Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/01/2019

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình trấn áp vì sợ nổi dậy

RFI tiếng Việt

Bị phản đối vì thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình trấn áp vì sợ nổi dậy

La Croixhôm nay 31/12/2018ghi nhậndưới áp lực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, "Tập Cận Bình buộc các lãnh đạo cao cấp Đảng cộng sản Trung Quốc phải tự kiểm thảo", cho thấy một số dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ đảng.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 18/12/2018. Reuters/Jason Lee

Tờ báo công giáo cho rằng "chủ tịch Tập Cận Bình là Mao Trạch Đông mới của thế kỷ 21". Và cũng như Mao, ông Tập không tránh được việc bị chỉ trích cho dù không phát biểu công khai. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, một số rạn nứt đã xuất hiện trong một chế độ luôn muốn chứng tỏ là hoàn toàn đồng tâm nhất trí.

Khi triệu tập 25 ủy viên Bộ Chính trị họp lại trong hai ngày 25 và 26/12 (vào đúng ngày Noel và sinh nhật của Mao 26/12/1893), Tập Cận Bình bắt buộc họ phải tự kiểm điểm, như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Theo Tân Hoa Xã, ông Tập "đã yêu cầu Bộ Chính trị phê bình và tự kiểm thảo về công việc của mình cũng như việc thực hiện các chỉ thị của Tập chủ tịch, chính sách và chủ trương của đảng".

Vai trò của Bộ Chính trị đã bị giảm hẳn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông tập trung mọi quyền lực vào tay mình, như thời Mao. Nhưng theo nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng như nước ngoài, uy quyền của ông Tập trong những tháng gần đây có phần bị lung lay do kinh tế bị chững lại, từ cuộc chiến tranh thương mại với nước Mỹ của ông Donald Trump.

Báo cáo chính thức của cuộc họp Bộ Chính trị lần này không nói rõ các ủy viên Bộ Chính trị phải tự kiểm về vấn đề gì, nhưng đây là dịp để Tập Cận Bình chỉnh đốn lại đội ngũ, kêu gọi họ "nhanh chóng nghiên cứu các bài diễn văn" của ông, "tự khép mình vào kỷ luật, và chấn chỉnh gia đình cùng các cán bộ thuộc quyền". Công thức này nhắc nhở lại nguyên tắc "tập trung dân chủ" lê-nin-nít trong đảng, đánh vào những ai không hoàn toàn trung thành với ông Tập.

Đối với chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, Tập Cận Bình bị phản đối trong nội bộ đảng, do đã đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Donald Trump và không dự đoán được việc hàng trăm mặt hàng bị áp thuế, làm thiệt hại cho khu vực chuyên xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như lãnh vực công nghiệp mũi nhọn.

Một số nhà kinh tế còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không tốt đẹp như trong thống kê chính thức, tỉ lệ tăng trưởng 6,5% là thổi phồng quá đáng, và nạn thất nghiệp gia tăng.

Ông Lâm Hòa Lập nhận định, Tập Cận Bình "đang chịu đựng một áp lực khủng khiếp phải thỏa thuận cho được với Donald Trump" trước thời hạn chót là đầu tháng Ba. Thời điểm này trùng hợp với kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, khi đó ông Tập có nguy cơ bị đại diện các vùng miền và những lãnh vực bị thiệt hại nhiều nhất do thương chiến, chỉ trích.

Cho dù Tập Cận Bình là một Mao Trạch Đông mới, nhưng ông Tập không có được cái uy tương tự về lịch sử. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, khi trả lời AFP lưu ý, Tập Cận Bình "không cảm thấy an toàn, và nói trắng ra thì ông ta thiếu tự tin. Ông Tập luôn lo sợ có ai đó nổi dậy". Một loại hoang tưởng mà Mao cũng đã từng bị. Đối với ông Hoa Pha, "Tập Cận Bình không đáp ứng được sự chờ đợi của người dân, và nỗi thất vọng của họ có thể biến thành tuyệt vọng".

