Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bức tường ám ảnh Donald Trump

Bên cạnh vấn đề nội tình nước Pháp đang cố gắng thoát khỏi khủng hoảng Áo Vàng, các báo Pháp chính ra hôm nay, 10/01/2019, còn dành nhiều chú ý đến thời sự đang diễn ra ở nước Mỹ của tổng thống Donald Trump cũng không kém phần nóng bỏng với cuộc khủng hoảng shutdown mà căn nguyên là bức tường mà tổng thống Trump đang muốn dựng lên ở biên giới với Mexico.

wall1

Tổng thống Trump trước hình mẫu bức tường mà ông muốn xây dựng ở biên giới với Mêhicô. Ảnh chụp tại San Diego, California, ngày 13/03/2018. Reuters/Kevin Lamarque/File Photo

Le Monde trở lại với bài phát biểu đầu năm trước quốc dân hôm 8/1 của tổng thống Donald Trump. Một lần nữa trong thông điệp liên bang đầu năm này, ông Trump dành để biện hộ cho dự án xây tường ngăn ở biên giới với Mêhicô mà theo ông là để bảo vệ nước Mỹ trước nạn di dân, tội phạm…

Nhật báo Le Monde nhận định : "Donald Trump không có nhượng bộ nào về "bức tường" của mình". Đó là bức tường vẫn ám ảnh ông Trump từ chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 cho đến bây giờ. Vì nó mà ông từ chối mọi thỏa hiệp, sẵn sàng chấp nhận để hoạt động của chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng "shutdown" kéo dài chưa từng có từ trước đến nay. Xã luận của Le Monde chạy tựa "Hoa Kỳ : bức tường trong ngõ cụt".

Xã luận tờ báo đặt câu hỏi : "Tại sao cứ ám ảnh với đường biên giới này, trong khi mà đa số những kẻ phi pháp vẫn tràn vào nước Mỹ qua các tấm visa đàng hoàng hợp lệ ? Tại sao lại cứ quả quyết bức tường sẽ ngăn được nạn buôn ma túy, trong khi mà ma túy vẫn tuồn qua Mỹ bằng những lối vào hợp pháp, ẩn trong các hàng hóa bình thường ?".

Chắc chắn không mấy người Mỹ tin vào sự cần thiết của một công trình tốn kém, không hiệu quả đó nhưng đó là một lời hứa tranh cử chưa làm được của ông Trump. Le Monde khẳng định mục đích của ông Trump chỉ để lấy lòng cử tri.

Xã luận tờ báo viết tiếp : "Từ bao nhiêu năm qua, nước Mỹ vẫn tỏ ra bất lực trước vấn đề di dân. Các đời tổng thống nối tiếp từ George W.Bush đến Barack Obama đã cố găng nhưng không thành. Tự nhận là nhà vô địch về thương thuyết, như ông Trump, rồi cũng sẽ vẫn đưa nước Mỹ lún sâu vào lối mòn cũ mà thôi".

Bức tường và bất chấp tất cả

Vẫn dùng hình ảnh bức tường, nhật báo Libération chạy tựa hồ sơ về nước Mỹ : "Shutdown, Trump ở chân tường". Nếu còn tiếp tục trong những ngày tới thì đây sẽ là đợt shutdown kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ.

Libération cho biết : "Đến giờ cuộc khủng hoảng này mang tính chính trị. Để có nguồn tài chính cho công trình xây tường khổng lồ này như đã hứa trong tranh cử, Donald Trump đòi Quốc hội giải ngân 6 tỷ đô la. Phe Dân chủ hiện chiếm đa số ở Hạ viện kiên quyết chống. Và ngân sách cho chính phủ hoạt động vì thế cũng không thể được thông qua".

Đó là căn nguyên của tình trạng shutdown, kéo dài đến hôm nay sang ngày thứ 20. Hai bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình trạng ¼ hoạt động chính quyền bị tê liệt. Dư luận Mỹ đã bắt đầu nhận ra chính tổng thống phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Libération cho hay, theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Ipsos-Reuters tiến hành vừa công bố hôm 8/1 thì 51% người Mỹ cho rằng ông Donald Trump là người chịu trách nhiệm về tình trạng shutdown hiện nay, chỉ có 21% cho rằng trách nhiệm thuộc đảng Dân chủ.

Theo Libération, bị ám ảnh sợ hứa không giữ lời, ông Trump đang bị dồn đến chân tường. Nếu lùi bước thì lại sợ làm thất vọng cử tri trong lúc mà chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 đang rục rịch bắt đầu. Để thoát khỏi thế lưỡng nan, tổng thống Mỹ có thể vận dụng tình trạng khẩn cấp để qua mặt Quốc hội, sử dụng quân đội để xây tường. Nhưng việc này sẽ làm phe Dân chủ tức giận và có cơ dẫn đến trận chiến kiện tụng pháp lý. Tuy nhiên Nhà Trắng hôm qua (9/1) cho biết, cửa ra đó "chắc chắn vẫn còn trên bàn" của tổng thống.

Tác động của tình trạng shutdown

Vẫn liên quan đến hồ sơ shutdown của chính quyền Mỹ, báo kinh tế Les Echos có bài giải thích : "Shutdown tác động thế nào đến các dịch vụ công của Mỹ ?".

Les Echos cho biết : từ ngày 21/12 năm ngoái, thời điểm chính phủ bắt đầu rơi vào tình trạng shutdown, không dưới 9 bộ trong đó có các bộ quan trọng như Nội vụ, Tư pháp, Tài chính và rất nhiều cơ quan liên quan khác không được cấp tiền, buộc phải hoạt động cầm chừng. Một số dịch vụ như bưu điện, kiểm soát không lưu, biên giới hay giữ gìn trận tự không thể ngừng thì các nhân viên làm việc không lương. Một số dịch vụ khác thì ngừng hẳn. Từ cuối tháng 12 năm ngoái gần 1 triệu viên chức chính quyền hoặc phải làm việc không lương, hoặc tạm nghỉ việc. Tình trạng này kéo dài sẽ đè nặng lên kinh tế Mỹ do sức mua của dân bị sụt giảm.

Venezuela : Maduro, tổng thống lạc lõng ở đất nước khánh kiệt

Tiếp tục với thời sự Châu Mỹ, nhật báo Les Echos nhìn qua Venezuela, nơi mà hôm nay ông Nicolas Maduro chính thức nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 trong lúc đất nước đang chìm trong khủng hoảng toàn diện.

Les Echos ghi nhận qua hàng tựa : "Maduro tuyên thệ, người Venezuela bỏ đi ồ ạt" để cho thấy sự cô độc của tổng thống tái đắc cử trong ngày lên nhậm chức lãnh đạo đất nước.

Hôm 20/5 năm ngoái ông Nicolas Maduro tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 trong 6 năm. Cuộc bầu cử không chỉ bị đối lập trong nước mà cả Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada cùng 12 nước Châu Mỹ khác phản đối kịch liệt vì cho rằng cuộc bầu cử đã diễn ra không công bằng và tự do. Người kế thừa di sản chính trị của Hugo Chavez giờ đây trở nên đơn độc lãnh đạo một đất nước kiệt quệ, kết quả của chính ông lãnh đạo trong 6 năm qua. Ông Manduro giờ chỉ còn được sự ủng hộ của Trung Quốc, chủ nợ chính của Venezuela và của Nga, chủ yếu vì lợi ích quân sự hay của Cuba, vì cùng chung ý thức hệ.

Trên trường quốc tế thì như vậy. Ở trong nước, cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng đã đẩy 2,3 triệu người dân Venezuela vào cảnh khánh kiệt, buộc phải bỏ quê hương chạy lánh nạn kinh tế sang các láng giềng Nam Mỹ. Con số này còn có thể tăng gấp đôi lên 5,3 triệu người trong năm nay, theo dự tính của Liên Hiệp Quốc.

Pháp : Loay hoay tìm lối thoát khỏi khủng hoảng Áo Vàng

Khủng hoảng Áo Vàng vẫn là chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay. Lúc này, chính phủ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của công dân về các chính sách dân sinh của chính phủ.

Sự kiện được gọi là cuộc "Thảo luận" toàn quốc này sẽ bắt đầu từ ngày 15/1 tới với việc thu thập ý kiến, thảo luận về các chính sách của chính phủ liên quan đến các vấn đề dân sinh của nước Pháp. Các báo tập trung khai thác vấn đề cốt lõi mà người dân Pháp sẽ quan tâm nhất trong cuộc thảo luận toàn quốc này là thuế khóa, sức mua.

Bên cạnh đó các báo cũng ghi nhận thấy những khó khăn của chính phủ trước cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân sắp tới. Le Figaro nhận thấy trong lúc thủ tướng Pháp đang đôn đáo tiếp xúc với các đối tác xã hội để chuẩn bị cho cuộc thảo luận lớn thì chỉ trích vẫn tiếp ngày càng nhiều. Nhật báo Libération thì khẳng định, cho dù có ý kiến cho rằng cuộc thảo luận tới không mang lại gì, đối thoại vẫn là lối thoát tốt nhất để nước Pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng thay vì biến phẫn nộ chung thành bạo lực của một thiểu số.

Tintin, 90 tuổi vẫn không già

Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 90 của Tintin, nhân vật chính đã đi vào huyền thoại của loạt phim hoạt hình nổi tiếng khắp thế giới "Những cuộc phiêu lưu của Tintin" của tác giả Hergé. Báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Tintin, tuổi trẻ vĩnh cửu của một người hùng 90 tuổi".

Le Figaro cho biết : Đó là vào ngày 10 tháng Giêng năm 1929, trên phụ trang dành cho giới trẻ của nhật báo công giáo Bỉ "Thế kỷ 20" đã ra đời nhân vật nhỏ bé mang tên gọi Tintin. Đó là câu chuyện tranh về chuyến du hành đầu tiên của nhân vật Tintin cùng con chó Milou. Tiễn Tintin và chú chó ra ga lên tàu bắt đầu chuyến phiêu lưu tới Liên Xô là một ông già đeo kính, đạo mạo, mồm ngậm tẩu. Đó là điểm khởi đầu của chuyến du hành vòng quanh thế giới của người hùng Tintin và cũng là bắt đầu một câu chuyện dài kỳ thú với sức sáng tạo vô cùng phong phú về những vùng đất, con người, xã hội khác nhau trên hành tinh.

Câu chuyện tranh đó sau được chuyển thành loạt phim hoạt hình "Những cuộc phiêu lưu của Tintin" đã làm say mê biết bao nhiêu thế hệ trẻ, già. Cha đẻ của nhân vật là họa sĩ trẻ người Bỉ : Georges Rémi, lấy bút hiệu là Hergé (1907-1983). Ông đã sáng tạo ra một tác phẩm hoạt hình với các nhân vật mang tính phổ quát trong suốt gần một thế kỷ qua đã mê hoặc nhiều thế hệ khán giả, từ những người chưa biết chữ đến lớp người già ở khắp nơi trên thế giới. 90 năm sau, tính hiện đại trong câu chuyện của Tintin vẫn cưỡng lại với thời gian. Đến nay có nhiều nhà nghiên cứu về các nhân vật của bộ phim cũng như tác giả Hergé.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Đàm phán kinh tế : Bắc Kinh dùng lá bài Kim Jong-un gây áp lực với Mỹ

Lợi tức cổ phần của CAC40 – nhóm 40 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Pháp – năm 2018 tăng kỷ lục, thủ tướng Pháp muốn ra luật mới để ngăn chặn tốt hơn nạn đập phá bên lề biểu tình và những ẩn số trong cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, do tổng thống Pháp quyết định, để đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng, là một số chủ đề trang nhất các báo Pháp ngày 09/01/2019. Về thời sự quốc tế, chuyến đi "bất ngờ" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh là một chủ đề trọng tâm.

damphan1

Chiếc xe được cho là chở lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trên đường phố Bắc Kinh, ngày 09/01/2019. Reuters/Florence Lo

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề "Kim Jong-un một lần nữa đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho thượng đỉnh thứ hai với Trump". Chuyến công du Trung Quốc lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên bất ngờ vì nhiều lý do. Theo thông lệ, hiếm có một lãnh đạo Bắc Triều Tiên nào lại xuất ngoại vào dịp đầu năm mới.

Thời điểm bất ngờ này có thể được lý giải dưới nhiều góc độ khác. Đó là chuyến đi đã được dàn xếp để rơi đúng vào ngày đoàn đàm phán Hoa Kỳ đến Trung Quốc để thương lượng về các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài từ nửa năm nay.

Sự trùng hợp này có phải là ngẫu nhiên hay không ? Theo Le Monde, cho dù các lãnh đạo Trung Quốc cố gắng khẳng định rõ là không hề có liên hệ nào giữa hai hồ sơ này, chuyến công du của ông Kim Jong-un – dự kiến kéo dài 4 ngày theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA - rõ ràng đã phủ bóng lên cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Trung Quốc lần thứ tư vào thời điểm khác thường này "cho phép Bắc Kinh nhắc lại với Hoa Kỳ là ông Donald Trump khó lòng bỏ qua vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".

Thêm một yếu tố biểu tượng mang lại thế mạnh cho Bắc Kinh, đó là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 35 (ngày 8/1) của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trùng khớp với thời gian chuyến công du Trung Quốc. Điều này cho phép khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa hai chế độ Trung – Triều.

Trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang ráo riết chuẩn bị cho một thượng đỉnh lần thứ hai Trump-Kim, nhằm thúc đẩy thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (báo chí Hàn Quốc cho biết một số cuộc gặp diễn ra tại Hà Nội). Tuy nhiên, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng rất căng thẳng, bởi lập trường của hai bên hết sức cách biệt. Phía Mỹ đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân trước rồi mới gỡ bỏ trừng phạt. Bắc Triều Tiên đòi hỏi ngược lại.

Kim dùng Bắc Kinh chống lại Washington

Vẫn về chuyến đi của Kim Jong-un đến Trung Quốc, Le Figaro có bài nhận định : "Kim dùng Bắc Kinh chống lại Washington". Le Figaro dẫn lời của nhà chính trị học Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe), đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, theo đó Bình Nhưỡng cần đến sự ủng hộ của Trung Quốc để một khi Bắc Triều Tiên có nhân nhượng, thì Bắc Kinh gây áp lực để Washington cũng phải làm tương tự. Còn chuyên gia Mỹ Harry Kazianis, Center for the National Interst, thì nhấn mạnh là trong lúc đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên đang trong ngõ cụt, thì việc Bình Nhưỡng đe dọa xích gần lại với Trung Quốc có thể khiến Mỹ lo ngại.

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc dùng chuyến công du của Kim Jong-un để gây áp lực với Mỹ "một cách gián tiếp". Theo ông Thành Hiểu Hà, trong bối cảnh kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, đặc biệt do cuộc chiến tăng thuế của Mỹ, chuyến công du của Kim Jong-un rõ ràng mang lại lợi thế cho Bắc Kinh.

Về phần mình, Les Echos đưa ra một góc nhìn khác, qua bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Trung Quốc Triệu Thông (Zhao Tong), Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, với tựa đề "Bắc Triều Tiên tìm cách tranh thủ thế đối đầu gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". Với chuyến công du này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, và nhờ đó mà Bình Nhưỡng hy vọng đạt được các kết quả có lợi trong những thương thuyết sắp tới với Mỹ. Tuy nhiên, theo Les Echos, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh vào dịp này, lần thứ tư trong chưa đầy một năm, cho thấy chế độ Kim Jong-un "hết sức phụ thuộc vào đồng minh trụ cột này".

Mỹ bỏ kế hoạch rút quân sớm, nhưng Trump lên án báo chí "bịa đặt"

Mỹ từ bỏ kế hoạch rút quân nhanh chóng là một chủ đề thời sự lớn khác được các báo quan tâm. Le Monde mô tả kỹ phản ứng một lần nữa gây bất ngờ của tổng thống Mỹ. Hôm 07/01, trên Twitter, ông Donald Trump lên án tờ New York Times đã "cố tình bịa ra một câu chuyện không chính xác về những ý định của tôi liên quan đến Syria". Tổng thống Mỹ bảo đảm là tuyên bố mới được đưa ra "không khác gì với các tuyên bố trước đó", cụ thể là quân đội Mỹ tại Syria sẽ rút quân với một tốc độ phù hợp, trong lúc vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại quân thánh chiến.

