cột là Đức và Pháp, hai quốc gia chế tạo xe hơi hàng đầu của khối.

Theo Le Figaro, quyết định của Châu Âu tài trợ mạnh cho lĩnh vực chế tạo ắc quy, vừa được đưa ra, có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng trong cuộc chiến xe hơi điện, nơi các nhà sản xuất Châu Á đang dẫn đầu. Vì sao Châu Âu lại đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm này ?

Điều cơ bản là vì ắc quy xe hơi điện chiếm đến 40% giá trị của một chiếc xe. Hiện tại, Châu Âu rất mạnh về động cơ và bộ phận kiểm soát tốc độ, nhưng lại yếu về ắc quy. Dự kiến đến năm 2025, bốn quốc gia chính trong lĩnh vực xe hơi điện, rất có thể trong đó sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (các nước đang đứng đầu thị trường hiện nay), sẽ chiếm hơn 71% thị trường xe hơi điện toàn cầu.

Hiện tại có hai hướng đầu tư. Một là nhanh chóng đầu tư xây dựng một nhà máy ắc quy lithium-ion. Nhược điểm của hướng này là thời điểm nhập cuộc hiện nay là quá trễ, Châu Âu sẽ khó mà cạnh tranh lại các tập đoàn Châu Á đi trước. Hướng thứ hai là đầu tư cho nghiên cứu sản xuất "ắc quy rắn". Đây là hướng đi của Saft – chi nhánh của tập đoàn Total – chuyên về ắc quy. Dự tính phải hơn 10 năm sản phẩm này mới có thể ra lò, nhưng ưu thế của ắc quy này là an toàn hơn, hiệu suất hơn, và cần ít kim loại hiếm hơn.

Chạy đua để không bị bỏ rơi trong cuộc chiến xe hơi điện có ý nghĩa quan trọng trước hết, để giúp Châu Âu có thể thực hiện được các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay tại chính Châu lục. Hiện tại, Bruxelles đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính vì vậy các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng tốc cuộc đua xe hơi điện.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trump rút quân khỏi Syria : "Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết !"

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định triệt thoái ra khỏi Syria là trung tâm chú ý của tất cả các báo Pháp ra hôm nay 21/12/2018.

my0

Lính Mỹ quan sát trận địa trong một cuộc hành quân hỗn hợp tại Manbij, Syria, ngày 01/11/2018.

Le Figaro chạy tựa "Syria : Việc Mỹ rút quân mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ" : ông Erdogan nay tha hồ mở chiến dịch mới tấn công vào người Kurdistan. Đối với Le Monde, việc "Trump tự ý áp đặt rút quân" sẽ làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực. "Syria, một nền hòa bình kỳ lạ" - đó là tựa đề bài xã luận của La Croix. Nhận định rằng "Trump đã hất hủi người Kurdistan", Libération đăng ảnh tổng thống Mỹ ở trang nhất, với dòng tựa ngắn gọn đầy bực tức "Kẻ bỏ rơi bạn bè".

Donald Trump bỏ rơi đồng minh, gây nguy hiểm cho thế giới

Mở đầu bài xã luận mang tên "Nguy hiểm", Libération nhắc lại tuyên bốcủa Donald Trump "Chúng ta đã chiến thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daesh) tại Syria" và cho rằng phải đặc biệt xuẩn ngốc mới viết như thế trên Twitter, mạng xã hội mà ông Trump vẫn tung hoành.

Đã hẳn là tổ chức khủng bố này đã gánh chịu những cú đòn nặng nề từ liên minh quốc tế, nhiều tên chỉ huy cũng như quân thánh chiến bị tiêu diệt, mất hầu hết những vùng đất mà chúng kiểm soát tại Syria và Iraq. Nhưng ai cũng biết rằng con quái vật bảy đầu này vẫn còn đó, vẫn có thể sống lại bất cứ lúc nào và tung ra những cuộc tấn công đẫm máu, mà Châu Âu là một trong những mục tiêu.

Một loạt những thảm họa sẽ xảy ra. Những nạn nhân đầu tiên của quyết định làm chính quyền Mỹ sững sờ, gây phẫn nộ cho nhiều quan chức Cộng Hòa, là số phận người Kurdistan ở Syria, bị rơi vào tay kẻ thù là Erdogan và Assad. Trong khi các chiến binh Kurdistan chiếm phần lớn trong lực lượng bộ binh đã đẩy lùi quân thánh chiến. Một lần nữa, dân tộc vô tổ quốc này đã bị bỏ rơi ở nửa đường, sau khi đã sát cánh chiến đấu với đồng minh.

Giờ đây ai còn có thể tin được lời nói của các viên chức Mỹ ? Nhất là việc Mỹ rút quân sẽ làm Trung Đông đã bất ổn càng đầy thêm rủi ro, giúp cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo cơ hội giành chiến thắng, chưa kể đến sự tham lam của Nga, Iran và chế độ Damascus. Libération kết luận, nếu lâu nay người ta vẫn phải chịu đựng tính bất định của ông Donald Trump, thì giờ đây ông đã trở thành mối nguy cho thế giới.

Trung Đông quá phức tạp, không thể nghĩ giản đơn

Tương tự, trong bài xã luận "Thế trận mới tại Syria", Les Echos cũng cho rằng Nga và Iran – hai cường quốc với sự hỗ trợ của dân quân Hezbollah ở Lebanon đã cứu vãn chế độ Bachar al-Assad - từ nay tha hồ thao túng. Bên cạnh đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể rộng tay đuổi đánh người Kurdistan tại Syria. Mặc dù sau "tweet" của Donald Trump, lực lượng Mỹ chưa rút ngay, Pháp, Anh vẫn có mặt trên trận địa với sự hỗ trợ của Đức.

Nhắc lại tuyên bố thiếu thận trọng của cựu tổng thống George W.Bush hồi tháng 5/2003 là "nhiệm vụ đã hoàn thành" tại Iraq, Les Echos cho rằng tổng thống Donald Trump cũng đã có cùng nhận định hết sức sai lầm. Quân thánh chiến có thể ngóc đầu dậy tại Syria và Iraq, tấn công vào Châu Âu. Hơn nữa, vẫn chưa có giải pháp chính trị nào cho cuộc nội chiến Syria. Với việc rút quân, Hoa Kỳ sẽ không còn trọng lượng trong khu vực. Trong một Trung Đông phức tạp như thế, những ý tưởng giản đơn kiểu như ông Trump quả là nguy hiểm.

"Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết !"

Le Figarotrong bài xã luận "Chính sách thực dụng ở phương Đông" nhận xét, tại một Trung Đông đầy những liên minh cơ hội, người ta thường nói rằng rốt cuộc chỉ có người Kurdistan là thiệt thòi, và giờ đây đã trở thành sự thực.

Những dân quân Kurdistan luôn ở tuyến đầu chống quân thánh chiến, nay phải đơn độc trước Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã khởi động các động cơ của xe tăng để lao vào họ. Đối với ông Donald Trump, luôn là sự tính toán hơn là tầm nhìn, chính trị trong nước nhiều hơn đối ngoại. "Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết !". Thông tin về những chàng lính Mỹ về nước có tác dụng như một món quà Noel. Hơn nữa, tổng thống Mỹ luôn trung thành với những lời hứa tranh cử, bất chấp khuyến cáo của các vị tướng và chính khách ngay trong đảng Cộng Hòa.

Nhưng phía sau chọn lựa này, là những tính toán thực dụng của ông Trump. Ông đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ hơn là người Kurdistan : việc mua hỏa tiễn Patriot rõ ràng là một "deal" giữa Washington với Erdogan. Mặc cho những biến tướng về Hồi giáo và sự độc tài, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đồng minh cần thiết của Trump trước Iran.

Một số người nói rằng việc rút đi 2.000 quân Mỹ sẽ không thay đổi gì nhiều, vì từ lâu Vladimir Putin đã làm chủ tình hình. Họ không hoàn toàn sai. Tuy nhiên việc Mỹ triệt thoái sẽ tạo động lực cho quân thánh chiến đang suy yếu, chứng tỏ phương Tây đã bị mất đi ảnh hưởng ở Trung Đông, trao Syria vào tay Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Rộng hơn nữa, quyết định đột ngột này cho thấy Mỹ có thể bất chợt "ăn cháo đá bát", coi các đồng minh như những vai phụ ; trong khi cuộc chiến tranh chống quân khủng bố Hồi giáo còn lâu mới kết thúc.

Syria, hòa bình mong manh

La Croix cũng cho rằng quyết định của ông Trump là thảm họa cho cuộc chiến chống khủng bố : 2.000 quân thánh chiến đang bị bao vây tại thung lũng Euphrate có thể thở phào nhẹ nhõm.

Nhìn ra toàn vùng Trung Đông, chọn lựa của Donald Trump - không còn quân tâm tới Syria - cũng không khác người tiền nhiệm Barack Obama, trong việc tái cân bằng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù là thành viên NATO, Ankara lại xích gần với Nga, và đặc biệt bất bình trước việc Hoa Kỳ hợp tác quân sự với người Kurdistan. Nay Daesh đã yếu đi, Mỹ có thể dành ưu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ, chấp nhận một vai trò tối thiểu tại Syria.

Đối với người dân Syria sau bảy năm xung đột, tương lai hết sức bất định. Chiến tranh có thể tái khởi động tại vùng Idlib ở tây bắc. Một nền hòa bình mong manh được thiết lập, Bachar al-Assad vẫn tại vị nhưng chưa chắc được trọn quyền. Sự thiếu vắng một thỏa ước chính trị khiến cộng đồng quốc tế không tham gia tái thiết, trên 5,5 triệu người Syria vẫn đang tị nạn tại các quốc gia láng giềng, chưa kể hàng triệu người khác phải sơ tán ở trong nước.

Trong bài "Sau khi quân Mỹ triệt thoái là làn mưa đạn", Libération cho rằng gánh nặng sẽ đè lên người Nga, phải làm trọng tài giữa các đối tác Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. "You break it, you own it" (Bạn đã đập vỡ thì bạn phải sở hữu nó) - câu thành ngữ Mỹ xuất phát từ quy tắc của các xưởng gốm sứ, nay sẽ được áp dụng cho ông Putin.

Nỗi sợ của người Kurdistan bị bỏ rơi trên đất địch

Le Mondetrong bài viết "Nỗi sợ hãi của người Kurdistan, bị bỏ rơi trên đất địch", dẫn lời một quan sát viên cho rằng "Hết sức xấu hổ cho các quân nhân Mỹ trên thực địa, bị buộc phải bỏ rơi đồng minh, để lại lỗ hổng an ninh to lớn, giống như Saigon năm 1975".

Không có sự yểm trợ của các đối tác bên ngoài, dân quân Kurdistan sẽ đơn độc trên mảnh đất thù địch. Ở phía bắc, là kẻ thù muôn thuở Thổ Nhĩ Kỳ, còn ở phía nam, chế độ Syria được Moskva và Tehran hỗ trợ, quyết tâm nắm lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước sau tám năm chiến tranh.

Tờ báo dẫn lời một người có trách nhiệm phía Kurdistan thổ lộ : "Chúng tôi rất sững sờ. Mới cách đây vài ngày, đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Syria là ông James Jeffrey đã khẳng định lực lượng quân sự và các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn ở lại lâu dài".

Kể từ sau vụ vây hãm Kobané mùa thu năm 2014, sự liên kết giữa liên minh quốc tế chống thánh chiến do Washington dẫn đầu với dân quân Kurdistan đã mang lại kết quả tốt đẹp. Sau khi phá vỡ vòng vây ở Kobané, các vụ oanh tạc của liên minh và tính hiệu quả của các đội quân trên bộ người Kurdistan và Ả Rập đã giúp đuổi được IS khỏi vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sau đó tái chiếm Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đẩy tàn quân thánh chiến về phía nam và biên giới Iraq.

Nhờ đó, cả một dải đất rộng lớn giàu tài nguyên và dưới ảnh hưởng phương Tây đã trải rộng ở tả ngạn sông Euphrate, một đòn bẩy đầy hy vọng cho mọi giải pháp chính trị. Nay thì những tổ chức của người Kurdistan liên kết với các bộ tộc Ả Rập nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ, có thể sẽ sụp đổ như lâu đài trên cát. Hỗn loạn sẽ quay lại, và liên minh chống thánh chiến có nguy cơ mất trắng những thành quả đạt được trong những năm qua.

Thánh chiến luôn đe dọa Pháp

"Đối với Pháp, thánh chiến luôn là mối đe dọa thực sự" - Le Monde nhận định. Loan báo rút quân của Donald Trump, tuy phương thức vẫn chưa rõ và không hẳn là một ngạc nhiên cho Paris, là một đòn nặng giáng vào chiến lược của Pháp ở Trung Đông.

Le Monde cho biết ngay tối thứ Ba 18/12, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với đồng nhiệm Donald Trump. Paris hy vọng cuộc triệt thoái sẽ được tiến hành từ từ và trong trật tự, để bảo đảm an ninh cho các đối tác tại chỗ của liên minh chống thánh chiến. Và nếu việc Assad phải ra đi không còn là điều kiện tiên quyết, tổng thống Pháp vẫn nhắc nhở rằng về lâu về dài, việc duy trì Bachar al-Assad với đôi tay đẫm máu trên chiếc ghế tổng thống Syria, sẽ là "một sai lầm chết người".