Ai Cập khó vực dậy sau vụ khủng bố du khách Việt

Về vụ khủng bố ở Gizeh (Giza) khiến ba du khách người Việt thiệt mạng cùng với hướng dẫn viên tối thứ Sáu 28/12, Le Figaro nhận định vụ này "làm tổn hại nặng nề đến sự vực dậy ngành du lịch Ai Cập".

Thông tín viên của tờ báo ghi lại lời kể của Mostafa, người gác dan của một tòa nhà gần nơi xảy ra thảm kịch : "Chúng tôi đang cầu nguyện thì nghe một tiếng nổ lớn. Gian phòng chuyển động rất mạnh, chúng tôi quá sợ nhưng không đủ can đảm chạy ra bên ngoài xem chuyện gì xảy ra".

Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhanh chóng nói đến "một sự cố đáng tiếc", đồng thời khẳng định "không có quốc gia nào trên thế giới có thể bảo đảm an ninh được 100%".

Tuy việc kiểm soát đã được tăng cường tại các địa điểm du lịch của Ai Cập từ ba năm qua, nhưng các chuyên gia thường xuyên chỉ trích những thiếu sót của chính quyền tại một số di tích, nhất là những kim tự tháp nằm tại khu phố bình dân của thủ đô.

Có thật là 40 kẻ "khủng bố" ?

Muốn chứng minh là tình hình an ninh đang nằm trong vòng kiểm soát, đêm sau vụ khủng bố, chính quyền Ai Cập đã cho bố ráp gần nơi xảy ra vụ nổ và cả Al Arish ở Bắc Sinai. Cảnh sát đã triệt hạ "40 kẻ khủng bố đang có một loạt kế hoạch tấn công vào du lịch, địa điểm thờ phượng của Công Giáo và lực lượng an ninh" - theo bộ Nội Vụ. Nhưng các chuyên gia thường xuyên tố cáo các vụ dàn cảnh với cớ chống khủng bố.

Theo bà Alisson McManus, giám đốc nghiên cứu của Tahrir Institute for Middle East Policy, "năm nay có 187 người đã bị giết chết trong các cuộc bố ráp trên toàn quốc". Oded Berkowitz, nhà phân tích của cơ quan tư vấn rủi ro địa chính trị Max Security cũng ghi nhận các chi tiết đáng ngờ trên những tấm ảnh được công bố. Trong 31 tấm hình này, không thấy các đầu đạn trên mặt đất, những vết thương ở đầu và trên lưng, nhưng vật dụng xung quanh cho thấy có một bàn tay đã can thiệp, không giống như mô tả là "những cuộc chạm súng dữ dội".

Vẫn chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm, vụ khủng bố xe chở du khách người Việt là một cú đòn mới nặng nề cho đất nước của các Pharaon. Lãnh vực du lịch vốn ảnh hưởng đến 30% dân số vừa mới hồi phục, lại trở thành đích nhắm của các nhóm cực đoan. Những nhóm này chừng như muốn ngăn trở chế độ của ông Al Sissi tìm lại được thời huy hoàng cũ, khi cứ mỗi lần lãnh vực này được cải thiện thì lại tấn công vào khách du lịch nước ngoài. Một số nhà tổ chức tour lớn như Thomas Cook hay TUI đã hủy các chuyến đi Ai Cập trong những ngày tới.

Tin giả, Brazil, đồng euro, Macron : Tựa chính báo Pháp

Bìa số báo tất niên của Libération là một dấu hỏi lớn trên nền cờ Pháp, với tựa đề "Những câu hỏi đặc sắc và kỳ lạ nhất của độc giả và câu trả lời". Từ một năm rưỡi qua, tờ báo truy quét các tin giả với một công cụ hỗ trợ. Nhân dịp cuối năm, Libération giới thiệu với độc giả những chuyện hậu trường.

La Croixnhìn sang "Brazil, tất cả đều hữu khuynh". Tân tổng thống Jair Bolsonaro sẽ nhậm chức ngày mai, 1 tháng Giêng năm 2019 tại Brasilia. Từ khi đắc cử vào tháng 10, ông Bolsonaro liên tục đưa ra những tuyên bố cực đoan.