Le Monde dẫn lại các phát biểu của tổng thống Mỹ hôm 19/12/2018, việc lực lượng Mỹ ở Syria sẽ rút ngay, trở về nhà ngay, để cho thấy lập trường của ông Donald Trump thực ra đã thay đổi hoàn toàn. Le Monde cũng điểm lại những phản ứng dữ dội từ mọi phía, từ các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như trong nội bộ chính quyền Mỹ, kể cả phe ủng hộ tổng thống, sau tuyên bố rút quân ngay tức khắc trước kỳ Noel. Đây là các áp lực đã buộc tổng thống Mỹ thay đổi lập trường.

Cuộc họp của cố vấn Mỹ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy phút chót

Cũng về hồ sơ Syria, Le Figaro chú ý đến chuyến công du của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm một thỏa hiệp trong vấn đề người Kurdistan ở miền bắc Syria, lực lượng được coi là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Daesh. Bài "Cuộc đọ sức Mỹ - Thổ về Syria" cho thấy quan hệ hai bên đang hết sức căng thẳng. Ông John Bolton tới Ankara vào tối thứ Hai, 7/1, nhưng cuộc gặp giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bị hủy bỏ vào phút chót. Theo một nhật báo thân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, thì lý do là lịch trình của tổng thống không cho phép.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong chặng dừng chân tại Israel, cố vấn John Bolton khẳng định 2.000 quân Mỹ ở vùng đông bắc Syria sẽ chỉ rút đi chừng nào mà Ankara bảo đảm an toàn cho lực lượng vũ trang YPG người Kurdistan. Ngay lập tức, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đòi hỏi của phía Mỹ, tái khẳng định quan điểm coi YPG là tổ chức khủng bố. Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là YPG phải bị loại trừ, để một vùng tự trị của người Kurdistan giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không có cơ hội ra đời.

Người Kurdistan muốn Nga giúp

Về vấn đề người Kurdistan ở đông bắc Syria, Le Figaro có bài "Lực lượng Kurdistan quay sang Nga tìm kiếm hậu thuẫn", cho biết hiện tại một phái đoàn Kurdistan đang có mặt tại Moskva. Trước áp lực xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurdistan hiện nay nghiêng về phía chấp nhập quân đội Damascus trở lại kiểm soát khu vực Kurdistan, và tìm kiếm một mức độ tự trị đáng kể trong khuôn khổ Nhà nước Syria độc lập, một khi chiến tranh kết thúc. Để đạt được mục tiêu này, người Kurdistan phải có được sự ủng hộ của nước Nga, đồng minh chủ chốt của chính quyền Syria.

Pháp : Cuộc Tranh luận nhiều ẩn số

Thời sự nước Pháp với cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, dự kiến khởi sự ngày 15/01/2019, là một chủ đề lớn khác. Cuộc tranh luận để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào Áo Vàng là tựa trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro, với tựa đề "Tranh luận lớn : Những ẩn số của một cuộc thương thảo chưa từng có". Theo Le Figaro, trong cuộc họp hôm nay, chính phủ sẽ phải xác định rõ các khuôn khổ của cuộc Tranh luận, về mặt thời gian, cũng như về mặt nội dung, về mục đích và thành phần tham gia. Để tránh các hiểu lầm, tổng thống Macron sẽ gửi thư đến người Pháp ít hôm trước ngày khai mạc.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, cho dù chưa biết cuộc Tranh luận lớn này sẽ đi đến đâu, nhưng có một điều chắc chắn mà chính phủ Pháp muốn tránh là không thể để cuộc Tranh luận này là nơi bày tỏ quan điểm của "những người thất vọng với nguyên tắc phổ thông đầu phiếu", cũng có nghĩa là những người chống lại chính phủ hợp pháp hiện nay, như lời người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux.

Le Figaro cũng có bài xã luận mang tựa đề "Dễ bắt lửa", nhấn mạnh đến nguy cơ cuộc Tranh luận có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt trong xã hội Pháp hiện tại.

Tranh luận : "Hồi I" cho nền Cộng Hòa thứ 6

Cũng về cuộc tranh luận lớn toàn quốc, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn thị trưởng thành phố Grenoble, Eric Piolle, với tựa đề "Cuộc thảo luận lớn cần phải là Hồi I của một tiến trình xây dựng Hiến pháp mới". Theo vị thị trưởng theo đảng Xanh này, thì tổng thống Pháp không nên bảo thủ với mô hình chính trị hiện tại, vốn đã tỏ ra "bất lực trước các khủng hoảng xã hội, môi trường, chính trị cũng như về Châu Âu", mà cần phải đặt nền móng cho một nền Cộng Hòa thứ 6, để thay thế cho nền Cộng Hòa đệ ngũ hiện nay.

"Áo Vàng" và Tranh luận toàn quốc : Hai cựu vô địch võ thuật gây tai tiếng

Liên quan đến cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, theo kế hoạch của tổng thống, và những diễn biến xung quanh phong trào Áo Vàng, báo chí Pháp hôm nay dành nhiều giấy mực cho thông tin về hai nhân vật đặc biệt, đều là cựu vô địch võ thuật.

Người thứ nhất là bà Chantal Jouanno, một nhà vô địch karate, bộ trưởng Thể thao, được giao nhiệm vụ dẫn dắt cuộc Tranh luận toàn quốc. Nhân vật thứ hai là cựu vô địch quyền anh Christophe Dettinger, người nổi tiếng sau vụ hành hung hai hiến binh hôm thứ Bảy (05/01) bên lề các cuộc biểu tình của người Áo Vàng tại Paris, ngay trước ống kính truyền thông. Cựu vô địch quyền anh sau đó đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên các mạng xã hội, với hàng chục nghìn euro quyên góp ủng hộ. Theo báo 20 Minutes, cựu vô địch quyền Anh Christophe Dettinger đã nhận lỗi và trình diện cảnh sát, với lời thanh minh là đã có hành động bạo lực vì bức xúc, do thấy cảnh sát thô bạo với người biểu tình.

Le Figaro chế giễu quyết định bổ nhiệm cựu võ sĩ karate làm người dẫn dắt cuộc tranh luận toàn quốc, vốn rất tế nhị nói trên. Một vấn đề khác cũng khiến chính phủ bị phản đối mạnh trong trường hợp này là khoản lương 14.700 euro của nữ bộ trưởng Thể thao. Trước các chỉ trích đang gia tăng, bà Chantal Jouano đã quyết định không đảm nhiệm cương vị dẫn dắt tranh luận, để tránh tai tiếng cho chính phủ.

Về cựu vô địch quyền anh Christophe Dettinger hành hung hai hiến binh, Le Figaro cho biết sau chưa đầy 48 giờ, tiền quyên góp ủng hộ đã lên đến gần 120.000 euro (việc quyên tiền đã đình chỉ, sau khi bị nhiều chỉ trích từ chính phủ và các nghiệp đoàn cảnh sát. Ngược lại, các nghiệp đoàn cảnh sát tổ chức quyên tiền ủng hộ hai hiến binh bị hành hung). La Croix dành một bài xã luận mang tựa đề "Cuộc quyên tiền phi lý", lên án hành động khiến các giá trị bị đảo lộn một cách "đáng buồn" này, và lưu ý rằng người ta chỉ quyên tiền để ủng hộ các nạn nhân, chứ không phải một kẻ hành hung.

Xã luận Les Echos "Đấu sĩ quyền anh, cuộc quyên tiền và ý nghĩa của những điều đó với chúng ta" nhận xét : các hiện tượng này cho thấy "sự lộn tùng phèo" của các giá trị. Tờ báo thốt lên : "Trong hai tháng khủng hoảng vừa qua, nhiều thành lũy (bảo vệ các giá trị) đã bị tan vỡ. Bạo lực ngày càng được coi là chuyện bình thường, và nói một cách chính xác hơn, bạo lực xã hội được coi là lý do để biện minh cho bạo lực thể chất".

Nền dân chủ vận hành kém, nhưng 80% người Pháp tin vào dân chủ

Le Monde có bài phân tích về cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Pháp mang tựa đề : "Sự rạn nứt của nền dân chủ". Bài viết nêu lên hai nhận định chính. Nhận định thứ nhất là ngày càng có nhiều người Pháp nhận thức là nền dân chủ hiện nay vận hành kém. Viện Cevipof vừa tiến hành một điều tra quan trọng thường niên, được thực hiện hồi tháng 12/2018, mà kết quả chính thức sẽ được công bố ngày 16/12. Một số thông tin sơ bộ từ cuộc điều tra này cho thấy có đến hơn 70% người Pháp đồng ý với quan điểm trên. Thậm chí có đến 85% cho rằng những người có trách nhiệm chính trị ít hoặc không quan tâm đến những người có suy nghĩ khác họ. Chỉ có hơn 28% tin vào tổng thống, 22% vào chính phủ, 23% vào Quốc Hội, và 9% vào các đảng phái chính trị.

Tuy nhiên, nhận định đáng chú ý thứ hai là, cho dù nền dân chủ đang suy yếu, vẫn có đến 80% người Pháp (nhiều hơn 2 điểm so với năm ngoái) tin tưởng là không có bất cứ thể chế nào tốt hơn dân chủ. Bất chấp việc thể chế chính trị hiện tại và các chủ thể của hệ thống này đang bị chỉ trích nặng nề, đại đa số người dân Pháp vẫn đặt niềm tin vào chế độ dân chủ. Theo Le Monde, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân là thách thức chủ yếu trong những tháng tới.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung : Trump lạc quan thái quá ?

Hai tờ Le Monde Les Échos số đề ngày hôm nay, 08/01/2019, có bài viết về cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tại Bắc Kinh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ ngày hai lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình đồng ý hưu chiến 3 tháng vào đầu tháng 12/2018.

nego1

Phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh tiếp tục thương thuyết tìm giải pháp chấm dứt chiến thương mại, ngày 07/01/2019. Reuters

Theo cả hai tờ báo, tổng thống Mỹ đã liên tục tuyên bố thắng lợi, nhưng thực tế cho thấy là những bước lùi của Bắc Kinh chẳng là bao, trong lúc các đại tập đoàn Mỹ bắt đầu chịu tác động của cuộc chiến thương mại.

Trong bài viết mang tựa đề rất khô khan "Chiến tranh thương mại : Washington và Bắc Kinh tái lập thương thuyết", thông tín viên nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng không nên chờ đợi quá nhiều từ cuộc đàm phán đầu tiên này, vì hai ngày quá ngắn ngủi để giảm bớt căng thẳng chồng chất giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu đạt được kết quả, hai bên có thể gặp nhau ở cấp cao hơn, kể cả ở cấp cao nhất, với khả năng nhân vật số một của Mỹ là Donald Trump, tiếp xúc với nhân vật số 2 tại Trung Quốc là Vương Kỳ Sơn bên lề Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ.

Tăng trưởng Trung Quốc bị chậm lại tác hại đến các tập đoàn Mỹ

Đối với Les Echos, trong thời gian gần đây, tổng thống Mỹ liên tục có những tuyên bố lạc quan trước việc Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Hoa Kỳ. Mới Chủ nhật vừa qua, ông Trump còn khẳng định "Các cuộc thảo luận với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt. Tôi thực sự nghĩ rằng họ muốn đạt được thỏa thuận". Ông cho rằng đà tăng trưởng khựng lại sẽ buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ.

Quả là nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đáng lo ngại do tăng trưởng chậm lại, thế nhưng điều này cũng ảnh hưởng đến các công ty Mỹ, mà biểu hiện rõ nhất là doanh số sụt giảm của các tập đoàn như Ford, General Motors hay Apple tại Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc không ngần ngại cảnh cáo Mỹ, cho rằng Washington cũng cần đến thỏa thuận, chứ không riêng gì Bắc Kinh.

Đối với Les Echos, cho đến lúc này, Bắc Kinh mới chỉ có một vài nhượng bộ nhỏ nhoi cho Mỹ, như nhập khẩu đậu nành và gạo Mỹ trở lại, hoặc tái lập mức thuế nhập khẩu trước khủng hoảng nhắm vào xe hơi Mỹ. Những bước đầu này vẫn còn rất xa so với yêu cầu của Mỹ.

Thận trọng trước việc Trump bị Trung Quốc "đánh lừa"

Nhật báo Le Monde cũng cho rằng không nên ngộ nhận trước các cử chỉ hòa giải của Trung Quốc. Ngoài các biện pháp thuế quan, Bắc Kinh còn cố cho thấy rằng họ đang đáp ứng một trong những yêu cầu của Washington, khi cho biết là đang xem xét một bộ luật mới về đầu tư nước ngoài, trong đó việc ép buộc chuyển giao công nghệ sẽ bị cấm.

Đối với Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Natixis : "Về cơ bản, tất cả các biện pháp Trung Quốc đưa ra không có gì đáng kể, thậm chí họ không hề đề cập đến việc cải cách khu vực quốc doanh và chính sách công nghiệp".

Theo nhật báo này, một thỏa thuận hoàn toàn có thể đạt được trước khi hưu chiến hết hạn, nhưng vấn đề đối với giới chức thương mại Mỹ, mà cụ thể là đối với đại diện thương mại Robert Lighthizer, một người nổi tiếng với thái độ nghi kỵ Bắc Kinh, là phải làm sao tránh được việc ông Donald Trump tuyên bố chiến thắng quá dễ dàng, trong khi chỉ được một vài lời hứa từ phía Trung Quốc.

Áo Vàng : Chính phủ Pháp chơi lá bài trật tự an ninh

Sau đợt biểu tình của phong trào Áo Vàng hôm 05/01 vừa qua, kèm theo một loạt hành vi bạo động dữ dội, thủ tướng Pháp Edouard Philippe tối hôm mồng 07/01 đã loan báo một loạt biện pháp nhằm tái lập trật tự công cộng. Báo chí Pháp hôm nay dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài cho các biện pháp này.

Tựa lớn trang nhất trên Le Figaro đã nhấn mạnh trên "Kế hoạch của hành pháp nhằm tái lập trật tư" trong vấn đề Áo Vàng. Đối với tờ báo thiên hữu này, đó là một kế hoạch tăng cường và củng cố các biện pháp hành chánh và tư pháp, sao cho những thành phần phá phách khỏi lộng hành.

Khi cố ý phô trương "lá bài an ninh", với những biện pháp rất cứng rắn, chính quyền Macron như muốn tạo ra "một cú sốc điện". Trong vấn đề này, chính phủ có lợi thế là các giá trị về trật tự, nhà nước pháp quyền, được mọi tầng lớp cử tri hoan nghênh. Với việc thông báo ngay từ lúc này các quyết định, chính quyền hy vọng chận đứng những lời tố cáo là đã quá thụ động hay bất lực.

Có điều, theo Le Figaro, thách thức đối với tổng thống Pháp là làm thế nào để ước muốn có được trật tự an ninh lấn át lòng "ghét bỏ Macron" trong đại bộ phận dân chúng.

Áo Vàng : Giải pháp phải là chính trị

Nhật báo công giáo La Croix cũng đưa ra một lời cảnh báo với chính phủ : Cho dù có tái lập được trật tự an ninh, không nên lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã kết thúc. Nguyên nhân cơn tức giận bùng lên từ hai tháng qua vẫn còn đấy, những biện pháp xã hội mà tổng thống Pháp đã thông báo không đủ để làm dịu cơn phẫn nộ, trong lúc vẫn còn đầy rẫy những thành phần "chủ trương nổi dậy để san bằng nền dân chủ của chúng ta".

Tờ báo cho rằng chỉ có một giải pháp : Đó là "tưởng tượng ra những đáp án tương xứng với những câu hỏi đặt ra. Đó là những câu hỏi đúng đắn, không nên khinh thường."

Báo Le Monde cũng cùng quan điểm với La Croix khi nhấn mạnh rằng : "Câu trả lời duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể là chính trị. Những biện pháp xã hội đáng kể đã được thông báo và đã được nghị viện khẩn cấp thông qua để đáp lại những đòi hỏi ban đầu của phong trào Áo Vàng. Giờ đây đến lúc phải lắng nghe và đáp lại yêu sách dân chủ của họ, một việc không phải là không cấp thiết".