Theo Le Figaro, tuy không chính thức công nhận, lực lượng đặc biệt của Pháp vẫn hiện diện tại vùng đông bắc Syria để hỗ trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) và truy lùng thánh chiến. Ba khẩu đại bác Caesar có tầm bắn 40 km có thể can thiệp từ Iraq. Các chiến đấu cơ Rafale từ Jordan "xử lý" những mục tiêu ở Syria, và thu thập thông tin. Nay bên cạnh nguy cơ quân Daesh đang ẩn nấp trong hang ổ cuối cùng Hajine ở tỉnh Deir Ez Zor được cởi trói, là nỗi lo khoảng mấy chục quân thánh chiến quốc tịch Pháp đang bị dân quân Kurdistan bắt giữ sẽ được giao cho chế độ Damascus, gây khó khăn cho Paris.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó Trung Quốc

Ngày 18/12/2018, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch mua thêm trang thiết bị quân sự cho 5 năm tới và xác định những ưu tiên chiến lược cho 10 năm tiếp theo.

nhat1

Tầu chở trực thăng Izumo của Nhật Bản sẽ được nâng cấp thành tầu sân bay. AFP PHOTO / TOSHIFUMI KITAMURA

Theo nhật báo Le Monde, "Nhật Bản trang bị khả năng quân sự phản công", trong đó "Nhật Bản giải ngân 210 tỉ để trang bị hai hàng không mẫu hạm", theo nhật báo kinh tế Les Echos, nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, thậm chí cả từ Nga.

Về mặt vật chất, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ có thêm 105 chiến đấu cơ Mỹ F-35, phiên bản A và B, thay thế cho những chiếc F-15 đời cũ. Chưa dừng ở đó, Tokyo cho nâng cấp tầu chở trực thăng Izumo thành tầu sân bay, dù chính phủ Nhật sử dụng cụm từ tầu "đa chức năng", để có khả năng chứa chiến đấu cơ, cất cánh thẳng hoặc lấy đà ngắn. Đây sẽ là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến II, đồng thời chấm dứt "chính sách an ninh phòng thủ thời hậu chiến của Nhật Bản", theo đánh giá của nhật báo trung tả Asahi.

Một ưu tiên khác được nêu trong loạt kế hoạch mới được thông qua ngày 18/12/2018 là tăng cường khả năng trong các lĩnh vực không gian, chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử, với việc thành lập một đơn vị quy tụ các lực lượng hải quân, bộ binh và không quân. Khả năng phòng thủ tên lửa được tăng cường với việc mua hai hệ thống chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.

Tại sao Nhật Bản tăng cường phương tiện phản ứng cho Lực lượng Phòng vệ ? Lý do thứ nhất, theo Le Monde, là để bảo vệ các đảo ngoài khơi, như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Tháng 04/2018, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã giới thiệu đội tác chiến nhanh hỗn hợp thủy-lục quân đầu tiên. Đơn vị này có 2.100 quân, được thành lập theo mô hình của Hải quân Mỹ và được các cố vấn Mỹ trợ giúp, có nhiệm vụ lấy lại những hòn đảo bị chiếm đóng.

Tiếp theo, Nhật Bản muốn phòng ngừa những mối đe dọa được nêu rõ trong Sách Trắng Quốc Phòng. Ngoài sự phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, Tokyo còn nhấn mạnh đến "sự tăng cường đơn phương các hoạt động quân sự của Trung Quốc", đồng thời vẫn phải lưu ý đến ý đồ của Nga. Chỉ từ tháng 04 đến 06/2018, tổng cộng 271 lần máy bay Nga và Trung Quốc vi phạm không phận của Nhật, nhiều hơn 42 vụ so với cùng thời kỳ năm 2017.

Theo Le Monde, những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ cũng nhằm làm hài lòng tổng thống Donald Trump, người luôn sẵn sàng quy trách nhiệm cho Nhật Bản trong thâm hụt thương mại của Mỹ. Thúc đẩy chuyển hóa quốc phòng cũng nhằm thỏa mãn mong muốn của thủ tướng Shinzo Abe biến Nhật Bản thành một "nước bình thường" về mặt quân sự.

Sau khi sửa đổi điều 9 của Hiến Pháp chủ hòa vào năm 2014, Nhật Bản có thể tham gia vào hệ thống phòng thủ tập thể. Năm 2015, một đạo luật được thông qua, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ để hỗ trợ các đồng minh, với một điều kiện là "sự sống còn của Nhật Bản bị đe dọa".

Ngân sách quốc phòng của Nhật không ngừng gia tăng kể từ khi thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012 và đạt đến 41,3 tỉ euro cho năm 2019, tăng 2,1% trong vòng 1 năm, nhưng con số này vẫn thấp hơn 4 lần so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.

Trung Quốc trước những lựa chọn tế nhị do tăng trưởng chững lại

Thành quả kinh tế đưa hơn 740 triệu người Trung Quốc thoát nghèo có được "là nhờ chúng ta đi theo đường lối tập trung và thống nhất của đảng", với những phát biểu như vậy, "ông Tập Cận Bình tái khẳng định vai trò trọng tâm của Đảng cộng sản Trung Quốc", theo nhật báo kinh tế Les Echos và "tái khẳng định quyền tối cao của Đảng cộng sản Trung Quốc" theo Le Figaro.

Lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc cũng hứa tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa kinh tế, nhưng lại không đưa ra biện pháp cụ thể nào. Phát biểu này, theo nhật báo kinh tế Pháp, đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của nhiều nhà phân tích và đầu tư, vẫn trông đợi vào những dấu hiệu cụ thể của chủ tịch Trung Quốc nhằm giảm bớt lo ngại liên quan đến căng thẳng thương mại và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Ngay sau lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện chính sách mở cửa, như thông lệ vào tháng 12, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng cộng sản Trung Quốc họp kín trong hai ngày để định hướng những chính sách kinh tế và tài chính cho năm 2019. Nhật báo Les Echos nhận định : "Tăng trưởng chậm lại đặt Trung Quốc trước những lựa chọn tế nhị". Một vài chỉ số thực tế được Les Echos nhắc lại : tăng trưởng quý 3 bị chậm lại (6,5%, mức thấp nhất từ năm 2009), lượng bán lẻ thấp nhất từ 15 năm qua, sản xuất công nghiệp cũng ở mức thấp nhất kể từ 3 năm gần đây, thị trường ô tô bị thu hẹp trong năm 2018…

Theo chuyên gia của tổ chức Eurasia, trong bối cảnh này, "vấn đề mấu chốt ở chỗ Bắc Kinh làm thế nào để cân đối giữa cam kết giảm rủi ro tài chính với nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng đang trượt dốc". Chính quyền trung ương và địa phương bị giằng co giữa hai mục tiêu này. Để ngăn đà giảm tăng trưởng, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp : nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm thuế 165 tỉ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, khuyến khích tăng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương… Tuy nhiên, tác động của những biện pháp này vẫn còn hạn chế.

Nhiều kinh tế gia và cố vấn chính phủ đề xuất Bắc Kinh hạ mức tăng trưởng, từ 6% đến 6,5% cho năm 2019 và ưu tiên cải cách. Mục tiêu tăng trưởng luôn là điểm quyết định trong chính sách kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên, chỉ số này sẽ không được công bố trước kỳ họp toàn thể của Quốc hội vào tháng 03/2019.

Bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, Hoa Vi phản công

Hai tuần sau khi bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi, bị bắt, lần đầu tiên, "từ trụ sở mới, Hoa Vi dàn dựng màn đáp trả quốc tế", theo thông tin của nhật báo kinh tế Les Echos.

Tập đoàn có 180.000 nhân viên tổ chức họp báo ngày 18/12/2018 tại thành phố Đông Quản (Dongguan, miền nam Trung Quốc) và khẳng định "không hề có bằng chứng về việc Hoa Vi đe dọa an ninh quốc gia của bất kỳ nước nào". Theo Les Echos, không phải ngẫu nhiên mà Hoa Vi chọn Đông Quản vì tại đây, nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc có khu công nghệ riêng có quy mô lớn và trở thành biểu tượng của Hoa Vi.

Nhiều số liệu về thành công của tập đoàn Trung Quốc cũng được công bố : lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 30 năm, doanh thu của Hoa Vi vượt ngưỡng 100 tỉ đô la trong năm 2018, 25 hợp đồng về mạng 5G đã được ký… Cuối cùng, Hoa Vi sẽ đầu tư 2 tỉ đô la trong lĩnh vực an ninh mạng trong vòng 5 năm. Một trung tâm dành cho lĩnh vực này sẽ được khánh thành trong quý I năm 2019 tại Bruxelles (Bỉ) để khách hàng có thể thử nghiệm trang thiết bị mới.

Mỹ khẳng định Nga can thiệp bầu cử tổng thống 2016

Hai báo cáo được trình lên Thượng Viện Mỹ ngày 17/12 khẳng định Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

"Can thiệp của Nga : phương pháp đánh lừa" là hàng tựa của Libération. Nhiều tập đoàn internet lớn đã bị sử dụng vào các chiến dịch có mục tiêu cụ thể, trong đó có việc ngăn cử tri da đen đi bỏ phiếu. Hai bản báo cáo còn nêu lên quy mô lớn chưa từng có của các chiến dịch trên và thủ thuật tinh xảo trong việc bóp méo thông tin qua mạng xã hội.

Internet Research Agency (IRA), do Evgeny Prigogine, một doanh nhân thân tổng thống Nga quản lý, bị chỉ đích danh là "nhà máy tung tin giả". Khoảng 1.000 nhân viên được cơ quan này huy động vào việc mở và duy trì vài trăm tài khoản giả, mang danh tính của người Mỹ, để đăng nội dung trên các mạng xã hội có lợi cho đảng Cộng Hòa, đặc biệt là cho ứng viên Donald Trump, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Theo Le Figaro, "Nga cũng khai thác mạng Instagram để gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ 2016". Hai bản báo cáo nhấn mạnh : "Instagram là mạng hữu hiệu nhất của IRA và chắc chắn hiện vẫn là chiến trường quan trọng nhất đối với họ".

Tổng thống Mỹ bị kẹt trong bức tường với Mêhicô

Vẫn liên quan đến Mỹ, xây bức tường ở biên giới với Mexico là lời hứa chắc như đinh đóng cột của nhà tỉ phú Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Hai năm sau khi đắc cử tổng thống, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chưa được Quốc Hội bật đèn xanh để giải ngân 5 tỉ đô la nhằm khởi động công trình này.

Theo Le Monde, do thiếu thỏa thuận về ngân sách của 9 trên 15 bộ, trong đó có bộ an ninh nội địa Mỹ, chịu trách nhiệm về đường biên giới, các bộ này có thể sẽ bị ngừng hoạt động kể từ ngày 21/12. Trước đó, ngày 13/12, phe đối lập đã phản đối nhu cầu và hiệu quả của bức tường biên giới và từ chối cấp 1,3 tỉ đô la để xây công trình này. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ dọa khóa ngân sách liên bang nếu ông không nhận được tài chính để thực hiện dự án xây bức tường biên giới với Mêhicô.

Hiện tại, tổng thống Mỹ không có lợi thế do đa số ở Hạ Viện thuộc về đảng Dân Chủ. Dù đảng Cộng Hòa hơn một ghế ở Thượng Viện, dự án xây bức tường phải thu được nhiều hơn 9 phiếu.

Cuộc chiến tài chính để xây bức tường hiện cho thấy rõ những hạn chế trong phát ngôn của tổng thống Mỹ, trước hết là sự phi lý trong phát biểu "Mexico phải trả tiền xây bức tường". Tuy nhiên, trên Twitter, tổng thống Mỹ trấn an rằng thỏa thuận tự do mậu dịch mới với Mexico và Canada "vô cùng có lợi" và vì thế với "số tiền mà chúng ta thu về được, Mêhicô trả giá".

Trang nhất các nhật báo

Hệ quả của phong trào Áo Vàng tiếp tục là chủ đề chính trên trang nhất của các nhật báo Pháp. Theo Le Monde, "Cảnh sát tham gia phong trào phản đối" vì nhận thấy nhiều yêu sách của phong trào Áo Vàng cũng liên quan đến họ.

Các thị trưởng lên tuyến đầu trong "cuộc thảo luận toàn quốc", được Libération đánh giá là "Những người đầu tiên gánh vác trách nhiệm" sau khi tổng thống Pháp cầu cứu đến họ. Kéo dài ba tháng, kể từ đầu năm 2019, "cuộc thảo luận toàn quốc" sẽ đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng : chuyển đổi năng lượng, thuế khóa, tổ chức Nhà nước và sự liên kết tốt hơn giữa công dân và các quyết định.

Nhờ tỉ lệ lạm phát thấp và các biện pháp nhượng bộ trước phong trào Áo Vàng của tổng thống Macron, "Sức mua tăng rõ nét vào năm tới", theo dự báo của Les Echos. Tuy nhiên, tăng trưởng của Pháp sẽ bị chững lại.

Le Figaro quan tâm đến "Cải cách trường trung học (cấp III) : Những ẩn số của một chương trình cải cách tham vọng", với việc xóa một số ban Văn học (L), Kinh tế và Xã hội (ES) và Khoa học (S).

Nhật báo công giáo La Croix đăng "những lời khuyên của giáo hoàng đến các chính trị gia" trong thông điệp được Vatican công bố ngày 18/12, nhân kỷ niệm lần thứ 52 Ngày Quốc tế vì Hòa bình.