Le Mondecũng lo lắng chạy tựa "Brazil, cực hữu lên nắm quyền". Việc ông Jair Bolsonaro, 63 tuổi, được bầu làm tổng thống đánh dấu chiến thắng của phe quân sự, gợi lại thời kỳ độc tài, và vấn đề môi trường bị bỏ xó. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thắng lợi của Bolsonaro, và tân tổng thống Brazil cũng cho biết quan điểm gần gũi với hai thủ tướng cánh hữu Matteo Salvini của Ý, Viktor Orban của Hungary.

Về kinh tế, "Đồng euro hai mươi tuổi, một ước vọng chưa thành" là tựa trang nhất của nhật báo Les Echos. Đồng tiền Châu Âu đã cố gắng thích nghi được với cuộc khủng hoảng nợ công sau năm 2010, được hai phần ba dân Châu Âu ủng hộ và quốc tế hóa, nhưng còn lâu mới đuổi kịp đồng đô la Mỹ.

Về tình hình nước Pháp và cụ thể là tổng thống Emmanuel Macron, Le Figaro chạy tựa "Macron muốn lật sang trang mới một năm khủng khiếp". Biểu tình, bộ trưởng từ chức, kiến nghị bất tín nhiệm… Vị nguyên thủ nước Pháp trong những tháng gần đây phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị cao độ, đọc lời chúc mừng năm mới tối nay trong bối cảnh căng thẳng.

Macron và cách nhìn nhân văn về toàn cầu hóa

Xã luận của Le Monde nhận định "Ngoại giao của Macron, bài diễn văn đẹp đẽ".

Không chỉ tuổi trẻ và tài năng của tổng thống Pháp đã gợi hứng cho các đối tác cũng như đối thủ của nước Pháp, nhưng Emmanuel Macron còn mang lại niềm tin vào các giá trị và quyết tâm cải cách, trong một thế giới ngày càng hỗn loạn. Trong những bài diễn văn - tại Liên Hiệp Quốc và trước Quốc hội Mỹ về chủ nghĩa đa phương, tại Athens và đại học Sorbonne về Châu Âu - tổng thống Pháp đã đặt ra các mục tiêu cho tầm nhìn thế giới và chứng tỏ tham vọng.

Có thể tóm tắt lời hứa của ông Macron là "Một cách nhìn nhân bản về toàn cầu hóa". Trước sự co cụm lại của nước Mỹ, sức mạnh được phô trương của Trung Quốc và sự quay lại trường quốc tế của Nga, tổng thống Pháp muốn một Châu Âu bảo vệ "dân chủ và các giá trị cấp tiến", khẳng định là "lãnh tụ thế giới tự do", là "tiếng nói của những người bị quên lãng".

Một khi Brexit được thực hiện, thì Pháp sẽ là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu giữ ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong bối cảnh thời kỳ ngự trị của thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến hồi kết.

Khoảng cách giữa nói và làm

Tuy nhiên một năm rưỡi sau khi lên nắm quyền, tổng thống Macron vẫn chưa biến lời nói thành hành động, thậm chí còn tỏ ra nhập nhằng trong một số hồ sơ nóng bỏng như Syria. Thật ra còn phải chờ đợi đến cuối nhiệm kỳ mới có thể đánh giá, nhưng người ta có thể đặt câu hỏi Emmanuel Macron có giữ được những lời hứa trên hay không.

Nhìn dưới một góc cạnh khác biệt, xã luận của Le Figaro đòi hỏi "Một cuộc cải cách khác". Khi Emmanuel Macron đắc cử, nhiều người Pháp nghĩ rằng sẽ ra khỏi những năm dài bất động, nhưng nay khi những người Áo Vàng xuất hiện trên đường phố, thì tình hình đã khác. Tất nhiên vị tổng thống trẻ tuổi không phải là người chịu trách nhiệm về tất cả những vấn nạn của nước Pháp, nhưng thử thách lớn nhất của ông là phải tự chỉnh đốn lại về ngôn từ và thái độ. Nếu không tự cải cách chính mình, thì cơ hội cải cách được đất nước của Macron sẽ rất nhỏ nhoi.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)