Đối với Le Monde, đó là chủ đề của cuộc thảo luận toàn quốc sắp mở ra, và chính quyền phải làm sao để mọi người thấy rằng đó là một cuộc thảo luận "cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm", vừa trong cách tiến hành, việc tổng hợp ý kiến, và trong những kết luận rút ra.

Quốc vương Malaysia thoái vị vì tình !

La Croix nhìn về Châu Á chú ý đến sự kiện quốc vương Malaysia thoái vị một cách khó hiểu.

Ngày Chủ nhật, 06/01, Cung điện Malaysia thông báo quốc vương Muhammad V từ bỏ ngai vàng. Thông báo này chấm dứt loạt tin đồn từ mấy tuần nay trước sự vắng mặt của nhà vua, mà tính chính đáng bị xem như không còn nữa sau đám cưới với một hoa hậu người Nga. Muhammad Faris Petra như thế đã giành được một biệt danh là nhà vua đầu tiên của Malaysia từ bỏ ngai vàng từ khi quốc gia này được độc lập năm 1957.

Cho dù lý do chính thức thoái vị của Muhammad V là vấn đề sức khỏe, nhưng quan hệ của vị vua 49 tuổi với cựu hoa hậu Moskva, Oksana Voevodina, 26 tuổi, có lẽ đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự kiện thoái vị này. Từ tháng Tư 2018, người ta đã thấy cô hoa hậu, cũng được biết ở Nga do tham gia chương trình truyền hình thực tế, xuất hiện bên cạnh nhà vua. Nhưng tiết lộ về đám cưới của hai người, ngày 22/11/2018, đã gây chấn động…

Tại Malaysia, một quốc gia quân chủ lập hiến, vai trò quốc vương chỉ mang tính chất tượng trưng, là lãnh đạo danh dự của quân đội và Hồi Giáo tại quốc gia mà 6 người trên 10 theo đạo Hồi. Là một nhân vật được tôn kính, mọi lời chỉ trích nhà vua bị xem là tội khi quân, có thể bị truy tố.

Những trang nhất khác

Libération dành tựa lớn trang nhất cho một vấn đề xã hội tại Pháp : Cách biệt ngày càng sâu rộng về giá nhà giữa Paris, các vùng đô thị lớn và phần còn lại của đất nước. Theo điều tra của tờ báo, giá nhà cửa tại các vùng đô thị lớn ở Pháp ngày càng tăng, khiến cho sự phân cách các đô thị với vùng nông thôn ngày càng lớn. Riêng thủ đô Paris thuộc diện ngoại hạng.

La Croix thì nêu bật ở trang nhất một yếu tố mới tác động đến người Pháp kể từ năm nay : Tiền thuế bị khấu trừ thẳng vào lương. Hồ sơ lớn với tựa đề "Thuế thu tận gốc, một vấn đề đôi lứa", khai thác một hệ quả ngộ nghĩnh của biện pháp đánh thuế mới được áp dụng : các cặp sống chung với nhau đã phải nói chuyện tiền bạc với nhau để xác định tỷ lệ thuế mà mỗi người bị trừ.

Les Echos chú ý đến "Những rắc rối mới về Thuế Gia Cư" tại Pháp. Đối với tờ báo, việc xóa bỏ sắc thuế này cho 20% hộ gia đình thuộc diện giàu có nhất đang gây chia rẽ trong chính phủ Macron.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

"Đối thoại không bạo lực" : Con đường hóa giải các xung đột

Bí quyết để hạnh phúc, hóa giải được các xung đột trong bối cảnh xã hội đang rơi vào tình trạng căng thẳng và khủng hoảng kéo dài là chủ đề chính của nhiều tuần báo Pháp số ra đầu năm mới 2019.

obs1

Trang bìa Tạp chí L'Obs số đầu năm 2019, với tựa đề "Xử lý các xung đột bằng cách nào". Capture d'ecran

Courrier International ba số trong một dành trọn vẹn cho đề tài chính : "Phải chăng thời gian trôi đi quá nhanh ?", tìm cách trả lời cho nhiều câu hỏi tưởng như xa xôi, nhưng thực ra rất sát sườn với con người đương đại, đang ngày càng phải đối mặt với những chuyển biến quá mau lẹ, vượt tầm nhận thức.

"Làm thế nào xử lý được các xung đột trong đôi lứa, trong gia đình và trong công việc" là tựa trang bìa của L’Obs. Theo L’Obs, chìa khóa của vấn đề là "Giao tiếp phi bạo lực". Nhà tâm lý học trị liệu Thomas d’Ansembourg – được coi là "một trong những chuyên gia uy tín nhất tại Châu Âu" trong lĩnh vực này – nhận trả lời phỏng vấn của L’Obs.

Nhà trị liệu người Bỉ khẳng định các xung đột đa phần đều xuất phát từ "những hiểu lầm", là kết hợp giữa một bên "biểu đạt kém" và bên kia "lắng nghe tồi". Nhà trị liệu Thomas d’Ansembourg - vốn là một luật sư – kể lại là ông đã ngộ ra được điều này sau một đợt thực tập với nhà tâm lý học Mỹ Marshall Rosenberg (1934-2015), người sáng lập ra phương pháp xử lý xung đột bằng giao tiếp phi bạo lực.

"Bạo lực vô hình" trong tâm thức

Vì sao giao tiếp phi bạo lực lại giúp hóa giải xung đột ? Để hóa giải, việc đầu tiên là phải hiểu được lý do. Xung đột có nhiều nguồn gốc, nhưng trong cách nghĩ của mỗi người chúng ta có rất nhiều quan niệm có thể "tạo ra một thứ bạo lực vô hình". Thứ bạo lực vô hình ấy "có thể xâm nhập vào lời ăn tiếng nói, và thái độ của chúng ta, mà chúng ta không ý thức được". Đây chính là những điều khiến xung đột dễ bùng lên, vượt khỏi tầm kiểm soát. Để thoát khỏi tình trạng này, cha đẻ của phương pháp giao tiếp phi bạo lực đề xuất bốn việc cần làm.

Bốn việc cần làm

Thứ nhất là mô tả tình thế xảy ra không kèm theo lời phán xét. Thứ hai là nói về những gì mà mình cảm thấy. Thứ ba là bày tỏ những gì mà mình mong muốn và thứ tư là đề xuất một hướng hành động.

Nhà tâm lý trị liệu Thomas d’Ansembourg ý thức được rõ rằng phương pháp đối thoại không bạo lực mà ông truyền bá hết sức có ý nghĩa đối với với xã hội đương đại. Bởi theo ông, xã hội chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, có thể nói là tương tự như thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội thời Trung Cổ sang giai đoạn Phục Hưng, như ở Châu Âu trước đây. Một xã hội cũ đang suy tàn, cùng lúc đó là sự nảy mầm của một xã hội mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, có hai thái độ hết sức tương phản.

Những người cột chặt mình vào hệ thống quan niệm cũ có một thái độ phổ biến là nhìn các xung đột như những mối quan hệ mang tính sức mạnh (thống trị, tranh đoạt, khuất phục…). Ngược lại, những người tin tưởng vào một thế giới mới thì gieo trồng thái độ hợp tác, đồng cảm, dựa trên những quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng… Giao tiếp phi bạo lực chính là bạn đồng hành giúp con người đi đến với thế giới mới ấy.

Nhân ái với mình để độ lượng với người

Để hóa giải xung đột, để giao tiếp phi bạo lực, điều quan trọng đầu tiên là mỗi người phải tự biết mình. Bởi bạo lực thường là sự biểu hiện ra bên ngoài của những nỗi thất vọng bên trong. Thái độ gây hấn với chính bản thân mình, hoặc chống lại một phần con người mình, dẫn đến xung đột với người khác.

Để thực hành đối thoại không bạo lực đầu tiên là cần lắng nghe bản thân mình, nhân ái và khoan hòa với chính mình, để có đủ năng lực lắng nghe người khác. Cần học cách làm tiêu tan những niềm tin hạn hẹp trong mình, chăm sóc những vết thương thời thơ ấu trong mình… để tìm lại được trạng thái tâm thức thuần khiết. Từ đó mà có thể phát triển được sự thông cảm với người khác. Thiền định là một phương tiện căn bản. Phương pháp này không có gì là bí hiểm cả, hiện nó đã được giảng dậy rộng rãi trong ngành tâm thần học, trong các trường dạy về quản trị, và đã được phổ biến tại Pháp.

Nhà tâm lý học Thomas d'Ansembourg nhấn mạnh là trạng thái tâm thức thuần khiết này là điều mà, từ hàng nghìn năm nay, mọi truyền thống văn minh, kể cả Thiên Chúa Giáo, đã tìm cách đạt đến.

Sống hạnh phúc bên núi lửa như người La Mã

Về phần mình, tuần báo Le Point đi tìm chìa khóa của hạnh phúc với triết gia Michel Onfray, tác giả cuốn sách ra mắt ngày 9/1 tới, với tựa đề như một thách thức "Sagesse : Savoir vivre au pied d'un volcan" (tạm dịch là : "Minh triết : Làm thế nào để sống dưới chân núi lửa") (Nhà xuất bản Albin Michel/Flammarion, 500 trang).

Trong tác phẩm mà Le Point đánh giá là "quan trọng nhất" trong sự nghiệp của Michel Onfray, triết gia Pháp đã trở lại với xã hội La Mã thời cổ đại cách đây 2.000 năm, để tìm ra "các phương thuốc" giúp xã hội phương Tây đương đại đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Bài "Sống hạnh phúc như một người La Mã" của Le Point nói đến ngọn núi lửa Vesuve như biểu tượng cho cái chết rình rập mà nền văn minh La Mã năm xưa liên tục phải đối mặt. Vào thời kỳ đó, người La Mã đã biết chọn cho mình một lối sống khắc kỷ, mãnh liệt với phương châm : "Hãy sống mỗi ngày như ngày cuối của cuộc đời mình" (châm ngôn của hoàng đế Marc Aurèle), sống cương trực, làm chủ các xúc cảm ham muốn, nhân ái, giản dị và đại lượng.

Hoàng đế Marc Aurèle cũng là một nhà hiền triết. Các tư tưởng của ông được viết bằng chữ Hy Lạp, như một dạng nhật ký, được hậu thế tập hợp lại trong cuốn "Suy ngẫm" nổi tiếng. Triết gia Michel Onfray giờ đây cũng chọn vùng đất dưới chân ngọn núi lửa Pelée, ở đảo Martinique, Trung Mỹ (một ngọn núi lửa còn hoạt động), làm nơi ở ẩn, để suy ngẫm, chiêm nghiệm về con người và thế sự.

Những tia hy vọng le lói

Với tinh thần hóa giải bạo lực bằng đối thoại không bạo lực, L’Obs nhìn Năm Mới 2019 qua "những tia hy vọng le lói", đã xuất hiện trong năm 2018 đầy biến động vừa qua. Có 5 lý do để lạc quan.

Lý do thứ nhất là xã hội dân sự đang chuyển động, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu xét lại nền dân chủ hiện tại, nhiều sáng kiến cổ vũ cho một xã hội đoàn kết hơn và bền vững hơn, đa số giới trẻ dành thời gian cho việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Lý do thứ hai là các lực lượng mang tư tưởng cải cách được sự hưởng ứng của xã hội. Một ví dụ tiêu biểu là nghiệp đoàn CFDT - có chủ trương đối thoại tìm giải pháp, thay vì dùng sức mạnh, hay nỗi uất hận - trong kỳ bầu cử nghiệp đoàn gần đây, đã giành được số phiếu cao nhất. Vấn đề khí hậu – môi trường đang trở thành mối quan hệ hàng đầu của người Pháp, đặc biệt qua "Vụ kiện lịch sử" nhắm vào Nhà nước Pháp, với gần hai triệu chữ ký ủng hộ (sáng kiến được bốn tổ chức phi chính phủ đưa ra trước Noel).

Lý do thứ tư là ngày càng đông đảo người Mỹ mong muốn một xã hội công bằng hơn. Theo một điều tra của Gallup, 70% dân Mỹ cho rằng các doanh nghiệp phải trả nhiều thuế hơn, đa số muốn mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân, trợ giúp tài chính cho sinh viên, tăng lương tối thiểu, chống tham nhũng mạnh hơn. Và thứ năm là, tại Châu Âu, ngày càng có nhiều quốc gia muốn phối hợp nỗ lực, để ngăn chặn việc các tập đoàn đa quốc gia, như Google, Apple, Facebook, Amazon, hay Uber… trốn thuế, buộc các tập đoàn này minh bạch việc sử dụng dữ liệu về các cá nhân, hay có biện pháp ngăn chặn tin giả…

L’Obs khẳng định là các xã hội phương Tây cần phải khẩn trương xem xét lại phương thức vận hành của chính mình, trong bối cảnh các làn sóng dân túy đang trỗi dậy. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn mà L’Obs hy vọng "đóng góp một phần khiêm tốn".

Mười tám tháng trị vì đầu tiên của "Emmanuel tráng lệ"

Trong lĩnh vực văn học, L’Obs giới thiệu với độc giả tác phẩm của nhà văn Pháp Patrick Rambaud mang tựa đề "Emmanuel le Magnifique" (hay Emmanuel tráng lệ) (ra mắt ngày 09/01/2019), một biên niên sử mang tính châm biếm về tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cầm quyền từ 18 tháng nay, hiện đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng "Áo Vàng".

Trong biên niên sử trào phúng này, thành viên Viện Hàn lâm văn học Goncourt so sánh tổng thống Pháp với một loạt các quân vương, lãnh đạo nước Pháp trong lịch sử, từ Napoléon đệ nhất, đến Napoléon đệ tam, và kể cả thời kỳ trị vì của vua Louis 16 trước Cách mạng.

Tuy nhiên, theo tác giả, tổng thống Pháp và lực lượng chính trị của ông giống nhất với Dòng Tên, một dòng tu Công giáo nổi tiếng với các tu sĩ thông minh, nhiệt huyết, giỏi tuyên truyền, mềm mại với người ngoài, nhưng hết sức cứng rắn trong nội bộ. "Emmanuel tráng lệ" là cuốn biên niên sử trào phúng thứ ba về các tổng thống Pháp. Hai cuốn trước là bộ "Biên niên sử về giai đoạn trị vì của Nicolas đệ nhất" 6 tập, về tổng thống Nicolas Sarkozy, và "François le Petit" về tổng thống François Hollande.

Càng nhiều thời gian, thời gian càng khan hiếm

Con người trong xã hội ngày nay dường như có nhiều thời gian hơn gấp bội so với các thế hệ trước đây, đặc biệt do tuổi thọ kéo dài hơn. Nhưng có một nghịch lý là càng nhiều thời gian hơn, người ta lại càng cảm thấy thời gian khan hiếm hơn. Đó là điều mà Courrier International ghi nhận.

"Thời gian phải chăng đang trôi quá nhanh ?" là hồ sơ lớn của Courrier International. Bài "Tại sao chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn" của báo Tây Ban Nha El Independiente, được Courrier International trích dịch, chỉ rõ lối sống hiện đại ngày càng gấp gáp với sự phát triển của các phương tiện truyền thông công nghệ số, thông tin được lưu chuyển mỗi ngày một nhanh hơn, đa dạng hơn, là nguyên nhân phổ biến. Một hình ảnh ví von được đưa ra là "giới thiếu niên hiện nay không thể nào tập trung quá 8 giây đồng hồ và trước mặt chúng luôn có 5 màn hình thường xuyên túc trực". Tính kiên nhẫn là một phẩm chất ngày càng hiếm.

Thời gian trở nên khan hiếm còn bởi xã hội đương đại coi thời gian là tiền bạc. Thời gian như một thứ tài nguyên được giới kinh doanh khai thác triệt để. Ám ảnh về thời gian mạnh đến nỗi trong giới luật gia, có một số người cho rằng cần phải có những bộ luật riêng về thời gian, để bảo vệ "quyền thời gian" của các cá nhân. Và Nhà nước phải lập ra một cơ quan chuyên trách về vấn đề này (phỏng vấn giáo sư chuyên về luật lao động người Đức Ulrich Muckenberger), để ra các chính sách và giải quyết các tranh chấp.