Thu Hằng

Published in Châu Á
mardi, 18 décembre 2018 10:27

Điểm báo Pháp - Tập che bóng Đặng

Trung Quốc : Kỷ niệm 40 năm cải cách, Tập che bóng Đặng

Về thời sự Châu Á, Le Figaro (18/12/2018) trên trang nhất có hàng tựa đáng chú ý "40 năm sau công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc nhắm đến chiếm ưu thế công nghệ".

tap1

Lễ kỉ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, Bắc Kinh, 18/12/2018. Reuters/Jason Lee

Vào ngày này cách nay đúng 40 năm, ngày 18/12/1978, ông Đặng Tiểu Bình trong kỳ khai mạc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định thay đổi dòng chảy lịch sử đất nước, khi cho tiến hành một loạt các cải cách triệt để về kinh tế.

Sau bốn thập niên, Trung Quốc đã có một sự chuyển đổi vị thế ngoạn mục : đi từ nước nghèo thành một siêu cường. Lễ kỷ niệm đương nhiên là dịp để Bắc Kinh phô trương hình ảnh đoàn kết, những tràng pháo tay không dứt sau bài phát biểu của Tập Cận Bình. Nhưng ẩn sau hình ảnh đẹp đẽ đó, Le Figaro cho rằng nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc đang có những chia rẽ sâu sắc giữa phe cải cách và phe bảo thủ.

Kinh tế có dấu hiệu trì trệ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hứng chịu một áp lực ngày càng lớn trong nội bộ. Trái với những lời hứa cải cách đưa ra năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc ngày càng siết chặt các doanh nghiệp tư nhân và tăng cường sự ủng hộ của đảng với khối doanh nghiệp nhà nước. Một động thái khiến phe cải cách quan ngại, cho rằng sẽ bóp nghẹt các hoạt động kinh tế.

Trước tình hình này, ông Tập Cận Bình sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhượng bộ một phần hay "có mục tiêu" các đòi hỏi. Nhưng ít có khả năng "Gia gia Tập" thay đổi thật sự đường hướng. Theo một số nhà quan sát, trước nỗi lo bị sụp đổ như Liên Xô trong quá khứ, Tập Cận Bình sẽ không liều lĩnh từ bỏ vai trò kiểm soát của Đảng – Nhà nước đối với nhiều lĩnh vực chiến lược, đồng thời cũng không hé mở một cánh cổng nào có thể dẫn đến mở cửa chính trị.

Liệu có nên xem đó như là một đoạn tuyệt với các nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình hay không ? Những gì ông Tập thực hiện đang bị một bộ phận trí thức và đảng viên phản đối. Họ cho rằng chính lời lẽ ngạo nghễ của Trung Quốc hiện nay là nguồn cội của cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.

Theo quan sát của Le Figaro, với việc cho sửa đổi Hiến Pháp, chấm dứt giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình không phải là người dễ khuất phục trước các quy định do những người tiền nhiệm áp đặt.

Một cuộc triển lãm kỷ niệm 40 năm công cuộc cải cách đã được tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng cha đẻ của các chương trình cải cách là Đặng Tiểu Bình lại bị rớt xuống hàng thứ yếu. Triển lãm kỷ niệm chủ yếu dành chỗ để ca ngợi công lao chủ tịch Tập mà bằng chứng rõ nét nhất là những tấm áp phích to lớn hình ảnh lãnh đạo Trung Quốc và những câu nói của ông được dán kín khắp các bức tường.

Nhân dịp này, các báo Pháp đều thông báo chương trình phát sóng một bộ phim tài liệu dài 75 phút về lãnh đạo Tập Cận Bình, được chiếu trên kênh truyền hình Arte vào tối nay. Bộ phim đề tựa "Thế giới theo quan điểm Tập Cận Bình", do hai nhà báo Sophie Lepault và Romain Franklin thực hiện.

Le Monde, Le Figaro La Croix lần lượt thông báo với hàng tựa "Tập Cận Bình, người đàn ông thép", "Thế giới phức tạp của Tập Cận Bình" và "Tập Cận Bình, một nhà độc tài mới của Trung Quốc".

Công nghệ cao : Sàn đấu giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong công cuộc đưa Trung Quốc vào "kỷ nguyên mới", lĩnh vực công nghệ là một trong những mặt trận chiến lược hàng đầu mà Bắc Kinh đang trên đà làm chủ. Đây chính là điểm khiến Washington lo ngại.

Nhưng Trung Quốc ngày nay có thể tiến nhanh trong công nghệ đó là do lỗi của Mỹ. Le Figaro nhắc lại chính Hoa Kỳ là quốc gia đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho Trung Quốc đi lên thành cường quốc. Chính tổng thống Jimmy Carter là người đầu tiên cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc, trong trào lưu hâm nóng quan hệ Mỹ - Trung năm 1978.

Cũng giống như thuật Thái Cực quyền, dùng sức mạnh của đối thủ để quật ngã địch. Để rồi 40 năm sau, từ 52 nhà khoa học tiên phong đó, những người từng bị chà đạp vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa, nhưng khao khát hiểu biết và tự do, mà Trung Quốc ngày nay có đến 350.000 người phục vụ cho đế chế.

Giờ đây, Washington tìm mọi cách ngăn chặn Bắc Kinh sở hữu các công nghệ và hối thúc các nước đồng minh làm tương tự". Mục tiêu của cuộc chiến thương mại trên thực tế là nhằm ngăn chặn Trung Quốc nâng cấp công nghệ", theo như phân tích của bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế của Natixis tại Châu Á.

Còn theo nhận xét của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế đóng tại New York, tham vọng đi đầu lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Trung Quốc "đe dọa vị trí vai trò lãnh đạo hàng đầu về công nghệ của Mỹ. Bởi vì, mục tiêu của Trung Quốc không phải là để gia nhập vào nhóm các nước có nền công nghệ tiên tiến như Đức, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là để thay thế các nước này".

Tóm lại trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Trung này, "Công nghệ cao mới là trận đấu cân não mới giữa Mỹ và Trung Quốc", như tựa đề bài viết của Le Figaro mà vụ bắt giữ nhân vật số hai tập đoàn Hoa Vi là một ví dụ điển hình.

Liên Triều : Kim Jong-un cho Moon Jae-in "leo cây" ?

Về quan hệ Liên Triều, Le Monde có bài viết đề tựa "Cơ hội đi thăm Seoul của Kim Jong-un giảm dần". Tổng thống Hàn Quốc hy vọng đón lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào trước cuối năm nay, nhưng phía bắc vẫn do dự chưa xác nhận.

Le Monde đưa ra một số lý do giải thích thái độ do dự của chính quyền Bình Nhưỡng. Thứ nhất, lãnh đạo Kim Jong-un đương nhiên lo sợ bị mất thể diện và việc bảo đảm an ninh. Việc tiếp đón lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Seoul không được tuyệt đại đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ. Nhiều hội cựu chiến binh, giới đấu tranh nhân quyền hay đảng đối lập phản đối. Đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chỉ cần có vài vụ biểu tình là đủ cho ông xem là làm tổn hại đến hình ảnh của mình.

Yếu tố bất ngờ cũng có thể là một lý do. Bắc Triều Tiên luôn giữ bí mật lịch trình đi lại của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng điều này khó có thể giữ kín tại Hàn Quốc, một đất nước dân chủ ở đó truyền thông hoạt động rất tích cực.

Ngoài vấn đề an ninh ra, Le Monde cho rằng còn có một câu hỏi khác cần giải đáp : "Kim Jong-un được lợi gì khi đến thăm Seoul lúc này ?". Đương nhiên chuyến đi thăm sẽ càng củng cố hơn nữa tiến trình xích lại gần nhau giữa hai miền, vốn dĩ đã trở thành một yếu tố quyết định trong các cuộc mặc cả chiến lược về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Quá trình hòa giải về kinh tế, chính trị và quân sự giữa hai miền đã diễn ra quá nhanh. Và tiến trình này đã chạm ngưỡng. Do vậy, để có thể đi xa hơn, quan hệ Bình Nhưỡng – Washington phải có tiến triển nhằm cho phép dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đang đè nặng lên Bắc Triều Tiên.

Vấn đề là các cuộc thương lượng hầu như bế tắc sau thông báo hủy cuộc gặp tại New York, dự kiến hồi tháng 11/2018 giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, Kim Yong-chol. Thông báo của tổng thống Mỹ về một cuộc gặp thượng đỉnh mới với Kim Jong-un vào đầu năm tới đã thổi phồng nhiều đồn thổi về khả năng khai thông thương lượng.

Cuối cùng, Le Monde kết luận, trong bối cảnh này, chuyến đi thăm Seoul dường như ít hữu dụng hơn trong nhãn quan các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Ngoài giá trị biểu tượng, chuyến đi có thể sẽ chẳng đưa ra được những cam kết mới nào giữa hai miền, xa hơn những gì đã tuyên bố. Ngược lại, cuộc viếng thăm có thể buộc Kim Jong-un phải nêu rõ lập trường của mình trước khi gặp Donald Trump. Và đây chính là điều lãnh đạo Bắc Triều Tiên không hề mong muốn.

Hoa Kỳ : Đảng Dân chủ cản Trump xây tường

Thời sự nước Mỹ cũng được một số nhật báo quan tâm đến. Như thông lệ, nước Mỹ lại có nguy cơ rơi vào tình trạng "shutdown" mỗi khi thông quan ngân sách mới. Le Figaro thông báo "Tường của Donald Trump đe dọa làm tê liệt Washington".

Tổng thống Mỹ muốn rằng luật ngân sách cho năm tới dự trù 5 tỷ đô la để xây tường chặn di dân. Nhưng Quốc hội chỉ đồng tình với mức 1,3 tỷ đô la cho việc "bảo đảm an ninh biên giới".

Đến tối nay, nếu các bên không đạt được đồng thuận, thì cũng có khoảng 800 ngàn nhân viên trong tổng số 2,1 triệu người tại các Bộ Ngoại giao, An ninh Nội địa, Tài chính, Thương Mại và Cơ quan bảo vệ môi trường hay Cục Lưu trữ rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời.

Les Echos thì có bài viết "Trump lần nữa tìm cách hạ tuy tín Powell". Vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang chuẩn bị nâng mức lãi suất vào ngày thứ Tư 19/12, tổng thống Donald Trump lại có những dòng tweet chỉ trích vị lãnh đạo FED, ông Jerome Powell. Ông viết : "Thật là không thể tin nổi với đồng đô la mạnh, lạm phát gần như bằng không, thế giới xung quanh chúng ta gần như nổ tung, Paris bị thiêu đốt, Trung Quốc đang suy sụp, vậy mà Fed lại có thể nhắm đến việc tăng lãi suất (…) một vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả Trung Quốc".

Trang nhất các báo Pháp

Lĩnh vực xã hội chiếm trang nhất các nhật báo lớn của Pháp hôm nay (18/12/2018). Phong trào Áo Vàng tiếp tục gây xáo trộn đời sống chính trị tại Pháp do việc "Trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân bắt đầu xen vào các cuộc tranh luận" như hàng tít lớn của nhật báo thiên hữu Le Figaro.

Nhật báo kinh tế thì quan tâm đến "Những mặt trận mới của ngành công nghiệp Pháp". Nhật báo thiên tả Libération chú ý đến nỗi bức xúc của sinh viên nước ngoài. Tờ báo chơi chữ đề tít "Sinh viên nước ngoài : Thẻ ngân hàng trước, sơ yếu lý lịch sau".

Cũng trong lĩnh vực xã hội, nhưng nhật báo công giáo La Croix có cái nhìn rộng hơn ra bên ngoài, thương cảm cho số phận "Nghèo cùng cực của những người di dân, người tị nạn". Riêng nhật báo độc lập Le Monde ra chiều hôm trước ưu tiên cho môi trường khi chua chát nhận định "Khí hậu : Thất vọng tại COP24".

Minh Anh

Published in Châu Á

Nga đẩy quân cờ xuống Châu Phi để phá Tây phương

Khủng hoảng Áo Vàng tạm lắng, chính phủ thoát hiểm nhưng nước Pháp trả giá cao. COP24 kết thúc, nhiệt độ vẫn tăng, nhiều quốc gia vẫn ngủ. Brexit, tuần lễ đầy bất trắc. Chiến lược Châu Phi của Putin. Đây là một số chủ đề được chọn lọc trên báo chí Pháp trong thời khắc cuối năm.

ngaphi1

Một người lính Trung Phi trang bị súng AK47 ở Bangui, 14/03/2018. FLORENT VERGNES / AFP

Trang nhất các nhật báo Pháp, màu sắc xung đột "Macron-Áo Vàng" không còn nữa mà nhường chỗ cho những tựa có tính hòa giải : Khủng hoảng qua rồi nhưng khó khăn còn tồn đọng, làm cách nào hàn gắn hai nước Pháp, tựa của Le Figaro.

Với tựa "Cuộc nổi dậy ở các giao điểm lưu thông" một đặc phái viên của Le Monde túc trực bên cạnh một nhóm Áo Vàng ghi lại những gì diễn ra trong hơn một tháng huy động. Tuy nhiên, hồ sơ lớn của nhật báo độc lập tập trung vào chiến lược can thiệp của Nga vào sân sau của Tây phương mà đối tượng số một là "nước Pháp".