"Nền độc tài thời gian"

Nhật báo Anh The Guardian nói đến "Một nền độc tài về thời gian", trong lúc báo Đức Suddeutsch Zeitung chỉ ra một hiện thực là tại Đức, có đến 1,8 triệu người làm công ăn lương đang phải chấp nhận một thực tế không có giờ làm cố định, họ phải sẵn sàng đi làm bất cứ lúc nào mà chủ gọi, theo giờ giấc hết sức co giãn. Các hệ quả của chế độ thời gian như vậy dĩ nhiên ảnh hưởng đến chất lượng công việc và mối gắn bó của người làm công với công ty. Tình trạng này không riêng ở Đức mà rất nhiều nơi khác. Trong một dự luật gần đây, chính phủ Đức muốn hạn chế tỉ lệ số thời gian co giãn như vậy để bảo vệ người lao động.

Quan niệm về thời gian mỗi nơi một khác, những câu chuyện cụ thể về thế nào là đúng hẹn, đến sớm hay đến trễ khác biệt của mỗi nền văn hóa, cũng là điều mà tuần báo Pháp tìm cách giới thiệu. Điểm đặc biệt là : Courrier International trong số báo này tìm cách rọi sâu vào thế giới bí hiểm của thời gian.

Sáu cách quan niệm về thời gian

Nhận thức về thời gian là một sáng tạo hết sức riêng ở con người. Thế nhưng thời gian cũng in dấu trong cấu trúc của các nguyên tử, ngay từ thuở Vũ trụ mới khai sinh. Và trong cuộc sống hàng ngày, ai mà chẳng chịu sự chi phối của chiếc đồng hồ sinh học bên trong, cũng như những vận chuyển tuần hoàn của ngày đêm, hay của các mùa tiết trong năm.

Cũng Courrier International có bài tổng hợp 6 cách quan niệm về thời gian, trong đó có thời gian tuyến tính (là cách tính thời gian phổ biến nhất hiện nay, có nguồn gốc phương Tây), thời gian tuần hoàn (có trong nhiều nền văn hóa cổ xưa, trong các nền văn hóa nông nghiệp), thời gian theo vòng xoắn (thường xuyên trở về quá khứ, nhưng để tiếp tục tiến về tương lai), thời gian triển khai về mọi hướng – hay Big bang thời gian (theo quan niệm của các nhà vật lý thiên văn như Stephen Hawking).

Chinh phục thời gian trong thế giới nguyên tử

Cách đo thời gian chính xác bằng đồng hồ quả lắc mới chỉ được sáng chế vào thế kỷ 17, sáng chế đã mở đường cho các hoạt động thám hiểm, những cách tân công nghệ quan trọng. Mỗi bước phát triển lớn của công nghệ thường đi kèm với các phương thức đo lường ngày càng tinh vi hơn.

Courrier International giới thiệu các tìm tòi của nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, ông Quân Hiệp (Jun Ye), người tạo ra chiếc đồng hồ chính xác nhất thế giới hiện nay, dựa trên nguyên tử strontium 87, nguyên tử thứ 38 trong bảng tuần hoàn của Mendelev (bài "Ông ấy đọc được giờ trong các nguyên tử" của trang mạng thông tin về công nghệ Motherboard). Những chiếc "đồng hồ nguyên tử" là hết sức cần thiết cho những hệ thống đo lường vệ tinh kiểu GPS, bởi chỉ cần sai lầm một phần nghìn của giây cũng có thể khiến vị trí được đo lệch đến 300 km.

Thời gian Trái đất và sự thiển cận của con người

Tuy con người đã tiến rất xa trong việc làm chủ thời gian mang tính công nghệ như trên, nhưng theo các nhà nghiên cứu như nhà địa chất học Mỹ Marica Bjornerud, thì "chúng ta vẫn là những kẻ thất học về thời gian". Lý do mà tác giả đưa ra là đa số con người hiện nay, kể cả những người sống tại các quốc gia giàu có, công nghệ phát triển, vẫn không nhận thức được mối tương quan của cấp độ thời gian tính theo năm tháng, mà các xã hội chúng ta đang sống, với thời gian của Trái đất, với thước đo tính bằng hàng tỉ, hàng trăm triệu năm.

Phải hơn 4 tỉ năm chúng ta mới có được một Trái đất như hiện nay. Toàn bộ thiên nhiên và sự sống trên Trái đất này phải do hàng tỉ năm tiến hóa mới có được. Tuy nhiên, các hoạt động của con người hiện tại đang phá hủy cái môi trường ấy, đặc biệt với việc hâm nóng Trái đất. Nền kinh tế và xã hội đương đại đã quá chú trọng đến những nhu cầu nhất thời, ngắn hạn trước mắt, quên hẳn đi cái giá trị của môi trường, vốn là sản phẩm của thời gian hàng tỉ, hàng trăm triệu năm tiến hóa, với hệ quả là phá hủy chính cái thế giới làm nền tảng cho xã hội con người, hủy diệt tương lai của các thế hệ con cháu.

Nhà địa chất học Mỹ đề nghị các nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành hãy hợp sức làm sáng tỏ vấn đề này, nhìn nhận ý nghĩa của điều mà bà gọi là "thời gian địa chất", nhằm vượt qua cách nhìn thời gian thiển cận hiện nay, vượt qua những giới hạn của ý thức thông thường của mỗi con người.

Tuần báo này của Courrier International còn nhiều bài vở thú vị khác về chủ đề thời gian. Ban biên tập của tuần báo nhắn quý độc giả dành thời gian đọc tùy theo nhịp độ của mình, và có thể tải về một số nhạc phẩm trong ứng dụng Playlist của trang để nghe, trong lúc nhẩn nha đọc số báo đặc biệt này.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nhật, Hàn bất hòa, Mỹ bất an

Châu Á hôm nay, 04/01/2019, khá được báo Pháp, chú ý đặc biệt là thành tích khoa học của Trung Quốc trong việc chinh phục mặt trăng vừa được Bắc Kinh loan báo hôm qua.

nhathan

Một chiến hạm tên lửa dẫn đường của Hàn Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi Dokdo/Takeshima ngày 20/06/2014. Reuters/South Korean Navy/Yonhap

Không thời sự bằng, nhưng đáng chú ý là bài phóng sự của Le Monde về khả năng luật Hồi giáo Charia sắp được áp dụng tại Brunei, và nhất là quan hệ căng thẳng trở lại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến cho đồng minh của hai nước là Hoa Kỳ cảm thấy bất an.

Trong bài viết ở trang Quốc tế mang tựa đề "Một sự cố trên biển khơi dậy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc", Philippe Mesmer, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo, đã đi sâu vào giải thích những nguyên nhân dẫn đến trận khẩu chiến dữ dội đang diễn ra giữa Tokyo và Seoul, với Nhật Bản bị tố cáo là cố tình gây sự.

Nhật và Hàn tố nhau là có hành động nguy hiểm trên biển

Báo Le Monde đã nhắc lại sự cố xẩy ra ngày 20/12/2018 trên Biển Nhật Bản (mà Hàn Quốc gọi là Biển Đông), khi một trinh sát cơ Kawasaki P-1 của Nhật Bản bay đến gần một khu trục hạm Hàn Quốc.

Phía Tokyo đã tố cáo việc chiến hạm Hàn Quốc chốt radar điều khiển hỏa lực trên chiếc phi cơ Nhật Bản – có nghĩa là đã có động thái nhắm bắn. Seoul đã bác bỏ cáo buộc trên, và tố cáo ngược lại là Tokyo đã "bóp méo sự thật", trong lúc chính máy bay tuần tra của Nhật đã gây nguy hiểm khi bay sát trên đầu tàu của Hàn Quốc.

Sự cố ngày 28/12 xẩy ra ít lâu sau khi Tokyo ngày 13/12 đã cực lực đả kích các cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc gần quần đảo Dokdo, do Seoul kiểm soát nhưng bị Nhật Bản đòi chủ quyền (với tên gọi Takeshima). Lời đả kích của Tokyo lần này khác thường, vì trong những năm gần đây, Hàn Quốc vẫn thường có những cuộc tập trận tương tự, nhưng Nhật Bản không hề phản ứng dữ dội như vậy.

Một chuỗi xung khắc

Theo Le Monde, thái độ bất mãn của Nhật Bản bắt nguồn việc từ việc chính quyền của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vào tháng Bảy, đã đòi xét lại thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và cựu tổng thống Park Geun-hye (2013-2017) về việc giải quyết vĩnh viễn "vấn đề phụ nữ giải sầu".

Một lý do khác khiến Nhật Bản giận dữ là hai phán quyết vào tháng 10 và tháng 11 của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc, buộc các tập đoàn nhật bản Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời Thế Chiến Thứ Hai.

Theo ghi nhận của Le Monde, phía Nhật Bản có dấu hiệu chủ động gây nên căng thẳng, với thủ tướng Shinzo Abe đóng một vai trò tích cực trong vụ việc.

Báo chí Nhật Bản đã tiết lộ rằng chính Shinzo Abe đã ra lệnh cho công bố đoạn video, được mô tả là bằng chứng về hành vi nguy hiểm của Hàn Quốc, bất chấp hai cuộc gặp song phương với Seoul về vấn đề này, và ý kiến dè dặt của Bộ Quốc phòng Nhật. Đối với tờ báo Pháp, các khó khăn chính trị nội bộ của đương kim thủ tướng đã thúc đẩy ông làm căng với Hàn Quốc.

Theo Le Monde, do việc tỉ lệ được lòng dân của ông đang giảm mạnh, thủ tướng Abe có lẽ đang cố ve vãn các thành phần dân tộc chủ nghĩa, vốn là các cử tri cơ sở của ông, nhưng đang không hài lòng với chủ trương tiếp nhận nhiều lao động nhập cư của chính quyền.

Đồng minh Mỹ lo ngại

Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đã khiến giới phân tích quan ngại, trong bối cảnh cả hai đều là đồng minh thân thiết của Washington tại Châu Á, hai nhân tố cần thiết để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự.

Tokyo và Seoul đã từng ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có thỏa thuận GSOMIA về chia sẻ thông tin tình báo.

Ông Shin In-kyun, giám đốc một cơ quan tham vấn tại Seoul mang tên Mạng Lưới Quốc Phòng Hàn Quốc, ghi nhận : "Sự xấu đi trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo có thể gây tổn hại cho quan hệ hợp tác ba bên với Hoa Kỳ trong địa hạt quốc phòng".

Bóng dáng Trung Quốc trong cuộc chinh phục vũ trụ

Như nói ở trên, thành tích của Trung Quốc trong việc thăm dò mặt trăng đã được báo chí Pháp hết sức chú ý.

Le Monde đã đăng tấm ảnh màu mà cơ quan không gian Trung Quốc cung cấp cho báo chí với hàng tựa "Trung Quốc bộc lộ phần che khuất của mặt trăng" với ghi nhận là phi thuyền thăm dò của Trung Quốc là thiết bị đầu tiên đáp xuống phần của mặt trăng  không thể thấy được từ trái đất. Đối với Le Monde, đây là một thành công quan trọng, cho phép Trung Quốc khẳng định vai trò đại cường vũ trụ của mình.

Thành tích khoa học của Trung Quốc cũng được nhật báo Libération chú ý với một hồ sơ đặc biệt và một ảnh vẽ trăng lưỡi liềm trên nền xanh chiếm trọn trang nhất, mang tựa lớn "Chinh phục không gian – Bóng dáng Trung Quốc".

Libération cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đã thực hiện được một thành tích chưa từng thấy, và qua đó tái khẳng định tham vọng của họ trong cuộc chạy đua lên những vì sao.

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Cuộc đua", Libération đã nêu bật ý nghĩa cuộc chạy đua lên vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, rồi có sự tham gia của Trung Quốc sau này. Đối với tờ báo Pháp : "Có lẽ bắn hỏa tiễn lên các ngôi sao tốt hơn là bắn đến các thủ đô đối nghịch".

Les Echos cũng nói về thành tích không gian của Trung Quốc, nhưng nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính kinh tế : "Đã qua rồi thời kỳ mà Trung Quốc chỉ là xưởng sản phẩm giá hạ - low cost của thế giới. Xí nghiệp Trung Quốc giờ đây còn có những chủ bài công nghệ học và chất lượng khác hẳn. Trong ngành viễn thông, sản phẩm made in China đã kể như thắng cuộc, trong năng lượng và đường sắt, Bắc Kinh cũng ghi điểm. Trong fintech và xe hơi chạy bằng điện, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị nhảy vọt. Chủ trương bảo hộ của ông Trump sẽ không thay đổi gì. Năm 2019 sẽ mở ra một chương mới của toàn cầu hóa".

Tổng thống Pháp và công bằng thuế khóa

Thời sự Pháp dĩ nhiên đã được một số tờ báo khai thác, đặc biệt xoay quanh các chính sách mới của chính quyền Macron. Trang nhất Le Monde chạy tựa lớn : "Các lựa chọn kinh tế của tổng thống Macron trước đòi hỏi công bằng trong việc đóng thuế".

Nhật báo Pháp giải thích : Đối với tổng thống Pháp, ưu tiên số một phải là nâng cao sức hấp dẫn của nước Pháp đối với giới đầu tư ngoại quốc, do đó ông đã hủy bỏ sắc thuế ISF đánh trên các lợi tức cực cao, và áp dụng mức thuế cố định (flat tax) trên các khoản tiền lời sản sinh từ vốn tư bản.

Có điều là hai biện pháp trên đã khiến cho chính quyền Pháp bị chỉ trích là không có quyết tâm trong việc chống trốn thuế, làm lợi cho kẻ giàu. Trước những phản ứng trên, chính quyền đã nêu bật việc ban hành một đạo luật vào tháng 10/2018, lập ra một đơn vị cảnh sát chống trốn thuế, tăng mạnh mức tiền phạt và cải tổ "chốt chặn" tại bộ Kinh Tế.

Dẫu sao thì phong trào Áo Vàng mới đây đã biến vấn đề công bằng trong việc đóng thuế thành điểm nóng, và đây sẽ là một trong những chủ đề của cuộc tranh luận cấp toàn quốc sắp mở ra.

Điểm lạ của phong trào Áo Vàng : Đòi giảm thuế chứ không đòi tăng lương

Báo công giáo La Croix đã thì dành trang nhất cho vấn đề lương bổng, với câu hỏi là tại Pháp : "Phải chăng việc tăng lương đã trở thành điều cấm kỵ mới ?".

Đối với La Croix, điều đáng ngạc nhiên trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, là cho dù đầy rẫy những lời than thở về thu nhập eo hẹp, nhưng những đòi hỏi lại chủ yếu được gởi đến chính phủ, chứ không phải gởi đến giới chủ như trước đây.

Theo La Croix, "quả đúng là việc tăng thuế trên xăng dầu đã là tia lửa gây ra tranh chấp, một vấn đề thuộc trách nhiệm của chính phủ chứ không phải là của các xí nghiệp. Thế nhưng, ở một thời điểm khác điều này có thể dẫn đến đòi hỏi tăng lương, chứ không phải thu thuế ít hơn như hiện nay".

Đối với La Croix, điểm khác lạ này có thể được giải thích bằng việc mọi người đã ý thức được là tình cảnh xí nghiệp Pháp không mấy khả quan và do đó tăng lương có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Pyongsong : "Silicon Valley" của Bắc Triều Tiên

Báo Le Monde ngày 03/01/2019, đặc biệt chú ý đến thành phố Pyongsong của Bắc Triều Tiên, được ví như là một "Silicon Valley" của chế độ Bình Nhưỡng. Thành phố Pyongsong, nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 40 phút về phía bắc, là thủ phủ của tỉnh Nam Pyongan và chỉ có 280.000 dân. Đây là nơi được Kim Nhật Thành (1912-1994) chọn đặt Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia, rồi Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử.

silicon1

Một góc thành phố Pyongsong dành cho người nước ngoài. NK News

Pyongsong xứng đáng được mệnh danh "Silicon Valley" của Bắc Triều Tiên, bởi vì sắp tới đây, thành phố này phải vận hành hiệp sức cùng với đặc khu kinh tế Unjong, chuyên nghiên cứu về đổi mới công nghệ. Hai địa điểm chỉ nằm cách nhau vài km.