Con tốt Trung Phi và chiến thuật "ném sỏi" của Nga

Bài thứ nhất, "Con tốt Trung Phi trên bàn cờ Nga", cho biết từ khi Pháp tập trung quân đối phó với khủng bố ở địa bàn sa mạc Sahara, Moskva đưa hàng loạt cố vấn quân sự, vũ khí vào Trung Phi, gia tăng quan hệ với thủ lĩnh các nhóm võ trang và gây rối loạn tiến trình hòa giải của Liên Hiệp Quốc. Phân tâm vì các hồ sơ nóng bỏng trên thế giới, Paris không thấy Nga vào Trung Phi, một nước nghèo chỉ có 5 triệu dân, chìm trong nội chiến, chẳng có trọng lượng nào trên bàn cờ chiến lược quốc tế đang chuyển mình với những cuộc đấu đá từ kinh tế cho đến quân sự. Từ đầu năm 2018, một cách ồn ào và vô trật tự, Nga tung vào thủ đô Bangui từng đoàn quân nhân, công ty bảo vệ, doanh nghiệp, ngoại giao… So với Trung Quốc thì phương tiện của Nga chẳng là bao, nhưng thể hiện quyết tâm trở lại Châu Phi sau một thời gian dài vắng bóng vì Liên Xô sụp đổ.

Sự kiện Nga chọn Trung Phi, nơi mà các tướng lãnh Pháp gọi là "tổ vi trùng" mang ý nghĩa gì ? Theo giới phân tích, Nga đã lợi dụng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An vào cuối năm 2017, cho phép Nga được miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí, để cùng với Pháp tái võ trang quân đội Trung Phi. Súng Pháp thì đắt, Paris định sử dụng số súng AK47 tịch thu ở vịnh Aden chuyển cho Trung Phi nhưng bị Nga dùng quyền phủ quyết. Thế là đầu năm sau từng đợt súng Nga đổ vào Trung Phi… với đèn xanh của Liên Hiệp Quốc, rồi cố vấn, rồi huấn luyện viên…

Mục tiêu của Nga là gì ? Theo Arnaud Kalika, nguyên là chuyên gia của an ninh quân đội Pháp và về địa chính trị hậu Liên Xô, trong bài "Nga ném sỏi dò đường và chờ kết quả" cho biết : thứ nhất là Nga trắng tay ở Châu Phi từ khi Liên Xô tan hàng. Trong bối cảnh bị cấm vận quốc tế, nhu cầu kinh tế, thị trường xuất khẩu, nhất là vũ khí, và nhập khẩu tài nguyên trở thành cấp bách. Nga cũng thiếu quặng mỏ kim loại và khoáng chất hiếm.

Ngoài lý do kinh tế, sự hiện diện của Nga tại Châu Phi mang thông điệp chính trị đối với các lãnh đạo địa phương : hãy xem gương Libya, chơi với Nga an toàn hơn với Tây phương. Trong vòng công du Châu Phi hồi tháng 6, giám đốc Hội Đồng An Ninh Nga, Nikolai Patrouchev đề nghị "trợ giúp trọn gói" : chống khủng bố, chống nổi dậy và đề phòng phong trào cách mạng nhung.

Theo chuyên gia Arnaud Kalika, Nga cần có tiếng nói trên trường quốc tế. Vào lúc Mỹ có ý tài giảm binh bị ở Châu Phi, Moskva không có phương tiện dồi dào nhưng sẵn sàng nhảy vào chiếm chỗ trống, hiện diện khắp nơi.

Đối với Trung Quốc, 200 tỉ đô la trao đổi với Châu Phi, thì Nga bị bỏ xa ở phía sau. Từ cuối thập niên 1980, Moskva nghiên cứu tìm hiểu hành động của Bắc Kinh, cách thức chinh phục thị trường, qua nhiều tài liệu nghiên cứu hàn lâm đã được phổ biến. Kết luận của Nga như sau : Trung Quốc đưa người sang Châu Phi còn chúng tôi đến giúp người Châu Phi có công ăn việc làm.

Mũi xung kích của Nga là ai ? Theo Arnaud Kalika, các tổ hợp công nghệ vũ khí, ngoại giao, cơ quan mật vụ GRU hỗ trợ các "phi vụ" chính thức, rồi FSB và an ninh tư nhân bảo vệ quyền lợi riêng của các nhà đầu tư.

Dư luận viên… đánh Pháp

Trong chiều hướng trở lại Châu Phi, Nga cũng sử dụng trục tuyên truyền và quyền lực mềm : lập đài Russia Today tiếng Anh, tiếng Pháp phát hình ở Châu Phi, các hãng tin tiếng Anh của Itar Tass, Interfax và Sputnik Châu Phi cắm dùi tại chỗ. Còn đạo binh "dư luận viên" thì do Evgueni Prigojin điều hành.

Nhân vật này, có biệt danh là "đầu bếp của Putin" : thời Liên Xô, ở tù 9 năm. Thời hậu cộng sản, tham gia vào đường dây buôn súng lậu. Evgueni Prigojin hiện làm chủ công ty an ninh tư nhân Wagner tuyển mộ lính đánh thuê tham chiến ở Syria, Ukraine và Châu Phi. Sewa, một chi nhánh của Wagner đang hoạt động tại Trung Phi. Evgueni Prigojin cũng nằm trong danh sách những người Nga bị tư pháp Mỹ truy tố trong nghi án can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Trên mạng Sputnik Châu Phi, nước Pháp là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất.

Chính quyền Pháp tìm cách thoát khỏi khủng hoảng

Ngày đầu tiên của thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Macron, liệu tổng thống xóa bài làm lại ? Libération đặt câu hỏi. Làm việc phải được trả công xứng đáng, Les Echos ghi đậm lời cam kết "tăng lương, bớt thuế" của thủ tướng Edouard Philippe nhằm xoa dịu thành phần dân chúng có mức thu nhập thấp nhưng nhật báo kinh tế không quên ghi thêm hóa đơn : 3,2% thâm thủng ngân sách.

Đó là những bình luận về các giải pháp thoát khủng hoảng của chính phủ Pháp mà báo chí gián tiếp muốn nói là khó thực hiện vô cùng. Le Figaro cảnh báo : phân chia xã hội nghiêm trọng mà hóa đơn cũng nặng vô cùng. Les Echos thì nói đến những đe dọa lên kinh tế quốc gia, tinh thần giới doanh nghiệp xuống thấp. Libération nhấn mạnh đến quyết tâm của tổng thống Macron lật qua trang khủng hoảng để mở đường đối thoại với dân chúng. Cuộc đối thoại đã bắt đầu, nhất là ở nông thôn nơi xa mặt trời, chịu nhiều thiệt thòi hơn dân thành thị, cửa cơ quan chính quyền địa phương rộng mở đón ý kiến đề nghị cải thiện đời sống cụ thể.

Brexit : Trưng cầu dân ý nữa là xong ?

Thỏa thuận Brexit trong tay nhưng "Theresa May tự đặt mình trong ngõ cụt", đó là bình luận của Le Monde.

Thủ tướng Anh "kẹt cứng" bởi vì không có cách nào được đa số ở Quốc hội chấp thuận thỏa thuận Brexit : cả phe ủng hộ lẫn chống Brexit… đều bác. Đó là lỗi của thủ tướng vì sợ bị thua nên cứ chạy theo ve vuốt thành phần cực đoan muốn ly dị với Bruxelles, thay vì nỗ lực tìm đồng thuận trong phe bảo thủ. Le Monde đề nghị bà Theresa May trao quyền quyết định cho những người phải trả giá cho Brexit (tức là tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai) : đó là cử tri.

COP24 : Họp nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu

COP24, điểm hẹn của những thiện chí tối thiểu, của một số quốc gia thiếu tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau. Giải pháp tốt nhất là "thích nghi với khí hậu" theo nhận định của một nhà phân tích trên Les Echos.

Trong khi các đồng nghiệp kẻ thẩm định COP24 đã thất bại, người cho là "thành công tối thiểu", thậm chí đặt câu hỏi có nên tiếp tục tổ chức "hội nghị quốc tế tốn kém" vô ích hay không như tựa của La Croix, báo Les Echos cho là nếu không thành công trong việc làm cho khí hậu hợp với nhân loại, thì nhân loại phải tìm cách sống cho phù hợp với khí hậu : tránh vùng đất lở, thay đổi thực phẩm, cách canh tác, cách làm việc… Đầu tiên là dời làng mạc sâu vào đất liền. Libération kêu gọi "thực thi ngay những đồng thuận tối thiểu".

Phần Lan : Số một về giáo dục

Về giáo dục, tại sao Phần Lan được xem là gương mẫu số một thế giới. Quốc gia Bắc Âu tổ chức như thế nào mà những nước Châu Á, cho dù đứng đầu bảng xếp hạng về thành tích học sinh giỏi phải thán phục, học hỏi kinh nghiệm.

Trang xã hội của Le Figaro đề tựa : hệ thống giáo dục Phần Lan vẫn được xem là điểm dựa của thế giới. Điểm đặc sắc của Phần Lan là học sinh tiểu học, một khi đến trường, được tự do sinh hoạt như ở nhà. Cấp trung học cơ sở, mỗi học sinh làm một việc không em nào giống em nào. Sinh hoạt thủ công được điểm cao. Môi trường thiên nhiên chung quanh phải tốt, cho phép sinh hoạt ngoài trời. Giáo viên được đào tạo kỹ, trình độ Tú tài +5, giỏi chuyên môn và được học sinh kính trọng.

Theo một nhà báo Đài Loan, "sở dĩ học sinh ở Châu Á đứng đầu vì học gấp đôi, học thêm cho đến tối khuya". Còn giáo dục ở Phần Lan, "quân bình hơn, đưa đến kết quả tốt không kém". Mô hình này được những nhà chính trị và giáo dục thế giới xem là kiểu mẫu kể cả giới chức Châu Á, nơi mà trình độ học sinh được xem là đứng đầu thế giới. Một viên chức giáo dục chia sẻ : chắc chắn chúng tôi phải điều chỉnh lại lối dạy. Tiếng thơm thu hút quan sát viên đông đến mức, trường Espoo, ở phía tây Helsinki phải bắt người tham quan phải trả lệ phí, giống như các tour du lịch.

Đội tuyển bóng ném nữ của Pháp đăng quang Châu Âu

Cuối cùng, tin vui nữ đội tuyển bóng ném Pháp chiến thắng đội Nga trong trận chung kết vô địch Cúp Châu Âu chiều Chủ nhật, tại Paris, được chào mừng trên trang thể thao một cách trân trọng : Bóng ném, đội nữ Áo Lam tăng niềm vui gắp bội. Đương kim vô địch thế giới đánh bại đội Nga giành vô địch Châu Âu.

Libération nhắc thêm hai chiến tích : Huy chương bạc Thế Giới 2016, thua Nga. Huy chương đồng Cúp Châu Âu 2016 và huy chương vàng Thế giới 2017.

Tú Anh

Published in Quốc tế
dimanche, 16 décembre 2018 19:13

Tin tức thời sự truyền hình 16/12/2018

Nguồn : RFI, 16/12/2018

Published in Video

Thương chiến Mỹ-Trung : Thấm đòn, Bắc Kinh nhượng bộ

Les Echoshôm nay 12/12/2018 trong bài viết mang tựa đề "Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ", cho rằng Trung Quốc có thể giảm mức thuế đánh vào xe hơi Mỹ, và sửa đổi một ít trong kế hoạch "Made in China 2025".

war1

Thép ống xuất khẩu chồng chất tại Liên Vân Cảng (Lianyungang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) ngày 08/12/2018. Mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ và Châu Âu tố cáo là bán phá giá vì sản xuất thừa. Reuters/Stringer

Tờ báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh có thể giảm thuế cho xe hơi Mỹ nhập khẩu từ 40% còn 15%. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dường như đã thông báo điều này cho đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng tài chính Steve Mnuchin tối thứ Hai. Trong vòng thương lượng mới, Trung Quốc có thể đề nghị nhập thêm hàng Mỹ, nhất là nông sản, và có những thay đổi trong chính sách kinh tế.

Bắc Kinh sẵn sàng sửa đổi kế hoạch "Made in China 2025" - tập trung vào các lãnh vực mũi nhọn như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo – vốn là một trong những điểm chính gây căng thẳng giữa hai nước. Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc cạnh tranh bất chính và đánh cắp sở hữu trí tuệ, và Washington có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện những thay đổi này càng sớm càng tốt.

Tuy vậy phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận những thông tin trên, bộ trưởng thương mại nước này chỉ nói chung chung là cuộc đàm phán nhằm "tiến nhanh sang giai đoạn mới, đưa ra một lộ trình". Hãng tin Bloomberg hôm qua nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa quyết định dứt khoát. Lưu Hạc sẽ sang Mỹ sau Tết dương lịch.

Các nhà quan sát tỏ ra thận trọng, vì đã nhiều lần, mỗi khi đôi bên tiến gần được một thỏa thuận, Bắc Kinh nói rằng sẽ nhượng bộ, nhưng trên thực tế chẳng có hành động gì cụ thể. Tổng thống Donald Trump khi trở về từ hội nghị G20 ở Buenos Aires cũng đã loan báo việc Trung Quốc giảm thuế cho xe hơi Mỹ, nhưng trong ván bài xì phé này, cũng không loại trừ một sự quay ngoắt lại.

Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh thấm đòn

Trong bài "Tăng trưởng : Chờ đợi xung quanh các biện pháp của Trung Quốc", Les Echos nhận định để bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh thương mại, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục tái thúc đẩy nền kinh tế, và như vậy sẽ tạo tác động tích cực lên tăng trưởng của thế giới.