Những cơ sở nghiên cứu ở đây tuyển dụng khoảng 6.000 người. Pyongsong từng là nơi trú ngụ của "đơn vị sản xuất 16/3" : Trung tâm lắp ráp tên lửa đạn đạo, nơi chế tạo tên lửa Hwasong-15, tên lửa liên lục địa được bắn thử ngày 28/11/2017. Chiếc tên lửa tầm xa này là vũ khí tối tân nhất của Bắc Triều Tiên hiện nay, cho phép nước này tự xưng là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, trung tâm lắp ráp này đã bị dỡ bỏ vào tháng 6/2018.

Tại đây, tác giả bài viết, nhà báo Philippe Pons ghi nhận, giống như tại Bình Nhưỡng, người ta không còn thấy các tấm biển tuyên truyền, thay vào đó là những dòng chữ kêu gọi hướng đến những mục tiêu kinh tế được đề ra.

Pyongsong không chỉ là một "hub" công nghệ, mà đó còn là khu chợ bán sỉ lớn nhất cho Bình Nhưỡng từ giữa những năm 1990. Tại đây người ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ mỹ phẩm cho đến các mặt hàng cao cấp như đồ gia dụng, linh kiện rời, hàng hóa Hàn Quốc và cả thực phẩm. Những món hàng này được vận chuyển bằng đường bộ, đường tầu hỏa hay trong những túi ba-lô do những người bán rong, nam hay nữ, khuân về từ Đan Đông, Trung Quốc.

Trước các hoạt động kinh tế và khoa học nhộn nhịp như vậy, Le Monde cho rằng Pyongsong giờ đang trở thành một trong những trung tâm của "chủ nghĩa tư bản đỏ" Bắc Triều Tiên.

2019 : Trump " độc diễn " trên trường quốc tế

Trang nhất báo Le Figaro số ra ngày 03/01/2019 có hàng tít đáng chú ý : "Năm 2019, thế giới hồi hộp trước chính sách ngoại giao khó lường của Donald Trump". Dưới áp lực trong nước, cùng với nguy cơ tái khởi động các cuộc điều tra và trước thềm kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, tổng thống Mỹ rất có thể sẽ đưa ra nhiều quyết định bất ngờ trên trường quốc tế.

Trong bài viết có tựa đề "Năm 2019, Donald Trump làm kỵ sĩ đơn độc", Le Figaro nhận xét, với sự ra đi của James Mattis, một trong những "bảo mẫu" cuối cùng, tổng thống Mỹ giờ có thể rộng tay hành động theo ý muốn. Tờ báo nhân dịp này điểm lại một loạt các quyết định địa chính trị của ông Donald Trump trong suốt năm 2018, đưa thế giới đi từ bất ngờ này sang đến những ngỡ ngàng khác.

Những cú đánh lén

Ông bắt đầu bằng tràng tweet hung hăng đầu năm tấn công Iran (ngày 02/01/2018), được tiếp nối với dòng bình phẩm nổi tiếng có "nút bấm hạt nhân to hơn" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (03/01)… để rồi vài tháng sau đó, tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo chấp nhận một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore (12/06/2018).

Không chỉ hài lòng tấn công các nước "thù nghịch", ông còn làm cho các nước đồng minh truyền thống ngã ngửa, không kịp trở tay. Ông tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho dời tòa đại sứ Mỹ về đấy. Tại G7, tổng thống Mỹ không ký tuyên bố chung. Với NATO, ông kịch liệt chỉ trích các nước thành viên, đồng thời có thái độ hòa dịu với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Để thay lời kết luận, Le Figaro trích dẫn nhận xét của Washington Post ví von cho rằng : "Nếu quý vị thích bi kịch, hãy chuẩn bị đi nhé, bởi vì, năm vừa qua chỉ mới là màn tổng dợt cho những gì sắp diễn ra".

Hoa Kỳ : Bức tường chia rẽ

Một chủ đề khác liên quan đến nước Mỹ của Donald Trump cũng được nhiều nhật báo Pháp trên trang nhất quan tâm đến : Cuộc đọ sức giữa phe dân chủ và Donald Trump. Les Echos trên trang nhất dành một góc nhỏ đề tựa "Hoa Kỳ : Bức tường gây chia rẽ". Le Monde chạy tít lớn : "Hoa Kỳ : Phe dân chủ thách thức Trump".

Nhật báo thiên tả Libération thì có bài phân tích châm biếm đề tựa "Shutdown : Donald Trump bị tước Hạ Viện ‘thân quen’". Hôm nay, Quốc Hội mới chính thức hoạt động vào lúc tình trạng "shutdown" kéo dài từ hai tuần qua. Đảng dân chủ, kiểm soát Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, dự định thông qua hai dự luật ngân sách nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Riêng tờ báo công giáo La Croix chú ý đến vấn đề kiểm soát vũ khí qua hàng tựa "Các dân biểu dân chủ Mỹ được trông đợi về việc kiểm soát vũ khí". Một sự trông đợi mà La Croix cho rằng khó có thể thực hiện.

Cuba "thắt bụng" mừng 60 năm cách mạng

Nhìn xuống Trung Mỹ, tờ nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết đề tựa "Cuba : Một lễ mừng 60 năm cách mạng buồn thảm vì kinh tế bị bóp nghẹt".

Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 1%, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, do khan hiếm thực phẩm. La Havana không thể trông cậy vào các đồng minh như Venezuela chẳng hạn cũng đang lâm vào khủng hoảng, đang vật vã cung cấp dầu hỏa cho Cuba.

Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Cuba Raul Castro trong bài diễn văn kỷ niệm 60 năm cách mạng thừa nhận "Kinh tế đang bị bóp nghẹt là một thách thức". Ông kêu gọi giảm những khoản chi tiêu vô ích, đa dạng hóa nguồn hàng xuất khẩu và "khuyến khích đầu tư nước ngoài".

Đây cũng là điểm thay đổi mà Cuba muốn điều chỉnh trong Hiến Pháp, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 24/02 tới đây. Theo đó, Hiến Pháp mới thừa nhận sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường và đầu tư nước ngoài, nhưng không từ bỏ mục tiêu xã hội "cộng sản".

Les Echos cũng nhận thấy là kinh tế Cuba trì trệ là do chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ. Việc ông Donald Trump vào Nhà Trắng đã xóa sạch các nỗ lực xích lại gần giữa hai nước được tiến hành dưới thời tổng thống Obama. Với việc duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế có từ năm 1962, Donald Trump tiếp tục xếp Cuba vào "trục bạo chúa", bao gồm cả Venezuela và Nicaragua.

Trung Quốc : Tập Cận Bình đầu năm dọa nạt Đài Loan

Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo. La Croix chú ý đến việc chủ tịch Trung Quốc "Tập Cận Bình lại đe dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực".

La Croix nhận thấy, về mặt cơ bản, nội dung không có gì thay đổi, nhưng điều đáng chú ý là chưa bao giờ Bắc Kinh lại có một giọng điệu hiếu chiến với Đài Bắc như lần này. Tờ báo cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng suy yếu và năm 2019 này được dự báo đầy bất định, Tập Cận Bình muốn tác động đến tinh thần dân tộc đang nung nấu trong lòng mỗi người dân Trung Quốc mơ tưởng đến một quốc gia hùng mạnh và hợp nhất, dù phải gây chiến.

Jeanne Calment : Hơn hai mươi năm sau vẫn khuấy động giới khoa học

Cuối cùng, mục điểm báo xin khép lại với phần tin khoa học. La Croix có bài giải đáp thắc mắc đề tựa "Tuổi thọ của Jeanne Calment : Đề tài tranh cãi của giới chuyên gia".

Ba người Nga, trong đó có hai nhà khoa học, cho rằng người phụ nữ qua đời năm 1997 ở tuổi 122 ở Arles, không phải là bà Jeanne Calment, mà là con gái của bà, Yvonne. Trong khi đó, hai nhà khoa học Pháp, đã từng gặp vị trưởng lão này vào đầu những năm 1990 thì khẳng định ngược lại.

Hai nhà khoa học Nga, một người là giám đốc trung tâm xã hội chống hiện tượng lão hóa và người kia là nhà toán học, với sự trợ giúp của một nhà báo Nga, sau khi tiến hành điều tra tiểu sử, nghiên cứu lại các cuộc phỏng vấn, đối chiếu các hình ảnh (về chiều cao, mầu mắt, kiểu trán), hồ sơ lưu trữ của thành phố Arles nơi bà Calment sinh sống cũng như qua tiếp xúc nhiều nhân chứng…, khẳng định "con gái của bà Jeanne Calment, là Yvonne đã lấy nhân thân của mẹ mình" vào lúc bà qua đời.

Theo ba người Nga này, bà Calment đã qua đời năm 1934 do mắc bệnh viêm màng phổi. Mục đích của việc chiếm hữu nhân thân này là để được hưởng lợi tức trọn đời từ một hợp đồng mua bán mà bà Calment có được. Ba nhà nghiên cứu người Nga kết luận : Bà Jeanne Calment chỉ thọ có 99 tuổi chứ không phải là 122 tuổi, vốn đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness, một kỷ lục thế giới về tuổi thọ hiện chưa ai vượt qua được.

Minh Anh

Published in Châu Á

Chống biến đổi khí hậu : Mấu chốt là tiền

Thời sự trong nước là chủ đề hàng đầu của nhiều báo Pháp số ra ngày mùng 2 tháng Giêng 2019.

climat1

Khoảng 10 nghìn người tuần hành tại Paris kêu gọi quyết liệt chống biến đổi khí hậu, ngày 12/12/2015. Khẩu hiệu của cuộc tuần hành : "Công lý, Khí hậu, Hòa bình" - Photo : Coalition Climat 21

Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu tổng thống Macron có dẫn dắt thành công các cải cách trong năm 2019 ?". Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Thuế : 2018 năm của những thay đổi lớn". La Croix chú ý đến hiện tượng mới người di cư vượt biển từ Pháp qua Anh trên những chiếc thuyền mong manh. Libération dành gần như trọn số báo đầu năm mới cho cuộc chiến vì môi trường, với tựa đề trang nhất : "Gây ô nhiễm ít hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Các giải pháp của Libé".

Hồ sơ "Sinh thái và xã hội, sự phối hợp của hai cuộc chiến" của Libération nhấn mạnh là cuộc chiến vì chuyển đổi sang kinh tế sinh thái và cuộc chiến vì công bằng xã hội hoàn toàn không đối lập nhau. Bởi những nhóm xã hội nghèo khó nhất cũng chính là các nhóm chịu các tổn thất lớn nhất, do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, các giống loài sinh vật bị tiêu diệt.

Libération nêu bật bốn biện pháp cho phép vừa giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa tiết kiệm được ngân sách. Đó là cải tạo lại nhà ở để tiết kiệm năng lượng hơn, nguyên tắc ai gây ô nhiễm người ấy trả tiền, với mục tiêu nhắm vào các ngành công nghiệp phát thải chính, cũng như các phương tiện giao thông phát thải chính, như hàng không, hàng hải. Thứ ba là cải tiến phương thức đi lại sao cho tiết kiệm năng lượng hơn và thứ tư là thay đổi cách ăn uống, ưu tiên các thực phẩm ít gây khí thải và tổn hại cho sức khỏe hơn. Libération cũng dành nhiều bài cho chủ đề làm sao để con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Gắn bó với thiên nhiên cần được coi là hậu thuẫn số một cho cuộc chiến vì sinh thái. Nhật báo Pháp có bài phỏng vấn nhà sinh học Emmanuelle Pouydebat. Bà kêu gọi đừng thờ ơ với thế giới sinh vật muôn màu muôn vẻ, bởi vì nhiều loại sinh vật có những khả năng hơn hẳn con người, có những bài học thú vị, những giải pháp mà con người có thể học hỏi. Từ loài sứa méducula kích thước 5 mm có khả năng cải lão hoàn đồng, đến nhiều loại kiến và chim có khả năng định vị tuyệt vời trong không gian, nhiều loài thú có khả năng tìm được những nguồn thuốc chữa bệnh cho mình… Bên cạnh đó là những năng lực mang tính bản năng mà con người vốn có, với tư cách động vật, nhưng đã và đang mất đi với đời sống công nghiệp, hiện đại hóa.

Đặc biệt đáng chú ý trong loạt bài của Libération hôm nay là cuộc phỏng vấn nhà kinh tế Pierre Larrouturou, mang tựa đề "Cứu khí hậu : Cuộc chiến duy nhất không gây tổn thất nhân mạng".

Các tổn thất khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra là điều mà ngày càng nhiều người nhận thức được. Không có tháng nào mà không có các trận khô hạn, cháy rừng, mưa lũ, hay các hiện tượng khí hậu bất thường khác – do Trái đất bị hâm nóng - làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Từ Nhật Bản, đến Châu Âu, Hoa Kỳ hay Châu Phi. Riêng tại nước Pháp, đợt lũ lụt hè 2018 gây thiệt hại 31% sản lượng lúa mì. Tại Châu Phi, thu hoạch nông nghiệp sụt giảm từ 35% đến 60% tùy theo từng vùng, trong lúc dân cư lục địa này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến 2050. Nếu không có các nỗ lực đáng kể, xu thế Trái đất nóng lên ít nhất từ 2 đến 3°C trong vài chục năm tới là điều chắc chắn. Thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn.

Lấy đâu ra 1.000 tỉ euro ?

Theo nhà kinh tế Pháp, cũng giống như trong mọi cuộc chiến khác, vấn đề chủ chốt hiện nay là "tiền". Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần phải tăng gấp 3 lần chi phí so với hiện nay mới đủ. Riêng tại Châu Âu, chi phí cần thiết cho khí hậu là 1.000 tỉ đô la hàng năm. Lấy đâu ra số tiền khổng lồ này ?

Kinh tế gia Pierre Larrouturou nhấn mạnh là việc huy động số tiền này là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Liên Hiệp Châu Âu. Năm 2008, để tránh cho hệ thống ngân hàng sụp đổ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã tung ra 1.000 tỉ euro. Cách đây 3 năm, để kích thích tăng trưởng Liên Âu đã rót 2.500 tỉ. Do vậy, không có lý do gì mà hiện nay Châu Âu không huy động được một số tiền tương đương. Một ví dụ cụ thể là, năm 1989, trong bối cảnh cần đầu tư khẩn cấp để giúp các nước khối Liên Xô cũ, Đức và Pháp đã quyết định lập ra một ngân hàng riêng dành để giúp các quốc gia này thành công giai đoạn quá độ.

Ngân hàng Châu Âu về khí hậu có thể là một chi nhánh của Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI), để có thể được hưởng các điều kiện cho vay ưu đãi. Ngân hàng này có thể nhận được nhiều đầu tư, bởi BEI có hệ số tín nhiệm AAA. Đến lượt mình, Ngân hàng sẽ cho vay các dự án khí hậu vay với lãi suất 0%. Bên cạnh Ngân hàng chung của Liên Âu về khí hậu, theo kinh tế gia Pierre Larrouturou, mỗi quốc gia cần dành 2% GDB cho cuộc chiến vì khí hậu. Như vậy, Đức sẽ có thể đầu tư 65 tỉ euro cho khí hậu, Pháp 45 tỉ, Tây Ban Nha 25 tỉ… Bên cạnh Ngân hàng về khí hậu Liên Âu, đầu tư của mỗi nước, tác giả đề nghị lập ngân sách chung về khí hậu của Liên Âu.

Về nguồn lực huy động cho ngân sách khí hậu của các quốc thành viên, và của Châu Âu, tác giả đề nghị tấn công vào nạn lậu thuế kinh doanh. Theo kinh tế gia Pháp, tỉ lệ tiền thuế trung bình đánh vào lợi nhuận ở Châu Âu đã sụt giảm mạnh trong những thập niên gần đây, từ 40% còn 19% hiện nay. Trong lúc, tại Hoa Kỳ, từ thời Roosevelt đến trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, tỉ lệ này luôn ổn định ở mức 38%. Nếu Liên Âu lập ra được một sắc thuế của khối đánh vào lợi nhuận của các cổ đông, với mức 5%, hàng năm Châu Âu sẽ có thêm 100 tỉ cho khí hậu. Đầu tư mạnh mẽ cho cuộc chiến khí hậu cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở Châu Âu, riêng tại Pháp là khoảng một triệu, theo cơ quan Môi trường và Quản lý Năng lượng Pháp.

"Hổ Việt Nam" dẫn đầu Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất từ hơn 10 năm nay : "Hổ Việt Nam" trỗi dậy mạnh mẽ. Trên đây là nhận định của Le Figaro. Nhật báo Pháp lược lại các thỏa thuận mậu dịch tự do khu vực, quốc tế, và song phương mới đây, đã giúp kinh tế Việt Nam cất cánh.

Hiệu ứng tổng hợp của các thỏa thuận là hàng rào thuế quan hạ thấp đáng kể, bên cạnh đó là các nỗ lực cải cách giảm nạn quan liêu, tư bản Nhà nước và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất tại Châu Á. Sự vọt lên của Việt Nam kinh tế khởi sự từ ngành dệt may, nay là ngành xe hơi, điện tử bắt đầu thu hút các tập đoàn lớn của thế giới. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68 thế giới về năng lực cạnh tranh so với hạng 104 năm 2006 (xếp hạng của "Doing business" của Ngân hàng Thế giới).

Trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trái ngược với nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước được hưởng lợi.

Tuy nhiên đằng sau bức tranh sáng sủa này là mặt tối. Điểm yếu của Việt Nam, theo công ty bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp), là sự tương phản giữa khu vực kinh tế tư nhân năng động và các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước ngập trong nợ. Nợ công của Việt Nam chiếm gần 60% GDP, trong khi đây là một quốc gia có thu nhập trung bình. Tỉ lệ nợ xấu cao đe dọa lĩnh vực ngân hàng. Một số tệ nạn khác đe dọa Việt Nam là tham nhũng hoành hành trong các doanh nghiệp Nhà nước, và tiến độ tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm.

"Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga"

Nhật báo kinh doanh nổi tiếng tại Nga "Vedomosti" vinh danh Pavel Dourov là nhân vật của năm 2018. Báo La Croix có bài "Pavel Dourov, người thách thức chính quyền Nga". Vậy Pavel Dourov là ai ?

Doanh nhân 34 tuổi này là người sáng lập mạng nhắn tin Telegram, được sử dụng trên toàn thế giới, là nơi người Nga có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do, mà không sợ chính quyền can thiệp. Người sáng lập Telegram từ chối đòi hỏi của cơ quan an ninh Nga, cung cấp mã khóa để truy cập tài khoản của những người sử dụng. Một tòa án Nga đã quyết định phong tỏa Telegram tại Nga. Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, mạng xã hội này vẫn hoạt động bình thường.

Do tính bảo mật cao của Telegram, tại Nga, có nhiều quan chức trong chính quyền sử dụng mạng này, trong số 100.000 khách hàng. Telegram đặc biệt bảo vệ danh tính của những người cung cấp các nguồn tin cảnh báo, hay các tố cáo về những vấn đề nhạy cảm. Một số bộ trong chính quyền Nga thậm chí cũng sử dụng dịch vụ của Telegram để gửi thông tin đến các nhà báo.

Ông Pavel Dourov hiện sống lưu vong, sau khi chính quyền Nga tước quyền sở hữu của ông đối với mạng xã hội VKontakte, được coi là một mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga, được coi là một Facebook của thế giới nói tiếng Nga.

Châu Âu quyết nã thuế các tập đoàn đa quốc gia

Ủy Ban Châu Âu ước tính mỗi năm Châu lục thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỉ đô la do việc các công ty đa quốc gia trốn thuế. Ngay từ ngày đầu năm mới 2019, Bruxelles coi đây là mục tiêu hàng đầu. Ủy Ban Châu Âu chỉ đích danh các tập đoàn đa quốc gia là thủ phạm chính gây thiệt hại cho Liên Âu. Ủy viên kinh tế, tài chính và thuế của Liên Âu, ông Pierre Moscovici, tuyên bố : "…nhiều biện pháp mới sẽ đánh dấu một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại những ai mưu đồ khai thác những khiếm khuyết của các hệ thống thuế của các quốc gia thành viên".

Một trong các biện pháp chính của Liên Âu là ngăn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận, không chịu thuế, sang các nước có mức thuế thấp, và nơi mà các tập đoàn này không có bất cứ một hoạt động kinh tế thực sự nào. Biện pháp này đã được thúc đẩy sau hàng loạt bê bối tài chính liên quan đến các "thiên đường thuế", như Luxleaks, Panama Papers, Paradise Papers… Vào đầu năm tới 2020, Liên Âu dự kiến sẽ đưa ra các quy định ngăn cản các doanh nghiệp đa quốc gia khai thác sự khác biệt giữa các hệ thống tài chính giữa hai nước thành viên Liên Âu, để trốn thuế.

Tổng thống Pháp cổ vũ cho việc "chia sẻ sự thật"

Giao thừa 2019, tổng thống Pháp có bài diễn văn chúc Tết gửi đến người Pháp, với ba từ chủ chốt : Sự thật, phẩm giá và hy vọng. La Croix đặc biệt chú ý đến từ đầu tiên : "Sự thật".

Xã luận La Croix với tựa đề "Chia sẻ sự thật" nhấn mạnh là trong phát biểu của tổng thống Pháp, từ "sự thật" là từ gây bất ngờ nhất. Trước hết "sự thật" là một từ gây bất ổn do tính cách đòi hỏi của từ này. Người sử dụng từ sự thật dễ dàng bị nghi ngờ là "không có lòng khoan dung". Tuy nhiên, nhật báo công giáo nhấn mạnh là việc tìm kiếm sự thật là một nhu cầu thực sự của xã hội, và một nhân tố cần thiết cho đoàn kết dân tộc. Đây chính là "một động lực cho phép vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và tinh thần hiện nay ở nước ta". Cuộc khủng hoảng tuy La Croix không nói ra, nhưng mọi người đều biết là liên quan đến phong trào Áo Vàng trỗi dậy từ hơn một tháng rưỡi nay.

La Croix cũng lưu ý thêm là "mệnh lệnh của sự thật" còn có một đức hạnh khác, lớn hơn nữa. Đó là bắt buộc chúng ta phải đối chiếu các quan điểm riêng, phần sự thật riêng của mỗi người để đi đến một sự thật lớn hơn, sự thật cho phép chúng ta đoàn kết. Bởi trong sâu thẳm của khát vọng truy cầu sự thật ấy là "khả năng lắng nghe, đối thoại và sự khiêm nhường» như phát biểu của tổng thống Macron. La Croix nhìn thấy trong phát biểu này thái độ tự phê bình của người đứng đầu nước Pháp.

Vượt biển từ Pháp qua Anh bằng phương tiện thô sơ

Vượt biên qua eo biển Manche, rộng khoảng 30 km, từ Pháp sang Anh bằng các phương tiện thô sơ là hiện tượng ngày càng phổ biến trong những tuần cuối năm 2018. La Croix có bài phóng sự "Người di cư, những chiếc thuyền con trên eo biển Manche".

Bài phóng sự trang nhất của La Croix cho biết : chỉ riêng trong hai tuần lễ, từ 13 đến 27/12, chính quyền Pháp đã phát hiện được 57 người, bao gồm nhiều trẻ em, đang tìm đường vượt sang Anh. Đa số là người Iran. Dĩ nhiên, so với nạn vượt biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi sang Châu Âu, thì tình hình tại đây không thấm gì, nhưng mức độ người liều mình vượt biển Manche như hiện nay là hoàn toàn mới. Một trong những lý do khiến di dân mạo hiểm vượt biển là do đường qua ngả Pas-de-Calais (phía bắc nước Pháp) bị quản lý rất chặt.

Hiện tại, ở Pas-de-Calais vẫn còn khoảng 400, 500 người tìm đường di cư sang Anh, so với khoảng 10.000 người cách nay hai năm. Tại chỗ, chính quyền tiếp tục phân phối thực phẩm và duy trì các điều kiện tối thiểu trong đời sống hàng ngày cho người di cư ở Pas-de-Calais. Nhưng một số tổ chức bảo vệ nhân quyền lo ngại cho đời sống của họ, trong bối cảnh chính quyền chưa có các biện pháp về dài hạn.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Bị phản đối vì thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình trấn áp vì sợ nổi dậy

La Croixhôm nay 31/12/2018ghi nhậndưới áp lực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, "Tập Cận Bình buộc các lãnh đạo cao cấp Đảng cộng sản Trung Quốc phải tự kiểm thảo", cho thấy một số dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ đảng.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 18/12/2018. Reuters/Jason Lee

Tờ báo công giáo cho rằng "chủ tịch Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông mới của thế kỷ 21". Và cũng như Mao, ông Tập không tránh được việc bị chỉ trích cho dù không phát biểu công khai. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, một số rạn nứt đã xuất hiện trong một chế độ luôn muốn chứng tỏ là hoàn toàn đồng tâm nhất trí.

Khi triệu tập 25 ủy viên Bộ Chính trị họp lại trong hai ngày 25 và 26/12 (vào đúng ngày Noel và sinh nhật của Mao 26/12/1893), Tập Cận Bình bắt buộc họ phải tự kiểm điểm, như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Theo Tân Hoa Xã, ông Tập "đã yêu cầu Bộ Chính trị phê bình và tự kiểm thảo về công việc của mình cũng như việc thực hiện các chỉ thị của Tập chủ tịch, chính sách và chủ trương của đảng".

Vai trò của Bộ Chính trị đã bị giảm hẳn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông tập trung mọi quyền lực vào tay mình, như thời Mao. Nhưng theo nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng như nước ngoài, uy quyền của ông Tập trong những tháng gần đây có phần bị lung lay do kinh tế bị chững lại, từ cuộc chiến tranh thương mại với nước Mỹ của ông Donald Trump.

Báo cáo chính thức của cuộc họp Bộ Chính trị lần này không nói rõ các ủy viên Bộ Chính trị phải tự kiểm về vấn đề gì, nhưng đây là dịp để Tập Cận Bình chỉnh đốn lại đội ngũ, kêu gọi họ "nhanh chóng nghiên cứu các bài diễn văn" của ông, "tự khép mình vào kỷ luật, và chấn chỉnh gia đình cùng các cán bộ thuộc quyền". Công thức này nhắc nhở lại nguyên tắc "tập trung dân chủ" lê-nin-nít trong đảng, đánh vào những ai không hoàn toàn trung thành với ông Tập.

Đối với chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, Tập Cận Bình bị phản đối trong nội bộ đảng, do đã đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Donald Trump và không dự đoán được việc hàng trăm mặt hàng bị áp thuế, làm thiệt hại cho khu vực chuyên xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như lãnh vực công nghiệp mũi nhọn.

Một số nhà kinh tế còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không tốt đẹp như trong thống kê chính thức, tỉ lệ tăng trưởng 6,5% là thổi phồng quá đáng, và nạn thất nghiệp gia tăng.

Ông Lâm Hòa Lập nhận định, Tập Cận Bình "đang chịu đựng một áp lực khủng khiếp phải thỏa thuận cho được với Donald Trump" trước thời hạn chót là đầu tháng Ba. Thời điểm này trùng hợp với kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, khi đó ông Tập có nguy cơ bị đại diện các vùng miền và những lãnh vực bị thiệt hại nhiều nhất do thương chiến, chỉ trích.

Cho dù Tập Cận Bình là một Mao Trạch Đông mới, nhưng ông Tập không có được cái uy tương tự về lịch sử. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, khi trả lời AFP lưu ý, Tập Cận Bình "không cảm thấy an toàn, và nói trắng ra thì ông ta thiếu tự tin. Ông Tập luôn lo sợ có ai đó nổi dậy". Một loại hoang tưởng mà Mao cũng đã từng bị. Đối với ông Hoa Pha, "Tập Cận Bình không đáp ứng được sự chờ đợi của người dân, và nỗi thất vọng của họ có thể biến thành tuyệt vọng".

Ai Cập khó vực dậy sau vụ khủng bố du khách Việt

Về vụ khủng bố ở Gizeh (Giza) khiến ba du khách người Việt thiệt mạng cùng với hướng dẫn viên tối thứ Sáu 28/12, Le Figaro nhận định vụ này "làm tổn hại nặng nề đến sự vực dậy ngành du lịch Ai Cập".

Thông tín viên của tờ báo ghi lại lời kể của Mostafa, người gác dan của một tòa nhà gần nơi xảy ra thảm kịch : "Chúng tôi đang cầu nguyện thì nghe một tiếng nổ lớn. Gian phòng chuyển động rất mạnh, chúng tôi quá sợ nhưng không đủ can đảm chạy ra bên ngoài xem chuyện gì xảy ra".

Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhanh chóng nói đến "một sự cố đáng tiếc", đồng thời khẳng định "không có quốc gia nào trên thế giới có thể bảo đảm an ninh được 100%".

Tuy việc kiểm soát đã được tăng cường tại các địa điểm du lịch của Ai Cập từ ba năm qua, nhưng các chuyên gia thường xuyên chỉ trích những thiếu sót của chính quyền tại một số di tích, nhất là những kim tự tháp nằm tại khu phố bình dân của thủ đô.

Có thật là 40 kẻ "khủng bố" ?

Muốn chứng minh là tình hình an ninh đang nằm trong vòng kiểm soát, đêm sau vụ khủng bố, chính quyền Ai Cập đã cho bố ráp gần nơi xảy ra vụ nổ và cả Al Arish ở Bắc Sinai. Cảnh sát đã triệt hạ "40 kẻ khủng bố đang có một loạt kế hoạch tấn công vào du lịch, địa điểm thờ phượng của Công Giáo và lực lượng an ninh" - theo bộ Nội Vụ. Nhưng các chuyên gia thường xuyên tố cáo các vụ dàn cảnh với cớ chống khủng bố.

Theo bà Alisson McManus, giám đốc nghiên cứu của Tahrir Institute for Middle East Policy, "năm nay có 187 người đã bị giết chết trong các cuộc bố ráp trên toàn quốc". Oded Berkowitz, nhà phân tích của cơ quan tư vấn rủi ro địa chính trị Max Security cũng ghi nhận các chi tiết đáng ngờ trên những tấm ảnh được công bố. Trong 31 tấm hình này, không thấy các đầu đạn trên mặt đất, những vết thương ở đầu và trên lưng, nhưng vật dụng xung quanh cho thấy có một bàn tay đã can thiệp, không giống như mô tả là "những cuộc chạm súng dữ dội".

Vẫn chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm, vụ khủng bố xe chở du khách người Việt là một cú đòn mới nặng nề cho đất nước của các Pharaon. Lãnh vực du lịch vốn ảnh hưởng đến 30% dân số vừa mới hồi phục, lại trở thành đích nhắm của các nhóm cực đoan. Những nhóm này chừng như muốn ngăn trở chế độ của ông Al Sissi tìm lại được thời huy hoàng cũ, khi cứ mỗi lần lãnh vực này được cải thiện thì lại tấn công vào khách du lịch nước ngoài. Một số nhà tổ chức tour lớn như Thomas Cook hay TUI đã hủy các chuyến đi Ai Cập trong những ngày tới.

Tin giả, Brazil, đồng euro, Macron : Tựa chính báo Pháp

Bìa số báo tất niên của Libération là một dấu hỏi lớn trên nền cờ Pháp, với tựa đề "Những câu hỏi đặc sắc và kỳ lạ nhất của độc giả và câu trả lời". Từ một năm rưỡi qua, tờ báo truy quét các tin giả với một công cụ hỗ trợ. Nhân dịp cuối năm, Libération giới thiệu với độc giả những chuyện hậu trường.

La Croixnhìn sang "Brazil, tất cả đều hữu khuynh". Tân tổng thống Jair Bolsonaro sẽ nhậm chức ngày mai, 1 tháng Giêng năm 2019 tại Brasilia. Từ khi đắc cử vào tháng 10, ông Bolsonaro liên tục đưa ra những tuyên bố cực đoan.