Lần đầu tiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 không dự báo tăng trưởng, mà là… sụt giảm 3,7% cho năm nay và năm tới. Những bất định địa chính trị, thương chiến Mỹ-Trung, những xáo trộn tại một số nước đang phát triển đã khiến ngoại thương, sản xuất và đầu tư sụt giảm trên thế giới.

Hiện nay, trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn. Theo các nhà kinh tế của Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn ba (tăng 25% thuế lên 267 tỉ đô la hàng Trung Quốc), Bắc Kinh có thể mất đến 1,2% GDB trong năm 2019, còn Mỹ cao lắm chỉ thiệt 0,2 đến 0,3% GDB.

Do vậy ông Donald Trump ít có lý do để nhẹ tay. Đó cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc vội vã thỏa thuận hưu chiến với Hoa Kỳ tại G20, quay lại bàn đàm phán, cho dù đã lãnh một cái tát là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.

Kinh tế gia trưởng của Candriam, ông Anton Brender nhận định : "Bắc Kinh đã bị tấn công vào thời điểm tệ hại nhất, lúc họ vừa mới ngăn chặn được đà tăng nợ công và bắt đầu kiểm soát tín dụng đen. Trung Quốc không còn cách nào khác hơn là đành để cho nợ công lại tăng cao".

Linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân… những biện pháp này, theo Mathilde Lemoine, kinh tế gia trưởng của Edmond de Rothschild, không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc mà cả cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu và sản xuất công nghiệp thế giới.

Một cuộc chiến kỳ lạ

Ở một góc nhìn khác, tác giả Philippe Escande trên Le Monde nhận định "Thương chiến Mỹ-Trung, một cuộc chiến kỳ lạ".

Trong lúc Bắc Kinh kịch liệt phản đối vụ bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, thì tòa án Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến lại đứng ra xử vụ kiện giữa nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm và tập đoàn Apple, cả hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ đều có trụ sở ở California. Tòa đã cấm Apple bán hầu hết các loại iPhone tại Trung Quốc. Thật là kỳ dị khi kẻ thù được mời đứng ra phân xử vụ tranh chấp giữa hai vị tướng !

Có thể phê phán hai tập đoàn Mỹ chẳng có mấy tinh thần ái quốc. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Cả Qualcomm và Apple đều sản xuất chủ yếu tại Hoa lục, và số phận của họ cũng gắn với số phận của Trung Quốc.

Thái Lan : Dân chủ giả tạo

Còn tại Đông Nam Á, tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan hôm qua đã loan báo tổng tuyển cử vào ngày 24/02/2019, và lần đầu tiên sau bốn năm cấm đoán mọi hoạt động chính trị, đã cho phép các đảng vận động tranh cử. Tuy nhiên La Croix nhận xét đây chỉ là "dân chủ giả tạo".

Trên thực tế, các đảng chính trị chỉ có hai tháng để vận động. Khoảng mấy chục đảng mới thành lập như đảng Dân Chủ Siam, đảng vì Đoàn kết Thái Lan… có các thành viên hầu hết là chưa bao giờ tham gia hoạt động chính trị, xuất thân từ giới kinh doanh hay trường đại học. Trong khi gần 20 năm qua, chính trường Thái Lan do đảng Pheu Thai thống trị, luôn chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử.

Pheu Thai ngày nay yếu kém đi rất nhiều, do các khuôn mặt hàng đầu như bà Yingluck Shinawatra và người anh là Thaksin đã phải lưu vong. Đối lập không đoàn kết, còn các đảng thân chính phủ đã có thời gian dài tìm cách chinh phục cử tri. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ nhiều tháng qua đã đi vận động tại các tỉnh nông nghiệp xưa nay là thành trì của phe Áo Đỏ vốn ủng hộ Thaksin.

"Áo Vàng" : Tựa chính báo Pháp

Cuộc khủng hoảng Áo Vàng (Gilets Jaunes) vẫn chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay 12/12/2018. Le Monde chạy tựa "10 tỉ euro để dập tắt khủng hoảng". "Sức mua : Chính phủ đào sâu thêm thâm hụt" - tít trang nhất của Le Figaro, nhấn mạnh thâm thủng ngân sách có thể vượt quá giới hạn 3% GDB. Theo Les Echos, tỉ lệ này tối thiểu là 3,9% trong năm 2019, và đa số cầm quyền muốn đánh thuế các đại công ty để bù vào, chạy tựa "Áo Vàng : Chính quyền cố hạn chế chi phí".

La Croixđặt vấn đề "Áo Vàng : Những người giàu có thể đóng góp thêm hay không ?". Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ yêu cầu các đại công ty và những người giàu nhất chịu khó nỗ lực thêm một chút. Libération "Quay lại với sự lăng nhục ở Mante-la-Jolie", khi các học sinh bị cảnh sát buộc quỳ gối, giơ tay lên đầu để dễ kiểm soát, lý giải do lực lượng an ninh quá mỏng, thiếu kinh nghiệm trong bối cảnh tình hình hỗn loạn.

"Áo Vàng", hãy biết dừng lại !

Xã luận của Les Echos kêu gọi "Hãy biết dừng lại !". Theo tờ báo, một khi bình tĩnh, biết lắng nghe lý lẽ, thì các cuộc tranh luận mới có thể bắt đầu.

Bạo động đã được đền đáp, thì tại sao lại ngưng ? Đương nhiên là một số Áo Vàng say men chiến thắng, trước sức mạnh truyền thông bất ngờ, và tình liên đới mới mẻ, đang mơ đến "Hồi V".

Trong vài tuần qua, "Áo Vàng" đã trở thành phong vũ biểu cho đời sống dân chủ Pháp, với sự trợ giúp của một số phương tiện truyền thống, mà theo Les Echos là một sự biến tướng đáng buồn. Tờ báo bực tức hỏi, từ khi nào mà phát ngôn của các đại diện cho quốc gia lại bị đặt ngang hàng với một "Áo Vàng" ? "Áo Vàng" nhân danh ai ? Một nhóm trên WhatsApp không phải là nghiệp đoàn hay đảng phái, lại càng không phải là toàn thể nhân dân. Les Echos cho rằng, khi các nhóm nhỏ nhân danh dân tộc, thì chính dân tộc đang gặp nguy hiểm.

Trong khi đó, nước Pháp hàng năm vẫn tái phân phối phân nửa số nguồn lực sản sinh, không có quốc gia nào có thể làm tốt hơn thế. Bây giờ là lúc để nhận ra điều đó và tấn công vào cội rễ của cái xấu : chi tiêu công quá cao và kém hiệu quả.

Giới trung lưu thiệt thòi trong hệ thống Nhà nước phúc lợi Pháp

Tác giả Denis Olivennes trên trang Ý kiến của Le Figaro phân tích : "Nhà nước phúc lợi (État providence) : Các nguyên nhân của vận rủi Pháp". Nước Pháp là một đất nước nhiều công bằng xã hội hơn đa số nước khác, nhưng người Pháp vẫn không hài lòng. Nghịch lý ấy là do hệ thống tái phân phối gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu.

Nước Pháp đứng hàng thứ nhì trong số 28 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) về mức sống trung bình của người dân, chỉ sau Luxembourg. Pháp cũng nằm trong top các nước có khoảng cách giàu nghèo thấp, trong suốt 20 năm qua. Sức mua chỉ sụt giảm có ba lần trong vòng 60 năm, và kể từ 1970, mức sống bình quân của 10% hộ nghèo nhất đã tăng lên 20%. Tỉ lệ hộ nghèo của Pháp cũng thấp nhất Châu Âu, chỉ sau Đan Mạch và Cộng hòa Czech. Số thuế thu nhập mà 1% các gia đình giàu nhất phải đóng chiếm đến 25% tổng số thuế cả nước.

Vì sao mà một quốc gia chi tiêu công nhiều nhất thế giới (chiếm 57% GDB) lại không thể làm hài lòng các công dân ?

Vấn đề là hệ thống Pháp tập trung vào thu nhập từ lao động : 52%, so với mức bình quân của EU là 39%, gây bất bình cho những người đang làm việc. Hệ thống tái phân phối làm giới trung lưu bị thiệt thòi. Nếu người nghèo đóng góp ít hơn so với các loại trợ cấp nhận được, thì từ nhiều thập kỷ qua, giai cấp trung lưu bị đánh thuế nặng, ít được hưởng phúc lợi xã hội.

Theo tác giả, bên cạnh những biện pháp khẩn cấp vừa được tổng thống Macron loan báo, cần đặt giai cấp trung lưu vào trung tâm chính sách của nhà nước. Nghịch lý ở đây là như vậy, càng phải gia tăng khuynh hướng của Macron xưa nay nhằm kích thích tăng trưởng. Nên chăng làm việc lâu hơn và nhiều hơn, đặt mức trần cho một số trợ cấp y tế, hưu trí, thất nghiệp… Nhưng liệu người Pháp có muốn làm cuộc cách mạng này hay không ?

Thụy My

Published in Châu Á

Điểm tuần báo : Hoa Vi, Áo Vàng và Fake food

Macron chao đảo, Carlos Ghosn bị cầm tù, Mạnh Vãn Châu bị quản thúc, Brexit trong khung cửa hẹp, "fake food" ngon miệng hại thân, là những chủ đề thời sự cuối năm trên các tuần báo Pháp.

fake1

Ảnh minh họa, chụp tại Bắc Kinh ngày 12/12/2018. Reuters/Jason Lee

Huyền thoại "mình đồng da sắt" của Trung Quốc nứt rạn

Nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông điện tử Trung Quốc, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ làm sứt mẻ hình ảnh "mình đồng da sắt" của Trung Quốc, theo nhận định của báo chí Canada, được tổng hợp trên Courrier Internatinal.

Bà Mạnh Vãn Châu bị nghi ngờ khai gian để SkyCom, một chi nhánh của Hoa Vi tại Hồng Kông có thể buôn bán với Iran. Với tội danh này, thừa kế tập đoàn viễn thông số một Trung Quốc, thứ hai thế giới có thể lãnh án 30 năm tù, theo luật pháp Mỹ.

Báo Global and Mail của Canada giải thích : Ottawa ở trong thế khó xử giữ hai siêu cường đang đấu tranh giành thế áp đảo cho các công ty nhà. Mike Gow, một chuyên gia Anh mô tả rõ hơn : cuộc chiến tranh địa chính trị này đang diễn ra trong các chiến hào của công nghệ số. Trong cuộc thư hùng mà một trong những thách thức lớn là tung ra thị trường công nghệ điện thoại thế hệ 5.

Theo quan điểm của nhật báo Canada này, Hoa Kỳ đang chiếm lợi thế so với Trung Quốc từ tháng 5 năm nay. Vào thời điểm đó, một tập đoàn trang thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE, đã bị cấm nhập cảng linh kiện của Mỹ. Huyền thoại một siêu cường Trung Quốc "vách sắt thành đồng" tan vỡ.

Những điều Trung Quốc lo ngại hiện rõ : căng thẳng thương mại leo thang, chiến tranh lạnh Mỹ- Trung tái diễn, Hoa Kỳ tung chiến dịch huy động thế giới cản đường phát triển công nghệ cao cấp của Trung Quốc. Giờ đây là việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính đại công ty trong tầm nhắm của chiến dịch.

Trong thời gian trước đó, Trung Quốc luôn biểu dương thế mạnh bất bại : Thế Vận Hội 2008, kinh tế vững vàng trong một thế giới khủng hoảng. Tây phương bái phục những công trình nghiên cứu và bằng sáng chế, những thành phố siêu hiện đại. Ẩn số duy nhất là khi nào thì Trung Quốc qua mặt nước Mỹ.

Thế rồi, "ZTE bị Mỹ dập vùi" và Trung Quốc mới ý thức là doanh nghiệp của mình có nhiều nhược điểm hơn là họ lầm tưởng. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Bắc Kinh phản ứng dữ dội trong vụ Mạnh Vãn Châu, hăm dọa trả đũa Canada với những "hệ quả nghiêm trọng". Báo Le Devoir La Presse nhận định đồng điệu : kẹt giữa hai siêu cường Canada chọn lựa sao đây ?

Căm giận và chống Macron xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu ?

Câu hỏi trên trang bìa của L’Express. Tuần báo cánh tả L’Obs tập trung vào "4 tuần lễ tê liệt" và "giải pháp" của Áo vàng.

Theo thăm dò ý kiến, phong trào chống đối Macron không mang màu sắc chính trị mà xuất phát từ nhận định và thất vọng vì tổng thống Pháp không bảo vệ "quyền lợi chung" mà còn lên tiếng dạy đời, chứng tỏ một sự mù lòa về xã hội.

Về phần tổng thống Pháp, ông nghĩ gì ? Điều làm ông đau đớn nhất là bị phê phán không hiểu nguyện vọng người dân có mức thu nhập thấp. Macron bị giằng co giữa trí thông minh và bản tính : đầu thì hiểu mà lòng thì không chấp nhận. L’Express cảnh báo : nếu không thoát ra được khủng hoảng, tương lai Macron là "xác ướp". Cực hữu và cực tả, mỗi phe một chiến thuật thúc đẩy phong trào Áo vàng đi vào bạo động.