Le Mondecũng lo lắng chạy tựa "Brazil, cực hữu lên nắm quyền". Việc ông Jair Bolsonaro, 63 tuổi, được bầu làm tổng thống đánh dấu chiến thắng của phe quân sự, gợi lại thời kỳ độc tài, và vấn đề môi trường bị bỏ xó. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thắng lợi của Bolsonaro, và tân tổng thống Brazil cũng cho biết quan điểm gần gũi với hai thủ tướng cánh hữu Matteo Salvini của Ý, Viktor Orban của Hungary.

Về kinh tế, "Đồng euro hai mươi tuổi, một ước vọng chưa thành" là tựa trang nhất của nhật báo Les Echos. Đồng tiền Châu Âu đã cố gắng thích nghi được với cuộc khủng hoảng nợ công sau năm 2010, được hai phần ba dân Châu Âu ủng hộ và quốc tế hóa, nhưng còn lâu mới đuổi kịp đồng đô la Mỹ.

Về tình hình nước Pháp và cụ thể là tổng thống Emmanuel Macron, Le Figaro chạy tựa "Macron muốn lật sang trang mới một năm khủng khiếp". Biểu tình, bộ trưởng từ chức, kiến nghị bất tín nhiệm… Vị nguyên thủ nước Pháp trong những tháng gần đây phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị cao độ, đọc lời chúc mừng năm mới tối nay trong bối cảnh căng thẳng.

Macron và cách nhìn nhân văn về toàn cầu hóa

Xã luận của Le Monde nhận định "Ngoại giao của Macron, bài diễn văn đẹp đẽ".

Không chỉ tuổi trẻ và tài năng của tổng thống Pháp đã gợi hứng cho các đối tác cũng như đối thủ của nước Pháp, nhưng Emmanuel Macron còn mang lại niềm tin vào các giá trị và quyết tâm cải cách, trong một thế giới ngày càng hỗn loạn. Trong những bài diễn văn - tại Liên Hiệp Quốc và trước Quốc hội Mỹ về chủ nghĩa đa phương, tại Athens và đại học Sorbonne về Châu Âu - tổng thống Pháp đã đặt ra các mục tiêu cho tầm nhìn thế giới và chứng tỏ tham vọng.

Có thể tóm tắt lời hứa của ông Macron là "Một cách nhìn nhân bản về toàn cầu hóa". Trước sự co cụm lại của nước Mỹ, sức mạnh được phô trương của Trung Quốc và sự quay lại trường quốc tế của Nga, tổng thống Pháp muốn một Châu Âu bảo vệ "dân chủ và các giá trị cấp tiến", khẳng định là "lãnh tụ thế giới tự do", là "tiếng nói của những người bị quên lãng".

Một khi Brexit được thực hiện, thì Pháp sẽ là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu giữ ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong bối cảnh thời kỳ ngự trị của thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến hồi kết.

Khoảng cách giữa nói và làm

Tuy nhiên một năm rưỡi sau khi lên nắm quyền, tổng thống Macron vẫn chưa biến lời nói thành hành động, thậm chí còn tỏ ra nhập nhằng trong một số hồ sơ nóng bỏng như Syria. Thật ra còn phải chờ đợi đến cuối nhiệm kỳ mới có thể đánh giá, nhưng người ta có thể đặt câu hỏi Emmanuel Macron có giữ được những lời hứa trên hay không.

Nhìn dưới một góc cạnh khác biệt, xã luận của Le Figaro đòi hỏi "Một cuộc cải cách khác". Khi Emmanuel Macron đắc cử, nhiều người Pháp nghĩ rằng sẽ ra khỏi những năm dài bất động, nhưng nay khi những người Áo Vàng xuất hiện trên đường phố, thì tình hình đã khác. Tất nhiên vị tổng thống trẻ tuổi không phải là người chịu trách nhiệm về tất cả những vấn nạn của nước Pháp, nhưng thử thách lớn nhất của ông là phải tự chỉnh đốn lại về ngôn từ và thái độ. Nếu không tự cải cách chính mình, thì cơ hội cải cách được đất nước của Macron sẽ rất nhỏ nhoi.

Thụy My

Published in Châu Á

Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực (VOA, 02/01/2019)

Luật An ninh mng ca Vit Nam s bt đu có hiu lc t hôm nay ngày 1/1 năm 2019 khiến cho vic biu đt ý kiến trên mng Vit Nam tr nên khó khăn hơn.

anninh1

Luật An ninh mng ca Vit Nam được cho là đàn áp các tiếng nói bt đng

Trong khi đó, đạo lut này cũng đã b các t chc quc tế ch trích là ‘mô hình kim soát thông tin toàn tr’. Hà Ni được cho rng đã bt chước Bc Kinh trong vic kim duyt ni dung Internet mt cách đàn áp.

Đạo lut này yêu cu các công ty Internet phải d b các ni dung mà chính quyn cho là ‘đc hi’.

Các công ty công nghệ khng l như Facebook và Google s phi giao np d liu người dùng nếu được chính quyn yêu cu và phi m văn phòng đi din Vit Nam, đo lut này quy đnh.

Hồi tháng 11, Bộ Công an đã ra thông tư hướng dn thc thi Lut An ninh mng và cho thi hn 12 tháng đ các công ty cung cp dch v internet Vit Nam tuân th.

Bộ Công an cũng nói rng Đo lut này nhm đy lùi các cuc tn công mng và nh sch các ‘thế lc phản đng và thù đch’ vn s dng Internet đ kích đng bo lc và bt đng, theo bn ghi phiên cht vn ti phiên hp Quc hi hi tháng 10.

Đạo lut này đã được Quc hi Vit Nam thông qua hi tháng 6.

Facebook nói rằng h cam kết bo v quyn ca người dùng và tạo điu kin đ mi người có th biu đt d do và an toàn.

"Chúng tôi sẽ d b nhng ni dung vi phm chun mc ca Facebook khi chúng tôi được thông báo", Facebook cho biết trong mt email gi đến hãng tin AFP và nói rng hãng này có quy trình rõ ràng để x lý các yêu cu t các chính ph trên thế gii.

Hà Nội cho biết hãng Google đã có nhng bước m văn phòng đi din Vit Nam đ tuân th đo lut.

Đạo lut cũng cm nhng người s dng Internet Vit Nam lan truyn nhng thông tin được cho là chống phá Nhà nước, chng phá chính quyn, xuyên tc lch s và ‘đăng ti nhng thông tin tht thit có th gây hiu nhm và phá hoi các hot đng kinh tế-xã hi’.

Tổ chc Theo dõi Nhân quyn (HRW) đã kêu gi gii chc cng sn sa cha li đo lut và hoãn thực thi.

"Đạo lut này nhm đ nâng cao hơn na kh năng giám sát sâu rng ca B Công an đ truy tìm nhng người ch trích và cng c s đc quyn lãnh đo ca Đng Cng sn", ông Phil Robertson, phó giám đc khu vc Châu Á ca HRW, được AFP dn lời nói.

Đạo Lut An ninh mng có hiu lc ch mt tun sau khi Hi Nhà báo Vit Nam thông qua bn quy tc ng x mi dành cho các nhà báo v cách s dng mng xã hi. Theo đó, các nhà báo b cm đăng tin tc, hình nh hay bình lun ‘đi ngược li’ vi quan điểm ca Nhà nước.

Ông Daniel Bastard thuộc t chc Nhà báo Không biên gii được AFP dn li lên án nhng quy đnh này đi vi nhà báo cũng như Lut An ninh mng. Ông gi đây là ‘mô hình kim soát thông tin mt cách chuyên chế.

*******************

Nhiều người có ảnh hưởng kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng (VOA, 02/01/2019)

Luật An ninh mng ca Vit Nam chính thc có hiu lc t ngày đu tiên ca năm 2019, nhưng trong những ngày này, liên tc có nhiu nhà hot đng vì t do, dân ch và nhng người khác có nhiu nh hưởng trên mng xã hi cùng đưa ra li kêu gi hãy bt tuân hoc thách thc lut này.

anninh2

Các nhà hoạt đng phn đi Lut An ninh mng ca Vit Nam k c sau khi nó có hiệu lc t 1/1/2019

Bộ lut gây nhiu tranh cãi, lo lng đã được ban hành t hi tháng 6/2018. Hôm 1/1/2019, các báo lớn Vit Nam, trong đó có Lao Đng và trang Zing News, công b tóm tt "nhng hành vi b cm trên mng" k t thi đim lut có hiu lc.

Đứng hàng đu là các hành vi được coi là "chng Nhà nước Cng hòa xã hi ch nghĩa Việt Nam", hay "xuyên tạc lch s, ph nhn thành tu cách mng, phá hoi khi đi đoàn kết toàn dân tc".

Đưa ra thông tin "sai s tht gây hoang mang trong nhân dân, gây thit hi cho các hot đng kinh tế-xã hi, gây khó khăn cho hot đng ca cơ quan nhà nước hoc người thi hành công v" cũng là hành vi có th t cao trong danh sách cm.

Ngoài ra, bản tóm tt đ cp đến nhng hành v b cm khác, trong đó có vic "thc hin tn công mng, khng b mng, gián đip mng, ti phm mng ; gây s c, tn công, xâm nhp, chiếm quyn điu khin, làm sai lch, gián đon, ngưng tr, tê lit hoc phá hoi h thng thông tin quan trọng v an ninh quc gia".

Trong khi đó, cùng thời đim đu năm mi, nhóm các nhà hot đng tr có tên SaveNET đã tung ra trên mng cun cm nang "Luật An ninh mạng : Nhng điu cn biết", mà theo li gii thiu ca nhóm, có mc đích xóa đi nhng "đồn đoán rng gi đây bt c ai lên tiếng ch trích chính quyn trên mng xã hi đu d dàng b bt b và xét x".

Nhóm được thành lp vào tháng 6/2018 và hot đng nhm thúc đy nhn thc ca cng đng v quyn t do ngôn lun, cho biết thêm rng cun sách 90 trang của h cũng giúp tr li câu hi đt ra là "chúng ta có nên ‘t kim duyt’ mình hay không ?"

anninh3

Cẩm nang v Lut An ninh mng, sách ca nhóm SaveNET

Theo SaveNET, cuốn sách có nhng phân tích thu đáo v lut, nh đó "mi người có th đưa ra nhng quyết đnh sáng sut và ch đng hơn trong cách ng x trên internet, đc bit trong vic nói lên chính kiến ca mình v các vn đ chính tr xã hi".

Trong phần cui cun cm nang, các tác gi khng đnh rng mt s điu ca Lut An ninh mng là "không cn thiết" và "không phù hp" trong thi đi công ngh s hin nay.

Dù luật đã được thc thi, nhóm tác gi vn đưa ra đ xut "hoãn thi hành", và đ ngh các cơ quan nhà nước, bao gm c B Công an và B Thông tin và Truyn thông, hãy "nghiên cu và đánh giá li", và nếu cn, hãy "điu chnh Lut An ninh mng và các quy đnh liên quan".

Hai ngày trước khi lut có hiu lc, nhà hot đng n Phm Đoan Trang viết trên trang Facebook cá nhân rằng trong khi có nhng người lo s, ch không tin rng Đng Cng sn và B Công an có th "bt ming" được nhng người như ch.

Người được vinh danh vi nhiu gii thưởng nhân quyn ca nước ngoài lý gii v nim tin ca ch, trong đó điều hàng đu, theo ch, là "đến lúc này, khi người dùng Vit Nam đã quen vi internet và mng xã hi, đã nghin, bt h tr v trng thái câm mù điếc như trước kia là điu bt kh thi".

Một lý do khác, theo nhà hot đng n có khong 58.000 người theo dõi trên mạng xã hi, đó là "vi năng lc qun lý ti tàn ca mình, nhà cm quyn đc tài chng hy vng làm được cái gì trit đ". Ch viết thêm : "Không k đc tài nào có th kim soát 100% đi sng ca nhân dân, k c trong chế đ toàn tr như Vit Nam. Đơn gin là chúng không đ ngun lc, nht là trong tình trng kinh tế sa sút, ngân sách thâm ht, lòng dân đ v Vit Nam hin nay".

Từ góc nhìn ca mt cu lut sư, ông Lê Công Đnh đưa ra phân tích trên trang Facebook cá nhân cho thy Lut An ninh mng mt mt "cho phép nhà nước thu thp thông tin cá nhân của công dân", mt khác li "hn chế quyn t do ngôn lun, t do báo chí và tiếp cn thông tin ca công dân", vn là các quyn được nêu trong Hiến pháp.

Nhà hoạt đng tng là tù nhân lương tâm nhn mnh rng lut này tht "bt công" và "bt hợp lý", vì nó "xâm phạm quyn con người và quyn công dân". Trên trang Facebook có khong 40.000 người theo dõi, ông Đnh đưa ra li kêu gi rng vi "bn phn lương tâm và đo đc ca mi công dân", h hãy "xem nó như chưa bao gi tn ti, thm chí khi cn, hãy vi phạm nó !"

Nhà báo kỳ cựu Hoàng Hi Vân có lượng theo dõi lên đến xp x 75.000 người trên Facebook không trc tiếp nhc đến Lut An ninh mng và mt quy đnh mi đây v nhng điu nhà báo không được làm trên mng xã hi. Song ông đưa ra ý kiến hôm 2/1 rằng "Khi chúng ta viết đúng, viết không đi trng thay đen hay ngược li, khi chúng ta viết mt cách vô tư không vì li ích ca ‘phe nhóm’ nào mà ch vì li ích ca đt nước và người dân thì chng s bt c th gì. Nếu s thì không nên làm báo".

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người thường lên tiếng vì tiến b xã hi và có lượng người theo dõi lên đến trên 305.000, đăng mt ý kiến ngn hôm 2/1, bày t rng cho dù Lut An ninh mng đã đi vào thc thi, song nếu mi người "viết đúng, phê đúng, đt câu hi đúng… thì cứ vic viết thôi". Theo bà, khi làm như vy, nhng người lên tiếng trên internet, trên mng xã hi không phi s bt c ai c.

Võ sư Đoàn Bo Châu, người cũng là nhà văn và phóng viên, trong bài viết mà ông gi là "đôi li đu năm" vi bn bè trên Facebook, ông cho rằng Lut An ninh mng hay bt kỳ mt lut nào sinh ra "cũng không bao gi khiến nhng con người yêu quý s tht và có khát vng ci to xã hi bng ngòi bút nao núng ch đng nói ti run s".

Liên hệ đến cuc đu tranh chng tham nhũng ca Tng Bí thư-Ch tch nước Nguyn Phú Trng, ông Châu bày t quan đim rng nếu người dân "không dũng cm lên tiếng", nếu mng xã hi "b hn chế sc mnh", nhiu quan chc b nghi phm ti tham nhũng các đa phương "s thoát ti và s ‘h cánh’ an toàn".

Do vậy, võ sư có tm nh hưởng ti gn 100.000 người theo dõi đã gi đi thông đip ti gii lãnh đo nhà nước rng "Các ông hãy chn người thc thi Lut An ninh mng mt cách t tế đ tránh lm quyn, dùng lut sai mc đích, cn tr s phát trin ca đt nước".

anninh4

Nhà hoạt đng Nguyn Thúy Hnh phn đi Lut An ninh mng

Các bài viết ca các nhà hot đng và nhng người có nhiu nh hưởng như k trên đã nhn được nhiu ng h, th hin qua hàng nghìn phn ng "yêu thích" và hàng trăm lời bình lun đng tình.

Trên Facebook những ngày này, gii hot đng chia s nhng hình nh cho thy nhiu người cm các biu ng kêu gi "bt tuân", "phn đi" Lut An ninh mng" hoc các biu ng viết rng "Lut An ninh mng tước đot t do, nhân quyn".

Trong một bài báo đăng hôm 1/1, trang Zing.vn ở Vit Nam trích li Trung tướng Hoàng Phước Thun, nguyên Cc trưởng Cc An ninh mng, nay là Cc An ninh mng và phòng chng ti phm công ngh cao, khng đnh Lut An ninh mng "không nh hưởng đến quyn t do ngôn lun".