Tuần báo L’Obs tương đối lạc quan : Vị tổng thống đứng bên bờ vực, tuy không nói ra, nhưng đã thay đổi đường lối. Một cố vấn xác nhận từ nay sẽ "làm lại từ đầu" không để "bộ máy hành chánh điều hành đất nước nữa mà là người hoạt động chính trị". Bởi vì, một rừng yêu sách của phong trào Áo vàng, ngoài đòi tăng sức mua, chống thuế nó còn thể hiện nguyện vọng một nền dân chủ kiểu mới, mọi hy sinh, mọi lợi nhuận phải chia sẻ đồng đều, dân muốn trực tiếp tham gia việc nước và có quyền được biết vì sao đóng thuế và tiền thuế được sử dụng ra sao.

Liệu tổng thống Pháp Macron đã hết thời ?

Câu hỏi chính không riêng gì của báo chí Pháp mà còn là đề tài bình luận của các đồng nghiệp quốc tế cùng lúc cảnh báo các chế độ dân chủ trước làn sóng ích kỷ, cực đoan.

Với tựa "Trong ngõ cụt", bài xã luận của tuần báo Courrier International không dấu lo âu : bất hạnh của Macron là hạnh phúc của nhiều người khác. Donald Trump, Vladimir Putin, Recep Ergogan không bỏ lỡ cơ hội mỉa mai những khó khăn của tổng thống Pháp. Lãnh đạo dân túy tại Ý, Matteo Salvini cũng sẵn dịp trả thù, chế nhạo Macron.

Bị nội tình rối loạn làm vướng tay vướng chân, chủ nhân Điện Elysée đâu còn tâm trí phục hưng Liên Hiệp Châu Âu. Đã vậy, còn ai để lắng nghe ông ? Phe Áo vàng chắc chắn là không . Còn giới lãnh đạo các quốc gia Châu Âu ? Angela Merkel từ từ ra khỏi sân khấu chính trị Đức sau khi bị phe cực hữu lấn sân. Đầu tàu Pháp- Đức không tránh khỏi hệ quả. Anh Quốc từ lâu nay đã vắng mặt, Theresa May cũng lao đao với phương trình Brexit nan giải. Tây Ban Nha bối rối với phong trào độc lập Catalunya và xu hướng cực hữu chiến thắng ở Andalusia. Thủ tướng Bỉ Charles Michel bị bắt buộc lãnh đạo một nội các thiểu số sau khi phe dân tộc chủ nghĩa nói tiếng Flamand rút lui (để phản đối Bỉ ký Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc).

Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng là đến ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu, những lãnh đạo bài ngoại ở Hungary và Ý có thể xoa tay khoái chí. Bởi vì tổng thống Pháp không phải chỉ thua phe Áo vàng : thất bại trong nước làm giảm cơ may trở thành "cứu tinh của Châu Âu" như tuần báo Anh The Economist kỳ vọng trong số báo tháng 06/2017. Một thoáng mây bay.

Khủng hoảng tại Pháp nhưng cùng lúc đe dọa tương lai Châu Âu

Ai sẽ thay thế Theresa May ? Chiếc ghế thủ tướng Anh đang bị nội bộ đảng bảo thủ rình rập, nhận định của The Daily Telegraph. Phải chăng đó là triệu chứng một cuộc khủng hỏang mới tại Châu Âu ? Báo The Times lo ngại : Đức, Ý, Ai Len, Hà lan… những khó khăn mà chính phủ Pháp đang đối đầu, cũng là tình trạng chung của nhiều thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Macron "gia nhập" hàng ngũ những nhà lãnh đạo bị suy yếu vì nội tình chính trị.

Báo "Người Frankfurt chủ nhật" không hoàn toàn đồng ý : Chính quyền Berlin vẫn còn vận may, thủ tướng Angela Merkel cũng thế. Bởi vì sau 13 năm lãnh đạo, công cuộc chuyển giao quyền thừa kế trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo được tổ chức hài hòa. Cho dù bị suy yếu vì "mở cửa cho di dân, tị nạn", Angela Merkel đã thành công chuyển trao bộ máy đảng cho tân chủ tịch AKK (Annegret Kramp-Karrenbauer), cùng đường hướng chính trị.

Di dân nhập cư trả giá khủng hoảng

Thế nhưng, trong bối cảnh sắp bầu Nghị Viện Châu Âu và đối mặt với làn sóng cực hữu, dân túy bài ngoại, tâm lý bao dung trong cánh tả ở Châu Âu cũng giảm nhiều đối với một làn sóng khác : làn sóng di dân. L’Obs dành một bài phóng sự dài điểm qua bốn nước Châu Âu : Đan Mạch, Anh, Đức, Ý. Cánh tả Pháp cũng do dự : chống di dân thì trái với đạo lý còn ủng hộ thì mất phiếu của cử tri bình dân.

Tư pháp Nhật ép Carlos Ghosn cung khai để làm gì ?

Tuần báo L’Obs tìm câu trả lời vì sao lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault Pháp, liên doanh với Nissan bị tư pháp Nhật bắt giam từ một tháng nay? Nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, sử gia thông thạo văn hóa Nhật, trong bài phỏng vấn, cho rằng "đó và vấn đề danh dự".

Carlos Ghosn đến với Nhật như một cứu tinh vào lúc Nissan thua lỗ, kinh tế Nhật suy trầm. Thế mà trong liên doanh, Nissan phải đóng góp vốn nhiều hơn Renault, lại bị "chiếm đọat" công nghệ nên ngậm đắng nuốt cay dù rất bất bình.

Trong giai đoạn đó, nhiều ngôi sao công nghiệp của Nhật bị rơi vào tay nước ngoài, Mỹ và Đài Loan, như Takana, Toshiba và Sharp.

Giờ đây, kinh tế Nhật có dấu hiệu phục hồi, thất nghiệp giảm, tội ác hình sự xuống thấp. Người Nhật có quyền hãnh diện về thành quả này. Thế giới cũng sắp đỗ dồn nhìn về quần đảo Phù Tang với Cúp Bóng Bầu Dục 2019, Thế Vận Hội Tokyo 2020 và Triển Lãm Toàn Cầu 2025. Đằng sau vụ cách chức Carlos Ghosn là xu hướng dân tộc chủ nghĩa hồi sinh.

Đối với chưởng lý tòa án Tokyo, bắt lãnh đạo tập đoàn Renault cung khai tội trốn thuế là một chuyện danh dự. Nếu thất bại, thì nền tư pháp Nhật Bản và nước Nhật sẽ mất mặt với báo chí quốc tế, thường chỉ ra những bất cập của các quyết định pháp lý. Điển hình là vụ tạm giam 6 tuần lễ bà Julie Hamp tân giám đốc giao tế của Toyota, một phụ nữ người Mỹ với "tội danh dùng ma túy" vì bà dùng thuốc chống đau khớp có chứa một ít nha phiến trong công thức. Ngay chủ tịch Toyota, vì lên tiếng bên vực bà Julie Hamp mà văn phòng cũng bị lục soát.

Tại Nhật, một nghi can từ chối khai báo có thể bị giam đến ba tuần. Carlos Ghosn có thể ngồi tù đến ngày ra tòa. Năm 2006, doanh nhân Takafumi Horie, cũng bị cáo buộc tội danh tương tự và bị nhốt hai năm rưỡi vì tính khí cương cường. Luật sư của Carlos Ghosn biết viên chưởng lý này, người chiếu cố Takafumi Horie và nay đang chiếu cố lãnh đạo Renault.

Trong tình huống này, theo nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, Paris khó mà can thiệp. Tổng thống Pháp không lẽ cứu một nghi can bị tố trốn thuế 40 triệu đôla. Về phía Nhật, thủ tướng Shinzo Abe cũng không dám đi ngược lại công luận mà đa số chống Carlos Ghosn. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp Nhật chỉ còn có giải pháp gồng mình lãnh búa rìu báo chí. Trang Webronza ở Tokyo chỉ trích tâm lý "dân tộc chủ nghĩa" : Carlos Ghosn là nạn nhân của nạn "được xôi rồi việc".

Từ Trung Đông, báo Al Mondo của Lebanon không bênh vực doanh nhân Pháp mang dòng máu Lebanon mà còn lập luận lạ thường : Ghosn "lên voi xuống chó" vì "chơi thân với dân Do Thái".

Ăn chay cứu trái đất

Giảm ăn thịt để bảo vệ sức khỏe và trái đất. Đó là một vấn đề đạo lý,môi trường và sức khỏe theo khẳng định của Courrier International trong "hồ sơ đặc biệt". Thức ăn công nghiệp hại sức khỏe ra sao, làm sao tránh, kết quả điều tra với tựa "Fake Food" của tuần báo L’Obs. Không hẹn mà nên, trong mùa lễ hội cuối năm, hai tuần báo Pháp tập trung vào thực phẩm… bị nghi là có hại.

Câu hỏi then chốt của nhân loại trong tương lai, theo Courrier Internatinal, là có nên ăn thịt đỏ tức là heo và bò hay không ? Tại Pháp, chiến tranh "ý thức hệ tôn giáo" đã nổ ra giữa doanh nhân bán thịt và phe ăn chay. Cho dù chỉ có khoảng 200 nhà hoạt động năng nổ trên tổng số 200.000 người ăn chay, phe chống thịt, bảo vệ động vật cũng bao vây, phong tỏa hàng thịt theo phóng sự của báo Đức Sudeutsche Zeitung.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thẩm định dân Pháp và dân Đức rất hảo thịt, tính trung bình, mỗi người tiêu thụ đến 90 kí lô mỗi năm. Trung Quốc một mình tiêu thụ 28% lượng thịt sản xuất trên thế giới. Với đà tiêu thụ này thể giới sẽ ra sao ? Theo tạp chí Science, 83% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới được sử dụng để chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi cũng có cái giá phải trả : đó là lượng khí thải CO2.

Một khi dân số địa cầu lên 10 tỷ, nhân loại buộc phải thay đổi cách sản xuất và ăn uống. Thay đổi như thế nào ? Đó là cuộc tranh luận hiện nay : ăn chay hay giã từ heo bò ? Chế tạo thịt trong phòng thí nghiệm và không phí phạm thức ăn… liệu có đáp ứng đủ không ? Để nuôi sống 7 tỷ dân hiện nay, mỗi ngày phải giết 50 tỷ thú vật.

Để bảo vệ sức khỏe chống nguy cơ ung thư do ăn thịt thái quá, nhóm nghiên cứu Anh, đại học Oxford, đề nghị tăng thuế đánh lên thịt như phương thức đánh thuế thuốc lá và đường, để làm giảm mức tiêu thụ. Nhưng nhiều nhà khoa học lại cho rằng con số 2,39 triệu người chết vì thịt đỏ trên toàn cầu mỗi năm là đáng ngờ, cho dù liên quan nhân quả giữa lạm dụng thịt và ung thư trực tràng đã được chứng minh.

Nhưng không chỉ thịt đỏ có hại cho sức khỏe. Tuần báo L’Obs, với phóng sự về "Fake Food", trình bày một loạt "thức ăn biến chế" nhờ vào phụ gia làm ngon miệng nhưng hại thân : giá trị dinh dưỡng tồi, bị nghi ngờ là thủ phạm gây nạn béo phì trên thế giới, bệnh tiểu đường và ung thư.

Tại sao gọi là "fake ? Bởi vì các loại thức ăn này tiện lợi cho việc hâm nóng, ăn liền, hợp khẩu trẻ con bị quảng cáo chinh phục, nhưng đó là "thức ăn đã bị biến chất" trong quá trình chế tạo. Tạp chí đương cử hai ví dụ : cá mòi hộp được hấp nóng trong dầu ăn thì không hại gì cả nhưng cá lăn bột chiên thì phải biết là "không còn tự nhiên". L’Obs phân tích chất lượng một số thực phẩm thường dùng : thịt nguội đẹp mắt ướp muối nitrite, trái olive nhập khẩu, đậu hũ, gan ngỗng, trà giả, sữa chua…

Tú Anh

Published in Quốc tế

Pháp "cần đoàn kết" trước khủng hoảng xã hội và khủng bố

Vụ khủng bố tại Strasbourg, cuộc khủng hoảng xã hội mà nước Pháp đang trải qua là hai chủ đề chính trên các nhật báo số ra ngày 13/12/2018. Nước Pháp, một lần nữa, trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố Hồi giáo cực đoan, khi cuộc khủng hoảng xã hội Áo Vàng còn chưa chấm dứt.

khungbo1

Khu chợ Noël ở Strasbourg đóng cửa ngày 12/12/2018 sau vụ khủng bố tối 11/12. Reuters/Vincent Kessler

Nhiều tin đồn cho rằng đó là một âm mưu chính trị để dập tắt hẳn phong trào Áo Vàng, còn chưa hài lòng về những biện pháp nhượng bộ của chính phủ.

Với xã luận của nhật báo công giáo La Croix, đây là thời điểm toàn nước Pháp "phải đoàn kết", không phải là lúc cất lên những tiếng nói chỉ trích, cáo buộc chính sách an ninh của chính phủ, cảnh sát, tư pháp... mà theo họ là "không hiệu quả". Một sự kiện đau thương như vậy cần được phân tích kỹ lưỡng để rút ra bài học cần thiết, chứ không phải là công cụ để gây chia rẽ.

Từ bốn năm nay, người dân Pháp phải đối mặt với những cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ, nhưng họ biết giữ bình tĩnh, dũng cảm đối mặt, không để những kẻ khủng bố hăm dọa. Họ đoàn kết để tiếp tục sống. "Cùng nhau", "đoàn kết" là những từ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng mà Pháp đang trải qua.