Theo lời v trung tướng công an, "không có gì cn tr ngôn lun nếu chúng ta trình bày đúng quan đim ca chúng ta mà không vi phm". Ông Thun gii thích thêm rng Lut An ninh mng nhm đến vic cm nhng hành vi trên mng tương ng vi "29 ni dung mà B lut hình s cm".

Quan chức công an này đưa ra ví d minh ho : "Không th nào đe da giết người trên mng li được t do, trong khi đó đe da giết người đi thc thì b bt. Tương t, không th nào kích đng biu tình ngoài đi thì b x lý còn trên mng thì không…".

Trang Facebook chính thức ca chính ph Vit Nam hôm 30/12/2018 đăng thông báo "Lut An ninh mng chính thc có hiu lc t 1/1/2019, vi phn tóm tt các quy đnh chính trong lut.

Bài viết nhn được hơn 600 phn ng "yêu thích" và 28 li bình lun, trong đó, bình luận hin lên trên cùng viết rng "My đa phn n [v Lut An ninh mng] thì 1 là phn đng, 2 là hay đt điu vu oan, 3 là bán hàng online".

Lời bình lun hin lên v trí th nhì cho rng người dân Vit Nam ng h lut này vì nó "đúng đn, hợp lòng dân". Vẫn li bình lun này nói thêm rng lut "đã ngăn chn" nhng người b xem là "bn phn đng, lưu vong, xuyên tc chng nhà nước Vit Nam".

Hai lời bình lun này nhn được ln lượt 45 và 11 phn ng "yêu thích" trên trang Facebook Thông tin Chính phủ.

*******************

Việt Nam : Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực (RFI, 01/01/2019)

Đạo luật An ninh mạng khắt khe, buộc các công ty internet phải gỡ bỏ tất cả những nội dung bị chính quyền cho là "độc hại", bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/01/2019 tại Việt Nam. Những người chỉ trích tố cáo luật này là "một mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin".

anm1

Tại một quán cà phê internet ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 1/8/2013. AFP/Hoang Dinh Nam

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng Sáu đã bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các nhà đấu tranh cho tự do internet chỉ trích là bắt chước Trung Quốc trong việc kiểm duyệt thế giới mạng.

Luật này buộc các trang mạng trong vòng 24 giờ phải gỡ bỏ mọi lời bình đe dọa đến "an ninh quốc gia". Các tập đoàn như Facebook, Google phải cung cấp dữ liệu của người sử dụng, khi chính quyền yêu cầu, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bộ Công An, hồi tháng 10 đã khẳng định với Quốc hội là đạo luật nhằm tự vệ trước tin tặc và diệt trừ "các thế lực thù địch, phản cách mạng" sử dụng internet, vào tháng 11 đã công bố dự thảo nghị định, cho các đơn vị liên quan 12 tháng để chuẩn bị thích ứng với luật mới.

Facebook trong một thông cáo gởi qua mail cho AFP cho biết cam kết bảo vệ quyền của người sử dụng và khả năng tự do biểu đạt, khẳng định "Chúng tôi sẽ gỡ bỏ mọi nội dung vi phạm các tiêu chí (của Facebook) khi được báo cáo". Còn Google, mà Hà Nội cho biết đang tiến hành mở văn phòng tại Việt Nam, hiện chưa muốn đưa ra lời bình luận với hãng tin Pháp.

Theo các nhà đấu tranh, tự do thông tin tại Việt Nam đã bị thu hẹp kể từ năm 2016. Human Rights Watch (HRW) đòi hỏi chính quyền Việt Nam xem xét lại Luật An ninh mạng và dời lại thời gian áp dụng. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á nhận định : "Luật này được soạn thảo để tăng cường khả năng giám sát của bộ Công An nhằm nhận diện những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền của Đảng cộng sản".

Một tuần trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Hội Nhà Báo Việt Nam đã công bố bản Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, cấm các nhà báo đăng những tin tức, hình ảnh và bình luận "chống lại Nhà nước".

Ông Daniel Bastard của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) tố cáo bản quy tắc nói trên và Luật An ninh mạng là "mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin". Theo ông, luật này có nguy cơ làm các start-up phải suy nghĩ lại trước khi đến làm ăn tại Việt Nam, đất nước đang muốn trở thành trung tâm công nghệ ở Đông Nam Á.

Hơn phân nửa trong số 93 triệu dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ người sử dụng Facebook.

Thụy My

Published in Việt Nam

Pháp : Hiểu nỗi giận dữ của Áo Vàng, Macron vẫn kiên quyết cải cách

Ngày đầu năm mới 2019, tất cả các nhật báo lớn của Pháp nghỉ lễ, rừ tờ Le Monde ra số đúp cho ngày mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn chúc mừng Năm Mới 2019 tại điện Elysée, Paris, ngày 31/12/2018. Michel Euler/Pool via Reuters

Trang nhất của Le Monde nổi bật với hồ sơ "đồng tiền chung Châu Âu tròn 20 năm, nhưng vẫn yếu ớt". Tiếp theo là hình ảnh đô trưởng Paris Anne Hidalgo chuẩn bị cho cuộc chiến bầu cử địa phương sắp tới.

Bài diễn văn chúc mừng Năm Mới toàn dân tối 31/12/2018 với ba lời chúc chính "phẩm cách, sự thật và hy vọng" của tổng thống Pháp được phân tích và bình luận trên website của nhiều tờ báo lớn.

Không nhắc đến những người Áo Vàng trong bài diễn văn, nhưng người đứng đầu nhà nước Pháp cho biết đã rút ra được bài học của năm 2018 thông qua "những mối bất hòa và nỗi tức giận có từ lâu : tức giận trước những bất công, trước tiến trình toàn cầu hóa đang diễn, đôi khi không thể hiểu nổi, tức giận trước một hệ thống hành chính trở nên quá phức tạp và thiếu khoan dung, tức giận chống lại những thay đổi sâu sắc buộc xã hội chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi về bản sắc, về ý nghĩa, mục đích". Ông Macron khẳng định : "Trong mắt tôi, nỗi tức giận này, bất kể những thể hiện cực đoan và thái quá, nói lên một điều là chúng ta đã không khuất phục".

Xã luận của Le Monde nhận định tổng thống Pháp đã "cảm nhận được nỗi tức giận" từ phía người dân. Theo Le Monde, thái độ mang tính "chiến đấu" của tổng thống Pháp trước hết được thể hiện qua việc ông đứng phát biểu bên cửa sổ, sau lưng là áp phích có chữ "Bác Ái" (Fraternité), thay vì ngồi bên bàn làm việc như những lần trước. La Croix thấy tổng thống Emmanuel Macron "cứng rắn và kiên quyết".

Libération có bài phân tích ghi nhận "Macron thử phản công trước phong trào Áo Vàng". Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : "Đối với năm 2019, Macron muốn xây dựng những biện pháp an ninh mới của thế kỷ 21". Trong bài diễn văn chúc Năm Mới, tổng thống Macron cũng ngầm chỉ trích những hành động bạo động của "một số người tự xưng là phát ngôn nhân danh dân tộc, thực ra chỉ là phát ngôn viên của một đám đông thù hận, tấn công vào những người đại diện của dân, lực lượng giữ gìn trật tự, nhà báo, người Do Thái, người nước ngoài, người đồng tính. Hành động như vậy là phủ nhận nước Pháp".

Thái độ "kiên quyết" tiếp tục đường lối cải cách được tổng thống Macron thể hiện qua lời trấn an rằng các biện pháp cải cách từ khi ông nhậm chức "không thể mang lại kết quả ngay lập tức và sự sốt ruột của người dân - điều mà ông hoàn toàn chia sẻ - sẽ không biện minh cho bất kỳ sự bỏ cuộc nào".

Theo La Croix, niềm "hy vọng" trong diễn văn của tổng thống được thể hiện qua phát biểu : "Chúng ta hãy ngừng hạ thấp uy tín của mình, ngừng làm người khác tin rằng Pháp là một quốc gia, nơi mà tình đoàn kết không tồn tại, nơi mà người ta luôn phải tiêu xài nhiều hơn", Emmanuel Macron kêu gọi "tìm lại sự thống nhất và nỗ lực ở mỗi người", tất cả cùng tin vào "tương lai chung".

Tỏ ra thấu hiểu sự phẫn nộ của người dân, tổng thống Pháp cho rằng "cần phải đặt con người làm trọng tâm" trong chiến lược hành động của mình, phải đấu tranh chống những thế lực cản trở xã hội và Nhà nước. Với hy vọng "chúng ta phải làm tốt hơn", tổng thống Pháp hứa viết thư gửi người dân Pháp trong những ngày tới, để nêu rõ những nét lớn của cuộc "thảo luận toàn dân", sẽ bắt đầu từ giữa tháng 01/2019.

Lực lượng Pháp trong thế kẹt ở Syria

Trên trường quốc tế, "Pháp rơi vào thế kẹt trong cuộc xung đột ở Syria" là nhận định của bài phân tích trên Le Monde. Sau khi tổng thống Trump tuyên bố triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria, dù sau đó ông cải chính sẽ giảm cường độ rút quân, "Pháp chưa bao giờ bị cô lập đến như vậy trong hồ sơ này dù lực lượng Kurdistan Syria yêu cầu tổng thống Pháp ủng hộ về mặt ngoại giao, thậm chí là bảo vệ về quân sự".

Lời kêu gọi "Một đồng minh, trước hết là phải tin cậy được" của tổng thống Macron dường như rơi vào vô vọng. Pháp phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ tại chiến trường Syria, như nhận xét của một nguồn tin nắm rõ hồ sơ, với nhật báo Le Monde : "Chúng ta (Pháp) không thể ở lại nếu họ (Mỹ) rút quân và hơn nữa, chúng ta còn không có phương tiện để rút lui mà không có họ". Một ví dụ cụ thể, lực lượng Pháp phụ thuộc vào đối tác Mỹ, trong đó có việc vận chuyển người bị thương bằng máy bay trực thăng.

Sự thay đổi đột ngột của Mỹ cho thấy rõ bế tắc trong chính sách của Pháp về Syria. Paris tin tưởng rất nhiều vào sự hợp tác với Washington, cụ thể là chính quyền Trump tỏ ra cương quyết hơn trong hồ sơ Syria so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, "ngoài ưu tiên hàng đầu là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, người ta không rõ Pháp muốn làm gì ở Syria", theo nhận định của ông Marc Pierini, cựu đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu ở Damascus và Ankara.

Khi Mỹ rút quân khỏi Syria, chính quyền Pháp sẽ hành động với ai trong hồ sơ Syria ? Sẽ không có chuyện hợp tác với chính quyền Assad hoặc với nước đỡ đầu là chính quyền Iran. Mối quan hệ với Nga vẫn bị sự thiếu tin tưởng chi phối. Ankara có lẽ là đối tác ít bất hợp lý nhất. Tuy nhiên, gần đây, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc duy trì lực lượng Pháp để ủng hộ phe dân quân Kurdistan "sẽ không có lợi cho bất kỳ ai", đồng thời nhấn mạnh rằng việc duy trì lực lượng Pháp "để đóng góp vào tương lai của Syria" có thể mang ý nghĩa tích cực. Với Paris, những lời đe dọa này là không chấp nhận được.

Liên quan đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria, Le Monde cho biết "Ankara tìm hậu thuẫn từ Moskva để "chấm dứt" với lực lượng Kurdistan Syria". Hai bên đang tìm một chiến lược sau khi quân Mỹ rút khỏi Syria.

Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019

Mỹ rút khỏi Syria không chỉ tác động đến Pháp, mà đến toàn bộ lực lượng Châu Âu đang hiện diện tại Trung Đông. Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như đang đẩy hai cường quốc thành người chủ cuộc chơi. Theo xã luận của Les Echos, được đăng tên website, "Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019".

Châu Âu đơn độc ở Trung Đông khi tổng thống Mỹ quyết định triệt thoái quân. Châu Âu cũng đơn độc trên mảng kinh tế, trước hai cực Mỹ-Trung. Theo bài xã luận, những bài học của năm 2018 kêu gọi cần phải thức tỉnh về chiến lược và chính trị.

Trước hết, Châu Âu phải độc lập về mặt an ninh. Thủ tướng Đức cho rằng "thời kỳ trông cậy vào Hoa Kỳ để bảo vệ chúng ta đã thay đổi. Châu Âu phải tự bảo vệ mình nhiều hơn". Trước hai cường quốc kinh tế không ngừng giương vuốt để bảo vệ lợi ích riêng, Châu Âu là một sức mạnh ngây thơ. Bằng chứng mới nhất là 6 nước Châu Âu (Bỉ, Anh, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Hà Lan và sắp tới là Phần Lan) chọn mua chiến đấu cơ F35 của Mỹ hơn là máy bay của Châu Âu, trong khi sản phẩm của Châu Âu không có chút cơ may nào được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Bài xã luận nêu lên một ví dụ khác, một trong những quyết định đầu tiên của Bruxelles vào năm 2019 có thể sẽ là cấm Alston và Siemens hợp nhất để trở thành một nhà vô địch về đường sắt có khả năng cạnh tranh với hai tập đoàn lớn của Trung Quốc.

Về tài chính, vụ cấm vận Iran đã chứng minh rằng Châu Âu vẫn nằm dưới ảnh hưởng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.

Tròn 20 tuổi, đồng euro vẫn yếu ớt

Le Monde đề cập đến sự kiện, cách đây đúng 20 năm, vào ngày 01/01/1999, mười một nước Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đồng tiền chung euro, bắt đầu được đưa vào lưu hành năm 2002. Hiện tại có 19 nước sử dụng đồng tiền này.

Hai mươi năm sau, đồng euro đã vượt qua được cuộc khủng hoảng 2008, được đánh giá là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ năm 1930, và 340 triệu người sử dụng vẫn gắn bó với đồng tiền chung Châu Âu. Tuy nhiên, theo Le Monde, đồng euro đã không làm tròn nhiệm vụ tập trung các nền kinh tế và sự bất cân đối giữa các nước thành viên ngày càng đào sâu. Dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu được thành lập, các nước Liên Hiệp vẫn chưa lập được cơ quan quyền lực chính trị, cũng như ngân sách duy nhất.

Tuy nhiên, một thành công của đồng tiền chung Châu Âu, theo ông Jean-Claude Trichet, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đó là đồng euro đã giúp tránh được tình trạng lạm phát.

Bangladesh : Đảng cầm quyền gần như chiếm tuyệt đối ở Quốc hội

Thời sự Châu Á được Le Monde đề cập là sự kiện "Đảng cầm quyền ở Bangladesh giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội" ngày 30/12/2018. Liên minh của thủ tướng giành được 288 trên tổng số 300 ghế ở Quốc hội.

Thủ tướng Sheikh Hasina, 71 tuổi, giữ thêm nhiệm kỳ thứ tư, trong khi phe đối lập tố cáo gian lận và bắt giam tùy tiện. Ông Iftekharuzzaman, giám đốc tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế ở Bangladesh, không tỏ ra lạc quan về tương lai chính trị vì "với một nhiệm kỳ mới, Sheikh Hasina sẽ còn trở nên độc tài hơn".

Pháp : Rạp chiếu phim bị ảnh hưởng vì biểu tình

Trên lĩnh vực văn hóa, Le Monde chú ý đến "số lượng người Pháp đến rạp chiếu phim giảm 4,25% trong năm 2018", với khoảng 200,5 triệu khán giả, ít hơn 9 triệu so với năm 2017.

Ba nguyên nhân chính được nêu lên : thiếu các phim ăn khách của Mỹ, giải Vô địch Bóng đá Thế giới và tình trạng nắng nóng. Ngoài ra, các cuộc biểu tình liên tiếp của nhân viên ngành đường sắt vào mùa thu, và phong trào Áo Vàng dẫn đến tình trạng bạo lực ở Paris vào tháng 11 và 12, cũng làm giảm bớt số lượng khán giả đến phòng phim. Với khoảng 5.909 phòng chiếu trên khắp lãnh thổ, Pháp vẫn là nước đứng đầu Châu Âu về điện ảnh.

Thu Hằng

Published in Quốc tế