Xã luận của nhật báo thiên tả Libération cũng nhấn mạnh đến "đoàn kết dân tộc" trong bối cảnh hiện tại, vậy mà một bộ phận đối lập lại tranh thủ cơ hội để tấn công chính phủ, mà theo Libération, những lời chỉ trích này là "vô lý". Thực vậy, tình trạng khẩn cấp đã được ghi trong luật thông thường ; việc giam cứu những người bị liệt vào danh sách "S" - điều này hiện bị luật pháp, thậm chí là Hiến Pháp cấm - cần sự thay đổi thể chế quan trọng. Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng làm sao có thể giam giữ vô thời hạn khoảng 10.000 người, mà không có lý do tư pháp, mà chỉ xuất phát từ một hồ sơ mang tính "công cụ theo dõi", chứ không phải là một danh sách tội phạm. Đề xuất giam giữ những người trong danh sách "S" nhiều lần đã bị phản bác vì vi hiến.

Về phần người dân, thêm một lần nữa phẫn nộ, tiếp tục kháng cự ngay từ đầu vụ thảm sát. Nền Cộng Hòa chống cự và hành động. Thay lời kết luận, bài xã luận đặt câu hỏi : Vậy phải cổ vũ, củng cố cho việc này ? Hay gây chia rẽ ?

Strasbourg : Đêm kinh hoàng và câu hỏi về biện pháp an ninh

Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh xe cứu thương và quân nhân Pháp trước một lối vào khu chợ Noel với hàng tựa : "Strasbourg : cú sốc và cuộc truy đuổi". Ít nhất 750 cảnh sát và hiến binh được huy động để truy tìm một thủ phạm, "Chérif Chekatt : một kẻ lưu manh đi theo Hồi giáo cực đoan, bị theo dõi trước khi ra tay hành động".

Nhật báo Libération "Thuật lại vụ tấn công : Đêm kinh hoàng tại Strasbourg" với năm trang phóng sự về "Lộ trình của kẻ tấn công ngay trung tâm thành phố", bắt đầu từ lúc 19h50 tối thứ Ba 11/12 và cuộc truy tìm "Chérif Chekatt, nghi phạm nằm trong danh sách "S" đầy tiền án tiền sự", ngay từ thời thiếu niên và nhiều lần bị án tù ở Pháp và ở Đức. "Sau vụ tấn công ở Strasbourg, chính phủ đối đầu với một mặt trận mới" là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Libération cũng đặt câu hỏi về "An ninh ở trung tâm thành phố Strasbourg". Làm thế nào giải thích việc một người đàn ông dễ dàng mang vũ khí vào khu chợ Giáng Sinh trong khi biện pháp khám xét người và tư trang được áp dụng ở các lối vào.

Theo con số chính thức, để bảo vệ cho hội chợ Noel thu hút 2 triệu khách tham quan, hàng ngày có khoảng 260 nhân viên cảnh sát quốc gia, 50 cảnh sát của thành phố và vài chục quân nhân trong chiến dịch Sentinelle tuần tra. Dường như người dân Strasbourg cho rằng nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, thêm vào đó là tâm lý đi đâu trong trung tâm thành phố cũng bị khám xét, nên lực lượng an ninh, được áp dụng từ năm 2015 để bảo vệ khu chợ, có vẻ đã được giảm nhẹ hơn so với những mùa Giáng Sinh trước. Một số nhiệm vụ thường do lực lượng cảnh sát đảm nhiệm đã được giao cho các công ty cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân.

Trong bài viết "Khủng bố, chất vấn về sự cảnh giác", La Croix cũng đồng tình rằng "trong khi cường độ đe dọa có vẻ giảm đi, thì từ vài tháng nay, nhiều nhà quan sát cảnh báo về sự lơ là cảnh giác". Điều này được một nghị sĩ Châu Âu nêu lên trước Nghị Viện Châu Âu chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ súng. Ông nói : "Xu hướng hiện nay là giảm nhẹ mối đe dọa vì một số tổ chức khủng bố chịu thất bại, nhưng đây có lẽ là một sai lầm nghiêm trọng".

Đúng là "cường độ nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, căn cứ vào số âm mưu khủng bố bị phá vỡ : 17 vụ vào năm 2016, 20 vào năm 2017, 6 vào năm 2018", theo ông Sébastien Pietrasanta, một cố vấn về khủng bố. Tuy nhiên, vụ khủng bố ở Strasbourg nhắc lại rằng nguy cơ khủng bố vẫn tồn tại, dù đã thay đổi bản chất, từ giờ chủ yếu xuất phát từ bên trong nước Pháp, từ những tên tội phạm như Chérif Chekkat, dù khả năng một đội khủng bố từ nước ngoài thâm nhập vào Pháp vẫn còn đó.

An ninh : Tổng thống Macron lại hứng chỉ trích

Trang nhất của Le Monde dành nói về "Vụ tấn công ở Strasbourg : Nước Pháp lại bị chấn động". Phong trào Áo Vàng chưa chấm dứt, tổng thống "Macron lại bị cả cánh tả và cực tả chỉ trích" về chính sách an ninh của chính phủ, theo nhận định của Le Monde.

Vụ xả súng ở Strasbourg là vụ tấn công khủng bố thứ năm xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron và có thể là một trong những vụ đẫm máu nhất cùng với các vụ tấn công ở Carcassonne và Trèbes.

Thực vậy, cánh hữu, đại diện là chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), Laurent Wauquiez, và cực hữu, đại diện là bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national) lại "làm dấy lên cuộc tranh luận về những người bị liệt vào danh sách "S" theo dõi đặc biệt". Cả hai yêu cầu nghiêm khắc hơn với những cá nhân trở nên cực đoan. Theo thống kê của Le Figaro, có 18 thành phần bị liệt vào danh sách theo dõi đặc biệt đã ra tay hành động từ năm 2012 đến năm 2018.

Biện pháp xoa dịu Áo Vàng : Từ thông báo đến thực hành

Theo dự kiến trước khi xảy ra vụ thảm sát ở Strasbourg, chính phủ dành cả sáng thứ Tư 12/12 cho việc bàn cách triển khai các biện pháp được tổng thống Pháp công bố để xoa dịu phong trào Áo Vàng. Theo xã luận của Le Monde, "trong bối cảnh này, khả năng của chính phủ trong việc theo đuổi các biện pháp cải cách, kể cả hồ sơ nhạy cảm là cải cách hưu trí, trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận".

Công việc khẩn cấp trước mắt của chính phủ là giải thích nội dung các biện pháp trên. Theo Le Monde, vì các biện pháp được đưa ra khá khẩn cấp, chưa được đánh giá trước và cách thực hiện chưa hẳn được xác định, nên chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt về mặt tài chính.

Tiếp theo, các biện pháp được tổng thống thông báo sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Nghị Viện. Le Monde đề cập đến "Những điểm còn mù mờ và lịch trình ngân sách bị đảo lộn trước các biện pháp tăng sức mua". Theo đó, chính phủ sẽ còn phải nêu chính xác các biện pháp tài chính để thực hiện những lời hứa của tổng thống, tiếp theo là chạy đua với thời gian để những điểm sửa đổi được đưa vào dự luật tài chính cho năm 2019 và thông qua dự luật này vào trước Giáng Sinh để các biện pháp có thể được áp dụng từ ngày 01/01/2019.

"Điện Elysée muốn các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho phong trào Áo Vàng" là hàng tựa trên Le FigaroLes Echos. Tổng thống Macron đã tiếp nhiều chủ doanh nghiệp lớn, đại diện của giới chủ và yêu cầu họ thưởng tiền cho nhân viên dịp lễ cuối năm. Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire không loại trừ khả năng "đề nghị" doanh nghiệp "nỗ lực lớn" để cùng chi trả cho kế hoạch Áo Vàng.

Brexit : Thủ tướng Theresa May thoát hiểm

Brexit là chủ đề thời sự lớn thứ hai được các nhật báo Pháp quan tâm. "Theresa May cứu được vị trí thủ tướng" là thông tin trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Tương tự, Le Figaro cho biết : "Theresa may thoát khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe phản đối Liên Hiệp Châu Âu trong nội bộ đảng Bảo Thủ".

Chỉ một phần ba (117 người) nghị sĩ bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm, hai phần ba còn lại tiếp tục ủng hộ thủ tướng Anh trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tối 12/12. Như vậy, bà May còn có một năm tạm thời lặng gió để tiếp tục điều hành chính phủ và thực hiện Brexit.

Trước cuộc bỏ phiếu, "bà May rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, các đối thủ của bà thì rình rập phản công", theo nhận định của Le Monde. Bà phải hoãn đưa hồ sơ Brexit ra thảo luận ở Quốc hội, đi một vòng qua Bỉ, Đức, Hà Lan để tìm thêm chút nhượng bộ từ phía Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ Brexit. Lãnh Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn cho là "thủ tướng bỏ trốn" và chuyến đi của bà chỉ "mất thời gian và tốn tiền".

Nhật báo công giáo La Croix đánh giá cao "sự bền bỉ, khảng khái trong cơn bão Brexit của bà Theresa May" trong bài viết phác lại sự nghiệp từ khi bà lên làm thủ tướng Anh.

Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là hình thức

Thời sự Châu Á không được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp, trừ cuộc hưu chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo mục "Nhìn từ nơi khác" của Le Monde, "giữa Trump và Tập, cuộc hưu chiến chỉ là hình thức".

Bài viết đặt một số câu hỏi : Các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu ? Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc có thể mua nhiều hơn đậu nành của Mỹ ; như thế, tổng thống Trump có thể nói đến một chiến thắng lớn và vẫy cờ trắng. Có lẽ sẽ không có gì thay đổi cả, nhưng ít nhất hai bên có thể chấm dứt tung đòn ngoại giao và thương mại. Điều này đã xảy ra với Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ.

Một giả thuyết khác : Trung Quốc có thể sẽ thông báo thay đổi sâu rộng nền kinh tế nước này, hoặc chính quyền Mỹ sẽ khẳng định là Bắc Kinh đã nói vậy. Trên thực tế, sẽ không có gì thay đổi đáng kể và Donald Trump, cuối cùng nhận ra điều đó và cuộc chiến thương mại tái diễn.

Vậy kịch bản nào có thể xảy ra ? Theo tác giả bài viết, điều này tùy thuộc vào tiến triển của tình hình kinh tế Hoa Kỳ. Nếu tăng trưởng tiếp tục như khi diễn ra các cuộc tái đàm phán thỏa thuận NAFTA, tổng thống Mỹ có thể chấp nhận một số nhượng bộ. Nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu suy thoái, ông Trump sẽ chỉ ra một thủ phạm. Và người ta biết trước là ai !

Thu Hằng 

Published in Quốc tế

Khủng hoảng Pháp : Đối thoại Áo Vàng "Hồi 1"

Thủ phạm giết người tại Strasbourg bị bắn hạ, cuộc khủng hoảng Áo Vàng chuyển qua bước ngoặt mới với quyết định mở đối thoại của chính quyền là các chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 14/12/2018.

aovang1

Một số trụ sở thị trấn và xã mở cửa lắng nghe người Áo Vàng ngày 08/12/2018. Trong ảnh, một tòa thị chính địa phương. Ảnh chụp màn hình

Les Echos báo động cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có nguy cơ bị lỡ dở với tựa lớn trang nhất : "COP 24 : Sự thoái thác trách nhiệm toàn cầu về khí hậu".

Trước hết về vụ "Sát thủ Strasbourg bị cảnh sát bắn hạ". Theo Le Figaro, cái chết của hung thủ Chérif Chekatt đã được đón nhận với nhiều tràng vỗ tay dài của cư dân thành phố, phải sống trong nỗi lo sợ từ hai ngày nay. Le Figaro vui mừng : "Thế là hết cơn ác mộng, Strasbourg rốt cuộc đã trở lại bình yên. Nước Pháp thở phào sau một trận đánh mới thành công chống lại nạn Hồi giáo cực đoan", vẫn liên tục âm thầm đe dọa đất nước. Thị trưởng Strasbourg lập tức cho biết chợ Noel nổi tiếng của thành phố sẽ được mở cửa lại ngay từ sáng nay, 14/12.

Le Figaro trở lại với cuộc truy lùng người bị coi là "kẻ thù số một" của nước Pháp, kéo dài gần 48 giờ. Theo một số thông tin đầu tiên của cơ quan điều tra, thì một phụ nữ đã nhận dạng được kẻ giết người tại khu phố Neudorf. Hung thủ sau đó đã bị một tổ cảnh sát đường phố (Brigades spécialisées de terrain-BST) phát hiện khi đang đi bộ trên hè. Bị phát hiện, Chérif Chekatt đã nổ súng, và bị trúng đạn trả đũa của cảnh sát. Trên người hung thủ còn khẩu súng lục đã cũ, có thể chính là thứ vũ khí được sử dụng để reo rắc chết chóc hôm trước.

Ngay tối hôm qua, bình luận với Le Figaro, một sĩ quan cảnh sát cao cấp cho biết trên thực tế, lực lượng an ninh gần như nắm chắc đến 90% là hung thủ không thể trốn khỏi khu vực đã bị vây chặt, sau khi gây án. Với hồ sơ 27 lần phạm pháp, cơ quan an ninh nắm rõ nhân thân và tính cách của hung thủ, một phần tử trộm cướp vặt. Nhiều nguồn tin cũng cho biết thủ phạm sẽ khó có thể lẩn trốn được lâu dài, nhất là khi đã bị trúng thương và không có cơ sở hậu thuẫn.

"Dân chủ", "tranh luận" : Phương thức tốt nhất chống khủng bố

Khủng bố Hồi giáo là điều mà nhiều lần nước Pháp phải đối mặt trong những năm gần đây, nhưng điều khác thường là vụ tấn công nói trên xảy ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng xã hội "Áo Vàng" chưa từng có, đang trong giai đoạn cao trào. Le Monde có bài phân tích : "Giới chính trị bị kẹt giữa hai mặt trận, phản kháng xã hội và chống khủng bố".

Trong lúc hung thủ vụ thảm sát Strasbourg chưa bị bắn hạ, lời kêu gọi người Áo Vàng không nên biểu tình vào thứ Bảy tới của chính phủ nhận được các phản ứng trái ngược nhau. Le Monde ví tình thế của giới chính trị Pháp trong bối cảnh hiện nay như thế "đi trên dây". Nếu tập trung quá vào vụ tấn công Strasbourg thì có thể bị lên án là có mưu đồ "làm lu mờ phong trào xã hội" đang diễn ra. Tuy nhiên, trong lúc, kẻ giết người còn đang lẩn trốn, liệu có quyền để biểu tình diễn ra, với nhiều hậu quả dự báo ? Bên cạnh đó có cả vấn đề : Liệu việc nối lại ngay lập tức các tranh luận chính trị về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay có xúc phạm đến nỗi đau của người dân Strasbourg ? Theo Le Monde rút cuộc, các lực lượng chính trị Pháp đã tìm được thỏa hiệp chưa từng có, để đối phó với tình huống chưa từng có này.

Le Monde ghi nhận một hiện tượng hiếm có : Đó là thủ tướng Pháp Edouard Philippe và lãnh đạo đảng đối lập cực tả Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon, dường như đã "đứng về cùng một bên" trong thời điểm đầy thách thức này đối với nước Pháp.

Thủ tướng Philippe, trong cuộc đối thoại trực diện với chính trị gia đối lập, đã khẳng định : "Phương thức tốt nhất để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, thường là nên tiếp tục thực thi những điều mà chúng ta vốn tin tưởng : nền dân chủ, tranh luận, và cả tình huynh đệ nữa" (phát biểu của thủ tướng ngay lập tức đã được lãnh đạo đối lập Nước Pháp Bất Khuất vỗ tay hưởng ứng, cả nhóm nghị sĩ đối lập đứng dậy vỗ tay, khiến cả Quốc hội cùng đứng lên hoan nghênh).

Cụ thể là, chính phủ sẵn sàng tranh luận về kiến nghị bất tín nhiệm (do khủng hoảng Áo Vàng) mà ba đảng đối lập cánh tả đưa ra, theo đúng lịch trình dự kiến, chứ không thoái thác, vì lý do "đoàn kết quốc gia" có thể bị xâm phạm, trong bối cảnh báo động khủng bố cấp cao. Lãnh đạo đối lập nói trên cũng là người vừa tuyên bố ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng ủng hộ cuộc biểu tình của những người Áo Vàng.

Về phần mình, ngày hôm qua, người phát ngôn chính phủ Benjamin Grivaux cho biết hiện tại chính phủ "không quyết định cấm biểu tình vào ngày thứ Bảy", tuy nhiên theo ông, điều mà chính quyền mong muốn là không nên có biểu tình vào ngày này. Người phát ngôn chính phủ kêu gọi mỗi người Pháp hãy suy nghĩ về trách nhiệm của mình, trước việc có nên biểu tình hay không trong bối cảnh hiện nay, khi vụ thảm sát Strasbourg vừa diễn ra, trước dịp nghỉ lễ cuối năm, và trong lúc lực lượng an ninh đang phải rất vất vả đối phó trên nhiều mặt trận.

Nhà bình luận của Le Monde nhận xét là phản ứng của giới chính trị Pháp dường như rất tương hợp với nguyên tắc "cùng một lúc", một diễn đạt cửa miệng của tổng thống Macron vốn được nhiều người khen, nhưng không ít kẻ chê. Diễn đạt  này hàm ý là cần đáp ứng cùng lúc nhiều đòi hỏi, thậm chí trái ngược nhau, không nên nhất bên trọng, nhất bên khinh.

"Sổ góp ý" : Kinh nghiệm tiền Cách mạng 1789

Chính trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện nay, La Croix chào mừng cuộc "Đối thoại : hồi I" giữa phong trào Áo Vàng và chính quyền, với ghi nhận là chính phủ đã đo lường được các nguy cơ bạo lực mới do phẫn nộ xã hội, nên quyết định mở một cuộc đối thoại rộng lớn ngay từ ngày mai. Cùng lúc đó, các tòa thị chính địa phương bắt đầu mở các "cahiers de doléances" (tạm dịch là "sổ góp ý"), để thu nhận ý kiến của người dân.

Bài xã luận La Croix, mang tựa đề "Viết ra để được nghe", khen ngợi biện pháp mới đang bắt đầu được thực thi này. "Sổ góp ý" vốn là một hình thức chuyển đạt những nguyện vọng, thỉnh cầu từ người dân lên nhà vua, thông qua các đại diện chính quyền cấp dưới (trước Cách mạng Pháp 1789). Cho dù rõ ràng mang hơi hướng "gia trưởng", kinh nghiệm xưa đang được sử dụng trở lại này có thể coi là một giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay, khi cho phép đông đảo cư dân bày tỏ các phẫn nộ của mình lên trang giấy. Điều này chắc chắn tốt hơn nhiều so với một ngày thứ Bảy bạo lực nữa.

Tuy nhiên, theo La Croix, bên cạnh biện pháp này, chính phủ Pháp cần phải tiến hành "các đối thoại có chất lượng" trong cuộc thương lượng rộng lớn tại địa phương, theo chủ trương của chính tổng thống Pháp. Tài chính và môi trường là hai trong số các vấn đề chính cần được bàn bạc đến nơi đến chốn trong các cuộc thảo luận. La Croix khép lại bài xã luận, với cảnh báo : "chế độ quân chủ xưa kia đã tiêu vong, chính vì không lắng nghe các sổ thỉnh nguyện của người dân. Giờ đây thời thế đã thay đổi. Các cuốn sổ quý giá này không đòi hỏi điều gì khác hơn là các gánh nặng cần được toàn thể dân tộc chia sẻ. Tóm lại, chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi".

Thương lượng toàn quốc thế nào mới thành công ?

Vẫn La Croix có bài phân tích "Trong những điều kiện nào, cuộc thương lượng toàn quốc có thể thành công ?", với rất nhiều đề xuất về các "phương pháp" tiến hành. Nhiều ý kiến cho rằng 3 tháng, như đề nghị của chính phủ, là quá ngắn để thực hiện được mục tiêu "xây dựng một khế ước xã hội mới", trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Hiệp hội Démocratie ouverte (Nền dân chủ mở) gửi đến phủ tổng thống và phủ thủ tướng một kế hoạch ba giai đoạn, tổng cộng 6 tháng, để "thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng con đường dân chủ", lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Island và Estonia. Còn theo một thị trưởng ở tỉnh miền tây Côtes d’Armor, thì thảo luận nên được tiến hành theo nhịp độ hàng tuần và tại các khu vực có số lượng dân cư không vượt quá 60.000 người, để bảo đảm các đại diện dân cử có mối liên hệ trực tiếp và chặt chẽ với các công dân.

Biểu tình hồi V chỉ có lợi cho những kẻ phá phách

Về viễn cảnh người Áo Vàng xuống đường ngày mai thứ Bảy (15/12) hay không, Libération có bài "Áo Vàng : Do dự trên thực địa", cho thấy sự phân rẽ trong hàng ngũ của phong trào. Xã luận của Libération dự đoán, nếu xu thế biểu tình, với các bạo động đi kèm tiếp diễn, phong trào Áo Vàng sẽ mất đi uy tín trong xã hội, vốn coi đây là một phong trào bất bạo động, phi chính trị, với các yêu sách được đông đảo người dân ủng hộ. Theo Libération, biểu tình ngày thứ Bảy tới (còn được gọi là Hồi V) sẽ chỉ có lợi cho những kẻ cực đoan, phá phách, những người Áo Vàng nên biết dừng đúng lúc, trước khi mọi sự trở nên tồi tệ.

Báo chí Pháp tiếp tục có nhiều bài vở phân tích về các nguyên do sâu xa dẫn đến cuộc phản kháng Áo Vàng. La Croix ghi nhận có 5 cuộc khủng hoảng khác nhau trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, với loạt bài nhận định của 5 chuyên gia. Hôm nay, La Croix đăng tải bài cuối cùng trong loạt bài này, nói về cuộc khủng hoảng thứ năm do hậu quả của tiến trình phi công nghiệp hóa từ từ đang diễn ra tại phương Tây.

Bốn cuộc khủng hoảng trước là khủng hoảng về phương thức tái phân phối phúc lợi, khủng hoảng về truyền thông - thông tin, khủng hoảng về quan hệ xã hội (một bộ phận xã hội bị bỏ rơi, không được công nhận, và phong trào được coi là một cách thức để gây dựng các quan hệ xã hội) và khủng hoảng về đại diện chính trị.

Macron : Người Áo Vàng "đầu tiên"

Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà triết học Gaspard Koenig mô tả nước Pháp hiện nay đang trong một biến đổi mang tính cách mạng. Bài viết mang tựa đề "Tocqueville đã mô tả những gì mà chúng ta đang sống".

Alexis de Tocqueville nổi tiếng với công trình nghiên cứu kinh điển "Chế độ cũ và Cách mạng" (1856). Theo nhà triết học Gaspard Koenig, "có một nghịch lý" là các cuộc cách mạng thường bùng nổ tại các xã hội đang tìm đường cải cách, và một phần lớn những yêu sách tại các bùng binh mà người Áo Vàng đang trấn giữ hiện nay là trùng khớp với các "chẩn đoán" về xã hội của phong trào "Tiến bước !" (En Marche !) của ứng cử viên tổng thống Macron cách nay hai năm. Điểm chung của phong trào Tiến bước ! tranh cử tổng thống (2016-2017) và phong trào Áo Vàng trên các bùng binh cuối năm 2018 này là "cả hai đều thoát khỏi các cấu trúc chính trị hay nghiệp đoàn truyền thống, cả hai đều tấn công, với lòng chân thành và cương quyết, chống lại các cấu trúc xơ cứng của xã hội Pháp".

Vào thời điểm đó, các thành viên phong trào của tổng thống Pháp tương lai đã gõ cửa hàng trăm ngàn nhà người dân Pháp để tiếp xúc, để tìm hiểu, và chắc chắc là họ đã hiểu được "những bế tắc" của đông đảo dân chúng trên thực địa. Xét theo nghĩa này, thì tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính là người Áo Vàng "đầu tiên".

Tác giả bài viết nhấn mạnh là có ba bài học lớn có thể rút ra từ cuốn sách kinh điển của nhà chính trị học Pháp thế kỷ 19, trong đó có bài học về "tập trung quyền lực thái quá", và đây là "một bi kịch quốc gia". Nguyện vọng của những người Áo Vàng hiện nay là được chia sẻ quyền lực. Theo tác giả, "cần phải trao cho họ, và cùng với quyền lực là trách nhiệm đi kèm".

Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 : Hành động hay tự sát ?

Khủng hoảng xã hội và nguy cơ khủng bố tại Pháp không che khuất được vấn đề khí hậu, thách thức số một của hành tinh. Nhiều báo Pháp hôm nay có tin bài về chủ đề này. Khí hậu là chủ đề trang nhất của Les Echos. Theo tờ báo kinh tế, sau gần hai tuần khai mạc, và chỉ còn ít giờ nữa kết thúc, hội nghị quan trọng hai năm một lần này vẫn chưa ra được một văn bản chắc chắn về các quy tắc hướng dẫn việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Nỗ lực nhất tại hội nghị này là nhóm 11 nước Châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và 47 quốc gia thuộc nhóm các nước có nguy cơ bị tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Bị chỉ trích mạnh là nước Ba Lan chủ nhà, không thực hiện được vai trò dẫn dắt hội nghị. Nước Mỹ của tổng thống Trump thì bất hợp tác, còn Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy nhiệt tình.

Bài "Hội nghị về khí hậu còn có cơ hội thành công hay không ?" của La Croix cho biết hội nghị khí hậu tại Ba Lan có thể kéo dài thêm hai ngày, cho đến Chủ Nhật. Áp lực gia tăng trong những ngày gần đây để buộc các nước đang chần chừ phải gia tăng cam kết giảm khí thải.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một lần nữa rung chuông cảnh báo : "Bỏ lỡ cơ hội này sẽ làm hỏng mất cơ hội cuối cùng để ngăn chăn biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát. Để như vậy sẽ không chỉ là phi đạo lý, mà còn là tự sát".

Trọng Thành

Hung thủ sau đó đã bị một tổ cảnh sát đường phố (Brigades spécialisées de terrain-BST) phát hiện khi đang đi bộ trên hè. Bị phát hiện, Chérif Chekatt đã nổ súng, và bị trúng đạn trả đũa của cảnh sát. Trên người hung thủ còn khẩu súng lục đã cũ, có thể chính là thứ vũ khí được sử dụng để reo rắc chết chóc hôm trước.

Published in Quốc tế